Original Sin
Tội Tổ Tông - Là tội do Adong, tổ phụ của nhân loại mắc phạm, hay là tội do ngài chuyển tiếp cho hậu thế khiến cho tất cả mọi con người đều phải lãnh chịu khi thụ thai và sanh ra, ngoại trừ Chúa Kitô và Mẹ Người. Tội của Adong được gọi là tội nguyên thủy (originale originans); tội của con cháu ngài là tội xuất phát từ tội nguyên thủy (originale originatum). Tội của Adong là tội cá nhân và tội trọng, và có ảnh hưởng đến bản chất của nhân loại. Đó là một tội cá nhân vì ngài đã tự ý mắc phạm; đó là tội trọng vì Thiên Chúa đã ấn định một bổn phận quan trọng; tội này có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại vì ngăn không cho con cháu có được đời sống siêu nhiên và những ơn ngoại nhiên đáng lý họ phải có khi vào đời, nếu Adong đã không phạm tội. Tội tổ tông trong con cháu chỉ có tính cách cá nhân theo nghĩa các con cháu của Adong đều chịu ảnh hưởng, nhưng không có tính cách cá nhân vì họ tự ý phạm tội này; tội này cũng là tội trọng vì ngăn không cho con người có được thị kiến thiêng liêng, nhưng không nặng đến độ phải sa vào hỏa ngục; và chỉ có tính cách tự nhiên vì là nhân tính con người, ngoại trừ khi có sự can thiệp bởi ơn trên, mới có thể được loại trừ bằng các phương tiện siêu nhiên.

Oropa
Oropa -Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ gần Turin, Ý. Thánh Eusebius, trên đường về từ Đất Thánh sau khi bị biệt xứ vì nạn Lạc Giáo Ariô, đã mang về nhà nguyện ẩn tu Oropa một bức tượng Đức Mẹ. Sau đó ngài qua đời tại đây. Đức Mẹ của thánh đường này được gọi là Đức Mẹ Đen vì Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi trong bức tượng cao 3 bộ có mặt và tay được nhà điêu khắc tô mầu đen xậm. Khi thành phố Biella thoát nạn dịch tễ năm 1599, khiến cho toàn miền bị tiêu diệt, cộng đồng quyết định xây một thánh đường lớn hơn. Nhà thờ chính phải có một sân trong và sân ngoài để bao trọn nhà nguyện nguyên thủy. Một nghi thức gắn Vương Miện thứ hai cho Đức Mẹ Đen được Đức Giáo Hoàng Clement XI cử hành năm 1720, là năm kỷ niệm Bách Chu Niên lần cung hiến thứ nhất. Các toà nhà ngày nay vẫn y như xưa, Oropa đã trở nên một thị trấn có nhiều nhà nguyện, khách sạn, bệnh viện, cửa tiệm, văn phòng, rạp hát và viện bảo tàng được xây cất gần thánh đường. Bức tượng cho thấy Đức Mẹ đứng, với Chúa Hài Đồng ngồi trên cánh tay trái. Đầu Đức Mẹ mang ba vương miện của năm 1620, 1720 và 1820, bao quanh bởi một cái vòng vàng có gắn 12 ngôi sao kim cương, biểu tượng cho vương miện thứ tư được Đức Thánh Cha gắn năm 1920. Danh sách các phép lạ xẩy ra tại đây thật kỳ bí. Năm 1918 Dòng Chúa Cưú Thế được Toà Thánh yêu cầu trông nom thánh đường.

Orphrey
Giải thêu trên áo lễ - Miếng vải thêu hay vẽ các biểu tượng hay hình ảnh phía trước và sau và viền quanh cổ của áo lễ các linh mục. Khởi đầu được dùng để che chỗ nối, và mặc dầu không cần thiết, đã trở nên một thành phần quan trọng của áo lễ.

