Ngày 04-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tín thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa
Lm. Đan Vinh
05:40 04/08/2020

Chúa Nhật 19 Thường Niên A
1 V 19, 9a.11-13a; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-33

Tín thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 14, 22-33

(22) Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông. (23) Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình. (24) Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió. (25) Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. (26) Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “ma đấy !” và sợ hãi la lên. (27) Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”. (28) Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. (29) Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. (30) Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !”. (31) Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi? ”. (32) Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. (33) Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”.

2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU BÀY TỎ THIÊN TÍNH CỦA NGƯỜI:

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14, 13-21), Đức Giê-su lên núi cầu nguyện và thuyền các môn đệ thì đã ra khơi và gặp khó khăn vì ngược gió. Khoảng 3 giờ sáng, Người đã đi trên mặt biển mà đến với thuyền các ông. Người đã trấn an khi các môn đệ sợ hãi vì tưởng mình thấy ma. Người cũng cho phép Phê-rô được đi trên mặt nước và lập tức cứu ông khỏi bị chìm và đưa ông lên thuyền bình an khi ông biết cậy trông kêu cầu Người. Chứng kiến phép lạ này, các môn đệ đã tin người là Con Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 22-24: + Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền: Sau phép lạ hóa bánh, dân chúng phấn khởi đoi tôn Đức Giê-su lên làm Vua Thiên Sai trần thế và các môn đệ cũng phấn khích không kém. Đức Giê-su đã giục các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia để tránh cho các ông ảo tưởng về sứ mệnh của Người (x. Ga 6, 14-15). + Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện: Đức Giê-su thường dành thời gian yên tĩnh ban đêm để cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 6, 12), nhất là trước khi phải giải quyết những việc trọng đại (x. Mt 26, 36; Lc 9, 27). + Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình: Ở một mình là không có người khác bên cạnh, trừ một mình Chúa Cha hằng ở với người (x. Ga 8, 29). + Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm: Bờ hồ đây là Biển hồ Giê-nê-sa-rét hay cũng gọi là Ti-bê-ri-a hoặc Ga-li-lê (x. Ga 6, 1). Biển Hồ này có hình bầu dục dài 21 km, rộng 12 km, mực nước thấp hơn Địa Trung hải 208 mét. Vì quá lớn, nên Biển Hồ thường có sóng to gió lớn (x. Mt 8, 23). + bị sóng đánh vì ngược gió: Bấy giờ thuyền các môn đệ đã ra giữa biển và đang bị sóng đánh chập chờn không tiến xa được vì ngược gió. Con thuyền tượng trưng cho Hội thánh ở trần gian phải đương đầu với nhiều trở lực.
- C 25-27: + Khoảng canh tư: Vào thời Đức Giê-su, dân Do Thái cũng theo người Rô-ma, chia ngày thành 12 giờ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, và chia đêm thành 4 canh, mỗi canh kéo dài 3 giờ. Canh tư tức là vào khoảng từ 3 đến 6 giờ sáng. + Người đi trên mặt biển: Cựu Ước nhiều lần nói tới Thiên Chúa đi trên biển (x. G 9, 8; Tv 77, 20). Người đã từng tỏ uy quyền trên sự hỗn mang khi tạo dựng trời đất, và khống chế Biển Đỏ để giải thoát dân Người. Ở đây Đức Giê-su muốn ám chỉ Thiên Chúa có quyền trên sức mạnh của biển khơi. + Các ông hoảng hốt bảo nhau: “ma đấy !” và sợ hãi la lên: Các môn đệ thấy bóng Đức Giê-su đi trên mặt nước đến gần thuyền thì sợ hãi la lên vì tưởng mình thấy ma. + “Cứ yên tâm, đừng sợ !”: Đức Giê-su đã trấn an các ông. + Chính Thầy đây: Trong Cựu Ước Thiên Chúa hay tự xưng với các tổ phụ Do Thái: “Chính là Ta”, “Ta là Gia-vê”, “Ta là Đấng Hiện Hữu” (x. St 46, 3; Xh 3, 14). Ở đây, khi xưng mình: “Chính Thầy đây”, Đức Giê-su ngầm mạc khải Người là Thiên Chúa.
- C 28-31: + “Nếu quả là Ngài”: Phê-rô vẫn còn nghi ngờ không biết có phải Thầy hay không. + “Thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”: Câu này cho thấy Phê-rô là một người tính khí bốc đồng thiếu chín chắn vì “Mau nói mau lỗi!”. + “Cứ đến !”: Phê-rô được chia sẻ quyền năng siêu nhiên là đi trên mặt nước giống như Thầy. Tuy nhiên ông làm được là nhờ đặt trọn niềm tin và Đức Giê-su. + Thấy có gió thổi thì ông đâm sợ: Đức Giê-su có lần đã ban quyền chiến thắng sự dữ cho Phê-rô (x. Mt 16, 18b), nhưng ông có nhận được quyền năng ấy hay không tuỳ vào lòng tin mạnh hay yếu. Bao lâu Phê-rô tập trung vào Đức Giê-su, thì ông còn khống chế được sức mạnh của biển cả. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi, thì ông sợ hãi và bị chìm xuống. + “Thưa Ngài, xin cứu con với”: Câu này tương tự như lời các Tông đồ cầu cứu khi thuyền các ông sắp bị gió bão nhấn chìm (x. Mt 8, 25). Trong Thánh Vịnh cũng có nhiều lời cầu nguyện của dân Do thái xin Chúa giúp họ vượt qua sức mạnh của nước biển đe dọa (Tv 69, 15-16; 144, 7). + Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông: Trước lời cầu xin thiết tha của Phê-rô, Đức Giê-su đã mau mắn đáp lại bằng việc đưa tay nắm lấy ông. + “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi? ”: Lời Người vừa trách yêu đức tin yếu kém của ông, lại vừa khích lệ ông hãy kiên vững đức tin vào Người.
- C 32-33: + Gió lặng ngay: Sự hiện diện của Đức Giê-su đủ đánh tan cơn sóng gió và đem lại bình yên cho con thuyền của các môn đệ. + Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !: Lời tuyên xưng này mới chỉ nhìn nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, đồng nghĩa với Đấng Cứu thế. Tuy nhiên, Tin Mừng Mát-thêu lại muốn mượn lời tuyên xưng này để trình bày đức tin của Hội thánh thời sơ khai: “Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức Chúa Cha !”.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia ngay?
2) Đức Giê-su lên núi làm gì? 3) Bạn biết gì về Biển hồ được đề cập trong Tin Mừng hôm nay?
4) Tại sao con thuyền các môn đệ bị chập chờn không tiến xa được?
5) Canh tư tức là mấy giờ sáng?
6) Ý nghĩa của việc Đức Giê-su đi trên mặt biển là gì?
7) Thái độ của các Tông đồ ra sao khi thấy có bóng người đi trên mặt biển đến gần và Đức Giê-su đã làm gì để trấn an các ông?
8) Qua câu nói: "Chính Thầy đây", Đức Giê-su đã ngầm mạc khải Người là ai?
9) Khi xin được đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy, Phê-rô đã biểu lộ tính khí thế nào?
10) Tại sao Phê-rô đang đi trên mặt biển lại bị chìm đắm và ông làm gì để được Chúa cứu giúp?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:
Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”. Phê-rô thấy gió thổi thì ông đâm sợ và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” (Mt 14, 30).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HÃY LUÔN NGƯỚC MẮT NHÌN LÊN TRỜI CAO:
Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão, thế là cậu bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống. Thấy thế, một thủy thủ già la to lên với cậu :”Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi ! Nhìn lên lại bầu trời đi”. Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.
Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt lỗi lầm của Phê-rô trong bài Tin mừng. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình mà nhìn xuống mặt biển giông tố, giống như ông Phê-rô đã rời mắt khỏi Thầy Giê-su mà nhìn xuống mặt biển trong cơn giông tố.

2) SỨC MẠNH CỦA ƠN CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI NGƯỜI TÍN HỮU:
Hôm ấy, tại công trường thành phố lớn kia, dân chúng tụ họp đông đảo để xem cuộc đấu giá một chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ, mặt đàn bị méo mó và trầy trụa. Người bán đấu giá thầm nghĩ là chẳng bõ công để tiêu phí nhiều thì giờ về cây đàn violon, tức là cây đàn vĩ cầm cũ kỹ này. Vừa giơ cây đàn vĩ cầm cũ lên ông vừa nói:
- Tôi phải ra giá cho người bạn thân yêu của tôi bao nhiêu đây?
Ông ta lớn tiếng hơn:
-Ai sẽ bắt đầu ra giá giùm tôi? Một đôla, một đôla thôi. Ai sẽ trả hai đôla nào? Hai đôla, ba đôla. Ai sẽ trả ba đôla? Ba đôla lần thứ nhất, ba đôla lần thứ hai… Tiếp tục vẫn chỉ được ba đô mà thôi.
Kế đó, từ cái phòng ở phía sau, một người đàn ông có bộ tóc bạc tiến tới và cầm cây đàn vĩ cầm lên tay. Sau khi phủi bụi bám đầy trên cây đàn và so lại những sợi dây đàn, ông chơi một giai điệu thanh trong và ngọt ngào. Tiếng đàn ngưng lại và người bán đấu giá lên tiếng với giọng nói nhẹ nhàng, trầm trầm:
- Tôi sẽ ra giá cho cây đàn cũ kia bao nhiêu đây?
Vừa nói ông vừa giơ cây đàn vĩ cầm lên cao:
Một ngàn đô, một ngàn đô. Ai sẽ trả hai? Hai ngàn đô. Ai sẽ trả ba? Ba ngàn đô lần thứ nhất, ba ngàn đô lần thứ hai.
Rồi nhất quyết ông nói:
- Thôi !
Đám đông hò reo, nhưng cũng giữa đám đông có mấy người la lên,
- Chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Cái gì đã thay đổi giá trị cây đàn vĩ cầm cũ kỹ kia?
Người bán đấu giá đáp:
- Đó là ngón đàn của người bậc thầy.
Thật vậy, họ đã không nhận ra rằng trong đám đông cuộc bán đấu giá ấy có một ông già là tay chơi đàn vĩ cầm rất lão luyện. Cây đàn vĩ cầm vẫn là cây đàn cũ kỹ không thay đổi, nhưng chính năng khiếu của đôi tay người nhạc công bậc thầy đã làm phát sinh những âm thanh tuyệt vời và làm cho cây đàn có giá trị hơn trước cả ngàn lần.
Mỗi tín hữu được ví như cây đàn vĩ cầm trong câu chuyện trên. Chúng ta sẽ chẳng làm được gì phụng sự Nước Chúa nếu chỉ cậy vào sức riêng mình. Nhưng nếu chúng ta biết dựa vào ơn Chúa bằng việc kết hiệp mật thiết với Chúa thì chúng ta sẽ làm được những việc vượt quá sức của chúng ta như lời Chúa dạy: “Vì không có Thầy, anh em không làm được gì”.

3) SỨC MẠNH BIẾN ĐỔI CỦA LỜI CẦU NGUYỆN:
Khi linh mục Gio-an Ma-ri-a Via-ney vừa tới làng Ars nhỏ bé, một vài người đã mỉa mai nói với ngài rằng: "Ở đây chắc ông sẽ chẳng có việc gì để làm đâu." Cha đã trả lời: "Như vậy là đã có mọi chuyện để làm rồi đó." Và ngài đã làm gì?
Thức dậy từ 2 giờ sáng. Ngài đến cầu nguyện gần bàn thờ trong ngôi thánh đường tối tăm trong nhiều giờ. Tràng hạt trong tay, mắt chăm chú nhìn lên nhà Tạm. Nhờ sự chuyên cần cầu nguyện của thánh nhân, Chúa Giê-su và Ðức Mẹ Ðồng Trinh đã dần dần lôi kéo các tâm hồn đền với giáo xứ nghèo nàn khô đạo này, và ngôi nhà thờ nhỏ bé đã dần trở nên chật chội không đủ chỗ để chứa đám đông. Nơi tòa giải tội của cha sở chen chúc những hàng dài hối nhân không dứt. Cha sở thánh bắt buộc phải giải tội từ 10, 15 đến 18 giờ một ngày.
Sự biến đổi đã xảy ra như thế nào? Từ một ngôi nhà thờ nghèo nàn, một bàn thờ tư lâu không dùng đến, một nhà Tạm bỏ trống, một tòa giải tội cũ kỹ và một linh mục kém tài bất lực, giờ đây, bộ mặt sinh hoạt của giáo xứ cũng như tâm hồn của các tín hữu đã hoàn toàn thay đổi nên tốt hơn.
Nguyên nhân nào đưa đến sự thay đổi xứ Ars, đến nỗi hàng trăm ngàn, và có lẽ hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới kéo về đây. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được sự biến đổi kỳ diệu như thế như thánh Phao-lô dạy: "Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có" (1 Cr 1, 28).
Mỗi chúng ta hãy năng đọc Lời Chúa và cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ sốt sắng, đồng thời mỗi ngày lần chuỗi Mân Côi… thì chúng ta cũng sẽ làm được những việc lớn lao phụng sự Chúa và đưa được nhiều người về làm con Chúa như LM Vianney.

