Mortmain
Sự chiếm hữu vĩnh viễn. Chủ trương rằng đất đai và của cải có thể được sở hữu mãi mãi ngay cả sau khi sở hữu chủ chết, được gọi chính xác là “nanh vuốt của người chết “. Người ta nại vào nó nhằm tranh giành quyền sở hữu các quỹ từ thiện và tôn giáo thường với mục đích biển thủ, nhất là các quỹ được Giáo Hội Công Giáo đầu tư. Chính sách này được áp dụng tại Anh với lý do cho rằng nó ngăn cản việc dùng tài sản cho mục đích mê tín.


Mortuarium
Phần gia tài, di sản, chi phí an táng, nhà xác. Là từ ngữ có một số ý nghĩa, tất cả điều liên quan về người chết. Đó là một phần tài sản của các linh mục quá cố giao cho giám mục xua kia; hay một di sản được để lại cho các giáo hội; hay chi phí cho các lễ an táng mà không được cử hành trong giáo xứ của mình; hay một nhà nguyện hoặc đại sảnh để quàn người chết, bởi đó là một nơi quàn tạm.


Mosaic Law
Luật Mô sê. Bộ luật dân sự, luân lý và tôn giáo được thấy trong bốn cuốn sách cuối cùng của Ngũ Thư và theo truyền thống được qui cho Mô Sê. Nền tảng của luật này là Thập Giới (Xuất Hành 20) và trung tâm của nó là Sách Giao ước (Xuất Hành 20-23 ). Luật dân sự chủ yếu nằm trong sách Xuất Hành (18-23), và sách Đệ Nhị Luật (16-26). Luật luân lý nằm trong Sách Xuất Hành (20-23), được bổ túc trong sách Lê Vi (11-20) và sách Đệ Nhị Luật (5). Các giới truyền về tôn giáo và nghi lễ nằm trong sách Xuất Hành (25-30) và nhất là sách Lê Vi (1-27). So với luật tương tự nơi các quốc gia khác cùng thời, Luật Mô sê vô cùng trỗi vượt vì lý luận về độc thần giáo mạnh mẽ, vì lời tuyên xưng Thiên Chúa là nguồn gốc duy nhất và sự chuẩn y tối hậu cho mọi luật pháp, và từ sự đúc kết trọn lề luật trong tình yêu Chúa và yêu tha nhân.


Moses
Mô Sê. Nhân vật vĩ đại nhất trong Cựu ước, người sáng lập Israel, nhà lập pháp, nhà lãnh đạo, và là người ủng hộ cho độc thần giáo. Xuất thân từ chi tộc Lê Vi, ông sinh ra bên Ai Cập trong cuộc bách hại lúc mọi bé trai Do Thái phải bị giết. Thả cho nằm trên sông Nile, ông được công chúa của Pharaoh cứu và giáo dục trong triều đình. Chúa hiện ra với ông trong một bụi cây đang cháy và bảo ông giải phóng dân mình với sự trợ giúp của Aaron. Các tai ương đã không làm Pharaoh lay chuyển, cho đến khi cái chết của mọi con đầu lòng buộc hắn khuất phục. Mô Sê khi ấy dẫn đưa dân Israel qua cuộc xuất hành dài nhiều năm, nhưng ông bị được vào Đất Hứa vì sự thiếu tin tưởng của mình nơi “Dòng nước chống đối“. Vị tiên tri này qua đời trên núi Nebo sau khi công bố ba bài giảng đáng nhớ được giữ gìn trong sách Đệ Nhị Luật. Ông được chôn cất trong thung lũng Moab, nhưng không ai biết ở đâu.