Or. Orat.
Nhà Giảng Thuyết, Thánh Nhạc – Người cầu xin, Nơi Cầu Nguyện

Orthodoxy
Chính Thống - Đức tin đúng đắn so với Dị Giáo hay Lạc Giáo. Danh từ này được dùng ở Đông Phương để chỉ các giáo hội (không kết hiệp với Rôma) nhưng chấp nhận các Công Đồng xưa cổ như Êphêsô và Can Đê, và tự xưng là “Giáo Hội Đông Phương Công Giáo Chính Thống.” Bên Tây Phương, danh từ này đôi khi được dùng để mô tả một ưu tư có thể biện hộ về học thuyết vững mạnh của đức tin Công Giáo.

Orthogenesis
Trực Biến - Lý thuyết cho rằng tất cả mọi xã hội nhân loại đang biến đổi theo cùng một chiều hướng và trải qua cùng những giai đoạn ở khắp mọi nơi, bất kể những sự dị biệt về văn hóa.

Orthology
Chính Từ - Một từ ngữ được những người bất đồng ý với giáo huấn Công Giáo sử dụng. Họ cho rằng hoc thuyết đúng (chính thống) nhất thiết chỉ là một kinh nghiệm chủ quan. Do đó, không được nhận định như bất cứ một công thức tín điều nào. Người ta nói rằng, các công thức giáo điều bằng ngôn từ, có thể thay đổi và không quan trọng.

Orthophony
Chính Ngôn

Orthopraxis
Chính Hành - Cũng được dùng bởi những người không coi chính thống là quan trọng, cho rằng hành động thay vì đức tin mới là chính yếu trong Kitô Giáo

O.S.
Kiểu Cổ

Osservatore Romano, L'
Quan Sát Viên Rôma, tờ báo chính thức của Vatican, được phát hành lần đầu năm 1961, lúc đầu chưa chính thức, rồi bán chính thức dưới triều Giáo Hoàng Lêo XIII. Biên tập viên là giáo dân. Báo được xuất bản hàng ngày, và mới đây cũng có ấn bản đặc biệt ngày Chủ Nhật. Ngoài các tin tức có tính cách tôn giáo, báo cũng phổ biến các tài liệu, bài giảng của Đức Giáo Hoàng, các phúc trình và bình luận về các biến cố chính trị và xã hội. Ngoài ra cũng có các ấn bản hàng tuần bằng các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Ý.

Ossuary
Tiểu Sành - Một quan tài nhỏ chứa xương, đặc biệt của một người Cận Đông trong Thế Kỷ thứ nhất. Tiểu sành có khắc tên thông thường được người Do Thái dùng vào thời Chúa Giêsu, cùng với các tên hiếm có khác. Tiểu sành chứng minh được sự chính xác về lịch sử của các danh xưng dùng trong Phúc Âm, cũng như các danh hiệu như “Sư Phụ” hay “Thầy”, mặc dầu trước đây từ này đã được nêu lên như một chứng tích của thế kỷ thứ hai.

Ostensorium
Mặt Nhật - Một bình chứa bằng kim loại thường là mạ vàng hay bạc có một phần trong suốt, trong đó Mình Thánh được bầy khi chầu Thánh Thể hay rước kiệu Thánh Thể. Mặt nhật có nhiều hình thức và trang trí khác nhau, các mẫu thông dụng có hình như cái tháp hay hình tròn; một vòng kim loại bao quanh bởi các tia hay thẻ kim loại gắn trên một cái thân đặt trên một cái đế nặng, nhiều mặt nhật được trang hoàng bằng ngọc quý. Mặt nhật của Nhà Thờ Chánh Tỏa Toledo phải mất một trăm năm mới chế tạo được và được nổi tiếng vì làm bằng vàng do Kha Luân Bố mang về từ Mỹ Châu.

Ostiarius
Người Gác Cửa - Một người gác cổng hay giữ cửa, một trong các chức vụ thấp nhất. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chức vụ này được huỷ bỏ và sát nhập vào hai thừa tác vụ Đọc Sách Thánh và Giúp Lễ.