4) LỜI CẦU NGUYỆN ĐEM LẠI BÌNH AN CHO TÂM HỒN
KÉT MIU-LƠ ( Keith Miller) tác giả cuốn sách tựa đề “Hương rượu mới” (The taste of new Wine), đã thuật lại một biến cố xảy ra làm thay đổi cả cuộc đời của ông như sau:
Vào một đêm nọ, trên đường về nhà, Két bị một chiếc xe từ sau tông làm anh té nằm bất tỉnh bên lề đường suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, chờ xe cứu thương đến mang đi. Khi tỉnh dậy và ý thức tình trạng của mình, anh bắt đầu cầu nguyện với Chúa. Sau khi cầu nguyện xong, tự nhiên anh cảm thấy tâm hồn mình được bình an lạ lùng. Két viết: “Tôi nghĩ thật đáng xấu hổ biết bao khi mà mãi đến bây giờ tôi mới khám phá ra giá trị của lời cầu nguyện. Từ khi ấy, dù đang phải đối diện với cái chết, nhưng tôi không cảm thấy sợ hãi chút nào. Tôi có cảm giác Chúa luôn hiện diện bên tôi và sẵn sàng ra tay cứu giúp tôi”. Sau đó, Két đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống và mau chóng bình phục. Anh trở lại đại học và được bầu làm chủ tịch lớp sinh viên năm thứ hai. Nhưng về sau, bị các hoạt động xã hội lôi cuốn, anh đã thôi không đến nhà thờ nữa và lại tiếp tục lún sâu vào các đam mê tội lỗi như trước.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh lập gia đình và làm việc cho một hãng xăng dầu ở tiểu bang Tếch-sớt (Texas). Nhưng cuộc sống gia đình và công việc đã không suông sẻ như anh mong ước. Một hôm Két chơi bài và đã bị thua một số tiền lớn. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm bấy lâu giờ đây bị thua hết sạch! Anh bị vợ nặng lời mạt sát và đòi ra tòa ly hôn. Anh buồn chán đánh xe chạy vọt đi mà không biết phải đi về đâu. Sau khi chạy được một lúc, anh tấp xe vào bên lề đường, tắt máy rồi ngồi đó im lặng hút thuốc. Trước đây mỗi lần gặp phải điều gì buồn phiền, anh chỉ cần đi về nhà uống vài ly rượu mạnh rồi nằm vật ra giường ngủ một giấc đến sáng hôm sau là hết. Thế nhưng bây giờ sự thể lại không đơn giản như thế. Anh đã bị dồn đến bờ vực bị phá sản chỉ vì một phút lỡ lầm! Anh nhìn lên trời và la to lên rằng: “Nếu Chúa muốn gì nữa thì xin hãy lấy tất cả đi. Con thực sự muốn như vậy đó!” Ngay lúc ấy, đột nhiên anh cảm thấy tâm hồn được bình an, một cảm giác mà cách đây mười mấy năm anh đã từng trải qua khi bị thương nằm bất tỉnh bên đường. Ngay lúc đó, anh đã hạ quyết tâm phải thay đổi cuộc sống. Dù không có những tia sấm chớp trên trời, cũng chẳng có tiếng nói mầu nhiệm nào của Thiên Chúa, nhưng Két cũng nhận biết rõ điều Chúa muốn anh thực hiện. Người không cần tiền bạc, thời giờ hay sức lực của anh. Người chỉ cần anh dâng cho Người quyết tâm đổi mới ấy, thì Người sẽ lại ban sự bình an cho anh. Có thể nói: Két đã thực sự tái sinh một lần nữa để trở nên một người mới hoàn toàn thuộc về Chúa.

3. SUY NIỆM:

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào mình. Khi chúng ta cảm thấy tâm hồn bất an, chính là lúc chúng ta đã bỏ không nhìn lên Chúa. Khi bị chìm sâu trong các đam mê tội lỗi, là lúc chúng ta hoài nghi tình thương của Chúa và bỏ làm việc đạo đức. Chúng ta hãy noi gương thánh Phê-rô kêu cầu Chúa Giê-su: “Lạy Ngài, xin cứu con với!”. Chắc chắn Chúa sẽ đưa tay ra nắm lấy chúng ta và sẽ ban sự bình an cho chúng ta.

1) “CỨ YÊN TÂM, CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ !”:
Khi để chúng ta gặp phải những tai ương, bệnh tật và đau khổ là Chúa muốn huấn luyện đức tin của chúng ta. Đức Giê-su luôn quan tâm đến mỗi người chúng ta và sẵn sàng giúp chúng ta chiến thắng ma quỷ và sự dữ. Nếu thực sự tin vào Người thì chúng ta sẽ không sợ hãi khi gặp bất cứ thử thách nào, nhưng luôn vững tin “Chúa sẽ rút từ sự dữ ra sự lành” để ban ơn cứu độ cho chúng ta.

2) “THƯA NGÀI, XIN CỨU CON VỚI”:
Tin tưởng và luôn nhìn vào Chúa, ông Phê-rô đã có thể đi trên biển cả giống như thầy mình. Nhưng khi gió mạnh ào đến làm lung lạc đức tin, thì ông bắt đầu bị chìm xuống. Ông vội kêu lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”. Bàn tay Đức Giê-su đã kịp thời đưa ra nắm lấy ông và đưa ông lên thuyền bình an, kèm theo lời trách nhẹ: “Người đâu mà kém tin như vậy! Sao lại hoài nghi? ”

3) LUÔN TÍN THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG VÀ QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA:
Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng đã bị Chúa bỏ rơi khi Người để chúng ta liên tiếp gặp phải các tai nạn rủi ro như người ta thường nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nhưng thực ra đó lại là cách Chúa dùng để huấn luyện đức tin cho chúng ta. Người muốn thử thách đức tin của chúng ta như: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức!”. Nếu gặp những tai ương hoạn nạn mà chúng ta lo lắng sợ hãi, bỏ cầu nguyện dự lễ và chạy theo bói toán, bùa ngải… thì đức tin nơi ta đã chết. Nhưng nếu chúng ta vẫn trung thành với Chúa, vẫn luôn chu toàn các việc đạo đức và càng năng xin Chúa ban ơn soi sáng để biết phải làm gì và làm như thế nào, vẫn luôn tín thác vào Chúa quan phòng… thì mới chứng tỏ đức tin của chúng ta mạnh mẽ và đẹp lòng Chúa.

4) CẦU NGUYỆN TRONG MỌI LÚC MỌI NƠI:
Đức Tin mạnh biểu lộ qua việc năng cầu nguyện với Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường hay chữa mình: Tôi bận quá không có thời giờ rảnh để "vào sa mạc" mà cầu nguyện. Nhưng thật ra Chúa luôn ở bên cạnh và ở trong lòng ta. Chỉ cần thành tâm và có một chút cố gắng là ta có thể tạo ra khung cảnh sa mạc cho bản thân mình.
Chẳng hạn: Mỗi ngày chúng ta có biết bao giờ rãnh rỗi để đi chơi, uống một ly cà phê, tán gẫu với chúng bạn hay ngồi hàng giờ trước vô tuyến truyền hình… tại sao ta lại không bớt ra một vài phút để vào sa mạc tâm hồn mà cầu nguyện với Chúa. Mỗi ngày có rất nhiều cơ hội gặp Chúa, mà vì lười biếng, vì thiếu đức tin mà chúng ta đã không cầu nguyện và bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ Chúa như: Những lúc cửa hàng vắng khách, khi xe tạm dừng chờ đèn xanh… Khi bị kẹt xe hay khi bất ngờ bị cúp điện không thể tiếp tục làm việc bình thường. Thay vì cảm thấy bực bội khó chịu, chúng ta hãy ý thức Chúa đang ở trong ta và hãy tâm sự với Người về những việc mình đang làm, về những điều đang lo lắng đối phó.

4. THẢO LUẬN:

1) Mỗi người chúng ta cần học nơi thánh Phê-rô điều gì về sự cầu nguyện?
2) Chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa vào lúc nào?
3) Khi gặp thất bại hay rủi ro trái ý, ta cần làm gì để biểu lộ lòng tín thác vào Chúa như tông đồ Phê-rô?

5. CẦU NGUYỆN:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa muốn con phải luôn vững tin vào Chúa mỗi khi gặp thử thách gian nan. Ngày nay vẫn có những cơn sóng gió làm chúng con bị hoài nghi và suy giảm lòng tin vào Chúa, khiến chúng con ngày một chìm sâu trong các đam mê tội lỗi. Mỗi khi con sắp bị chìm đắm, xin Chúa hãy động viên con như đã động viên các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay: “Cứ yên tâm. Chính Thầy đây, đừng sợ!”. Xin hãy nắm chặt tay con khi con sắp quỵ ngã, xin hãy nâng đỡ đức tin yếu hèn của con, giúp con đứng vững trước bao sóng gió cuộc đời. Nhất là xin cho con biết luôn ngước nhìn lên Chúa, là nguồn hy vọng và là sự trông cậy độc nhất của con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Suy niệm Chúa Nhật tuần 19A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:02 04/08/2020
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 14:22-33)
UY QUYỀN


Đoàn dân vui sướng ra về,
Ơn lành chan đổ, phủ phê cõi lòng.
Môn đồ từ giã theo dòng,
Xuống thuyền ra bến, cầu mong yên bình.
Giê-su cầu nguyện một mình,
Tâm tình cảm mến, hết tình yêu thương.
Chập chờn lo lắng vấn vương,
Thuyền khơi gối sóng, tựa nương nơi nào.
Biển đời báo tố thét gào,
Ra công chèo chống, biết bao cực hình.
Chúa thương bước tới thình lình,
Đi trên mặt nước, dủ tình cứu nguy.
Tông đồ sợ hãi nghĩ suy,
Tưởng rằng ma quái, tư duy nhiều điều.
Thầy đây! Đừng sợ sóng triều,
Phê-rô mong muốn, đánh liều bước theo.
Nặng chìm lo sợ kêu reo,
Xin Thầy cứu giúp, kéo theo đừng rời.
Uy quyền phán bảo một lời,
Gió yên biển lặng, cao vời quyền năng.

Trong khi các ông đang đối diện với sóng to và gió lớn, Chúa Giêsu đã đi trên mặt nước đến với các tông đồ. Các ông không nhận ra Chúa. Các ông quá sợ hãi và hoang mang. Các tông đồ đã không ngước nhìn lên mà chỉ loay hoay chèo chống với sóng biển. Các ông cậy dựa vào sức mình đối diện với thiên nhiên, nên đâm ra hoảng sợ và lo lắng.

Có biết bao nỗi sợ hãi vây hãm cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta sợ bệnh hoạn, sợ mất mát, sợ đau đớn, sợ thất bại, sợ lỡ hẹn, sợ bóng tối và sợ chết. Chúng ta sợ vì chúng ta không làm chủ được chính mình, hơn nữa chúng ta không thể lường được những gì sẽ xảy ra quanh chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta hãy nhận biết quyền năng của Thiên Chúa, Ngài quan phòng mọi sự và không gì xảy ra ngoài ý muốn của Chúa. Hãy biết phó thác mọi sự trong tay Chúa.

Bài phúc âm kể truyện các tông đồ thấy Chúa đi trên mặt nước, họ tưởng là ma, thế là sợ hãi. Chúa liền bảo: “Thầy đây - đừng sợ.” Lời Chúa thật dịu dàng và thân thương. Có Thầy đây, còn phải sợ hãi gì nữa. Thầy có quyền trên tất cả mà. Hãy cậy trông vào quyền năng của Chúa. Hãy chạy đến với Chúa bất cứ khi nào và hãy la lên, “Lạy thầy, xin cứu con.” Chúa sẽ giơ tay ra cứu chữa chúng ta như Chúa đã cứu Phêrô lên thuyền.

Hãy cầu nguyện và luôn tin tưởng vào Chúa.Truyện kể: Có một em học sinh chăm học luôn trả lời các câu hỏi một cách dễ dàng. Cậu bé hỏi lý do làm sao cô có thể nhớ và trả lời như thế. Cô bé trả lời: Trước khi học, tôi đã cầu nguyện. Cậu ta ngạc nhiên và thấy ý kiến hay. Cậu ta nói: Tôi sẽ cầu nguyện và đêm đó cậu đã cầu nguyện. Sáng hôm sau, khi đến lớp, cậu chẳng nhớ chi cả. Đành tìm cô bé để trách cứ vì đã lừa cậu ta. Cô ta nói rằng bạn đã không học được bài học khó này. Dĩ nhiên là không, vì tôi đã cầu nguyện thì tôi đâu cần phải học nữa. Cô ta nói đó chính là vấn đề. Tôi đã nói với bạn rằng trước khi học, tôi cầu nguyện. Chứ không cầu nguyện thay cho việc học.

