SÀI GÒN 10-05 (TH) - Tờ Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết đến nay cơ quan này đã phát hồ sơ cho 33,350 đương đơn đủ tiêu chuẩn tham gia tiến trình tái định cư nhân đạo (HR) tại Hoa Kỳ. Những người này sẽ được gọi phỏng vấn để xem xét chấp thuận tái định cư tại Hoa Kỳ bắt đầu từ 25 Tháng Sáu 2006.

Theo Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, sẽ có giai đoạn hai năm xử lý hồ sơ tính từ 25 Tháng Sáu 2006 đến 25 Tháng Sáu 2008. Trong thời gian này vẫn tiếp tục nhận hồ sơ của các đương đơn đủ tiêu chuẩn tham gia tiến trình HR.

Cũng theo Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, mặc dù đã thông báo các đương đơn không nên thông qua bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác để làm hồ sơ tham gia tiến trình HR, nhưng trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số đương đơn trả tiền cho “cò” để làm hồ sơ. Thực tế, tuy đã nhận tiền nhưng các “cò” (môi giới) này không nộp hồ sơ tham gia tiến trình HR.

Chương trình tái định cư nhân đạo là một thỏa thuận giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam, chương trình này có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Mười Một năm 2005. Chương trình nhằm đáp ứng nguyện vọng của những công dân Việt Nam đã từng có thời gian làm việc trong chính quyền Sài Gòn và các công sở của Hoa Kỳ trước ngày 30 Tháng Tư 1975, từ năm 1979 chính phủ Việt Nam đã cho phép công dân của mình được xuất cảnh ra nước ngoài tái định cư, đoàn tụ gia đình theo Chương Trình Ra Ði Có Trật Tự (chương trình ODP) gồm các diện HO, U11, V11, AC. Chương trình ODP đã kết thúc ngày 30 Tháng Chín năm 1994. Từ đó, vấn đề di dân Việt Nam định cư nước ngoài đã được bình thường hóa theo thông lệ quốc tế.

Theo đề nghị của chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam ngày 15 Tháng Mười Một năm 2005 đã ký thỏa thuận cuối cùng với phía Hoa Kỳ mở lại Tiến Trình Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo (HR).

Tiến Trình Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo sẽ xem xét giải quyết cho những công dân Việt Nam đủ tiêu chuẩn để được xuất cảnh tái định cư Hoa Kỳ theo các diện HO, U11, V11, nhưng vì những nguyên nhân và lý do khác nhau chưa kịp nộp hồ sơ hoặc hồ sơ chưa đầy đủ trước khi chương trình ODP kết thúc ngày 30 Tháng Chín năm 1994.

Theo thỏa thuận, Tiến Trình Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo sẽ được thực hiện từ ngày 25 Tháng Mười Hai năm 2005, bắt đầu bằng đợt Phổ Biến Thông Tin Công Cộng (PIO) kéo dài 6 tháng nhằm cung cấp những thông tin đầy đủ về tiến trình HR cho những công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định của tiến trình để được xem xét đi tái định cư tại Hoa Kỳ. Tiếp theo đó là giai đoạn 2 năm xử lý hồ sơ, bắt đầu từ ngày 25 Tháng Sáu 2006 đến ngày 25 Tháng Sáu 2008.

Tiến trình này chỉ áp dụng đối với những người thuộc diện HO, U11, V11 trước ngày 30 Tháng Chín năm 1994 đủ tiêu chuẩn để đi tái định cư Hoa Kỳ nhưng chưa thể nộp đơn hoặc chưa thể hoàn tất hồ sơ. Tiến trình này không áp dụng đối với những người trước đây đã nộp đơn theo chương trình ODP nhưng đã bị từ chối hoặc đã được thông báo họ không đủ tiêu chuẩn theo chương trình ODP.

Người quan tâm đến tiến trình này có thể liên hệ trực tiếp với Bộ Phận Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo thuộc Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn để có thông tin chi tiết về tiêu chuẩn tham gia, hướng dẫn nộp hồ sơ và mọi vấn đề liên quan khác:
- Ðiện thoại: 08-829-2750 (từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, 8 giờ đến 17 giờ).
- Ðịa chỉ:
Bộ Phận Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo (HRS)
Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ
Số 4 Lê Duẩn
Quận 1, TP. HCM.

  • - Ðịa chỉ email: RefugeeInfo@wrapshochiminh.org.vn
  • - Web site: http://hochiminh.usconsulate.gov/wwwhref.html

Hoặc có thể liên hệ với Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Bộ Công An để được hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn tham gia, thủ tục, hồ sơ cần thiết:
- Ðiện thoại: 08-920-1701 (từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, 8 giờ 00 đến 16 giờ 30)
- Ðịa chỉ:
Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh
Bộ Công An Việt Nam
Số 254 Nguyễn Trãi
Quận 1, TP. HCM.