O.T.
Cựu Ước

Our Father
Kinh Lạy Cha - Kinh Lạy Cha được Chúa Kitô dạy để đáp lại lời yêu cầu của các môn đệ xin Người dạy họ cầu nguyện. Kinh này được đọc trong Giáo Hội Công Giáo như sau:”Lạy Cha chúng con ở trên Trời. Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng giữ chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.” Kinh này gồm có bẩy lời cầu xin, trong đó ba lời đầu liên quan đến ý chỉ của Thiên Chúa, và bốn lời sau cầu cho có sự trợ giúp thiêng liêng cho con người. Đây là những lời trong Phúc Âm được bình luận nhiều nhất, Kinh Lạy Cha cũng là di sản chung của tất cả mọi kitô hữu, vì tóm lược niềm tin chung của họ vào Thiên Chúa là Cha, Đấng có điạ vị tối cao trên con người, nhu cầu phải cầu nguyện để được ban ơn, gốc rễ của đạo đức là làm theo Thánh Ý Chúa, và việc tranh đấu với sự dữ để được cứu rỗi. Câu kết dài hơn với giòng chữ này “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang của Người,” được bên Tin Lành sử dụng, là một ngôn từ phụng vụ được thêm vào một vài cuốn sách Tân Ước, nhưng không có trong bản văn của Phúc Âm Mát Thêu (6:9-13) hay Luca (12:2-4)

Our Lady
Đức Mẹ - Danh hiệu phổ thông nhất cho Đức Nữ Đồng Trinh trong việc sùng kính và văn chương Công Giáo. Lần đầu tiên được ghi nhận sử dụng trong tiếng Anh bởi thi sĩ Anglo-Sazon Cynewulf (Khoảng năm 750 Công Nguyên) và thường được dùng đặc quyền cho các chức vị của Đức Nữ Đồng Trinh, như Đức Mẹ Giá Chuộc, Đức Mẹ Quan Phòng, Đức Mẹ Là Đường. Danh hiệu này tiếng Ý là Madona, và tiếng Latinh là Domina.

Our Lady Of Ransom Scapular
Áo Đức Bà Giá Chuộc - Huy hiệu của một phụng hội thuộc Dòng Đức Mẹ Xót Thương. Huy hiệu mầu trắng và có hình Đức Mẹ Giá Chuộc

Our Lord
Chúa Chúng Ta - Hình thức ngắn gọn của cụm từ Chúa Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta, như được thấy trong các kinh phụng vụ xưa cổ. Được dùng với chữ “Chúng Ta”, có ý chỉ là Đức Kitô, nhưng khi đứng một mình có nghĩa là “Chúa” và đồng nghĩa với Thiên Chúa.

Overpopulation
Nạn Nhân Mãn - Một lý thuyết của một vài nhà dân số học nói rằng các tài nguyên của trái đất đang bị suy giảm không đủ để cung ứng cho nhu cầu của một dân số thế giới ngày càng gia tăng. Quan điểm của Giáo Hội là “nạn nhân mãn” chỉ là một điều do con người bầy vẽ ra; và cùng một sự quan phòng thiêng liêng đã gợi hứng cho những tiến bộ về khoa học để gia tăng tuổi thọ của con người, sẽ cũng bảo đảm cho các phương tiện để nuôi dưỡng gia đình nhân loại ngày càng gia tăng.

