'Chính phủ VN còn nhiều việc phải làm'

Cuộc đối thoại thường kỳ về chủ đề chống tham nhũng giữa các nhà tài trợ và chính phủ VN đã diễn ra hôm thứ Sáu 28/11 tại Hà Nội.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nước tài trợ cho VN, được tổ chức mỗi năm hai lần.

Bà Fiona Lappin là trưởng DFID tại Việt Nam
Đối thoại về chủ đề chống tham nhũng lần này được biết có sự tham gia của một số nhà báo và đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông.

Vai trò của báo chí trong việc chống tham nhũng dường như đã được các nhà tài trợ đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh thời gian vừa qua đã có vụ xử hai nhà báo mà dư luận nước ngoài cho là đã tham gia tích cực vào công cuộc chống tham nhũng.

Nhìn lại quá trình chống tham nhũng tại VN thời gian qua, đại diện cho các nhà tài trợ tham gia đối thoại cho rằng, trước mắt chính phủ VN vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đài BBC đã nói chuyện với bà Fiona Lappin, trưởng đại diện Bộ Phát triển Hải ngoại (DFID) Anh quốc, về cuộc đối thoại.

Bà Fiona Lappin: Cuộc đối thoại ngày hôm nay đã cập nhật tiến trình chống tham nhũng, các thành quả và thách thức trong thời gian kể từ đối thoại lần trước.

Các điểm chính được đề cập tới là tuy chúng tôi công nhận là đã có một vài tiến bộ, nhất là trong quyết tâm thúc đẩy tiến trình, nhưng chính phủ VN còn nhiều việc phải làm và còn xa mới thỏa mãn được mong mỏi của người dân và xã hội về chống tham nhũng.

Điều này đã được nói ra trong kỳ họp Quốc hội mới rồi và chúng tôi đồng ý với các đại biểu Quốc hội.

Chúng tôi thấy là nâng cao nhận thức về chống tham nhũng là điều quan trọng, nhưng cần tập trung hơn tới việc đưa ra các biện pháp cụ thể và có tác dụng để chống tham nhũng.

Tôi cũng cho rằng cần có cách tiếp cận chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau với các đặc thù khác nhau như quản lý đất đai, y tế, hải quan và cảnh sát giao thông... để có cách giải quyết cho phù hợp trong chống tham nhũng.

BBC: Quan điểm của DFID, cơ quan của Anh quốc là nước cấp viện lớn cho VN, về chống tham nhũng trong sử dụng vốn viện trợ ODA là như thế nào?

Bà Fiona Lappin: DFID không bao giờ dung thứ cho việc sử dụng sai nguồn vốn viện trợ phát triển mà chúng tôi cung cấp vì đây là tiền đóng thuế của người dân.

Chúng tôi thường xuyên đánh giá, theo dõi và kiểm tra việc sử dụng vốn cấp viện. Chúng tôi cũng có một cơ chế chặt chẽ ở trong DFID để thường xuyên xem xét hoạt động cũng như đánh giá rủi ro của chúng tôi.

Cũng cần phải nói rằng chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với các chính phủ để tăng cường quản lý tài chính công và nếu chúng tôi thấy có khả năng sơ hở trong quản lý thì chúng tôi sẽ có biện pháp ngay.

Thí dụ trường hợp vụ cáo buộc tham nhũng tại Ban Quản lý Dự án PMU18, khi nghe thấy có cáo buộc sai phạm, chúng tôi đã đóng băng nguồn vốn.

Sau đó chúng tôi có cấp vốn trở lại, vì nhiều lý do, trong đó có lý do việc ngừng cấp vốn ảnh hưởng tới quá nhiều nhà thầu nhỏ ở VN và vì cam kết nghiêm túc của chính phủ VN. Chúng tôi cũng áp dụng một số biện pháp bảo đảm không thể làm trái.

BBC: Vụ quan chức TP Hồ Chí Minh bị cáo buộc nhận hối lộ từ nhà thầu tư vấn Nhật Bản vừa qua đã thu hút chú ý to lớn của dư luận. Cuộc đối thoại hôm nay đề cập thế nào về vụ PCI, thưa bà?

Bà Fiona Lappin: Hôm nay đại diện chính phủ Nhật Bản đã có mặt trong cuộc họp với một thông cáo chuẩn bị sẵn.

Chính phủ Nhật nói đang khởi tố những người mắc tội hối lộ bên nước họ và hy vọng chính phủ VN cũng sẽ có hành động cần thiết để xem xét tìm ra và trừng trị những việc làm sai trái.

Chúng tôi ủng hộ quan điểm của chính phủ Nhật vì chúng tôi cũng sẽ làm như vậy nếu gặp phải tình thế tương tự.

Chính phủ VN không đưa ra phản hồi trực tiếp về vụ này.

(Nguồn: BBCVietnamese, 28 Tháng 11 2008)