Sự nôn nóng và chủ nghĩa chủng tộc của báo giới
Vũ Văn An3/7/2013
________________________________________
Các biến cố chung quanh việc Đức Bênêđíctô từ nhiệm dần dần đi vào quá khứ. Báo chí gần như chỉ còn chú mục vào cơ mật viện. Và trong khi các vị hồng y, cả cử tri lẫn không cử tri, đang cố gắng đúc kết các nhận định của các ngài về hiện tình và hướng đi của Giáo Hội trong những ngày tới, thì phần đông báo chí sẵn sàng cho phổ biến những nhận định hoàn toàn phiến diện, phàm tục, chỉ phản ảnh những thiếu sót xưa kia của Giáo Hội, chứ không phản ảnh truyền thống lâu đời của một giáo hội mà người cầm đầu, không kể Thánh Phêrô, đều đã được bầu lên một cách “dân chủ” hơn cả các chế độ dân chủ hiện nay. Chỉ có điều hơi khác, tính dân chủ trong Giáo Hội đặt căn bản trên nguyên tắc sentire cum ecclesia (cảm nhận với Giáo Hội) mà có người cũng gọi là sensus fidelium (cảm nhận của tín hữu, tín hữu [fidelium] chứ không hẳn giáo dân [laicorum]). Cảm nhận này dựa trên đức tin mà đức tin thì được nuôi dưỡng bởi Thần Khí Thiên Chúa. Chứ không hẳn bởi những nhóm đại loại như đại diện cho các nạn nhân của xách nhiễu tình dục, của những người chủ trương hôn nhân đồng tính hay phá thai, hay của những người muốn phá bỏ nền tảng cơ cấu Giáo Hội là truyền thống tông đồ để thay thế bằng đủ mô thức pha trộn khác.

Sự nôn nóng

Việc đúc kết của các vị hồng y tất nhiên diễn ra theo cách nhân bản: dựa vào các viễn kiến của những người có thế giá, có thẩm quyền; tranh luận các viễn kiến ấy để tìm ra các đồng thuận và bất đồng, từ đó khuôn định viễn kiến riêng, là những viễn kiến sẽ quyết định ai là giáo hoàng tương lai. Một trong những người có thế giá lên tiếng đầu tiên với các hồng y, đáng lưu ý thay, là linh mục Raniero Cantalamessa, một tu sĩ Dòng Phanxicô, được Đức Gioan Phaolô cử nhiệm làm vị giảng thuyết cho Phủ Giáo Hoàng, từ năm 1980 và được Đức Bênêđíctô tiếp tục tín nhiệm năm 2005 cho tới nay. Ngoài thì giờ giảng cho Phủ Giáo Hoàng, Cha Cantalamassa sống tại một một tu viện kín nhỏ ở Cittiducale (Rieti). Viễn kiến của tu sĩ này chắc chắn không phản ảnh những gì khác ngoài giáo huấn của Đức Kitô… Nhưng “người có thế giá nhất” không ai khác hơn là Chúa Thánh Thần mà vị hồng y nào cũng trân trọng lắng nghe trong cầu nguyện và suy gẫm.

Những người có tâm huyết với Giáo Hội tất yếu tôn trọng bầu khí cầu nguyện và suy gẫm trên vì chỉ có nó, vị giáo hoàng như sensus fidelium mong muốn, mới xuất hiện từ lá phiếu của các vị hồng y. Với một cử tri đoàn gồm 115 hồng y đến từ mọi quốc gia trên thế giới, với đủ hậu cảnh sắc tộc và văn hóa, diễn trình khuôn định viễn kiến riêng trong cầu nguyện tất nhiên không thể nhanh chóng được. Chính vì thế, trong hai ngày liên tiếp, 6 và 7 tháng Ba, Cha Lombardi cho hay: các hồng y chuẩn bị cơ mật viện một cách “nghiêm chỉnh, sâu sắc và không vội vã” (ngày 6); các ngài ý thức được tầm nghiêm trọng và trách nhiệm của việc bầu cử giáo hoàng, nên đã nhẩn nha dành giờ để thảo luận các chủ đề khác nhau mà Giáo Hội đang phải đương đầu (ngày 7).

Nhưng cung cách nhẩn nha ấy không được báo chí ủng hộ bao nhiêu. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Sài Gòn bỗng nhiên được báo chí thế giới sốt ruột “chú ý” cũng chỉ vì sự nhẩn nha của ngài trong việc lên đường tới Rôma. Ngài được kể là vị hồng y cuối cùng làm việc đó vào chiều ngày 7 tháng Ba. Có thể nhờ thế mà trong bảng xếp hạng theo tầm ảnh hưởng và “được nhìn thấy” (visibility) của New Advent, hôm trước, ngài đứng thứ 85 thì hôm sau lên hàng 84 trong tổng số 115 hồng y cử tri.

