“Ông ta nghĩ rằng một khi nền kinh tế được điều chỉnh đúng đắn, thì mọi sự sẽ trở thành đúng đắn. Sai lầm thực sự của ông ta là chủ nghĩa duy vật: trên thực tế, con người không phải chỉ là sản phẩm của các điều kiện kinh tế”.

Trên đây là nhận định của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (Turning Point for Europe, 1994) về Karl Marx và di sản của ông ta, chỉ vài năm sau khi thế giới ảo tưởng mà ông ta cho ra đời đã xụp đổ do chính các khuyết điểm của nó. Nếu Đức Bênêđíctô XV làm Vườn Nho của Chúa vào lúc bày thú dữ này xổ khỏi chuồng thì Đức Bênêđíctô XVI là người ở trong Vườn Nho ấy khi các tai hại do chúng gây ra đang được sửa chữa, và các lý do khiến chúng xuất hiện đang được khảo sát. Vị Giáo Hoàng đương nhiệm đương nhiên dễ dàng khảo sát Marx và các hậu duệ của ông ta một cách lạnh lùng hơn là vị tiền nhiệm mang cùng tên hiệu và các vị kế nhiệm ngài.

Lúc ấy, các vị này phải đối diện với một thực tế đen tối: các hậu duệ của Marx nhìn Giáo Hội Công Giáo như một định chế chống lại mẫu xã hội lý tưởng của họ ngay từ bên trong. Áp dụng phương pháp phân tích của Marx, họ cho rằng Giáo Hội sống bám vào xã hội, không đóng góp được gì vào nền kinh tế cũng như phúc lợi của nó, lại còn giảng dạy một ‘ý thức hệ’ quáng mù không cho giai cấp công nhân nhìn rõ các thực tại bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Như chính Marx từng nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của giai cấp bị bóc lột, là trái tim của thế giới vô tâm và là linh hồn của những điều kiện vô hồn. Nó là thuốc độc ngu dân”.

Đây quả là một phân tích lạ, vì nó xuất hiện gần như để cung cấp lý do cho sự hiện hữu tiếp tục của Đức Tin và chứng nghiệm cho sự hiện hữu ấy. Dĩ nhiên, Marx đặt căn bản việc phê phán của mình trên chủ nghĩa duy vật: không cần đến Đức Tin trong một thế giới quan chỉ lưu tâm tới sự hiện hữu thể lý của nhân loại. Với nhận định ấy, phát súng khởi đầu đã được bắn ra để tạo nên cả một cuộc tranh chấp kéo dài hơn 1 thế kỷ rưỡi. Hoàn toàn tin tưởng vào chiến thắng, người theo chủ nghĩa Marx bác bỏ Giáo Hội, coi Giáo Hội là lỗi thời, thuộc thời trung cổ, một định chế cuối cùng sẽ biến mất khi thế giới ảo tưởng của Marx thành hình.

Như đã thấy, họ hết sức sai lầm. Họ khiến ta nhớ lại câu đùa bỡn và phản đùa bỡn của Stalin và của Đức Piô XII. Được một cố vấn hỏi rằng Đức Giáo Hoàng sẽ phản ứng ra sao đối với chính sách của ông ta, Stalin trả lời: “Ông Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn?”. Người ta cho rằng khi nghe tin nhà độc tài này qua đời, Đức Piô XII nói đùa “bây giờ thì ông ta sẽ hiểu ta có bao nhiêu sư đoàn”. Ngay từ đầu, cuộc tranh chấp đã bất cân xứng. Về bề mặt, người Mácxít rõ ràng nắm thế thượng phong. Họ kiểm soát các chính phủ, các đạo quân và trọn bộ nhiều dân tộc. Ngược lại, sau Thế Chiến I, Giáo Hội trở thành yếu ớt và chia rẽ. Người Công Giáo đánh người Công Giáo khi chủ nghĩa duy quốc gia phá nát mọi cảm thức được thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Ấy thế nhưng, chính Nhiệm Thể Chúa Kitô bảo đảm sự sống còn của Giáo Hội, ngay tại những nơi người ta chủ trương tiêu diệt các cơ cấu của Giáo Hội, như tại Liên Xô chẳng hạn. Theo quan sát của nhiều người, rõ ràng những lực lượng kia không thể làm người ta thôi không tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, hay thôi không sống phù hợp với Thánh Kinh nữa. Cho nên, bao lâu người ta còn có thể chuyển giao các giáo huấn của Giáo Hội, thì điều không tránh được là nhà nước duy vật chắc chắn sẽ thất bại, nhất là khi các hứa hẹn về một hạnh phúc triền miên trên mặt đất dựa trên phúc lợi vật chất chỉ là một thứ hạnh phúc trống rỗng.