Ownership
Chủ Quyền - Độc quyền sử dụng những gì mình sở hữu. Đây là một quyền vì sở hữu không chỉ có nghĩa là nắm giữ những gì mình có. Sử dụng có nghĩa là làm bất cứ cái gì mình muốn với những gì mình co, như, gìn giữ, thay đổi, cho đi, bán, tiêu thụ hay phá hủy; tuy nhiên, mặc dầu quyền sở hữu vô hạn, việc sử dụng có thể bị hạn chế bởi một giới chức khác, chẳng hạn quyền của chức quyền cao hơn hay là vì lòng bác ái đối với láng giềng. Quyền sở hữu có nghĩa là có tự do hành xử với những gì mình có, để phân biệt với quyền thừa hành được trao phó. Và việc tự do sử dụng những gì mình có là một độc quyền vì người khác không được dùng các sở hữu cuả mình, điều này cũng được áp dụng ngay cho cả các sở hữu có tính cách công ty. Bất kể đến số lượng của cổ phần, bất cứ ai năm bên ngoài các sở hữu chủ không có quyền gì trên các sở hữu đó. Độc quyền sử dụng một cái gì là một đặc tính cá biệt của quyền sở hữu.

Ox
Con Bò - Một biểu tượng trong Nghệ Thuật Thánh được gán cho Thánh Luca. Hình con bò cũng biểu tượng cho cái chết của Chúa Kitô trên thập giá.

Oxford Movement
Phong Trào Oxford - Một nỗ lực tập thể phát xuất vao năm 1833 tại Đại Học Oxfors nhắm phục hồi cho Giáo Hội Anh Quốc một số những nguyên tắc Tiền - Cải Cách, đã bị mất đi vì quán tính và thờ ơ. Sự phục hồi đức tin và phụng tự với một sự nhấn mạnh về tính chất Công Giáo nhưng không đề cập đến việc kết hợp với Giáo Hội Rôma, là đặc điểm của phong trào này. Phong trào này được TS Kelbe khởi xướng tại Oxford, và được nối tiếp bởi John Henry Newman, Edward Pusey, Richard Froude, Frederick Faber, Isaac Willaims, Charles Marriott, Bernard Dalgairns, và William Ward. Các Truyền Đơn của Thời Đại, được các vị lãnh đạo phòng trào viết, là một chuỗi các luận án về hoc thuyết đề ra các mục tiêu và giáo huấn của phong trào. Nhiều bài bị kiểm duyệt và bị lên án bởi Giáo Hội Hiện Hành, và truyền đơn của Ward khiến cho ông bị mất vị thế trong Đại Học. Nhiều vị lãnh đão trở thành ngưòi Công Giáo, trong đó có Newman và Ward. Phong trào dường như đã chìm lắng, nhưng ảnh hưởng vẫn còn tiếp tục. Giáo Hội Anh Quốc đã cải cách, và sự kết hợp giữa Anh Giáo và Công Giáo đã được thiết lập vĩnh viễn, và cả Nước Anh trở nên quen thuộc hơn với học thuyết và thực hành Công Giáo.

Oxon
Thần Học Gia hay Học Giả Oxford

P
Cha – Linh Mục; Đức Thánh Cha – Giáo Hoàng

Pa
Đức Thánh Cha – Giáo Hoàng

P.A., Pref. Ap.
Giám Quản Tông Tòa

Pachomius, Rule Of St
Luật Sống Thánh Pachomius - Luật sống có quy tắc đầu tiên cho một dòng tu được Thánh Pachomius (290-346), là người Hy Lạp sáng lập Dòng Ẩn Tu soạn thảo. Luật sống này cung cấp cho người đứng đầu hướng dẫn một số lớn cư sĩ. Có ba đẳng cấp bề trên: Viện Trưởng coi sóc toàn bộ nhà dòng, một phụ tá cho mỗi cộng đồng, và một vị lãnh đạo được bầu ra hàng tuần để kêu gọi các cư sĩ cầu nguyện, để hướng dẫn Giờ Kinh Phụng Vụ, và chuyển tiếp các chỉ thị từ viện trưởng xuống. Khi Pachomius qua đời, có tất cả chín dòng nam và hai dòng nữ dưới quyền điều khiển của ngài. Ngài đứng đầu bẩy ngàn tu sĩ, mười ba ngàn cư ngụ tại Tabennesi trên bờ sông Nile, và các nhóm khác từ hai đến ba trăm người cư ngụ trong các cơ sở nhỏ hơn.

