Tại sao phải tương cảm với những tên khủng bố? Tương cảm và chế tài sự ác

Tuy nhiên, tại sao ta cần phải cố gắng hiểu cuộc sống bên trong của những kẻ đang tìm cách hủy diệt xã hội ta? Osama Bin Ladin chưa hề tỏ lòng tương cảm đối với người Hoa Kỳ, đến độ có lần còn nói: “chúng tôi tin rằng những tên cướp xấu xa nhất trên thế giới ngày nay và là những tên khủng bố tồi tệ nhất chính là người Hoa Kỳ. Không có gì ngăn được bạn ngoại trừ có lẽ phải trả thù lại. Chúng tôi không cần phải phân biệt quân đội hay thường dân. Đối với chúng tôi, tất cả họ đều là mục tiêu” (48). Vậy thì tại sao lại phải tương cảm với một con người quái vật đó, một con người chưa bao giờ tỏ quan tâm luân lý đối với người Hoa Kỳ? Trong các năm sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, các lời kêu gọi phải tương cảm với quân khủng bố thường bị người ta đem ra chế riễu. Đôi khi, các nhân vật công hoàn toàn bác bỏ nhân tính của những người đánh lại chúng ta. Thí dụ, tháng 5 năm 2004, quân nổi dậy ở Iraq bắt cóc và dã man sát hại một thương gia trẻ người Hoa Kỳ tên là Nicholas Berg. Berg bị chặt đầu, và cuộc hành quyết anh được quay video. Phản ứng trước tội ác khủng khiếp này, người dẫn hội thoại (talk show host) nổi tiếng là Rust Limbaugh lên án những kẻ sát hại Berg như sau: “bạn biết những tên này là ai. Chẳng có gì mầu nhiệm cả. Bọn chúng không tốt, chẳng có gì tốt ở nơi chúng. Chúng là những tên đồi trụy, mất trí, hoàn toàn rác rưởi, đồ phế thải nhân bản” (49). Limbaugh không phải là người duy nhất sử dụng một ngôn ngữ như thế đối với al Quaeda và những người nổi dậy tại Iraq; nhiều người dẫn hội thoại và các nhân vật công cũng bác bỏ nhân tính của họ như vậy.

Một ngôn ngữ như trên minh họa cho thấy mối liên kết gần gũi giữa tương cảm và liên đới. Buồn thay, ta có thể bắt mình thôi không tương cảm bằng cách chối bỏ việc ta có cùng một nhân tính như người khác. Ta có thể từ khước không nhìn nhận rằng người khác là những con người không thể nào hoán chuyển được (incommunicable), độc đáo trong nhân cách và các khả năng tinh thần. Qua việc nghĩ về người bị giam giữ vì khủng bố như “một người khác” hoàn toàn xa lạ, tôi “đã bị cái tính người khác kia chặn đường không chuyển dịch từ tính chủ quan của tôi qua tính chủ quan của anh ta được” (“Emphatic Understanding” 49). Sự tương tự thể lý hay sự tương tự khác mà thôi không thể sản sinh ra tương cảm nhưng phải được “định vị trong một tình liên đới nào đó” (ibid., 60). Liên đới đòi ta vừa phải cảm nhận vừa phải quyết ý muốn nhân tính chung và giá trị của cá nhân. Nó đòi ta phải từ bỏ “thứ ngạo nghễ cô lập, ý muốn hưởng không khí trong lành hơn mọi người khác trong nhân loại” (ibid., 49). Nếu ta cứ nhất định coi người khác như đồ “phế thải nhân bản”, ta không thể nào chia sẻ tính cộng đoàn với họ.

