Trách nhiệm xã hội – một vấn đề đa diện và cấp thiết



Sáng 12-2, Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường” do Hội đồng Giám mục Việt Nam, Viện Triết học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) và Misereor (Đức) phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Mặc dù nền kinh tế thị trường đạt được một số thành tựu nhất định nhưng các vấn đề xã hội tại Việt Nam hơn bao giờ hết lại trở nên khá phức tạp. Từ lâu, ai cũng nhận ra thực tế sự phát triển xã hội đã không theo kịp phát triển kinh tế, gây nhiều quan ngại, lúng túng, bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn trên con đường phát triển bền vững của quốc gia.

Với nhận định trách nhiệm xã hội là “một vấn đề mang tính đa diện và cấp thiết” nhất hiện nay, Viện trưởng Viện Triết học PGS Phạm Văn Đức đã khơi mào cho những ý kiến sôi nổi tiếp theo. Các vấn đề khá thời sự liên quan đến công bằng xã hội, trong đó nổi bật là quyền lợi của công nhân, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, khía cạnh đạo đức trong các tiến bộ và phát minh mới của khoa học, công nghệ, tính nhân văn trong việc bảo vệ người nghèo, bảo vệ các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc v.v… lần lượt được các đại biểu đặt ra. Và trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề trách nhiệm xã hội là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cả nhân loại. Nó không chỉ là trách nhiệm thuộc nhà nước mà khu vực dân sự cũng đóng một vai trò quan trọng, bên cạnh sự điều tiết của thị trường. Ba yếu tố đó tạo nên thế kiềng ba chân cho sự phát triển toàn diện và bền vững của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, Phó Chủ tịch Giuse Nguyễn Chí Linh (GM GP Thanh Hóa) đưa ra những “khái niệm đôi” với hy vọng có thể tóm lược được quan điểm của Giáo hội Công giáo đối với chủ đề “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường”. Đức cha giải thích: “Khi dùng cụm từ ‘khái niệm đôi’, ý tôi muốn nói rằng đối với Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, đó là những cặp khái niệm mang tính bất khả phân ly và nền tảng cho tất cả những hoạt động kinh tế cũng như cho các giới hữu trách như nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân”. Ngài đã đưa ra 3 cặp đôi được hội nghị hết sức tán thưởng: Kinh tế và đạo đức – nếu tách rời khỏi đạo đức, kinh tế không còn ý nghĩa đích thật nữa; Kinh tế và con người – một nền kinh tế đích thực phải là một nền kinh tế hoạt động vì con người và lấy con người toàn diện làm mục tiêu tối hậu; Kinh tế và liên đới – của cải tự nó có mục tiêu phổ quát, nghĩa là nó tồn tại để chia sẻ cho mọi người, một nền kinh tế thành công về hiệu năng nhưng lại tập trung ưu đãi về một thiểu số nào đó là một nền kinh tế bỏ rơi người nghèo, có nghĩa đó là một nền kinh tế thất bại về xã hội.

Cùng ưu tư về vấn đề cấp bách này, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam GS Đỗ Hoài Nam đưa ra một định nghĩa: “Trách nhiệm xã hội là ý thức của mọi chủ thể về nghĩa vụ, bổn phận của mình đối với xã hội, với cộng đồng và với người khác; được biểu hiện qua nhận thức và hành động cụ thể trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên. Về thực chất, trách nhiệm xã hội được hình thành từ quyền và nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội cũng như của xã hội đối với cá nhân. Cơ sở của trách nhiệm chính là lợi ích. Do vậy, việc coi trọng và giải quyết một cách thoả đáng, hợp lý quan hệ lợi ích, trước hết là lợi ích kinh tế giữa các chủ thể (cá nhân, cộng đồng và xã hội) không chỉ tạo nên động lực thúc đẩy các chủ thể trong quá trình thực hiện lợi ích của mình, mà còn làm tăng sự quan tâm của họ tới lợi ích của người khác, của xã hội, nghĩa là gia tăng trách nhiệm xã hội của các chủ thể. Nói cách khác, trách nhiệm xã hội được coi là chìa khoá của sự phát triển xã hội trong bối cảnh hiện nay”. Và theo đó “Vấn đề đặt ra không chỉ là nhận diện trách nhiệm xã hội và luận giải thấu đáo các nội dung đa dạng của nó, mà quan trọng hơn là, từ những nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của mỗi nước, cần phải làm thế nào để phát huy được trách nhiệm xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế? Đó cũng chính là mục tiêu cơ bản nhất mà cuộc hội thảo của chúng ta hôm nay hướng đến”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Tổng GĐ Misereor GS Joseph Sayer cho biết đây là sự tiếp nối tinh thần của hội nghị lần trước cũng do Misereor phối hợp cùng Viện Triết học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2007 với chủ đề “Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội”. Hội nghị lần này thu hút sự quan tâm của hơn 150 đại biểu đến tham dự hội thảo bao gồm các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn trong nước và quốc tế (Đức, Pháp, Mỹ, Malaixia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Đại học Notre Dame – Lêbanon, Đại học Công giáo Lima – Pêru, Giáo phận San Marcos – Guatemala). Đã có hơn 90 báo cáo, trong đó có 13 tham luận từ nước ngoài, được gửi đến hội thảo. Ngoài sự hiện diện của Đức cha Chí Linh như trên đã nêu cùng Đức GM GP Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên, Giáo hội Công giáo Việt Nam tham dự tích cực với các tham luận của GM Phụ tá TGP Sài Gòn Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Chủ tịch UB Giáo lý Đức tin HĐGM Việt Nam Phaolô Bùi Văn Đọc (GM GP Mỹ Tho), TGM TGP Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể, LM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, LM Thiện Cẩm, Nữ tu Quỳnh Giao, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Luật sư Nguyễn Văn Phương, Cô Trần Tử Vân Anh và ông Vương Đình Chữ… Đặc biệt còn có sự hiện diện của GS Trần Văn Đoàn – Chủ tịch Hội các nhà triết học Kitô giáo châu Á.

Hội thảo sẽ bế mạc vào ngày 15-2.