Sự nôn nóng của báo chí phản ảnh rõ trong bản tin ngày 7 tháng 3 của hãng tin CNA. Khi nghe Cha Lombardi thông báo: chưa có ngày bắt đầu cơ mật viện, dù vị hồng y cử tri cuối cùng đã tới Rôma, báo chí đã thở dài thườn thượt. Một phần chẳng qua cũng vì phí tổn tài chánh. Từ ngày Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố từ nhiệm cho tới nay, người hiếu kỳ và khách hành hương tuôn đến Rôma càng ngày càng đông. Các ký giả cũng thế, hiện con số của họ lên đến hơn 5 nghìn người. Khiến mọi phương tiện trở nên khó khăn và tốn kém. Đến nỗi, theo Terry Mattingly, giám đốc Trung Tâm Báo Chí của Hội Đồng Cao Đẳng và Đại Học Kitô Giáo ở Washington (www.patheos.com), “chờ đợi hành động ở Rôma quả hết sức tốn kém”. Ông cho hay một chuyên viên kỳ cựu về Vatican là Rocco Palmo dù dự tính sẽ ở Rôma trong hai tuần tới để theo dõi các biến cố lịch sử đang diễn ra tại đó, nhưng cuối cùng đã hủy bỏ chuyến bay vì “phí tổn chuyến đi tỏ ra quá mắc. Các khách sạn, ông ta nói thế, mà giới truyền thông tới đó đang tha hồ chém!”

Mattingly cho hay: câu truyện này càng kéo dài, hoá đơn trả tiền càng cao. Việc vội vã bắt đầu cơ mật viện đã khựng lại, khiến các kế toán viên của các phòng săn tin bỗng hoa cả mắt. Không lạ gì, giới truyền thông thở dài thườn thượt khi đến ngày 7 tháng Ba vẫn chưa có ngày bắt đầu cơ mật viện. Họ làm gì với thời gian chờ đợi đây, khi ngồi nhìn hóa đơn trả tiền cứ tăng dần? Tất nhiên là đi tìm rò rỉ. Và rò rỉ đã xẩy ra thật.

Theo Nữ Tu Mary Ann Walsh, giám đốc liên lạc báo chí của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, hiện có mặt tại Vatican và phối trí các buổi họp báo của các hồng y Hoa Kỳ tại đó, nhật báo La Republica của Ý tiếp tục cho đăng tải câu truyện nói là dựa vào Báo Cáo Mật của Vatican về Vatileaks. Trong khi đó, nhiều ký giả Ý cho rằng mình đã nắm được biên bản các Phiên Họp Toàn Thể của các hồng y. Để dập tắt những nguồn rò rỉ này, những nguồn mà theo Nữ Tu Walsh vốn là thành phần trong truyền thống báo chí Ý, các hồng y Hoa Kỳ đã quyết định chấm dứt các buổi họp báo trong thời kỳ có các phiên họp toàn thể hồng y.

Cũng theo Nữ Tu Walsh, mục đích các buổi họp báo này là thông tri cho giới truyền thông và công chúng trong tinh thần trọng sự trong sáng và chia sẻ với họ các công việc có liên hệ tới diễn trình bầu cử nói chung mà không vi phạm tới nguyên tắc bí mật. Tuy nhiên, vì những gì đang được tường thuật trên báo chí Ý với dụng ý vi phạm nguyên tắc bí mật kia, nên các vị hồng y đã quyết định không tổ chức họp báo nữa. Có điều thay vì nói các vị hồng y Hoa Kỳ quyết định ngưng họp báo, thông cáo báo chí ngày 6 tháng Ba của Nữ Tu Walsh lại nói chung rằng: “Hồng Y Đoàn thoả thuận không cho phỏng vấn nữa”. Nói như thế là nhắc lại quyết định của hồng y đoàn trong lúc Tòa Thánh trống ngôi năm 2005. Lúc ấy các hồng y đã biểu quyết không cho ai phỏng vấn kể từ phiên họp toàn thể thứ nhất. Lần này, chưa thấy có tường trình nào cho thấy một biểu quyết như thế. Hay hồng y đoàn lần này mặc nhiện nhìn nhận biểu quyết ấy?

Dù sao, Cha Lombardi cũng cho rằng việc này hoàn toàn phù hợp với điều 12 Tông Hiến Universi Dominici Gregis của Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về việc bầu cử giáo hoàng. Theo Cha, các vị hồng y phải thề tuân giữ các điều khoản của Tông Hiến này, nhất là điều khoản giữ bí mật, dù lời thề này khác với lời thề tại cơ mật viện (với vạ tuyệt thông?).

