Câu truyện một em bé

Ngắm nhìn Francis Bok nhắc lại quá khứ mà não lòng. Em nói nhỏ nhẹ, ngập ngừng. Con mắt sáng của em đăm đăm, lúc nhìn thẳng vào bạn, lúc dõi vào khoảng không, nhưng lúc nào cũng hướng về ngày đó cách nay 15 năm tại Sudan.

Ngày ấy, em mới lên bẩy và đang sống với gia đình tại một làng quê nhỏ bé miền nam. Má em sai em ra chợ địa phương bán trứng và đậu của gia đình. Tại quảng trường làng hôm đó, không khí rất nhộn nhịp: người địa phương hối hả đi lại giữa các quầy hàng, mua mua bán bán. Nhưng cảnh ồn ào buôn bán ấy bỗng nhiên im bặt khi hàng trăm tay súng Hồi Giáo phóng ngựa vào chợ. Lúc dân làng lấm lét nhìn họ sau dẫy thúng rau quả cũng là lúc họ nã súng như mưa.

Quanh Francis, xác người ngổn ngang, đầy vết đạn. Người ta la hét, chạy tán loạn, tuyệt vọng trốn chạy cuộc tàn sát đang diễn ra chung quanh họ. Nhưng vô vọng. Các tay súng đã vây họ lại như trong một chiếc thúng. Không một lối thoát. Francis bảo “Quả là khiếp đảm. Đàn ông thì bị giết, đàn bà thì bị hiếp. Mọi sự xẩy ra ngay trước mắt chúng tôi. Quả là khiếp đảm”.

Giữa những rên rỉ của người hấp hối, các tay súng túm lấy trẻ em, cột chúng vào hai bên những con lừa, chở đi bán làm nô lệ. Francis bị cột vào một bên lừa, bên kia là hai bé gái. “Hai con nhỏ cứ khóc hoài, nên các tay súng bèn hạ sát chúng. Từ đó, em biết phải giữ im lặng”. Em bị bán cho một gia đình Hồi Giáo, nơi em bị đánh mỗi ngày và bị gọi là “Abeed” nghĩa là “mọi đen”. Ngay những đứa con của gia đình này cũng ra tay tàn bạo, mắng nhiếc và đánh đập em theo “gương” bố mẹ.

Suốt 10 năm, Francis phải sống như một con vật, ngủ ở chuồng dê. “Suốt 10 năm đó, em không có ai để cười với… không có ai yêu thương em”.

Một buổi sáng kia, lúc đã 17 tuổi, Francis quyết định trốn thoát. Trước đó, em đã thử hai lần nhưng đều thất bại. Lần này hẳn là lần chót. “Em tự nhủ ‘đây là lần sau cùng’. Nếu họ bắt được em, em sẽ nói để họ giết em đi, không thì em cũng sẽ tự tử. Em không muốn làm nô lệ nữa”.

Francis dậy thật sớm, cầu nguyện, và với một sự may mắn mà chỉ có Chúa mới ban cho được, em đã để lại sau lưng 10 năm đầy khiếp đảm. Chỉ mới năm ngoái, em mới biết vào đúng ngày em bị dẫn đi, các tay súng Hồi Giáo cũng đã sát hại cả gia đình em.

Tại Sách?

Nhiều người cho rằng những tàn bạo này chỉ xẩy ra với chủ nghĩa cuồng tín Sudan. Thực ra, chúng đâu có là sản phẩm riêng của Đông Phi. Hàng ngày, báo chí vẫn mang tới cho công luận nhiều điển hình còn khủng khiếp hơn nữa: những người cực đoan Hồi Giáo bắt cóc và sát hại dân làng ở Phi Luật Tân… Các tay súng Duy Hồi Giáo tràn vào nhà thờ ở Pakistan và nã súng máy vào người thờ phượng… Người Duy Hồi Giáo cực đoan cướp máy bay và đâm vào các tòa nhà… Các tay súng Duy Hồi Giáo tấn công các làng Kitô Giáo ở Indonesia, hành hạ đàn bà, sát hại đàn ông.

Duy Hồi Giáo cực đoan. Tay súng Duy Hồi Giáo. Người quá khích Duy Hồi Giáo. Hồi Giáo.

Trong ít tháng qua, ta đã nghe không biết bao tiếng nói, từ Tổng Thống George W. Bush trở xuống, trấn an ta rằng Hồi Giáo là một tôn giáo của hòa bình. Nhưng các con số thống kê đã chỉ ta qua hướng khác. Trong số khoảng 30 cuộc tranh chấp hiện đang diễn ra hôm nay, hết 28 cuộc liên lụy tới các nước Hồi Giáo. Hơn 90%, một tỷ số rõ ràng là không tương xứng khi chỉ có 20% dân số hoàn cầu theo Hồi Giáo mà thôi. Hẳn phải có một lý do.