Bất cứ khi nào nhận ra tiếng Chúa mời gọi, chúng ta hãy mạnh dạn hướng nhìn thẳng vào Ngài và bước tới cùng Ngài. Chúa sẽ giơ tay đón nhận chúng ta. Cung cách ứng xử của Chúa đối với Phêrô thật nhẹ nhàng và yêu thương. Hãy tin tưởng phó thác cuộc đời của chúng ta trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chúa cũng sẽ đón nhận chúng ta nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa. Lạy Chúa, xin cứu chúng con.

TUẦN 19 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 17: 22-27


Chúa Giêsu và môn đệ đang ở Galilêa, Chúa nói với các ông: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại. Chúa Giêsu đã chính thức loan báo về sự chết và sống lại của Ngài cho các môn đệ. Các môn đệ đã tỏ thái độ buồn phiền.

Chúa Giêsu biết sự căng thẳng của các nhà lãnh đạo tôn giáo, họ đã dứt khoát chọn lựa đi con đường khác. Họ chối bỏ Đấng mà cha ông của họ đã bao năm mong chờ. Họ nghĩ rằng tiêu diệt Chúa Giêsu là có lợi cho dân cho nước. Họ không muốn biết Chúa Giêsu là ai, họ chỉ biết rằng ông Giêsu xúi dân làm loạn cuộc sống an bình tự tại của họ. Các nhà lãnh đạo đi đến kết luận ông Giêsu phải chết.

Chúa Giêsu biết thế nhưng Ngài không trốn chạy. Ngài chuẩn bị đương đầu với sự dữ và chấp nhận chén đắng Chúa Cha trao cho. Chúa Giêsu đã tâm sự cùng các môn đệ của mình và Chúa luôn nhắc nhở rằng: Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. Đó là tất cả niềm hy vọng của chúng ta. Chúa chịu chết nhưng sẽ sống lại. Chúa phải đi qua sự đau khổ tới tận cùng cho tới chết. Giống như con bướm nhộng phải vượt qua lỗ nhỏ của tổ kén để được ra đời tung cánh bay trên không trung.

Lạy Chúa, Chúa đã loan báo về sự chết và sống lại của Chúa. Xin cho chúng con cùng thông dự vào sự đau khổ của Chúa.

THỨ BA
Mt. 18:1-5. 10: 12-14


Các môn đệ đến bên Chúa Giêsu và hỏi: Ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời? Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ và nói: Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Chúa Giêsu làm chưng hửng nhiều tông đồ. Các ngài tưởng đâu những người làm lớn ở trần gian và những kẻ có công to sẽ là kẻ lớn trong Nước Trời.

Phải trở nên trẻ nhỏ, trẻ nhỏ thì đơn sơ, tin tưởng, hồn nhiên, thanh sạch và phó thác cậy trông. Đây là những đức tính cần thiết trong đời sống đạo. Chúa vẫn yêu thích những tâm hồn khiêm cung, những người đơn sơ chân thành và những kẻ bé mọn nghèo hèn. Chúa yêu họ và Chúa mặc khải Nước Trời cho họ. Họ chọn là những thành viên của Nước Trời dưới thế và họ cũng sẽ được hưởng Nước Trời mai sau.

Trở nên trẻ nhỏ trong khi chúng ta cứ lớn dần cứ già đi. Không ai ở mãi tình trạng nhỏ bé như trẻ nhỏ trong thân xác. Chúng ta phải lớn lên, phải trưởng thành và già nua. Nhưng làm sao chúng ta có thể giữ được tâm hồn đơn sơ, phó thác và chân thành như trẻ nhỏ được. Đời sống của chúng ta bị nhuốm mầu trần thế và sự dữ đã len lỏi chiếm đoạt tâm hồn và làm mất đi nơi chúng ta sự đơn sơ và thơ ngây trong trắng.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, chúng con chỉ là thụ tạo bé bỏng. Chúng con phó thác trọn cuộc đời của chúng con trong tay Chúa. Xin Chúa gìn giữ tâm hồn chúng con luôn chân thành.

THỨ TƯ
Mt. 18: 15-20


Chúa Giêsu nói với các tông đồ về sự sửa dậy lỗi của anh chị em. Con người ai cũng có lúc sa ngã lỗi lầm, chúng ta phải lấy lòng bao dung mà khuyên dạy. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nếu anh em của con phạm tội, hãy đi sửa dạy nó. Điều trước hết Chúa Giêsu muốn nhắc đến đó là điều bác ái và nâng đỡ nhau.

Chúa dạy chúng ta từng bước để giúp anh chị em sửa dạy là gặp gỡ riêng tư, nếu không thuận, hãy nhờ hai ba nhân chứng để khuyên dạy. Nếu người phạm lỗi không nghe, chúng ta nhờ đến cộng đoàn. Lòng Chúa rất khoan dung, Chúa tạo cơ hội cho con người nhận lỗi và sửa lỗi mình. Nhận lỗi không dễ, vì khi nhận lỗi là khi chúng ta trở lại với chính lòng mình. Lòng con người thì sâu thẳm, chúng ta thường không muốn đi hết nội dung xấu xa của mình. Vừa vì xấu hổ với người, vừa vì thẹn với lòng. Nhưng nếu chúng ta không vượt qua được chính mình, chúng ta sẽ không bao giờ biết hối lỗi.

Hối lỗi là tự đầu hàng với chính mình. Mở lòng của chúng ta ra với tất cả những xấu xa, sai trái, dơ bẩn và yếu đuối để xin Chúa tẩy rửa và lấp đầy bằng tình thương của Chúa. Đi sâu vào mình ngại hơn là đi khám phá vũ trụ bên ngoài.

Chúng ta có thể làm nhiều điều khác nhưng chúng ta rất ngại xưng thú những lỗi lầm của chúng ta. Lậy Chúa, chúng con cúi đầu tạ lỗi. Xin Chúa thương tha thứ tội lỗi cho chúng con.

THỨ NĂM
Mt. 18: 21-19:1


Tha nhiều sẽ yêu mến nhiều. Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: Khi người anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho người ấy mấy lần. Có phải đến bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Hãy tha cho anh em bảy mươi lần bảy. Tha trọn và tha hết.

Chúa dạy chúng ta hãy tha thứ cho anh em vì anh em cũng là con người yếu đuối. Có lẽ trong chúng ta ít ai đạt được mức độ tha thứ như Chúa đã tha. Số lần tha thứ mà Chúa muốn không hẳn là vượt quá khả năng của con người. Chúng ta có gương của các thánh Tử đạo, trong bất cứ giai đoạn nào của Giáo Hội cũng có những gương anh dũng biết tha thứ. Các ngài đã chịu muôn cực hình nhưng các ngài không oán thù, không ganh ghét nhưng các ngài đã tha thứ cho những kẻ hại mình.

Đôi khi trong cuộc sống thường nhật, chúng ta nghĩ rằng làm sao có thể tha thứ nhiều lần như thế được. Tha mà họ không sửa lỗi, tha rồi mà cứ tái phạm và tha, nhưng chứng nào tật ấy thì làm sao? Chỉ còn cách chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu, đã bao lần chúng ta xin Chúa tha tội, đã bao nhiêu lần chúng ta hứa từ bỏ tội lỗi nhưng rồi mấy chục năm qua chúng ta cứ tái phạm. Và lần nào đi xưng tội Chúa cũng tha cả. Đây là lý do chúng ta có thể tha thứ cho anh em. Lạy Chúa, xin Chúa tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha.

THỨ SÁU
Mt. 19: 3-12


Những người biệt phái đến gần Chúa Giêsu để thử người, họ nói: Người ta có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do gì không? Chúa Giêsu trở về nguồn, Ngài nói : Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ, kết hợp với nhau nên một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly.

Những người biệt phái muốn dùng luật Môisen để phản bác lại lời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết rõ nguồn gốc từ đâu và lý do gì Môisen đã thỏa mãn một số những đòi hỏi của dân chúng về việc rẫy vợ. Vợ chồng liên kết với nhau trong khế ước hôn nhân và có tình yêu làm bảo chứng. Vợ chồng cần hun đúc tình yêu mỗi ngày thêm khăng khít và hòa nhập với nhau như cây tre càng cao càng vút nhọn.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong thực tế, chúng ta thấy các gia đình đang phải đối diện với muôn ngàn khó khăn và phức tạp. Có nhiều gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly thân, ly dị, có gia đình chỉ có mẹ hoặc chỉ có cha. Gia đình ly dị làm cho gia đình tan nát, con cái mồ côi và sống thiếu tình cha, tình mẹ. Các tệ nạn xã hội đang xảy ra như cơm bữa. Vì lòng ích kỷ và lòng ham muốn của con người không cùng, nên các vấn đề khó khăn vẫn cứ tiếp tục xảy ra.

Chúa dạy chỉ có một vợ, một chồng. Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.

THỨ BẢY
Mt. 19: 13-15


Chúa Giêsu chúc lành cho các trẻ nhỏ, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng. Chúa yêu thương các trẻ nhỏ vì chúng đơn sơ như các thiên thần. Tâm hồn chúng như tấm giấy trắng.

Xã hội ngày xưa trẻ em và phụ nữ đều không được coi trọng. Thí dụ như khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để phân phát, các tông đồ chỉ tính con số đàn ông còn phụ nữ và trẻ em thì không kể. Trong thời đại hiện nay, người ta đề cao trẻ em và phụ nữ nhiều hơn. Các nhà giáo dục cũng đầu tư vào việc dạy dỗ các trẻ em nhiều hơn.

Tâm hồn trẻ em như tờ giấy trắng. Cha mẹ và những người có trách nhiệm giáo dục phải ghi dấu vào tâm hồn non trẻ những điều tốt lành, thì hy vọng các em sẽ trở nên những người tốt. Tuổi trẻ có thể hấp thụ mọi thứ tốt xấu rất nhanh, nếu không được chăm nom dậy dỗ cẩn thận, các trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt rất nguy hại.

Có nhiều cha mẹ phó mặc con cái cho những phim ảnh hoặc những trò chơi điện tử bạo động, trả thù, giết chóc và tình dục. Tất cả các hình ảnh đó sẽ sớm ăn sâu nhập vào tâm hồn các em, sẽ rất ảnh hưởng đến tâm lý của các em sau này. Tâm hồn các trẻ em còn thanh khiết, chúng ta hãy có trách nhiệm giáo dục tốt và yêu thương các em.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:20 04/08/2020

48. Giả như Thiên Chúa muốn con chịu mọi sự đau khổ, thì đó chính là Ngài bày tỏ kỳ vọng rất muốn con nên thánh.

(Thánh Ignatius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:27 04/08/2020
96. DÌ LỚN DÌ NHỎ

Tị Giản Túc có ba cô con gái, con gái lớn gả cho Âu Dương Tu, con thứ nhì gả cho Vương Cùng Thần, về sau Âu Dương Tu chết vợ lại lấy thêm con gái út của Tị Giản Túc.

Anh em cột chèo là Vương Cùng Thần nói đùa:

- “Con rể cũ là con rể mới, dượng lớn làm dượng nhỏ”.

Lúc ấy Lưu Nguyên Phụ vừa lấy vợ khi tuổi đã già, Âu Dương Tu viết một bài thơ chế nhạo:

- “Trong động đào hoa mạc tương tiếu, chàng Liễu nguyên là lão Lưu lang”.

Nguyên Phụ không vui vẻ nên muốn báo thù.

Một hôm, cả ba người là Cùng Thần, Nguyên Phụ, Âu Dương Tu họp nhau lại, Nguyên Phụ nói:

- “Trước đây có một thầy đồ gàn dạy con nít học chữ, đọc đến “thơ lông” “vi xà vi xà”, thì dạy rằng: “Chữ xà (rắn) thì đọc là chữ dì, nhớ đấy”. Cách ngày hôm sau, học trò đồng ấu trên đường đi học nhìn thấy người hành khất chơi đùa với rắn nên đứng lại coi, cho đến khi ăn cơm xong mới đến trường học, ông thầy đồ hỏi: “Tại sao đến trễ? ”- học trò nhỏ trả lời: “Vừa rồi trên đường có người chơi đùa với dì, con và mọi người đều đứng coi, chỉ thấy ông ta đùa với dì lớn trước và đùa với dì nhỏ sau, nên mới đến trễ ạ”.

Âu Dương nghe xong thì cũng cười ha ha...

(Nhã Ngược)

Suy tư 96:

Chữ rắn và chữ dì thì khác nhau xa, vậy mà có người dạy con nít đọc rắn ra dì, chẳng qua đó là vì muốn trả thù nên mới bịa chuyện như thế mà thôi.

Chữ rắn là chữ rắn và chữ dì là chữ dì không lẫn lộn đâu được, cũng như chân lý là chân lý, sự thật là sự thật, dù chân lý có bị bầm dập thì vẫn là chân lý, dù sự thật có bị khỏa lấp bôi đen nhưng cuối cùng thì sự thật vẫn là sự thật, bởi vì mặt trời vẫn còn đó và không có gì che khuất được dưới ánh mặt trời, bởi vì Đấng tạo dựng nên mặt trời vẫn còn đó vì Ngài là sự thật là chân lý.

Có những người vì thù vặt, vì tức khí, vì hậm hực mà dựng nên chuyện bậy bạ sai sự thật, để chế nhạo và có khi vu khống người khác cách ác ý, đó là vì họ coi người khác như những trẻ em đồng ấu đem chữ rắn đọc thành chữ dì, không những sai bậy mà còn phản giáo dục nữa.

Chữ rắn không phải là chữ dì, cũng như dối trá không phải là sự thật là chân lý, nhưng chỉ có những ai có ý tưởng xấu xa mới đồng hóa hai chữ ấy giống nhau mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Khiêm hạ nới lỏng niềm tin, niềm tin nới lỏng lòng thương xót
Lm. Minh Anh
23:09 04/08/2020
KHIÊM HẠ NỚI LỎNG NIỀM TIN,
NIỀM TIN NỚI LỎNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Lạy Chúa, xin cứu giúp dân”;
“Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”.

Kính thưa Anh Chị em,
Cả hai bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay có chung một chủ đề: khiêm hạ nới lỏng niềm tin, niềm tin nới lỏng lòng thương xót. Giêrêmia kêu gọi dân hãy tin vào Thiên Chúa và hãy khiêm hạ thưa lên với Người, “Lạy Chúa, xin cứu giúp dân”; người phụ nữ ngoại giáo đầy lòng tin khiêm hạ thưa lên với Chúa Giêsu, “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi” và lòng thương xót của Thiên Chúa của cả hai thời Cựu Ước và Tân Ước được nới lỏng.

Những lời ngôn sứ Giêrêmia hôm nay nằm trong phần được gọi là sách an ủi, qua đó, Giêrêmia miêu tả tương lai tươi sáng của Dân Chúa. Từ tình trạng phân tán khổ sở, dân sẽ được dẫn về Palestine, quy tụ quanh Sion trong những điều kiện hoàn toàn đổi mới. Giêrêmia nói với dân hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã nói, “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở”; hãy kêu cầu Người trong khiêm hạ, “Lạy Chúa, xin cứu giúp Dân Chúa; những kẻ còn sót lại trong Israel”; và quả thế, Thiên Chúa đã xót thương phục hồi cho dân lại từ đầu.

Tin Mừng hôm nay nói đến sự khiêm hạ tuyệt vời của người phụ nữ Canaan đến từ vùng ngoại giáo Tyrô và Sidon. Bà van xin Chúa Giêsu, “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin cứu giúp tôi, con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”; Marcô cho thấy một hình ảnh đẹp hơn, “Bà sấp mình dưới chân Người”. Chúa Giêsu im lặng không nói một lời… đến nỗi các môn đệ phải lên tiếng can thiệp và Ngài mở miệng nói một điều xem ra quá cứng cỏi, “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy khó chịu; thế nhưng, đó là sự thật và câu nói ấy không cứng cỏi hay thô lỗ chút nào dẫu bề ngoài xem ra thô lỗ và cứng cỏi.

Trước hết Chúa Giêsu nói bà không xứng đáng với đặc ân này; và quả đúng như thế. Bà là ngoại giáo và ngay cả chúng ta, con cái Chúa, nào ai xứng đáng trước một ân sủng của Thiên Chúa. Câu nói ấy có thể gây sốc nhưng đó là một sự thật. Trước ân huệ của Thiên Chúa, nào ai dám cho mình xứng đáng; người phụ nữ ngoại giáo đã vui lòng chấp nhận sự thật đó.

Tiếp đến, những lời cứng cỏi của Chúa Giêsu lại mở ra cho bà một phản ứng tột đỉnh của sự khiêm hạ và lòng tin; bà tự coi mình ngang hàng với những chó con vốn có thể nhặt nhạnh những gì từ bàn chủ rơi xuống. Và chúng ta tin Chúa Giêsu hẳn cũng đã nói với bà những lời ấy theo một cung cách khiêm hạ vì chỉ Ngài mới biết bà sẽ khiêm nhu đến mức nào để làm cho sự khiêm hạ của mình rực sáng đến độ bà có thể mạnh mẽ bộc lộ niềm tin. Bà không cảm thấy bị xúc phạm về sự bất xứng của mình; đúng hơn, bà đã ôm lấy nó, nhờ đó, đã nới lỏng được lòng thương xót của Thiên Chúa bất chấp sự bất xứng của mình.

Khiêm hạ có một tiềm lực để nới lỏng niềm tin; niềm tin sẽ nới lỏng được lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa. Cuối cùng, Chúa Giêsu phải lớn tiếng tuyên bố cho cả những người đang nghe, “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Bà đã tuyên xưng niềm tin và Chúa Giêsu chộp lấy cơ hội để khen ngợi bà vì bà có một niềm tin đầy khiêm hạ đến tuyệt vời. Điều đó vén mở cho thấy những lời của Chúa Giêsu chẳng còn chút gì là cứng cỏi hay thô lỗ. Phép lạ này còn mang một ý nghĩa thần học, là tiên báo ơn cứu độ của Thiên Chúa vốn cũng sẽ được ban cho dân ngoại.

Thánh Gioan Maria Vianney lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như không đủ khả năng tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh Giám mục, một giáo sư đến khảo Vianney. Vianney không trả lời được câu hỏi nào... Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đập bàn quát lớn, “Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì? ”. Vianney khiêm tốn trả lời, “Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng cái xương hàm của một con lừa để đánh bại ba ngàn quân Philitinh; vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao? ”.

Anh Chị em,
Chính sự khiêm hạ chấp nhận mình là một con lừa nhưng là một con lừa đầy niềm tin, Vianney đã nới lỏng được lòng thương xót của Thiên Chúa và cha xứ họ Ars đã trở nên một hiện tượng không chỉ cho nước Pháp nhưng còn cho cả Âu châu đầu thế kỷ mười chín.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con biết con bất xứng nhưng con tin, con sẽ nới lỏng được lòng thương xót của Chúa, vì Chúa là Đấng xót thương vốn xót thương luôn cả sự bất xứng của con”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Covid-19 ở châu Á: điều tồi tệ nhất chưa kết thúc
Thanh Quảng sdb
06:38 04/08/2020
Covid-19 ở châu Á: điều tồi tệ nhất chưa kết thúc

Trong khi coronavirus tiếp tục lây lan đến nhiều người và cướp đi bao sinh mạng trên toàn cầu, tính cho tới giờ này 5/8/2020 thì trên toàn thế giới có 18, 479,545 người bị nhiễm, trong số đó 11, 705,246 người may mắn được chữa lành và 698, 243 người sấu xố đã chết vì Covid-19!

Tất cả mọi quốc gia đang nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của nó cũng như đối phó với việc suy thoái kinh tế và các hệ lụy khác trước việc cách ly và giới nghiêm...

(Tin Vatican)

Tại Châu Âu, đặc biệt là Ý, tâm chấn của cơn đại dịch sau khi bùng phát bên ngoài thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, đã vượt qua cơn dịch sau khi rất nhiều người bị nhiễm và gần 36 ngàn người chết và một biện pháp nghiêm ngặt nhất đã được áp dụng trong suốt chiều dài lịch sử.

Riêng tại Hoa kỳ với gần 5 triệu người bị nhiễm, Hoa kỳ đang dẫn đầu danh sách về các ca nhiễm lẫn tử vong, tiếp theo là Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi và Mexico.

Vấn đề giãn cách ở châu Á

Với phương pháp giãn cách là phương pháp chính để chống lại sự lây lan của virut, thì việc giữ giãn cách này rất khó áp dụng được ở châu Á, nơi có tới 4, 6 tỷ người, chiếm gần 60% dân số thế giới là 7, 7 tỷ dân.

Ấn Độ, quốc gia đông dân cư thứ hai sau Trung Quốc, với số ca nhiễm và tử vong vượt qua Ý vào thứ Sáu, ghi nhận tổng cộng hơn 36.000 người chết kể từ lúc cơn đại dịch bùng phá. Quốc gia Nam Á này trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao thứ năm trên thế giới sau Mỹ, Brazil, Anh và Mexico. Tính cho tới hôm nay, cả nước có tổng cộng hơn 1, 9 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, và gần 40.000 người tử vong.

Khủng hoảng còn trầm trọng hơn tại Ấn Độ vì những cơn mưa bão đầu mùa đã lùa vào các khu vực đông dân cư, làm cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.

Trong khi đó, theo bá cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Năm lưu ý rằng con số bị nhiễm và tử vong ở Phi đã vượt quá Trung Quốc.

Cuộc bùng phát và tái phát coronavirus ở châu Á đã làm tan biến đi niềm xác tín rằng điều tồi tệ nhất của cơn dịch đã qua!... Ấn Độ, Hồng Kông, Indonesia, Phi và nhiều quốc gia khác tiếp tục báo cáo các trường hợp nhiễm hàng ngày; trong lúc đó thì Việt Nam, một quốc gia tự hào ít người bị chết vì Covid-19, đã ghi nhận mới có hai trường hợp tử vong vào thứ Sáu 30/7/2020 và cho tới nay trong cả nước hiện có 670 ca nhiễm và tổng số tử vong là 8 người.
 
Bom nổ như ngày tận thế tại thủ đô Beirut - Khủng bố Hồi Giáo tái tổ chức tấn công khắp nơi
Đặng Tự Do
13:34 04/08/2020

Một vụ nổ lớn gần trung tâm Beirut đã giết chết ít nhất 10 người, làm bị thương hàng trăm người khác và gây ra các chấn động xung kích khắp thủ đô Li Băng vào hôm thứ Ba 4 tháng 8, phá vỡ các cửa sổ và khiến ban công nhiều căn nhà biến mất hay sụp đổ. Vụ nổ mạnh nhất tại Beirut trong nhiều năm qua này làm rung chuyển mặt đất, khiến một số cư dân nghĩ rằng một trận động đất đã xảy ra.

Choáng váng và khóc lóc, một số người trong số họ bị thương, mọi người nhốn nháo chạy để thoát thân và tìm kiếm xem người thân có bị thương không. Vụ nổ được tuờng thuật là xảy ra ở khu vực cảng của thành phố.

Bộ trưởng Nội vụ Li Băng cho biết theo thông tin ban đầu có thể là các loại bom mìn có sức công phá lớn, bị tịch thu nhiều năm trước, được cất giữ ở đó đã bị nổ tung.

Phát thanh viên Mayadeen có trụ sở tại Li Băng trích dẫn giám đốc hải quan của Li Băng nói rằng hàng tấn nitrat đã phát nổ. Cảnh quay các vụ nổ được người dân địa phương tung lên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một cột khói bốc lên từ khu vực cảng sau đó là một vụ nổ khổng lồ tạo nên một quả bóng khói trắng và quả cầu lửa trên bầu trời giống như trong vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.

Những người quay lại vụ việc từ các tòa nhà cao tầng ở các khu vực khác của thành phố cảm thấy choáng váng khi thấy nhiều xe hơi bị văng lên không trung trước khi đập mạnh xuống đất chổng ngược bốn bánh xe lên trời.

Một nguồn tin từ các giới chức an ninh và y tế nói với thông tấn xã Reuters là ít nhất 10 thi thể đã được đưa đến bệnh viện. Hội Hồng Thập Tự Li Băng cho biết hàng trăm người đã được đưa đến bệnh viện để điều trị.

Trên tài khoản Twitter của mình, Tổng thống Li Băng Michel Aoun kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng Tối cao của đất nước. Trong khi đó, Thủ tướng Hassan Diab kêu gọi một ngày để tang vào hôm thứ Tư 5 tháng 8.

Vụ nổ xảy ra chỉ ba ngày trước khi tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đưa ra phán quyết trong phiên tòa xét xử bốn nghi phạm của nhóm Shi'ite Hezbollah về vụ đánh bom năm 2005 đã giết chết cựu thủ tướng Rafik al-Hariri và 21 người khác.

Giám đốc an ninh nội bộ Abbas Ibrahim, đã đến thị sát khu vực cảng. Một quan chức Israel cho biết người Do Thái không liên quan gì đến vụ nổ, mặc dù trong thời gian qua Do Thái có các cuộc chạm súng vì phát hiện hoạt động của các thành phần khủng bố Hồi Giáo.

Giám đốc cảng Beirut nói với Sky News rằng một đội lính cứu hỏa tại hiện trường đã “biến mất” sau vụ nổ. “Tôi thấy một quả cầu lửa và khói cuồn cuộn trên bầu trời Beirut. Mọi người la hét và chạy hoảng loạn, máu me đầy mặt. Ban công bị thổi bay khỏi các tòa nhà. Kính trong các tòa nhà cao tầng vỡ tan và rơi xuống đường”.

Cư dân cho biết cách tâm chấn của vụ nổ đến 10 km về phía đông, các cửa kính bị vỡ tan tại các gia cư ở Raouche, nằm ở cực phía tây của thành phố Địa Trung Hải này. Trong một thời gian dài sau vụ nổ, tiếng còi xe cứu thương vang lên khắp thành phố và máy bay trực thăng quần thảo trên bầu trời trong cố gắng xác định các địa điểm đang bốc cháy trong thành phố và điều phối các nỗ lực cứu hỏa và cứu thương.

Bộ trưởng Y tế nói với Reuters rằng có “rất nhiều người” bị thương. Al Mayadeen TV cho biết hàng trăm người bị thương. Một nhân chứng khác nói với Reuters rằng cô nhìn thấy khói xám bao phủ khu vực cảng, và sau đó nghe thấy tiếng nổ và thấy lửa và khói đen: “Tất cả các cửa sổ khu vực trung tâm thành phố đều bị đập vỡ và có những người bị thương đi lại xung quanh. Đó là sự hỗn loạn hoàn toàn.”

Phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Farhan Haq nói với các phóng viên Reuters rằng họ không rõ nguyên nhân là gì nhưng không có bất kỳ thương tích nào đối với các nhân viên của Liên Hợp Quốc. “Chúng tôi không có thông tin về những gì đã xảy ra chính xác, những gì đã gây ra điều này, cho dù đó là hành động vô tình hay nhân tạo”, ông nói.

Tại Síp, một hòn đảo Địa Trung Hải nằm cách Beirut 180 km về phía tây bắc, người dân báo cáo nghe hai tiếng nổ lớn liên tiếp và nhanh chóng. Một người dân ở thủ đô Nicosia cho biết ngôi nhà của ông rung chuyển như trong một trận động đất.

Các quan sát viên tin rằng đại dịch coronavirus kinh hoàng vẫn còn đang tiếp diễn đã cho phép bọn khủng bố Hồi Giáo IS có điều kiện tái tổ chức. Vụ tấn công cướp ngục tại Afghanistan, hay còn gọi là A Phú Hãn, là một ví dụ.

Ít nhất 24 người đã thiệt mạng sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS mở một cuộc tấn công thứ hai vào các lực lượng an ninh của Afghanistan vào ngày thứ Hai 3 tháng 8.

Vụ tấn công thứ nhất bắt đầu vào tối Chúa Nhật 2 tháng 8 khi một quả bom trên xe hơi phát nổ ở lối vào một nhà tù ở thành phố phía đông Jalalabad, nơi giam giữ khoảng 2, 000 tù binh IS.

Nhiều vụ nổ khác đã được nghe thấy khi khoảng 30 tay súng IS nổ súng vào các nhân viên bảo vệ.

Ba chiến binh đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công đầu tiên và cuộc đấu súng kéo dài suốt đêm.

Ít nhất 21 thường dân và thành viên của các lực lượng an ninh cũng thiệt mạng trong cuộc chiến, và hàng chục người khác bị thương.

Nhà tù chứa khoảng 2, 000 tù nhân. Các quan chức cho biết tính đến trưa ngày thứ Hai, ít nhất 1, 000 tên đã bị bắt trở lại. Hàng trăm tên vẫn còn đang tại đào.

Toàn bộ thành phố Jalalabad hiện đang bị giới nghiêm. Các cửa hàng đóng cửa và đường phố vắng vẻ.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, diễn ra một ngày sau khi cơ quan tình báo Afghanistan cho biết các lực lượng đặc biệt đã giết chết một chỉ huy cấp cao của nhóm này đang hoạt động trong khu vực.


Source:Reuters
 
Trung quốc chế tạo COVID-19 làm vũ khí, theo sách cuả chủ tịch Hàn Lâm Viện sinh học được bảo trợ bởi UNESCO
Trần Mạnh Trác
14:12 04/08/2020
“Trung quốc đã dùng tiền viện trợ và kiến thức cuả Pháp và Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu dịch cúm ở Vũ Hán để chế tạo vũ khí sinh học COVID-19, hiện nay được đặt dưới quyền chỉ huy cuả nữ tướng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Trần Vĩ, vốn là một chuyên gia về vũ khí và khủng bố sinh học.” Đó là kết luận cuả cuốn sách vừa xuất bản có tựa đề ‘La Chimera che ha cambiato il Mondo' cuả giáo sư bác sĩ Giuseppe Tritto, hiện là chủ tịch cuả Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Y sinh thế giới, đặt trụ sở ở Paris, dưới sự bảo trợ cuả UNESCO.

Nếu quả thực như vậy thì đây là một tin cực kỳ buồn thảm cho toàn Thế Giới! Trung quốc có thể bắt chẹt các nước láng giềng như cài đặt một loại COVID mới ở một vài tỉnh cuả quốc gia đó để cảnh báo chớ nên sát lại gần hơn với kẻ thù cuả họ trong những vấn đề tranh chấp nóng bỏng?

Xin đọc bản tin cuả AsiaNews dưới đây:


Rome (AsiaNews ngày 4 tháng 8, 2020) – “COVID-19, đang giết chết nhiều người và lây nhiễm tràn lan trên khắp thế giới, không phải là một loại virus tự nhiên; nhưng được tạo ra ở Vũ Hán, trong phòng thí nghiệm sinh học an toàn cấp 4. Nhưng không chỉ có người Trung Quốc đã tạo ra nó, mà có cả các nhà khoa học Pháp và Hoa Kỳ đã đóng góp vào việc sản xuất loại quái thai "chimera" này, là một sinh vật được tạo ra trong phòng thí nghiệm.”

Nếu là vài tháng trước, thì một ý tưởng như vậy sẽ bị coi là một lý thuyết âm mưu, sẽ bị miệt thị bởi tất cả những người tin vào sự vô tội của Trung Quốc, và những học giả khác thì sẽ coi đó là một ý tưởng "ngây ngô".

Nhưng bây giờ, luận án này đã được trình bày với những tài liệu, ngày tháng, sự kiện, và tác giả là một nhà khoa học nổi tiếng quốc tế, Giáo sư Joesph Tritto, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Y sinh thế giới (WABT), một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1997 dưới sự bảo trợ của UNESCO.

Giáo sư Tritto, 68 tuổi, là tác giả của ‘Cina COVID 19. La Chimera che ha cambiato il Mondo’ (COVID 19 cuả Trung quốc, một quái thai được bào chế (Chimera) đã làm thay đổi thế giới). Cuốn sách do nhà xuất bản Edizioni Cantagalli phát hành ngày hôm nay.

Sách dầy 272 trang, đọc giống như một cuốn phim kinh dị, Giáo sư Tritto giải thích nguồn gốc của virus một cách chính xác và khoa học, bắt đầu từ nỗ lực của Trung Quốc nghiên cứu vắc-xin chống SARS, họ đưa bộ gen cuả HIV vào virus (khiến chúng trở nên hung dữ hơn), và thêm vào các yếu tố coronavirus cuả những con dơi (loại dơi móng ngựa, ) sử dụng một phương pháp gọi là hệ thống di truyền ngược 2.

Nử giáo sư Sử Chính Lập (Shi Zheng Li) là người đứng đầu viện thí nghiệm Vũ Hán, bà là nhân vật hàng đầu về kỹ thuật di truyền, nhưng phòng thí nghiệm cũng đã nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ Pháp và viện Pasteur, mà từ đó người Trung Quốc đã học cách sử dụng bộ gen HIV.

Một số nhà khoa học Mỹ cũng đã góp sức vào, đó là Giáo sư Ralph S. Baric, thuộc Đại học Bắc Carolina, dùng nguồn tài trợ cuả Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu coronavirus ở đây, vì loại nghiên cứu này bị cấm ở Mỹ cho đến năm 2017 vì chúng nguy hiểm.

Giáo sư Tritto, tác giả cuốn sách, có một lý lịch hàn lâm đáng kính phục. Ông là bác sĩ về urology (tiết niệu, ) andrology (bệnh đàn ông, ) infertility microsurgery (vi phẫu vô sinh, ) và là giáo sư về công nghệ vĩ mô và công nghệ nano ở Anh và ở Ấn Độ. Ông là giáo sư thỉnh giảng và là giám đốc y học nano tại Đại học Amity ở New Delhi (Ấn Độ).

Vì lý do này, ông có thể kiểm tra chặt chẽ những tài liệu nghiên cứu được thực hiện ở Vũ Hán. Theo quan điểm của ông, thì sự việc bắt đầu như một nghiên cứu chống lại dịch bệnh, nhưng dần dần biến thành nghiên cứu sinh học để chế tạo vũ khí gây chết người.

Do đó không phải ngẫu nhiên mà trong năm năm qua, phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nhận được sự tài trợ lớn nhất của Trung Quốc cho việc nghiên cứu virus. Nó trở thành một trung tâm nghiên cứu tiên tiến dưới sự kiểm soát trực tiếp của Viện Khoa học Trung Quốc và chính phủ Trung Ương.

Theo giáo sư Tritto, bà giáo sư Sử Chính Lập có lẽ không có hứng thú làm việc cho quân đội hay cho các mục đích khác, trừ phi bà bị buộc phải làm như vậy. Không có ai đặt nghi ngờ về sự thành tín cuả bà cả.

Tuy nhiên, sự thật vẫn là sau khi phòng thí nghiệm được người ta chú ý vì đại dịch, thì thiếu tướng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trần Vĩ, một chuyên gia về vũ khí sinh hóa và du kích sinh học, đã được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Virus học Vũ Hán, làm việc với một nhóm bao gồm Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan, ) một nhà nghiên cứu phổi nổi tiếng với kinh nghiệm lâu năm về các bệnh phổi truyền nhiễm.

Khi Viện Virus học Vũ Hán được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc thì kể từ đó, những tin tức về bà giáo sư Sử Chính Lập dường như biến mất.

Trong cuốn sách của Tritto, các nhà khoa học đã trở nên tồi tệ. Được thúc đẩy bởi khao khát kiến thức, họ trở nên háo hức với quyền lực, tham vọng, sự nghiệp và tiền bạc.

Một phần của cuốn sách dành cho việc nghiên cứu các vắc-xin, trong đó nhiều viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm cạnh tranh với nhau, không phải vì để làm thuốc để cứu hàng triệu bệnh nhân coronavirus, mà chỉ là muốn trở nên người đầu tiên bán vắc-xin cho toàn thế giới.

Trung Quốc đã rất thủ đoạn trong lĩnh vực này. Theo giáo sư Tritto, Bắc Kinh chỉ công bố một phần dữ liệu và giấu đi cấu trúc di truyền ban đầu của coronavirus (virus mẹ, virus gốc). Tại sao? Bởi vì phải có cấu trúc ban đầu của virus thì mới có thể tạo ra một loại vắc-xin thực sự phổ quát, có hiệu quả ở mọi nơi trên trái đất. Theo thời gian, virus biến đổi và vắc-xin để trị ‘virus con’ chỉ có hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định và ở một khu vực nhất định.

Nói cách khác, lợi ích thương mại hẹp hòi là động lực chứ không phải là vì tình yêu đối với khoa học. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên - và Giáo sư Tritto thì không - rất nhiều anh hùng trong đại dịch này. Ngoài các bác sĩ và y tá đang hy sinh để chữa trị cho bệnh nhân khi họ tr2n ngập các phòng cấp cứu, chúng ta phải nhắc đến các bác sĩ đầu tiên đã cảnh báo về dịch bệnh ở Vũ Hán, đã bị cảnh sát buộc phải im lặng, bị đe dọa sa thải.

Một trong những vị này là bác sĩ Ngải Phân (Ai Fen, ) đã báo cáo một "ảnh hưởng lạ" vào đầu tháng 11 và bị ban giám đốc bệnh viện bịt miệng. Một người khác là bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lương (Li Wenliang), bị buộc phải giữ im lặng và sau đó chết vì bị lây nhiễm COVID-19 bởi một bệnh nhân. Hiện tại không có tin tức gì về bác sĩ Ngải Phân, bà đã mất tích.

Cuốn sách của Giáo sư Tritto cũng phê bình Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã trở thành - theo nhiều người - một "con rối" trong tay Trung Quốc, đồng lõa với sự im lặng về dịch bệnh.

Tuy nhiên, cuốn sách không chỉ quay về quá khứ. Giáo sư Tritto muốn có những quy tắc chặt chẽ trên thế giới trong các việc nghiên cứu quái thai (chimera, ) an toàn sinh học cấp 4 cuả các phòng thí nghiệm và hợp tác giữa các phòng thí nghiệm quân sự và dân sự. Trung Quốc và nhiều nước khác cũng nên bị buộc phải ký Công ước vũ khí sinh học và độc tố (BTWC).
 
Tin thêm về sức khỏe của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An
19:50 04/08/2020
Tiếp theo tin do nhà báo Đức Peter Seewald, người mới đây đích thân viếng thăm ngài tại Vatican, cung cấp về tình trạng sức khỏe không mấy khả quan của Đức Bênêđictô XVI, phát ngôn viên Tòa Thánh, Ông Matteo Bruni, đã mở cuộc họp báo, xác nhận Đức Bênêđíctô XVI lâm bệnh, nhưng trích dẫn thư ký riêng của ngài là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, ông cho biết thêm “tình trạng sức khỏe của Đức Giáo Hoàng hưu trí không có chi đặc biệt đáng lo ngại, ngoại trừ đối với một vị đã 93 tuổi đang trải qua giai đoạn bệnh tật đau đớn nhất, nhưng không trầm trọng”.



Theo tạp chí Crux, các phụ tá của Đức Bênêđíctô nói với các nhà báo rằng Đức Bênêđíctô bị chứng “viêm dây thần kinh sinh ba [trigeminal nerve], một chứng viêm mà người Mỹ gọi là “shingles” (chứng giời leo). Theo Mayo Clinic ở Hoa Kỳ, các chuyên gia ước lượng rằng “một nửa số người 80 tuổi và lớn hơn mắc chứng 'shingles'” này vào một thời điểm nào đó.

Các phụ tá của ngài cũng cho hay “cơn đau đã qua đi” và Đức Bênêđíctô đang “từ từ hồi phục... nhưng tuyệt đối ngài không ở trong tình huống trầm trọng”.

Nói với tạp chí Crux, Bác sĩ Bruno Casaregola, người không chữa trị cho Đức Bênêđíctô nhưng hiện là giám đốc của bệnh viện Salvator Mundi ở Rôma, cho biết, về lý thuyết, chứng “shingles” có thể đe dọa đến tính mệnh của một người cao tuổi bằng cách kích động chứng viêm não, nhưng điều này chỉ diễn ra với những người sẵn thiếu miễn dịch một cách trầm trọng, điều mà người ta tin Đức Bênêđíctô không mắc phải.

Bác sĩ cho biết thêm tình trạng này chắc chắn gây đau đớn kinh niên và có thể làm giảm chức năng của những cơ phận bị ảnh hưởng, tuy nhiên, với việc điều trị xông xáo, các hậu quả này có thể ngăn ngừa được.

Trong tường trình của mình, Peter Sewald xác nhận Đức Bênêđíctô XVI rất lạc quan và sẽ tiếp tục cầm bút khi bình phục. Điều này, theo CNA, phù hợp với mô tả của Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục Regensburg về Đức Bênêđictô XVI sau chuyến thăm anh ruột tại Bavaria trong 4 ngày “ngài nói bằng một giọng nói thấp, gần như thì thào; và rõ ràng ngài phát âm khó khăn. Nhưng các ý nghĩ của ngài thì hoàn toàn rõ ràng; trí nhớ ngài, khả năng phối hợp của ngài thật tuyệt vời. Đối với hầu hết các diễn trình của cuộc sống hàng ngày, ngài tùy thuộc sự giúp đỡ của người khác. Cần phải can đảm và khiêm nhường lắm mới tự đặt mình vào bàn tay của nhiều người khác; và tỏ rõ điều đó một cách công khai”.
 
Gậy ông đập lưng ông: Iran làm đắm tàu cuả mình, chặn mất cửa cuả quân cảng
Trần Mạnh Trác
21:10 04/08/2020
(Tổng hợp) Sau hơn một tuần rầm rộ tập trận để cảnh cáo kẻ thù Mỹ đừng bao giờ có ý định dây dưa với Iran, hôm thứ năm vừa qua, quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cuả Iran đã tuyên bố chấm dứt thành công vĩ đại cuộc tập trận khổng lồ có tên là Nhà tiên tri vĩ đại 14 (Great Prophet 14 ).

“Cuộc tập trận huy động nhiều Lực lượng Hải quân và Không gian vũ trụ IRGC tại khu vực Hormozgan cuả vịnh Ba Tư và ở phía tây Eo biển chiến lược Hormuz, kết hợp sự vận hành trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian, ” tuyên bố của IRGC.

Tập hợp đồng loạt các hoạt động bắn tên lửa đạn đạo chui sâu vào lòng đất, phá hủy hệ thống radar của kẻ thù, bắn tên lửa từ biển đến tàu, dùng máy bay không người lái tấn công bộ chỉ huy tầu sân bay địch, bắt tàu địch với máy bay trực thăng và sử dụng tên lửa đất đối không và trên biển …

Tuyên bố lưu ý rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran chưa bao giờ gây chiến với ai, nhấn mạnh rằng họ sẽ bảo vệ nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia và khu vực địa lý của đất nước, đặc biệt là các đảo trên vịnh Ba Tư, bằng một chiến lược phòng thủ rõ ràng và mạnh mẽ để nghiền nát những kẻ xâm lược.

Các cuộc tập trận Great Prophet là các cuộc thao diễn hằng năm cuả Iran, bắt đầu vào tháng 7 năm 2008.

Vào ngày thứ hai của Great Prophet 14, IRGC đã bắn tên lửa đạn đạo chôn sâu xuống đất để thể hiện khả năng của mình.
Ở Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz, các máy bay không người lái Shahed 181, Mohajer và Bavar của Lực lượng Không gian vũ trụ IRGC đã tấn công một tàu sân bay giả và nhắm vào tháp chỉ huy và cây cầu của chiếc tàu.

Các máy bay chiến đấu Sukhoi-22 của IRGC đã sử dụng bom có cánh để tiêu diệt các mục tiêu được xác định trước ở Quần đảo Faror.

Họ cũng bắn hai tên lửa Hurmoz và Fateh trên mặt đất, và một tên lửa đạn đạo và nhiều tên lửa phòng không.

Nhưng câu chuyện về chiếc tàu sân bay giả của Iran, dự định là một lợi khí tuyên truyền, đang biến thành một trò cười ‘ra nước mắt.’

Video về các lực lượng vũ trang Iran vui mừng tấn công một tàu sân bay giả của Hải quân Hoa Kỳ, đã làm cho cuộc tập trận trở thành một vở kịch hơn là một công việc nghiêm túc. Chiếc tàu chỉ là một tượng trưng cho một tàu sân bay Mỹ, làm bằng một sà lan lớn, không có ý định phải bị chìm để có thể tái sử dụng và bị "phá hủy" một cách tượng trưng (đã hai lần rồi.)

Nhưng bây giờ nó thực sự đã bị chìm. Và ở lộn chỗ!

Qua những hình ảnh vệ tinh thương mại PLEIADES (do ShadowBreak Intl giữ bản quyền) thì chiếc tàu giả đã bị lật. Các hình ảnh chụp từ không gian cho thấy chiếc tàu đã nghiêng khoảng 90 độ về phía bên phải.

Nó bị chìm khi được kéo về cảng Bandar Abbas sau khi bị tấn công.

Chiếc tàu sân bay giả này rất lớn, nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với một tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ, đã được xây dựng vào năm 2013-2014 và sau đó bị 'phá hủy' đáng kể trong cuộc tập trân tháng 2 năm 2015. Sau đó đã được sửa chữa ở Bandar Abbas và kéo ra biển trở lại. Và sau đó, lại bị tấn công một lần nữa vào ngày 28 tháng 7 trong cuộc tập trân 'Tiên tri Mohammed 14' bởi nhiều tàu cao tốc lọi mới và bị tên lửa tấn công.

Vị trí nơi chìm tàu có thể tạo ra một sự đau đầu nghiêm trọng cho Hải quân Iran và IRGC vì nó nằm ngay cửa ra vào cuả cảng Bandar Abbas, gần con kênh chính.

Nước ở đó sâu khoảng 45 ft (13m), tức là rất nông. Điều này làm cho con tàu không thể chìm xuống hết. Những tàu khác khi vào cảng sẽ phải đối mặt với một nguy cơ thảm khốc nếu chạm phải nó. Đây là một mối nguy hiểm vận chuyển nghiêm trọng.

Chính vì thế mà chiếc tàu phải được vớt lên. Nhưng nỗ lực này đòi hỏi thời gian và sẽ làm cạn kiệt tài nguyên của Iran.

Mặc dù Iran đã từng có khả năng thu hồi tàu và máy bay từ đáy biển, nhưng dường như họ không có khả năng trục vớt những con tàu lớn. Đây có thể là lý do tại sao có vẻ như con tàu đang bị bỏ rơi một mình trong những hình ảnh vệ tinh mới.

Để một xác tàu ở một nơi quan trọng như vậy nói lên khả năng thật sự của Iran như thế nào, nhất là nếu họ phải để nó ở đó một thời gian dài.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ : Trường hợp cộng đoàn nhỏ có hai linh mục, hai phó tế
J.B. Lê Hải Nam
08:04 04/08/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ),

HỎI: Có bắt buộc hai phó tế phải phục vụ thánh lễ trong một cộng đoàn nhỏ có ít nhất hai linh mục với khoảng 10 tín hữu không? Khó khăn ở đây là cộng đoàn gặp khó khăn trong phần hát phụng vụ như các lời đáp ca và việc chơi đàn organ. Vậy nếu có một trong hai phó tế có tài năng âm nhạc, thì việc phó tế này ngồi cùng cộng đoàn, ít nhất là vào ngày Chúa Nhật, để giúp cộng đoàn trong các phần phụng vụ khác hay chơi đàn có thích hợp không? Hay như thế là không hợp luật? - B.G., Uganda


TRẢ LỜI: Đây là một câu hỏi mục vụ thực tiễn có thể giải quyết về mặt mục vụ.

Nói cho cùng thì một linh mục hay phó tế cũng có bổn phận ý như mọi người Công Giáo là than dự thánh lễ Chúa Nhật. Điều này có thể làm nhiều người Công Giáo ngạc nhiên, nhưng nói cho cùng không bắt buộc phải cử hành thánh lễ mặc dù Giáo hội mạnh mẽ khuyến cáo việc cử hành thánh lễ hàng ngày (giáo luật 904). Bộ Giáo Luật 1917 quy định rằng linh mục cử hành thánh lễ nhiều lần một năm, được các nhà chú giải giải thích là ít nhất 3 hay 4 lần để chu toàn bổn phận.

Dĩ nhiên đây không phải là điều nên khuyến khích. Sách Hướng Dẫn Sứ Vụ Và Đời Sống Của Linh Mục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cử hành Thánh Thể mỗi ngày của linh mục như là “giây phút then chốt trong ngày và trong sứ vụ hàng ngày của linh mục, hoa trái của lòng khát khao đơn thành và một dịp để gặp gỡ sâu xa và hiệu quả với Đức Ki-tô.”

Một số linh mục có bổn phận nhất định phải cử hành thánh lễ do chức vụ. Thí dụ các cha xứ và nhiều bề trên dòng tu phãi cử hành thánh lễ cho những người chịu sự chăm sóc mục vụ của họ ít nhất một lần một tuần.

Sau khi nói như trên, tôi nghĩ không hề có vấn đề không hợp luật nếu một phó tế hiện diện không thực thi sứ vụ để cổ vũ và phục vụ cho phụng vụ theo một cách nào đó.

Tuy nhiên nếu đó là thầy phó tế duy nhất thì việc thầy thực thi sứ vụ của mình sẽ là thích hợp hơn, bởi vì việc cử hành thánh lễ diển tả đầy đủ hơn về Giáo Hội nếu mọi sứ vụ được thực thi.

Như trong trường hợp này, nếu có hai thầy phó tế mà một thầy có tải năng âm nhạc, việc thầy này tham dự vào việc ca hát như một biện pháp tạm thời là thích hợp, trong khi huấn luyện người thay thế. Thầy này cũng không nên thường xuyên bỏ việc thực thi sứ vụ của mình chỉ vì lý do này.

Tuy nhiên thầy này không nên cố gắng kết hợp cả hai chức năng. Nếu tham gia việc đánh đàn, thì không nên tham dự thánh lễ trong phẩm phục thánh. Thầy có thể mặc trang phục giáo sĩ theo phong tục của đất nước đó.

J.B. Lê Hải Nam chuyển ngữ

Nguồn : https://zenit.org/2020/07/21/liturgy-qa-deacons-forgoing-ministry-for-music
 
Giải đáp phụng vụ : Thánh lễ cầu hồn và thánh lễ an táng
J.B. Lê Hải Nam
17:32 04/08/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

HỎI: Thánh lễ an táng và thánh lễ cầu hồn khác nhau thế nào, nếu có khác nhau? Con có lần nghe nói rằng thánh lễ cầu hồn được xử dụng khi thi thể người quá cố không có trong nhà thờ. — J.A., Warri Diocese, Nigeria


TRẢ LỜI: Từ ‘cầu hồn’ có nhiều nghĩa trong cách dùng từ hiện nay.

Trong hình thức phụng vụ thông thường nó tương đương với một thánh lễ an táng có sự hiện diện của thi thể; ngày nay nó thường được gọi là “Thánh Lễ An Táng Ki-tô Hữu.”

Tuy nhiên nó cũng có thể chỉ các thánh lễ được cử hành cho người quá cố mà không có sự hiện diện của thi thể. Nó có thể bao gồm các thánh lễ vào ngày thứ ba, thứ bảy, thứ 30 sau cái chết, ngày giỗ hàng năm, hay chỉ là thánh lễ cầu cho sự yên nghỉ của linh hồn người quá cố khi nhận tin người ấy qua đời.

