VÀI NÉT VỀ HIỆN TRẠNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM

& GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ TRUYỀN THÔNG



Hiện tượng truyền thông hiện nay thúc đẩy Giáo Hội phải xem xét lại về mục vụ và văn hoá để có thể thích ứng được với thời đại của chúng ta. Hơn ai hết, các mục tử phải gánh lấy trách nhiệm này. Mọi điều khả thi đều phải được đưa ra thực hiện để Tin Mừng có thể thấm nhập vào xã hội, kích thích con người lắng nghe và chấp nhận sứ điệp của Tin Mừng" (x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Gregis, số 30, 2003; Tông thư Sự phát triển nhanh chóng về Công nghệ Truyền thông, số 8, ngày 24-1-2005). Lời nhắn nhủ trên đây của ĐTC Gioan Phaolô II như đang mời gọi những người có trách nhiệm trong Giáo Hội quan tâm đến truyền thông.

Để giúp các mục tử cũng như bạn đọc hiểu biết đôi nét về hiện trạng truyền thông xã hội tại Việt Nam, chúng tôi xin cung cấp một ít thông tin và số liệu liên quan tổng hợp được từ các sách báo chính thức của nhà nước. Một ít số liệu chúng tôi lấy từ cuốn Niên Giám Thống kê 2003 do Tổng cục Thống kê xuất bản tại Hà Nội năm 2004 và có lẽ phải chờ đến giữa năm 2006 mới có số liệu tổng kết của hai năm 2004-2005. Chúng tôi sắp xếp các thông tin trong bài này theo từng mục: sách, báo, phim ảnh, phát thanh, truyền hình và Internet… và chia thành hai phần: phần đầu nói chung về Việt Nam, phần sau nói riêng về Giáo hội Việt Nam.

1. HIỆN TRẠNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI TRONG CẢ NƯỚC

Việt Nam là một đất nước theo xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nên các phương tiện truyền thông xã hội đều nằm dưới quyền quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Các phương tiện này là những công cụ được sử dụng để bảo vệ trật tự an ninh xã hội và cũng có thể gây mất trật tự an ninh nếu người dân không biết sử dụng đúng đắn. Theo quan điểm này, quyền tự do phát biểu liên quan đến việc thông tin và nhận thông tin đã bị hạn chế. Tuy nhiên, bắt đầu từ thời kỳ mở cửa, năm 1992, dân chúng đã dần dần có thể tham gia vào một số lĩnh vực truyền thông như xuất bản sách báo, làm phim, truy cập các nguồn thông tin từ mạng Internet hoặc mở các websites với sự cho phép và quản lý của chính quyền. Hiện nay, nhà nước có chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục nhưng chưa rõ ràng về thông tin (Báo Tuổi Trẻ, ngày 27-7-2005, tr.1).

Ngoài nhận định chung trên đây, trong mỗi lĩnh vực truyền thông riêng biệt, mức độ cởi mở hay hạn chế cũng khác nhau tuỳ theo từng địa phương và trình độ hiểu biết của người dân. Thí dụ, ta thấy có sự khác biệt giữa thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với nhiều tỉnh thành khác về việc kiểm duyệt nội dung sách báo, phim ảnh. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển của các phương tiện truyền thông hiện nay, dù Nhà nước đã cố gắng nhưng khó lòng kiểm soát việc sử dụng và cả những lạm dụng đối với các phương tiện này. Cụ thể, các máy in màu được bán tự do cho các công ty và tư nhân khiến việc in ấn sách báo kéo theo cả việc in thêm, in lậu, in nối bản. Hoặc điện thoại di động và truyền hình kết nối với mạng Internet dẫn đến việc thu nhận và phát tán những phim ảnh đồi truỵ.

Vì thế, việc tìm hiểu về hiện trạng truyền thông xã hội hy vọng giúp người Kitô hữu thấy được một vài vấn đề và cả những lạm dụng nguy hại trong lĩnh vực này.

1.1. Sách

Số đầu sách trong cả nước năm 2003 là 14.059 so với 13.515 vào năm 2002 và được in thành 222,8 triệu bản. Đây là số bản in chính thức nhưng trong thực tế có hàng triệu cuốn sách in thêm ngoài số lượng đăng ký hoặc in lậu không có phép do nhiều lý do như để tránh xuất bản phí cao (trung bình từ 5-7% tính trên giá bán ấn phẩm và không được giảm theo luỹ tiến về số lượng nên càng in nhiều càng phải đóng phí nhiều), không muốn trả tác quyền hoặc chi phí thực hiện khâu chế bản…

Trong số đầu sách đó, có 9.755 do Cục Xuất bản Trung ương cấp giấy phép và 4.304 do Sở Văn hoá Thông tin địa phương cho phép. 13.934 là sách quốc văn với 221,976 triệu bản và chỉ có 125 đầu sách ngoại văn với 864.000 bản. Nếu tính theo đề mục có 4.872 đầu sách giáo khoa với số lượng 201,686 triệu bản, chiếm hơn 90% bản in.

Số lượng sách ở Việt Nam, ngoài sách giáo khoa, vẫn còn rất ít so với tỷ lệ người dân: 21 triệu bản sách so với 80 triệu dân hiện nay - như vậy cứ 4 người mới có 1 cuốn sách. Tỷ lệ này thấp so với các nước phát triển và nhiều nước trong khu vực.