Pacifism
Chủ Nghĩa Hoà Bình - Chủ thuyết cho rằng tất cả mọi chiến tranh đều tất yếu sai lầm, giữa các kitô hữu, chiến tranh bị Phúc Âm ngăn cấm. Theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo chiến tranh thực sự là điều không mong muốn và những say mê tội lỗi dẫn đưa tới chiến tranh, nhưng không phải là cuộc chiến nào cũng có tội và kitô hữu có thể tham dự vào một cuộc chiến chính đáng.

Pact
Thỏa Hiệp

Padroado
Thỏa Hiệp Padroado - Đặc quyền bảo trợ do Đức Giáo Hoàng trao cho Vua Bồ Đào Nha trên ba giáo phận Ấn Độ kể từ năm 1534, gây nên nhiều sự tranh chấp giữa Giáo Hội và Chính Quyền. Thoả hiệp này được huỷ bỏ vào năm 1928.

Padua (Shrine Of St. Anthony)
Padua (Đền Thánh AnTôn) - Trong thời kỳ từ năm 1232 đền năm 1300 nhà thờ thứ nhất được các linh mục Phanxicô xây cất như một nhà mồ và phỏng theo nhà thờ Thánh Mác cô ở Venice. Kiểu kiến trúc La Mã nhưng nhiều nhà nguyện bên cạnh có ảnh hưởng Gô-tích. Sáu vòm trên đỉnh với hai tháp chuông và hai chòi canh. Bên trong hết sức giản dị, với hàng trăm nấm mộ của các chiến sĩ và trên sáu mươi ảnh tượng Đức Mẹ. Bên trong Vương Cung Thánh Đường hiện đại là một bức tượng Đức Mẹ đặt trong nhà nguyện cổ, đây là tất cả những gì còn lại của nhà thờ cổ Santa Maria được xây cho thánh Antôn vào năm 1229. Tại đây vị thánh dâng thánh lễ, cầu nguyện, và giải tội. Gần nhà nguyện Thánh Thể là tòa giảng giản dị của nhà giảng thuyết nổi danh, được hoàn tất vào cuối thế kỷ mười sáu bởi rất nhiều nghệ nhân thành Venice. Bức tường phía sau và hai bên có những bức họa khắc trên đá cẩm thạch trình bầy chín biến cố trong đời sống thánh Antôn. Nấm mồ của vị thánh thành Padua được đặt ở giữa. Bên trái bàn thờ là một cây giá nến khổng lồ được coi là một trong các cây đèn đẹp nhất thế giới. Tượng chịu nạn bằng đồng nổi tiếng của Donatello được treo trên bàn thờ. Bên cạnh mộ thánh Antôn, là di tích quý báu nhất của vị thánh. Đó là cái lưỡi của ngài được cất giữ trong một cái hộp được trang hoàng lộng lẫy.

Paenitemini
Paenitemini - Tông Hiến của Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1966, trong đó các tiêu chuẩn về ăn chay và hãm mình được thay đổi. Trong khi thay đổi các tiêu chuẩn, Đức Thánh Cha nói rõ rằng luật Chúa đòi hỏi tất cả mọi tín hữu phải làm việc thống hối. Do đó, mục đích của quy luật mới không phải là để làm suy yếu việc thực hành thống hối, nhưng là để làm cho hữu hiệu hơn. Vì thế Giáo Hội, “trong khi duy trì – ở nơi có thể quan sát dễ dàng – phong tục về việc thống hối (đã tuân giữ qua nhiều thế kỷ theo các tiêu chuẩn của luật Giáo Hội) bằng cách hãm mình không ăn thịt và chay tịnh, cũng có ý định thông qua các hình thức thống hối khác nữa, miễn là đối với các Hội Đồng Giám Mục, việc thay thế ăn chay hãm mình bằng cầu nguyện và làm việc bác ái có vẻ thích hợp.”

