Washington:
Vào trưa ngày 11/9, tại Vương Cung Thánh Ðường Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Ðền Thánh Quốc Gia ở Washington, Ðức Giám Mục Wilton D Gregory đã chủ sự "Thánh Lễ Tưởng Niệm những cuộc khủng bố ngày 11/9, Cầu Nguyện cho Hòa Bình trong Thời Chiến". Ðức Giám Mục đã đến Washington tham dự cuộc họp các Ủy Ban trong Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ từ ngày 10-11/9 gồm có khoảng 50 Giám Mục. Các Giám Mục cũng cùng đồng tế trong buổi lễ hôm nay.

Vào đầu Thánh Lễ Ðức Hồng Y Theodore E McCarrick cai quản Tổng Giáo Phận Washington đã giới thiệu và chào tất cả các giáo dân tham dự. Ðức Hồng Y nói: "Trong năm qua, một năm với nhiều vấn đề, một năm lo âu, nhưng chúng ta được sống trong tình yêu và quan phòng của Thiên Chúa".

Tiếp theo Ðức Giám Mục Gregory- Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đã bắt đầu Thánh Lễ và ban bài giảng. Sau đây là toàn văn bài giảng của Ðức Cha:


"Quý anh chị em thân mến,

Vào ngày hôm nay cách đây đúng một năm, nhiều người trong chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành Bí Tích Thánh Thể với Ðức Hồng Y Theodore McCarrick. Làn khói vẫn còn lơ lững trên bầu trời tại Ngũ Giác Ðài, trên cánh đồng Pennsylvania, và khắp miền đất thấp Manhattan, mọi người cầu nguyện cho quốc gia chúng ta và cho tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Ðức Hồng Y McCarrick đã yên ủi chúng ta qua bài thuyết giảng thực sự được gói ghém trong tâm khảm đời linh mục của Ngài chứ không như một văn thư, Ngài đã kêu gọi chúng ta đến gần với Chúa Giêsu và xin Chúa chữa lành. Như Ngài đã đứng ngay bục giảng này, Ngài đã kêu gọi chúng ta cùng cầu nguyện:

"Chúng con cầu xin Thiên Chúa chữa lành cho những ai bị tổn thương hay bị thương tích và cầu xin Thiên Chúa chữa lành tâm hồn cho những người đã mất đi người thân yêu. Chúng con cầu xin cho đất nước chúng con và cho những người đã ra đi, cho những người đau yếu và bị thương tích, xin cho chúng con biết cầu nguyện không ngừng cho các gia đình đang chịu đau khổ, chúng con cũng cầu xin cho các nhà lãnh đạo chúng con được sức mạnh và can đảm trước cảnh bi thương này, để họ biết đeo đuổi công lý đối với thủ phạm của tội ác ghê tởm, xin cho họ biết không ngừng tiếp tục xây dựng quốc gia chúng con như đã từng được gầy dựng với giá trị của đức tin và tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống".

Những lời này sẽ thách đố quốc gia chúng ta và nhắc lại cho chúng ta tất cả những gì được biểu lộ trong 12 tháng qua. Vẫn còn đắm chìm trong cuộc chiến chống khủng bố đã thương tổn đến sinh mạng vô tội, chúng ta biết dè dặt và còn sợ sệt ngay cả nơi công xưởng, nơi đường phố, ngay cả nơi phi trường của chúng ta trong một hình thức mà chưa từng bao giờ tưởng tượng ra trước đây. Các quân nhân nam và nữ, luôn mãi gần gũi trong tâm lòng chúng ta, họ tiếp tục theo đuổi những chiến lược để bảo vệ và tất cả chúng ta tìm kiếp những đường lối cổ võ hòa bình với một tương lai không chắc chắn trong một thế giới không kiên định.

Ðức Thánh Cha đã nói rất đúng khi gọi ngày 11/9/2001 là "một ngày đen tối trong lịch sử nhân loại, một cuộc công kích ghê tởm đến phẩm giá con người". Chúng ta vẫn kiếm tìm một câu trả lời cho câu hỏi mà Ðức Thánh Cha đã nêu lên trong buổi tiếp kiến dân chúng trong ngày sau cuộc khủng bố (thứ Tư 12/9/2001):

"Làm sao lại có thể hành động dã man hung ác như thế?"

Cũng cùng câu hỏi mà Thánh Gia-cô-bê muốn chúng ta hôm nay tìm câu trả lời.
"Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em?"

Phải chăng bạo lực phi lý như thế phát xuất từ một xung đột các ý thức hệ tôn giáo?
Phải chăng là hậu quả của những căng thẳng chính trị?
Hay là bạo lực do từ những nhân tố xã hội kinh tế?
Phải chăng tàn bạo là hậu quả từ việc tàng trữ vũ khí?

Có lẽ phần đông sẽ đồng ý rằng tất cả điều này là những yếu tố bộc phát lên từ bạo lực vừa qua, nhưng bất kỳ một trong những điều đó có là chính nghĩa tối hậu không? Làm sao con người lại ngồi điều khiển những chiếc máy bay và chủ tâm tiêu diệt sinh mạng biết bao nhiêu người vô tội và trẻ em?

Rất thường chúng ta tìm thấy những nguyên nhân chiến tranh "ở bên ngoài". Ðó là điều tương đối dễ làm. "Ðó là những con người gian ác đi làm những chuyện tai họa". Nhưng Thánh Gia-cô-bê đã nói cho chúng ta rằng chiến tranh không đến từ bên ngoài, nhưng "bởi chính những khoái lạc trong con người anh em", hay với những lời của Ðức Thánh Cha: "Tâm hồn con người có chiều sâu từ đó những mưu đồ gian ác chưa từng nghe tới đôi khi dấy lên..."

Như thế thực sự phải có cuộc chiến đang chiến đấu trong từng mỗi con người. Cuộc chiến đẫm máu chỉ là biểu hiện bên ngoài cho những cuộc đấu tranh chưa được giải quyết đã lôi kéo tâm hồn con người. Thánh Gia-cô-bê đã nói cho chúng ta cuộc chiến bắt đầu vì ham muốn rồi ganh ghét, và cuối cùng là xung đột và gây chiến với nhau.

Mỗi người trong chúng ta là một tham dự viên trong cuốc chiến đó, nó xử dụng những vũ khí còn chiến lược hơn bom đạn và súng ống. Nó dùng sự nghi ngờ, nói bóng gió và lừa dối trắng trợn. Một cuộc chiến như thế còn gây thiệt hại muôn vàn hơn là cái chết ghê tởm. Băng hoại những con tim để chúng không thể và sẽ không còn tin tưởng, nó làm chúng ta không còn tình yêu thương, và nô dịch hóa tâm trí cho tới khi không còn có thể mang lại sự thật. Thiệt hại này thấm nhuần tới thế giới bên ngoài, truyền lan đi sự hủy diệt và cảnh cơ cùng.

Rồi còn lý do gì, tại sao có người lái những chiếc máy bay đầy nhiên liệu đâm vào các tòa nhà chứa đầy người cách đây một năm? Lý do là họ đã thua cuộc chiến.. cuộc chiến trong tâm khảm con người. Họ ấp ủ lấy âm u của sự chết và nảy lên một tia sáng.

Như thế, liệu chúng ta phải chịu bơ vơ trước sự chiến thắng gian ác như thế chăng? Chúng ta có là những nạn nhân thụ động của cuộc xâm lược như thế không? Không phải là thế, như lời cầu nguyện chúng ta sẽ dùng vào cuối Thánh Lễ hôm nay, là xin Thiên Chúa "giúp chúng con vượt qua chiến tranh và bạo lực và thiết lập luật tình yêu và công lý của Chúa". Những phương tiện để vượt qua "bạo lực và gian ác trong con người chúng ta" được tìm thấy trên bàn thánh nơi chúng ta sẽ cử hày Bí Tích Thánh và sinh động, do Chúa Kitô liên kết chúng ta lại tới các chết và phục sinh của Người và phục hồi sự yên tĩnh và an bình cho tâm hồn con người.

Vì thế chiến tranh không bao giờ thắng được bởi những người có vũ khí tối tân nhất hay có chiến lược lợi hại nhất. Chỉ có cách mà quý anh chị em và tôi có thể đánh bại bạo lực là biết Chúa Kitô, biết nhận Ngài trong Bí Tích Thánh Thể, biết yêu Ngày và chọn cuộc sống nơi Ngài. Rồi chúng ta sẽ biết "hòa bình mà thế giới không thể ban tặng" và liên kết với Ðức Kitô, chúng ta sẽ là men hòa bình trong một thế giới chất chứa bạo lực và căm thù.

Chỉ có cách chiến đấu sự gian ác là kiếm tìm Ðức Kitô. Ði vào cuộc cử hành những mầu nhiệm thánh thiêng này sâu xa hơn, những mầu nhiệm này biến đổi sự thiếu thốn của chúng ta để trở thành sự phong phú tinh thần, sẽ thỏa mãn sự khao khát, sẽ lau khô những giọt lệ của tất cả ai đang than khóc và biến đổi hận thù thành niềm vui.

Ðó là những gì mà Ðức Thánh Cha đã nói trong lá thư gửi cho Ðức Hồng Y McCarrick vào năm ngoái:

"Ðối với những người bị ảnh hưởng bởi sự đau thương khủng khiếp này, Cha đưa lên ánh sáng Phúc Âm và cầu nguyện nhờ Chúa Thánh Linh, họ sẽ được dẫn tới một sự hiệp thông gần gũi hơn bao giờ hết với Chúa Giêsu Kitô trong mầu nhiệm thánh giá và sống lại của Người. Tới tất cả mọi nguời, Cha long trọng lập lại huấn thị của Phúc Âm là đừng để ma quỷ chinh phục, nhưng hãy chinh phục ma qủy với lòng thiện hão, hãy tin vào sức mạnh ân sủng Thiên Chúa để biến đổi tâm khảm con người, và biết hành động không mỏi mệt để thể hiện một tương lai công lý, hòa bình và an toàn cho con cháu của thế giới chúng ta".

Cuộc đấu trang để mang lại hòa giải cho tâm hồn, lôi kéo con người đức tin đi vào một sự liên kết thánh thiện và không chuyển lay vì hòa bình, đó là một thử thách mà chúng ta không thể và không dám đánh mất. Vì sự chiến thắng đó mỗi người trong chúng ta cầu xin Thiên Chúa, Thủ Lãnh Hòa Bình, hướng dẫn mọi nỗ lực và quyết tâm của chúng ta. "