Giá trị sách soạn ra chưa cao, thí dụ sách văn học: năm 2003 có 2.359 đầu sách với 3.116.000 bản: như vậy mỗi đầu sách chỉ được in trung bình 1.300 bản. Sách kỹ thuật có 2.495 đầu sách với 3.940.000 bản, trung bình 1.500 bản/đầu sách. Sách khoa học xã hội có 1.968 đầu sách với 4.012.000 bản, trung bình 2.000 bản/đầu sách. Chỉ có sách thiếu nhi có 2.240 đầu sách với 9.218.000 bản, trung bình 4.100 bản/đầu sách. Chỉ có sách ngoại văn có số in cao: 125 đầu sách với 864.000 bản, trung bình 6.700 bản/đầu sách.

- Ngoài ra, ta cũng cần phải kể thêm 28,054 triệu bản văn hoá phẩm gồm những bưu thiếp, tờ bướm quảng cáo, nhãn băng đĩa các loại… (x. Tổng Cục Thống kê, Niên Giám Thống kê 2003, tr. 504).

1.2. Báo

Số lượng báo và tạp chí phát hành năm 2003 là 653,4 triệu bản so với 655,570 triệu bản năm 2002 (x. Tổng Cục Thống kê, Niên Giám Thống kê 2003, tr. 504). Tính đến ngày 20-6-2005, cả nước có hơn 700 tờ báo, tạp chí, gần 1.000 bản tin, phụ trương và 14.000 nhà báo chuyên nghiệp (Tuổi Trẻ, 20-6-2005, tr. 1).

Số lượng phát hành của một vài tờ báo lớn trong nước (tính đến 6-2005):

* Nhật báo: Tuổi Trẻ 350.000, Thanh Niên 165.000, Sài Gòn Giải Phóng 130.000, Người Lao Động 85.000, Lao Động 80.000, Hà Nội Mới 32.000.

* Tuần báo, bán nguyệt san và nguyệt san: Công An TP. HCM 500.000, Thế Giới Phụ Nữ 150.000, Sài Gòn Tiếp Thị 85.000, Tiếp Thị và Gia Đình 67.000, Thời Trang Trẻ 65.000, Tiền Phong 110.000, Phụ Nữ Việt Nam 110.000, Thế Giới Mới 80.000, Kiến Thức Ngày Nay 90.000, Gia Đình và Xã Hội 80.000, Phụ Nữ TP. HCM 75.000, Phụ Nữ Chủ Nhật 80.000.

Có khoảng 20 tờ báo đã thực hiện báo điện tử trực tuyến, đa số ở TP. HCM.

Nhận định: Từ mười năm trở lại đây, báo chí Việt Nam phát triển mạnh, nội dung phong phú, đa dạng, hình thức đẹp, phong cách thể hiện ngày càng gần gũi với đời sống. Trong đội ngũ nhà báo nhiều người được đào tạo chuyên nghiệp, có trình độ, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức. Báo chí Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu hoàn chỉnh như một diễn đàn của nhân dân trong đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, trong vai trò giám sát các cơ quan điều hành xã hội và góp phần dân chủ hoá đời sống. Khác với giai đoạn 1975-1985, báo chí lúc đó còn gò bó, giáo điều như nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng đã nhận xét (Tuổi Trẻ, 20-6-2005, tr. 3). Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thấy sự phát triển thiếu cân đối, khoa học của nhiều loại hình báo chí dẫn đến tình trạng thông tin chồng chéo, gây lãng phí như có quá nhiều tờ báo nói về thời trang, nhà đẹp, quảng cáo hàng hoá cao cấp, dẫn đến việc chạy theo thương mại, khai thác tình dục, tội ác, kích thích tính tò mò của người đọc hơn là tìm cách giáo dục và phát triển toàn diện con người cũng như xã hội.

1.3. Cơ sở in

Việt Nam có khoảng 500 cơ sở in lớn nhỏ, tập trung nhiều nhất ở thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với 4 phương pháp in chính: in typo, offset, helio và in mạng (in lụa), cộng thêm với cả ngàn cơ sở in lụa, chưa kể các công ty, hoặc tư nhân có những máy in nội bộ như máy photocopy, máy in laser màu và đen trắng có thể làm ra những ấn phẩm "lưu hành nội bộ" mà không xin phép xuất bản. Những ấn phẩm loại này vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước, phổ biến những nội dung tốt, xấu khác nhau.

Nhận định: Các bộ sách giá trị, dày công nghiên cứu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngoài ra, ngành xuất bản thường phải đối mặt với việc in thêm, in lậu, tệ nạn sao chép, vi phạm bản quyền như sửa đổi chút ít và thay tên tác giả… Ngành Văn hoá Thông tin phải đối mặt với việc chưa thống nhất cách đánh dấu giọng theo ngôn ngữ học (thí dụ các từ "hoá", "hoè", "huệ", "huý",…), cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài (thí dụ Tổng thống "Bush" hay "Bu-sơ") trong các ấn phẩm hoặc trên các thông báo của truyền hình, các bảng quảng cáo…

1.4. Thư viện

Cả nước hiện nay chỉ có một thư viện trung ương, 61 thư viện tỉnh, thành phố, 587 thư viện quận, huyện, 12 thư viện thiếu nhi với tổng số sách là 16.270.000 cuốn (x. Niên Giám Thống kê 2003, tr. 502).

