NEW YORK (NV) - Nhà cầm quyền Cộng Sản tại Việt Nam ngày càng bóp chặt hơn quyền tự do báo chí của người dân.

Ngày 6 tháng 1, 2011 vừa qua, chế độ Hà Nội đã ra một nghị định mới gia tăng phạt vạ đến 40 triệu đồng (khoảng $2,000 USD) cho những bài viết, bản tin “trái phép” hay không phải “lợi ích của nhân dân.”

Nghị định số 02/2011/NÐ-CP được đưa ra ít ngày trước khi có đại hội đảng, sẽ có hiệu lực từ ngày 25 tháng 2, 2011 tới đây, như một lời cảnh cáo không những những người viết lách thông tin “lề trái” mà còn cả những người kiếm cơm phục vụ tuyên truyền cho nhà nước ở “lề phải.”

Nghị định mới nhằm “đưa thông tin điện tử vào cùng một sự kiểm duyệt với truyền thông truyền thống (lề phải).” Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) trụ sở ở New York nhận xét.

Nghị định nói trên dọa phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu “xuất bản” báo chí, cả báo giấy đến báo điện tử, không có giấy phép xuất bản.

Rất nhiều người ở Việt Nam đã mở blogs điện tử để viết bài, đưa tin về chính họ hoặc về tình hình thời sự vì không thể phổ biến trên hệ thống báo “lề phải.”

“Trên hết, nghị định mới của nhà cầm quyền nhằm gia tăng kiểm soát truyền thông vốn đã quá chặt, quá áp chế.” Ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp của CPJ ở Á Châu phát biểu.

“Lời lẽ trong nghị định quá mông lung và tượng trưng cho những biện pháp mới nhất mà nhà cầm quyền sử dụng luật pháp để giới hạn quyền tự do báo chí, kể cả Internet.” Ông Crispin viết trong bản tuyên bố.

Nghị định đưa ra mức trừng phạt đến 5 triệu đồng nếu bài viết không tiết lộ nguồn tin. Nếu tài liệu liên quan đến một vụ án đang điều tra có thể bị phạt đến 20 triệu đồng (khoảng $1,000 USD).

CPJ cho hay những sự trừng phạt nằm trong cái nghị định mới nhằm đánh thẳng vào những người viết blogs hiện rất phổ biến ở Việt Nam. Rất nhiều người đã dùng bút hiệu đặc biệt để viết bài, đưa tin vì không muốn bị nhà cầm quyền trả thù, sách nhiễu khủng bố.

Tất cả các loại hình báo chí ở Việt Nam đều do nhà cầm quyền các cấp đẻ ra để độc quyền kiểm soát thông tin, phổ biến tin tức một chiều phục vụ nhu cầu tuyên truyền của nhà nước.

Tuy không dám ra mặt chống đối cái nghị định mới, báo Thanh Niên dẫn lời luật sư Trịnh Thanh ở Sài Gòn nói rằng ký giả có bổn phận phải bảo vệ nguồn tin khi viết về các vấn đề nhạy cảm, thí dụ tham nhũng.

Năm 2008, ký giả của báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ bị kết tội “lợi dụng quyền hạn chức vụ” vì viết hăng hái quá đáng về vụ án tham nhũng ở Bộ Giao Thông Vận Tải liên quan đến tướng tá công an.

Nhờ những bài viết này, lấy nguồn từ cơ quan điều tra, người ta thấy chân dung lem luốc của nhiều viên chức cao cấp bộ GTVN, kể cả bộ trưởng, thứ trưởng đến tổng giám đốc liên quan đến các dự án cầu đường đầy bê bối. Tướng tá công an dính trong vụ này vì ăn tiền “chạy án.”

Mạng lưới điện tử thông tin toàn cầu và quyền tự do phát biểu của người dân ở Việt Nam đã bị xâm phạm nghiêm trọng và bị siết chặt trong năm 2010. Mạng facebook bị chặn, nhiều blogs và báo điện tử “lề trái” bị tin tặc phá sập trong khi luật lệ thông tin tại Việt Nam thì siết chặt hơn, theo lời Ðại Sứ Mỹ Michael Michalak phát biểu hồi tháng trước ở Hà Nội.

CPJ từng xếp Việt Nam là nước tồi tệ hạng thứ sáu trên thế giới về siết cổ giới viết blogs. Hiện có ít nhất 5 bloggers viết bài liên quan đến thời sự chính trị trong số hàng chục người vận động dân chủ đang bị giam giữ vì bị tố cáo tội “tuyên truyền chống Nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=125686&z=2)