Từ ‘requiem’ là từ đầu tiên trong bài ca nhập lễ tiếng La-tinh: “Requiem aeternam dona eis, Domine, O Lord (Lạy Chúa, xin cho họ được nghỉ yên muôn đời).” Lời văn này có lẽ lấy cảm hứng từ một đoạn văn cổ xưa, 2 Esdras 2:34-35: “Do đó ta bảo các ngươi, Hỡi các nước hãy nghe và hiểu: ‘Hãy chờ đấng chăn dắt các ngươi; ngài sẽ cho các ngươi nghỉ yên muôn đời, vì ngài, đầng sẽ đến vào ngày tận thế, đang ở gần bên. Hãy sẵn sàng nhận phần thưởng nước trời, vì ánh sáng vĩnh cửu sẽ chiếu trên các ngươi mãi mải.’”

Bài thánh ca này vẫn còn trong sách lễ hiện nay như bài thánh ca nhập lễ cho thánh lễ cho người đã khuất.

Ý tưởng khẩn cầu sự yên nghỉ cho người quá cố đã có trong Cựu Ước (xem Sáng Thế 47:30; 1 Các Vua 2:10; 2 Ma-ca-bê 12:43-44). Cùng với thánh Phao-lô người Ki-tô hữu tin rằng họ ngủ trong Đức Ki-tô (1 Cô-rin-tô 15:18). Do đó từ thế kỷ thứ nhất, các Ki-tô hữu đã cầu nguyện cho sự yên nghỉ muôn đời của những người đã khuất.

Ngày tháng chính xác của việc đón nhận bài ca nhập lễ này trong phụng vụ là không rõ, nhưng việc cuốn ngụy thư Esdras được xem là điển thư cho tới thời giáo hoàng Gelasius (mất năm 495) cho thấy việc bao gồm sách này trong điển thư là trước những cải cách phụng vụ của giáo hoàng Gregory (mất năm 604). Việc dùng nó trong phụng vụ an táng cũng được chứng nhận bởi sự hiện diện của nó trong nhiều bia mộ Ki-tô hữu thế kỷ thứ sáu như các bia mộ được tìm thấy ở Ain-Zara gần Tripoli.

Như đã nói trên, ‘requiem’ chỉ là một trong nhiều thánh ca nhập lễ cho lễ an táng trong sách lễ thông thường. Đây chỉ là một thay đổi trong cải cách nghi lễ an táng nói chung, vốn nhấn mạnh vào nỗi đau buồn và thương tiếc, và hơn nữa là phó thác người quá cố cho tình yêu thương của Thiên Chúa, thông qua niềm tin vào giá trị cứu độ của cuộc thương khó, cái chết và sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô. Cấu trúc của thánh lễ an táng cũng tương tự như cấu trúc của các thánh lễ khác, ngoại trừ phần nghi thức tạm biệt ở cuối lễ.

Trong hình thức ngoại thường của nghi lễ Rô-ma, thánh lễ cầu hồn khác với thánh lễ thông thường theo nhiều cách. Một số phần bị loại bỏ hay thay đổi như chỉ ra trong Đề Mục XIII của luật chữ đỏ. Các phần này bao gồm thánh vịnh ‘Judica’ ở đầu lễ, lời nguyện linh mục đọc trước bài Tin Mừng (hay chúc lành phó tế nếu một phó tế đọc Tin Mừng), và lời nguyện đầu tiên trong hai lời nguyện linh mục đọc cho chính mình trước khi rước mình thánh.

Những loại bỏ khác bao gồm việc xông hương lúc nhập lễ và lúc đọc Tin Mừng, nụ hôn bình an, người giúp lễ cầm nến sáng khi phó tế hát Tin Mừng, và khi ban phép lành. Không đọc kinhVinh Danh hay kinh Tin Kính; việc hát Alleluia trước Tin Mừng được thay thế bằng một lời chúc tụng, như trong mùa Chay, theo sau là kinh Dies Irae (ngày thịnh nộ). Kinh Agnus Dei (Đây Chiên Thiên Chúa) được thay đổi. Lời chúc ‘Ite missa est’ được thay bằng ‘Requiescant in pace’ (Xin cho họ được yên nghỉ) và câu đáp ‘Deo gratias’ được thay bằng ‘Amen’.

Những quy tắc hiện nay cho phép thánh lễ an táng với sự hiện diện của thi thể được cử hành vào đa số các ngày trong năm. Mặc dù hình thức ngoại thường cũng gần như thế này trong thực hành, các quy tắc có liên quan tương đối phức tạp hơn với các công thức được sử dụng.

Cuối cùng từ ‘requiem’ có các cách dùng khác bên ngoài phụng vụ. Bối cảnh âm nhạc thích hợp cho thánh lễ cầu hồn cũng được gọi là nhạc ‘requiem.’ Nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thế giới, một số họ không quá đạo đức, đã cố gắng phổ nhạc các văn bản này.

Mới đây từ này cũng thấy được sử dụng cho bất cứ vấn đề gì dường như không còn tồn tại hay đang lụi tàn. Như tôi thấy có các tiêu đề như “Requiem for a Kingdom” (kết thúc cho một vương quốc) hay “No Requiem for the Space Age” (thời đại không gian chưa kết thúc).

J. B. Lê Hải Nam chuyển ngữ

(Bài ngày 28/7/2020 theo đường dẫn: https://zenit.org/2020/07/28/liturgy-qa-funeral-masses-and-requiem-masses/)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Con Thuyền Về Hưu/Retired Boat
Robert Helfman
21:13 04/08/2020
CON THUYỀN VỀ HƯU/RETIRED BOAT
Ảnh của Robert Helfman

Mới ngày nào dọc ngang sóng nước
Nay về già nằm bãi cỏ xanh
Trồng cây thay thế chậu sành
Nắng mưa vui với vài cành hoa thơm.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Đau đớn lòng: Luật mới của Tô Cách Lan xếp Kinh Thánh đồng hàng với các diễn từ thù hận
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:12 04/08/2020


1. Theo luật mới của Tô Cách Lan, Kinh Thánh và Giáo lý Công Giáo có thể bị kết án là khích động hận thù.

Ngày 18 tháng Tư năm 2005, khi khai mạc Cơ Mật Viện bàu Giáo Hoàng sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nói:

“Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.”

Những lời đầy tính tiên tri của ngài có thể được nhận thấy trong luật mới của Tô Cách Lan. Thật thế, các giám mục Công Giáo Tô Cách Lan nói rằng đề xuất đưa ra luật mới về tội thù ghét ở nước này có thể khiến Kinh Thánh và Giáo lý Giáo Hội Công Giáo bị cáo buộc tội hình sự và dẫn đến việc kiểm duyệt giáo huấn Công Giáo.

Trong tuyên bố ngày 29 tháng 07 năm 2020, các giám mục nói: “Chúng tôi cũng lo ngại rằng phần 5 của Dự luật tạo ra một tội sở hữu tài liệu khích động hận thù, có thể khiến các tài liệu như Kinh Thánh, Giáo lý Giáo Hội Công Giáo và các văn bản khác như đệ trình tham vấn chính phủ của Hội đồng Giám mục Tô Cách Lan, bị xem là khích động, theo quy định mới.”

Dự luật trên được chính phủ Tô Cách Lan giới thiệu hôm 23 tháng 04 năm 2020. Nó đưa ra một tội mới về việc khơi dậy lòng căm thù đối với bất kỳ nhóm nào được bảo vệ trong dự luật, bao gồm chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tính dục và danh tính của người chuyển giới.

Các Giám mục Tô Cách Lan nhắc lại giáo huấn của Giáo hội dạy rằng “tính dục và giới tính không phải là điều lỏng lẻo và có thể thay đổi; nam và nữ bổ sung cho nhau và được yêu cầu tạo ra sự sống mới.” Tuy nhiên các ngài nói rằng “những tuyên bố này có thể bị người khác coi là vi phạm thế giới quan cá nhân của riêng họ và có khả năng khơi dậy lòng thù hận.”

Trong kiến nghị của mình, các giám mục Tô Cách Lan viết: “Nhiều người bị kết tội thù ghét vì dùng các đại từ tương ứng với giới tính sinh học của một cá nhân. Quyền tự do bày tỏ những lập luận và niềm tin này phải được bảo vệ.”

Nhận định về kiến nghị của các giám mục Tô Cách Lan, ông Anthony Horan, giám đốc văn phòng Nghị viện Công Giáo Tô Cách Lan, cho biết: “Trong khi thừa nhận rằng khuấy động hận thù là sai trái về mặt đạo đức và ủng hộ các động thái để ngăn chặn và lên án hành vi đó, các giám mục đã bày tỏ lo ngại về sự thiếu rõ ràng trong các định nghĩa và khả năng dễ bị liệt vào tội này, điều mà các ngài lo sợ có thể dẫn đến vô số lời kết tội về tội gây bực mình, tức giận”.

Dự luật của Tô Cách Lan cũng bỏ tội phạm thượng. Các giám mục Tô Cách Lan không phản đối điều này nhưng sợ rằng nó có thể dẫn đến việc “hủy bỏ văn hóa”, trong đó người ta loại bỏ những người không đồng ý với các tư tưởng thịnh hành hay được đa số chấp nhận. Các ngài cảnh giác cơ quan lập pháp và tư pháp trong khi phải tạo ra và giải thích luật để duy trì trật tự xã hội, cần cẩn thận, cân nhắc các quyền tự do cơ bản và cho phép các quan điểm hợp lý, cách diễn tả không nhằm mục đích gây hại

8. Căng thẳng gia tăng giữa Úc và Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt trước quyết định của Úc tố cáo các yêu sách lãnh hải của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp, và cho rằng các cáo buộc của Canberra là “wanton accusations” – nghĩa là “các tố cáo bừa bãi”.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 31 tháng 7, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Vương Văn Bân (Wang Wenbin - 王文斌) đã dùng từ “wanton”. Chữ này trong tiếng Anh thường không được dùng trong các ngôn ngữ ngoại giao để chỉ các cáo buộc không bằng không chứng. Chữ “wanton” trong tiếng Anh thường được dùng để chỉ những người phụ nữ có quan hệ tình dục “bừa bãi” với nhiều người. Cả hai vị bộ trưởng Úc đã lên tiếng tố cáo các yêu sách lãnh hải của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp đều là hai người phụ nữ. Đó là Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold. Sky News Australia nhận định rằng cách dùng chữ của Trung Quốc không phản ánh nền văn hóa từng được nhiều người ca ngợi. Nó thật hạ cấp và nham hiểm.

Tuần trước, chính phủ Úc đã đứng về phía Mỹ và đã viết thư cho Liên Hiệp Quốc phản bác “các yêu sách liên quan đến đất liền, lãnh hải, các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên đường lưỡi bò” của Trung Quốc trong việc tranh chấp với một số nước Đông Nam Á.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố Canberra đang “liều lĩnh khiêu khích Trung Quốc”.

“Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc giờ đây đã xấu đi đến một điểm rất xấu, và cơ hội cho một sự thay đổi gần như là rất mong manh trong tương lai gần, ” tờ báo nói.

Hai vị nữ bộ trưởng Úc đã có cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Mark Esper tại Washington trong tuần qua.

Trong tuyên bố chung sau các cuộc hội đàm, Úc và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tăng cường các nỗ lực quân sự chung của họ ở Darwin, tăng cường các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông và nghiên cứu sự phát triển của các công nghệ phòng thủ tên lửa và siêu âm để chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và hung hăng trong khu vực.

Các vị bộ trưởng Úc tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung thường xuyên hơn với Mỹ ở Biển Đông để chống lại việc quân sự hóa ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong tuyến đường thủy đang tranh chấp, cũng như con đường qua Ấn Độ Dương.

Họ cũng thảo luận về việc mở rộng các cuộc tập trận chung ở Darwin để bao gồm thêm các đồng minh quân sự và tuyên bố thành lập một kho dự trữ nhiên liệu quân sự chiến lược thương mại do Mỹ tài trợ ở Lãnh thổ phía Bắc của Úc Đại Lợi.

Các thỏa thuận hợp tác về an ninh nhiên liệu và công nghệ quốc phòng mới cho thấy cả hai nước sẽ tìm cách bảo đảm các chuỗi cung ứng quân sự quan trọng giống như cách họ chặn Huawei khỏi các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo và tăng cường công nghệ 5G trong nước.


Source:Reuters
'Wanton accusations': China rejects Australia's latest move amid rising tensions

3. Tòa Bạch Ốc giải thích về ý tưởng dời ngày bầu cử của Tổng thống Trump

Tổng thống Trump - người từ lâu đã phản đối việc bỏ phiếu qua thư - tuyên bố bỏ phiếu qua bưu điện sẽ khiến cuộc bầu cử không chính xác và gian lận.

“Đây sẽ là một sự sỉ nhục rất lớn đối với Hoa Kỳ. Hãy trì hoãn bầu cử cho đến khi mọi người có thể bỏ phiếu đúng cách, an toàn và an toàn.” Tổng thống Trump đã tweet như trên.

Thật ra, Tổng thống Trump chỉ muốn nhấn mạnh sự phản đối của ông đối với việc bỏ phiếu qua thư từ, đặc biệt trong các tiểu bang do đảng Dân Chủ nắm chính quyền.