Motet
Thánh ca chầu phép lành. Một sáng tác nhạc đa âm, có lẽ phát xuất từ nhạc đời nhưng dựa trên một bản văn thánh. Nó được sử dụng trong phụng vụ vào thế kỷ mười ba. Trong thể loại cổ điển, nó dựa trên cung điệu nhạc Gregorian của Thánh Lễ, mà nó là phần của cung điệu này. Đã có thời các nhạc cụ đệm hát cho bài ca này. Nhưng Thánh Giáo Hoàng Pius X trong một tự sắc đã khuyến khích việc trở về với những truyền thống xưa hơn. Các nhạc sĩ Allegri, Bach, Handel, và Mozart đã sáng tác một số bài tiêu biểu của lọai thánh ca chầu phép lành này.


Mother Church
Giáo hội Mẹ. Một từ ngữ mang sự kính trọng yêu thương được thấy trong các tài liệu của Giáo hội và nhất là trong tác phẩm của các thánh. Ví dụ như, điều khoản đầu tiên của Chính thống công giáo trong các bài linh thao của thánh Ignatius viết rằng: “Chúng ta phải đặt qua một bên mọi phán đoán của riêng mình, và giữ tâm trí luôn sẵn sàng và mau mắn vâng lời Hiền Thê thực sự của Đức Ki-Tô, Chúa chúng ta, Mẹ Thánh của chúng ta, Giáo Hội phẩm trật trong tất cả mọi sự. ”


Motherhouse
Nhà mẹ. Trụ sở tu viện tự trị giữ quyền tài phán trên các tu viện (các nhà con) phát xuất từ đó. Cũng có nghĩa là mẫu viện của một dòng nữ.


Mother Of Good Counsel Scapular
Áo Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành. Là Đức Bà trắng, có một phần mang ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, và phần kia có mũ triều thiên và các chìa khóa của Đức Giáo Hoàng. Nó được các tu sĩ dòng Augustine cổ vũ và được Đức Giáo Hoàng Leo XIII phê chuẩn.


Motion
Chuyển động. Theo triết học của Thánh Tô-Ma, đó là chuyển động từ tiềm năng sang hiện thể. Vì thế bất kỳ thay đổi nào cũng như chuyện đạt tới sự trọn lành nào cũng đều là chuyển động cả. Mọi thụ tạo do bản tính đều chịu chi phối bởi chuyển động vì nó là hạn hữu. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng chuyển động tạo vật mà không thể bị làm cho chuyển động, bởi vì trong lúc biến đổi mọi sự, Ngài vẫn bất biến.


Motivated Error
Lỗi lầm bị tác động. Sai lỗi về sự kiện hay rủi ro, nghịch lại các động lực hay ước muốn tiềm ẩn nào đó.


Motivational Hierarchy
Bậc thang động cơ. Thuyết cho rằng mọi người đều có một thang bậc động cơ ngấm ngầm trong mọi hành động có ý thức của mình. Thang bậc này, như người ta nói, xếp theo thứ tự từ dưới lên như sau: các nhu cầu thể lý, sự an toàn cá nhân, các quan hệ xã hội, tiếng tăm, sở hữu quyền bính, tự hiện thực hóa, nhu cầu hiểu biết, nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu tôn giáo. Dù các chuỗi có khác nhau do nhiều người đặt ra, tuy nhiên họ đồng ý rằng, nếu người ta không lầm lạc về mặt đạo đức, thì người ta nhận ra được sự ưu tiên của tinh thần trên thể xác, và ưu tiên tôn giáo trên những gì chỉ liên quan đến không gian và thời gian.


Motive
Động lực thúc đẩy, động cơ. Một điều thiện có ý thức kích thích một hữu thể có lý trí thực hiện hành động nào đó. Nó là một động cơ tán thành khi trí khôn được tác động để làm một phán đoán, và là động cơ ưng thuận khi ý muốn được tác động để lấy quyết định.


Motives Of Credibility
Động cơ của khả tín tính. Các nền tảng thuộc lý trí để chấp nhận mặc khải của Chúa nói chung, hay về việc thiết lập Giáo Hội Công Giáo của Chúa nói riêng. Các nền tảng này cũng được gọi là bước dẫn nhập đức tin. Chúng bao gồm bằng chứng đến từ lý trí rằng Chúa hiện hữu; điều Ngài mặc khải là khả tin vì Ngài hoàn toàn khôn ngoan và chân thật; và Ngài đã thật sư mặc khải vì Ngài đã thực hiện và tiếp tục thực hiện các phép lạ để làm chứng cho điều Ngài đã nói.


