GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ QUAN TÂM ĐẾN CÔNG BẰNG XÃ HỘI KHÔNG?


Ngày 2/5/1991, Chân Phúc (Á Thánh) Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho công bố tông huấn (Encyclical) xã hội thứ ba của Ngài; tông huấn mang tựa đề “Centesimus Annus” (Ðệ Bách Chu Niên), để kỷ niệm một trăm năm ngày tông huấn xã hội thời danh “Rerum Novarum” (Về những điều mới lạ hay ‘Tân Vụ’) đã được ÐGH Lêo XIII ban hành ngày 15/5/1891.

Việc Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho công bố tông huấn xã hội mới nhất này đã được Tòa Thánh loan tin sớm và đã tạo nhiều sự tò mò, mong mỏi và phỏng đoán của nhiều người ở thời kỳ đó. Họ đã muốn biết Đức Thánh Cha (ĐTC) sẽ nói gì, dạy gì, nhất là sau những biến đổi lịch sử ở Ðông Âu. Ðây là điều ÐTC muốn làm: Tái xác định những huấn dụ của ÐGH Lêo XIII và kỷ niệm một trăm năm tông huấn Rerum Novarum.

ÐTC đã nói ngay trong phần mở đầu: “Có thể nói rằng con đường của tông huấn Rerum Novarum qua qúa trình lịch sử đã được ghi nhận bởi những tài liệu được viết ra để tỏ sự kính trọng đồng thời để áp dụng (những huấn dụ ấy) vào các hoàn cảnh đương thời. Cũng trong một chiều hướng đó cho lễ kỷ niệm đệ bách chu niên...Tôi ước mong, trước hết và trên hết, bày tỏ lòng ghi ơn của toàn thể giáo hội đối với vị Giáo Hoàng vĩ đại và “tài liệu bất tử” (chữ của ÐGH Piô XI) của Ngài. Tôi cũng muốn chứng tỏ rằng những năng lực thiết yếu nảy sinh từ cội nguồn đó đã không bị soi mòn qua thời gian, nhưng càng ngày càng được tăng sinh lực.” (No. 1).

Hai điểm quan trọng nhất được nhiều người cùng đồng ý là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức và hoàn toàn chối bỏ Xã Hội Chủ Nghĩa kiểu Cộng Sản, đồng thời nghiêm chỉnh cảnh cáo những lạm dụng đã và đang xảy ra trong Tư Bản Chủ Nghĩa kiểu Tây Phương.

Những điểm chính yếu này đã được nhắc lại nhiều lần qua ba phần chính của tông huấn: Đọc lại tông huấn Rerum Novarum; quan điểm đương thời về “những điều mới lạ” đang vây quanh chúng ta hôm nay; và “một cái nhìn về tương lai khi chúng ta đang tiến đến ngưỡng cửa thiên kỷ thứ ba của lịch sử Kitô giáo, nhiều bất trắc, nhưng cũng đầy hứa hẹn.”

THẾ KỶ CỦA RERUM NOVARUM

Ðể hiểu hơn về các huấn dụ của ÐTC Gioan Phaolô II trong tông huấn mới, thiết tưởng nên có một cái nhìn tổng quát về những giáo huấn xã hội trong suốt hơn thế kỷ vừa qua. Người ta có thể chia các giảng dạy của giáo hội Công Giáo về công bằng xã hội hơn 100 năm qua thành hai thời kỳ chính. Thời kỳ đầu, từ ÐGH Lêo XIII (1878-1903), đến ÐGH Piô XII (1939-1958), với sự ủng hộ hoàn toàn hệ thống kinh tế thương mãi tự do của các quốc gia Tây phương. Thời kỳ sau, từ ÐGH Gioan XXIII (1958-1965) đến ÐGH Gioan Phaolô II (1978-2005), với những dấu chỉ cho thấy giáo hội đã dè dặt hơn và đang cố tìm một giải pháp cho các vấn đề khó khăn kinh tế cũng như những bất công xã hội, đặc biệt trong các quốc gia đang mở mang.

