HIỆN THỰC: TÌNH THƯƠNG VÀ PHÉP LẠ CỦA CHÚA

Nơi những người bất hạnh này, tôi vẫn thấy tình thương và phép lạ, qua từng thời gian, diễn ra hết sức nhiệm mầu.

Cụ thể, tại Khu Điều Trị Phong Bến Sắn, tôi nhận thấy TÌNH THƯƠNG VÀ PHÉP LẠ CỦA CHÚA diễn ra hằng ngày:

- Tình thương và phép lạ của Chúa thể hiện nơi tất cả những bệnh nhân khi họ sống yêu thương bên nhau, sẵn sàng chấp nhật tình trạng bệnh tật, chấp nhận cả sự tàn phế của mình. Dù mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người phải chịu đựng sự thiệt thòi về tình cảm, về tinh thần, về thể xác, có cả những anh chị em bị chính người thân bỏ rơi và chối từ, có những anh chị em chết giữa sự đùm bọc của những người cùng bệnh quanh mình nhưng vẫn thanh thản từ giả cuộc đời, cứ y như cuộc đời của họ không còn ai khác ngoài những người cùng bệnh tật với mình... Đó không là phép lạ, không là tình thương của Chúa được thể hiện nơi chính cung lòng của những bệnh nhân sao!

- Tình thương và phép lạ của Chúa thể hiện nơi tất cả những nhân viên phục vụ tại khu điều trị này khi họ đón nhận sứ mạng phục vụ bệnh nhân như đón nhận chính người thân yêu. Tôi biết đồng lương dành cho cả đội ngũ phục vụ chỉ có ngần, có hạn, nhưng hình như ai cũng vui, ai cũng thấy bằng lòng... Đó không là phép lạ, không là tình thương của Chúa được thể hiện nơi chính cung lòng của đội ngũ phục vụ sao!

- Tình thương và phép lạ của Chúa thể hiện nơi tất cả những nữ tu của tu hội Nữ Tử Bác Ái (con cái của thánh Vinh-Sơn, vị thánh rất đỗi yêu thương người nghèo), khi các Chị ý thức ơn gọi của mình trên từng số phận của mỗi bệnh nhân phong. Các Chị lao vào công việc, đến mức nhiều lúc không còn thời gian để ăn, hoặc để ăn cùng nhau với cộng đoàn của mình. Một tu sĩ dòng Tên, có lần ghé thăm, khi thấy việc làm của các chị, đã thốt lên lời yêu: “Các Chị cứ hùng hục…” (vị tu sĩ không dám nói thêm, nhưng chắc ai cũng hiểu “hùng hục” là như… cái gì rồi!)… Đó không là phép lạ, không là tình thương của Chúa được thể hiện nơi chính cung lòng của các nữ tu sao!

- Tình thương và phép lạ của Chúa thể hiện nơi tất cả những ân nhân xa gần, khi họ ân cần cho đi của cải của mình để giúp các bệnh nhân an tâm sống và chữa bệnh, giúp duy trì mọi cơ sở vật chất, mọi phương tiện, mọi phương án chữa bệnh... Đó là cả một đội ngũ ân nhân lớn lao từ khắp nơi trong nước và ngoài nước, cá nhân và tập thể. Đó là những người có chức, có quyền, những thương - doanh nhân, những nhà trí thức, những người mới bán được mảnh vườn, những người ăn nên làm ra… Nhưng trong vô số những ân nhân ấy, có cả những hình ảnh của một chị bán hàng rong, hay của những sinh viên ngèo, của những tu sĩ dành dụm một khoản nào đó mà người thân cung cấp cho, những công nhân với đồng lương còm của mình… Có những ân nhân rất nghèo, nhưng không hề nghĩ đến cái nghèo của mình, mà chỉ nghĩ đến sự cho đi để đồng cảm với tất cả những con người bất hạnh tại chốn này... Tất cả không ngoài mục đích: Khu Điều Trị Phong Bến Sắn tồn tại và tồn tại cách vững vàng (trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày thành lập). Đó không là phép lạ, không là tình thương của Chúa được thể hiện nơi chính cung lòng của mọi ân nhân sao!

