Sống Tử Đạo Vì Công Bằng Xã Hội
Đã có nhiều Giám mục tử đạo vì đức tin. Nhưng chưa có Giám mục nào tử đạo vì công bằng xã hội.” (Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma)

Sài Gòn,. ..

Hôm qua mình nhận được điện tín báo: “Lên gấp." Mình chạy vội ra bến Thợ nhuộm nhờ chị Bảy Thanh dẫn đi mua giùm một vé tốc hành Cà Mau - Sài Gòn.

- Hết vé rồi chị Bảy ạ. Tụi em chỉ bán có 11 vé thôi. Chị dẫn ông cha qua bên kia cầu. Bên đó bán 11 vé, may ra thì còn.
- Còn có cái may nào khác nữa không? Mình hỏi thêm ngụ ý: nếu thêm tiền thì sao?
- Hết phương rồi ông cha ơi. Mỗi tối chỉ có hai chuyến "phôca" thôi.

Mình lủi thủi qua bên kia cầu, để thử vận.
- Còn vé đi Sài Gòn không chị?
- Hết rồi chú. Chú cứ ngồi uống nước đi. May ra có người bỏ cuộc chăng.

Mình kêu một ly cà phê đá và ngồi chờ vận may ngàn năm một thuở. Có thể vận may đi Sài Gòn thì không có, mà chỉ có vận may bán được thêm một ly cà phê. Nếu thế thì mình bị gạt rồi...

Một lát sau có một chú thanh niên loóc toóc từ trên dốc cầu đi xuống, hành trang gọn nhẹ với một cái túi lép kẹp vắt trên vai.
- Ê, hết chỗ rồi mày!
- Hết sao được. Chị hứa dành cho em vé số 22 mà.
- Mày thì có việc gì cần đâu. Mai đi cũng được.
- Không chơi. Chị hứa thì chị phải giữ lời.
- Tao nói rồi mà. Hết vé. Mai hẵng đi.

Anh chàng thanh niên tiu nghỉu quay gót. Khi hắn đã đi thật xa, chị chủ quán quay lại phía mình, đon đả:
- Cha! Con bẻ chỉa thằng đó để lấy vé cho cha đó. Con là người ngoại, nhưng con biết cha từ hôm đám tang ông Năm Phần. Hồi nãy con làm bộ kêu cha bằng chú, cha thông cảm nhá. Xe sắp qua rồi đó.

Hai mươi giờ rưỡi, chiếc FK vượt cầu và dừng lại ở phía bên kia đường. Mình vội vàng xách túi đồ đi theo chị chủ quán.
- Ê, mày xuống dưới kia, nhường chỗ cho ông cha... Cô gái đang ngồi ghế số 5 ngoan ngoãn đi xuống ghế số 22.

Xe lăn bánh.

Mình vẫy tay chào chị chủ quán. Lòng khấp khởi mừng. “Nhất thân, nhì thế” là vậy đấy...

Bây giờ thì mình đang ở Sài Gòn rồi. Cái vui của hôm qua đã tàn lụi. Bây giờ thì lương tâm cắn rứt quá chừng. Chỉ vì mình, mà chị chủ quán cà phê đã hai lần vi phạm luật công bằng xã hội. Vì mình, mà anh chàng thanh niên phải tiu nghỉu ra về. Vì mình, mà cô gái đang ung dung ngồi ghế số 5 phải rút xuống ghế chót để chịu xe dằn xe lắc. Lẽ ra mình phải chống lại bất công thì mình đã im lặng đồng lõa. Mình đã xây dựng niềm vui trên nỗi khổ của người khác. Mình không chống bất công, chỉ vì mình là người được hưởng lợi ích của bất công...

Cần Thơ,. ..

Tin từ Tòa Giám mục: Đức cha Nguyễn Kim Điền phát biểu tại Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma: “Đã có nhiều Giám mục tử đạo vì đức tin. Nhưng chưa có Giám mục nào tử đạo vì công bằng xã hội.”

Ừ, có lẽ như thế thật. Tại sao?