Hầu hết các thư viện trung ương hay tỉnh thành chưa được trang bị các máy móc điện tử và sách báo điện tử để người đọc có thể truy cập. Ý niệm về thư viện điện tử hãy còn xa lạ với rất nhiều người. Nhìn chung, nhiều người Việt chưa có thói quen đọc sách.

1.5. Phim ảnh

Do sự phát triển của truyền hình, Internet, số lượng rạp chiếu phim và khán giả đến xem phim ít hơn so với 10 năm trước đây. Năm 2003, có 104 rạp chiếu phim trong cả nước với 294.700 buổi chiếu do 418 đơn vị hoạt động ngành phim ảnh so với năm 1995 có 220 rạp, 438.300 buổi chiếu của 530 đơn vị (x. Niên Giám Thống kê 2003, tr. 503).

Đây là xu hướng chung của thế giới do sự phát triển những phương tiện truyền thông mới. Ngày nay muốn xem một phim hay, người ta có thể tải trực tiếp từ mạng Internet xuống hoặc mua đĩa DVD ghi sẵn và xem tại nhà hay hội trường của công ty, xí nghiệp với máy vi tính và data projector. Những rạp chiếu phim hiện đại thường có những thiết bị nghe nhìn đặc biệt để xem những loại phim không thể xem được ở nhà như các loại phim 3 chiều hoặc với màn ảnh rộng 1800 hoặc các hiệu ứng đặc biệt về âm thanh và hình ảnh.

Vài năm gần đây, Nhà nước mới cho các công ty phim ảnh tư nhân được phép tham gia vào việc sản xuất các phim Việt Nam.

Nhận định: Nói chung, phim ảnh Việt Nam còn yếu cả về mặt nội dung và kỹ thuật so với các phim nước ngoài nên chưa thu hút được khán giả. Đài truyền hình đã dành "giờ vàng" cho phim Việt Nam trên các đài truyền hình, nhưng số lượng phim còn rất ít, chưa sản xuất được 50 phim một năm, nên không đủ phim để chiếu.

1.6. Truyền thanh

Theo báo cáo của Bộ Văn hoá Thông tin, ngày 19-1-2005, tại Hội nghị Toàn quốc về Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực truyền thanh:

- Hệ thống phát thanh ở Việt Nam có hàng trăm đài phát sóng, riêng Đài Tiếng Nói Việt Nam là đài quốc gia thuộc chính phủ, trực tiếp quản lý 11 đài với công suất 8.000 KW. Địa phương: 64 đài phát thanh trực thuộc Uỷ ban Nhân dân tỉnh thành. Ngoài ra, có 612 đài phát thanh cấp huyện; 7.916 truyền thanh cấp xã.

- Đài Tiếng Nói Việt Nam (Voices of Vietnam) có 6 hệ chương trình: VOV1: thời sự, chính trị; VOV2: văn hoá đời sống; VOV3: âm nhạc, thông tin giải trí; VOV4: dành cho dân tộc thiểu số; VOV5: dành cho người nước ngoài; VOV6: dành cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài. Tổng thời lượng của 6 hệ chương trình: 452 chương trình với 191 giờ mỗi ngày, hiện phủ sóng 95% diện tích lãnh thổ và 87% số dân cư.

Số lượng máy thu thanh: khoảng 11 triệu cái, bình quân 7 người 1 máy.

Nhận định: Hệ thống phát thanh liên tục được cải tiến, tăng thời lượng phát sóng, mở rộng nội dung và đối tượng. Tuy nhiên, chất lượng của các chương trình phát thanh chưa đồng đều, nhiều chương trình còn nghèo thông tin và kém sinh động. Hiện nay, người dân ở tỉnh thành ít nghe đài phát thanh. Người dân ở thôn quê, vùng sâu vùng xa thường nghe đài nhiều hơn. Các đài địa phương là những phương tiện hữu ích để phục vụ đời sống cộng đồng, phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống thiên tai, tệ nạn. Tuy nhiên, một số đài phát thanh cấp xã chỉ phát đi nội dung nghèo nàn như đọc đi đọc lại những bài tuyên truyền chính trị, nhiều đài gây phiền hà cho dân chúng vì phát vào những giờ nghỉ trưa hay tối.

1.7. Truyền hình

Theo báo cáo của Bộ Văn hoá Thông tin, ngày 19-1-2005, tại Hội nghị Toàn quốc về Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực truyền hình:

- Đài Truyền hình Việt Nam (Vietnam Television) là đài quốc gia trực thuộc chính phủ hiện phát trên 5 kênh: VTV1 (chính trị, tổng hợp), VTV2 (khoa học, giáo dục), VTV3 (thể thao, văn hoá, thông tin kinh tế, giải trí), VTV4 (thông tin đối ngoại cho người Việt Nam ở nước ngoài), VTV5 (chương trình tiếng dân tộc). Ngoài ra, đài còn trực tiếp quản lý 4 trung tâm truyền hình khu vực chuyên sản xuất và phát sóng các chương trình. Cả nước có gần 50 đài phát sóng truyền hình quốc gia phát lại các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam và 800 trạm phát lại truyền hình với công suất nhỏ.

- Cả nước hiện có khoảng 10 triệu máy thu hình và có 85% số hộ gia đình được xem truyền hình. Mỗi ngày trung bình người dân xem truyền hình khoảng từ 2-3 giờ.

- Hệ thống truyền hình trả tiền được triển khai với 19 đơn vị dịch vụ với nhiều loại hình công nghệ như truyền hình cáp (CATV: Cable Television), truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình viba đa điểm (MMDS: Microwave Multipoint Distribution System), truyền hình trực tiếp qua vệ tinh tới nhà (DTH: Direct To Home) phục vụ nhu cầu cho khoảng 350.000 hộ thuê bao. Hiện nay Đài Truyền hình Việt Nam thuê đường truyền vệ tinh MEASAT cho hệ thống truyền hình trả tiền này (Pay TV).

Đài Truyền hình Việt Nam đang phối hợp với cơ quan bưu chính viễn thông thử nghiệm các dạng phục vụ mới để truyền hình trên mạng Internet với độ phân giải cao.

Nhận định: Trong những năm qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã không ngừng tăng thời lượng và nâng cao chất lượng chương trình cả về nội dung, kỹ thuật, nghệ thuật và hình thức thể hiện. Đài Truyền hình Việt Nam còn xây dựng được mạng truyền hình toàn quốc từ trung ương đến địa phương, đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật. Tuy nhiên, chất lượng chương trình chưa đồng đều của nhiều đài truyền hình thuộc các tỉnh, thành phố, công suất máy phát lớn mà nhiều đài không đủ khả năng tự sản xuất các chương trình nên tìm cách khai thác các chương trình phim, văn nghệ, thể thao của nước ngoài một cách thiếu chọn lọc, gây nên sự lãng phí về công suất máy phát và có nguy hại cho bản sắc văn hoá dân tộc. Phần lớn thời lượng phát sóng dành để chiếu phim, chủ yếu là phim nước ngoài, nhất là phim Trung Quốc, Hàn Quốc. Việc quản lý nội dung các chương trình truyền hình nước ngoài thu trực tiếp từ vệ tinh còn lỏng lẻo gây nên việc phổ biến những nền văn hoá xa lạ với dân tộc, gây hại cho đạo đức qua những phim ảnh cổ vũ đời sống phóng túng, buông thả, chạy theo hưởng thụ vật chất. Người dân chưa biết cách xem truyền hình trong gia đình nên tốn nhiều thời giờ, sức khoẻ, tiền bạc, ảnh hưởng đến công việc, học hành của con cái.

1.8. Điện thoại

Điện thoại trước đây được xem là một phương tiện truyền thông giữa cá nhân với cá nhân nên không phải là phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay người sử dụng điện thoại có thể nói chuyện trực tiếp với nhiều người cùng một lúc và ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, người ta đã bắt đầu triển khai công nghệ này và điện thoại bây giờ cũng được xếp vào một trong những phương tiện truyền thông xã hội.

Ở Việt Nam người ta vẫn sử dụng nhiều điện thoại cố định. Theo số liệu của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông, cả nước hiện có 10.900.000 máy do Bộ Bưu chính Viễn thông quản lý, trong số đó máy cố định chiếm 52,89%, còn lại là điện thoại di động thuộc hệ thống Vinaphone (091) chiếm 26,73%, Mobiphone (090) chiếm 18,98%, Cityphone chiếm 1,4%. Chúng ta chưa tính số máy trong hệ thống Viettel do quân đội quản lý và hệ thống Sfone (khoảng 1 triệu) do công ty tư nhân liên doanh với Hàn Quốc quản lý. Theo xu thế phát triển trên thế giới, số điện thoại di động sẽ được sử dụng nhiều hơn điện thoại cố định vì những tiện ích như không cần dây dẫn, gọn nhẹ, có những chức năng như tính toán, lưu trữ thông tin, nghe đài, nối mạng Internet, thậm chí cả ghi âm, chụp ảnh, quay phim…

Trong một số tỉnh, thành nhiều em học sinh học cấp I cũng đã được cha mẹ trang bị điện thoại di động để có thể liên lạc trong việc đưa đón, hoặc giúp cha mẹ kiểm soát việc tham dự giờ học. Tuy nhiên, điện thoại di động cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp khi các em lạm dụng những chức năng hay tiện ích để vui chơi giải trí, thu nạp những đoạn phim đồi truỵ, bạo lực ảnh hưởng xấu đến việc học hành.

Nhận định: Điện thoại cố định hay di động chỉ là những phương tiện mà nếu biết sử dụng đúng đắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp. Nhiều người dân Việt Nam hiện nay chưa được đào tạo về kỹ năng sử dụng điện thoại nên đã mất nhiều thời giờ, sức khoẻ, tiền bạc và gây thiệt hại cho cả cộng đồng.