Một điểm đáng lưu ý là Tiến Trình Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo này là hoàn toàn MIỄN PHÍ. Mọi cá nhân đáp ứng các điều kiện, thủ tục quy định của tiến trình đều có thể trực tiếp nhận được thông tin, mẫu đơn và hỗ trợ từ Bộ Phận Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn và Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Bộ Công An Việt Nam. Các công dân Việt Nam quan tâm đến tiến trình này liên hệ trực tiếp với Bộ Phận Tái Ðịnh Cư Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ không được thông qua trung gian khác để được tư vấn, hỗ trợ hay nộp đơn...
Ngoài ra, chương trình còn lưu ý những điểm khác như: Không phải tất cả những người nộp đơn hoặc được gọi phỏng vấn đều được chấp thuận đi tái định cư, những người khai báo hoặc nộp các tài liệu giả mạo cho chính phủ Hoa Kỳ sẽ bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ vĩnh viễn và sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam...
Dưới đây là trích nguyên văn về “Tiêu chuẩn tham gia Tiến Trình Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo” từ bản “Thông cáo chung Việt-Mỹ về Chương Trình Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo (HR)” công bố ngày 25 Tháng Mười Hai năm 2005:

I. Ðối với những công dân Việt Nam thuộc diện HO:
Là một trong những người sau:
a/ Người nộp đơn là công dân Việt Nam đã trải qua ít nhất ba năm trong trại cải tạo do có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của chính phủ Hoa Kỳ để thực hiện các chương trình hoặc các chính sách của chính phủ Hoa Kỳ trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975;
b/ Người nộp đơn là công dân Việt Nam có đủ hai điều kiện sau:
- Ðã từng trải qua ít nhất một năm trong trại cải tạo do có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ Hoa Kỳ trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975;
- Ðã được đào tạo với thời hạn bất kỳ tại Hoa Kỳ hoặc trên lãnh thổ Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của chính phủ Hoa Kỳ trước ngày 30 Tháng Tư năm 1975;
c/ Người nộp đơn là công dân Việt Nam có đủ hai điều kiện sau:
  • - Ðã từng trải qua ít nhất một năm trong trại cải tạo do có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ Hoa Kỳ trước ngày 30 Tháng Tư 1975.
  • - Ðã làm việc trực tiếp cho chính phủ Hoa Kỳ hoặc một công ty Hoa Kỳ hoặc một tổ chức Hoa Kỳ trong thời gian ít nhất là một năm trước ngày 30 Tháng Tư 1975;
d/ Người nộp đơn là người góa chồng/góa vợ của người bị đưa vào trại cải tạo do có mối liên hệ chặt chẽ của người đó với chính phủ Hoa Kỳ trước ngày 30 Tháng Tư 1975 và đã chết trong trại cải tạo hoặc chết trong vòng một năm sau khi được thả.

II. Công dân Việt Nam là cựu nhân viên chính phủ Hoa Kỳ (điều U11):
Những nhân viên được tuyển dụng trực tiếp bởi chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam với thời gian làm việc được chứng minh tổng cộng từ 5 năm trở lên trong giai đoạn từ ngày 01 Tháng Giêng 1963 đến ngày 30 Tháng Tư 1975.

III. Công dân Việt Nam là cựu nhân viên của công ty tư nhân hoặc tổ chức Hoa Kỳ (diện V 11):
  • + Những nhân viên được tuyển dụng trực tiếp bởi các công ty tư nhân Hoa Kỳ hoặc các tổ chức của Hoa Kỳ với thời gian làm việc được chứng minh tổng cộng từ 5 năm trở lên trong giai đoạn từ ngày 01 Tháng Giêng 1963 đến ngày 30 Tháng Tư 1975;
  • + Những thành viên gia đình trực tiếp của những người đủ tiêu chuẩn nói trên gồm: vợ hoặc chồng của những người có đơn được chấp thuận và các con của họ chưa lập gia đình chưa tròn 21 tuổi vào thời điểm họ nộp đơn.
IV. Quy định về thủ tục, hồ sơ để tham gia tiến trình HR:
Ðể giúp cho việc xét đơn được nhanh chóng, thuận tiện, người có đơn (đương đơn) cần lưu ý làm đúng theo hướng dẫn dưới đây:
1. Khai đơn (theo mẫu) đầy đủ, chi tiết và ký vào đơn;
2. Gửi đơn (kèm 3 ảnh 4x6cm) đến Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh cùng bản photocopy các tài liệu liên quan dưới đây:
  • + Bản photocopy các tài liệu, thu từ ODP trước đây;
  • + Giấy xác nhận ra trại;
  • + Giấy tờ chứng minh làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ; giấy lãnh lương, hồ sơ nhân sự, hợp đồng làm việc...;
  • + Tài liệu chứng minh làm việc cho công ty tư nhân hoặc tổ chức của Hoa Kỳ - giấy lãnh lương, hồ sơ nhân sự, hợp đồng làm việc...
3. Lưu ý:
  • + Ðương đơn có thể liên hệ Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Bộ Công An Việt Nam hoặc Phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh công an tỉnh, thành phố để nhận đơn và được hướng dẫn chi tiết.
  • + Mọi thắc mắc hay cần biết thông tin về hồ sơ, xin liên hệ Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ số điện thoại (08) 829-2750.
  • + Sau khi xem xét đơn, Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ sẽ thông báo trực tiếp đến đương đơn nếu đương đơn hội đủ tiêu chuẩn được tham gia phỏng vấn theo Tiến Trình Tái Ðịnh Cư Nhân Ðạo.
  • + Khi đến phỏng vấn, đương đơn cần mang theo bản gốc những giấy tờ nêu trên để đối chiếu”.