OMNIA OMNIBUS - NÊN MỌI SỰ CHO MỌI NGƯỜI

"Tôi có sức làm tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi". (Philip 4:13)

Tôi phải thưa ngày rằng, nếu đọc câu trích dẫn trên đây không mà thôi thì người đọc sẽ cho là Thánh Phaolô lớn lối. Ấy là tôi nói người đọc nhiễm tinh thần dân chủ bên nước Hoa Kì này. Còn bình thường, người Việt Nam đọc câu đó, biết là lời của Thánh Phaolô, thì chỉ có việc chiêm ngắm và cung kính thôi.

Tôi nghĩ thái độ chiêm ngắm và cung kính là thái độ phải lẽ, bởi vì ở đây, Thánh Phaolô đang tâm sự với các tín hữu thân thương của Ngài, tại Giáo đoàn Philip. Đây cũng là Giáo đoàn mà Ngài nhận những giúp đỡ vật chất. Ngài có ý nói rằng, nhờ sức mạnh Đức Kitô ban cho, Ngài chịu đựng được cả khi đói cả khi no và làm được mọi sự.

Khi được Bề trên gọi chịu chức Linh mục, tôi cũng như nhiều anh em đồng lớp khác đều nghĩ tới việc chọn một câu Kinh Thánh làm kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời Linh mục của mình.

Thành thực mà nói, tôi không nghĩ rằng một câu Kinh Thánh mà đủ, vì cuộc sống dài năm tháng và nhiều sự cố lắm, phải nhiều lời Kinh Thánh mới đáp ứng được nhu cầu chứ. Thời ở Tiểu Chủng viện, Cha Linh hướng đã tập cho chúng tôi thành thói quen, cứ mỗi mười lăm phút lại có một lời nguyện tắt để hướng lòng mình lên với Chúa và Thánh hóa việc học.

Tôi có nghe một vài anh lớn kêu ca: Làm như vậy không cầm trí học hành được. Riêng tôi, sau này thấy thói quen đó giúp ích cho mình rất nhiều trong việc biến ngày sống thành chuỗi Cầu nguyện và tôi rất biết ơn Cha Linh hướng.

Vậy thì tôi phải có nhiều câu Kinh Thánh để nhắc nhở mình trong cuộc sống? Thực ra lúc đó chọn một câu Kinh Thánh, tôi không nghĩ tới nhu cầu tập luyện Thánh hóa công việc, nhưng nghĩ tới việc cuộc đời của mình sẽ đi theo hướng câu nói mình chọn. Tuy nghĩ như thế, tôi vẫn cho rằng làm như vậy có vẻ “màu mè” quá. Cuộc đời cứ để Chúa dẫn dắt đến đâu hay đến đó. Dầu sao, lời tâm sự Thánh Phaolô “Tôi có sức làm tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Philip 4:13) đã được tôi chọn.

Tôi nghĩ gì lúc đó? Tôi vẫn còn nhớ: Mình không xứng đáng, mình không có sức, không có tài để làm việc cho Chúa; việc của Chúa siêu việt quá, ai làm cho nổi!

Khi các phi hành gia Hoa Kì lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, một bài báo Việt Nam tường thuật biến cố lớn đó của nhân loại, nhưng ở cuối bài tôi đọc thấy: Thế là con người đã có khả năng Khoa học nối liền hai Tinh cầu, nhưng vẫn chưa có khả năng Khoa học để nối liền lòng hai con người. Lúc đó, chiến tranh Việt Nam đang khốc liệt. Tư tưởng đó vẫn ám ảnh tôi. Linh mục để lo cho linh hồn người ta? Tôi lo làm sao? Nếu tôi không “nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi.”

Lo mục vụ cho những người trẻ, nhất là người trẻ bên Mĩ, nhiều lúc tôi có cảm tưởng bị ngợp. Tôi tự đặt câu hỏi: Nếu bây giờ tất cả đám trẻ này không nghe lời tôi nữa, nếu chúng làm loạn, tôi làm gì được chúng..?

Câu trả lời thẳng thắn nhất: Chẳng làm gì được. Nhưng chính lúc nghĩ như vậy, tôi lại được Chúa soi sáng để thấy rằng: Đây là việc của Chúa chứ đâu phải của mình mà lo như thế.

