Washington (CNS) – Các đại diện của tôn giáo lớn thứ năm trên thế giới, đạo Sikhism, sẽ không tham dự cuộc họp liên tôn với ĐTC Bênêđictô tại Washington vì lý do đức tin buộc các thành viên chính thức nhập đạo phải luôn luôn đeo trên người một thanh gươm hay dao găm nhỏ, gọi là kirpan, mà vì lý do an ninh, dao kirpan bị cấm không cho mang vào phòng họp.

Linh mục James Massa, giám đốc điều hành Văn phòng Hiệp nhất và Liên tôn giáo vụ thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, xác nhận rằng Cơ quan Mật vụ yêu cầu người Sikh phải để lại dao kirpan bên ngoài phòng họp nếu họ muốn tham gia cuộc họp liên tôn vào ngày 17 tháng 4 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Gioan Phaolô II ở Washington.

Để tuân thủ giáo luật coi việc mang dao kirpan như là nghĩa vụ linh thiêng của người tín hữu thuần thành, các nhà lãnh đạo Sikh và đại diện của hội đồng giám mục đã thoả thuận để họ lặng lẽ từ chối lời mời tham dự cuộc họp.

Thông tấn xã CNS đã biết các diễn tiến và đã yêu cầu xác nhận tin này nơi Hội đồng Giám mục Hoa kỳ cũng như Hội đồng Sikh Thế giới, Miền Hoa kỳ.

Kirpan có nhiều kích thước và hình dáng khác nhau, nhưng tiêu biểu là nhỏ, dài chừng vài inch, lưỡi dao cong và lụt (cùn), có mũi nhọn, thường được mang trong bao, đeo dưới quần áo người Sikh.
Dao kirpan


Theo lời cha Francis Tiso, phụ tá giám đốc Văn phòng Hội đồng Giám mục thì người Sikh đã mang theo dao kirpan, có khi dài cả một foot hoặc dài hơn nữa, tới dự các cuộc họp liên tôn với ĐGH tại Vatican.

Tuy nhiên, khi ĐTC Bênêđictô thăm viếng Hoa kỳ trong cương vị quốc trưởng nước Vatican, thì an ninh của ngài chính yếu là trách nhiệm của Cơ quan Mật vụ Hoa kỳ. Cơ quan này không cho phép ai mang dao kirpan vào dự cuộc họp liên tôn.

Cơ quan Mật vụ đã không trả lời khi thông tấn xã CNS gọi tới xin giải thích sự việc.

Tiến sĩ Anahat Kaur, tổng thư ký Hội đồng Sikh Thế giới, Miền Hoa kỳ, trong một thông cáo cung cấp cho CNS nói rằng hội đồng bất mãn sâu xa “vì Cơ quan Mật vụ đã không thể hành động phù hợp với đức tin Sikh và kêu gọi Cơ quan này tôn trọng quyền và tự do tôn giáo của cộng đồng Sikh.”

Bà nói: “Dao kirpan là một trong 5 vật phẩm đức tin cần thiết cho mọi người Sikh đã được chính thức nhập đạo. Kirpan – theo nghĩa chữ là “vật đem lại lòng thương xót - tượng trưng cho cam kết của người Sikh chống lại áp bức và bất công, nhưng chỉ trong tư thế tự vệ và không bao giờ đề xướng đối đầu.”

Bà cho biết người Sikh “phải tôn trọng sự thánh thiêng của kirpan, đặc biệt là trong các cuộc hội họp liên tôn như thế. Chúng ta không thể nhân danh an ninh mà coi nhẹ quyền và tự do tôn giáo.”

Kirpan là một trong 5 vật phẩm mà người đã chính gia nhập đạo Sikh phải mang theo làm biểu tượng thể lý của đức tin. Bốn vật phẩm kia là: Tóc không cắt, lược gỗ, vòng đeo tay bằng thép và một loại áo lót đặc biệt (kesh, kanga, kara và kaccha).