Các phúc trình rải rác từ Guantánamo Bay cho thấy: các thẩm vấn viên nhất trí với Rush Limbaugh, cũng chấp nhận các chính sách cố tình phá hoại tình liên đới. Thí dụ, năm 2005, tạp chí Time nhận được nhiều bản ghi sổ thẩm vấn tại Guantánamo Bay. Các bản này mô tả cách các thẩm vấn viên xử lý “không tặc viên thứ 20” Mohammed al-Qahtani, người tới Hoa Kỳ với ý định tham dự vào các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9. Các viên chức di trú giam giữ anh ta, nhờ thế, dù không biết, đã ngăn cản được anh ta khỏi tham gia cuộc tấn công. Anh ta được thả nhưng sau đó bị bắt tại Afghanistan và bị dẫn qua Guantánamo Bay. Al-Qahtani là một tù nhân khó xử, rõ ràng được huấn luyện kỹ về các kỹ thuật dấu diếm (counterresistance). Anh ta chống cưỡng một cách bạo động hay bất bạo động, nhất định chối bỏ mình là thành phần của âm mưu ngày11 tháng 9. Tuy nhiên, từ từ, các thẩm vấn viên phải dùng một loạt các kỹ thuật khác nhau buộc anh ta phải nhìn nhận. Nhiều kỹ thuật vẫn còn được giữ bí mật, nhưng ta cũng biết rằng từ cuối năm 2002, các thẩm vấn viên mở rộng danh mục kỹ thuật của họ sau khi Bộ Trưởng Rumsfeld chấp thuận các kỹ thuật mới. Các sổ ghi thẩm vấn cho thấy các thẩm vấn viên quyết tâm triệt hạ mọi cảm thức về nhân tính của al-Qahtani. Xin trích dẫn một đoạn trong sổ ghi: “người giam giữ được nhắc nhở rằng không ai yêu thương, chăm sóc hay nhớ đến anh ta. Anh ta được nhắc nhớ rằng anh ta kém hơn nhân bản và súc vật còn có tự do và yêu thương hơn anh ta. Anh ta được dẫn ra ngoài để thấy gia đình những con chuột chuối (banana rats). Chuột chuối được di chuyển tự do, chơi đùa, ăn uống, tỏ quan tâm cho nhau. Người giam giữ bị so sánh với gia đình chuột chuối và được nhấn mạnh hơn nữa rằng chúng được nhiều yêu thương, tự do, và quan tâm hơn anh ta. Người bị giam giữ bắt đầu khóc khi bị so sánh như thế” (50).

Trong một đoạn ghi khác, thẩm vấn viên “nói với người bị giam giữ rằng chó được quí trọng hơn vì chó biết phân biệt điều đúng với điều sai và biết bảo vệ người vô tội khỏi người xấu xa. Bắt đầu dạy người bị giam giữ những bài học như ngồi yên, đến đây và sủa để nâng địa vị của anh ta lên địa vị của chó. Người bị giam giữ bắt đầu giao động rất nhiều” (51). Chắc chắn, các thẩm vấn viên còn bắt al-Qahtani chịu nhiều bạo hành khác chưa được công bố.

Những sổ ghi này đã minh họa sống động việc tương cảm lệ thuộc ra sao đối với liên đới giữa các con người. Các thẩm vấn viên quả đã tấn công vào chính tư cách làm người của al-Qahtani, đẩy anh ta xuống hàng súc vật một cách có hệ thống. Anh ta không còn là một hữu thể có cuộc sống bên trong, có tự do chọn lựa. Thay vào đó, anh ta là một hình thức sống dưới con người, chỉ nhận lại được tính người khi chịu hợp tác với các thẩm vấn viên. Khi ta cho phép việc phi nhân hóa này, ta không thể hy vọng vun sới được tương cảm. Ta hoàn toàn bước ra ngoài nhân vị con người, võ đoán tái định nghĩa họ như thú vật. Trong một thế giới như thế, liên đới sẽ không có mà tương cảm cũng không nốt.

Tương cảm có sinh ra yếu đuối hay chủ nghĩa tương đối về luân lý không?