Với thời gian, suy nghĩ của tôi chín hơn. Tôi ý thức rõ hơn thân phận mỏng manh và sức hèn yếu của mình. Ý thức như vậy mà không sợ, cũng không ỷ y buông xuôi, nhưng cố gắng hơn. Những thời gian cố gắng như vậy nhiều khi cũng dài. Nhưng trong những thời gian đó, tôi lại được Chúa ban ơn bình thản để cứ dâng lên cho Chúa mọi sự. Có những lúc tôi thấy như Chúa nâng đỡ mình khi gặp những người trẻ quảng đại và tin Chúa.

Sức mạnh của Chúa còn dẫn tôi đi xa hơn nữa. Những khó khăn, những chờ đợi, những khổ tâm, những khắc khoải, những chuyện không thể giải quyết được nơi tâm hồn người khác mà tôi được nghe rất nhiều khi không phải để cho tôi giải quyết dù tôi có muốn lắm, nhưng là để cho tôi chia sẻ và cảm thông và nhất là để cho tôi có dịp phó thác trong vòng tay ấp ủ của Chúa.

Tôi thâm tín điều này: Mỗi người đều được Chúa gọi trong bậc sống của mình và Chúa cũng ban những ơn riêng trong bậc sống. Khi có dịp biết được những khó khăn trong đời sống gia đình, tôi thấy rõ hơn rằng, đúng là có sức mạnh đặc biệt của Chúa nâng đỡ, người ta mới sống được như thế. Dĩ nhiên, người nào ý thức được ơn Chúa ban cho mình thì mới có tình cảm biết ơn và nhờ tình cảm biết ơn mà tâm hồn trở thành quảng đại, từ đó có hạnh phúc chân thật.

Khi nghĩ tới việc được dịp cảm thông sâu xa với người khác, tôi chợt nhớ một câu truyện nhỏ. Một Mục sư làm việc tại một Cộng đoàn khoảng năm năm, thì được lệnh thuyên chuyển đến một Cộng đoàn khác. Cộng đoàn tổ chức lễ nghi từ giã. Dĩ nhiên có những lời cám ơn và cầu chúc bình an.

Khi đáp từ, vị Mục sư đã nói như thế này: Khi tôi mới đến đây, anh chị em sống nhân Đức Cậy. Sau đó một thời gian, anh chị em sống Đức Tin và bây giờ thì anh chị em sống nhân Đức Mến.

Đối với Linh mục, sức mạnh của Chúa nằm nơi chính tổ chức của Giáo hội. Chính vì tin Chúa hiện diện trong Giáo hội mà Giáo dân nâng đỡ Linh mục, chấp nhận Linh mục, tha thứ cho Linh mục. Khi suy nghĩ về những bất toàn và những giới hạn của mình, tôi cảm thấy được chấp nhận không phải luôn luôn vì người ta dễ chịu, nhưng là vì người ta sống Đức Tin. Sức mạnh của Chúa nâng đỡ tôi là ở chỗ đó. Chúa lo liệu! Chúa quan phòng! Mỗi người một cuộc đời! Nhưng đều do Chúa dẫn dắt.

Khi Họ Đạo xây dựng cơ sở, mà việc xây dựng kéo dài, tôi thấy đây là dịp Chúa cho tôi thấy sức mạnh của Chúa nơi những tâm hồn quảng đại đóng góp khả năng, tiền bạc, âm thầm có, công khai có. Dĩ nhiên các cơ sở đều nhằm những mục đích tinh thần cao cả: Tông đồ và Mục vụ.

Những ân huệ quí giá mà Chúa ban cho là những tấm lòng rộng rãi dâng hiến cho Chúa. Thêm nữa, khi làm việc với nhau trong những công tác xây cất hay bất cứ công tác nào khác cho mục đích chung, Giáo dân có dịp thân thiết với nhau hơn và thực sự nhiều người đã tìm được tình thân thiết quí báu này trong sức mạnh của Chúa.

Sức mạnh của Chúa còn tỏ bày mạnh mẽ hơn nữa. Tôi nghĩ rằng Cộng đoàn nào, Xứ đạo nào cũng thế, đang khi và sau khi xây dựng cơ sở thường có khuynh hướng thắt hầu bao cho Nhà Thờ của mình. Đó cũng là điều tự nhiên. Nhưng nếu Chúa mở cánh cửa và mời gọi quảng đại với những nơi xa xôi nghèo túng, Xứ đạo hay Họ đạo đó như một tập thể đáp ứng thế nào? Nhờ sức mạnh của Chúa mà nhiều người đáp ứng một cách quảng đại.

Cho đến đây viết câu Kinh Thánh tôi chọn khi chịu chức Linh mục, tôi cảm nhận rằng khi ấy cũng như bây giờ, nếu nghĩ về mình, tôi vẫn cảm thấy mông lung trong cuộc đời, nhưng nghĩ về Chúa, tôi lại tin tưởng. Đơn giản có thế thôi.

