NGHỆ AN - Đã gọi là “đẹp” thì đương nhiên nó đã có một sắc màu nào đó rồi. Vậy khi nói “Nét đẹp lên màu” nó có thừa không? Có lẽ không thừa, bởi “đẹp” có nhiều mức độ. Như vậy khi nói “Nét đẹp lên màu” có nghĩa là người viết đang muốn nói một cái đẹp gì đó đang tăng lên. Và người viết cũng muốn dùng câu nói trên đây để diễn tả một cách nào đó về ý nghĩa hai từ “Văn Sơn”. Văn có nghĩa là đẹp, và Sơn ở đây, tạm hiểu theo nghĩa biểu tượng, có nghĩa là màu. Nét đẹp lên màu, có nghĩa là Văn Sơn đang đi lên.
Xem hình ảnh khánh thành nhà thờ
Sao lại không phải nét đẹp lên màu được, khi từ dăm hộ gia đình, từ khi xứ Lộc Mỹ được thành lập vào năm 1853, họ quy tụ nhau trong một vùng chiêm trũng, thuộc xã Nghi Xá, Nghị Lộc, Nghệ An ngày nay, lúc thì cây lúa cây ngô, lúc thì vài con tôm con tép nơi mấy con rạch nhỏ để kiếm sống qua ngày, thế mà nay họ đã có 341 nhân danh? Có cái gì đẹp bằng con người? Con người phát triển là nét đẹp tăng lên!

Nét đẹp của cộng đoàn tín hữu Văn Sơn càng tăng thêm khi thuở ban sơ niềm tin cha ông họ, nơi đây chỉ có một mái nhà tranh vách đất, cắm vào một cây thánh giá trên nóc để làm ngôi nhà cầu nguyện. Sau đó ít lâu họ có được căn nhà gỗ là nơi cao sang nhất trong trong giáo họ để rước Chúa về ở cùng mình. Rồi đến nay ngày 17.07.2009 họ đã khánh thành một ngôi nhà thờ với chiều dài 33m, rộng 12m và ngọn tháp vươn lên trên không trung 33m, và trong đó có bàn thờ bằng đá được cung hiến cho Thiên Chúa.

Ca ngợi nhà thờ đẹp, có lẽ nhiều người hơi lo! Bởi họ thấy đó đây nơi Tây Phương đầy nhà thờ đẹp, đẹp gấp nhiều lần so với các nhà thờ Việt Nam, nhưng nay thì chẳng ai đến đó mà ngắm nhà thờ, mà hưởng cái công dụng của nó. Đúng là một số nơi ở xã Hội Au Mỹ có thể là thế. Nhưng ở Việt Nam, nhất là ở giáo phận Vinh, thì không phải thế. Nhà thờ đối với các tín hữu Công giáo ở địa hạt Vinh vẫn là điều mà họ quan tâm nhất. Sao lại không quan tâm được khi vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng, tại mỗi nhà thờ giáo xứ, các linh mục phải làm hai, ba lễ; rồi có linh mục còn phải đến nhà thờ giáo họ làm lễ nữa, nhưng Thánh lễ nào lòng nhà thờ cũng thiếu chỗ. Giữa vùng đất mà nắng thì như lửa đốt, lạnh thì như cắt da. Nếu không có nhà thờ thì những người xem lễ làm sao chịu được cái khắc nghiệt của thiên nhiên. Họ đón nhận cái không được ưu đãi của thiên nhiên với một thái độ vui vẻ, thì có hỗ trợ họ một chút (lo xây nhà thờ) cũng là điều đáng làm. Hơn nữa, nơi giáo phận Vinh, dường như mọi sinh hoạt niềm tin của người tín hữu đều diễn ra ở nhà thờ: đọc kinh cầu nguyện, Thánh lễ, giáo lý, hội họp… Cho nên cái gì thiếu thì còn có thể chậm trễ được, chứ nhà thờ chưa có là mối lo anh ách của từ linh mục, Ban hành giáo đến từng thành viên trong cộng đoàn. Và nhà thờ ở Việt Nam nói chung và ở giáo phận Vinh nói riêng có rất nhiều công dụng, mà toàn là công dụng trong việc đào tạo con người, nên giá như nhà thờ chỉ sử dụng được năm bảy chục năm, hay vài ba chục năm, thậm chí chỉ cần mươi năm, nhưng huấn luyện cho một vài thế hệ, thậm chí chỉ cần năm bảy con người nên tín hữu Kitô thực sự, thì nó cũng đã xứng đáng, đã đạt mục đích rồi!…

Có lẽ chính vì những điều đó, mà sáng nay, trong bài cám ơn cuối Thánh lễ, vị đại diện Hội Đồng Mục Vụ giáo họ Văn Sơn đã thốt lên trong vui sướng rằng:

Văn Sơn nay đổi mới rồi
Dư âm đồn thổi khắp nơi nơi
Người người hăng say xây nhà Chúa
Thắp sáng tương lai đẹp đạo đời
”.

Hẳn là nhìn thấy nhu cầu cần thiết và mục đích tốt đẹp của nhà thờ, nên suốt 2000 ngày ròng rã (khởi công từ ngày 21.10.2005), lúc cả trăm người, lúc dăm ba chục, các tín hữu nơi đây chia nhau để lo xây dựng ngôi thánh đường. Mọi người nhìn thấy đó là ngôi nhà chung, là nơi để mình lo việc phụng tự, là chỗ đào tạo con em, đào tạo thế hệ tương lai cho Giáo Hội và xã hội, nên không một ai lấy một đồng tiền công nào. Đó chẳng phải là một nét đẹp sao!? Những ai đã đào đất cất gỗ, vác xi trộn hồ, ngôi trên nóc nhà thờ cả ngày giữa mùa hè của xứ Nghệ mới hiểu như thế nào là sự hy sinh cho việc xây dựng nhà Chúa. Nhất là trong số những người làm công việc nặng nhọc đó, có những người phụ nữ tay yếu chân mềm, những bà già tóc điểm, da mồi… lăn xả đảm đang mới thấy đó là nét đẹp. Đẹp trên cả tuyệt vời!

Thấy nỗi mong ước có được ngôi nhà chung, để Chúa và người cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ của cộng đoàn Văn Sơn, nên từ năm sáu năm trước, khi còn quả xứ nơi đây, cha Phêrô Nguyễn Xuân Hoan đã tổ chức góp quỹ, cũng như gõ cửa ân nhân đó đây, trong nước cũng như ngoại quốc để chuẩn bị cho việctái thiết nhà thờ. Khi nhà thờ đi vào giai đoàn hoàn tất, cha Gioan Trần Thanh Lan về quản xứ, đã tiếp tục sự tấm lòng của vị tiền nhiệm, lo hướng dẫn, đôn đốc cộng đoàn nơi đây sớm hoàn tất ngôi nhà chung.

Dường như cha Tổng Đại diện giáo phận Vinh Phanxicô Võ Thanh Tâm muốn giáo họ nơi đây tăng thêm nét đẹp, nên trong bài giảng lễ, bên cạnh việc giải thích về ý nghĩa của nhà thờ, của bàn thờ được cung hiến, ý nghĩa của việc quy tụ nhau chung quanh bàn thờ Thánh Thể, cha còn bày tỏ với các cấp chính quyền tạo điều kiện cho Văn Sơn có được một lối vào nhà thờ thuận lợi nhất. Cha nói: “Nếu các cán bộ thực sự lo cho dân, thì tạo điều kiện cho Văn Sơn có được con đường ra phía khu công nghiệp Nam Cấm thì ngôi thánh đường này sẽ đẹp thêm tám phần. Ban hành giáo Văn Sơn nên trình bày nguyện vọng này.”

Như đã nói, những ai ở trong hoàn cảnh thì mới hiểu được tâm trạng của người trong cuộc. Nếu không vì một niềm vui lớn thì một giáo họ nhỏ như Văn Sơn không thể có 21 linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ và cả ngàn người vượt đường sá lầy lội sau cơn mưa ngày hôm qua, về tham dự lễ khánh thành.

Đẹp như thế, vui như thế, nhớ ơn đến tất cả những người đã giúp đỡ cho mình hoàn thành ngôi thánh đường, nên ông đại diện Hội Đồng Mục Vụ giáo họ Văn Sơn lại thốt lên:

Hôm nay phấn khởi hân hoan
Người người rạo rực ngập tràn niềm vui
Hồng ân Thiên Chúa tuyệt vời
Chúng con cảm tạ ngàn lời biết ơn
Cộng đoàn giáo họ Văn Sơn
Cảm đội ơn Chúa, nhớ ơn muôn người
!”