X. Giáo Hội và việc hình thành thời kỳ phân chia



1. Bối cảnh thời gian

Khi Thế Chiến II kết thúc, thế giới bước vào thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Sự đối đầu giữa Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu và Liên Bang Xô Viết đã gây một ảnh hưởng rất lớn trên Bán Đảo Triều Tiên. Suốt thời đối đầu này, Bán Đảo Triều Tiên trở thành khu vực dương oai diễu võ của thế giới Chiến Tranh Lạnh và vĩ tuyến 38 trở thành đường phân ranh giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản.

Nhiều nhà ái quốc tham gia phong trào độc lập và quốc gia, và tranh đấu gian khổ để ngăn cản việc chia đôi Bán Đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các cố gắng của họ đều vô hiệu do hậu quả cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và cũng do một số chính khách lạm dụng tình hình Chiến Tranh Lạnh này. Cuối cùng, Nam và Bắc Hàn đã tiến đến việc thành lập các chính phủ riêng biệt trên các lãnh thổ của họ vào năm 1948. Người ta đã đoán trước chiến tranh giữa đôi bên sẽ xẩy ra. Đúng vậy, năm 1950, Chiến Tranh Triều Tiên đã bùng nổ và cho tới ngày có Hiệp Ước Đình Chiến vào năm 1953, Giáo Hội kinh qua nhiều biến động khủng khiếp.

Năm 1948 tới năm 1953 là thời kỳ thiết lập hệ thống Chiến Tranh Lạnh trên Bán Đảo Triều Tiên. Trong thời này, thái độ của Giáo Hội là thái độ của một người ngồi nhìn và quan sát bằng ý thức hệ chống cộng trong khi các chính phủ phân rẽ được thành lập trong xứ. Có thể nói đây là một trong các đặc điểm của Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn vào lúc này.

2. Giáo Hội Nam Hàn và việc thành lập các chính phủ riêng rẽ

Chính Phủ Cộng Hòa Đại Hàn được thành lập tại miền Nam ngày 15 tháng Tám năm 1948, trong khi Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Đại Hàn được thành lập tại miền Bắc ngày 9 tháng Chín cùng năm. Các lực lượng dân chủ ở miền Nam cực lực phản đối việc thành lập một chính phủ độc lập ở miền Nam và phe tả lập tức tham gia cuộc phản đối này. Một chiến dịch được phát động nhằm tẩy chay cuộc tổng tuyển cử, chống đối việc thành lập tại miền Nam một chính phủ độc lập, và yêu cầu có một chính phủ hợp nhất quốc gia. Trong khi ấy, phe hữu do Lý Thừa Vãn lãnh đạo vận động mạnh cho việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử để lập ra một quốc gia dân chủ tự do cho miền Nam.

Mặt khác, Giáo Hội tại Nam Hàn hết sức lo lắng trước nguy cơ miền Nam có thể trở thành một quốc gia cộng sản, vì nhiều văn kiện của Tòa Thánh vốn cảnh giác các tín hữu về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản. Hơn nữa, sự kiện các Giáo Hội Công Giáo tại Đông Âu bị cộng sản bách hại càng làm cho người Công Giáo Đại Hàn sợ hãi thêm. Họ hiểu hiểm họa cộng sản tới gần khi thấy nhiều đoàn người Công Giáo tỵ nạn từ Bắc chạy xuống Nam để trốn thoát chế độ cộng sản.

Trong bối cảnh đặc biệt này, Giáo Hội miền Nam nói rõ chủ trương chống cộng của mình. Hậu quả: ý thức hệ chống cộng được cổ vũ rộng rãi trong giới truyền thông và tại các tòa giảng Công Giáo.