Lại vang lên trong tâm khảm tôi lời Đức Thánh Cha Phaolô VI nói với chúng tôi hôm lễ Ngài truyền chức Linh mục cho 36 anh em các xứ Truyền giáo: Chúng con đừng sợ.

Tính sổ cuộc đời, tôi tự hỏi mình có gì để trình bày. Câu trả lời thẳng thắn: Chẳng có gì cả. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, khi dâng hiến cho Chúa cái “không có gì cả” đó là của lễ dâng hiến trọn vẹn, vì lúc đó là một tác động phó thác hoàn toàn nơi Chúa. Một số nhà tư tưởng không Công giáo gọi như thế là dựa vào tha lực. Tôi không nghĩ như thế. Đây cũng là điểm còn cần suy niệm và chiêm ngắm để diễn tả cho sáng sủa. Tôi xin tạm diễn tả như thế này: Đến tuổi này, tôi nhìn cuộc đời với nhiều hi vọng hơn, nói đúng hơn với HY VỌNG mãnh liệt, chứ không bi quan, mặc dầu biết sức của mình, bởi vì tôi tin vào sức mạnh của Chúa.

Để kết thúc những dòng chia sẻ này, tôi xin kể lại câu truyện một Linh mục qua đời đến cửa Thiên đàng, gặp Thánh Phêrô giữ cửa. Thánh Phêrô hỏi: - Con muốn vào Thiên đàng phải không? Con phải kể cho Cha biết, khi ở trần gian con đã làm được những gì..?

Linh mục trả lời: - Thưa Thánh Phêrô, con đã mở được một nhà mồ côi chăm sóc trẻ con bị bỏ rơi, hay cha mẹ chết sớm… - Tốt, con được một điểm. Còn gì nữa..? - Thưa Thánh Phêrô, con đã xây được một Nhà Thờ làm nơi bổn đạo đến dâng của lễ và cầu nguyện sốt sắng. - Tốt, được thêm một điểm nữa. Con còn gì nữa không? - Thưa Thánh Phêrô, con đã viết sách viết báo hướng dẫn cho người ta biết Chúa và sống ngay lành. - Tốt, được thêm một điểm nữa. Con còn gì nữa không? Linh mục gãi đầu: - Thưa Thánh Phêrô, vậy bao nhiêu điểm mới được vào Thiên đàng cơ ạ? -100 điểm. Linh mục bối rối: - Con chỉ có bấy nhiêu việc. Còn thì điều do ơn Chúa cả… Thánh Phêrô nói ngay: - Vậy thì con có đủ 100 điểm để vào Thiên đàng rồi.

Tôi nghĩ cũng nhờ sức mạnh của Chúa mà tôi cảm nhận được ý nghĩa thâm thúy của câu truyện. Xin cảm tạ Chúa đến muôn đời…

(Ngày kỷ niệm 25 năm Linh mục 1973-1998)

LM Giuse Phạm Văn Tuệ


TÂM TÌNH TRI ÂN CỦA TANG QUYẾN

Chúng con chân thành ghi lời cảm tạ:

– Đức Tổng Giám mục Gregory M. Aymond - Đức Giám mục phụ tá Shelton J. Fabre
– Đức cha Dom. Mai Thanh Lương – Đức cha Jos. Nguyễn Năng – Các Đức cha
– Đức ông F. Phạm Văn Phương – Cha Trần Công Nghị - Cha Phạm Bá Lãm
– Quí Đức ông - Quí Cha Tổng Đại diện – Quí Cha – Quí Bề trên các Dòng tu nam nữ
– Quí Thầy Đại Chủng viện – Quí Chức các Giáo xứ, các Họ đạo – Các Đoàn thể Công giáo Tiến hành
– Các Ca đoàn và toàn thể Cộng đồng Dân Chúa…

đã Chủ tế, đồng tế, hiệp dâng Thánh Lễ, cầu nguyện, chia buồn
trong thời điểm Tang Lễ Cha GIUSE PHẠM VĂN TUỆ đáp lại tiếng Chúa gọi, giã từ trần thế.

Nguyện xin Ba Ngôi cực Thánh – qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí ái & Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
tuôn đổ dồi dào Ơn Sủng và Bình an trên mọi nẻo đường Phục vụ của các Chiến sĩ Chúa Kitô.

Giáo xứ Thánh Lê Thị Thành – Linh Tông – Gia đình Ông Bà Cố