Một sinh hoạt chánh trị thật sôi nổi, đầy điều mới lạ vừa xảy ra tại Cộng hòa Pháp quốc : cuộc tuyển cử Tổng thống nhiệm kỳ 2007-2012. Ông Nicolas Sarkozy đã được đa số cử tri tham gia đầu phiếu tín nhiệm vào chức vụ Tổng thống Pháp trong năm năm tới. 53,06% cử tri Pháp đã tán đồng chương trình mà vị Tổng thống tân cử đã đề nghị khi tranh cử.

Vừa nhậm chức ngày 16.05.2007, Tổng thống Sarkozy đã đề cử nghị sĩ François Fillon vào chức Thủ tướng và thành lập Chánh phủ. Chánh phủ Fillon với 15 Tổng trưởng, 4 Bộ trưởng và 1 Cao ủy về liên đới chống nghèo nàn (Martin Hirsh, người kế vị Abbé Pierre để lãnh đạo Emmẵs từ 2002), gồm 14 đảng viên hữu phái (UMP), 2 trung, 3 tả và 1 từ tổ chức dân sự, 13 nam và 7 nữ, tuổi trung bình 52,8, đã dược sự hài lòng của 69% người được hỏi trong một cuộc thăm dò dân ý. Ngoài ra, cuộc thăm dò dân ý đăng trong ‘Jour du Dimanche’ ngày 27.05.2007 cho thấy 65% những người được phỏng vấn tin tưởng việc làm của Tổng thống Sarkozy. Đây là số bách phân cao thứ nhì mà một Tổng thống Pháp đạt được chỉ thua ông Charles de Gaulle năm 1965, với 67%. Thủ tướng Fillon thì được 62%.

Tổng thống Sarkozy và Chánh phủ Fillon đang ráo riết soạn thảo các dự án luật cần thiết để kịp trình Quốc hội XIII gồm các dân biểu sẽ được tuyển cử ngày 10 và 17.06.2007. Cuối cùng, các dự án luật này có thể sẽ được đệ nạp và thảo luận tại Quốc hội mới hay không ? Tại sao ?

TIẾN TRÌNH BẦU CỬ TỔNG THỐNG DÂN CHU VỪA QUA.

A. Số người Pháp tham gia cuộc tuyển cử :

1. Mười hai ứng cử viên đại diện cho mọi khuynh hướng chánh trị tại Pháp, từ cực tả đến cực hữu, đã dự tranh ở vòng một ngày 22.04.2007. Chúng ta lưu ý : dù đã do một đảng hay nhóm chánh trị đề cử và ủng hộ, cá nhân ứng cử viên nhận sự tín nhiệm trực tiếp từ những cử tri. Khi đắc cử, nhân vật đó trở thành Tổng thống của mọi người Pháp.

2. Theo số liệu Bộ Nội vụ công bố ngày 27.03.2007, 44,5 triệu người Pháp đã ghi tên vào danh sách cử tri năm 2007, tăng 1,8 triệu người, tức 4,2% so với năm 2006. Đó là s? gia tang quan tr?ng k? t? nam 1981 (3,7%).

3. Cử tri tham gia đầu phiếu :

- ngày 22.04.2007, 83,77% cử tri ghi danh đã tham gia đầu phiếu vòng một để chọn ứng cử viên mình thích nhất vào chức vụ Tổng thống. Số bách phân cử tri tham gia các cuộc tuyển cử Tổng thống vòng một đã bị sụt giảm lần hồi trong nhiều kỳ qua: 1988 (81,4%); 1995 (79,2%) và 2002 (73%);

- ngày 06.05.2007, 83,97% cử tri ghi danh đã đi đầu phiếu vòng hai để loại một trong hai ứng cử viên mình cho là không xứng đáng vào chức vụ Tổng thống.

Chánh phủ, các ứng cử viên cũng như các cơ quan truyền thông đều ca ngợi tính chất dân chủ qua số bách phân số cử tri tham gia cũng như việc tổ chức tuyển cử Tổng thống năm nay.

Lần đầu tiên các ứng cử viên tranh cử ở vòng hai gồm một bà và một ông, đáp ứng việc mà người Pháp thường muốn : nam nữ đồng đều (parité). Ngoài ra, cả hai đều là những ứng cử viên lần đầu tiên tham gia tranh cử Tổng thống.

Pháp quốc là quốc gia mà quyền (đồng thời cũng là bổn phận) bầu cử không bắt buộc. Cử tri tham gia đông đảo đầu phiếu chứng tỏ người dân quan tâm đến vận mạng của quốc gia.

B. Vòng hai… với 3 ứng cử viên

Nhờ chủ trương ‘không hữu, không tả’, buộc tội cả UMP (Union pour un Mouvement Populaire, Liên minh vì Phong trào Nhân dân, hữu phái) lẫn PS (Parti Socialiste, đảng xã hội, tả phái), sau 26 năm thay phiên cầm quyền, đã đưa đến tình trạng nước Pháp ngày hôm nay, ứng cử viên trung phái François Bayrou (UDF, Union pour la Démocratie Française, Liên minh vì nền Dân chủ Pháp) đã đạt số phiếu tín nhiệm từ 6,86% (năm 2002) tăng lên 18,55%. Sau khi hội đàm với các dân biểu đảng UDF, ngày 25.04.2007, ông Bayrou tuyên bố :

  • - không đề nghị các cử tri đã tín nhiệm ông ở vòng một bầu cho ai ở vòng hai và để họ tự do hành động;
  • - thành lập đảng Dân Chủ (Parti Démocrate), sau đổi thành Phong trào vì nền Dân Chủ (Mouvement Démocrate), ra đời ngày 10.05.2007;
  • - chấp nhận thương thảo với bà Royal và ông Sarkozy nếu ông này muốn.
Sau khi kết quả vòng một được công bố, bà Royal đã gọi điện thoại nhiều lần muốn gặp ông Bayrou để xin đàm phán. Qua những lần thương lượng, nơi bàn luận được đồng ý rồi đổi ý vì các nơi này sợ vi phạm luật buộc giờ xuất hiện trên các hệ thống truyền thông phải bằng thời gian giữa hai ứng cử viên ở vòng hai vì ông Sarkozy không thấy cần bàn thảo với ông Bayrou. Cuối cùng, cuộc bàn luận cũng đã được thực hiện. Dù bà Royal có hứa mời ông Bayrou làm Tổng Trưởng, nếu bà trở thành Tổng thống, nhưng ông Bayrou từ chối mời gọi bầu cho bà Royal ở vòng hai. Cuộc nói chuyện giữa một ứng cử viên ở vòng hai với một người khác, dù đó là một ứng cử viên đã tham gia vòng một, luật không có trù liệu trường hợp này. Do đó, coi như không trái luật bầu cử.

Ngày 03.05.2007, ông Bayrou lại cho biết ông sẽ không bầu cho ông Sarkozy. Trong thời gian giữa hai vòng, đa số các dân biểu (Quốc hội và Nghị viện Au châu) tuyên bố ủng hộ ông Sarkozy và mời đồng bào làm như vậy. Kết quả : 40% số cử tri đã bầu cho ông Bayrou ngày 22.04.2007 đã bầu cho ông Sarkozy; 40% cho bà Royal và 20% còn lại không tham gia đầu phiếu hay bỏ phiếu trắng. Phải chăng tuyên bố của ông Bayrou cho biết ông sẽ không bầu cho ông Sarkozy đã làm tan vở đảng trung phái UDF ?

Ngày nay UDF đã chia thành hai :

  • UDF-Mouvement Démocrate (Phong trào dân chủ, UDF-Modem) do ông Bayrou lãnh đạo, giới thiệu 535 ứng cử viên (trong đó có 4 dân biểu xuất nhiệm). Hy vọng cao lắm sẽ có 4 ứng cử viên đắc cử.
  • 24 dân biểu xuất nhiệm khác ứng cử dưới danh hiệu ‘Majorité présidentielle’. (Đa số tổng thống) ủng hộ ông Sarkozy. 18 trong số đó ký tên thành lập Nouveau Centre (Trung phái mới), hy vọng được tái cử trên 20 dân biểu. Số tối thiểu ấn định để thành lập Nhóm tại Quốc hội.
C. Sự ‘sụp đổ’của hai cực.

1. Hữu cực. Lần đầu tiên, ứng cử viên Jean-Marie Le Pen (Front National, Mặt trận Quốc gia) từ 16,86% (ở vòng đầu 2002 và 17,79% trong vòng nhì) xuống còn 10,44%), mất đi hơn một triệu phiếu bầu. Lời kêu gọi ‘tẩy chay’vòng nhì của ông không được các cử tri đã bầu cho ông nghe, chỉ 22% đã không đến phòng phiếu ngày 06.05.2007, 65% bầu cho ông Sarkozy và 13% cho bà Royal.

2. Tả phái. Năm 2002, ba ứng cử viên đệ tứ cộng sản (Laguiller, Besancenot và Gluckstein) đã đạt được 10,44% số phiếu hợp lệ. Năm nay, bốn ứng cử viên (Laguiller, Besancenot, Schivardidi và Bové) chỉ được 6,07%. Năm 2002, ứng cử viên đệ tam cộng sản Hue (PCF, Parti Communiste Français, đảng Cộng sản Pháp) được 3,37% và nay với bà Buffet chỉ còn 1,93%. Còn đâu thời Marchais với 15,35% năm 1981 ! PCF đã mất phiếu khi tham gia các chánh phủ với PS. Trong một buổi họp vận động bầu Tổng thống 2002, một đảng viên PCF đã nói : « Trước kia, chúng ta bị bóc lột (exploiter, khai thác), nhưng chúng ta có việc làm. Ngày nay, không ai bóc lột, nhưng con cháu chúng ta thất nghiệp ».