1.9. Internet và mạng thông tin toàn cầu

Tuy chỉ mới bắt đầu tham gia vào mạng Internet và nghiên cứu những công nghệ thông tin từ thập niên 90 nhưng Việt Nam đã có những tiến bộ tột bực so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, có 7,5 triệu người dùng Internet, chiếm 9,1% tổng số dân và cao hơn cả tỷ lệ người sử dụng trung bình của châu Á (8,4%) (x. Tuổi Trẻ, 7-7-2005, tr. 1).

Công nghệ Thông tin Việt Nam tuy tăng trưởng khá nhanh trong khu vực nhưng so với bản đồ công nghệ thông tin thế giới vẫn ở mức thấp: chỉ số xã hội thông tin được xếp thứ 53/53, chỉ số chính phủ điện tử xếp thứ 97/173 nước, chỉ số truy cập số (IDA) đứng thứ 122/178, tỷ lệ vi phạm bản quyền đứng cuối bảng 86/86 (x. Người Lao Động, số 3349, ngày 6-7-2005, tr. 1).

Số máy vi tính cá nhân được lắp đặt trong các trường học, tổ chức kinh tế-xã hội cũng như trong gia đình hiện nay ước tính đã lên tới khoảng hơn 5 triệu máy và số máy vi tính sản xuất trong nước cũng như nhập từ nước ngoài càng ngày càng tăng. Nhà nước đã có những chương trình phổ cập về vi tính cho mọi học sinh và phổ biến cho cả đồng bào ở nông thôn cũng như ở vùng sâu vùng xa. Tuy khuyến khích sử dụng vi tính và Internet nhưng người ta vẫn chưa dạy cách sử dụng thế nào cho đúng và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong một cuộc điều tra do Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đoàn tổ chức tại Hà Nội, ngày 17-4-2005, trong tổng số 80% học sinh THPT truy cập Internet có tới 92% để nghe nhạc, chỉ có 5% truy cập để học tập (x. Tuổi Trẻ, 18-4-200, tr.1). Dịch vụ Internet được mở ra ở khắp nơi chủ yếu để đáp ứng nhu cầu giải trí cho 90% người đến truy cập. Nhiều dịch vụ mở ra những phòng VIP hạng sang và nhiều nơi chiều khách hàng bằng cách truyền những phim ảnh đồi truỵ từ máy chủ sang những máy con. Điều này làm băng hoại đạo đức, nhất là đối với các thanh thiếu niên như chúng ta đã thấy một số bài đăng trên các tờ báo (An ninh Thế giới, số 435, ngày 19-3-2005, tr.1,4; Phụ Nữ, số 55, ngày 22-7-2005, tr.1,14; Tuổi Trẻ, 25,26,27-7-2005).

Nhận định: Internet là phương tiện thông tin đầy uy lực và ngày càng phổ biến vì được kết nối với nhiều phương tiện khác như điện thoại di động, truyền hình… vì thế, việc học hỏi cách sử dụng là điều đáng khuyến khích và cần thiết trong thời đại hiện nay. Nhưng nếu người sử dụng không được đào tạo về mặt đạo đức và nhân bản, họ sẽ dễ dàng chiều theo những cuốn hút đầy ma lực của những trò giải trí rẻ tiền, đề cao bản năng, thú tính, hoặc khơi dậy tính tò mò trong những trang web khiêu dâm đầy trên mạng Internet. Do đó, rất cần mở những lớp đào tạo kỹ năng sử dụng Internet, nhất là cho giới thanh thiếu niên.

2. GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Đứng trước hiện trạng truyền thông xã hội tại Việt Nam, người Kitô hữu chúng ta tự hỏi Giáo Hội nên làm gì và có thể làm gì để đáp ứng với những nhu cầu và những vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân Chúa. Chúng tôi chưa có câu trả lời cũng như những giải pháp cụ thể vì đó là việc vượt quá khả năng của chúng tôi.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nêu một số những hoạt động của cá nhân hay tập thể mà chúng tôi biết trong lĩnh vực truyền thông và một vài vấn đề để gợi ý suy tư cho cộng đồng dân Chúa. Chúng tôi sắp xếp những hoạt động và vấn đề theo từng mục như ở phần thứ nhất.

2.1. Sách Công giáo

Kể từ khi thành lập Nhà Xuất bản Tôn giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 29-4-1999, các sách kinh, tác phẩm, giáo trình giảng dạy, văn hoá phẩm thuần tuý tôn giáo của các tổ chức tôn giáo đều qua con đường này để đến với độc giả, tín hữu. Từ năm 1999-2003, Nhà xuất bản này đã xuất bản 714 ấn phẩm, 205 văn hoá phẩm với 4,2 triệu bản in trong đó Phật giáo: 490, Công giáo 140, Tin Lành: 45, Phật giáo Hoà Hảo: 26, Cao Đài: 2, Hồi Giáo: 3 (x. NXB Tôn giáo, Bản tin tổng kết, 4-2004).

Riêng năm 2004, Công giáo có 58 ấn phẩm so với 150 của Phật giáo, 2 của Cao Đài, 5 của Phật giáo Hoà Hảo và 1 của Hồi giáo.

Trong lĩnh vực sách Công giáo, những sách xuất bản chính thức chỉ là một phần rất nhỏ so với các sách in không chính thức. Nhiều tác giả hay tập thể chỉ muốn in với số lượng nhỏ, trong thời gian rất ngắn để đáp ứng nhu cầu của công việc hay của cộng đồng nên đã dùng phương pháp nhân bản bằng máy photocopy, in bìa, đóng xén như một cuốn sách in và lưu hành nội bộ để tránh thời gian xét duyệt bản thảo, sửa chữa bản văn, nộp các phí xuất bản.