Tình thương và phép lạ của Thiên Chúa ban, chúng tôi như chạm tới được, như có thể cầm nắm trên chính đôi tay mình. Càng cảm nhận phép lạ và tình thương của Chúa, chúng tôi càng hãnh diện vì mình được ở nơi đây, được sống, làm việc và phục vụ tại mảnh đất đáng yêu này…

Rất xưa, thời tiên tri Êlia, có một câu chuyện về Tình thương và phép lạ của Thiên Chúa được thể hiện nơi lòng người, rất cảm động. Đó là câu chuyện về bà góa thành Xarepta. Lúc mà tiên tri Êlia đang hoạt động, thì một cơn hạn hán lâu dài đã xảy ra. Cơn hạn hán làm nhiều người đói khổ. Trong nhà bà góa chỉ còn một ít bột và vài giọt dầu để bà chuẩn bị bữa ăn cuối cùng cho bà và đứa con trai nhỏ. Vừa gặp bà, tiên tri Êlia đã ngỏ lời: “Bà làm ơn cho tôi miếng bánh”. Không một chút do dự, người đàn bà khốn khổ đã làm theo lời tiên tri. Phép lạ từ lòng quảng đại của bà góa nghèo đã diễn ra: một bình dầu và một hũ bột trong nhà bà không bao giờ cạn cho đến khi hạn hán chấm dứt.

Thời Chúa Giêsu, sau lần giảng dạy tại đền thờ, hình như Chúa còn nán lại để quan sát dân chúng. Chúa phát hiện, trong số những người dâng cúng tiền, có một bà góa nghèo cũng dâng cúng. Có lẽ nói “bà góa nghèo” là chưa đủ. Phải nói bà quá nghèo, mới mong bộc lộ hết cái nghèo của bà. Chúa đã không bỏ lở cơ hội, nhưng Người ghi nhận tất cả tấm lòng thành của bà góa: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12,43-44).

Ngày nay, nhiều tập thể, doanh nghiệp cũng làm từ thiện. Hàng ngày trên báo chí, ta vẫn thấy. Dẫu sự cho đi nào cũng có lợi cho người nhận. Nhưng nhiều khi, các doanh nghiệp, dù cho đi, vẫn tìm cho họ những khoản lợi gấp bội lần. Họ có thể dùng hình thức từ thiện để đánh bóng mình, để quảng cáo thương hiệu của mình…

Hai bà góa bước ra từ những trang Thánh Kinh, có cùng một điểm giống nhau: Cả hai đã cho đi tất cả những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của mình. Tinh thần cho đi của hai bà góa nghèo là một tinh thần cho đi nhưng không. Các bà bất kể mọi điều, dù là mạng sống của bản thân. Các bà không cần ai biết đến mình. Các bà cho đi một cách đơn sơ, không khoa trương, không lôi kéo sự chú ý của mọi người. Các bà không hề tìm cách để lộ khuôn mặt của mình…

Tinh thần của hai bà góa nghèo là điều mà hôm nay chúng tôi vẫn nhận ra nơi Khu Điều Trị Phong Bến Sắn. Không có bất cứ một nguồn lợi nào, không hề có một chút danh phận nào quay về với bản thân. Giúp đỡ và sống như một người cùi ở giữa những người cùi, làm gì có lợi hay danh phận! Tất cả những con người từ mọi miền đến đây giúp đỡ, hay trực tiếp sống, làm việc ở đây… đều chỉ là hiến thân và hiến dâng vô vị lợi. Tình thương và phép lạ của Chúa cứ lồ lộ nơi tất cả những mảnh đời sống bên nhau, sống đùm bọc, sống yêu thương, sống dâng hiến, sống cho đi như thế.

Chúng ta, từng người một, hãy nhân lên, nhân lên nhiều hơn nữa tinh thần của hai bà góa nghèo. Tinh thần ấy chính là hiện thực của tình thương và phép lạ của Chúa, có sức thúc đẩy mọi sức mạnh tốt lành cho cuộc đời hôm nay, để thế giới bình an hơn; cuộc đời đáng sống hơn; lòng người bớt thủ đoạn hơn; người người, nhà nhà dâng trào niềm chân thật dành cho nhau hơn; cuộc sống càng ngày càng giảm những mảng tối của hận thù, của vụ lợi bất chính, của những thao túng nhằm thị uy sức mạnh của mình hơn; mọi người, nhất là người nghèo, người bất hạnh hạnh phúc hơn…

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG