Sau 10 năm Hồng Kong “đoàn tụ” với Hoa Lục, nhìn về Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa

Bên cạnh những phát triển nhanh chóng về kinh tế, Trung Hoa muốn chứng tỏ mình cũng là một cường quốc về quân sự qua những chi tiêu lớn cho việc võ trang, một quốc gia tân tiến về khoa học kỹ thuật qua việc đưa phi hành gia lên quỹ đạo trái đất, và một sức mạnh đáng kể về thể thao qua việc tổ chức Thế Vận Hội mùa hè năm 2008 với tham vọng dẫn đầu về số huy chương.

Tuy nhiên về phương diện tự do tôn giáo, Trung Hoa vẫn là một nước cộng sản với chủ trương kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt của các tôn giáo, cách riêng là của Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy số phận của cả Giáo Hội thầm lặng và Giáo Hội được gọi là “ái quốc” vẫn không cải tiến, theo lời của Đức Hồng Y Joseph Zen, tổng giám mục Hong Kong, trong chuyến thăm viếng Los Angeles vào tháng 5 vừa qua.

Vị hồng y 75 tuổi nói rằng người ta có nguy cơ hiểu một cách sai lạc về Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa: Sai lầm thứ nhất là người ta có cảm tưởng rằng bây giờ Trung Hoa đã cởi mở, cho nên nhà nước cũng cởi mở về mặt tự do tôn giáo. Sai lầm thứ hai là người ta cho rằng những thành viên của Hiệp Hội Công Giáo Ái Quốc (CGAQ) toàn là những kẻ xấu, sẵn sàng ly khai khỏi Giáo Hội. Ngài nói rằng những tín hữu thuộc hiệp hội này cũng bị bách hại. Một số có thể là yếu đuối và chịu gia nhập hiệp hội khi bị áp lực, nhưng thật ra có rất ít những người thuộc loại xấu.

Rồi ĐHY Zen cho rằng tại Việt Nam tình hình khá hơn vì không có hiệp hội ái quốc như vậy. Đảng cộng sản đã ra sức tạo ra một thứ Giáo Hội “ái quốc” như thế tại Việt Nam nhưng họ đã thất bại.

Vương cung Thánh đường thánh Ignatiô ở Thượng Hải
Theo một bản tin ngày 21-6-2007 trên trang tin điện tử của Hội Đồng Giám Mục Pháp, sau khi Tổng Giám Mục Fu Tieshan ở Bắc Kinh, chủ tịch Hiệp Hội CGAQ, qua đời vào ngày 20-4-2007, nhà cầm quyền Trung Quốc xem ra muốn tìm một cách thức mới để chọn vị giám mục ở thủ đô. Hai viên chức Trung Hoa, một người là giám đốc Âu Châu sự vụ thuộc bộ Ngoại Giao và người kia là giám đốc Tôn Giáo vụ, đã có một cuộc gặp gỡ riêng với ĐHY Phạm Minh Mẫn ở Sài Gòn vào tháng 3 vừa qua. Sau đó, trong thư đề ngày 22-5-2007 gởi cho hai viên chức nói trên, vị hồng y người Việt gợi ý là nhà cầm quyền Hoa Lục nên theo tiến trình chọn giám mục của Việt Nam, theo đó thì các giám mục Trung Hoa nên tụ họp lại trong một hội nghị hầu đề cử một ứng viên giám mục mà các vị thấy là thích hợp. Trước khi làm việc đề cử, các giám mục cần cầu nguyện và bàn thảo với nhau. Sau đó, Toà Thánh sẽ gởi tên ứng viên này cho nhà cầm quyền Trung Hoa để họ góp ý. Cuối cùng, khi nhà cầm quyền đồng ý rồi thì Tòa Thánh sẽ bổ nhiệm vị này làm tổng giám mục Bắc Kinh. Tuy nhiên cho đến nay, lá thư này vẫn chưa được phúc đáp.

Trở lại với nhận xét của ĐHY Zen của Hong Kong, những thành viên của Hiệp Hội CGAQ trong lòng vẫn hiệp thông với Tòa Thánh, nhưng chỉ có chính phủ là không cho tự do. Cũng theo ngài, ông Liu Bai Nian, phó chủ tịch CGAQ, là kẻ có toàn quyền trong cơ chế này, các giám mục chẳng là gì cả, và chính ông ta là người đứng đằng sau những vụ truyền chức giám mục bất hợp pháp.

Tại Hong Kong, một thành phố lấy lại từ tay Anh Quốc và tái nhập vào bản đồ Trung Quốc vào ngày 1-7-1997, người Công Giáo được bảo đảm quyền tự do tôn giáo, cho nên ĐHY Zen cho biết là “không có khó khăn gì xét về mặt phụng tự.” Tuy nhiên, ngài than phiền rằng đạo luật về giáo dục được thông qua vào năm 2003 là quá tệ, có ảnh hưởng đến 300 trường học của giáo phận Hong Kong, với con số học sinh chiếm tới 25% tổng số học sinh ở thành phố. Theo ngài thì luật mới về giáo dục sẽ tước mất quyền điều hành trường học của Giáo Hội, vì khi đạo luật có hiệu lực vào năm 2010, mỗi trường sẽ có một uỷ ban quản trị độc lập bao gồm các phụ huynh, thầy cô và cựu học sinh được bầu vào ủy ban.

Sau khi kiện chính phủ mà không đi đến đâu, giáo phận Hong Kong nay kháng cáo những thay đổi về giáo dục vì tin rằng luật mới về giáo dục đi ngược lại Luật Căn Bản – là luật có hiệu lực từ khi Hong Kong tái sát nhập vào Trung Quốc – theo đó các cộng đồng tôn giáo có quyền điều hành trường học như trước đây.

Vị hồng y cương trực này nói: “Thật là đáng buồn vì chúng tôi đã cộng tác rất tốt đẹp với chính quyền trong nhiều năm. Bây giờ họ lại lấy mất của chúng tôi trách nhiệm thực sự đối với các trường học. Có nguy cơ là chúng tôi có thể phải giao cho chính quyền một số trường học. Chúng tôi không biết chắc là trường học có thể được điều hành theo (đường lối) đức tin của mình.”

Khi được hỏi là liệu chính phủ Trung Quốc có cải tiến tự do tôn giáo trong một tương lai gần hay không, ĐHY Joseph Zen nhún vai nói: “Chúng tôi hy vọng nhưng không chắc. Xem ra có những thế lực đi ngược lại sự bình thường hoá ấy. Có những kẻ nắm được quyền lực và lợi dụng tình hình, vì vậy họ chẳng muốn có thay đổi nào. Nhưng tôi nghĩ rằng, để mang lại lợi ích cho Giáo Hội và đất nước, chắc chắn họ phải thay đổi.”