Trong tình trạng hiện nay hầu hết những sách Công giáo không thông qua sự kiểm duyệt của Giáo Hội về mặt giáo lý để có Nihil Obstat và Imprimatur, nên đã có một số những tài liệu không đúng với giáo lý đức tin Công giáo.

Nhận định: Người Công giáo Việt Nam chúng ta nên gìn giữ truyền thống tốt đẹp của cha ông: sáng tạo và phổ biến chữ quốc ngữ cũng như nền văn minh Kitô giáo qua rất nhiều những tài liệu sách báo bằng tiếng Hán, tiếng Nôm, tiếng Việt còn lưu lại cho đến ngày nay. Các xứ đạo hoặc cá nhân nên bảo tồn những sách cổ hoặc có thể lưu trữ trong nhà truyền thống của giáo phận hay của Giáo hội Việt Nam. Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) nên thành lập một quỹ bảo trợ để in ấn và phổ biến những tài liệu cổ này cho mọi người được biết như linh mục Vinh Sơn Nguyễn Hưng, thuộc tổng giáo phận TP.HCM, đã dịch hàng trăm sách Nôm cổ trong mấy năm qua.

2.2. Báo Công giáo

Cả nước hiện nay có gần 6 triệu người Công giáo nhưng số lượng phát hành của báo Công giáo có thể nói là rất ít so với báo chí nói chung. Điều này cho thấy người Công giáo chưa quan tâm lắm đến việc truyền thông qua báo chí. Miền Bắc có tuần báo Người Công giáo Việt Nam với số lượng in khoảng 2.500 bản. Miền Nam có tuần báo Công giáo và Dân tộc với số lượng phát hành từ 13.000-15.000 bản và Nguyệt san Công giáo và Dân tộc với số lượng phát hành 3.500 bản. Cả hai tờ báo này do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo chịu trách nhiệm. Báo Công giáo và Dân tộc vừa kỷ niệm tròn 30 năm phát hành với những bước cải tiến từ nội dung đến hình thức.

Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng có một bản tin chính thức với giấy phép của Cục Báo chí, tên là Bản tin Hiệp Thông, phát hành hai tháng một kỳ với số lượng in 2000 bản. Bản tin này đang được các sư huynh dòng La San chuẩn bị đưa lên mạng Internet. Hy vọng trong một ngày gần đây, tờ báo sẽ là nhịp cầu nối kết các thông tin Công giáo và website của HĐGM qua tờ Hiệp Thông, là diễn đàn cho các tổ chức, cá nhân Công giáo ở Việt Nam.

Nếu so sánh với nguyệt san Giác Ngộ của Giáo hội Phật giáo mỗi tháng ra 9.000 bản và được dùng làm tài liệu đào tạo huấn luyện cho các tăng, ni, Phật tử, chúng ta cần đặt lại vấn đề đổi mới cho Bản tin Hiệp Thông này. Tuần san Giác Ngộ của Giáo hội Phật giáo phát hành 5.000 bản.

Nhiều toà giám mục cũng phát hành nội bộ những bản tin vắn gồm thư mục vụ của Giám mục giáo phận, một số những tin tức quan trọng, những bài giảng Chúa nhật và những thông báo cần thiết và số lượng từ vài chục đến vài trăm bản mỗi tháng.

Nhận định: Nhiều người tín hữu Việt Nam chưa hiểu tầm quan trọng của báo chí Công giáo và ảnh hưởng mãnh liệt của nó trong nội bộ Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Theo Giáo huấn của Công đồng cũng như của Toà Thánh cần phải tích cực ủng hộ và giúp đỡ các tờ báo Công giáo để có thể giới thiệu Tin Mừng cho mọi người. Các tu sĩ, giáo dân nên theo học ngành ngữ văn và báo chí để trở thành những nhà chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông phổ biến nền văn hoá sự sống và nền văn minh tình yêu của Đức Kitô. Để thống nhất đường hướng chung của Giáo Hội trong hoạt động cũng như trong nhận thức các linh mục trong các xứ đạo nên ủng hộ, giới thiệu và phổ biến Bản tin Hiệp thông của HĐGM cho giáo dân. Tuy nhiên, chính Bản tin Hiệp thông cũng cần phải đổi mới cả hình thức lẫn nội dung để người giáo dân cảm nhận được đây là tờ báo của họ chứ không phải chỉ dành cho linh mục, tu sĩ. Điều này mời gọi sự cộng tác của nhiều thành phần dân Chúa trong hoàn cảnh thiếu thốn và hạn chế của tờ báo hiện nay.

2.3. Cơ sở in Công giáo

Trước năm 1975, ở miền Nam có một vài cơ sở in lớn của Công giáo như Nguyễn Bá Tòng Ấn loát Công ty (NAC) hoặc do người Công giáo quản lý như Kim Châu, sau đó được Nhà nước tiếp quản và một số nhà sách tự đứng ra in ấn và phát hành các sách báo Công giáo như nhà sách Đa Minh, Thánh Gia… ở TP. HCM.