Pagan
Vô Thần (Ngoại Giáo) - Một người ngoại giáo. Thông thường là một người thờ tà thần. Trước đây được dùng để chỉ bất cứ ai không tuyên xưng thờ một chúa, và vẫn còn được dùng bởi người Kitô Giáo, Do Thái và Hồi Giáo để chỉ một người không tin vào một Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất. Đúng hơn từ ngữ vô thần dùng để chỉ một người đã từ bỏ tất cả mọi tín ngưỡng tôn giáo, nghĩa là một người vô tôn giáo.

Pain
Đau Khổ - Kinh nghiệm đau đớn. Đau khổ có thể là thể lý: khi nỗi đau đớn gây ra bởi cơ thể bị ngăn chặn không nhận được những gì cần thiết; hay tâm thần: khi trí óc bị ám ảnh bởi một cái gì mơ hồ hay đáng nghi; hay tâm tư: khi cảm giác bị xáo trộn bởi lo âu và sợ hãi; hay ý định: khi ước muốn không được thỏa mãn; hay xã hội: khi một người bị chối bỏ hay không được người khác chấp nhận và tâm linh: khi linh hồn bị dầy vò bởi tuyệt vọng hay khi có cảm tưởng bị Thiên Chúa chối bỏ.

Pain Of Loss
Đau Khổ vì Mất Mát - Sự đau khổ vĩnh viễn trong hỏa ngục vì không được thị kiến Thiên Đàng. Đây là hình phạt chính của những thần dữ và các linh hồn qua đời trong khi chối bỏ Thiên Chúa.

Pain Of Sense
Đau Khổ về Cảm Quan - Sự đau khổ trong hỏa ngục gây nên bởi một tác nhân mệnh danh là “lửa” trong Phúc Âm, từ bên ngoài con người và thứ yếu sau hình phạt chính, và là sự đánh mất Thiên Chúa.

Palestine
Palestine - Tên được người Philítin từ đầu đặt cho quốc gia nằm ở bờ biển phía đông của Địa Trung Hải. Trong Phúc Âm, Palestine được gọi là Canaan trước khi Joshua xâm chiếm. Đây là Đất Thánh của người Israel xưa vì được Thiên Chúa hứa cho, và trở thành Đất Thánh của người kitô vì đó là quê hương của Chúa Kitô. Ranh giới Palestine thay đổi nhiều lần, nhưng nói chung bao gồm miền đất nằm giữa Địa Trung Hải và sông Jordan, và có ranh giới phía nam là Ai Cập. Vào thế kỷ thứ Tư trước Thiên Chúa, Palestine bị Alexandre Đại Đế xâm chiếm. Năm 141 trước T.C., người Do Thái nổi giậy dưới thời Maccabe và thiết lập một quốc gia mới, nhưng Rôma chiếm lại trên 70 năm năm sau. Trong thời Chúa Kitô, Palestine được cai trị bởi vua Herod bù nhìn. Việc nổi loạn của người Do Thái thúc đẩy người Rôma phá hủy đền thờ và tiêu diệt hay đánh đuổi người Do Thái ra khỏi Palestine. Rồi kế theo là ngươi kitô giáo chiếm đóng cho tới thế kỷ thứ 7, khi bị người Hồi Giáo chiếm lại. Trong cuộc Thánh Chiến, Palestine tạm thời nằm trong tay người Kitô hữu nhưng lại rơi vào tay người Hồi giáo vào thế kỷ 13. Người Do Thái bắt đầu đô hộ khoảng 1870, và chủ nghĩa phục quốc Do Thái khởi sự vào đầu thế kỷ 20. Năm 1920 người Anh được chia cắt khu vực này trong Thế Chiến Thứ Hai, chỉ định Palestine là quê hương của người Do Thái, trong khi bảo vệ quyền lợi của những người không phải là Do Thái. Sau nhiều cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Ả Rập, Palestine trở nên quốc Gia Israel kể từ năm 1948.