Tổng thống Trump thừa biết theo luật pháp và hiến pháp Hoa Kỳ, ông hoàn toàn không có cách nào thay đổi ngày bầu cử.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng tại New York nơi đảng Dân Chủ nắm chính quyền, cuộc bầu cử Quốc Hội tiểu bang đã diễn ra từ hôm 23 tháng Sáu và đến nay vẫn chưa có kết quả.

Năm 1845, Quốc Hội đã thiết lập ngày bầu cử, là ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11. Kể từ đó, Hoa Kỳ chưa bao giờ bỏ lỡ một cuộc bầu cử tổng thống vào đúng ngày đó.

Ngay cả trong cuộc nội chiến của Hoa Kỳ, cả trong Thế chiến thứ hai, cuộc bầu cử tổng thống vẫn diễn ra đúng như dự trù.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 31 tháng 7, cô Kayleigh Mcenany, thư ký báo chí của Tòa Bạch Ốc cho biết:

Những gì Tòa Bạch Ốc tập trung vào là bảo đảm rằng cuộc bầu cử của chúng ta không bị lừa đảo với các phiếu bầu gian lận chứ không phải là vấn đề thay đổi thời gian biểu.

Các tiểu bang điều hành cuộc bầu cử của họ. Và nó là tùy thuộc vào các tiểu bang để bảo đảm theo cuộc bầu cử trung thực hết khả năng của họ.

Đảng Dân chủ đang kiểm soát chính quyền tiểu bang New York. Họ chịu trách nhiệm gây ra những thất bại đang được phát hiện. Và đó là điều chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn vào tháng 11. Các tiểu bang cần tập trung các hoạt động cho cuộc bầu cử. Và như chúng ta thấy ở New York, nơi đã năm tuần kể từ cuộc bầu cử quốc hội tiểu bang - và thực tế, chúng ta vẫn chưa biết kết quả của cuộc đua vào quốc hội. Và đó chắc chắn không phải là những gì chúng ta muốn thấy.
 
Kinh hoàng: Bom nổ như tận thế tại thủ đô Beirut - Khủng bố Hồi Giáo tái tổ chức tấn công khắp nơi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:38 04/08/2020


Một vụ nổ lớn gần trung tâm Beirut đã giết chết ít nhất 10 người, làm bị thương hàng trăm người khác và gây ra các chấn động xung kích khắp thủ đô Li Băng vào hôm thứ Ba 4 tháng 8, phá vỡ các cửa sổ và khiến ban công nhiều căn nhà biến mất hay sụp đổ. Vụ nổ mạnh nhất tại Beirut trong nhiều năm qua này làm rung chuyển mặt đất, khiến một số cư dân nghĩ rằng một trận động đất đã xảy ra.

Choáng váng và khóc lóc, một số người trong số họ bị thương, mọi người nhốn nháo chạy để thoát thân và tìm kiếm xem người thân có bị thương không. Vụ nổ được tuờng thuật là xảy ra ở khu vực cảng của thành phố.

Bộ trưởng Nội vụ Li Băng cho biết theo thông tin ban đầu có thể là các loại bom mìn có sức công phá lớn, bị tịch thu nhiều năm trước, được cất giữ ở đó đã bị nổ tung.

Phát thanh viên Mayadeen có trụ sở tại Li Băng trích dẫn giám đốc hải quan của Li Băng nói rằng hàng tấn nitrat đã phát nổ. Cảnh quay các vụ nổ được người dân địa phương tung lên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một cột khói bốc lên từ khu vực cảng sau đó là một vụ nổ khổng lồ tạo nên một quả bóng khói trắng và quả cầu lửa trên bầu trời giống như trong vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.

Những người quay lại vụ việc từ các tòa nhà cao tầng ở các khu vực khác của thành phố cảm thấy choáng váng khi thấy nhiều xe hơi bị văng lên không trung trước khi đập mạnh xuống đất chổng ngược bốn bánh xe lên trời.

Một nguồn tin từ các giới chức an ninh và y tế nói với thông tấn xã Reuters là ít nhất 10 thi thể đã được đưa đến bệnh viện. Hội Hồng Thập Tự Li Băng cho biết hàng trăm người đã được đưa đến bệnh viện để điều trị.

Trên tài khoản Twitter của mình, Tổng thống Li Băng Michel Aoun kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng Tối cao của đất nước. Trong khi đó, Thủ tướng Hassan Diab kêu gọi một ngày để tang vào hôm thứ Tư 5 tháng 8.

Vụ nổ xảy ra chỉ ba ngày trước khi tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đưa ra phán quyết trong phiên tòa xét xử bốn nghi phạm của nhóm Shi'ite Hezbollah về vụ đánh bom năm 2005 đã giết chết cựu thủ tướng Rafik al-Hariri và 21 người khác.

Giám đốc an ninh nội bộ Abbas Ibrahim, đã đến thị sát khu vực cảng. Một quan chức Israel cho biết người Do Thái không liên quan gì đến vụ nổ, mặc dù trong thời gian qua Do Thái có các cuộc chạm súng vì phát hiện hoạt động của các thành phần khủng bố Hồi Giáo.

Giám đốc cảng Beirut nói với Sky News rằng một đội lính cứu hỏa tại hiện trường đã “biến mất” sau vụ nổ. “Tôi thấy một quả cầu lửa và khói cuồn cuộn trên bầu trời Beirut. Mọi người la hét và chạy hoảng loạn, máu me đầy mặt. Ban công bị thổi bay khỏi các tòa nhà. Kính trong các tòa nhà cao tầng vỡ tan và rơi xuống đường”.

Cư dân cho biết cách tâm chấn của vụ nổ đến 10 km về phía đông, các cửa kính bị vỡ tan tại các gia cư ở Raouche, nằm ở cực phía tây của thành phố Địa Trung Hải này. Trong một thời gian dài sau vụ nổ, tiếng còi xe cứu thương vang lên khắp thành phố và máy bay trực thăng quần thảo trên bầu trời trong cố gắng xác định các địa điểm đang bốc cháy trong thành phố và điều phối các nỗ lực cứu hỏa và cứu thương.

Bộ trưởng Y tế nói với Reuters rằng có “rất nhiều người” bị thương. Al Mayadeen TV cho biết hàng trăm người bị thương. Một nhân chứng khác nói với Reuters rằng cô nhìn thấy khói xám bao phủ khu vực cảng, và sau đó nghe thấy tiếng nổ và thấy lửa và khói đen: “Tất cả các cửa sổ khu vực trung tâm thành phố đều bị đập vỡ và có những người bị thương đi lại xung quanh. Đó là sự hỗn loạn hoàn toàn.”

Phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Farhan Haq nói với các phóng viên Reuters rằng họ không rõ nguyên nhân là gì nhưng không có bất kỳ thương tích nào đối với các nhân viên của Liên Hợp Quốc. “Chúng tôi không có thông tin về những gì đã xảy ra chính xác, những gì đã gây ra điều này, cho dù đó là hành động vô tình hay nhân tạo”, ông nói.

Tại Síp, một hòn đảo Địa Trung Hải nằm cách Beirut 180 km về phía tây bắc, người dân báo cáo nghe hai tiếng nổ lớn liên tiếp và nhanh chóng. Một người dân ở thủ đô Nicosia cho biết ngôi nhà của ông rung chuyển như trong một trận động đất.

Các quan sát viên tin rằng đại dịch coronavirus kinh hoàng vẫn còn đang tiếp diễn đã cho phép bọn khủng bố Hồi Giáo IS có điều kiện tái tổ chức. Vụ tấn công cướp ngục tại Afghanistan, hay còn gọi là A Phú Hãn, là một ví dụ.

Ít nhất 24 người đã thiệt mạng sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS mở một cuộc tấn công thứ hai vào các lực lượng an ninh của Afghanistan vào ngày thứ Hai 3 tháng 8.

Vụ tấn công thứ nhất bắt đầu vào tối Chúa Nhật 2 tháng 8 khi một quả bom trên xe hơi phát nổ ở lối vào một nhà tù ở thành phố phía đông Jalalabad, nơi giam giữ khoảng 2, 000 tù binh IS.

Nhiều vụ nổ khác đã được nghe thấy khi khoảng 30 tay súng IS nổ súng vào các nhân viên bảo vệ.

Ba chiến binh đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công đầu tiên và cuộc đấu súng kéo dài suốt đêm.

Ít nhất 21 thường dân và thành viên của các lực lượng an ninh cũng thiệt mạng trong cuộc chiến, và hàng chục người khác bị thương.

Nhà tù chứa khoảng 2, 000 tù nhân. Các quan chức cho biết tính đến trưa ngày thứ Hai, ít nhất 1, 000 tên đã bị bắt trở lại. Hàng trăm tên vẫn còn đang tại đào.

Toàn bộ thành phố Jalalabad hiện đang bị giới nghiêm. Các cửa hàng đóng cửa và đường phố vắng vẻ.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, diễn ra một ngày sau khi cơ quan tình báo Afghanistan cho biết các lực lượng đặc biệt đã giết chết một chỉ huy cấp cao của nhóm này đang hoạt động trong khu vực.
 
Các Giám mục Ba Tây âu lo: Virus Tầu độc địa gây chết chóc kinh hoàng tại quốc gia này
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:06 04/08/2020


1. 146 Giám mục Ba Tây chỉ trích việc đối phó với đại dịch coronavirus của Tổng thống Jair Bolsonaro.

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, tử vong toàn thế giới đã lên đến hơn 683, 000 người, trong số hơn 17, 758, 000 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Ba Tây, tử vong tại quốc gia này đã lên đến hơn 93, 000 người, trong số hơn 2, 667, 000 trường hợp nhiễm coronavirus.

Trong bối cảnh đó, hôm 26 tháng 07 năm 2020, báo Folha de S. Paulo của Ba Tây đã đăng một bản thảo bức thư có chữ ký của 146 giám mục Ba Tây với những lời phê bình cứng rắn cách đối phó với đại dịch coronavirus của Tổng thống Jair Bolsonaro.

Lá thư có tựa đề “Thư của Dân Chúa” nói rằng Ba Tây đang phải đối mặt với một trong những thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử, những căng thẳng chính trị hiện tại ở nước này là do cách điều hành của Tổng thống, và phê bình chính phủ quá bất tài trong việc quản lý khủng hoảng.

Dù số ca nhiễm tại Ba Tây đã lên quá cao như thế, ông Bolsonaro đã không tuyên bố phong tỏa toàn quốc. Ông thường cố gắng giảm nhẹ tính nghiêm trọng của dịch bệnh, gọi đó là “cúm nhẹ”.

Thư của các giám mục Ba Tây nói đến những vấn đề mà châu Mỹ Latinh đang gặp phải, trong đó nói đến khủng hoảng sức khỏe chưa từng có ở Ba Tây cộng với sự sụp đổ kinh tế và căng thẳng ảnh hưởng đến nền tảng của nền Cộng hòa, chủ yếu do Tổng thống và các bộ phận xã hội khác gây nên, dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.

Ðề cập đến bối cảnh chính trị, bức thư nói rằng cuộc khủng hoảng đã chứng minh cho sự bất lực và không có khả năng của Chính phủ Liên bang khi đối mặt với cuộc khủng hoảng đó. Các giám mục tuyên bố chính sách tự do hóa gần đây về lao động và lương hưu của Tổng thống đã làm cuộc sống của người nghèo trở nên tồi tệ hơn. Các ngài cáo buộc chính phủ đã coi thường các doanh nhân nhỏ, những người chịu trách nhiệm tạo ra hầu hết các công việc ở Ba Tây, và ưu tiên cho các nhóm tài chính là những nhóm không sản xuất ra bất cứ thứ gì.

Các giám mục khẳng định Chính phủ Liên bang đã gần trở thành chế độ độc tài và sử dụng các chiến thuật đáng phê bình, như hỗ trợ và khuyến khích các hành động chống lại dân chủ, tự do hóa luật pháp về buôn bán và sử dụng súng của người dân, và khuyến khích các hoạt động truyền thông đáng nghi ngờ, như tin tức giả mạo, huy động hàng loạt những người theo dõi quá khích.

Kết thúc lá thư, các giám mục kêu gọi một cuộc đối thoại toàn quốc rộng rãi bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, mọi người dấn thân cho nền dân chủ, các phong trào xã hội, những người nam nữ có thiện chí, để thiết lập lại sự tôn trọng đối với Hiến pháp và pháp quyền.

2. Viện dẫn lý do đại dịch coronavirus chính quyền Hương Cảng trì hoãn bầu cử cả một năm

Đặc khu trưởng của Hương Cảng là bà Carrie Lam, hay còn gọi là Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã công bố quyết định trì hoãn các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp cả đến một năm, với lý do có sự hồi sinh trong các trường hợp nhiễm coronavirus.

Các nhà phê bình đã lên tiếng chê bai quyết định này, và coi đó là hoạt động mới nhất trong một loạt các động thái gần đây nhằm kiềm chế quyền tự chủ đã rất hạn chế của Hương Cảng. