Những Bước Ngoặt Trong Cuộc Đời Thánh Anphongsô – Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế

Thường thường, khi nói về các vị thánh, ta hay nói tới đời sống đạo đức, thánh thiện của các ngài. Về điểm này, khi nói về thánh Anphongsô, chúng ta không thể chê vào đâu được: một con người luôn sống thánh thiện, đạo đức, cầu nguyện, yêu mến, lòng đầy nhiệt huyết đến với người khác, người nghèo khó, người bị bỏ rơi,… hầu dẫn đưa họ về với Chúa.

Tuy nhiên, khi nói về thánh Anphongsô, tôi xin được nhấn mạnh 3 điểm sau, và cũng là 3 bước ngoặt của cuộc đời thánh nhân:

1. Bước ngoặt thứ nhất: Ngài được sinh ra trong thế trần ngày 27.9.1696. Kết thúc cuộc đời vào ngày 1.8.1787, ở tuổi 91. Ngài sống tất cả cuộc đời mình cách tròn đầy và tràn đầy ý nghĩa: tất cả cho Chúa và cho tha nhân. Dường như ngài được sinh ra cho cuộc đời để làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp và tròn đầy ý nghĩa. Ngài là một người con hiếu thảo, là một luật sư công minh, là một tu sĩ gương mẫu, là một linh mục hy sinh dấn thân, là một Giám Mục tận tụy, là một chứng tá hết mình cho sứ vụ cứu độ. Nếu như sinh ra trên đời này đã đem lại lợi ích muôn mặt cho đời thì khi chết, thánh nhân cũng đã để lại dấu ấn sâu đậm cho người khó mờ phai. Đúng như lời Đức Giáo Hoàng Piô VI, cùng thời với ngài đã nói: “Quả thật Anphongsô là Đấng thánh”. Còn chúng ta thì sao? Có khi nào chúng ta nghĩ rằng, mình phải làm điều gì đó có ích cho mình, cho đời, cho người, cho Chúa không?

2. Bước ngoặt thứ hai: Ngài đã thành đạt theo nghĩa xã hội, song không lấy đó làm mãn nguyện và đã dứt bỏ nó. Ngài là con nhà quyền quý, giàu sang; đỗ đạt cao: lấy được cả hai bằng tiến sĩ luật cả đạo lẫn đời, danh tiếng lẫy lừng. Thế nhưng, năm 1723, ngài từ bỏ tất cả, từ giã chốn pháp đình, là nơi đại diện cho công lý nhưng đầy dẫy bất công và dối gian, để bước theo một tiếng gọi, tiếng gọi của Thiên Chúa hầu đi vào chiều sâu của đời sống nội tâm, đời sống thật của một con người thật hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và thuộc về tha nhân. Ngài đã bỏ con đường cũ để đi vào con đường mới. Con đường cũ thì dẫn đến sự hủy diệt và tiêu vong vì đầy dẫy cạm bẫy, xảo trá. Con đường mới thì dẫn đến sự sống và ơn cứu độ vì là con đường của sự thật, công lý, hòa bình, tình yêu, an vui, hạnh phúc thật. Con đường mới dẫn đến Thiên Chúa, Đấng hằng sống… Ngài đã dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân bằng đời tu trì, quyết nên giống Chúa để có sự sống đời đời làm gia nghiệp, không những cho mình mà cho cả tha nhân nữa. Còn chúng ta, chúng ta đang đi trên con đường nào? Hẳn là chúng ta chọn con đường sống và ơn cứu độ dẫn đến Thiên Chúa. Song, chúng ta được mời gọi nên giống như thánh Anphongsô, hãy có một thái độ dứt khoát từ bỏ những gì dẫn chúng ta đến sự dối gian và sự hủy diệt, có thể những thứ ấy đem đến cho chúng ta một chút nào đó lợi lộc trần gian nhưng mau qua chóng tàn, mà chọn lấy con đường sống dẫn đến Thiên Chúa hằng sống.

3. Bước ngoặt thứ ba: Thánh Anphongsô đã từ bỏ mọi sự, chạnh thương những người nghèo, những người đói khát ơn cứu độ và dấn thân cho họ. Trong một biến cố đi nghỉ dưỡng tại miền núi Scala, thuộc miền Amalfi nước Ý, thánh Anphongsô đã thấy những con người chăn chiên, chăn dê nghèo khổ thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc thiêng liêng. Với cảm thức giống thầy chí thánh Giêsu Kitô, thánh nhân đã cảm thương và yêu mến những con người này. Ngài đã ra quyết tâm phải bằng mọi giá quan tâm và lo lắng chăm sóc cho họ. Bằng cách nào bây giờ? Được ơn soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thánh Anphongsô đã thành lập Hội Dòng mang tên chính Chúa Cứu Thế chứ không phải tên của Ngài, đó là Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, các môn đệ của thánh Anphongsô đã không ngừng thi hành sứ vụ cao cả mà chính Ngài đã khởi sự. Chính bước ngoặt thứ ba này đã làm cho thánh Anphongsô trở nên giống thầy chí thánh Giêsu của mình hơn bao giờ hết. Một bước ngoặt quan trọng giúp cho thánh nhân đóng góp phần mình vào vườn hoa xinh tươi của Giáo Hội là các Dòng Tu, vào sứ mạng trọng đại là loan báo Tin Mừng cho muôn dân, nhất là dân cùng khổ.

Điểm qua những bước ngoặt của cuộc đời thánh Anphongsô, chúng ta không hẳn chỉ nhằm cố gắng chú trọng việc tôn vinh ngài, mà còn nhắc nhở mỗi người chúng ta, các bạn cũng như tôi hãy cố gắng học hỏi ở nơi ngài để tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của chính mình, hầu đem lại lợi ích và ý nghĩa cho chính mình, cho tha nhân, cho xã hội, cho Hội Thánh và cho chính Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Anphongsô, xin Chúa ban cho chúng ta được dồi dào ơn thánh của Người, hầu giúp mỗi người chúng ta hoàn thành cuộc đời cách hoàn hảo theo thánh ý Thiên Chúa.

Lm. Thanh Quang CSsR