Motto
Phương châm, châm ngôn, khẩu hiệu. Là một chữ, cụm từ ngắn, hay một câu diễn tả một nguyên tắc, mục đích, hay lý tưởng của người nào đó, nguyên nhân, hoặc một tổ chức nào đó. Theo nghĩa này, các phương châm và khẩu hiệu là một thành phần chủ yếu trong lịch sử Công Giáo và vẫn phục vụ cho việc nhận ra cũng như thúc đẩy tín hữu, nhất là trong các công tác tập thể. Ví dụ như “Đó là Chúa muốn” là khẩu hiệu của các chiến sĩ Thập tự chinh, “Cầu nguyện và lao động” của Thánh Biển Đức, “Để vinh quang Chúa hơn” của Thánh Ignatius, và “Khôi phục mọi sự trong Đức Ki-Tô” khẩu hiệu của Đức Giáo Hoàng Pius X.


Motu Proprio
Tự sắc. Từ ngữ được dùng trong văn thư phúc đáp mà Đức giáo hoàng soạn và công bố theo sáng kiến riêng của ngài, không bị chi phối bởi các yêu cầu thỉnh nguyện nào cả. Các văn kiện này luôn được Đức giáo hoàng đích thân ký tên.


Mount Carmel Scapular
Áo Đức Mẹ Carmêlô. Huy hiệu của huynh đoàn Đức Bà núi Carmêlô. Nó có màu nầu và thường được trang hoàng bằng các hình ảnh không quan trọng. Nó có nguồn gốc từ thánh Simon Stock (1165-1265), tổng quyền người Anh của dòng Cát-Minh. Công thức hiện thời để mang áo này được Đức giáo hoàng Leo XIII phê chuẩn.


Movable Feasts
Lễ di động. Các lễ mà ngày lễ thay đổi được vì phụ thuộc vào ngày ngày Lễ Phục Sinh. Lễ Phục Sinh có thể đến sớm như vào ngày 22 tháng ba và muộn như ngày 25 tháng tư. Mùa Chay được di chuyển tới lui tùy thuộc vào ngày Lễ Phục Sinh, nên các ngày Lễ Thăng Thiên, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-Tô cũng thay đổi hàng năm. Những lễ khác có thể di chuyển được vì liên hệ đến một số chủ nhật nào đó.


Mozarabic Rite
Lễ điển Mozarab. Cũng còn được gọi là lễ điển Toledo. Là một lễ điển được dùng ở Tây Ban Nha và lãnh thổ ngày nay là Bồ Đào Nha từ thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ thứ mười một. Nó rất gần với lễ điển Gallican và vẫn được các tuyên úy học đường dùng trong các phụng vụ nguyện đường của nhà thờ chính tòa Toledo trong Thánh Lễ và Thần vụ, và trong nghi lễ hôn phối ở vùng châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha. Đã có thời lễ điển này được gọi là lễ điển Gothic hoặc lễ điển Isidore, bởi vì được Thánh Isidore of Seville (560-636) tu chính. Lễ điển Celtic, được sớm dùng tại vùng British Isles, có liên hệ với lễ điển Mozarab.


Mozzetta
Áo khóac ngắn. Một chiếc áo khóac ngắn, không dùng trong phụng vụ, được làm bằng tơ lụa hay len dài tới khuỷu tay và được cài nút phía trước. Là chiếc áo khóac ngắn chòang vào cổ. Nó được Đức Giáo Hoàng mặc, và các hồng y, giám mục và một số viện phụ mặc như một đặc ân. Nó biểu tượng cho quyền tài phán và được mặc trên áo chùng thâm. Nó có màu đỏ, trắng, tím hay đen là tùy thuộc vào địa vị của người mặc. Một áo khóac tương tự được các thành viên một số dòng đại thệ mặc, chẳng hạn tu sĩ dòng Đa Minh và dòng Phanxicô, như là một phần trong tu phục của họ. (Từ nguyên Ý mozzetta, áo khóac ngắn.)