Hiện nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam không còn cơ sở in nào, nhưng một số người Công giáo vẫn liên kết với các công ty in để thực hiện các ấn phẩm Công giáo. Nhiều tư nhân Công giáo mở các cơ sở đóng sách, photocopy, in lụa và đã góp phần thực hiện các ấn phẩm này.

Một số sinh viên Công giáo đã tốt nghiệp kỹ sư ngành in sau 4 năm học ở Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP. HCM, khoa Kỹ thuật in được mở từ 16 năm nay. Các kỹ sư này, nếu biết động viên, cũng có thể cộng tác trong các công việc in ấn của Giáo Hội.

2.4. Thư viện Công giáo

Ở Việt Nam hiện nay, Giáo hội Công giáo chưa có thư viện chính thức về thần học Công giáo. HĐGMVN đã có dự án xây dựng tại TP. HCM thư viện loại này với các sách chuyển từ Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X (Đà Lạt) xuống, khoảng 40.000 đầu sách và nhận thêm các sách báo khác sau năm 1975, cả loại sách điện tử.

Ngoài ra, một số dòng tu như dòng Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Don Bosco và các Đại Chủng viện đều có những thư viện với số sách khá lớn. Trong đó phải kể đến Dòng Đa Minh và Chủng viện Thánh Giuse TP. HCM với lượng sách tới 10.000-20.000 tựa.

Nhiều toà giám mục chưa lưu ý đến vấn đề này để lập ra một nơi tra cứu cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân về sách báo. Các xứ đạo cũng nên có những tủ sách Công giáo và khuyến khích việc đọc sách cho mọi người, nhất là cho giới trẻ.

2.5. Phim ảnh Công giáo

Ở Việt Nam hầu như chưa có phim ảnh chính thức của Giáo hội Công giáo. Ngay trong phạm vi toàn cầu, cũng có rất ít sản phẩm loại này dù rằng việc thực hiện các cuốn phim bằng các phương tiện nghe nhìn hiện đại ngày nay dễ hơn xưa rất nhiều. Người ta vẫn thu hình những cuộc lễ lớn của giáo phận hay Giáo Hội như Đại hội La Vang, tang lễ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và bán những băng đĩa này cho giáo dân một cách không chính thức.

Ngoài ra, một vài cá nhân cũng chuyển dịch hay lồng tiếng Việt các phim ảnh có giá trị như Cuộc đời Đức Giêsu, Mẹ Têrêsa Calcutta hoặc các phim Kinh Thánh có nội dung giáo lý. Các phim này được phổ biến nội bộ với số lượng phát hành không nhiều, vì việc sao chép, in lại một cách bất công vẫn còn xảy ra hoặc do không muốn mất thời gian chờ đợi để có giấy phép chính thức.

Nhận định: Nhiều nơi chưa ý thức tầm ảnh hưởng của phim ảnh trong đời sống đạo cũng như trong việc dạy giáo lý. Nếu sản xuất được nhiều phim ảnh lành mạnh, không nhất thiết phải là phim đạo, các gia đình, các xứ đạo có thể chiếu cho tín hữu, nhất là cho giới trẻ, như luồng nước trong lành hoà vào dòng phim ảnh nhiều khi kém chất lượng về mặt đạo đức như hiện nay. Với nhiều chương trình làm phim như Power Point và máy thu hình cá nhân, chúng ta có thể thực hiện các phim giáo lý đẹp, hấp dẫn, khiến cho việc dạy và học giáo lý trở nên dễ dàng và lôi cuốn. Tuy nhiên muốn thực hiện được các phim này, nhiều dòng tu và giáo dân nên cộng tác với nhau để bổ túc cho những mặt thiếu sót của nhau về kịch bản, kỹ thuật thu hình, lồng tiếng, dịch thuật cũng như về nội dung thần học, giáo lý, văn hoá, nghệ thuật…

2.6. Truyền thanh Công giáo

Giáo hội Việt Nam không có đài phát thanh riêng. Tuy nhiên, người Công giáo Việt Nam vẫn có thể theo dõi những thông tin qua các chương trình Việt ngữ của đài phát thanh Vatican và Đài Chân lý Á Châu (Veritas of Asia) phát đi từ Philippines. Đài này do Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài làm giám đốc kỹ thuật. Đài rất cần sự cộng tác của các linh mục, tu sĩ và giáo dân từ Việt Nam bằng việc viết bài suy niệm, cung cấp thông tin… để nội dung càng ngày càng phong phú và nếu có thể được cả sự hỗ trợ về mặt tài chính của HĐGMVN như nhiều hội đồng giám mục châu Á khác đã làm cho chương trình phát bằng tiếng địa phương của họ.

Ở một số xứ đạo có hệ thống phát thanh nội bộ, có thể lên chương trình tiếp sóng với đài Chân lý Á Châu cho thính giả trong xứ. Tuy nhiên, chúng ta phải tôn trọng giờ nghỉ ngơi của người khác tôn giáo trong cùng địa phương.

