NHÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ & ĐỨC TIN SÀI GÒN

MỘT CÔNG TRÌNH CỦA THẾ KỶ

NƠI BẢO TÀNG NHỮNG CỔ VẬT CÔNG GIÁO VN


Tôi đến Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn để chào thăm Đức giám mục phụ tá Giuse Vũ duy Thống mà không báo trước, điều này qủa thực không đúng với phép xã giao và lịch sự. Thực tình tôi cũng chỉ cầu may thôi, vì chưa chắc đã có thể gặp được ngài.

Kinh tin kính chữ Nôm
Ông gác cổng cho lời hướng dẫn: “Ông cứ đi thẳng vào khu nhà đang sửa chữa kia mà kiếm ngài”. Và tôi đã gặp ngài, áo sơ mi trắng cụt tay giữa những ngổn ngang gạch ngói, xi măng, sắt thép, dàn giáo…như một ông đốc công, khó mà nhận ra nếu đã không có dịp gặp gỡ trước, chẳng thấy nhẫn, mũ gậy trong nghi thức đại trào.

Câu chuyện đã được vào đề một cách mau lẹ xoay quanh công trình mà ngài đang đảm trách: Nhà Truyền Thống Văn Hoá & Đức Tin (NTTVH&ÐT).

LỊCH SỬ

NTTVHDT là một khu nhà cổ, đã có hơn 100 năm, nằm ngay trước cổng chính của Đại Chủng Viện Sài Gòn(ĐCV/SG) nhìn vào. Ban đầu khu này thuộc Tiểu Chủng Viện Sài Gòn cũ nhưng sau được dành ÐCV/SG khi ÐCV được thành lập. Khu nhà có nhiều phòng, trước đây là phòng riêng của các cha giáo Đại Chủng Viện, sau năm 1975, trong giai đoạn khó khăn, nó đã được dùng làm tổ hợp Mành Trúc và Mây Tre lá xuất khẩu của các nam nữ tu sĩ thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn, do cha Phán dòng Phanxicô làm tổ trưởng. Phong trào Mây Tre Lá cũng chẳng tồn tại được lâu dài, và sau đó khu nhà hoàn toàn bỏ trống, xuống cấp trầm trọng vì không được săn sóc và bảo quản. Ít lâu sau, cố linh mục Đa Minh Trần Thái Hiệp, nguyên giám đốc ÐCV/SG lấy một hai phòng còn sử dụng được để làm phòng tranh (ngài là người say mê hội hoạ) đồng thời lưu giữ một số những di sản tôn giáo của điạ phận Sài Gòn; nên khu nhà này còn được gọi là Nhà Truyền Thống. Có một điều độc giả cần biết là toàn bộ đất đai và nhà cửa khu Tiểu Chủng Viện Sài Gòn cũ, và khu đất của ĐCV/SG bây giờ, là tài sản riêng của một linh mục truyền giáo thuộc Hội Thừa Sai Paris, linh muc Wibaux bỏ ra mua và xây cất(1863), hiện nay mộ chí của ngài còn nằm ở phiá đầu của nhà nguyện. (tính cho đến nay Tiểu Chủng Viện đã xây dựng được 143 năm ))

Khi Đức cha Giuse Vũ Duy Thống được giao trọng trách đứng đầu Tiểu ban Văn Hoá của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngài đã nghĩ ngay đến việc tu bổ lại khu nhà này và đổi tên thành Nhà Truyền Thống Văn Hoá & Đức Tin (NTTVH&DT) – cũng cần phải nói thêm là hiện thời ngài cũng là một trong những ủy viên Hội Đồng Văn Hoá các Dân Tộc của Đức Giáo Hoàng.

