Giáo xứ Đông Khê tọa lạc tại xã Việt Dân- Huyện Đông Triều- Tỉnh Quảng Ninh, cách Tòa Giám mục Hải Phòng chừng 40km về phía bắc. Nằm trên quốc lộ 18A có cầu Ván qua lại, có kênh Đạm Thủy, có sông Kinh Thày- Dòng sông thơ mộng hiền hòa chào đón các con thuyền qua lại. Nghề chính của người dân là nông nghiệp và đánh cá, buôn bán vận tải. Địa hình của giáo xứ được thiên nhiên ban tặng không khí trong lành, có đồi, có sông, đất đồi trù phú cho ngững mùa na, mùa vải bội thu, có khu nuôi trồng thủy sản cung cấp thức ăn cho cả địa phương

Hiện tại, Giáo xứ Đông Khê gồm 6 họ đạo gồm: họ nhà xứ Đông Khê, họ Đông Tân, họ Đông An, họ Tân An, họ Trạo Hà với tổng số giáo dân 2863 người, do Cha chính xứ Giuse Nguyễn Văn Thông và, Cha phó Phêrô Nguyễn Văn Lập coi sóc.

Nhìn lại lịch sử Giáo xứ Đông Khê, tiên khởi là cộng đoàn những giáo dân thập phương tụ họp lại từ trước những năm 1858- cuối thời kỳ Tự Đức cấm Đạo. Giáo dân thời kỳ đó làm nghề buôn bán vận tải, chài lưới, sống với biển, xuất xứ từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng ra nơi đây làm ăn, tránh cơn bách hại. Trong hoàn cảnh đó đã kết nghĩa hội tụ cùng nhau lập nên Giáo xứ, dựng nhà thờ bằng tre nứa Cổng Chòi năm 1852, Cha quản xứ bấy giờ là Cha Tự. Chính Cha là người đã đặt tên Đông Khê và nhận Thánh Gioan Baotixita làm Quan thày cho Giáo xứ.

Thời gian đầu xây dựng này Giáo xứ gặp rất nhiều khó khăn, giặc trong rừng thường xuyên quấy phá giáo dân, phá hoại nhà thờ. Trước hoàn cảnh đó Cha xứ đã rời nhà thờ về làng Khê Hạ. Sau khi về Khê Hạ, Cha xứ cho khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới trên khu đất rộng 3 ha cạnh bờ sông khu vực làng Khê Hạ. Đây là vùng đất trũng, nhiều sông ngòi, giao thông đường thủy thuận tiện.Ngôi nhà thờ xây dựng năm 1880 sau được dùng làm nhà khách và thay bằng ngôi nhà thờ mới do Cha xứ Đôminicô Vĩnh xây dựng. Các vị giúp việc cho Cha xứ bấy giờ là cụ Chánh Phương, cụ Tiên Nhật, cụ Diêm, cụ Cầm. ở giai đoạn này số giáo dân tăng lên rất nhanh, ngôi nhà thờ cũ lại trở thành chật chội, không đáp ứng được số giáo dân đông đảo nên Cha xứ đã quyết định xây dựng ngôi nhà thờ mới đẹp và kiên cố hơn. Thiết kế và xây dựng nhà thờ do Cha già Hanh, Cha Hiển phụ trách, tổ thợ Nam Định xây dựng. Thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu kéo dài trong 3 năm từ 1916 đến 1918 mới đủ để xây dựng. Đến năm 1922 ngôi nhà thờ mới được hoàn thành nhưng chưa có tháp chuông thì ngày 27/7/1927 Cha già Vĩnh qua đời, sau đó Tòa Giám mục bổ nhiệm Cha Hiển về quản xứ. Năm 1932 tiếp tục xây dựng và hoàn thành tháp chuông cao 25m, quả chuông được đúc bên Pháp, khắc tên chuông là Đôminicô. Thời kỳ này Giáo xứ không ngừng lớn mạnh, từ năm 1932 đến 1950 đã qua 7 đời Cha xứ: Cha già An, Cha Kiên, Cha Hoan, Cha Lộc, Cha Tiến, Cha già Nhân, Cha Phước. Cơ sở vật chất của Giáo xứ rất khang trang và rộng rãi, có khu đất canh tác rộng bao la như khu Sinh Đồ, bãi ổi khu hồ cụ. Cha già nhân đã lập đội kèn đồng, phường bát âm Nghĩa Binh. Năm 1945 nạn đói lan rộng khắp cả nước, Cha già Nhân tổ chức nấu cháo cứu đói, lập cô nhi viện cưu mang trẻ mồ côi, lập nhà thương chữa bệnh cho nhân dân. Ngày 04/10/1950 Cha già Nhân qua đời, Cha Hiển làm chính xứ. Năm 1954 Cha cùng một số giáo dân di cư vào Nam, Giáo xứ vắng bóng Linh mục từ đó. 40 năm sau, Đức Cố Giám Mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương đã bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Văn Thông về coi sóc Giáo xứ. 40 năm vắng Chủ chăn nên Giáo xứ có phần đi xuống, công việc đầu tiên của Cha xứ mới là củng cố lại các tổ chức giáo hội, Ban thường trực xứ, các Ban hành giáo họ, các Hội đoàn đạo đức: hội Con Đức Mẹ, hội Tông đồ, các ca đoàn, hội Thánh Phêrô. Công việc tiếp theo là tu sửa lại công trình nhà chung: dồn lại mái ngói nhà thờ, thay các hoành bị mục nát, nâng cấp và lát gạch hoa trong nhà thờ, đóng lại toàn bộ số ghế, xây tượng đài Dức Mẹ, làm lại tòa Cung Thánh bằng gỗ; tổ chức các lớp học giáo lý hàng năm. Đến năm 2005 công việc giáo xứ vất vả, nặng nhọc, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Thiên đã bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Văn Lập làm phó xứ. Từ ngày có 2 Cha coi sóc tới nay, Giáo xứ thực sự đã vững mạnh lên rất nhiều. Từ một giáo xứ đồng rừng, vùng sâu vùng xa của Giáo phận nay trở thành một Giáo xứ phát triển ngang với các giáo xứ khác trong Giáo phận.

Giáo xứ Đông Khê có 6 giáo họ, nhận Quan thày giáo xứ là Đức Mẹ La Vang. Trong các họ có họ giáo Đông Tân có số hộ nhân danh đông nhất, chiếm 1/3 Giáo xứ, có truyền thống Đức tin vững vàng, cơ sở vật chất đầy đủ. Nhà thờ họ có 2 tượng đài lớn là tượng Đức Mẹ và tượng Thánh Phêrô, có nhà thờ khang trang, nhà khách rộng rãi, sạch đẹp, là một họ đạo lớn mạnh của giáo xứ. Họ Đông An và họ Đồng Tâm cơ sở vật chất còn khó khăn, 2 nhà thờ còn nhỏ hẹp. Họ Tân An khu thị trấn Đông Triều trước có nhà thờ nhưng nay đã đổ và chưa xây dựng lại được vì khó khăn thủ tục đất đai. Họ Trạo Hà tuy ít giáo dân nhất nhưng vẫn giữ được nhà thờ khang trang, sạch sẽ, giáo dân giữ được đời sống Đạo thánh thiện và tốt đẹp.

Về sinh hoạt Tôn giáo: hàng năm giáo xứ họp thường kỳ nhân các dịp lễ lớn trong năm. Hiện giáo xứ có hai nữ tu đang phục vụ trong Địa phận, có 1 chủng sinh đang học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Giáo xứ đang có kế hoạch xây dựng lại nhà thờ các nhà thờ: họ Đồn Tân, họ Đông An, họ Tân An, xây tượng thánh Quan thày ở họ nhà xứ.Công việc tiếp theo của Cha xứ là củng cố kiến thức giáo lý cho giáo dân. Đây thực sự là một công việc nặng nề, vì phát triển con người không phải là chuyện đơn giản một sớm một chiều nhưng đòi hỏi một thời gian lâu dài, hơn thế còn gặp một khó khăn lơn là giáo xứ đã từng có khoảng thời gian 40 năm vắng bóng chủ chăn nên mặt bằng giáo lý của giáo xứ nhìn chung rất kém. Chính vì thế Cha xứ đã tổ chức các lớp giáo lý cho mọi lứa tuổi thường xuyên trong các ngày chủ nhật và dịp hè cho trẻ em. Công việc của Cha còn nặng nề hơn nữa khi Người còn chịu trách nhiệm chăm sóc 3 giáo xứ khác với tổng số giáo dân 4 xứ là 10.000 người.

Trải qua 85 năm xây dựng và trưởng thành với vô vàn thử thách của thiên nhiên, của lịch sử, giáo xứ Đông Khê vẫn đứng hiên ngang, và bước những bước vững vàng. Sự vững vàng đó là nhờ lời cầu bầu của Mẹ La Vang quan thầy, sự quan phòng của Thiên Chúa, cùng sự đóng góp của giáo dân, ân nhân gần xa. Ngày hôm nay, nhìn sự lớn mạnh, nguy nga của Giáo xứ và suy nghĩ về những năm tháng đã qua, ta có thể cảm nghiệm được chắc chắn sự hiện diện của Thiên Chúa nơi đây