NỖI TIẾC THƯƠNG CHA PHẠM VĂN TUỆ

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Sáng ngày 3 tháng 4 được LM Trần Công Nghị cho biết cha Tuệ đã về nhà Chúa, thật bất ngờ, vì cách đây ít tuần tôi có nói chuyện điện thoại với cha Tuệ, được biết cha trong tình trạng tiến triển tốt, cha vẫn tập thể thao đều đặn. Nay được tin này, tôi làm dấu thánh giá, đọc kinh cầu nguyện và trí nhớ già nua của tôi quay ngược dòng thời gian…

37 năm về trước vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 1975, khung cảnh là trại tị nạn ở tiểu bang Arkansas có tên Fort Chaffee, một trung tâm huấn luyện Bộ binh và Vệ binh Quốc gia lớn nhất nước Mỹ được dùng làm trại tạm cư cho người Việt tị nạn trong khi làm thủ tục giấy tờ và chờ người bảo lãnh, trại đã giúp đỡ hơn 125 ngàn người tị nạn đi định cư. Gia đình tôi thuộc những đợt người đầu tiên nhập trại.

Đây là một trung tâm rất rộng, để di chuyển trong trại, phải có xe bus… Về phương diện tôn giáo Bộ quốc phòng có sắp xếp đề có các tuyên úy giúp cho người di cư. Khi đó LM Trần Công Nghị đang du học ở New York được Phòng Tuyên Úy Quân đội Hoa Kỳ gửi xuống làm tuyên úy trưởng cho người Công giáo Việt Nam, cha Nghị đã thu xếp đế có thêm các linh mục Việt Nam khác hiện đang ở Hoa Kỳ xuống giúp trại. Trong trại fort Chaffee có 3 nhà Nhà Thờ (Chapel) nên Cha tuyên úy trưởng đặt tên và phân công như sau: Cha Nghị phụ trách tổng quát, Cha Nguyễn Văn Thành coi nhà thờ Đức Bà, Cha Vũ Hân coi nhà thờ La Vang, Cha Phạm văn Tuệ coi nhà thờ Các Thánh Tử Đạo VN. Tôi gần nhà thờ Các Thánh Tử Vì Đạo VN nên thường đi lễ ở đó.

Bỡ ngỡ, lo âu của những ngày đầu của đời tị nạn, tôi vào nhà nguyện hàng ngày nhờ đó tôi gặp và rồi cũng tình nguyện giúp việc cho vị Linh mục trẻ, hiền hoà, nhiệt huyết và thân mến, đó là Lm. Phạm Văn Tuệ. Cho đến thời điểm này, tôi chưa bao giờ có dịp tiếp xúc, giao dịch nhiều với một linh mục, ngoại trừ ngày Chúa nhật đi lễ nhà thờ. Thế nhưng khi gặp và làm việc sáng, trưa, chiều với cha Tuệ, tôi thấy thoải mái, hăng hái, trân quí như làm việc với người thân và học hỏi đưọc nhiều đức tính tốt, quí. Công việc hàng ngày của “nhà thờ” không phải chỉ phụ trách chuyện tôn giáo, mà còn giúp mọi người lo thủ tục giấy tờ định cư, tìm người bảo lãnh, thông ngôn, thông dịch hoặc nhắn tin tìm người nhà ở các trại khác….Ai ghé văn phòng này bất kể tôn giáo đều rất mến Cha Tuệ qua cung cách đơn giản và chân tu của cha.

Gia đình chúng tôi sau 2 tháng, được ra định cư tại Virginia, mải lo xây dựng một đời sống mới lại-từ-đầu, long đong kiếm công ăn việc làm, chỗ ăn chỗ ở, những ngày lo âu bỡ ngỡ trong trại tị nạn được quên đi rất mau.

Nhưng có một sự việc không những không quên được mà còn gắn bó với gia đình tôi suốt 37 năm qua, đó là tình thân với cha Tuệ trong trại tị nạn rồi tiếp nối tới thời gian gặp gỡ với Cha Tuệ ở New Orleans và California.

Khi chương trình định cư cho người Việt được phân tán đi các nơi, Cha Trần Công Nghị được mời về New Orleans để thành lập Trung Tâm Mục Vụ tiên khởi cho người Việt Nam, và do đó ngài cũng đưa theo các linh mục bạn hữu khác về cùng làm việc gồm có cha Vũ Hân, Cha Việt Châu, Cha Phạm Văn Tuệ, và Cha Trần Cao Tường, và sau này là cha Mai thanh Lương thay thế khi Cha Nghị đi Roma học tiếp. Vùng đất New Orleans là nơi có những sinh hoạt công giáo thuần túy theo truyền thống Việt Nam và bằng tiếng Việt cho người Việt Nam. Nơi đây cũng hình thành các cộng đoàn Công giáo đầu tiên quy tụ lại với nhau và sau này thành các giáo xứ Việt Nam như hiện nay. Cha Tuệ được bổ nhiệm đề thành lập và coi sóc những người Công giáo Việt Nam tại vùng Woodland ở ngoại ô New Orleans.

Gia đình tôi ở Virginia ít năm rồi di chuyển về California, cả hai nơi này đều rất xa New Orleans, nhưng đường xa mặc đường xa, chúng tôi vẫn lui tới thăm hỏi nhau như người thân. Cha Tuệ đã năm bẩy lần đến thăm chúng tôi ở Virginia và California, ngược lại chúng tôi cũng nhiều lần thăm viếng “Xứ đạo” Việt Nam ở New Orleans vào các năm 77-78 để được biết các Linh mục ở đây đã dùng một căn nhà nhỏ trong xóm đề làm “nhà thờ” trong khu Woodland, giúp dân biến các sân cỏ sau nhà thành những luống rau xanh mướt, những bè rau muống bên sông, với những chợ “ngồi xổm” bán đủ tôm cá rau tươi, bầu bí. . như chợ quê ta xưa và cũng ở đây được biết hàng tuần cha Tuệ “quần ngắn áo thun” đá banh với thanh thiếu niên của “xứ đạo” … và cũng được biết hiện nay, người Việt New Orleans đã xây được những ngôi giáo đường khang trang cho xứ đạo của mình, giới trẻ con cái của các gia đình tị nạn đã gặt hái rất nhiều thành quả về mọi lãnh vực học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội,… rất cao ngay cả so với những cộng đồng người địa phương….

Mỗi lần cha Tuệ ghé thăm gia đình tôi là những ngày vui khó quên, cha đến không trong cung cách một người khách mà là một người thân, nhẹ nhàng, dễ dãi, đơn sơ, với chai rượu lễ cho tôi: người tài xế, thêm gói tôm khô hoặc vài kí “Crawfish” đặc sản xứ đạo New Orleans cho nhà tôi: bà nội trợ luôn luôn hăm hở, hăng hái nấu ăn cho cha, vì theo nhà tôi, cha Tuệ rất dễ tính, đơn giản trong việc ăn uống và rất …thích những món ăn nhà tôi đãi cha! Đôi khi cha còn phụ tôi dọn bàn ăn, và xuống bếp đòi giúp nhà tôi rửa chén bát vì cha nói vẫn thường làm những việc này ở nhà cha, có sao đâu. Hơn thế nữa tôi còn loáng thoáng nghe cha chỉ cho nhà tôi cách pha mắm và những loại rau đặc biệt dùng để ăn gỏi cá, một món đặc biệt của xứ đạo Louisiana và quê ta xưa.

Trên đây chỉ là cái cảm nhận về đời sống đơn giản, hiền hòa thân mến khiêm nhường của Cha Tuệ. Đã 37 năm thân tình và cùng hoạt động với cha, tôi không thể không nhắc tới một khía cạnh đặc thù khác của cha Tuệ mà ít người biết đến vì đức khiêm nhường của cha, đó là một cha Tuệ với mối quan tâm, lòng hăng say và nhiệt huyết trong lãnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam đạo, đời.

Ngay năm 1984, khi sinh hoạt nhiếp ảnh Việt tại hải ngoại còn giới hạn, cha Tuệ đã rất tích cực cho phòng triển lãm nhiếp ảnh “Việt Nam Quê Hương Ngàn Đời” tại New Orleans của Mark Sindler và Nguyễn Đức Cung.

Năm 1987, khi tổ chức phong Thánh ở Roma, qúi Cha Nghị, Tuệ, Tường cũng ở trong Ủy Ban Quốc Gia Phong Thánh Việt Nam ở Hoa Kỳ và thiết lập cuộc thi ảnh nghệ thuật về Lễ Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Roma tổ chức và được chấm thi tại tư gia Nguyễn Đức Cung, Nam California. Chủ Khảo là cố nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh với sự góp mặt của Chủ Nhiệm báo Ngày Nay G.S. Nguyễn Ngọc Linh, nhà báo Trọng Kim/Trương Trọng Trác (đã khuất), Nguyễn Đức Cung và một số Linh mục cố vấn.

Có thể nói nhóm linh mục nêu trên luôn luôn tha thiết và công tác với nhau trong các sinh hoạt chung về tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật và báo chí. Báo Chân Trời Mới ra đời ở New Orleans năm 1975, rồi tiếp theo là Báo Dân Chúa. Cũng với lòng quan tâm đó ngay những ngày đầu của mạng lưới VietCatholic do LM. Giám đốc Trần Công Nghị sáng lập, cha Tuệ, cha Tường cộng tác với cha Nghị trên mục Văn Hóa và cá nhân tôi cùng cha Tường phụ trách trang ảnh, sau đó vào năm 2005, với sự khuyến khích của Lm Trần Công Nghị cha Tuệ đã cùng cha Tường sáng lập Trang nhà Dũng Lạc với mục đích chuyên biệt hơn trong lãnh vực văn hóa và khai triển văn học Việt đạo, đời song song với Trang nhà VietCatholic đang là một trong những mạng lưới công giáo lớn mạnh nhất ở hải ngoại. Thế rồi Lm. Trần Cao Tường qua đời, cha Tuệ đã gánh vác vai trò điều hành Trang nhà Dũng Lạc cho đến ít tháng gần đây cha lâm bệnh và nay đã về nước Chúa.

Từ những kỹ niệm nho nhỏ, đến những sinh hoạt văn học nghệ thuật nay trở nên quá đẹp và trân quí trong tôi và chắc chắn với những thân hữu đã biết hoặc cùng hoạt động với cha Tuệ cũng vậy.

Khi một Linh mục được gọi về nhà Chúa, đó là niềm hân hoan của một Mục tử.

Nhưng chúng tôi là người phàm, buồn vẫn cứ buồn, ngậm ngùi vẫn cứ ngậm ngùi! Không buồn, không ngậm ngùi sao được khi phải vĩnh biệt một người thân, một người bạn, một người tâm huyết với văn học nghệ thuật đạo đời, đồng thời là một Mục tử đáng kính và thân mến như cha Tuệ!!!

Kính xin Chúa ban phúc lành ! Amen.

Nguyễn Đức Cung