Chúa Nhật I Mùa Chay, C

Những cám dỗ của Ðức Giêsu - những cám dỗ của chúng ta!

(Lc 4,1-13)

Tương tự như trong cuộc sống tư riêng của mỗi người và trong cuộc sống gia đình, trong cuộc sống của một cộng đồng cũng có những ngày vui hay những thành công, nhưng đồng thời cũng có những hiểu lầm và những va chạm xích mích. Người ta có thể nói được rằng: Cuộc sống con người trong phạm vi cá nhân, phạm vi gia đình hay trong phạm vi xã hội, v.v… là một tấm thảm được đan dệt bằng đủ thứ màu sắc !

Thánh sử Luca tường thuật lại lịch sử những cám dỗ của Ðức Giêsu như là lịch sử của những cám dỗ của các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi vào khoảng năm thứ 90 sau công nguyên. Vâng, sau sự thành lập buổi đầu với bao lạc quan hứng thú và được can thiệp trực tiếp bởi những điều thiêng dấu lạ, giờ đây tất cả họ phải tự đối mặt với những cám dỗ và những thử thách nặng nề. Sự bất kiên nhẫn, nãn chí và sợ hãi đã chụp xuống trên các cộng đoàn. Là Kitô hữu thuộc thế hệ thứ ba, họ đã vô vọng chờ đợi sự xuất hiện đầy uy quyền và có sức biến đổi mọi sự của Nước Thiên Chúa. Tình trạng cộng đoàn lúc bấy giờ hãy còn non trẻ, thiểu số và thiếu tổ chức, thêm vào đó còn bị khinh miệt và thường xuyên bị theo dõi bắt bớ, nên họ dã tự hỏi : Tương lai sẽ ra sao đây ? Giữa tình trạng bất an sợ hãi như thế, thánh sử Luca đã tường thuật Tin Mừng của ngài. Tương tự như qua một tấm gương, thánh sử đã muốn cho các cộng đoàn nhận ra được cuộc sống của mình qua cuộc sống của Ðức Giêsu, hay nói cách khác : Những cám dỗ thử thách của họ hôm nay là những cám dỗ thử thách của Ðức Giêsu hôm qua. Họ phải ăn những thứ bánh nào: những thứ chính tay họ làm ra hay những thứ được trao ban ? Họ phải sống cuộc sống nào: cuộc sống trước mắt do cơm bánh một mình hay cuộc sống dám can đảm hy vọng vào Thiên Chúa của Ðức Giêsu ? Những ước muốn nào của cuộc sống xui khiến và khích động họ ?

Ðó là những câu hỏi được đặt ra cho các cộng đoàn các kitô hữu của thánh Luca xưa và cho các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta ngày nay. Và chỉ mỗi người trong chúng ta mới có thể trả lời được.

Cả sự cám dỗ thứ hai của Ðức Giêsu cũng là sự cám dỗ thường xuyên của cộng đoàn các tín hữu : Chúng ta phải vinh danh ai ? Tâm hồn chúng ta lệ thuộc vào đâu ? (x. Lc 12,22-32). Thiên Chúa hay thần linh của chúng ta là gì ? Ai là Thiên Chúa của chúng ta ?

Thật ra, những câu hỏi như thế nghe quá đường đột và thiếu nhã nhặn! Bởi vì chúng bộc lộ sự nghi ngờ là chúng ta - với tính cách là những kitô hữu sốt sắng và giáo xứ sống động - có lẽ chỉ phần nào đó, hay có lẽ chẳng bao giờ làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ cho Nước Trời, nhưng chỉ tìm danh dự và lợi ích riêng tư của chúng ta, hay chỉ tìm cách gây ảnh hưởng cá nhân, v.v…Thiên Chúa luôn nhân hậu và quảng đại. Người đã sáng tạo nên chúng ta và đã ban cho chúng ta tất cả mọi sự, để chúng ta điều khiển và hưởng dùng. Người đã ban cho chúng ta sáu ngày trong tuần để sống, chỉ còn lại một ngày - hay nói chính xác hơn: chỉ vào khoảng trên dưới một giờ đồng hồ - chúng ta cần phải tôn thờ Người. Vâng, mỗi tuần lễ Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng ta 167 giờ đồng hồ để sống, và chỉ một giờ chúng ta cần hy sinh để đến với Người, để cùng nhau tôn vinh Người, để cùng nhau cảm tạ ơn người ! Chúng ta có sẵn sàng làm thoả mãn chút đòi hỏi cỏn con này của Thiên Chúa không ? Ở đây, tôi xin được phép nêu lên một câu hỏi : Nếu thành thật mà nói, có khi nào chúng ta đã có ý tưởng làm vinh danh Thiên Chúa chưa ?

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta không nên tránh né những câu hỏi đó, vì chúng giúp chúng ta kiểm điểm lại chính con người mình, trục quay của bao nhiêu thứ!

Cuối cùng, thánh sử Laca tường thuật sự cám dỗ thứ ba của Ðức Giêsu ở Giê-ru-sa-lem, còn nặng nề hơn. Ở đây có tính cách quyết định : “Hoặc được tất cả, hoặc ngã nón về không”, hoặc Thiên Chúa Tạo Hóa hay các thứ bụt thần khác, hoặc chúng ta muốn nằm trong tay Thiên Chúa hay muốn Thiên Chúa nằm trong tay chúng ta!

Sự cám dỗ đó là : Chúng ta tin vào Chúa nào ? Chúng ta còn có thể tin tưởng vào một Thiên Chúa Tạo Hóa thầm lặng, kín đáo và trước mắt người đời nhiều khi xem ra bất lực không ? Một Thiên Chúa không luôn luôn làm thỏa mãn mọi chờ đợi và mong ước của chúng ta, một Thiên Chúa mà chính Ðức Giêsu trong cơn hấp hối đầy đau thương trên thập giá cũng đã vô vọng kêu lên : “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con ?“

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải sống điều chúng ta hằng ngày cầu nguyện Thiên Chúa : “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời!” Ðó cũng là điều chính Ðức Giêsu đã cầu nguyện trong vườn Cây Dầu trước khi chịu khổ nạn : “Lạy Cha, không phải ý con, nhưng là ý Cha phải được thể hiện!” và Ðức Giêsu không chỉ cầu nguyện bằng lời suông mà thôi, nhưng chính Người đã sống làm gương cho chúng ta trước! Và Người đã đạt được sự chiến thắng vinh quang của cuộc sống, cho Người và cho tất cả chúng ta!

Nói tóm lại, lịch sử những cám dỗ của Ðức Giêsu cũng là lịch sử của những cám dỗ của các cộng đoàn kitô hữu xưa kia và của các giáo xứ chúng ta ngày nay, cũng như sự cám dỗ của mỗi người trong chúng ta. Ðức Giêsu đã đứng vững được trước các cám dỗ của Người, bởi vì Người hoàn toàn đứng về phía Thiên Chúa, Người chiến đấu với Thiên Chúa và cho Thiên Chúa!

Còn chúng ta, chúng ta chiến đấu với ai và cho ai ? Chúng ta có chiến đâu với Thiên Chúa và cho vinh danh Người hay chúng ta chiến đấu một mình và cho vinh danh cá nhân chúng ta ?

Mùa chay thánh là dịp thuận tiện nhất, để chúng ta suy tư ngẫm nghĩ về điều đó và đồng thời để tìm ra được câu trả lời đúng đắn! Amen.