Dao, lược gỗ và vòng kim loại


Người Sikh có thể được chính thức gia nhập đạo ở bất cứ tuổi tác nào, một giai đoạn cũng tương tự như nhận phép thanh tẩy (rửa tội) nơi đạo Công giáo. Tiến trình đó, và luật buộc phải mang “5 K” (tên chính thức của 5 vật phẩm) áp dụng cho cả nam lẫn nữ.

Cha Tiso so sánh việc người Sikh bỏ dao kirpan ngoài phòng họp cũng như người Công giáo bằng lòng bỏ qua giáo lý của giáo hội để có thể tham dự cuộc họp liên tôn.

Ngài nói: “Người ta không lấy đức tin đem trình ra ở cửa để được vào. Chúng tôi đã không đặt Kinh Tin Kính ra bên cạnh để mà đối thoại.”

Người Công giáo và người Sikh tại Hoa kỳ đang có cuộc đối thoại, phiên họp mới đây nhất là vào hồi tháng 10 tại Washington.

Từ trước đến nay các nhà lãnh đạo hai bên đã dùng ba phiên họp hàng năm để thảo luận về các đề tài như giá trị của sự thánh thiêng nơi cả hai truyền thống, và tiến độ của lời cầu nguyện.

Đạo Sikh xuất phát từ thế kỷ 15 trong vùng Punjab nước Ấn độ. Đạo có hơn 25 triệu tín đồ, nhiều nhất là tại Ấn và Pakistan. Tại Bắc Mỹ, đạo có 500 ngàn tín đồ.

Tín ngưỡng Sikh chú trọng tới việc cầu nguyện, việc làm lương thiện, cuộc sống lương thiện, bình đẳng giữa mọi người, công lý cho kẻ bị áp bức, bác ái, và cam kết tôn trọng hòa bình, tin ở thuyết luân hồi. Người Sikh chấp nhận dùng võ lực như là phương tiện cuối cùng.

Cha Tiso nói: Thành phần tham dự cuộc họp gồm mấy chục người Sikh. Không phải tất cả mọi thành viên được mời là những người đã chính thức nhập đạo nên một số không phải mang dao kirpan. Nhưng để tỏ tình đoàn kết, cả nhóm sẽ không dự họp.

Ngài nói: “Họ không muốn thỏa hiệp về những vấn đề đức tin.”

Một thời gian ngắn ngay sau cuộc khủng bố vào Hoa kỳ năm 2001, người Sikh mang kirpan vẫn được đón tiếp tại tòa Bạch Ốc, nhưng sau này Cơ quan Mật vụ đã đặt thêm những hạn chế. Các nhà lãnh đạo Sikh đã từ chối lời mời tới tham dự các lễ lạt tại tòa Bạch Ốc cũng như tại Nghị viện Khối Âu châu vì những nhu cầu đòi hỏi về an ninh như thế.

Bản thông cáo báo chí năm 2004 của Hội đồng Sikh Thế giới, Miền Hoa kỳ giải thích quyết định không tham gia lễ kỷ niệm 400 năm Guru Granth Sahib (minh sư vĩnh cửu của đạo) tổ chức ở tòa Bạch Ốc, văn bản được coi như thẩm quyền tinh thần tối cao của đạo Sikhism:

“Hội đồng Sikh Thế giới, Miền Hoa kỳ đã giải thích ý nghĩa của kirpan (cho các viên chức tòa Bạch Ốc) và cho rằng việc yêu cầu người Sikh bỏ dao kirpan ra ngoài, không chỉ là xúc phạm mà còn là chối bỏ không cho họ quyền chính đáng được thực hành đức tin của mình.”

Cha Tiso nói nhiều người Sikh đã bỏ dao ra ngoài không đeo để tuân thủ nhu cầu an ninh khi du hành bằng đường hàng không, nhưng việc đó được coi như là một sự thích nghi thế tục vì một mục đích thế tục, không như cuộc họp dự trù với ĐGH Bênêđictô có trọng tâm về tôn giáo.