Chính vì thế, sự đe dọa của Cộng Sản là điều có thực và tầng tầng lớp lớp các vị tử đạo từ Liên Xô tới Tây Ban Nha giữa hai kỳ Thế Chiến đủ để chứng minh cho thực tại ấy. Đối với Đức Giáo Hoàng Piô XI, nó cũng là một thực tại có tính bản thân. Như đã biết, ngài từng là sứ thần tại Warsaw khi quân đội Xô Viết xâm lăng Ba Lan năm 1920, và từng là nhân chứng tận mắt của việc triệt phá không nương tay các nhà thờ Công Giáo và loại trừ có mục đích các linh mục và tu sĩ Công Giáo. Phản ứng của ngài là ban hành Thông Điệp Divini Redemptoris năm 1937. Trong đó, ngài nhắc lại lời cảnh cáo của Đức Bênêđíctô XV rằng việc rao giảng Lời Chúa đã rơi vào những lỗ tai điếc. Và điều đáng lưu ý, là ngài cũng đã nối kết việc xuất hiện của chủ nghĩa Cộng Sản với các khuynh hướng tự do buông thả và duy tục của thế kỷ trước. Divini Redemptoris không một chút hàm hồ bác bỏ thẳng thừng chủ nghĩa duy vật dưới mọi lốt áo của nó. Cũng như bao giờ, Giáo Hội luôn cần một thời gian dài mới đưa ra được một chủ trương, nhưng từ năm 1937 trở đi, quan điểm chính thức là: Chủ nghĩa Mácxít không thể đi đôi với Đạo Công Giáo.

Điều trên rất quan trọng nếu ta xét tới tư thế của Giáo Hội trong Thế Chiến Hai. Đức Giáo Hoàng Piô XI không phải chỉ là vị giáo hoàng của lời nói mà thôi: ngay từ những ngày đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã cố gắng tổ chức các hành động xã hội của Công Giáo. Điều này hết sức quan trọng vì nó làm nổi bật vai trò thay thế của Công Giáo đối với cả chủ nghĩa Marx lẫn chủ nghĩa tư bản. Kể từ thế kỷ thứ 19, Giáo Hội vốn đã rất tích cực trong cố gắng làm giảm các lạm dụng của thị trường tự do, và đồng thời cũng ghê tởm không kém đối với các chủ trương duy vật của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa Marx.

Lao động từ nay phải được nhìn như là thành phần trong sinh hoạt nhân bản, góp phần vào phẩm giá con người và vào việc tán tụng Thiên Chúa. Sứ điệp này được quảng bá nhờ các nghiệp đoàn Công Giáo, phong trào Công Giáo Tiến Hành, phong trào thanh niên Công Giáo, và nhờ nền giáo dục Công Giáo. Các giá trị của Tin Mừng cần phải được thông truyền một cách hữu hiệu nếu muốn phá tan sự đe dọa của các chủ nghĩa duy tục, duy vật, duy tương đối, duy quốc gia cực đoan, và Mácxít. Tất cả các cố gắng trên được đặt dưới sự che chở của Thánh Giuse, vị thánh mà Đức Giáo Hoàng Piô XI coi là lý tưởng đối với người lao động đạo hạnh.

Một đạo Công Giáo tranh đấu được tổ chức như thế lẽ dĩ nhiên sẽ kình chống các tổ chức của chủ nghĩa vô thần đấu tranh hay của chủ nghĩa Quốc Xã tân ngoại đạo. Các chế độ độc tài của thời kỳ giữa hai Thế Chiến và của những năm chiến tranh không khoan nhượng mảy may đối với bất cứ tư tưởng chống đối nào được phát biểu trong các địa hạt của họ; do đó, bất cứ tổ chức nào cổ vũ các tư tưởng ấy đều bị loại trừ hay bị đồng hóa. Điều ấy đã tạo ra rất nhiều vị tử đạo Công Giáo. Tại Tây Ban Nha, nhà lãnh đạo Công Giáo Tiến Hành là Chân Phúc Bartolome Blanco Marquez bị chế độ Cộng Hoà sát hại. Trong khi ấy, tại Đức, Chân Phúc Karl Leisner trở thành nạn nhân của chính sách tàn bạo tại trại tập trung Dachau vì vai trò lãnh đạo phong trào Thanh Niên của ngài tại nước này.

Điều các chứng nhân trên cho thấy chính là phạm vi trong đó Giáo Hội bị vướng vào nhiều sự ác khác nhau. Điều chẳng may, có thể nói như thế, là không phải ở chỗ nào Giáo Hội cũng thoát ra được mà vẫn còn nguyên vẹn. Một trong các lý do, chứ không hẳn bào chữa, là niềm sợ sệt đối với chủ nghĩa Marx vô thần, như trên đã phác họa. Tại một số nước, một số vị giám mục, linh mục và giáo dân Công Giáo cá thể đã tìm thấy nơi các nhà độc tài cánh hữu một thanh gươm hòan hảo chống lại sự đe dọa trông thấy của Xô Viết. Tại một số nước khác, các xem sét có tính duy quốc gia đã đóng một vai trò chủ yếu khiến một số người Công Giáo sẵn sàng hỗ trợ các chế độ vốn đi ra ngoài nền triết lý sống của Tin Mừng. Dĩ nhiên, có lúc, ta có thể thông cảm điều đó, nhưng không thể nào bào chữa cho nó được.

Như thế, bóng ma Cộng Sản xem ra đã trải rộng lên Giáo Hội vào thời kỳ giữa hai Thế Chiến và những năm có chiến tranh, và đã tác động lên nhiều quyết định. Ít nhất ở buổi đầu, người ta thấy như thể Giáo Hội muốn đứng về phía những nhà độc tài mới của cánh hữu. Qủa trong các lý thuyết có tính ý thức hệ của các nhà độc tài này, người ta thấy có nhiều yếu tố rất hợp với người Công Giáo. Như việc họ bác bỏ thị trường hoàn toàn tự do hay việc họ nhấn mạnh tới trách nhiệm cộng đồng, cả hai xu hướng này đều rất phù hợp với giáo huấn xã hội Công Giáo. Thêm vào đó, họ còn có chủ trương bất khoan dung đối với chủ nghĩa Marx. Ở Ý, sự lôi cuốn của các nhà độc tài còn lớn hơn nữa khi, vào năm 1929, chế độ Mussolini ký hiệp ước Lateran để phục hồi nước Tòa Thánh độc lập cho Giáo Hội, dù dưới một thể thức thu gọn hơn nhiều.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng chẳng bao lâu sau, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tái điều chỉnh được thế cân bằng. Năm 1931, chẳng hạn, ngài cực lực lên án chế độ toàn trị của Ý trong thông điệp Non Abbiamo Bisogno. Năm 1937, việc lên án này đã được lặp lại khi ngài thẳng thừng kết án chủ nghĩa Quốc Xã trong một thông điệp khác tức thông điệp Mit Brennender Sorge. Nhưng chính trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Giáo Hội mới lần đầu tiên nếm được mùi phân rẽ mà những ý thức hệ kình chống nhau này gây ra cho hàng ngũ Công Giáo. Dù Tòa Thánh vẫn duy trì đường lối mạnh mẽ của Đức Bênêđíctô XV tức đường lối cho rằng Giáo Hội cung hiến một giải giáp thay thế cho cả chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa duy quốc gia cánh hữu, nhưng buồn thay, nhiều người trong Giáo Hội vẫn chưa nhận ra chủ trương ấy.

Theo Harry Schnitker, Ph.D., Catholic News Agency ngày 11 tháng 7, 2011