Đức Lêô XIII vị Giáo Hoàng đưa ra nhiều thông điệp nhất
Thông điệp Deus Caritas Est, (Chúa là Tình Yêu) sắp được công bố vào ngày 25/1/2006, là thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. Nhưng trong lịch sử Giáo Hội, đó là thông điệp thứ 294 của các Đức Giáo Hoàng khởi đầu từ Đức Bênêđíctô XIV, người đã cai quản Giáo Hội từ 1740 đến 1758.

Không lâu sau khi được bầu vào Ngai Tòa Thánh Phêrô ngày 3/12/1740, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XIV đã công bố thông điệp Ubi Primum, về sứ vụ mục tử của các Giám Mục. Từ đó, các Đức Thánh Cha đã dùng cùng hình thức này để đưa ra các giáo huấn về các đề tài liên quan đến thần học, giáo hội và xã hội.

Thuật ngữ "encyclical" (thông điệp) lấy từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "luân lưu", để chỉ một lá thư được lưu chuyển trong hàng Giám Mục thế giới (hay, thỉnh thoảng, một số khu vực chuyên biệt trên thế giới), đưa ra những chỉ thị mà thường cũng nhắm đến hàng giáo sĩ, giáo dân, và thường khi đến cả "những người thiện chí" khác ngoài Công Giáo. Hình thức thông điệp cho phép các vị Giáo Hoàng có một sự lựa chọn rộng rãi đề tài và phương thức đề cập các vấn đề.

Tựa của một thông điệp luôn được lấy từ những chữ đầu tiên của câu mở đầu. Thành ra, dù thông điệp Deus Caritas Est chưa được công bố, theo lệ chung ta cũng có thể đoán được là Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI sẽ bắt đầu thông điệp của mình bằng một lời trích từ Thư Thánh Gioan "Thiên Chúa là tình yêu" -- Deus Caritas Est. Bản chính thức của một thông điệp được công bố bằng tiếng La Tinh, ngoại trừ trong một số trường hợp họa hiếm khi Đức Thánh Cha viết riêng cho một quốc gia nhất định, và sử dụng ngôn ngữ của quốc gia đó.

Các thông điệp đã được sử dụng chủ yếu để giảng dạy, một đôi khi để cảnh báo, và một số trường hợp là để sửa phạt. Một thông điệp có thể phân tích những vấn đề thần học, luân lý hay xã hội và đưa ra các phương thế; hay đề cao những gương mẫu thánh thiện, như gương sáng của Đức Mẹ, cho các tín hữu noi theo. Tuy nhiên, thông điệp không được dùng để công bố các tín lý mới.

Tất cả các Giáo Hoàng trong thế kỷ vừa qua đều đưa ra thông điệp, trừ trường hợp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I vì thời gian trị vì quá ngắn ngủi của ngài (chỉ vỏn vẹn có 33 ngày). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là vị rất nổi bật vì số lượng thông điệp (14 thông điệp), cũng như chiều sâu triết lý của các thông điệp này. Tuy nhiên, vị Giáo Hoàng đưa ra nhiều thông điệp nhất trong lịch sử Giáo Hội là Đức Lêô XIII, cai quản Giáo Hội từ 1878 đến 1903, với 86 thông điệp trong suốt 25 năm triều Giáo Hoàng của ngài. Một số thông điệp của ngài rất ngắn và ngày nay nhiều người xếp các thông điệp này vào loại tông thư (apostolic letter) hay chỉ đơn giản là sứ điệp (pontifical message).

Đức Thánh Cha Piô XII, cai quản Giáo Hội từ 1939 đến 1958, cũng đưa ra rất nhiều thông điệp. Tổng cộng, ngài đưa ra 41 thông điệp. Các vị cũng đưa ra nhiều thông điệp là Đức Thánh Cha Piô IX (triều Giáo Hoàng 1846- 1878) với 38 thông điệp, Đức Piô XI (triều Giáo Hoàng 1922- 1939) với 32 thông điệp, Đức Piô X (triều Giáo Hoàng 1902- 1914) với 16 thông điệp, và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XIV, tác giả của thông điệp đầu tiên với 13 thông điệp. Trong số các vị Giáo Hoàng của thế kỷ vừa qua, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đưa ra 8 thông điệp và Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đưa ra 7 thông điệp.

Trong số các thông điệp đáng ghi nhớ nhất là thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) (toàn văn thông điệp này bằng Việt Ngữ do linh mục Nguyễn Trung Điểm dịch có thể đọc tại đây http://vietcatholic.net/News/Read.aspx?id=9972), trong đó Đức Lêô XIII lên án điều kiện sống và làm việc của giới lao động trong các xã hội kỹ nghệ. Thông điệp này được công bố vào năm 1891, được xem là nền tảng của học thuyết xã hội Công Giáo hiện đại. Đây cũng là thông điệp khởi đầu cho hàng loạt các thông điệp xã hội của các Đức Giáo Hoàng. Thực vậy, nhiều vị Giáo Hoàng sau Đức Lêô XIII đã làm vang vọng những ý tưởng được nêu ra trong thông điệp Tân Sự, và đôi khi các Đức Giáo Hoàng đã công bố thông điệp của mình vào dịp kỷ niệm thông điệp này. Thông điệp Quadrejesimo Anno (Tứ Thập Niên), do Đức Thánh Cha Piô XI đưa ra, chẳng hạn, đã được công bố vào dịp kỷ niệm 40 năm công bố thông điệp Tân Sự. Một số thông điệp nhấn mạnh đến những vấn đề xã hội khác có thể kể là thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy) do Đức Thánh Cha Gioan XXIII đưa ra năm 1961, và hai thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Laborem Excercens (Lao Động Con Người)(1981) và Centesimus Annus (Bách Niên – kỷ niệm 100 năm ban hành thông điệp Tân Sự) (1991). Các thông điệp xã hội quan trọng còn phải kể đến thông điệp Pacem in Terris (Hòa Bình Tại Thế) do Đức Thánh Cha Gioan XXIII đưa ra năm 1963, và thông điệp Populorum Progressio (Sự Phát Triển Của Con Người) do Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đưa ra năm 1967, bàn về những bất bình đẳng kinh tế và sự phát triển tại các nước nghèo.

Bên cạnh các thông điệp xã hội, cần phải kể đến những thông điệp phân tích và sửa sai những sai lầm trong tư tưởng đương thời. Năm 1775, Đức Thánh Cha Piô VI lên án sự bành trướng chủ nghĩa duy vật và sự đề cao thái quá triết học Duy Lý trong thông điệp Inscrutabili Divinae Sapientiae. Năm 1864, Đức Thánh Cha Piô IX cảnh giác chống lại những sai lầm của trào lưu triết học hiện đại trong thông điệp Quanta Cura, một thông điệp không thể nào quên vì bản phụ chú Danh Mục Các Sai Lầm trong đó, Đức Thánh Cha liệt kê 80 điểm sai lầm của trào lưu triết học này. Danh Mục Các Sai Lầm đã được kết thúc bằng lời lên án mạnh mẽ ý tưởng cho rằng "Đức Giáo Hoàng có thể, và phải tự thích nghi với chủ nghĩa tự do và với đà tiến của xã hội hiện đại".

Năm 1884, Đức Lêô XIII lên án hội Tam Điểm và các thứ hội kín khác trong thông điệp Humanum Genus. Và Đức Piô X, năm 1907, lặp lại lời lên án trào lưu triết học hiện đại trong thông điệp Pascendi Dominici Gregis.

Một vài thông điệp đã được các Đức Giáo Hoàng đưa ra để bàn về các vấn đề chính trị của một nước cụ thể. Trong thông điệp Respicientes ea Omnia (1870), Đức Thánh Cha Piô IX lên án Ý kéo quân vào Rôma chấm dứt quyền hành thế tục của các Đức Giáo Hoàng như là người cai trị một quốc gia. Năm 1906, trong thông điệp Vehementer Nos, Đức Thánh Cha Piô X lên án Pháp thành lập một nhà nước duy thế tục.

Cảnh chiến tranh tương tàn trong thế kỷ 20 đã là nguyên nhân của nhiều thông điệp. Năm 1914, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV đưa ra thông điệp Ad Beatissimi Apostolorum Principis kêu gọi thế giới chú ý đến sự tàn bạo của Thế Chiến Thứ Nhất. Năm 1937, Đức Thánh Cha Piô XI cảnh cáo nhân dân Đức về tính chất ngoại giáo và kỳ thị chủng tộc của chủ nghĩa Quốc Xã. Năm 1939, trước nguy cơ của Thế Chiến Thứ Hai, Đức Thánh Cha Piô XII đề nghị với các tín hữu những phương thế để đạt đến hòa bình trong thông điệp Summi Pontificatus.

Nhiều thông điệp đề cập đến những vấn đề nội bộ của Giáo Hội Công Giáo. Đức Thánh Cha Lêô XIII có 11 thông điệp khác nhau về Đức Mẹ và Chuỗi Mân Côi. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV bàn đến sứ vụ truyền giáo trong thông điệp Maximum Illud (1919). Đức Thánh Cha Piô XII bàn đến Thánh Nhạc trong thông điệp Musicae Sacrae (1955). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bàn về hiệp nhất Kitô Giáo trong thông điệp Ut Unum Sint (Để Chúng Nên Một) vào năm 1995.

Trong các thông điệp Giáo Hoàng, thông điệp Humanae Vitae (Sự Sống Con Người) do Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đưa ra năm 1968 trình bày rõ ràng và cứng rắn đạo lý Công Giáo về các vấn đề liên quan đến hôn nhân, sinh sản có kế hoạch, thụ thai nhân tạo.. là thông điệp gây tranh cãi nhiều nhất trong thế giới đời.

Chú thích:

Theo cách phân chia của Web site Vatican, các tài liệu do Đức Thánh Cha công bố được chia thành các loại như sau:

  • Angelus/Regina Coeli – Bài chia sẻ trước khi đọc kinh Truyền Tin hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (trong Mùa Phục Sinh).
  • Audience – Huấn Đức ( như huấn đức thứ Tư hàng tuần)
  • Homily – Bài Giảng
  • Speech – Diễn Văn
  • Letter – Thư (chẳng hạn Thư gởi các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh)
  • Motu Proprio – Tự Sắc
  • Message – Sứ Điệp
  • Jubilee – Công bố ơn xá
  • Encyclical – Thông Điệp
  • Apostolic Letter – Tông Thư
  • Apostolic Exhortation – Tông Huấn
  • Apostolic Constitution – Tông Hiến