1. Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 2021 giữa tình cảnh cấp bách của thế giới.

Hàng năm vào ngày 11/2, Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Đó cũng là Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích về tương quan của hai ngày lễ này như sau: Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là một cố gắng để tái khám phá “quan hệ sâu sắc” giữa Đức Mẹ và những người đau yếu.

“Điều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Đức Mẹ Lộ Đức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên và theo giòng thời gian, Lộ Đức đã trở nên một cứ điểm thật sự của đời sống và hy vọng. Nguồn suối phun lên từ lòng đất, mà Đức Mẹ đã mời Bernadette uống, mang đến sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô, là điều chữa lành con người hoàn toàn và mang đến cho con người sự sống muôn đời”.

Theo ý hướng đó, ngày Chúa Nhật 11 tháng 2 tới đây, Giáo Hội trên toàn thế giới sẽ cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Sứ điệp nhân ngày này, được công bố hôm 12 tháng Giêng, 2021, có chủ đề là một câu trích từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 23:8) “Anh em chỉ có một thầy và tất cả anh em là anh em với nhau”. Một tương quan dựa trên sự tin cậy nhằm hướng dẫn việc chăm sóc cho bệnh nhân

Nguyên bản tiếng Ý và bản dịch sang các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Anh chị em thân mến,

Việc cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 29 vào ngày 11 tháng Hai 2021, vào dịp Phụng Vụ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, là một cơ hội để dành sự quan tâm đặc biệt cho bệnh nhân và cho những người trợ giúp và chăm sóc họ ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe và trong các gia đình và cộng đoàn. Chúng ta nghĩ đến cách riêng những người đau khổ và tiếp tục đau khổ, và những tác động của đại dịch toàn cầu coronavirus. Đối với tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra bên lề, tôi bày tỏ sự gần gũi tinh thần và bảo đảm với họ về sự ưu ái của Giáo hội.

1. Chủ đề của Ngày này được rút từ đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu phê bình thói giả hình của những người không thực hành điều họ giảng dạy (x. Mt 23:1-2). Khi đức tin của chúng ta chỉ là những lời nói sáo rỗng, không quan tâm đến cuộc sống và nhu cầu của tha nhân, thì có sự bất nhất giữa kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng, và đời sống của chúng ta. Mối nguy này là rất thật. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dùng những lời rất mạnh mẽ để nói về nguy cơ rơi vào việc tự thần tượng hóa chính mình. Chúa nói với chúng ta: “Anh em chỉ có một thầy và tất cả anh em là anh em với nhau” (c.8)

Lời Chúa Giêsu phê bình những người “rao giảng nhưng không thực hành” (c.3) luôn hữu ích trong mọi hoàn cảnh, vì không ai trong chúng ta được miễn nhiễm khỏi tội lỗi nghiêm trọng là thói giả hình, là điều ngăn cản chúng ta thăng tiến như con cái của cùng một Cha, và như những người được mời gọi sống tình huynh đệ đại đồng.

Trước nhu cầu của anh chị em chúng ta, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta đáp lại theo một cách thế hoàn toàn trái ngược với thói giả hình đó. Người yêu cầu chúng ta dừng lại và lắng nghe, kiến tạo mối tương quan trực tiếp và cá vị với tha nhân, để có thể cảm thông, và để những đau khổ của họ trở thành đau khổ của chính chúng ta khi chúng ta tìm cách phục vụ họ (x. Lc 10: 30-35).

2. Kinh nghiệm về bệnh tật giúp chúng ta nhận ra sự mỏng dòn của chính mình và nhu cầu bẩm sinh cần đến người khác của chúng ta. Nó khiến chúng ta cảm thấy rõ ràng hơn rằng chúng ta là các thụ tạo phụ thuộc vào Chúa. Khi chúng ta đau yếu, nỗi sợ hãi và thậm chí là hoang mang có thể chế ngự tâm trí chúng ta; chúng ta thấy mình bất lực, vì sức khoẻ không phụ thuộc vào khả năng của chúng ta hay những lo lắng không ngừng trong cuộc sống của chúng ta (x. Mt 6: 27).

Bệnh tật gợi lên câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, mà chúng ta dâng lên trước Thiên Chúa trong đức tin. Khi tìm kiếm một hướng đi mới và sâu sắc hơn trong cuộc sống của mình, có thể là chúng ta không tìm thấy câu trả lời ngay lập tức. Người thân và bạn bè của chúng ta cũng không phải lúc nào cũng có thể giúp đỡ chúng ta trong cuộc tìm kiếm chông gai này.

Hình ảnh ông Gióp trong Kinh Thánh là biểu tượng về khía cạnh này. Vợ và bạn bè của ông không đồng hành với ông khi ông gặp bất hạnh; thay vào đó, họ còn đổ lỗi cho ông và chỉ làm trầm trọng hơn sự cô độc và đau khổ của ông. Ông Gióp cảm thấy bị tổn thương và hiểu lầm. Tuy nhiên, bất kể tất cả sự yếu đuối cùng cực của mình, ông từ khước thói giả hình và chọn cách sống trung thực với Chúa và tha nhân. Ông nài van Chúa một cách kiên trì đến nỗi cuối cùng Chúa trả lời ông và cho phép ông nhìn thấy một chân trời mới. Người xác nhận rằng những đau khổ của ông không phải là một hình phạt hay một tình trạng xa cách với Thiên Chúa, càng không phải là dấu chỉ cho thấy sự thờ ơ của Thiên Chúa. Khi đó, tâm hồn ông Gióp đầy thương tích và đã được chữa lành, thốt lên cùng Chúa lời thân thưa hào hứng và cảm động này: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (42:5).

3. Bệnh tật luôn có nhiều hơn một khuôn mặt: nó có khuôn mặt của tất cả những bệnh nhân, nhưng cũng có khuôn mặt của những người cảm thấy bị phớt lờ, bị loại trừ và làm mồi cho những bất công xã hội đã từ chối các quyền cơ bản của họ (x. Fratelli Tutti, 22). Đại dịch hiện nay đã làm cho sự bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta càng thêm trầm trọng và để lộ ra sự thiếu hiệu quả trong việc chăm sóc bệnh nhân. Những người cao niên, yếu đuối và dễ bị tổn thương không phải lúc nào cũng có được sự chăm sóc, hay không phải lúc nào cũng được chăm sóc một cách bình đẳng với những người khác. Đây là kết quả của các quyết định chính trị, việc quản lý các tài nguyên và sự dấn thân nhiều hơn hoặc ít hơn của những người nắm giữ các vị trí trách nhiệm. Đầu tư các tài nguyên vào việc chăm sóc và trợ giúp bệnh nhân là một ưu tiên được liên kết với nguyên tắc cơ bản, theo đó, sức khỏe là công ích hàng đầu. Đồng thời, đại dịch cũng đã làm nổi bật sự tận tâm và quảng đại của các nhân viên y tế, các tình nguyện viên, nhân viên hỗ trợ, linh mục, nam nữ tu sĩ, tất cả những người đã giúp đỡ, điều trị, an ủi và phục vụ rất nhiều bệnh nhân và gia đình họ một cách chuyên nghiệp, quên mình, với trách nhiệm và tình yêu dành cho người lân cận. Vô số người nam nữ âm thầm, họ không chọn quay mặt đi nơi khác nhưng chọn chia sẻ đau khổ của những bệnh nhân, những người mà họ coi như những người lân cận và thành viên trong một gia đình nhân loại của chúng ta.

Sự gần gũi này là một thứ dầu xoa dịu quý giá mang lại sự hỗ trợ và an ủi cho những bệnh nhân đang đau khổ. Là Kitô hữu, chúng ta cảm nghiệm rằng sự gần gũi là một dấu chỉ của tình yêu Chúa Giêsu Kitô, Người Samaritanô Nhân lành, Đấng đến gần mỗi người nam nữ bị thương tích vì tội lỗi với lòng cảm thương. Được kết hợp với Chúa Giêsu nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời gọi có lòng thương xót như Chúa Cha và yêu thương đặc biệt những anh chị em yếu đuối, đau yếu và đau khổ của chúng ta (x. Ga 13: 34-35). Chúng ta trải nghiệm sự gần gũi này không chỉ như là các cá nhân mà còn như một cộng đoàn. Thật vậy, tình yêu thương huynh đệ trong Chúa Kitô tạo nên một cộng đoàn chữa lành, một cộng đoàn không bỏ sót ai, một cộng đoàn bao gồm và chào đón, đặc biệt đối với những người khốn khổ nhất.

