Cảm xúc khi thăm viếng Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin của giáo phận Sàigòn



Một lối đi vào rộng rãi, một không gian thoáng đãng, tạo cảm giác dễ chịu cho một buổi sáng Chúa nhật; cộng thêm tâm lý của một người không phải lo toan vội vã điều gì, tôi đến thăm Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin của giáo phận Sài Gòn với những cảm xúc rất riêng len vào lòng.

Nhà Truyền thống Văn Hóa và Đức Tin TGP Saigon
Nhà Truyền Thống tọa lạc ở giữa khu vực rộng lớn bên phải là Đại Chủng Viện thánh Giuse còn bên trái là Trung Tâm Sinh Hoạt Công Giáo.

Hình ảnh đầu tiên đi vào trong mắt tôi là logo của Nhà Truyền Thống. Đó là con thuyền nhỏ đang lướt trên sóng với đôi cánh buồm căng gió, được đặt trên thảm sỏi ẩn dưới lối đi vào các phòng trưng bày. Nhưng tạo cảm xúc ban đầu lại là con thuyền lớn, biểu tượng của Hội Thánh, đặt ngay giữa phòng Chứng Tích Đức Tin. Thật ý nghĩa, lại pha một chút lãng mạn vì đó là con thuyền chứ không phải mặt trời, vầng trăng, núi, đất, hoa... mà phần lớn nhiều người hiểu được đó là hình ảnh Giáo Hội lữ hành. Trong suy nghĩ nhỏ bé của tôi, mỗi người còn là con thuyền nan mỏng mảnh, chòng chành trên những con sóng cuộc đời và phải tắp vào bến để kết thúc một phận người; ở bến đó, người ta phải kết toán hành trình đã qua của đời sống riêng mình với Đấng Thượng Đế cao cả, toàn năng.

Cũng phòng Chứng Tích Đức Tin đó, hai bia đá có ghi kinh Tin Kính với văn phong của người xưa làm cho tôi (dù được học khoa văn chương) vẫn không thấy sượng mà lại thấy dạt dào cảm mến vì lời văn bộc lộ một niềm tin được soi rọi, loan tuyền từ cái chết và phục sinh của Đức Kitô; lời văn đơn sơ mà chẳng tềnh toàng, thể hiện được rõ nét nội dung.

Ở phòng Dấu Ấn Đức Tin, một bản đồ địa lý có 26 giáo phận trên dải đất cong cong hình chữ S của Việt Nam đó, đặt trên nền đất có ý nghĩa biết bao! Giáo Hội trong lòng dân tộc, vâng, trên dải đất này Giáo Hội Việt Nam luôn hiện và kiên vững làm chứng cho Đức Kitô qua những chặng đường lịch sử; có lúc thăng có lúc trầm, có lúc bị ảnh hưởng theo những suy nghĩ, định kiến của những người được Thiên Chúa ban cho quyền điều hành đất nước này.

Nhưng bước đến tấm bảng gỗ lớn có danh sách 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, mới thấy một niềm hạnh phúc dâng trào trong lòng tôi, là một người được tin và sống đạo cách bình an. Thật sáng chói! Rất đang tự hào! Ai cũng chết có một lần, nếu phải minh chứng cho niềm tin của mình là giá máu thì có đắt quá không? Và so với hạnh phúc ngàn thu thì người ta nghĩ gì về sự rộng lượng của Thiên Chúa? Thiếu gì người để cái chết ập đến mà chẳng mang một ý nghĩa gì, thậm chí còn vô lý, tai tiếng nữa! Rồi đây sẽ có phần chiếu phim minh họa những đĩa DVD nói về tiểu sử của từng vị thánh cho các khách tham quan nữa, khi đó phòng này sẽ sinh động biết bao!

Đồ dùng thời xưa
Những bước chân của tôi lại rảo qua phòng Văn Hóa Dân Tộc, nơi trưng bầy đồ đá, đồ cổ, các vật dụng, trang sức của người xưa. Đặc biệt nhất là có khá nhiều loại đèn qua các thời kỳ của một số nước trên thế giới. Trong truyện cổ tích xưa, khi có cây đèn thần của Aladin trong tay, chủ nhân của nó cứ quen xin điều này điều nọ: tiền bạc của cải, quyền hành danh vọng hay những thứ chỉ đáp ứng lòng tham sân si của con người. Không biết có ai nguyện ước cho ánh sáng văn hóa của đức tin chiếu rọi trên những cuộc đời tăm tối để người ta bước đi trên con đường có điều CHÂN, có sự THỆN, có MỸ?

Khi thánh Giuse dẫn Đức Mẹ và Chúa Giê trốn sang Ai Cập, đâu có ai ghi lại được hình đó, nhưng từ cảm xúc trước một biến cố của gia đình thánh, một họa sĩ đã dùng nét vẽ kiểu Đông Phương họa cảnh Đức Mẹ bế con trên lưng ngựa để thánh Giuse dắt đi giữa đồi núi chập chùng. Sao mà chân phương đến thế; vừa phảng phất nỗi khổ bụi trần, vừa thơ mộng với trời mây non nước. Phòng Nghệ Thuật Thánh còn đưa người ta vào thế giới tranh thật tuyệt vời.

Đứng giữa phòng Loan Báo Tin Mừng mà tôi lại chợt nghĩ về bà ngoại của tôi khi nhìn thấy hình Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, ở khoảng đầu trong dẫy hình các Đức giám mục Việt Nam. Có lẽ không phải do bộ râu trắng tinh đặc biệt dài đến ngực của Ngài mà do những lời kể lại của bà ngoại tôi, rằng Đức Cha rất giỏi lại sống đơn sơ; Ngài sáng tác ra khá nhiều kinh kệ để giúp cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện phù hợp trong giai đọan đầu thế kỳ 20. Đức Cha đi chiếc xe hơi “bờ rô”, con chó của nhà chung thường theo Ngài đi vài nơi gần trong giáo phận; khi Đức Cha ra nhà thờ Chánh Tòa Bùi Chu dâng lễ thì nó nằm đợi ngoài cửa, tan lễ nó vẫy đuôi đi theo Đức Cha về nhà. Lạ nhất là sau bữa cơm thường ngày, Đức Cha hay ăn củ khoai nướng; mẹ tôi lúc còn trong “Nghĩa Binh” còn được Đức Cha dạy hát bài “Thánh Giuse” nữa.

Dưới mỗi hình chân dung của các Đức Cha đều có ghi khẩu hiệu mà các Ngài chọn. Đọc các khẩu hiệu ấy, tôi thấy thú vị, hình như mỗi khẩu hiệu đó bộc lộ được một nét trong cá tính của người chọn. Có lẽ mỗi giáo dân cũng nên âm thầm chọn cho mình một khẩu hiệu để sống, để nương theo đó mà trở thành chứng tá đức tin; được như thế, tôi sẽ hăm hở chọn cả bài dài chứ không phải một câu, đó là “Bài Giảng Trên Núi”.

Lướt qua vài phòng nữa rồi dừng chân tại thư viện, tôi được nghe hướng dẫn viên nói về một quyển sách cổ nhất, được xuất bản từ năm 1586 và những cuốn sách viết từ thế kỷ 18, 19…Đă từ lâu, sách là người bạn tốt của loài người. Bao giờ một cuốn sách (dĩ nhiên phải đúng nghĩa là sách) cũng truyền tải một thông điệp đến người đọc. Sách ở đây khá nhiều, chắc là ẩn ở đấy nhiều điều mà người xưa muốn nói. Thời buổi này thời gian quí hơn vàng, hiếm người chăm chú đọc, nhưng biết đâu những điều trong sách lại mang đến những bất ngờ cần thiết.

Dường như ai cũng đă quen mắt nhìn Chúa Giêsu trong trang phục người Do Thái qua các hình ảnh nhưng nếu nhìn những bức tranh của phòng Mỹ Thuật Tôn Giáo và Dân Tộc sẽ thấy Chúa Giêsu mặc áo dài rất Việt Nam trong diễn tiến cuộc thương khó. Tôi đứng nhìn thật lâu và nghĩ về những người Việt thời xưa sống đơn sơ chân chất trên mảnh đất quê hương êm đềm.

Những cảm xúc cứ dạt dào rồi cùng tôi rảo quanh hết các ngő ngách Nhà Truyền Thống và khi ra ngồi trước viên đá tròn ở hồ Bánh và Cá phía bên ngoài, suy tư của tôi quay hẳn sang một hướng khác.

Sài Gòn hiện nay đón nhiều khách du lịch. Có những điểm tham quan như nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện thành phố, Bến Nhà Rồng, các nhà trưng bày, bảo tàng… Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin hiện nay dù là bước khởi đầu nhưng cũng cơ bản hoàn thành chức năng lưu trữ các tài liệu, sách vở, di tích, hình ảnh liên quan tới chứng tích đức tin, sinh hoạt loan báo Tin Mừng và hội nhập văn hóa của Giáo Hội Việt Nam qua nhiều thời kỳ, đồng thời cũng sưu tầm, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo và nghệ thuật dân tộc. Cộng đòan dân Chúa cần chung tay đóng góp, xây dựng, hiến kế, duy trì để Nhà Truyền Thống thực sự trở thành điểm thắp sáng đức tin trong lòng các tín hữu và giới thiệu đức tin với người anh em và được là một “Thành Phố Trên Đồi” (Mt 5,14) trong lòng Giáo Hội và dân tộc.

Muốn được như thế, việc đầu tiên nên làm là VIẾNG THĂM. Nếu được các Cha chánh xứ trong giáo phận quan tâm, sẽ tạo điều kiện để các đoàn thể như ca đoàn, giáo lý viên của Thiếu Nhi Thánh Thể, các Bà Mẹ Công Giáo, giới Gia Trưởng, Gia Đình Thánh Tâm, Legio Maria… đến tham quan thì tốt đẹp biết bao!

Hơn thế nữa, chúng ta còn giới thiệu cho những người Việt định cư ở nước ngoài, khi về thăm quê hương nhớ ghé qua Nhà Truyền Thống để hiểu biết thêm về Giáo Hội Việt Nam qua hành trình đức tin và văn hóa.

Đức giám mục Giuse Vũ Duy Thống cho biết từ nay đến lễ Phục Sinh, chậm lắm là đầu mùa hč 2006, sẽ có thêm phần hoàn chỉnh mà ở đó có thể cầu nguyện bên tiếng suối chảy róc rách, có quán cà phê nhỏ để dừng chân và khoảng không gian thiên nhiên thoáng mát phía trước và phía sau Nhà Truyền Thống đủ để ta tìm được bầu khí thanh tịnh khi muốn tâm sự với Chúa.

Những sự việc, biến cố xảy ra ở hiện tại được thời gian đẩy lùi trở thành quá khứ. Người ta nhìn vào quá khứ để sống tốt thời hiện tại, và xây dựng những điều tốt đẹp cho tương lai.

Tôi rời Nhà Truyền Thống với vẻ luyến tiếc khoảng không gian ở đây và thầm nghĩ: rồi con người mỏng dòn của tôi cũng được thời gian cho qua đi, rơi vào quá khứ, liệu tôi phải làm những gì để có một chứng tích đức tin về lòng yêu mến của tôi đối với Thiên Chúa?