Pall
Tấm Đậy Chén Thánh - Thông thường nhất là miếng bià cứng vuông được bọc bằng vải dùng để đậy trên chén thánh trong Thánh Lễ; cũng là khăn phủ quan tài trong thánh lễ an táng và trên cái hòm giả trong thánh lễ cầu hồn; một tấm khăn che đậy trên cô dâu và chú rể trong lễ hôn phối của người Hồi giáo tại Tây Ban Nha; một tấm khăn phủ trên nữ tu trong nghi thức tuyên hứa tại một số dòng chiêm niệm.

Pallium
Phù Hiệu Bằng Giây Len - Một biểu tượng về quyền hạn của Giám Mục. Giây là một giây bằng len trắng rộng 2 phân rưỡi được trang hoàng bằng sáu thập giá nhỏ và một giải treo phiá trước cũng như một giải treo phía sau, được đeo quanh cổ, ngực và vai của Đức Giáo Hoàng và các Tổng Giám Mục. Được làm bằng len của hai con cừu đã làm phép tại nhà thờ Thánh Anê tại Rôma. Khi được ban cho một giám mục, phù hiệu này chỉ có tính cách trang sức. Trong nghi thức Đông Phương, chỉ có các thượng phụ được đeo phù hiệu này. Đây là một dấu chỉ bên ngoài của sự hiệp thông với Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I được chính thức trao quyền ngày 3 tháng 9, 1978 với phù hiệu này thay vì một vương miện Giáo Hoàng trong một thánh lễ ngài đồng tế với các thành viên của Hồng Y Đoàn. Người kế vị là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng được trao quyền bằng phù hiệu giây len.

Pallottines
Pallottini - Tu sĩ hội truyền giáo được thánh Vincent Palloti (1795-1850) sáng lập năm 1835 tại Rôma. Mục đích là thuyết giảng và giáo huấn đức tin cho người kitô và ngoài kitô giáo, và phối hợp giữa các tín hữu trong sứ vụ tông đồ Công Giáo. Theo Đức Giáo Hoàng Piô XI, các tu sĩ Pallotin là các vị tiên phong trong phong trào Công Giáo Tiến Hành mới. Cũng có các nữ tu Pallotin, được thánh Vincent thành lập năm 1843 như một dòng riêng biệt. Một trong những sứ vụ của họ là cổ võ sự hiệp nhất của các giáo hữu Đông Phương với Rôma.

Palm
Cành Thiên Tuế - Một biểu tượng của chiến thắng. Khi tìm thấy trong các hang toại đạo, cành lá này đánh dấu nấm mộ của một vị tử đạo. Đây cũng là biểu hiệu của nhiều vị thánh chịu nạn dưới thời đàn áp của La Mã. Khi nói về Ngày Chung Thẩm, đây là biểu tượng của chiến thắng cuối cùng (Khải Huyền 7-9). Cành Thiên Tuế đánh dấu việc Chúa Kitô vinh quang tiến vào thành Giêrusalem.

Palms, Blessed
Làm Phép Lá - Một á bí tích của Giáo Hội. Lá được làm phép và phân phát cho tín hữu vào chủ nhật lễ lá, tưởng niệm việc đám đông mang cành lá rước Chúa Kitô vào thành Giêrusalem. Cành lá được dùng ngay từ thời Thánh Bede Khả Kính (673-735). Lá Chà Là Đông Phương, khi có được là loại lá được ưa thích nhất. Nhưng bất cứ cành hay que nhỏ nào cũng thích hợp. Nghi thức Chủ Nhật Lễ Lá chỉ đề cập đến những cành cây. Trong kinh nguyện làm phép, linh mục đọc, “Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, xin làm phép các cành cây này và làm cho chúng trở nên thiêng liêng.” Trong cuộc rước lá, dân chúng đi trong hân hoan để bầy tỏ lòng trung thành với Đức kitô.