Mprop
Missa pro populo - Thánh Lễ cầu cho dân chúng.


M.R.
M.R. - Cha bề trên hội thừa sai


Msgr
Monsignor - Đức ông.


Munificence
Sự hào phóng, quảng đại. Lòng quảng đại khi liên quan đến các đóng góp hào phóng cho công ích hay các tổ chức từ thiện.


Muratorian Canon
Bản mảnh thư mục Muratori. Phần của một mảnh văn kiện Rô-Ma được đặt tên theo người khám phá ra nó là Ludovico Muratori (1672-1769). Nó là danh sách cổ xưa nhất của quy điển các sách Tân ước, có từ thế kỷ thứ hai.


Via Dolorosa
Chặng đường Thương Khó. Con đường, theo truyền thống, là chặng đường Đức Chúa Giê-su đã bước đi từ Pháp đình của Tổng Trấn Phi-la-tô để đến Đồi Calvariô. Đó là một đường phố hẹp và dốc mà ngày nay những khách hành hương vừa đi vừa chiêm niệm về các biến cố đã dẫn đến cao điểm là Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập gía. Các chặng đàng Thánh gía đã được khắc ghi vào các tòa nhà dọc theo Đường Thương Khó của Chúa để bi diễn lại các sự kiện này cho những ai tham gia trong các cuộc rước thiêng liêng này.


Via Media
Con đường Trung gian. Một thuật ngữ do các nhà lãnh đạo Phong trào Oxford dùng để nhận diện Anh Giáo như là con đường nằm ở giữa Giáo Hội Công Giáo (những người tuân phục Đức Giáo Hoàng) và Giáo hội Tin-Lành (những ngừơi phủ nhận quyền của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Roma). Cho dù John Henry Newman và những người theo phái Tractarian đã truyền bá, từ ngữ này đã được tìm ra trong tác phẩm của các nhà thần học Anh quốc ở vào thế kỷ thứ 17, thí dụ như George Herbert (1593-1633)


Viaticum
Của Ăn Đàng. Việc Rước Mình Thánh Chúa khi có thể có nguy tử. Lễ Rước Của Ăn Đàng không nên để trì hoãn qúa lâu khiến cho ngườì đang lâm tử hay kẻ liệt mất khả năng nhận thức. Mình Thánh Chúa nên được thường xuyên trao ngay khi có các cơ nguy như thế, và việc này được yêu cầu cho mọi tín hữu đã đến tuổi biết suy xét. Các điều luật buộc ăn chay hay nhịn đói không phải giữ cho người rước của ăn đàng hay cho vị giáo sĩ phải thánh hiến để trao Mình Thánh Chúa trong trường hợp khẩn cấp. (Từ nguyên Latinh viaticum, lương thực đi đường; và từ chữ viaticus, của một con đường hay cuộc lữ hành, và từ chữ via, con đường, đường đi.)


Vic. Cap.
Vic.Cap. - Linh Mục Giám Quản hay Linh Mục Tổng Dại Diện của Giáo Phận Trống Tòa hay khuyết vị Giám Mục


Vicar
Linh mục đại diện, cha phó. Linh mục thay thế cho một vị khác trong công việc giáo sĩ và hành động nhân danh ngài và với thẩm quyền của vị ấy theo như Giáo Luật đã định. (Từ nguyên Latinh vicarius, người thay thế; từ chữ vicarus, thế chỗ, nhân danh cho ai; từ chữ vicis, thay đổi cho, đến lượt thay)


Vicar Apostolic
Đại Diện Tông Tòa. Một vị đại diện tại một Hiệu Tòa, đã được tấn phong Gíam Mục, được Tòa Thánh bổ nhiệm cai qủan ở nơi chưa thiết lập cơ cấu Đấng Bản quyền. Các vị Đại diện Tông Toà có các quyền hành như các vị Giám mục và thông thường được trao thêm các đặc quyền đặc biệt, do hoàn cảnh bất thường ở nơi các vị ấy thực hành sứ vụ.


Vicar Capitlar
Linh Mục Giám Quản. Một vị giáo sĩ được Kinh Sĩ Hội tại Nhà Thờ Chính Toà Địa phận bổ nhiệm để qủan trị một Giáo phận đang trống toà. Thường quyền Tài phán và Linh Hướng sở tại của Giám Mục trở thành trách nhiệm cuả Hội Đồng Linh Mục Địa phận khi tình trạng Giáo phận Trống Toà xảy ra. Nhưng Hội Đồng Linh Mục Điạ phận phải bầu một vị giám quản để tiếp quản quyền điều hành giáo phận trong một thời gian đặc biệt ngắn đó. Khi một Giáo phận không có Kinh Sĩ Hội, thì Ban Cố vấn Điạ phận hay tổ chức tương đương bầu chọn một vị Linh Mục Giám Quản Giáo phận.


Vicar Forane
Linh Mục quản hạt. Vị giáo sĩ kinh nghiệm được Đức Giám Mục Gíao phận chỉ định để thực thi thường quyền tài phán hạn chế trên một phần đặc biệt của Giáo phận. Vị ấy được trao nhiệm vụ chăm sóc các linh mục hưu dưỡng hay giáo sĩ gìa yếu, đại diện Giám Mục chủ trì các hội nghị, giám sát kỷ luật hàng giáo sĩ, Tài sản của Giáo phận cũng như một số các vấn đề tương tự khác.


Vicars For Religious
Linh Mục Đại diện Giám Mục Đặc Trách về các Tu Hội và Dòng Tu. Vị giáo sĩ được Giám Mục bổ nhiệm để hoạt động như Đại diện của Gíam Mục trong việc quan hệ làm việc với các Cộng đòan Tu Hôị hoặc Dòng Tu trong Giáo phận.


Vicar-General
Linh Mục Tổng Đại Diện, Cha Chính Địa Phận. Vị giáo sĩ phụ tá đại diện một cách hợp pháp cho vị Giám Mục giáo phận với thường quyền tài phán trên toàn Giáo Phận. Nhiệm kỳ phục vụ của vị Linh Mục Tổng Đại Diện mãn hạn với cái chếtcủa ngài, sự từ chức hay sự thuyên chuyển đi nơi khác của vị Giám Mục sở tại. Trừ phi diện tích lãnh thổ địa phận hay sự đa dạng các lễ điển đòi hỏi thêm, chỉ nên có một vị Tổng Đại Diện Giáo phận mà thôi. Vị Đại Diện này phải là một vị giáo sĩ nhiều kinh nghiệm về nhân cách đạo đức xuất sắc. Vị Tổng Đại Diện này cũng có thể là vị Giám Mục Phụ tá. Xét tầm quan trọng của nhiệm vụ này, văn phòng linh mục tổng đại diện được quy định bởi các văn bản trong bộ Giáo Luật.


Vicariate Of Rome
Giáo phận Roma. Giáo Phận này được qủan trị bởi vị Hồng-y là Tổng Đại diện cho Đức Giáo Hoàng, từ hòa ước Lateran. Thường quyền Tài phán là thành phố Rôma và một phần lãnh địa có tên là Agro Romano. Đức Giáo Hoàng Phao-lồ đệ Tứ đã ban sắc lệnh vào năm 1558 rằng vị hồng y cai quản giáo phận này phải là một thành viên của Hồng Y Đoàn, và vào năm 1929 Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 11 đã rút Quốc-gia Vatican ra khỏi thường quyền tài phán của vị Hồng-Y cai quản giáo phận này.


Vicar Of Christ
Vị đại diện Chúa Ki-Tô, Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng, người Thủ-lĩnh hữu hình của Giáo Hội Công Giaó toàn cầu, hành động vì Chúa và thay mặt cho Chúa Ki-Tô. Đức Giáo Hoàng nắm giữ quyền lực phẩm trật thánh tối cao trong Giáo Hội Công Giáo. Tước vị này dành riêng cho Đức Thánh Cha từ thế kỷ thứ tám và dần dần thay cho tước vị trước đó, ‘’Vị đại diện Thánh Phê-rô’’. Nền tảng kinh thánh của từ ngữ trên là mệnh lệnh của Chúa truyền giao cho Thánh Phê-rô để “chăm sóc đoàn chiên con của Thầy, chăn dắt đoàn chiên mẹ của Thầy’’ (Gio-an 21: 15-17)


Victimae Paschali
Thánh ca “Chiên Vượt Qua”. Đây là Thánh Ca ca ngợi Chiên vượt qua, là ca tiếp liên của lễ chủ nhật Phục sinh và cho đến hết Tuần Bát Nhật Phục Sinh.Thánh Ca do Wipo (qua đời năm 1050) người xứ Burgundy (hay Swabia) sọan để tưởng niệm Chúa Giê-Su Ki-Tô phục sinh vinh hiển và chiến thắng sự chết.


Vid., Videl.
Videlicet - Cụ thể là, ấy là


Vig
Buổi canh thức, lễ vọng, ngày áp lễ


Vine And The Branches
Cây nho và các cành nho. Một biểu tượng của Chúa Ki-Tô, bắt nguồn từ chính lời Ngừơi dạy, ‘Thầy là Cây Nho; anh em là những cành nho. Ai ở lại trong Thầy thì sẽ sinh nhiều hoa traí, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được’ (Gio-an 15:5). Là một trong những biểu hiện sớm nhất trong nghệ thuật tạo hình của Thiên Chúa giáo.


Virgin Birth
Sự sinh bởi Trinh Nữ Maria. Sự diễn đạt phổ thông về sự thụ thai và sự sinh ra Đức Chúa Ki-Tô của một người mẹ duy nhất, Đức Trinh Nữ Maria. Được truyền dạy qua tất cả các bản Kinh tin kinh của tín hữu Thiên Chúa giáo, đây là một tín điều và là một chuẩn mực căn bản cuả Giáo lý chính thống Thiên Chúa giáo.


Virginity Of Mary
Sự Trinh Khiết của Đức Maria, sự đồng trinh của Đức Maria. Đây là tín điều mặc khải nói rằng Mẹ cuả Chúa Giê-su, đã được thụ thai không thông qua sự giao hợp thể xác, sinh ra Chúa Giê-su mà vẫn còn trinh khiết, và vẫn trọn đời đồng trinh. Đức tin của Giáo hội vào việc Đức Bà Maria trinh thai sinh Chúa Ki-Tô được thể hiện trong tất cả các Kinh Tin Kính. Sự trinh thai của Đức Maria đã được báo trước trong Cựu Ước bởi Isaiah trong lời tiên tri nổi tiếng về Emmanuel: “Này đây, một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel” (Isaiah 7:14). Sự Trinh Khiết của Đức Bà Maria bao gồm: -Trinh Khiết về Thể Trí, nghiã là thiên hướng trinh khiết trong tâm hồn cuả Đức Bà là bất biến; -Trinh Khiết về Gíac Quan, nghĩa là thoát khỏi những cử chỉ quá mức của ham muốn tính dục; và- Trinh Khiết về Thể Xác, hay Nguyên tuyền Thể Lý. Học thuyết của Giáo Hội đề cập chính yếu đến Tính Nguyên tuyền thân xác của Đức Bà Maria (toàn vẹn mọi đàng)


Vired
Phẩm Phục Thánh màu Xanh: (Áo lễ, khăn che nhà tạm Mình Thánh Chúa, bàn thờ, dùng màu xanh cho muà thường niên, lễ các Chúa nhật quanh năm)


Vision
Thị kiến. Nhận thức siêu nhiên về một đối tượng mà thường không thể nhìn thấy cách tự nhiên được. Một thị kiến là một mặc khải chỉ khi nào đối tượng được thấy cũng tiết lộ một chân lý hoặc một mầu nhiệm ẩn giấu.


Vitalism
Thuyết sinh lực, chủ nghĩa bảo sinh. Triết lý cho rằng mọi hữu thể sống là gồm có một cơ thể hữu cơ và một nguyên lý sống hoặc linh hồn, vốn được xem là hình thái quan trọng của hũu thể ấy.


V.M.
V.M. - Nhân vật quan trọng, con ngừơi phi thường


Vocation
Ơn gọi, Ơn Thiên Triệu. Là việc Chúa kêu gọi đến một lối sống riêng biệt, trong đó con người có thể đạt đến sự thánh thiện. Công Đồng Vatican thứ hai đã tuyên bố rất dễ hiểu là: ‘’Có một ơn gọi phổ quát để sống thánh thiện trong Giáo Hội’’ (Hiến chế Lumen Gentium, Tin Mừng Muôn dân, 39). (Từ nguyên Latinh vocatio, một tiếng gọi, sự triệu tập; từ chữ vocare, kêu gọi.


Votive Candles
Nến nguyện ước. Là nến được đốt trước Đền Thánh, Thánh Tượng để tôn vinh Thiên Chúa, vinh danh Đức Bà Maria, hay một trong các Thánh. Chữ “votive” (nguyện ước) xuất phát từ tập tục cổ xưa đó là thắp sáng các ngọn nến để thực hiện ước nguyện riêng tư (từ Latinh, votum).


Votive Offering
Lễ Vật Khấn nguyện. Lễ vật dâng lên Thiên Chúa, hay để vinh danh một vị thánh như là một hành động cảm tạ các ân sủng đã nhận được, hay để cầu xin một ơn phúc nào khác. Từ đây tên gọi, “votum” nghĩa là một lời xin khấn được hoàn thành, hay lời hứa đã thực hiện. Lễ vật khấn nguyện có thể là một số tiền, xây dựng một đền thánh, bình hay chén thánh, hoặc kim loại qúy hay đá qúy, tranh tượng điêu khắc hay bất cứ lễ vật gì phản ảnh được tình cảm của người dâng cúng như là một hành động của hy sinh.


Vow Of Obedience
Lời Khấn Đức Vâng Phục, Lời khấn Sống Đức Vâng lời. Là sự tự nguyện ràng buộc theo lời khấn để vâng phục các Bề Trên trong một Dòng Tu hay Tu-Hội, hay vị giải tội hoặc vị Linh Hướng. Bởi qua cách thức này, người khấn trở nên hiệp nhất thường xuyên và chắc chắn hơn với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Nói về các tu sĩ, Công Đồng Vatican thứ II đã tuyên bố rằng: “Được tác động bởi Đức Chúa Thánh Thần, họ tự đặt mình dưới quyền của các Đấng Bậc Bề Trên, trong sự tin tưởng vào những Đấng đang giữ ngai vị của Chúa. Thông qua các Đấng bậc này, họ được dẫn dắt để phục vụ tất cả anh chị em trong Chúa Giê-su Ki-tô, cũng như Chúa Giê-su Ki-tô đã chăm sóc các Ki-tô hữu trong khi Người tuân phục Đức Chúa Cha và hy sinh mạng sống của Người để cứu chuộc nhân loại. Do vậy, họ là những người gắn bó hơn với việc phục vụ của Giáo Hội và họ nỗ lực để đạt được chiều kích vươn cao đến sự viên mãn của Chúa Giê-su Ki-tô. (Sắc Lệnh về Canh Tân Đời Sống Tu trì, 14). Trong một số Tu Hội sống đời trọn lành, lời hứa vâng phục thay thế cho lời khấn vâng phục chính thức.