Nhiều người Hoa Kỳ không đi xa đến nỗi bác bỏ tính người của những người bị tình nghi là khủng bố. Thay vào đó, họ sợ rằng tương cảm bộc lộ sự yếu đuối hay hàm nghĩa một chủ nghĩa tương đối về luân lý, tất cả đều phá hoại các phán đoán luân lý. Thí dụ, trong một bài diễn văn gây tranh cãi, cố vấn tổng thống là ông Karl Rove gợi ý rằng “người bảo thủ thấy sự man rợ của ngày 11 tháng 9 trong các cuộc tấn công và chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh; người cấp tiến thấy sự man rợ của cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 và chỉ muốn chuẩn bị các bản cáo trạng đồng thời đề nghị giải pháp điều trị và hiểu biết đối với những người tấn công” (52). Bất chấp đặc tính gây tranh cãi của các nhận định này, Rove quả đã nói lên một cảm quan chung về tương cảm. Trong các cuộc thảo luận công cộng về chủ nghĩa khủng bố, những người kêu gọi tương cảm bị coi là “mềm” (soft) về an ninh quốc gia. Nhiều người lo lắng một cách hợp lý rằng vun sới tương cảm là giảm khinh cái ác của chủ nghĩa khủng bố. Tìm cách hiểu được cuộc sống bên trong của những người chặt đầu Nick Berg hay tương cảm với 19 tên không tặc ngày 11 tháng 9 là ta đã bắt đầu bào chữa cho sự ác. Với một số khác, tương cảm với những kẻ dám sát hại hàng nghìn con người mà không một chút dấu hiệu ăn năn quả là ghê tởm xúc phạm. Chiến đấu chống những kẻ thù tội lỗi, có lẽ phải tránh hết mọi thứ tương cảm. Các nhãn hiệu kẻ chiến đấu bất hợp pháp hay khủng bố là hoàn toàn thích đáng vì các nhãn hiệu này tách chúng ta ra khỏi những người ác chỉ muốn tiêu diệt chúng ta.

Đồng cảm quá gần gũi với sự ác là nguy hiểm về phương diện tâm linh và đạo đức, có thể làm suy yếu la bàn luân lý của ta. Tuy nhiên, cứng ngắc chấp nhận các nhãn hiệu kẻ chiến đấu bất hợp pháp và khủng bố là cho phép mình một cách nguy hiểm được đối xử tàn tệ với những người chẳng ăn có gì với chủ nghĩa khủng bố. Thí dụ, năm 2004, Ủy Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế phúc trình rằng “từ 70% tới 90% những người bị tước tự do ở Iraq đã bị bắt lầm” (53). Phúc Trình Fay-Jones, do các chỉ huy quân sự ở Iraq uỷ nhiệm để điều tra vụ tai tiếng Abu Ghraib, cũng kết luận rằng: Thẩm Quyền Lâm Thời của Liên Minh đã bắt giữ nhiều người không hề dính dáng gì tới chủ nghĩa khủng bố. Cuối năm 2003, khi phong trào nổi dậy tại Iraq tăng thêm lực lượng, các binh sĩ Hoa Kỳ bắt đầu ruồng bố và cầm tù cả hàng nghìn người. Ấy thế nhưng, Phúc Trình Fay-Jones cho biết: “từ 85% tới 90% những người bị giam giữ không có giá trị gì về tình báo dựa vào các cuộc phỏng vấn và thuyết trình toàn diện” (54). Sau khi bắt những người này phải chịu các đối xử bạo hành, Thẩm Quyền Lâm Thời của Liên Minh tại Iraq đã thả nhiều người trong số họ. Cũng thế, Hoa Kỳ từng phóng thích hàng trăm tù nhân khỏi Guantánamo Bay sau khi kết luận họ không còn đe dọa khủng bố nữa. Nhiều người trong số họ đã bị quét sạch trong cuộc chiến tranh tại Afghanistan hay bị Liên Minh Phương Bắc, một đồng minh trong chiến tranh Afghanistan, bán cho Hoa Kỳ.

