Hồi đầu năm nay, nhân có những thành công ngoạn mục của phong trào dân chủ tại Thế Giới Ả Rập, Linh Mục Samir Khalil, một chuyên viên Dòng Tên về Thế Giới này, có viết một bài tựa là Mùa Xuân Ả Rập được Asia News phổ biến ngày 24 tháng 2 năm 2011. Chúng tôi cho phổ biến bài này trên Vietcatholic News ngày 1 tháng 3. Linh Mục Khalil dựa vào yếu tố sau đây để đưa ra nhận định “một Mùa Xuân đang bừng nở cho thế giới Ả Rập” của mình: “Chứng cớ của mùa xuân này là không hề có chủ nghĩa cực đoan hay ý thức hệ trong các cuộc biểu tình ở Libya, Ai Cập và Tunisia… Đây là một phong trào của người trẻ, được thúc đẩy bởi đau khổ kinh tế và các lý tưởng như dân chủ, bình đẳng, tự do và công lý. Các cuộc biểu tình không có bóng dáng bạo động và hận thù. Cả thế giới Ả Rập đang thay đổi, đem lại cho ta một viễn tượng chưa từng có ở đây: tầm quan trọng của người trẻ”. Linh Mục cũng nhấn mạnh: đây là một cuộc cách mạng của liên đới, không cuồng tín, một cuộc cách mạng ôn hòa. Nhưng còn một lý do nữa mà Linh Mục không nêu lên trong bài báo ấy, nhưng nêu ra trong một bài báo khác cũng đã được chúng tôi cho phổ biến, đó là việc, trước khi có những biến động khiến Mubarak phải từ chức, một số giáo sĩ và trí thức nổi tiếng của Ai Cập đã lên tiếng đòi canh tân Hồi Giáo. Các điểm chính được họ nêu ra là: suy nghĩ lại vai trò của phụ nữ, huynh đệ hóa các phái tính, liên hệ bình đẳng với người Kitô Giáo. Họ cũng muốn làm rõ việc giải thích các lời nói của Mohammad và các huyền thoại của chủ nghĩa cực đoan Salafism, bác bỏ các ảnh hưởng của Saudi Arabia.

Hơn một tháng sau, tức ngày 25 tháng 4, một bài khác được phổ biến trên Vietcatholic News thuật lại nỗi lo ngại của Thượng Phụ La Tinh ở Jerusalem là Fouad Twal rằng “Kết quả của ‘Mùa Xuân Ả Rập’ là không chắc chắn”. Người đọc không được rõ lắm về lý do khiến Thượng Phụ lo lắng như vậy ngoại trừ câu này: “Mặt khác, chúng tôi phải công nhận rằng luôn luôn có cái không biết và điều không chắc chắn, do các phong trào nổi dậy mang lại. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Chúng tôi hy vọng nó sẽ vì tương lai tốt hơn và công ích". Rồi một bài khác được công bố trên Vietcatholic News ngày 19 tháng 5 với một tựa đề bi quan hơn “Mùa Xuân Ả Rập tàn lụi tại Syria?”. Bài này chĩa mũi dùi vào Barak Obama nhiều hơn, với thái độ nửa đánh nửa không của ông ta.

Với tình hình nhập nhằng trong Thế Giới Ả Rập hiện nay, nhiều người không khỏi có những lo âu hay lo ngại như trên. Ấy thế nhưng, theo hãng tin MISNA ngày 27 tháng 5, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Linh Mục Khalil cho rằng: chúng ta vẫn đang chờ đợi hoa trái của Mùa Xuân Ả Rập. Ngài bảo: “Đã có một Mùa Xuân và là một Mùa Xuân cho những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, nay ta phải hướng về Mùa Hè hay đúng hơn Mùa Thu, để xem xem các mùa này mang lại những hoa trái nào. Đây là thách đố mà các phong trào dân chủ tại Ai Cập và Tunisia đang phải đương đầu trong Thế Giới Ả Rập”.

Cha Khalil nói tiếp: “Các cuộc nổi dậy trên đường phố từ Cairo đến Tunis là kết quả của một bất mãn phổ biến được cảm nhận phần lớn bởi giới trẻ. Họ lớn lên không có tương lai nên đã đòi hỏi các hệ thống thối nát và bế tắc phải thay đổi”. Cha cho rằng chỉ có thế giới tuổi trẻ này mới có khả năng hủy diệt được những năm tháng cai trị và bạo hành tồi tệ và chúng ta quả đã được chứng kiến “một Mùa Xuân lý tưởng thực sự” tại các quốc gia trên, mà nay ta cần kiểm chứng bằng những kế hoạch cụ thể.

Tóm lại, Mùa Xuân đã có rồi, nhưng hoa trái thì cho đến nay, ta vẫn phải chờ đợi. Về phương diện này, và dựa vào trường hợp Syria, “một trong rất ít quốc gia thế tục trong vùng, nơi sự chung sống giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo vốn được dùng làm mẫu mực khôn sánh”, Cha bảo: một hừng đông mới chỉ xuất hiện cho toàn vùng Trung Đông nếu có được sự hỗ trợ hỗ tương giữa hai cộng đồng này.

Cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và Al-Azhar sẽ tiếp tục

Và đó là điều đang xẩy ra. Văn Phòng Báo Chí của Toà Thánh ngày 21 tháng 5 vừa qua đưa tin vui: Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran và Đức TGM Pier Luigi Celata, lần lượt là Chủ Tịch và là Tổng Thư Ký của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn, vừa gặp gỡ Bộ Trưởng Ngoại Giao của Cộng Hòa Ả Rập Ai Cập và Tân Tổng Thư Ký Liên Đoàn Các Quốc Gia Ả Rập, Ông Nabil Al-Arabi, trong cuộc hai ông viếng thăm Rôma vào thứ Tư tuần trước, 18 tháng 5.

Trong cuộc gặp gỡ này, Ông Bộ Trưởng đã chuyển lời thăm hỏi của Giáo Sư Ahmad Al-Tayyib, Chủ Tịch Đại Học al-Azhar, và bày tỏ ước nguyện của Đại Giáo Chủ muốn cho các khó khăn mới đây trong liên hệ với Tòa Thánh được vượt qua.

Tưởng cũng nên nhớ: giữa Tòa Thánh và Đại Học al-Azhar, cơ quan đầu não về lý thuyết của Hồi Giáo Trung Đông, vốn có những cuộc đối thoại thường xuyên. Nhưng vào đầu năm 2011, cơ quan này đã cho ngưng các cuộc đối thoại này, để phản đối “ việc pha mình vào nội bộ không thể chấp nhận được (của Đức Bênêđíctô XVI)” về việc bảo vệ người Kitô Giáo Coptics tiếp theo cuộc tàn sát tại Alexandria. Người phát ngôn của al-Azhar, nhân dịp này, còn nhắc lại cả bài diễn văn của ngài tại Regensburg năm 2006.

Rồi ngày 13 tháng 4 vừa qua, al-Azhar lại tái khẳng định việc không tham dự đối thoại nói trên. Trong một cuộc gặp gỡ với Khâm Sứ Tòa Thánh, Đại Giáo Chủ Al-Tayyib nhắc lại lời tố cáo của ông chống Vatican sau lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng phải bảo vệ an ninh cho Kitô hữu. Theo Ông, al-Azhar chỉ tiếp nối các cuộc đối thoại với Tòa Thánh nếu có lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng. Phía Công Giáo cho rằng không có lý do gì để Đức Giáo Hoàng phải xin lỗi, vì ngài không hề xúc phạm Hồi Giáo, ngài chỉ vì nhiệm vụ phải lên tiếng yêu cầu bảo vệ an ninh cho Kitô hữu mà thôi. Người ta cho rằng thái độ mập mờ của al-Azhar, một đàng đòi Đức Giáo Hoàng xin lỗi, một đàng muốn Tây Phương hiểu mình là một định chế ôn hòa, đã phản ảnh phần nào bầu khí mù mờ và bất ổn tiếp theo cuộc Cách Mạng Hoa Nhài và việc mất quyền của Mubarak. Hồi Giáo Ai Cập thấy mình chơi vơi giữa các phong trào dân chủ thế tục, Hồi Giáo cực đoan và một tân chế độ quân sự.

Có thể tình thế nay đã sáng sủa, hoa trái của Mùa Xuân Ả Rập chuẩn bị nở rộ chăng, nên al-Azhar buộc phải thay đổi thái độ. Đáp ứng trước thái độ tích cực này, Đức Hồng Y Tauran nhắc lại lòng trân trọng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đối với nhân dân và nhà cầm quyền Ai Cập và quyết tâm của Tòa Thánh muốn tiếp tục con đường đối thoại và hợp tác liên tôn với al-Azhar đã từng khai diễn từ năm 1998.

Các nước G8 cam kết trợ giúp kinh tế cho “Mùa Xuân Ả Rập”

Đó là tựa đề một bản tin ngày 27 tháng 5 của Asia News. Theo đó, thì hội nghị thượng đỉnh của G8 đã hứa sẽ giúp 20 tỷ dollars, phần lớn cho Tunisia và Ai Cập. Khoản trợ giúp này là để dành cho diễn trình chuyển qua dân chủ. Trong quá khứ, các nước thành viên của G8 thường tài trợ cho các chế độ độc tài nay đã bị lật đổ hay đưa ra những hứa hẹn không được họ chu toàn. Các nước thành viên lên án bạo lực tại Syria và Bahrain và công bố tối hậu thư đối với Gaddafi.

Các nước G8 cũng thúc giục các nước Ả Rập giầu có giúp đỡ các nước Ả Rập anh em từng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình thế bất ổn hiện nay cũng như những bóc lột trong quá khứ. Các nước G8 còn cam kết bằng mọi giá phải thiết lập được một mối liên hệ mới với các nền dân chủ đang hình thành và khá mỏng dòn sau khi họ ủng hộ các nhà độc tài bị truất phế cả hàng mấy thập niên qua.

Trước hội nghị thượng đỉnh của nhóm này, Thủ tướng Anh, ông David Cameron, nói rằng: “Các nước hùng cường nhất trên trái đất đã đến với nhau và đang nói với tất cả những ai tại Trung Đông và Bắc Phi muốn có một nền dân chủ, tự do và dân quyền lớn hơn rằng: Chúng tôi đứng về phía các bạn”.

Trong một cuộc họp báo chung, Tổng Thống Hoa Kỳ, Ông Barack Obama, và Tổng Thống Pháp, Ông Nicholas Sarkozy, nói rằng: khoản viện trợ này dành cho việc chuyển qua dân chủ. Chủ Tịch Liên Hiệp Âu Châu, Ông Manuel Barroso, cũng nói tương tự như thế.