Chủ nghĩa chủng tộc

Tất nhiên, giới báo chí không nghĩ như vậy. Tờ Washington Post chẳng hạn cho rằng đây không hẳn là biện pháp chống rò rỉ mà là một biện pháp có chiều kích chính trị. Một nguồn tin dấu mặt tại Vatican cho tờ báo này hay: các hồng y Ý không muốn các hồng y Mỹ nói nhiều về các điều cần có nơi vị giáo hoàng tương lai, nhất là các điều không thích hợp với các hồng y trong giáo triều. Tệ hơn nữa, biến cố trên đã được khoác cho bộ áo sắc tộc hết sức nguy hiểm. Và người khoác cho nó bộ áo ấy chính là George Weigel, người nổi tiếng nhờ cuốn tiểu sử viết về Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trên National Review Online ngày 7 tháng Ba, Weigel cho chạy hàng tít: “Team America Shut Down” (Đội Ngũ Mỹ Bị Bịt Miệng).

Theo Weigel, đăng tải rò rỉ là nhật báo Ý La Stampa, người rò rỉ là các hồng y Ý, chứ các hồng y Mỹ có rò rỉ gì đâu trong các buổi họp báo của họ. Họ chỉ nói tới các vấn đề, các cảm xúc, các tâm trạng, và diễn trình cơ mật viện; không hề vi phạm điều khoản giữ bí mật, trái lại là một hình thức của Tân Phúc Âm Hóa, nhằm trao đổi tích cực. Bởi thế, thay vì tìm cách giải quyết vấn đề gây ra do sự vô đạo đức của báo chí Ý với sự hợp tác của những người rò rỉ vô đạo đức, một việc không ăn có gì tới các hồng y Mỹ, thì người ta lại dẹp bỏ các buổi họp báo chí của người Mỹ, mà theo Weigel vốn là nguồn thông tin và bình luận tươi mát nhất và thân thiện nhất với giới truyền thông!

Weigel còn cho rằng các buổi họp báo của Mỹ là ngả thường xuyên duy nhất để khai triển những câu truyện tốt đẹp về Giáo Hội; ngả này nay đã bị đóng lại. Các rò rì vẫn tiếp tục diễn ra mà không có những cuộc họp báo của Mỹ để chỉnh sửa, cải chính các dự cảm xấu, các bóp méo cũng như mơ hồ do các rò rỉ kia đem lại. Một Giáo Hội vốn đang mang nhiều tai tiếng hẳn càng làm cho hình ảnh ấy tệ hại hơn. Hơn nữa, việc Vatican cho rằng mình cam kết sử dụng mọi phương tiện truyền thông, trong đó có truyền thông xã hội, dường như đang tự mâu thuẫn với chính mình khi áp dụng “chiến lược” đóng kín truyền thông này.

Chưa hết, ta còn thấy hàng tít khác của John Thavis (www.johnthavis.com) : ‘U.S. vs the Curia’ has become story line in Rome! (‘Mỹ chống Giáo Triều’ đã trở thành chuyện tại Rôma). Tác giả bài này cho rằng việc chấm dứt các buổi họp báo của các hồng y Mỹ đã trả lại việc tường thuật cơ mật viện cho các “chủ tiệm” (padroni) truyền thống của nó là các ký giả Ý và các nguồn Ý và Giáo Triều. Trên bình diện thực tế, động thái ấy đã bịt miệng các hồng y Mỹ và là dấu chỉ cho thấy văn hóa truyền thông của Vatican mãi mãi là một nguồn đi cửa hậu, đầy rò rỉ và suy đoán. Những rò rỉ này cụ thể là các thách thức truyền giáo (HY Fernando Filoni); cái nhìn tổng quát về chức linh mục và ơn gọi (HY Mauro Piacenza); phải chọn một giáo hoàng trẻ hơn, nhiều nghị lực hơn (HY Camillo Ruini); khuôn mặt và vai trò của “vị giáo hoàng hưu trí” (các HY Marc Ouellet và Raymond Burke). Tất cả đều thuộc Giáo Triều. Họ mới cần được lên tiếng, dù là qua ngả rò rỉ.

Nói cho ngay, không phải chỉ có người Mỹ khoác cho việc này chiếc áo sắc tộc. Tờ nhật báo Il Fatto Quotidiano cũng đã viết như sau: “Vatican không trông đợi chủ nghĩa đấu tranh của các hồng y Mỹ: các vị này không muốn làm nhanh diễn trình, không muốn tránh vấn đề ấu dâm, không muốn bỏ qua Vatileaks…”. Còn tờ Corriere della Sera thì nói thẳng thừng: “Người Mỹ mở chiến dịch để bầu một người trong số họ”.

Thế mới biết sự nôn nóng và chủ nghĩa chủng tộc đã nhìn sự việc ra khác ra sao. Chúng chắc chắn không phải là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Những người tự nhận là Công Giáo trên đây thật thua xa một người vô thần là Penn Jillette, người nói với Piers Morgan của CNN rằng anh ta Công Giáo hơn người Công Giáo khi tin vào lời Đức Bênêđíctô nói, chứ không tin vào các suy đoán người ta gán cho ngài.