Những câu truyện rùng rợn của bản thân đã xuất hiện từ những người chỉ đơn giản có mặt không đúng chỗ và không đúng lúc. Thí dụ, trong cuộc chiến tranh Afghanistan, Hoa Kỳ bắt giữ 3 người Anh, tố cáo họ có liên hệ với al-Quaeda. Họ bị dẫn qua Guantánamo Bay, để chịu 2 năm thẩm vấn bạo hành, gồm nhiều thời kỳ dài bị trùm đầu và cô lập hóa. Họ chỉ được thả sau khi “Sở Mật Vụ Anh M15” xuất hiện với “chứng cớ bằng văn bản” chứng minh “các buộc tội chống lại họ là sai lạc” (55). Trường hợp của họ là một trong muôn vàn trường hợp, trong đó, người ta bị cầm tù lầm lẫn vì tội khủng bố. Rõ ràng, Hoa Kỳ đã áp dụng nhãn hiệu kẻ chiến đấu bất hợp pháp vào nhiều người vô tội. Ấy thế nhưng, khi từ khước, không có bất cứ lòng tương cảm nào, chính phủ này đã không hề lưu tâm gì tới những cá nhân cụ thể tại nơi giam giữ, hoàn toàn bất kể tới nhân tính của họ (56).

Những người chỉ trích tương cảm cũng lẫn lộn nó với khoan dung. Tuy nhiên, tương cảm không đòi “phải mù quáng đồng ý với quan điểm của người khác” (57). Thay vào đó, nó đòi ta phải xem sét đời sống bên trong và giá trị của người khác. Tương cảm tỏ lộ nhân phẩm một cách đặc biệt và có thể ngăn ngừa ta đừng cư xử với con người như những đồ vật. Nếu ta coi một người bị giam giữ kém giá trị hơn một con chó hay một con chuột chuối, ta sẽ không có khả năng tương cảm với ông ta và do đó, có rất ít ưu tư luân lý khi tra tấn hay bạo hành ông ta. Những người chỉ trích tương cảm hiểu rất đúng rằng nó thay đổi hành động qua lại của ta với người khác. Nếu nối nó với liên đới, tương cảm sẽ ngăn ngừa ta khỏi tra tấn người khác nhân danh an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ta không nên nhất trí với người khác hay thụ động chấp nhận thế giới quan của họ. Tôi có thể tương cảm với một ai đó như al-Qahtani, dù dự cảm thấy rằng anh ta có ý định hủy diệt người vô tội nhưng vẫn có thể chống đối việc anh ta vô luân sử dụng người vô tội. Mặt khác, tôi có thể đưa ra các biện pháp quân sự và các biện pháp khác để ngăn ngừa anh ta khỏi hủy diệt người khác. Như thế, đồng hóa tương cảm với khoan dung là sai lầm căn để. Các chính khách có thể thấy phương trình này hữu ích về phương diện mỹ từ học để động viên quần chúng chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhưng nó có rất ít giá trị triết học.

Kết luận

Các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 làm người Mỹ bị chấn kích. Bất chấp các lời cảnh giác rằng al Quaeda có thể tấn công Hoa Kỳ, nhiều chính khách vẫn không dự cảm được các cuộc tấn công này. Phần lớn người Hoa Kỳ không hề nghĩ rằng Hoa Kỳ lại có thể bị khủng bố quốc tế chấn thương. Họ vốn coi quân khủng bố như một nhóm người trong bóng tối tìm cách hủy diệt lối sống của họ, thế thôi. Nên họ lúng túng không biết phải định vị các cuộc tấn công này vào cái khung ý niệm nào, so sánh chúng với cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng năm 1941, với chủ nghĩa hư vô của Nga thế kỷ 19 hay với chủ nghĩa cộng sản.

Nhiều nhà bình luận cho rằng cuộc chiến chống Al Quaeda vừa có tính cách trí thức vừa có tính cách quân sự. Làm thế nào để có thể bảo vệ được phẩm giá con người khi những kẻ cực đoan luôn tìm cách hủy diệt nó? Khuôn khổ trí thức nào cung cấp được sự bảo vệ tốt nhất cho phẩm giá ấy? (58). Để trả lời thách đố này, ta cần không những phải khẳng định phẩm giá con người mà còn xét xem phải liên hệ ra sao với những con người ta chưa biết. Tương cảm, tức cảm nghiệm đời sống bên trong của người khác, cung cấp cho ta một phương thế tối cần để biết trân quí người khác. Quĩ tích lý tưởng của nó là mối liên hệ mặt đối mặt, một liên hệ mang đến cho ta cơ hội để hiểu nhau và sửa chữa cho nhau. Bất hạnh thay, ta có thể lạm dụng các mối liên hệ với người khác, dùng tương cảm để tiêu diệt họ. Thành thử ra, ta cần liên kết tương cảm với tình liên đới giữa mọi người, nhờ thế sẽ tránh được các lạm dụng đối với tương cảm.