Mohammed sinh khoảng năm 570 Công Nguyên tại Mecca, một địa điểm giao thương nhỏ thuộc Saudi Arabia ngày nay. Ông lớn lên giữa bầu khí đa thần, thờ ngẫu tượng và bạo lực bộ tộc. Mồ côi lúc còn nhỏ, nhà tiên tri được hết thân nhân này tới thân nhân khác nuôi dưỡng.

Năm 25 tuổi, chàng Mohammed đẹp trai cưới một góa phụ giầu có 40 tuổi tên là Khadija. Cuộc phối hợp này, nói chung, rất hạnh phúc. Dù sau này nhà tiên tri cưới tới 9 người vợ, nhưng ông chỉ làm thế sau khi người vợ thân yêu thứ nhất qua đời.

Năm 610 Công Nguyên, cuộc đời Mohammed đi vào một khúc quanh. Theo niềm tin Hồi Giáo, thiên thần Gabriel đã hiện ra với ông và truyền cho ông “Hãy Đọc”. Kết quả chính là Kinh Kôrăng, sách thánh của Hồi Giáo và là nền tảng của đạo.

Các cố gắng cải đạo đầu tiên của Mohammed tỏ ra không thành công. Ngoài bà vợ trung thành ra, ông chỉ thu phục được dăm ba đệ tử. Nhưng tình thế này thay đổi hẳn khi ông quyết định rời bỏ những người hàng xóm không biết hoan hô để trẩy đi Medina (lúc đó có tên là Yathrib). Tại đây, tôn giáo mới của ông trở nên phát đạt. Chẳng bao lâu, nhà tiên tri không những thu lượm được quyền tôn giáo mà cả quyền chính trị nữa. Ông không còn lệ thuộc lệnh truyền của các nhà cai trị địa phương nữa, mà là nắm quyền tối cao. Nhưng, theo các nhà phê bình, đó cũng là lúc lộn xộn bắt đầu.

Tháng 3 năm 624 Công Nguyên, 300 quân Hồi Giáo đánh cướp một đoàn vận tải của người Mecca cách Medina 10 dặm về phía nam. Được báo động, người Mecca tăng con số của họ lên 1,000. Nhưng dù đông hơn, họ vẫn bị lực lượng của Mohammed dẹp tan, khiến những kẻ sống sót phải chạy thoát qua các sườn đồi.

Một năm sau, những người Mecca thua trận mở cuộc đánh trả, rượt người Hồi Giáo chạy dài. Nhưng cuộc thất bại này sớm được phục thù. Khi lực lượng của Mohammed phản công, họ đánh bại kẻ địch trong một trận đánh trở thành huyền sử Hồi Giáo. Ít năm sau, Mohammed và 10,000 chiến sĩ của ông tiến vào Mecca, cố hương của ông, mà không bị kháng cự. Mecca từ đó trở thành thủ phủ của Hồi Giáo.

Nhiều thế kỷ sau đó họ liên tiếp đạt được chiến thắng lẫy lừng: Trung Đông, Bắc Phi, Tiểu Á, Tây Âu. Nhiều người cho rằng đó chính là ý niệm truyền đạo của Hồi Giáo: truyền đạo bằng gươm. Nghĩ như thế là quên, không lưu ý tới, thực tại lịch sử này: trong hầu hết các trường hợp, dân bị chiếm đóng được phép duy trì các tín ngưỡng riêng của họ. Những người không theo Hồi Giáo sống trong các nhà nước Hồi Giáo chỉ buộc phải trả jizyah, một thứ thuế cho phép họ được thực hành tôn giáo riêng. Dù không công bằng, nhưng ai cũng phải nhận rằng người không theo Hồi Giáo được cái lợi không phải đi quân dịch và nộp zakat, một thứ thuế “bố thí” mà tín hữu Hồi Giáo bắt buộc phải đóng.

Nhìn một cách khác quan, các ghi chép lịch sử cho thấy chỉ trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, rất ít người không phải là Hồi Giáo tại các vùng bị chiếm đóng bị cưỡng bức phải theo Hồi Giáo. Thực tế, Kinh Kôrăng còn ra lệnh như thế này: “Trong tôn giáo, đừng có việc cưỡng bức: chân lý bao giờ cũng tự sáng tỏ khỏi sai lầm” (Surah 2:256), và “nếu Chúa muốn, tất cả mọi người sẽ tin, mọi người trên mặt đất! Há ngươi lại cưỡng bức người ta tin, ngược với ý muốn của họ sao!” (Surah 10:99).