2.7. Truyền hình Công giáo

Kể từ khi đài truyền hình Đắc Lộ, do các linh mục Dòng Tên tại Sài Gòn (TP.HCM) điều hành, ngưng hoạt động vào năm 1975, Giáo hội Công giáo Việt Nam không còn những hoạt động chính thức trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên, người

Việt Nam không còn những hoạt động chính thức trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên, người

2.7. Truyền hình Công giáo

Kể từ khi đài truyền hình Đắc Lộ, do các linh mục Dòng Tên tại Sài Gòn (TP.HCM) điều hành, ngưng hoạt động vào năm 1975, Giáo hội Công giáo Việt Nam không còn những hoạt động chính thức trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên, người Công giáo Việt Nam vẫn có thể tác động gián tiếp lên các chương trình truyền hình của Nhà nước bằng cách nêu những ý kiến nhận xét về các chương trình ấy. Họ cũng có thể tác động tích cực hơn bằng cách cộng tác với các nhân viên của các đài truyền hình để xây dựng những chương trình có giá trị về mặt đạo đức, nghệ thuật, văn hoá.

Nhận định: Những người có trách nhiệm nên đào tạo cho tín hữu kỹ năng biết chọn lựa các chương trình tốt và hay của rất nhiều kênh truyền hình trong và ngoài nước, biết tổ chức xem chung với nhau trong gia đình và điều độ khi xem truyền hình vì các thành viên trong gia đình thường ở chung trong những căn nhà chật chội như hiện nay.

2.8. Internet Công giáo

HĐGMVN chưa thực hiện được một website chính thức để giới thiệu những hoạt động của Giáo Hội cho tín hữu và cả những người ngoài Công giáo như nhiều HĐGM trên thế giới cũng như trong khu vực đã làm. Trên mạng Internet hiện nay chúng ta thấy có một vài trang chủ của giáo phận, một số tổ chức dòng tu và cả cá nhân như Intranet, Gospelnet. Nhiều tín hữu Việt Nam hiện đang truy cập những mạng thông tin Công giáo ở nước ngoài như Vietcatholic, Vatican.va.

Việc thiết lập và duy trì một website cho Giáo hội Công giáo Việt Nam do HĐGMVN chịu trách nhiệm là một nhu cầu cần thiết. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu nhân sự hiện nay vẫn cần có một dòng tu hay một vài cá nhân chuyên nghiệp nhận lãnh trách nhiệm thực hiện.

Nếu chúng ta nhìn xa hơn, các dòng tu nên gấp rút cho các tu sĩ học về công nghệ thông tin để trợ giúp các tổ chức của Giáo Hội như các văn phòng của HĐGM, giáo phận, giáo xứ. Trong vòng 5, 10 năm nữa mỗi toà giám mục hay các văn phòng đều thiết lập các hệ thống quản lý bằng máy vi tính với những server có dung lượng cao để thu nhận các dữ liệu từ các giáo xứ chuyển về giáo phận hoặc từ giáo phận chuyển về các văn phòng HĐGM. Lúc đó rất cần những tu sĩ chuyên nghiệp điều khiển các hệ thống thông tin này. Với hơn 2.000 giáo xứ và hàng trăm văn phòng giáo phận hiện nay, số lượng tu sĩ tín cẩn để làm việc rất lớn và chúng ta cần đào tạo ngay từ bây giờ.

3. KẾT LUẬN

Sau khi tìm hiểu hiện trạng thông tin ở Việt Nam và trong Giáo hội Việt Nam để thấy một số vấn đề cần giải quyết và nhu cầu phải đáp ứng, chúng tôi tự hỏi đâu là những việc cần làm ngay? Chúng tôi thiết nghĩ rằng những người có trách nhiệm trong Giáo hội Công giáo Việt Nam nên ý thức được tầm quan trọng của truyền thông và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội trong đời sống cộng đoàn cũng như cá nhân người tín hữu. Từ đó mới nhận ra những đòi hỏi cấp thiết trong các lĩnh vực khác nhau của truyền thông.

Trong hoàn cảnh hiện nay, HĐGMVN có thể lập ra văn phòng hoặc Uỷ ban Truyền thông Xã hội như Toà Thánh đã khuyến khích từ Công đồng Vatican II và các nước trong khu vực đã có, ngay cả hai nước nhỏ bé là Lào và Campuchia bên cạnh. Chính tổ chức này sẽ nghiên cứu tình trạng truyền thông ở Việt Nam và đề ra những giải pháp cho các vấn đề thuộc lĩnh vực này, nhất là giúp người tín hữu khám phá ý nghĩa sâu xa của việc truyền thông theo quan điểm Kitô giáo.

Thật vậy, truyền thông không phải chỉ là một nhu cầu tự nhiên của con người mà còn là một mầu nhiệm siêu việt của người tín hữu muốn bước theo Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài là nhà truyền thông đầu tiên và gương mẫu đã trao ban cả con người như một thông điệp để thắt chặt mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người và vũ trụ vật chất. Đồng thời, Ngài đón nhận chúng ta với tất cả những gì của con người và vũ trụ vật chất tiềm ẩn trong đó, chỉ trừ tội lỗi, để cho ta được tháp nhập vào thiên tính và trở nên một với Ngài.

Sống trọn vẹn mầu nhiệm truyền thông là người tín hữu Việt Nam trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô trong việc đón nhận, hoà nhập và biến đổi dân tộc cũng như gia đình nhân loại.