Giáo Hội Công Giáo miền Nam không bao giờ có chủ trương chính thức chống lại việc thành lập một chính phủ độc lập tại miền Nam, một việc thực sự đã chia đôi xứ sở. Thay vào đó, các phương tiện truyền thông Công Giáo minh nhiên bày tỏ sự hỗ trợ của mình đối với chính phủ độc lập mưu cầu tự do tôn giáo ít nhất cho miền Nam. Giáo Hội miền Nam khuyến khích các tín hữu tham gia tích cực vào cuộc tổng tuyển cử và các phương tiện truyền thông Công Giáo cố gắng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyển cử tự do và cố vấn cho họ trong việc chọn lựa đại biểu. Truyền thông cũng cố gắng cổ vũ việc tham gia chính trị của người Công Giáo. Thời này, Trương Miễn (Chang Myon), một người Công Giáo ngoan đạo, được người đồng đạo hỗ trợ, đã đi vào chính trị và trở thành một chính trị gia già dặn về khả năng. Các chính trị gia cánh hữu, trong đó có Lý Thừa Vãn, tỏ cảm tình nồng hậu đối với Giáo Hội Công Giáo. Trong bầu không khí như thế, một số đông người Công Giáo đã tham gia việc xây dựng quốc gia bằng cách dấn thân vào hoạt động chính trị. Hiến Pháp Quốc Gia do những người này soạn thảo đã bảo đảm quyền tự do tôn giáo và chính phủ xử tốt với các sinh hoạt tôn giáo.

3. Giáo Hội tại Bắc Hàn

Tại Bắc Hàn, Hội Đồng Nhân Dân, cơ chế nền tảng của chính phủ miền Bắc, cũng được thành lập vào cùng thời gian. Sau khi chính phủ Nam Hàn được công bố không lâu, Cộng Hòa Nhân Dân ra đời tại Bắc Hàn. Người cộng sản miền Bắc huyên hoang mình là chính phủ hợp nhất, nhưng thực tế, họ tìm cách thành lập một chính phủ độc lập trong hệ thống cộng sản.

Tình thế người Công Giáo Bắc Hàn khác hẳn tình thế các đối tác của họ ở miền Nam. Đa số họ bị đàn áp ngay từ ngày quốc gia được giải phóng năm 1945 và do đó cực lực chống đối chế độ cộng sản. Thời gian này, Đảng Dân Chủ Joseon hành động như một đảng quốc gia và thực hiện nhiều sinh hoạt chống lại Đảng Công Nhân Joseon vốn là tên khác của Đảng Cộng Sản. Trong bối cảnh này, một số người Công Giáo Bắc Hàn tham gia Đảng Dân Chủ Joseon. Tuy nhiên, trong thời gian thành lập chính phủ nhân dân, những ai có khuynh hướng quốc gia đều dần dần bị loại trừ khỏi lãnh vực chính trị và người Công Giáo không được dành bất cứ cơ hội chính trị nào.

Tình hình này của Giáo Hội Công Giáo miền Nam và miền Bắc không phản ảnh chủ trương chính thức của Giáo Hội như một toàn thể. Tuy nhiên, các Giáo Hội Nam và Bắc bị đối xử khác nhau tùy theo các chính phủ mới được thành lập của họ. Trong khi chính phủ miền Nam coi Giáo Hội Công Giáo như một thế lực hỗ trợ, và kín đáo ủng hộ các hoạt động của Giáo Hội này, thì chính phủ miền Bắc, vì định nghĩa tôn giáo là thuốc phiện ngu dân, nên đã đàn áp tôn giáo. Người Công Giáo nào khước từ không tham gia Hiệp HỘi Kitô Giáo Đại Hàn do người ủng hộ cộng sản khời xướng đều bị coi là những thành phần dơ bẩn và nguy hiểm. Ngay sau khi thành lập chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân, các kiểm soát và hạn chế đối với Giáo Hội Công Giáo được tăng cường.

4. Giáo Hội và Chiến Tranh Triều Tiên

Chiến Tranh Triều Tiên, bắt đầu ngày 25 tháng Sáu năm 1950, gây thiệt hại kinh khủng cho Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn. Các giáo sĩ cũng như các giáo dân trong các vai trò lãnh đạo Giáo Hội còn kẹt lại trong lãnh thổ bị Quân Đội Bắc Hàn chiếm đóng đã bị bắt giữ. Một số bị giết và các nhà cửa của Giáo Hội bị tiêu hủy. Con số linh mục và tu sĩ nam nữ cả Đại Hàn lẫn ngoại quốc bị cộng sản bắt giam lên tới 150 người kể cả 5 giám mục. Phần lớn các vị này đã bị sát hại và đây là một mất mát trầm trọng cho Giáo Hội Công Giáo. Các hoạt động mà Giáo Hội tham gia từ ngày độc lập bị chiến tranh ảnh hưởng trầm trọng. Các trường học và ấn phẩm do Giáo Hội điều khiển mất hết chức năng bình thường của chúng.

Giáo Hội Bắc Hàn bị thiệt hại nặng nề bởi cuộc chiến. Ngay cả trước chiến tranh, các đấng bản quyền của đại diện tông tòa Bình Nhưỡng và Đan Viện Độc Lập Dokwon cũng đã bị cộng sản bắt giam năm 1949 và bị tống giam. Sau đó, vị đại diện tông tòa Bình Nhưỡng, Đức Cha Hong Yeong-ho, đã mất tích, còn Đức Sauer, O.S.B., Viện Phụ Dokwon, thì chết trong tù. Ngay trước khi Chiến Tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, phần lớn các linh mục, còn lại ở Bắc Hàn và còn tích cực hoạt động truyền giáo, đều bị bắt hay bị giết hoặc mất tích. Các Đan Sĩ Biển Đức Dokwon bị yêu cầu đóng cửa đan việc vào năm 1949, các Nữ Tu Dòng Đức Bà Hằng Cứu Giúp cũng cùng chung một số phận vào năm 1950. Thời Chiến Tranh, phần lớn các cơ sở Giáo Hội ở Bắc Hàn bị tàn phá hoàn toàn. Không một linh mục nào còn lại và người Công Giáo chịu đau khổ rất nhiều.

Nhưng mặt khác, Giáo Hội tại Nam Hàn thì sống còn và tiếp tục sứ mệnh của mình. Khi Bắc Hàn được Quân Đội Cộng Hòa Đại Hàn và LHQ lấy lại, người Công Giáo miền Nam đã đưa ra sáng kiến phục hồi Giáo Hội miền Bắc. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, các cố gắng của họ thành công cốc vì tình huống chiến tranh lại được lặp lại. Lúc ấy, Giáo Hội miền Nam chì còn biết giúp người Công Giáo miền Bắc bằng cách chăm sóc người tị nạn và chăm sóc mục vụ cho các binh sĩ. Các tuyên úy quân đội của lục quân Hoa Kỳ nhận trách nhiệm phục vụ tù binh chiến tranh của quân đội cộng sản. Giáo Hội hết sức cố gắng khắc phục các thiệt hại do chiến tranh gây ra và can đảm thi hành công cuộc truyền giáo của mình.

5. Chủ nghĩa McCarthy và phong trào chống cộng

Trong Chiến Tranh Triều Tiên, một số lớn người Công Giáo tham gia cuộc đấu tranh chống cộng sản. Một số người Công Giáo Đại Hàn còn cố gắng hành động cách hữu hiệu chống lại chủ nghĩa cộng sản bằng cách tổ chức ra đoàn chí nguyện quân Công Giáo. Phần lớn tín hữu tin rằng đấu tranh chống cộng là hành động đầy ý nghĩa đối với người Công Giáo. Một số người còn ra mật trận, sẵn sàng chết vì đạo. Thái độ này của người Công Giáo chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ chống cộng mà Giáo Hội Công Giáo vốn nhấn mạnh trong tiền bán thế kỷ 20.

Đàng khác, các tâm tư chống cộng rất phổ biến trong xã hội Nam Hàn vì người ta tin rằng Chiến Tranh Triều Tiên là do cuộc tấn công phủ đầu của miền Bắc. Giáo Hội Công Giáo và tín hữu cũng cùng chung một tâm tư như thế. Họ là thành phần của khuynh hướng này hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Các kinh nghiệm riêng của họ về chiến tranh trùng hợp với giáo huấn chống cộng của Giáo Hội. Một số các nhà lãnh đạo Giáo Hội thậm chí còn cho rằng Chiến Tranh Triều Tiên là cuộc thánh chiến chống chủ nghĩa vô thần của thời hiện đại, và chủ nghĩa cộng sản là hiện thân của ma quỉ. Dân chúng sẵn sàng hiến mạng sống mình cho xứ sở trong tinh thần tử đạo. Trong bầu không khí như thế, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn dễ ủng hộ chủ thuyết McCarthy, một chủ nghĩa chống cộng quá khích và chủ nghĩa này nay vẫn còn hiện diện một phần.

6. Kết luận

Trong diễn trình tăng cường Chiến Tranh Lạnh giữa Đông và Tây sau Thế Chiến II, Đại Hàn thấy mình có hai chính phủ với ý thức hệ khác nhau. Nước này trở thành ngã ba đường nơi Đông Tây chống nhau và do đó, chịu nhiều tranh chấp cùng chiến tranh. Trong quá trình thành lập hai chính phủ, Giáo Hội Bắc Hàn chịu nhiều khó khăn và biến động trong khi ấy người Công Giáo miền Nam liên tiếp cảnh giác chống lại chủ nghĩa cộng sản và mong muốn có một chính phủ không cộng sản vì họ ý thức được thực tại của Giáo Hội miền Bắc dưới chế độ cộng sản. Thành thử, Giáo Hội Công Giáo miền Nam ủng hộ một chính phủ biệt lập với miền Bắc. Khi làm như vậy, các nhà lãnh đạo Giáo Hội miền Nam đã sao lãng phần nào sự quan trọng của việc xây dựng một quốc gia thống nhất.

Không bao lâu sau ngày thành lập các chính phủ Nam Bắc, Chiến Tranh Triều Tiên đã bùng nổ. Trong cuộc chiến này, Giáo Hội Bắc Hàn kể như bị tiêu diệt, trong khi Giáo Hội Nam Hàn thì sống sót và vượt qua được tình hình dù bị Chiến Tranh tác hại trầm trọng. Không phải chỉ có Giáo Hội mới đau khổ vì chiến tranh mà là cả toàn dân. Chủ nghĩa McCarthy rất thịnh hành hồi đó trong xã hội Đại Hàn và Giáo Hội cũng bị chủ nghĩa này chi phối. Não trạng của các nhà lãnh đạo Giáo Hội và của các tín hữu chịu chi phối bởi ý thức hệ chống cộng không những trong thời chiến tranh, mà còn lâu dài cả sau đó nữa.

Giáo Hội Đại Hàn ngày nay, dựa vào kinh nghiệm lịch sử và việc tự vấn lương tâm, đang cố gắng phát huy một thái độ mềm dẻo hơn cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng, nhằm thực sự phục vụ nhân loại và Nước Thiên Chúa.

XI. Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn sau Chiến Tranh Triều Tiên



1. Bối cảnh thời gian

Từ ngày Nam Bắc Hàn kỳ hiệp ước đình chiến tháng 7 năm 1953, sự phân chia Bán Đảo Đại Hàn đã được tăng cường thêm. Cả Nam lẫn Bắc Hàn đều cố gắng khắc phục sự thiệt hại của chiến tranh và củng cố hệ thống chính trị và xã hội liên hệ. Trong ngữ cảnh này, nhiệm vụ khẩn trương của xã hội Nam Hàn là vừa khắc phục sự thiệt hại của chiến tranh vừa đương đầu với sự đe dọa luôn luôn có thể của miền Bắc.

Ngay sau đình chiến, đã có ý niệm rất phổ biến là miền Nam cần một sự lãnh đạo mạnh để có thể đương đầu với đe dọa xâm lăng của cộng sản cũng như cần sự trợ giúp của ngoại quốc để có thể khắc phục sự thiệt hại của chiến tranh. Thành thử, chính phủ Lý Thừa Vãn đặt nặng đường lối chính trị chống cộng và thân Mỹ, và cương quyết tiếp tục bám lấy quyền hành. Trong bối cảnh này, chế độ độc tài của ông ta càng ngày càng được củng cố cho tới ngày xụp đổ bởi cuộc Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư năm 1960.

Một chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo đã được thành lập như là hậu quả của “Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư” và Trương Miễn (Chang Myon) được bầu làm thủ tướng. Chính phủ mới được trao cho trách nhiệm nặng nề là thực hiện dân chủ hóa và kỹ nghệ hóa đất nước. Để chu tòan trách nhiệm này, Đảng Dân Chủ đã cố gắng hết mình. Tuy nhiên, các cố gắng của họ thất bại do cú đảo chánh của tướng Phác Chính Hi ngày 16 tháng Năm năm 1961. Tình huống chính trị và xã hội từ lúc đình chiến năm 1953 tới cuộc đảo chánh quân sự năm 1961 đã tác động mạnh mẽ lên việc khai triển của lịch sử Giáo Hội Nam Hàn.

2. Sự lớn mạnh của Giáo Hội Nam Hàn

Trong thời gian trên, Nam Hàn cố gắng phục hồi sự ổn định xã hội, Giáo Hội miền Nam dần dần cũng phục hồi được các cơ sở Giáo Hội đã bị hủy diệt thời Chiến Tranh Triều Tiên và phát triển các hoạt động truyền giáo. Trong bối cảnh này, con số các tổ chức Công Giáo xuất hiện khá nhiều và người Công Giáo tích cực dấn thân vào nhiều hoạt động khác nhau. Hội Đồng Công Giáo Đại Hàn, được thiết lập năm 1948, hăng say dấn thân vào hoạt động với một tinh thần đổi mới. Các ngài tạo cơ hội cho nhiều tiến bộ mới trong việc truyền giáo, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, bằng cách tăng cường các sinh hoạt đa dạng như giáo dục, y khoa, xuất bản và an sinh xã hội v.v…

Nhiều dòng tu mới cũng tìm đường vào Đại Hàn để truyền giáo. Các hoạt động của họ đã đóng góp đáng kể vào việc lớn mạnh và trưởng thành của Giáo Hội sở tại. Đình chiến là một cơ hội tốt để mọi hội dòng nội địa lớn mạnh và phát triển đầy đủ. Hoạt động của các dòng tu đã đẩy nhanh đà phát triển của xã hội Nam Hàn.

Ở hậu trường việc phát triển của Giáo Hội Nam Hàn trong thập niên 1950, ta phải kể tới việc dấn thân và lòng tận tụy của khá nhiều tổ chức tông đồ và hiệp hội sùng kính khác nhau. Trong số này, Đạo Binh Đức Mẹ, được đưa từ Ái Nhĩ Lan vào Đại Hàn năm 1953, là đoàn thể đặc trưng hơn cả. Sự đóng góp của Đạo Binh Đức Mẹ đã thành công trong việc dẫn dụ tín hữu tham gia việc truyền giáo và các hoạt động của Giáo Hội không như những hiệp hội hiện có lúc đó chỉ quanh quẩn trong việc sùng kính cá nhân. Thực thế, phong trào Đạo Binh Đức Mẹ đóng góp hết sức đáng kể vào việc lớn mạnh của Giáo Hội Nam Hàn. Theo số liệu của Theresa Kim Hwa-young trên AsiaNews ngày 29/8/2005, nhân dịp kỷ niệm 50 năm tới Đại Hàn, Đạo Binh Đức Mẹ tại Nam Hàn có 2 Senatus, 11 Regia, 182 Concilia, 1,916 Curia, 30,522 Praesidia và 291,144 hội viên hoạt động và 267,166 hội viên tán trợ. Hội Thanh Lao Công (J.O.C.), được đưa vào Nam Hàn năm 1957, cũng đóng một vai trò có ý nghĩa trong giới thợ thuyền giữa lúc quốc gia tiến tới chỗ phát triển kỹ nghệ tòan diện.

Thời Chiến Tranh Triều Tiên, Giáo Hội Nam Hàn đã khai triển cả một hệ thống cứu trợ rất tích cực dành cho các nạn nhân chiến tranh với sự giúp đỡ nhân đạo của các Giáo Hội ngoại quốc và hệ thống này vẫn tiếp tục hoạt động sau ngày đình chiến. Tuy nhiên, cứu trợ ngoại quốc mỗi ngày mỗi giảm đi, nên Giáo Hội sở tại phải dựa vào sáng kiến và cố gắng của mình. Thí dụ, năm 1952, Giáo Hội phát động chiến dịch “Hiệp Hội Tín Dụng” trong một cố gắng nhằm giúp các tín hữu khắc phục cảnh nghèo cùng cực vốn là hậu quả trực tiếp của chiến tranh. Sáng kiến này đã hữu hiệu giúp các tín hữu củng cố chí lực của họ trong việc tự túc tự cường và từ từ tiến tới chỗ tổ chức các hình thức tín dụng do chính người dân thường quản lý. Ngày nay, sáng kiến này đã biến thành một trong các tổ chức ngân hàng quan trọng nhất ở Nam Hàn. Ngoài ra, Giáo Hội còn quan tâm và tích cực dấn thân vào các lãnh vực như mở các trường huấn luyện và dạy nghề.

Với những cố gắng như trên, Giáo Hội Nam Hàn đã thực hiện được một sự lớn mạnh rất đáng kể. Năm 1953, con số tín hữu ở miền Nam chỉ là 170,000 người, nhưng tới năm 1961, nó đã lên tới 500,000 người, tức gia tăng mỗi năm 16.5 phần trăm. Riêng năm 1958, mức gia tăng là 24.18 phần trăm. Trong số này, có các “Kitô hữu lúa gạo” nghĩa là những người trở lại Công Giáo do ảnh hưởng của các chương trình cứu trợ của Giáo Hội. Tuy nhiên, hiện tượng đáng lưu ý là: trong số các tân tòng, còn có một số trí thức và giai cấp trung lưu vốn đang đóng một vai trò lãnh đạo trong xã hội. Đó chính là khởi đầu của hiện tượng Giáo Hội Nam Hàn trở thành Giáo Hội của giai cấp trung lưu. Nhờ hiện tượng này, sự quan trọng và vai trò tương đối của Giáo Hội trong xã hội Đại Hàn đã tăng lên đáng kể.

Trong thập niên 1950, việc bành trướng đức tin Công Giáo là điều thấy rõ qua sự kiện Giáo Hội hiện diện khắp nơi trong xứ kể cả các hòn đảo xa xôi. Tiến bộ nữa cũng đáng lưu ý diễn ra trong lãnh vực giáo dục. Chính trong thời điểm này, Đại Học Công Giáo Hán Thành đã mở khoa y cung cấp nguồn nhân lực y tế rất quan trọng cho xã hội Đại Hàn. Đại Học Sogang tại Hán Thành cũng như Đại Học Phụ Nữ Hyoseong tại Daegu, cả hai do Dòng Tên điều khiển, đã được thành lâp trong thời gian này cùng với nhiều cơ sở giáo dục trung cấp khác.

3. Giáo Hội Công Giáo và chế độ Lý Thừa Vãn

Lý Thừa Vãn, người lãnh đạo phong trào độc lập ở Hoa Kỳ, đã trở lại Đại Hàn, quê hương ông, sau khi đất nước này được độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Nhật, và đã dấn thân ngay vào việc thành lập một chính phủ mới. Cuối cùng, ông đã trở thành tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Đại Hàn. Mối liên hệ giữa Giáo Hội Đại Hàn và Tổng Thống họ Lý tương đối tốt đẹp vì chủ trương chống cộng của Giáo Hội phù hợp với chủ trương của ông. Ông Lý, người vốn không có điểm tựa chính trị mạnh mẽ ở Nam Hàn, muốn được người Công Giáo ủng hộ. Nên ông đã cố gắng hết mình để người Công Giáo có ấn tượng tốt về ông.

Tuy nhiên, mối liên hệ ấy, đến năm 1952, thì bắt đầu rạn nứt. Chính sách cai trị sai lầm và nền độc tài của chính phủ Lý Thừa Vãn khiến mất lòng dân, làm họ trở thành thù nghịch. Do đó, ông đã phải đương đầu với một phong trào đối kháng hợp pháp. Phong trào này đã được khởi diễn và lãnh đạo bởi nhật báo Công Giáo "Gyeonghyang Sinmun". Năm 1951, Thủ Tướng Trương Miễn, một người Công Giáo nhiệt thành, với sự hỗ trợ của Đức Cha Paul Rho Gi-nam, Giám Mục Hán Thành, đã từ chức và dấn thân vào phong trào chống độc tài. Thế là từ đó, Lý Thừa Vãn coi Giáo Hội Công Giáo là kẻ thù và khởi sự một chiến dịch để loại trừ Giáo Hội này. Nhưng rồi năm 1956, Trương Miễn được bầu làm phó tổng thống và trở thành nhân vât hàng đầu lãnh đạo phong trào phản đối. Việc này càng làm tăng sự đối kháng của Chính Phủ Lý Thừa Vãn với Giáo Hội.

Chính sách thù nghịch và đàn áp của Ông Lý và đồng minh chống lại Tờ Gyeonghyang Sinmun càng gia tăng thêm. Họ tố cáo Giám Mục Rho Gi-nam, người chịu trách nhiệm xuất bản tờ Gyonghyang Sinmun, là “giám mục chính trị” hay “giám mục bất đồng” và bắt đầu tấn Công Giáo Hội một cách lộ liễu từ tháng Mười năm 1957. Cuộc bách hại chính trị của họ Lý trở nên ngang nhiên đến nỗi ông ra lệnh vô hiệu hóa việc bầu tất cả các ứng cử viên Công Giáo tại cuộc tổng tuyển cử Quốc Hội. Các viên chức Công Giáo cũng bị buộc phải từ chức hay giáng chức.

Thêm vào đó, ông còn phái Tổng Trưởng Tư Pháp tới Vatican để yêu cầu giáo quyền thay thế Giám Mục Rho Gi-nam. Do đó, Tòa Thánh đã phái Đức HY G.P. Agagianiani (người từng tới Sài Gòn chủ tọa Đại Hội Thánh Mẫu Tòan Quốc năm 1959) tới Đại Hàn để điều tra sự thực.

Việc chính phủ của họ Lý đối xử tàn tệ như trên là một thách thức đối với Giáo Hội vì họ đã đối đầu với sứ vụ tiên tri của các nhà lãnh đạo và báo chí Giáo Hội. Vì Giáo Hội dám dấn thân trọn vẹn cho cuộc đấu tranh chống độc tài và liều mình chịu đau khổ và bách hại, nên tính khả tín xã hội và được lòng dân của Giáo Hội gia tăng đáng kể hơn nữa. Đó là một trong các lý do giúp cho Giáo Hội Công Giáo bành trướng nhanh chóng trong hậu bán thập niên 1950.

4. Giáo Hội Công Giáo và quyền lực chính trị của Đảng Dân Chủ

Mối liên hệ của Chính Phủ họ Lý với Tờ Gyeonghyang Sinmun và ông Trương Miễn được coi như mối liên hệ giữa Giáo Hội và chính phủ. Vì không bác bỏ mối liên hệ và tranh chấp ngượng ngịu với chính phủ, Giáo Hội phải dùng mọi phương cách có thể để sống còn dưới áp lực nặng nề. Trong khi ấy, đa số người Công Giáo ủng hộ Trương Miễn một cách đầy mến thương và nhiệt thành.

Cuộc tranh đấu của tờ Gyeonghyang Sinmun và của ông Trương Miễn chống độc tài được coi là một phần trong vai trò tiên tri của Giáo Hội. Cuộc Cách Mạng Dân Chủ 19 Tháng Tư năm 1960 đã khiến chế độ độc tài của họ Lý sụp đổ. Giáo Hội chào mừng cuộc chiến thắng của dân này và hỗ trợ phong trào cách mạng chống độc tài. Các phong trào kháng chiến của sinh viên Công Giáo và các linh mục tuyên úy của họ đã rất tận tụy trong việc chăm sóc các nạn nhân cho dù nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều người Công Giáo mô phỏng gương sáng của họ và dấn thân giúp đỡ những người bị thương trong cuộc đấu tranh cách mạng này. Sự tham gia của người Công Giáo vào phong trào dân chủ như thế lan qua nhiều giáo xứ và thành phố kể cả Busan và Masan.

Với việc chiến thắng của cuộc cách mạng dân chủ, Hiến Pháp đã được tu chính và nội các được cải tổ. Tờ Gyeonghyang Sinmum cũng được tái bản. Do đó, Đảng Dân Chủ của Trương Miễn đã thắng cử và chính ông trở thành thủ tướng theo Hiếp Pháp vừa được tu chính. Sự ủng hộ của Giáo Hội đối với Trương Miễn gần như độc hữu.

Dưới chính phủ họ Trương, Giáo Hội cố gắng suy nghĩ về mối liên hệ hỗ tương giữa tôn giáo và chính trị và nhiệm vụ công dân của người Công Giáo. Nhờ thế, Giáo Hội thấy rõ hơn rằng việc phân lập giữa Giáo Hội và Nhà Nước không có nghĩa là sự phân lập giữa tín hữu và Nhà Nước. Bởi thế, Giáo Hội nhấn mạnh tới nhiệm vụ của người tín hữu là phát biểu các ý kiến phù hợp với giáo huấn xã hội của Giáo Hội và khuyến khích tín hữu cũng như hàng giáo sĩ tích cực tham gia sinh hoạt xã hội. Trong bối cảnh này, Giáo Hội đã đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc nâng cao ý thức xã hội của tín hữu Đại Hàn vào đầu thập niên 1960. Giáo Hội khuyến khích tín hữu sống như những thành phần tích cực của lịch sử cả trong tư cách Công Giáo lẫn trong tư cách công dân Đại Hàn.

5. Kết luận

Từ khi ngưng bắn, Giáo Hội Nam Hàn phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, ngay sau cuộc ngưng bắn này, Giáo Hội lại phải sống dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Chính Phủ Lý Thừa Vãn. Việc kiểm soát kiểu áp chế của họ Lý đối với Giáo Hội có liên hệ trực tiếp với Trương Miễn, đứng đầu đảng đối lập. Chế độ họ Lý bị lật đổ bởi xự xuất hiện của Đảng Dân Chủ. Theo một nghĩa nào đó, dưới chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo, Giáo Hội có cơ hội làm chín mùi cách tiếp cận các vấn đề có liên hệ tới tương lai của người dân Đại Hàn với một viễn ảnh rộng rãi hơn. Kinh nghiệm lịch sử của Giáo Hội vào lúc này đã phản ảnh giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Cùng với “ký ức bằng máu” của thời bách hại, “ký ức tham gia xã hội” của thời kỳ đặc biệt này đã trở thành giá trị truyền thống trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn.

Còn 1 kỳ