Nhưng trong khi Kinh Kôrăng minh nhiên lên án việc cải đạo bằng vũ lực, thì người Hồi Giáo ngày nay lại không luôn luôn tôn trọng việc lên án ấy. Francis Bok cho hay: “Chính phủ tại Khartoum (thủ đô Sudan) muốn mọi người phải trở thành tín hữu Hồi Giáo. Nhưng người Kitô Giáo ở miền nam không chịu. Chúng tôi không muốn bị Kinh Kôrăng thống trị. Đó chính là lý do họ giết chúng tôi, bắt chúng tôi làm nô lệ, vì chúng tôi không chịu khuất phục, dù đối diện với sự ác”.

Im lặng không lên tiếng

Cadherine Shaheen cũng không chịu khuất phục. Người Kitô hữu Pakistan 38 tuổi này đã lìa xứ sở của cô để trốn cái chết chắc chắc sẽ xẩy ra trong tay người Hồi Giáo quá khích. Nay, 2 năm sau, người phụ nữ nhỏ nhắn với mái tóc đen dài và nụ cười e thẹn đầy con gái này đang ngồi ở salông, tay để trên lòng. “Tôi vốn là cô giáo, dạy môn khoa học”. Các ngón tay của cô vô tình lần lên tượng chịu nạn bằng vàng đeo quanh cổ.

Là cô giáo theo Kitô Giáo duy nhất ở một ngôi trường hoàn toàn theo Hồi Giáo, Cadherine nhiều lần bị áp lực phải theo Hồi Giáo. Khi cô được đề bạt lên làm giám thị, tình thế còn tệ hơn. Có lúc, người ta buộc cô phải chọn: một là trở lại Hồi Giáo, hai là phải từ chức. Cô khước từ việc lựa chọn ấy.

Chẳng bao lâu sau, cô bị tố cáo phạm thượng chống lại Hồi Giáo. Tên và hình cô được dán tại tất cả các đền thờ tại địa phương. “Ông phải hiểu, điều ấy có nghĩa là án tử hình đối với tôi. Người ta vốn cho rằng giết một kẻ phạm thượng là một vinh dự lớn của người đàn ông Hồi Giáo. Ngay trước tôi, người Hồi Giáo đã giết một vị hiệu trưởng vì tội phạm thượng. Tôi là người kế tiếp”.

Cadherine đành phải ẩn trốn. Cảnh sát đến nhà cô truy lùng. Cha già 85 tuổi cùng các anh em trai của cô đều bị bắt. Sau một tuần, cha cô được thả ra. Nhưng cụ không bao giờ còn như trước nữa và đã qua đời sau đó ít lâu.

Sau nhiều tháng ẩn trốn, cuối cùng cô đã được đem ra khỏi nước cùng với 2 em gái. Hiện cô đang định cư tại Hoa Kỳ. “Quả là kinh hãi cho các Kitô hữu tại Pakistan. Người Hồi Giáo chiếm đất của chúng tôi, cướp nhà cửa của chúng tôi, dùng vũ lực buộc chúng tôi chấp nhận theo Hồi Giáo. Các thiếu nữ bị bắt cóc và cưỡng hiếp. Rồi người ta bảo rằng nếu họ muốn lấy một người chồng sẵn sàng bỏ qua sự ô nhục kia thì họ phải trở lại Hồi Giáo”.

Cô còn kể cho nghe câu truyện về Asia, một bé gái 13 tuổi cùng sống với cô lúc cô đi ẩn. Asia làm cho một người đàn ông Hồi Giáo và người này muốn cưới em làm vợ. Em khước từ và do đó bị bắt cóc và cưỡng hiếp. Cả gia đình em cùng bị bắt, cha mẹ em bị tra tấn nhiều lần. Sau nhiều tháng bị giam giữ, em cùng cả gia đình được giải thoát. Họ vẫn tiếp tục ở lại Pakistan và giữ niềm tin Kitô Giáo.

Cadherine cho rằng: “Không phải mọi người Hồi Giáo đều như thế. Không phải ai ai cũng bạo lực. Có nhiều loại người khác nhau. Nhưng người ôn hòa không chịu lên tiếng chống lại bạo lực. Họ giữ im lặng, vì không muốn bị coi là chống lại các người Hồi Giáo khác. Và bởi thế, bạo lực cũng như chém giết cứ thế tiếp diễn”.

Kinh Kôrăng dạy gì?

Nhưng há Kinh Kôrăng không nói tới hòa bình, tới tự do tôn giáo và tự do thờ phượng đó sao? Cadherine trả lời chắc nịch: “Họ đâu có theo Kinh Kôrăng. Nếu họ theo Kinh Kôrăng, thì đâu có vấn đề gì! Họ cho rằng Hồi Giáo chuộng hòa bình, nhưng rồi họ giảng và sống bạo lực”. Tay cô lại rờ vào tượng chịu nạn.

114 chương Kinh Kôrăng (gọi là surahs) chứa đựng mọi sự từ những vần thơ uy nghiêm (“Há các ngài không ngắm những con chim đang bay lượn giữa không khí và bầu trời đó sao?”) tới những lệnh truyền hàng ngày (“chỉ được phép ly dị hai lần”). Dù người không tin thấy có những chỗ nhàm chán và lặp đi lặp lại, nhưng đối với người Hồi Giáo, Kinh Kôrăng là chữ nghĩa của chính Thiên Chúa, theo nghĩa đen.

Thực thế, người Hồi Giáo hiểu linh hứng khác với cộng đồng Do Thái và Kitô Giáo. Người Kitô giáo nhìn nhận sự linh hứng trọn vẹn của Thánh Kinh nhưng cũng tin rằng Chúa Thánh Thần sử dụng văn phong đặc thù cũng như cái khung tham chiếu của từng tác giả.

Trái lại, người Hồi Giáo tin rằng Kinh Kôrăng được đọc trực tiếp từng chữ cho Mohammed, người đã học thuộc lòng các chữ này. Các lời trong đó chính là lời của Thiên Chúa, không bị gạn lọc chi hết bởi bất cứ tác giả phàm nhân nào.

Dù người Hồi Giáo cũng tin vào Hadith (giống thánh truyền của Công Giáo), nhưng Kinh Kôrăng vẫn là nền tảng của tín ngưỡng, của hành động và của luân lý. Chính vì thế, trong những năm gần đây, những người không phải là Hồi Giáo vẫn ngờ rằng Kinh này là nguyên nhân đệ nhất đẳng tạo ra bạo lực Hồi Giáo. Các nhà bình luận từng trích dẫn nhiều câu xem ra ủng hộ hoàn toàn việc sát hại hàng loạt những người không tin. Nếu bạn đọc báo chí, xem truyền hình hoặc tìm kiếm liên mạng, hẳn bạn sẽ bắt gặp những câu đại loại như “hình phạt dành cho những kẻ gây chiến chống Allah và Tiên Tri của Người và toàn tâm toàn lực cố gắng làm điều xấu xa trên khắp lãnh thổ là: xử tử, hay đóng đinh, hay cắt bỏ chân tay bởi đối phương, hay tù biệt xứ” (Surah 5:33).

Khó có thể đọc những câu như thế mà không ngỡ ngàng trước sự tàn bạo biểu kiến của nó. Tuy nhiên, biểu kiến có thể lầm lẫn, và quả thực trong trường hợp này, nó lầm lẫn thực. Vì đoạn hay được trích dẫn này đã bị trích ra ngoài ngữ cảnh lớn hơn của nó, một ngữ cảnh làm nhẹ tính khắc nghiệt của nó nhiều lắm.

Câu trên phác họa 4 hình thức trừng phạt có thể có đối với những ai cầm vũ khí chống lại người Hồi Giáo và nhà nước. Phản ứng đưa ra ở Surah 5:33 này thực ra hoàn toàn có tính phòng ngự và duy trì nguyên trạng (reactionary), chứ không hẳn là lời kêu gọi tàn sát hàng loạt. Thực thế, câu kế tiếp, mà nhiều người ưa bỏ qua, nói như thế này: “ngoại trừ những ai ăn năn trước khi sa vào quyền uy ngươi: trong trường hợp này, ngươi hãy biết rằng Allah là Đấng hay tha thứ, đấng rất nhân từ” (Surah 5:34).

Nói cách khác, người tấn công thể lý vào cộng đồng và nhà nước Hồi Giáo có thể tránh được hình phạt nói trên nếu anh ta biết ăn năn thống hối về hành vi gây hấn của mình. Trong Hồi Giáo, bạo lực và chiến tranh chỉ được nhìn nhận như các biện pháp phòng ngự. Kinh Kôrăng cấm người Hồi Giáo không được gây hấn một cách bạo lực. Cũng một sự bất cẩn tương tự đối với ngữ cảnh như thế đã xuất hiện cùng với việc trưng dẫn Surah 9:5: "Hãy đánh phá và sát hại quân ngoại đạo ở bất cứ nơi nào ngươi thấy chúng, hãy tóm cổ chúng, bao vây chúng, và nằm chờ chúng trong mọi mưu kế chiến tranh…”

Câu này đọc lên đủ thấy hãi hùng, nhưng chỉ là vì ta đã tách nó ra khỏi những câu chung quanh. Câu 4 liền trước nó, chẳng hạn, đã mô tả ai là quân ngoại đạo này. Lúc chương này được viết ra, thì một nhóm người không phải là Hồi Giáo đã ký kết một hòa ước với cộng đồng Hồi Giáo nhưng sau đó đã vi phạm hòa ước này. Họ được ban đặc ân 4 tháng để quay về với các điều khoản của hòa ước. Nếu họ không giữ đúng đặc ân này, thì tình trạng chiến tranh sẽ xẩy ra. Nhưng chiến tranh vẫn có thể tránh được nhờ lòng ăn năn, như câu 5 nói tiếp: “… nhưng nếu chúng ăn năn, và thường xuyên cầu nguyện cũng như thực hành việc bố thí, thì ngươi hãy mở đường cho chúng: vì Allah là Đấng hay tha thứ, là Đấng rất nhân từ. Nếu có kẻ ngoại đạo nào cầu xin, hãy cho họ nương náu” (Surah 9:5-6).

Thành thử nếu đọc trong ngữ cảnh của nó, câu trên chỉ có ý nói tới một nhóm những người Ả Rập gây hấn mà thôi, họ là một nhóm chuyên biệt, sống ở một thời điểm chuyên biệt tại một nơi chuyên biệt. Trong tình thế đặc biệt ấy, cải đạo được coi là phương cách duy nhất để chắc chắn rằng những người không tin kia duy trì hòa ước của họ.

Hồi Giáo và Kitô Giáo có quan niệm khác nhau về công lý. Kitô Giáo dựa vào sứ điệp Tin Mừng chủ trương chiến thắng nhờ hòa bình, dù nhiều thời kỳ trong lịch sử Kitô Giáo cho thấy khác. Trong khi ấy, Hồi Giáo dựa nhiều vào Cựu Ước, nên đã chủ trương chiến thắng nhờ loại trừ hay khuất phục kẻ thù, miễn là trong tinh thần tự vệ. Nếu xét Kinh Kôrăng theo tiêu chuẩn Tin Mừng, ta phải kết luận là nó ủng hộ bạo lực và tắm máu. Nhưng khi làm thế, ta cũng phải kết án cả Cựu Ước nữa vì những điều tương tự.

Như thế Kinh Kôrăng, tuy cổ vũ một quan điểm về tranh chấp khác với quan điểm của Kitô Giáo, vẫn nằm trong quĩ đạo của truyền thống Do Thái Kitô Giáo. Dù có nhìn nhận như thế chăng nữa, ta vẫn thắc mắc tại sao lại có quá nhiều người Hồi Giáo tỏ ra bạo động đến thế?

Hai học giả Hồi Giáo

Jamal Barzinji có dáng của một vị giáo sư mà sinh viên nào cũng ưa thích. Khoảng 60 tuổi, khổ người nhỏ bé, bộ mặt của ông dễ dàng chuyển từ cái nhăn nhó của nhà học giả qua nụ cười dễ thương của một người ông.

Ông dẫn tôi qua hành lang toà nhà của Hội Khoa Học Gia Xã Hội Hồi Giáo, một trung tâm nghiên cứu tọa lạc ở khu ngoại ô Washington, D.C. Sau một hồi tham quan, chúng tôi an vị tại một văn phòng lớn ở cuối dẫy.

Tại đó, chúng tôi được sự tham gia của Louay Safi, chủ bút tờ American Journal of Islamic Social Sciences (Tập San Khoa Học Xã Hội Hồi Giáo Hoa Kỳ). Barzinji mở đầu: “Islam mang tiếng một cách bất công là bạo lực. Phần lớn cái nhìn này là tàn dư từ thời Thập Tự Chinh, khi người Hồi Giáo bị chế riễu là mọi rợ. Chúng tôi thấy cái nhìn đó trong rất nhiều phim ảnh và chương trình truyền hình ăn khách thời nay. Khi người Hồi Giáo xuất hiện, bao giờ họ cũng là những tên khủng bố”.

Nhưng các con số thống kê thì sao? Há không đúng là 90% các cuộc chiến tranh ngày nay liên quan tới các nước Hồi Giáo đó sao?

Ông gật đầu. “Đúng, tôi nghĩ con số ấy chính xác, nhưng mỗi cuộc tranh chấp phải được nhìn riêng rẽ mới có thể phán đoán tại sao nó xẩy ra. Tuy nhiên, có nhiều lý do lắm. Thứ nhất, nhiều người Hồi Giáo từng sống dưới ách thống trị của những nhà độc tài tàn bạo và thối nát, mà thường những nhà độc tài này do các quốc gia Tây Phương dựng lên và duy trì. Họ chiến đấu để tự giải phóng mình khỏi những tình huống ấy, giống như những nhà cách mạng trong lịch sử thực dân ở Mỹ. Thứ hai, một số các quốc gia này chỉ mới được giải phóng khỏi sự cai trị của Tây Phương gần đây thôi. Thành thử tất nhiên phải xẩy ra một thời kỳ bất ổn lâu dài trước khi các quốc gia này có thể tự đứng vững. Chúng tôi cũng thấy hiện tượng này xẩy ra trong lịch sử Tây Phương. Thứ ba, nhiều người Hồi Giáo tin rằng các quốc gia khác trên thế giới đã lãng quên số phận của họ quá lâu rồi. Không điều gì họ làm được coi là có kết quả, thành thử một số người nơi họ, vì quá thất vọng, đã phải sử dụng tới đấu tranh vũ trang”.

Lúc ấy, Safi mới lên tiếng: “Nhưng đa số người Hồi Giáo không bạo động. Đa số vẫn đứng lên chống lại các bất công đối với họ một cách hoà bình. Hàng nghìn người Hồi Giáo đang chết trong các nhà tù chỉ vì họ không chịu chọn cầm súng. Một thiểu số quay qua đấu tranh vũ trang, chỉ vì tuyệt vọng. Nhưng đó chỉ là một thiểu số mà ai cũng thấy”.

Barzinji đồng ý. “Người Hồi Giáo cũng bị bách hại và sát hại”. Ông biết điều đó bằng chính kinh nghiệm đau đớn của bản thân. Là người Kurd, ông từng trốn khỏi Iraq trước khi Saddam Hussein lên cầm quyền và đưa ra chính sách sát hại hàng loạt dân tộc ông. Hàng nghìn đồng bào ông chết dưới tay Hussein.

Nhưng nếu Hồi Giáo yêu chuộng hòa bình, thì phải giải thích ra sao hiện tượng quá nhiều nhóm trên khắp thế giới đang thi hành bạo lực dưới lá cờ jihad, hay thánh chiến?

Safi lắc đầu. “Điều đầu tiên ông nên hiểu là jihad không có nghĩa thánh chiến. Thánh chiến là một quan niệm của thập tự chinh Tây Phương, chứ không phải của người Hồi Giáo. Jihad chân thực không bao giờ được thi hành với ý định buộc người khác phải theo Hồi Giáo. Điều ấy bị nghiêm cấm. Jihad nghĩa là ‘gắng hết sức’. Jihad có 4 trình độ: thứ nhất, tự chủ và tự khuất phục; thứ hai, bảo vệ và có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội; thứ ba, đối thoại và tranh luận; sau cùng, và là biện pháp chót, mới là đấu tranh thể lý. Nhưng một lần nữa, jihad thể lý chỉ được sử dụng để tự vệ và bảo vệ người bị áp bức. Không bao giờ được sử dụng nó để phục vụ tư lợi. Tốt nhất, có thể mô tả jihad như cuộc chiến tranh chính đáng (just war), chỉ được thi hành khi mọi điều khác thất bại mà thôi”.

Điều ấy tôi thấy hoàn toàn nhất quán với điều tôi đọc được trong Kinh Kôrăng. Nhưng câu hỏi nền tảng vẫn còn đó: ai quyết định được yếu tố tạo ra việc tự vệ? Dù sao, Kinh Kôrăng cũng từng ủng hộ chiến tranh toàn diện chống lại lực lượng áp chế, với mục đích loại trừ hay hoàn toàn khuất phục kẻ đe dọa. Điều này xem ra rất hợp lý, không khác bao nhiêu so với lý thuyết chiến tranh chính đáng của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng trong Hồi Giáo, thẩm quyền nào có thể dứt khoát nhận dạng được kẻ áp bức? Ai là người có quyền lục lọi các dữ kiện của Kinh Kôrăng rồi đủ thẩm quyền tuyên bố: “Lý do này chính đáng. Cuộc chiến này chính đáng”?

Barzinji giảng giải: “Trong Hồi Giáo lúc này đây đang có cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp (legitimacy). Ở thời buổi bình thường, nhà nước Hồi Giáo hợp pháp có nhiệm vụ thực hiện việc xác quyết ấy. Vấn đề là thời nay không phải là thời bình thường. Phần lớn người Hồi Giáo đang phải sống dưới các chế độ thối nát. Dưới mắt người dân, các chính phủ này không có tính hợp pháp, nên không được tin cậy trong vai trò lãnh đạo trung thực. Do đó, các nhóm bên lề mới nổi dậy và lôi cuốn người theo. Kết cục chúng nắm được quyền hành, thứ quyền hành mà bình thường ra chúng không thể nắm được”.

Nhưng ngay trong thời buổi bình thường, nếu hai nhà nước hợp pháp Hồi Giáo bất đồng với nhau về lối giải thích Kinh Kôrăng liên quan tới một cuộc tranh chấp nào đó thì sao? Nếu một nhà nước sử dụng đến jihad vũ trang còn nhà nước kia không sử dụng, thì sao? Ai quyết định ai đúng?

Barzinji ngả người trên ghế. “Trong Hồi Giáo, không có ai tương đương với giáo hoàng. Không hề có một thẩm quyền tối hậu duy nhất. Khi xẩy ra bất đồng, các học giả có tư cách về Kinh Kôrăng sẽ tranh luận về chúng một cách hoà bình. Sau một thời gian, thế nào cũng có một luận chứng mạnh hơn, nhiều thuyết phục hơn xuất hiện và được đa số chấp nhận. Trong những thời buổi bình thường, đó là cách giải quyết”.

Hai giáo sĩ Hồi Giáo

Tôi lái xe đến Trung Tâm Hồi Giáo ở Washington, D.C., trước buổi cầu nguyện giữa trưa ngày Thứ Sáu. Từ những khu phố chung quanh, người Hồi Giáo cúi đầu nhanh nhẹn bước về phía ngôi đền thờ xây bằng đá trắng. Tôi mau mắn vượt qua tiền đình, cởi bỏ đôi giầy, rồi bước hẳn vào trong một căn phòng ngợp ánh sáng. Bên trong, có khoảng 200 người đàn ông tụ họp. Khoảng 100 người nữa đang đến sau tôi.

Tôi chọn chỗ ở phía sau có thể đứng tựa tường, cố gắng đừng để ai biết mình là nhà báo. Nhưng khi thấy nhiều người lấm lét nhìn mình, tôi hiểu là cố gắng của mình không thành công lắm.

Sau một lúc cầu nguyện và khẩn cầu, được sự phụ họa của nhiều ca khúc du dương do một người đàn ông phía trước chủ xướng, đám đông hoàn toàn im lặng. Trong tư cách đứng đầu ngôi đền, vị giáo sĩ (imam) leo lên một chiếc bục bằng gỗ sồi đánh bóng, đặt tại một góc gần như bị một chiếc cột bằng đá hoa cương che mất. Người thờ phượng ngồi ngay trên sàn, người ngồi chồm hổm, người ngồi theo kiểu Ấn Độ, người, như tôi, dựa vào tường hay vào cột. Với một cái gật chào ngắn ngủi, vị giáo sĩ bắt đầu bài giảng của mình.

“Người Hồi Giáo có thể gieo sự thiện và sự ác. Nếu gieo sự thiện, họ sẽ được tưởng thưởng thiên đàng. Nhưng nếu gieo sự ác, họ sẽ khốn đốn trong Ngày Phán Xét… Cổ vũ sự ác trong xã hội là một cái tội. Hồi Giáo tốt lành, nên người Hồi Giáo phải cổ vũ sự thiện”. Ông bảo: người Hồi Giáo phải là tác nhân của công lý và hòa bình đối với nhau, đối với cả mọi người trên thế giới nữa.

Khi buổi cầu nguyện chấm dứt, tôi tha thẩn cuốc bộ dọc theo con phố, băng qua cột cờ Hoa Kỳ tung bay trước trung tâm, tới một cuộc tụ tập cầu nguyện “đối thủ”. Tại đó, ngay trên hè phố, một vị giáo sĩ khác vận đồ đen đang ngỏ lời với một nhóm chừng 20 người đàn ông ngồi trên nệm vải chăm chú lắng nghe. Sứ điệp của vị giáo sĩ này có hơi khác.

“Hiệp Chúng Quốc phải ăn năn về cuộc tắm máu tại Afghanistan”, vị giáo sĩ nói như hét vào chiếc micro cầm tay. “Họ phải ăn năn với Allah và xin mọi người bị họ làm hại tha thứ. Nếu không, chiến tranh sẽ lan khắp địa cầu, và Hiệp Chúng Quốc sẽ bị lửa thiêu rụi. Chiến tranh sẽ được trả đũa bằng chiến tranh”.