Các thông tư tra tấn tạo ra một bầu khí dửng dưng luân lý hết sức nguy hiểm đối với người bị giam giữ trong cuộc chiến chống khủng bố. Cả các viên chức của Bộ Quốc Phòng lẫn của Bộ Tư Pháp đều làm ngơ tư cách làm người cụ thể của họ, bằng cách sử dụng não trạng thực dụng vốn phớt lờ giá trị của con người. Tiếp nhận cách tiếp cận hẹp hòi ấy đối với luân lý tính, các thẩm vấn viên đã hạ cấp những người bị giam giữ, đối xử với họ như những tạo vật dưới con người. Khi bị đối chất với các tin tức về việc đối xử này, các viên chức và nhân vật công đành rút lui về ý niệm cho rằng những người chiến đấu bất hợp pháp không có quyền lợi gì.

Các viên chức và nhân vật trên làm ngơ nhiều người vô tội bị dán nhãn hiệu lầm là khủng bố và phải chịu đối xử một cách bạo hành tại Guantánamo Bay, Abu Ghraib, và nhiều nơi khác trên khắp thế giới. Những biện minh trí thức và thực hành bạo lực và tàn bạo ấy đã làm cho hình ảnh Hoa Kỳ khắp nơi trên thế giới bị thương tổn một cách sâu xa. Thay vì đáp ứng chủ nghĩa khủng bố xấu xa bằng cách đưa ra các chính sách biết tôn trọng con người, Hoa Kỳ đã bạo hành các người đang bị mình giam giữ. Khi các chính phủ chiến đấu chống lại quân khủng bố tàn bạo, họ thường dùng các thực hành man rợ. Tuy nhiên, nếu ta muốn hạn chế các thực hành này, ta phải khai triển và thực sự áp dụng một cách nghiêm túc các chỉ thị có tính đạo đức biết duy trì tối thiểu một chút tương cảm và liên đới nào đó.

Hơn 2 nghìn 500 năm trước đây, sử gia Hy Lạp vĩ đại là Thucydides đã ghi chép lại sự thoái hóa trở thành man rợ tại đảo Corcyra. Phe này đánh lại phe kia, sát hại vô số người và triệt hạ luôn Corcyra. Khi chi tiết hóa thảm kịch này, Thucydides đặc biệt khuyên người ta lưu ý tới vấn đề ngôn ngữ. Ông bảo rằng: trong cuộc cách mạng ở Corcyra, ngôn từ đã thay đổi hết ý nghĩa thông thường của chúng và đã tiếp nhận các nghĩa mà người ta bắt chúng phải nhận. Liều lĩnh bất cẩn phải được coi là lòng can đảm nơi một đồng minh trung thành; dè dặt khôn ngoan là hèn nhát trông thấy; chừng mực được coi như hóa trang của kẻ không phải là trượng phu; khả năng thấy mọi phía của vấn đề là thiếu khả năng làm bất cứ chuyện gì. Hung hăng võ quyền trở thành đặc tính của nam tử hán; mưu mẹo quỉ quyệt trở thành phương tiện hợp lý của tự vệ (59).