Thời kỳ 1891-1961

Mặc dù đang ủng hộ các cơ cấu xã hội và hệ thống kinh tế tư bản lúc bấy giờ, nhưng tông huấn Rerum Novarum của ÐGH Lêo XIII đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của giáo hội đối với lớp người nghèo khổ, các tầng lớp lao động trong xã hội. Ðây là một thời điểm quan trọng, đánh dấu sự kiện giáo hội đã chọn thế đứng về phía những người nghèo và đang bị áp bức. ÐGH Lêo XIII đã thay mặt họ đòi hỏi một sự cải tổ để xã hội được công bằng hơn. Tuy nhiên Ðức Lêo XIII đã không chính thức tuyên bố “giáo hội đứng về phía những người nghèo.” Ngài đã đặt căn bản cho mọi thay đổi trên sự thăng bằng và ổn định trong xã hội. Ngài kêu gọi thay đổi “từ thượng tầng cơ sở trở xuống” nhưng không khuyến khích những cuộc chống đối bạo động. Ngài không muốn các công nhân người Công Giáo tham gia những phong trào nghiệp đoàn ngoài Công Giáo để tránh bị lợi dụng. Trong trường hợp xã hội có thể bị hỗn loạn nếu thay đổi, Ngài muốn mọi người tạm thời chấp nhận sự thua thiệt. Ðây là tông huấn đầu tiên của một vị giáo hoàng trong thời cận đại, lên tiếng bênh đỡ những người nghèo khổ, đang bị lạm dụng sức lao động. Tông huấn này đã gây một ảnh hưởng vô cùng sâu rộng và trở thành tài liệu căn bản cho các tông huấn xã hội khác của những vị giáo hoàng về sau này.

Các giảng dạy về công bằng xã hội đã không có gì thay đổi quan trọng dưới thời hai ÐGH Piô X và Bênêdictô XV. Đến năm 1931, ÐGH Piô XI đã ban hành tông huấn “Quadragesimo Anno” (đệ Tứ Thập Chu Niên) để kỷ niệm 40 năm tông huấn Rerum Novarum. Ðức Piô XI đã thách đố các cơ cấu xã hội tư bản cách mạng cách mạnh mẽ hơn, đồng thời Ngài nói rằng giáo hội phải đi tiên phong trong các cuộc vận động nhằm thay đổi chính trị, xã hội. Năm 1938, ÐGH Piô XI lại viết thêm tông thư (Apostolate Letter): “Firmissimus” (chữ này có nhiều nghĩa, xin tạm dịch là Mạnh Nhất hay Trung Tín) nhắn nhủ những người Công Giáo đang bị bách đạo ở Mexico, theo đó Ngài dạy rằng trong trường hợp khẩn thiết, các cuộc chống đối và phản kháng có thể chấp nhận được.

ÐGH Piô XII dường như đã làm chậm lại các thay đổi của những ÐGH tiên nhiệm. Ngài đã chú tâm nhiều đến sự nguy hiểm của chủ nghĩa Cộng Sản và chọn đứng về phía các quốc gia dân chủ Tây Âu. Sự đóng góp chính của Ngài vào các giảng dạy về công bằng xã hội là quyền sở hữu cá nhân phải lệ thuộc vào quyền tổng quát của tất cả mọi người về những tài nguyên trên thế giới.

Như vậy, trong khoảng 70 năm, từ 1891 đến 1961, sự giảng dạy về công bằng xã hội của giáo hội Công Giáo đã tỏ ra rất mạch lạc và dường như không có các thay đổi bất ngờ. Trên lý thuyết, giáo hội vạch ra một đường lối “thứ ba” ngoài cộng sản và tư bản. Nhưng trong thực tế, giáo hội đã đứng hẳn về phía kinh tế tự do của các quốc gia Tây Phương (Tây Âu và Bắc Mỹ). Trong khi chỉ trích ý thức hệ tư bản cấp tiến, giáo hội đã kịch liệt đả phá xã hội chủ nghĩa cách có hệ thống và hiệu lực hơn nhiều.