Ở đây, tôi muốn đề cập đến tầm quan trọng của tình liên đới huynh đệ, được thể hiện cách cụ thể trong việc phục vụ và có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tất cả đều hướng đến việc hỗ trợ những người lân cận của chúng ta. “Phục vụ có nghĩa là chăm sóc… cho những người dễ bị tổn thương trong gia đình, trong xã hội và trong người dân của chúng ta” (Bài giảng ở Havana, ngày 20 tháng 9, 2015). Trong sự tiếp cận này, tất cả đều được “kêu gọi gạt bỏ những ước muốn và ham muốn của riêng mình, gạt bỏ việc theo đuổi quyền lực, trước cái nhìn cụ thể của những người dễ bị tổn thương nhất… Phục vụ là luôn nhìn vào khuôn mặt của người anh em, đụng chạm vào da thịt họ, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí trong một số trường hợp, ‘chịu đựng đau khổ của họ’, và tìm cách thăng tiến họ. Phục vụ không bao giờ có tính chất ý thức hệ, vì chúng ta không phục vụ các ý tưởng nhưng phục vụ con người.”(thd.)

4. Để một phương thế trị liệu có hiệu quả, nó phải có một khía cạnh tương quan, vì điều đó cho phép một cách tiếp cận toàn diện với bệnh nhân. Việc nhấn mạnh khía cạnh này có thể giúp các bác sĩ, y tá, chuyên viên y tế và tình nguyện viên cảm thấy có trách nhiệm đồng hành cùng bệnh nhân trên con đường chữa lành dựa trên mối quan hệ tin cậy giữa các cá nhân (x. Hiến chương mới dành cho nhân viên chăm sóc sức khỏe [2016], 4). Điều này tạo ra một giao ước giữa những người cần được chăm sóc và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc đó, một giao ước dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, sự cởi mở và sẵn sàng. Điều này sẽ giúp khắc phục thái độ phòng thủ, giúp tôn trọng nhân phẩm của bệnh nhân, bảo vệ tính chuyên nghiệp của nhân viên y tế và thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với gia đình bệnh nhân.

Mối quan hệ như thế với bệnh nhân có thể tìm thấy một nguồn mạch bất tận những động lực và sức mạnh trong lòng bác ái của Chúa Kitô, được thể hiện qua chứng tá trong suốt cả ngàn năm của những người nam nữ, những người đã nên thánh qua việc phục vụ các bệnh nhân. Vì mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Chúa Kitô là nguồn mạch của tình yêu có khả năng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho trải nghiệm của cả bệnh nhân và người chăm sóc. Phúc âm thường làm rõ điều này khi cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu chữa bệnh không phải bằng pháp thuật nhưng luôn là kết quả của một cuộc gặp gỡ, một tương quan liên cá nhân, trong đó ân sủng của Thiên Chúa tương xứng với đức tin của những người đón nhận ân sủng ấy; như Chúa Giêsu thường lặp lại: “Đức tin của con đã cứu con”.

5. Anh chị em thân mến, giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của Người cũng được tuân giữ trong tương quan của chúng ta với bệnh nhân. Một xã hội càng nhân bản hơn thì càng phải biết chăm sóc hiệu quả cho các thành viên yếu đuối và đau khổ nhất của mình trong tinh thần yêu thương huynh đệ. Chúng ta hãy cố gắng đạt được mục tiêu này, để không ai cảm thấy cô đơn, bị loại trừ hoặc bị bỏ rơi.

Tôi phó dâng các bệnh nhân, các nhân viên y tế và tất cả những người quảng đại giúp đỡ những anh chị em đau khổ của chúng ta cho Đức Maria, Mẹ Của Lòng Thương Xót Và Sức Khỏe Của Bệnh Nhân. Từ hang đá Lộ Đức và từ vô số các đền thánh dâng kính Đức Mẹ trên thế giới, xin Mẹ nâng đỡ đức tin và đức cậy của chúng ta và giúp chúng ta chăm sóc cho nhau với tình yêu huynh đệ. Tôi ưu ái ban phép lành cho từng người và tất cả anh chị em.