Khi tái định nghĩa tra tấn một cách tinh vi, bằng cách bác bỏ tương cảm và sử dụng các nhãn hiệu kẻ chiến đấu bất hợp pháp và quân khủng bố, chính phủ Bush quả đã bóp méo ngôn ngữ đạo đức của ta một cách sâu xa. Nó thực sự đồng hóa chừng mực với tính phi nam tử (unmanliness) và tố cáo những ai đưa ý kiến tương cảm là “thiếu khả năng hành động”. Những người ít quan tâm lo lắng đến chuyện tra tấn về phương diện luân lý được coi như đại biểu cho “nam tử hán” (manliness), trong khi những người lên án nó thì đều là ‘hèn nhát trông thấy”. Cả Kitô hữu lẫn những người không phải là Kitô hữu phải coi những chủ tương ấy là đáng lo ngại sâu xa. May mắn một điều, một số người Hoa Kỳ đã lên tiếng chống lại các chủ trương này, và trong thời đại truyền thông và liên mạng 24 giờ một ngày này, nhiều tin tức đã liên tiếp được gửi đi liên quan tới việc Hoa Kỳ đối xử với các người bị giam giữ. Không như tại Corcyra, các định chế dân chủ tại Hoa Kỳ và Âu Châu đã bắt đầu tỏ thái độ đối với rất nhiều lời tố cáo về tra tấn và bạo hành (60). Hy vọng, giữa lúc ta đang giáp mặt với viễn tượng rất có thể có những cuộc tấn công khủng bố khác trong tương lai, ta sẽ có được một ý thức tương cảm và liên đới để gắn bó với “những luật lệ tổng quát mà mọi người chúng ta đều trông đợi vào để được cứu thoát trong nghịch cảnh” (61). Nếu không, giống như người Corcyra, ta sẽ dần dần rơi xuống lối sống man rợ.

Viết theo Derek S. Jeffreys, tạp chí tư tưởng và văn hóa Logos số Mùa Hè năm 2006, của Đại Học Công Giáo St Thomas, Minnesota, Hoa Kỳ.

Ghi chú
48. Bin Ladin đưa ra nhận định này trong cuộc phỏng vấn của ABC và được trích lại trong The 9/11 Commission Report, 47.
49. The Rush Limbaugh Show, 12 tháng 5, 2004, có tại http://www.freerepublic.com/focus/f-news/1134391/posts.
50. Adam Zagorin và Michael Duffy, “Inside the Interrogation of Detainee 063,” Time, 20 tháng 6, 2005, 29.
51. Zagorin và Duffy, “Inside the Interrogation of Detainee 063,” 30.
52. Patrick D. Healy, “Rove Criticizes Liberals on 9/11,” The New York Times, 23 tháng 6, 2005.
53. “Report of the International Committee of the Red Cross (ICRC) on the Treatment of Coalition Forces of Prisoners of War and Other Protected Persons by the Geneva Conventions in Iraq during Arrest, Internment and Interrogation,” Tháng 2, 2004, trong The Torture Papers, 388.
54. “The Fay-Jones Report: Investigation of Intelligence Activities at Abu Ghraib,” trong The Torture Papers, 1042.
55. David Rose, Guantánamo : The War on Human Rights (New York: The New Press, 2004), 15.
56. Xem Mark Denbeaux, Joshua Denbeaux, và David Gratz, “Report on Guantánamo detainees: A Profile of 517 Detainees through Analysis of Department of Defense Data,” có tại http://law.shu.edu/news/guantanamo_report_final_2_08_06.pdf.
57. Michael D. Barber, Equality and Diversity: Phenomenological Investigations of Prejudice and Discrimination (Amherst, NY: Humanity Books, 2001), 121.
58. Xem Paul Berman, Terror and Liberalism (New York: W.W. Norton and Company, 2003) và Michael Ignatieff, The Lesser Evil: Political Ethics in the Age of Terror (Princeton: Princeton University Press, 2004).
59. Thucydides, The Peloponnesian War, Bản dịch Crawley, hiệu đính, T. E. Wick viết dẫn nhập (New York: The Modern Library, 1982), Cuốn 3, 82.
60. Tháng 12 năm 2005, Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua Tu Chính McCain, ngăn cấm tra tấn và bạo hnàh người giam giữ. Không may, khi ký ban hành, Tổng Thống Bush ban hành một tuyên bố cho thấy ông dành quyền hiến định phủ quyết phần nói về tra tấn. Xem Tu Chính McCain tại
http://www.fcnl.org/issues/item.php?item_id=1567&issue_id=70. Xem tuyên bố của TT Bush tại http://www.boston.com/news/nation/washington/articles/2006/01/04/bush_could_bypass_new_torture_ban/?rss_id=Boston.com+%2F+News.
61. Thucydides, The Peloponnesian War, Cuốn 3, 84.