Thời kỳ 1961-1991

Khởi đi từ ÐGH Gioan XXIII với tông huấn “Mater et Magistra” (Mẹ và Thầy) năm 1961, sự thay đổi đã bắt đầu. Ngài đã thay đổi mục tiêu giảng dạy của giáo hội và kêu gọi canh tân các xã hội theo kiểu mẫu của những xã hội Tây Phương. Ðây là bước quan trọng đưa giáo hội xa dần các thế lực của phe cực hữu đã muốn chống lại những thay đổi về cơ cấu (cơ chế) xã hội.

Công Ðồng Vatican II (1962-1965) cũng đã chú trọng nhiều về vấn đề đói kém trên toàn cầu. Công lý đã được coi như trọng tâm của cả hai vấn đề đói kém và hòa bình. Công Ðồng còn đề nghị một hệ thống kinh tế mới trên toàn thế giới, trong đó các quốc gia nghèo sẽ được chia sẻ đồng đều, không những chỉ về hàng hóa, nhưng cả về quyền lực nữa. Trên tất cả, Công Ðồng đã chấp nhận từ bỏ những đặc ân, nếu cần, để ánh sáng Tin Mừng được chiếu tỏa cách trung thực và hiệu lực hơn.

Tông huấn “Populorum Progressio” (Sự phát triển của các dân tộc) năm 1967 của ÐGH Phaolô VI, đã kêu gọi sự phát triển trọn vẹn nhân bản của từng cá nhân và tất cả các dân tộc. Ngài đã cực lực chống lại những cuộc bạo động, mặc dù có lúc dường như Ngài đã đồng ý rằng, trong trường hợp khẩn thiết, sự phản kháng và chống đối có thể chấp nhận được. Dù sao, Ngài đã không cho biết rằng giới nghèo khổ và bị bóc lột là thành phần chính có thể làm thay đổi các cơ cấu xã hội.

Năm 1968, tại Medellin thuộc nước Columbia, Nam Mỹ Châu, các Ðức Giám Mục thuộc Châu Mỹ La Tinh (từ Mexico đến Trung và Nam Mỹ Châu) đã họp thượng hội đồng và tuyên bố hoàn toàn đặt giáo hội đứng về phía những người nghèo đang bị áp bức (Preferential Option for the Poor – Chọn lựa ưu đãi cho người nghèo). Các ngài đã cho việc liên kết với lớp người nghèo và những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội (Marginalized) như là bổn phận của họ và của cả giáo hội ở Châu Mỹ La Tinh. Ðặc biệt nhất, các ngài đã chọn chương trình “Khai tâm” (Conscientization) để giáo dục và vận động toàn bộ quần chúng trên lục địa này.

Ba năm sau, 1971, ÐGH Phaolô VI đã viết tông thư “Octogesimo Adveniens” kỷ niệm đệ Bát Thập Chu Niên (80 năm) của tông huấn Rerum Novarum. Ngài đã nhìn nhận rằng các vấn đề khó khăn kinh tế cần phải được giải quyết bằng đường lối chính trị. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong sự tham gia của mọi giới vào các quyết định và đổi thay của xã hội. ÐGH Phaolô VI còn chấp nhận sự cần thiết của phương pháp qui nạp cho những khó khăn xã hội, mặc dù điều này sẽ đưa đến đa số chủ nghĩa (Pluralism). Tuy nhiên, theo Ngài, ở những phần khác của trái đất, các giáo hội địa phương không buộc phải theo phương pháp này, họ có thể chọn một phương pháp khác.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới tại Roma năm 1971 đã ra tuyên ngôn “Công lý trên thế giới,” minh định rằng công lý là chiều hướng thiết định cho việc rao giảng Tin Mừng. Thượng Hội Ðồng đã đặt câu hỏi về huyền thoại “phát triển” và nhìn nhận rằng giáo hội phải thực thi công lý trước trong đời sống và cơ cấu của giáo hội.

Năm 1975, ÐGH Phaolô VI lại công bố tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (tạm dịch: Phúc Âm hóa thế giới hiện đại) chấp nhận chữ “giải phóng” (liberation) với ý nghĩa thần học tương quan tới công cuộc rao giảng Tin Mừng “giải phóng” của Chúa Cứu Thế. Ngài cũng nhấn mạnh đến khía cạnh văn hóa của sự giải phóng, sự cần thiết của việc cải đổi trong hệ thống tư tưởng cũng như trong các cơ cấu chính trị và kinh tế.

Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh nhóm họp lần thứ hai tại Puebla, Mexico, năm 1979, các ÐGM đã đồng ý với những huấn dụ của Ðức Phaolô VI trong tông huấn Evangelii Nuntiandi, cũng như hợp nhất với ÐTC Gioan Phaolô II trong những bài giảng của Ngài nhân chuyến viếng thăm Mexico của ÐTC cùng dịp đó.

Hai tông huấn đầu của ÐTC Gioan Phaolô II, “Ðấng Cứu Thế” (Redemptor Hominis) 1979 và “Giàu Lòng Từ Tâm” (Dives in Mesericordia) 1980, cũng như trong bài diễn văn tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, ĐTC đã trình bày chủ thuyết Nhân Bản Toàn Diện (Integral Humanism) của Ngài. Theo đó, tinh thần không chống lại vật chất, công bằng xã hội phải đặt lên hàng đầu và bác ái là trọng tâm của mọi sự, nhưng không thể bị coi là phụ thuộc cho công lý. Ngài đã công kích chương trình “phát triển” đương thời (chương trình này đã bị cho là một hình thức của sách lược thực dân mới, Neo-colonialism) là nguyên nhân của những bất công, nghèo đói, làm suy sụp các nền văn hóa cổ truyền và thảm họa cho nền kinh tế thế giới.

Năm 1981, kỷ niệm 90 năm tông huấn Rerum Novarum, ÐTC Gioan Phaolô II lại công bố tông huấn “Lao Động” (Laborem Exercens) nhấn mạnh đến việc liên kết với giới người nghèo khổ và những người đang bị áp bức. Họ đã được cổ võ đứng dậy để vượt qua những khó khăn đang áp đặt lên họ. ÐTC cũng nêu sự quan trọng của các nghiệp đoàn và công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các nhân công. Tuy nhiên, Ngài đã nêu rõ rằng đấu tranh cho công lý chứ không phải chống lại các giai cấp khác trong xã hội.

Tông huấn xã hội thứ hai “Sollicitudo rei socialis” (tạm dịch là Quan Tâm Xã Hội) được ÐTC Gioan Phaolô II cho công bố năm 1987, để kỷ niệm 20 năm tông thư Phát Triển Các Dân Tộc (Populorum Pogressio) của ÐGH Phaolô VI. ÐTC, đã trực tiếp kêu gọi các quốc gia giàu mạnh nên có “những hành động cụ thể” để giúp phát triển và tạo mối cân bằng giữa kẻ giàu và người nghèo.

TÔNG HUẤN ÐỆ BÁCH CHU NIÊN VÀ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

Tông huấn “Đệ Bách Chu Niên” của ÐTC Gioan Phaolô II đã nêu những ưu, khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản kiểu Tây Phương:

Những ưu điểm

Chủ Nghĩa Tư Bản (CNTB) được khen ngợi là có sự sáng tạo. Như một hệ thống, CNTB đã coi nhân lực là nguồn tài nguyên chính. CNTB có khả năng nhìn thấy trước những nhu cầu, đồng thời sự sản xuất có tổ chức đã trở nên “nguồn mạch của sự thịnh vượng.” Căn bản của cộng đồng thương mãi hiện thời là “sự tự do nhân bản thể hiện trong lãnh vực kinh tế” đã được ÐTC nhìn thấy và cho như là một ưu điểm của CNTB. Giáo hội cũng chấp nhận “vai trò hợp lệ của việc thu lợi tức” trong CNTB, vì “khi một xí nghiệp tạo được nguồn lợi tức, điều này có nghĩa các thành phần sản xuất đã được xử dụng cách chính đáng và việc điều hòa các nhu cầu nhân bản đã thể hiện đúng đắn.”