Có lẽ vì các ngài chưa bao giờ là nạn nhân của bất công, nên không phải đấu tranh chống bất công. Vì không phải là nạn nhân của bất công nên không bén nhạy trước nỗi thống khổ của những người chịu đựng bất công. Các ngài yêu thương và giúp đỡ người bị đàn áp, nhưng không tích cực đến mức độ đứng hẳn về phía họ và chịu đổ máu vì họ.

Mình dám suy nghĩ như thế chỉ vì mình “suy bụng ta ra bụng người” mà thôi. Một lần kia mình chứng kiến cảnh tranh chấp giữa hai thằng cu tí. Hai đứa được mẹ cho một tô chè với lời dặn thằng anh: “Chia đều cho em nghe con.” Thằng anh láu cá tuyên bố:
- Tao lấy cái tăm đặt ở giữa tô. Mày múc bên đó. Tao múc bên này. Thế là đều. Đồng ý chưa?
- Đồng ý.

Hai anh em cùng múc, múc trong khu vực của mình. Nhưng thằng anh múc nhiều hơn. Chè bên phía thằng em chảy qua phía thằng anh. Khi thằng em khám phá được cái trò bịp bợm của thằng anh, thì đã quá trễ, chỉ còn biết khóc, khóc nức nở, khóc hậm hực. Còn mình thì cười một cách thích thú. Mình không chia sẻ cảnh bất công của thằng em và không can thiệp, chỉ vì mình không hề là nạn nhân của thằng anh láu cá. Đời là thế đấy!

Cái Răng,. ..

Hôm nay mình ghé chủng viện Cái Răng. Phòng đầu tiên mà mình bấm chuông là phòng cha giáo Chương. Cha giáo đang duyệt phim.
- Cha Piô coi phim Les Missions chưa?
-Về phim ảnh thì mình “dốt đặc cán mai, dài cán thón”. Bác tóm tắt giùm em coi. Hết sức vắn tắt thôi.
- Phim mô tả cảnh thực dân da trắng tấn công các bộ lạc da đỏ. Các nhà truyền giáo thì có hai thái độ:
+ Thái độ một: đứng hẳn về phía người da đỏ, cầm vũ khí chống lại thực dân.
+ Thái độ hai: khước từ bạo lực, chỉ rao giảng và cầu nguyện.

Nhưng cuối cùng thì thực dân tấn công và tiêu diệt tất cả. Hàng Giám mục địa phương báo cáo về Tòa Thánh như sau:

“Hàng giáo sĩ của chúng tôi đã đứng ra bênh vực người da đỏ, chống lại thực dân. Có người dùng bạo lực, có người dùng lời cầu nguyện. Cả hai đều đã chết. Họ đã chết, nhưng dường như họ vẫn sống. Còn chúng tôi, hàng Giám mục thì vẫn còn đang sống. Chúng tôi đang sống, nhưng dường như chúng tôi đã chết”.

Nội dung chuyện phim cùng với giọng truyền cảm của cha giáo Chương làm mình bị xúc động. Có lẽ mình còn phải suy nghĩ về đề tài này nhiều năm nữa.

Cà Mau, …

Hôm nay trong bài giảng tĩnh tâm hạt Minh Hải, Cha Triều nhắc đến cái chết của Đức cha Oscar Romero, Tổng Giám mục El Salvador. Ngài bị ám sát ngay trong thánh lễ sau một bài giảng chống bất công. Ngài đòi chính quyền phải chia tài nguyên tổ quốc cho nhân dân, vì hầu hết đất đai của tổ quốc là tư hữu của những người quyền thế. 90% nhân dân chỉ là người đi làm mướn.

Hôm nay mình mới được nghe nói đến tên Oscar Romero và cái chết của ngài. Phải chăng đây là của lễ đầu mùa mà hàng giáo phẩm Công giáo dâng lên Chúa: một vị Giám mục tử đạo vì công bằng xã hội. Phải chăng ước nguyện của Đức cha Nguyễn Kim Điền hôm nay đã thành hiện thực. Và dường như những vị tử đạo vì công bằng xã hội đang nở rộ trên khắp các lục địa!

(Trích: Nhật Ký Truyền Giáo, Lm. Piô Ngô Phúc Hậu)