Palm Sunday
Chúa Nhật Lễ Lá - Chúa Nhật trước Phục Sinh và là Chúa Nhật thứ sáu và cuối cùng của Mùa Chay, và khởi đầu cho Tuần Thánh. Vào ngày này Giáo Hội kỷ niệm ngày Chúa Kitô khải hoàn vào Giêrusalem, khi các cành ô liu và chà là được trải trên lối đi của Người. Trong phụng vụ, việc tưởng niệm biến cố này được thực hiện trong tất cả các thánh lễ, với cuộc rước hay tiến vào trọng thể trước thánh lễ chính, và với cuộc rước giản dị trước các thánh lễ khác trong Chúa Nhật Lễ Lá.

Panaya Kapulu (Shrine)
Đền Thánh Panaya Kapulu - Nhà của Đức Mẹ gần Selchuk, Thổ Nhĩ Kỳ, cách Constantinople hai trăm dặm tại miền Đông Tiểu Á. Căn nhà này nổi tiếng là nơi trú ngụ của Đức Mẹ những năm cuối cùng trên trần thế. Êphêsô hầu như hoàn toàn tàn phế, nhưng khoảng mười dặm cách thành phố cổ này có nhà của Đức Mẹ. Đây là một nơi hành hương tiếp nhận trên năm ngàn khách hành hương mỗi tháng. Có một linh mục Công Giáo túc trực tại đây. Người Hồi giáo cũng như Thiên Chúa giáo đã đến đây từ năm 1691 để kính viếng Đức Mẹ. Căn nhà nhỏ được xây lại vào năm 1951 sau bao nhiêu năm bị vết chân của khách hành hương làm hư hại. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đến hành hương tại đền thánh này vào tháng 7 năm 1967.

Panegyric
Bài Suy Tôn - Một bài khen tặng một người hay một biến cố trước công chúng, một bài điếu văn. Bài nổi tiếng nhất là bài do các giáo phụ viết, như bài của Thánh Gioan Chrysostm giảng về các thánh Lucian và Romanus năm 387 công nguyên.

Panentheism
Bán Phiếm Thần - Thuyết cho rằng thế gian là một thành phần của Thiên Chúa, mặc dầu không là toàn phần. Thuyết này khác với thuyết phiếm thần, minh định thế gian là Thiên Chúa, bằng cách nói một phần của Thiên Chúa là vũ trụ, và một phần chỉ là Thiên Chúa.

Pange Lingua
Pange Lingua - Thánh ca “Miệng lưỡi tôi hãy hát lên vinh quang của Đấng Cứu Chuộc,” trong Kinh Chiều của Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Thánh ca nay được dùng làm bài ca khi rước kiệu Thánh Thể vào Thứ Năm Tuần Thánh trong Bốn Mươi Giờ Chầu, và thông thường được dùng để tôn vinh Thánh Thể. Hai đoạn cuối, Tantum Ergo đã từ lâu được hát lúc làm phép lành Mình Thánh Chúa. Bài này được thánh Tôma Aquina viết, và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.

Panpsychism
Panpsychism - Thuyết cho rằng mọi sự trên thế gian đều sống động. Tất cả mọi sự đều được cho là đang sống hay có ý thức. Trong số những người nổi tiếng nhất ủng hộ thuyết này có Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716).

Pan-Satanism
Phiếm Satan - Danh từ được gán cho một vài hình thức của thuyết bán phiếm thần, hay một thứ triết lý bi quan, như của Arthur Schopenhauer (1788-1860). Đó là niềm tin rằng thế giới được đồng hóa với tà thần, và coi tà thần là “Ông Hoàng của thế giới này” (Gioan 12:31).