Tôi hỏi người đàn ông đứng cạnh tôi tại sao những người Hồi Giáo này lại tụ họp nhau ngoài đường mà không vào đền thờ cầu nguyện. Ông ta mỉm cười “Đây là một lối phản kháng, một sứ điệp khác hẳn”. Ông ta nháy mắt với tôi. “Nhưng đáng nghe lắm”.

Thế là chỉ cách nhau không đầy 100 yards, tôi gặp hai vị giáo sĩ với hai sứ điệp khác nhau. Tuy cùng từ một sách. Và không ai bảo tôi quan điểm nào đúng.

Không người giải thích

Tại tâm điểm của Hồi Giáo, quả đang có một cuộc khủng hoảng về thẩm quyền. Quả thực, như tôi vẫn tin, Kinh Kôrăng đúng là Kinh cổ vũ hòa bình bằng công lý. Đức Giáo Hoàng cũng nói thế khi ngài thăm đền thờ Umayyad tại Đất Thánh hồi nọ. Như thế, vấn đề không phải là Kinh Kôrăng mà là những người tự do bóp méo nó. Vì không có một ai để giải thích sách một cách có thẩm quyền, nên bất cứ lãnh tụ lôi cuốn nào cũng có thể lạm dụng nó để biện minh cho lòng thù hận cá nhân của mình. Kết quả đáng buồn ai cũng thấy: Lệnh truyền không được làm hại thường dân của Kôrăng đã không được ai lưu tâm; lệnh cấm tự tử của nó đã được những người tự sát bằng bom giải thích theo ý mình; lời kêu gọi tự do thờ phượng của nó đã bị nhiều nhà nước Hồi Giáo gạt qua một bên; mệnh lệnh của nó đòi phải đứng lên bênh vực kẻ bị áp bức đã bị những người quá nhát đảm làm ngơ không chịu lên tiếng chống lại các cuộc bách hại những người không theo Hồi Giáo. Hồi Giáo có Kinh Kôrăng nhưng Kinh Kôrăng không có người giải thích.

Tình thế tương tự cũng đang hiện hữu trong Kitô Giáo Thệ Phản, nơi các hậu duệ của Phe Cải Cách đang tụ họp nhau quanh lời kêu gọi sola scriptura (chỉ có Thánh Kinh). Nhưng rồi mỗi hệ phái Thệ Phản đọc Thánh Kinh một cách, không hề có người giải thích có uy thế. Nhưng sao không thấy những người Thệ Phản bên lề cài bom quanh thắt lưng xông vào các trung tâm buôn bán đông người?

Câu trả lời hẳn sẽ đem ta trở lại với những quan niệm khác nhau về công lý. Trong Hồi Giáo, theo mô thức Cựu Ước, người tấn công có thể bị tiêu diệt một cách công chính. Trong Kitô Giáo, theo lý thuyết chiến tranh chính đáng, người tấn công phải bị đẩy lui, nhưng phải xứng hợp với cuộc tấn công.

Xét đến cùng, bạo lực do những nhóm Hồi Giáo bên lề thực hiện có hai nguồn gốc: thứ nhất, lệnh truyền của Kôrăng đòi phải đánh kẻ áp bức, thứ hai, thiếu một tiếng nói duy nhất nhận diện ai là kẻ áp bức. Không có tiếng nói có thẩm quyền đó, bất cứ nhóm nào, bất cứ dân tộc nào, bất cứ quốc gia nào, cũng có thể bị coi là kẻ áp bức bởi những người có cảm tường mình bị áp bức. Kết quả thường là tắm máu.

Quan điểm về Hồi Giáo mà Barzinji và Safi cổ vũ, một quan điểm được phần đông người Hồi Giáo ủng hộ, rất khác với quan điểm của phe Hồi Giáo quá khích. Thực vậy, trong cuốn sách nổi tiếng của ông tựa là Peace and the Limits of War: Transcending Classical Conceptions of Jihad, Safi đã đưa ra đủ chứng cớ hùng hồn chống lại lối giải thích sai lạc của phe quá khích đối với Kinh Kôrăng.

Trong thời buổi bình thường, luận điểm của ông chắc chắn được nhiều người tin theo. Cam kết của Barzinji và Safi về lòng khoan dung đối với mọi người chắc chắn sẽ thắng lời kêu gọi sử dụng bạo lực. Và Hồi Giáo mà họ biết, họ yêu kính và sống theo, cuối cùng, sẽ được nhìn nhận là tôn giáo của hòa bình.

Trong thời buổi bình thường.

Theo Brian Saint-Paul, chủ bút tờ Crisis, Crescent and The Gun. bản phổ biến tại www.catholicculure.org