Dao và giây
Nhưng có nhiều ý kiến lo ngại, vì khu nhà đã quá cũ và xuống cấp trầm trọng, trần nhà một vài nơi đã rạn nứt hoặc sụp, nền móng nhiều chỗ lún sâu, tường và nền nhà nứt nẻ….. có thể sập xuống bất cứ lúc nào; Hội đồng Linh Mục của giáo phận Sài Gòn đã đưa đề nghị phá bỏ hoàn toàn để xây lại đẹp đẽ hơn, khang trang và hiện đại hơn. Nhưng Đức cha Giuse đã quyết định, theo như ngài kể, giữ lại toàn bộ cấu trúc căn nhà, nhưng sẽ sửa chữa và nâng cấp để khu nhà có thể tồn tại lâu dài, vì đây cũng là một di tích tôn giáo cổ hiếm hoi còn sót lại tại thành phố Sài Gòn, cần phải được duy trì, bảo tồn, hơn nữa với hình dáng cổ kính kiểu Pháp, khu nhà rất thích hợp cho NTTVH&DT. Cũng theo ngài nguyên phần nâng cấp và duy tu khu nhà cũng đã tốn hằng tỷ đồng Việt Nam, và rất nhiêu khê.

Khu NTTVH&DT tọa lạc giữa khu đất dài 192m rộng 56m. Bao gồm 3 khu biệt lập gồm: Nhà Trưng Bày, Nhà Nguyện và mộ phần đấng sáng lập, cha Wibaux.

THIẾT KẾ & BÀI TRÍ

Vừa bước chân vào cổng ĐCV, du khách sẽ bị cuốn hút ngay với phù điêu “Nhân Chứng Đức Tin” của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng và các bạn ông, diễn tả những cực hình trong thời kỳ cấm đạo.

Để tiến vào NTTVH&ÐT du khách sẽ đi vòng quanh hang đá Đức Mẹ Lộ Đức v?i ti?ng nh?c êm dịu phát ra từ những chiếc loa chôn ngầm dưới đất dọc theo lối đi. Điều làm du khách thích thú và ngạc nhiên đầu tiên, trước khi bước lên bậc thềm của khu Nhà Trưng Bày, là hai hàng Linh quy bằng đá granite, nằm hai bên trước bậc thềm, mang trên mình những tấm bia được khắc tên các thánh Tử Đạo Việt Nam, giống như ở Văn Miếu Hà Nội. Đây cũng là một ý nghĩ độc đáo và sáng tạo để tôn kính các vị tổ tiên anh hùng Công Giáo Việt Nam, đồng thời tạo cho khách tham quan một ấn tượng mạnh.

Khu này là một dẫy nhà 3 tầng, dài 22.55m, rộng 23.4m. Tầng trệt và lầu 1 được tạm thời chia thành 4 khu. Tuy công trình xây cất còn dang dở nhưng tôi cũng được Đức cha Giuse dắt đi tham quan sơ qua một vòng.

Ngay giữa phòng tiếp tân của tầng trệt là một huy hiệu (logo) lớn của NTT&VHDT hình con thuyền đang lướt sóng biểu trưng cho Giáo Hội Việt Nam, cột buồm là một thánh giá vươn cao với lá cờ nhỏ tượng trưng cho sự Phục sinh của Chúa Kitô, hai cánh buồm căng gió tương trưng cho Văn Hoá của dân tộc và Đức Tin Kitô giáo. – xin xem hình ở đầu bài viết-. Tại phòng tiếp tân, trong tương lai, sẽ có các tiếp viên làm việc 8 tiếng một ngày, những flyers, booklets nói về NTT&VHDT bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Anh và Pháp.

Gươm chém
Bên phải phòng tiếp tân là một phòng lớn mà tôi tạm gọi là “Phòng Tiệc Ly”. Sở dĩ gọi vậy vì hai lý do: Thứ nhất- ở giữa phòng được kê một bàn hình bầu dục rất lớn, mới tinh, bóng lộn, mặt bàn là một phiến gỗ gõ nguyên thủy được đưa từ Lào về, đi chung với bàn là bộ ghế 12 chiếc, tượng trưng cho 12 thánh tông đồ trong đêm Tiệc Ly. Bàn và ghế được làm theo kiểu bàn ghế cổ thời xưa. Điều đáng trân trọng là bộ bàn ghế này, theo Đức cha cho biết, do một Phật tử kính tặng. Thứ hai- ở cuối phòng là bộ ghế phòng khách (salon) cổ, bằng gỗ cẩm với lưng tựa bàng đá cẩm thạch trắng pha đen hình sơn thủy, xuất xứ từ Toà Khâm Sứ Sài Gòn hồi xưa. Khi Toà Khâm Sứ (nằm trên đường Hai bà Trưng cũ, đối diện toà Đại sứ Đài Loan) bị tiếp quản, nó đã được những người giúp việc toà Khâm Sứ lúc bấy giờ đem về để tại ĐCV/SG. Một điều lý thú là khi di chuyển nó sang khu NTT&VHDT một phiến đá tựa lưng của ghế dài bi bung ra, và người ta đã tìm thấy những tờ giấy ghi lại “tiểu sử” – history- của bộ ghế được cất dấu ở đó. Trong phòng cũng được trang bị một hệ thống âm thanh tuyệt hảo của Bose, cùng với một máy chiếu (projector) và một màn hình hiện đại có thể cuốn lên được; dùng để giới thiệu với khách tham quan một số những hình ảnh sinh hoạt tôn giáo hiên nay.

Bia đá
Băng qua một hành lang nhỏ để bước vào căn phòng song song với Phòng Tiệc Ly khách thưởng ngoạn sẽ tức khắc cảm thấy bị choáng ngợp và xúc động khi thấy con thuyền Giáo Hội Việt Nam, dài 12, rộng 1.5 mét với cột buồm hình thánh giá, sừng sững đứng giữa phòng, các công nhân đã phải đục tường mới có thể đưa lọt con thuyền vào trong phòng. Lòng thuyền được trải một lớp thảm nhung đỏ thắm, tượng trưng cho máu tử đạo của các tiền nhân; mũi thuyền được cuốn quanh bằng một sợi giây thừng lớn, phần dư của giây được thả lỏng cặp bên trong và ngoài 2 be thuyền, tượng trưng cho bắt bớ tù đày, tra tấn, đòn vọt, nghi kỵ…luôn trói chặt và vây quanh Giáo Hội Việt Nam qua các thời đại.

Bức tường cuối con thuyền là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chưa từng có tại Việt Nam từ trước đến nay, thoạt nhìn người ta sẽ tưởng đó là đồng đen; nhưng thực ra bức phù điêu này gồm hằng trăm mảnh gốm nung được ghép lại với nhau để tạo nên bức tranh Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Hai bên tường là những trạm (stations) nhỏ được thiết kế với 2 phong thái khác biệt Đông với hình dáng những mái chùa cong, và Tây với những nét mang tính Tây phương.

Ý nghiã chính của bài trí: con thuyền Giáo Hội/VN mặc dù gặp bao nhiêu thử thách và chông gai, với sự chở che của Nữ Vương Maria và sự phù hộ của các Thánh Tử Đạo Việt Nam vẫn hiên ngang lướt sóng, giữ vững Đức Tin trong lúc đi giữa và hội nhập được hai nền văn hoá Đông Tây.

Cùng nằm chung với tầng trệt là phòng trưng bày các cổ vật tôn giáo được chia thành 2 khu vực: khu vực các cổ vật mang tính tôn giáo trước khi Công Giáo du nhập vào Việt Nam, và khu vực các cổ vật Công Giáo. Ở đây khách tham quan chắc chắn sẽ choáng ngợp với hàng trăm cổ vật khác nhau gồm đủ các thể loại.

Quí vị sẽ thấy 450 chiếc đèn cổ đủ loại, đủ kiểu, đó là bộ sưu tập của cha Nguyễn hữu Triết cống hiến.