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 20 tháng 12, 2020, Chúa Nhật thứ IV mùa Vọng

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

2. Căng thẳng nghiêm trọng tại Hoa Kỳ giữa những người ủng hộ Tổng thống Trump và những người theo ông Joe Biden

Khuya ngày thứ Ba 12 tháng Giêng theo giờ địa phương Washington, tức là vào buổi trưa ngày thứ Tư 13 tháng Giêng theo giờ Việt Nam, Hạ Viện Hoa Kỳ, do đảng Dân Chủ chiếm đa số đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence sử dụng Tu chính án thứ 25 để loại bỏ Tổng thống Donald Trump khỏi nhiệm kỳ trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 20 tháng Giêng.

222 dân biểu của đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu thuận. Trong khi đó, trong số 211 dân biểu của Đảng Cộng Hòa chỉ có 1 người bỏ phiếu thuận, 205 người bỏ phiếu chống, và 5 người không bỏ phiếu.

Trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của mình, Tổng thống Trump liên tục chịu đựng những cố gắng của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, nhằm luận tội ông và chấm dứt sớm nhiệm kỳ của ông. Dù chỉ còn vài ngày nữa là Tổng thống Donald Trump hết nhiệm kỳ của mình, nhưng người đàn bà háo thắng này vẫn cố giành cho được một chiến thắng chỉ mang tính biểu tượng.

Phó tổng thống Mike Pence cho biết trước đó vào tối thứ Ba rằng ông sẽ không để ý đến những lời kêu gọi này.

Pence cho biết tối thứ Ba trong một bức thư gửi Nancy Pelosi rằng ông không tin rằng việc viện dẫn Tu chính án thứ 25 “là vì lợi ích tốt nhất của quốc gia chúng ta hoặc phù hợp với Hiến pháp của chúng ta.”

Các quan sát viên cho rằng bà Nancy Pelosi quá say máu ăn thua đủ mà không đoái hoài đến việc hòa giải quốc gia. Thật vậy, cuộc bỏ phiếu do bà ta đạo diễn tại Hạ Viện diễn ra trong bối cảnh FBI đã gửi cảnh báo đến các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn quốc về các cuộc biểu tình vũ trang có thể xảy ra tại tất cả 50 thủ phủ các tiểu bang của Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày thứ Bảy tới đây cũng như mối đe dọa về một cuộc nổi dậy ở Washington vào ngày hôm đó nếu Quốc hội loại bỏ Tổng thống Trump.

Trước khi bay đi Texas, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói:

Liên quan đến điều này, chúng tôi muốn không có bạo lực đừng bao giờ bạo lực.

Chúng tôi muốn hoàn toàn không có bạo lực; và về bản luận tội, nó thực sự là sự tiếp nối của cuộc săn lùng phù thủy vĩ đại nhất trong lịch sử chính trị.

Thật nực cười, nó hoàn toàn vô lý.

Việc luận tội này đang gây ra sự tức giận vô cùng và họ đang làm điều đó, và đó thực sự là một điều khủng khiếp mà họ đang làm để Nancy Pelosi và Chuck Schumer tiếp tục trên con đường này.

Tôi nghĩ nó đang gây ra nguy hiểm to lớn cho đất nước của chúng ta và nó gây ra sự tức giận vô cùng.

Tôi không muốn bạo lực.

Cảm ơn rất nhiều

Cám ơn mọi người

Tổng thống Donald Trump cho biết hôm thứ Ba rằng ông không lo ngại về việc bà Nancy Peolosi viện dẫn đến Tu Chính Án thứ 25 để yêu cầu nội các của ông cách chức ông.

Tổng thống Donald Trump cho biết hôm thứ Ba rằng “không có” khả năng ông bị chính phủ của mình buộc thoái vị. Ông nói ở Alamo, Texas: “Trước khi bắt đầu, tôi muốn nói rằng quyền tự do phát biểu hiện đang bị tấn công như chưa bao giờ xảy ra trước đây. Tôi chẳng có chút rủi ro nào với Tu Chính Án thứ 25, nhưng nó sẽ quay trở lại ám ảnh Joe Biden và chính quyền Biden. Như người ta thường nói, hãy cẩn thận với những gì bạn muốn”.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang thấy đây là cảnh cãi cọ quyết liệt giữa những người ủng hộ Tổng thống Trump và những người ủng hộ Joe Biden. Họ tranh cãi nảy lửa và hò hét vào mặt nhau tại McAllen, Texas, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có bài phát biểu.


Source:Holy See Press Office