Những khuyết điểm

Khuyết điểm đầu tiên của CNTB, theo tông huấn, là sự lơ là đối với các thành phần không sản xuất. ÐTC phản đối sự kiện đang xảy ra ngay cả tại các nước Tây Phương giàu mạnh rằng sự nghèo khổ đang đổ lên đầu những kẻ bị đẩy ra ngoài lề xã hội: những người bệnh tật, già yếu, những người thất nghiệp, tị nạn và di dân. Ðiều này đưa tới sự cần thiết của việc qui luật hóa các hoạt động thương mại. CNTB càng lơ là hơn đối với sự nghèo khổ trên thế giới, nơi đại đa số dân chúng đang lâm cảnh lầm than. Trong khi chủ nghĩa cộng sản đang tàn lụi thì nguy cơ của một “ý hệ tư bản cấp tiến” có thể sẽ thành hình. Ý hệ này sẽ bỏ mặc những tầng lớp nghèo đói đó hay trao phó sự giải quyết về họ, cách mù quáng, cho các lực lượng thương mãi tự do.

CNTB còn gặp khuyết điểm khác là thần tượng hóa nền thương mãi. Ðôi khi những nhu cầu được nhận diện trong CNTB chỉ đến từ những kẻ có khả năng tiêu thụ, và tài nguyên chính chỉ đến từ những kẻ có thể bán và mua. “Nhưng còn rất nhiều nhu cầu nhân bản khác đã không có chỗ đứng trên thương trường.”

Về các món nợ quốc tế, ÐTC nói rằng các quốc gia “chủ nợ” đã sai lầm khi bắt buộc các quốc gia nghèo phải thanh toán các món nợ, khi điều đó sẽ đưa đến cảnh “đói khổ lầm than cho toàn thể dân chúng.” Ngài kêu gọi các nước giàu hãy hoãn lại hoặc tha bớt những món nợ cho các nước nghèo. Tuy nhiên, ÐTC cũng ghi nhận việc này đã và đang được thực hiện ở một vài nơi.

Vẫn còn những lạm dụng trong CNTB, lạm dụng sức lao động của nhân công và của xã hội. “Làm chủ kiểu này không có công lý và biểu hiệu sự lạm dụng trước mặt Chúa và loài người.” CNTB còn phạm khuyết điểm là quá thiên về chủ nghĩa vật chất (Materialism), để “vật chất cai trị dân chúng.” Hậu quả đưa đến là những thái độ chạy theo tiêu thụ chủ nghĩa (Consumerism), lối sống đó sẽ đưa dân chúng đến những tai hại về tinh thần và thể chất. Ngài còn tố giác các nhà tài phiệt đã tạo ra những “nhu cầu gỉa tưởng” do sự mua chuộc các cơ sở truyền thông để vận động (quảng cáo) và đầu độc dân chúng.

NHẬN ÐỊNH

Nhìn vào toàn bộ lịch sử những giáo huấn của giáo hội Công Giáo về công bằng xã hội trong hơn 100 năm qua, người ta không thể không nhìn thấy hai điểm nổi bật: Thứ nhất, sự quan tâm sâu xa của giáo hội đến tầng lớp nghèo đói và cô thế trong các xã hội, đồng thời nghiêm khắc chỉ trích những hệ thống xã hội đã đưa họ đến cảnh lầm than như vậy. Thứ hai, giáo hội đã bênh đỡ những quyền lợi cá nhân trước những khuynh hướng tập đoàn.

Trong thời kỳ 1891-1961, mặc dù phải đối phó với chủ nghĩa Cộng sản đang hăm dọa nhuộm đỏ cả thế giới, giáo hội, qua những huấn dụ và vận động đã giúp đạt được những mục tiêu công bằng xã hội cần thiết như lương căn bản của công nhân, số giờ làm việc trong một tuần lễ, quyền thiết lập nghiệp đoàn và quyền đình công bãi thị... Tuy nhiên những thành quả này hầu hết chỉ xảy ra tại những nước kỹ nghệ Âu Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia thuộc đệ tam thế giới, đặc biệt tại Châu Mỹ La Tinh, cả lục địa này đã bị bóp nghẹt bởi một thiểu số cầm quyền và bọn đại tư bản trên thế giới.

Thời kỳ 1961-1991 và hiện tại

ÐGH Gioan XXIII đã thực sự quan tâm đến Châu Mỹ La Tinh. Ngài e rằng nếu không sớm có một giải pháp tích cực thì cả lục địa này sẽ phải lọt vào tay những người Cộng sản. Ngài kêu gọi sự canh tân xã hội theo kiểu mẫu của các xã hội Tây Phương. Nhưng bọn tài phiệt, với sự cấu kết của thiểu số cầm quyền, đã biến chương trình phát triển thành một chính sách thực dân mới có lợi cho họ. Bất công, tù đày, áp bức vẫn dẫy đầy mà giải pháp toàn bộ hầu như không thể đưa đến kết quả nhanh chóng như nhiều người mong ước.

Trong khi đó, khối CS quốc tế luôn sẵn sàng yểm trợ và cung cấp võ khí cho những ai muốn phát động chiến tranh giải phóng. Nhưng châu Mỹ La Tinh là vùng có đa số dân chúng theo Công Giáo, họ không thể dễ dàng “bỏ đạo” để theo cộng sản được. Vì vậy đã có một vài linh mục thân cộng, tìm cách Phúc Âm hóa hay Kitô hóa thuyết cộng sản của Karl Marx (Các-Mác), nhưng trong thực tế, họ đã cộng sản hóa Kitô giáo. Một cách hết sức nông nổi, họ đã lý luận rằng qua Kinh Thánh, (sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi bọn buôn bán, đổi chác trong khuôn viên đền Thánh), Chúa đã cho phép dùng bạo động để lật đổ các chính quyền. Ðáng buồn thay, một vài nhà lãnh đạo cao cấp trong các giáo hội địa phương, vì quá hăng say thực thi tinh thần “Chọn lựa ưu đãi cho người nghèo” của hội đồng Medellin, dường như đã lọt vào bẫy của những kẻ đang đóng vai ngư ông thủ lợi.

ÐTC Gioan Phaolô II đã nhìn thấy nguy cơ đó, có lẽ từ trước khi Ngài đăng quang Giáo Hoàng. Vì vậy, chỉ mấy tháng sau khi lên ngôi, ÐTC đã qua Mexico khai mạc và cùng thảo luận với Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh tại Puebla. Ngài đã khuyến cáo hội đồng về những sai lầm của giải pháp dùng bạo động để mong đạt tới công bằng xã hội, mà không để ý tới những chân lý của Ðức Tin Công Giáo; chân lý về Chúa Kitô, chân lý về giáo hội và về con người (diễn văn khai mạc tại Puebla).

Trong tông huấn Ðệ Bách Chu Niên, nhắc đến đệ tam thế giới, ÐTC đã nói rằng cuộc cách mạng dân chủ toàn diện, đã xóa tan chủ nghĩa CS ở Ðông Âu, nên là một bài học cho các “nhà thần học giải phóng.” Những người đang cố gắng tìm kiếm “sự dung hòa bất khả thể giữa Marxism (thuyết Mác-xít) và Kitô giáo,” như là một giải pháp cho những khó khăn trong các quốc gia nghèo đói.

Công bằng xã hội là vấn đề ngàn đời, là cuộc đấu tranh liên tục giữa kẻ dữ và người lành, giữa thiện và ác. Mỗi thời, mỗi nơi đều có những khó khăn, đều có những vấn đề nan giải. Giáo Hội Công Giáo, trong hơn trăm năm qua, đã đóng vai chủ chốt, không phải để giải quyết mọi vấn đề, nhưng để thay mặt cả nhân loại đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của con người, nhất là của những người đang phải lao động lầm than, thiếu tiếng nói và không thế lực. Sự kiện người Do Thái thỉnh thoảng vẫn than phiền vì ÐGH Piô XII đã không cực lực lên tiếng bênh đỡ họ trong Thế Chiến thứ hai (tuy rằng điều này không đúng) đã cho thấy ảnh hưởng to lớn của giáo hội, qua những huấn dụ của các Ðức Giáo Hoàng, trên cuộc sống của toàn nhân loại.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng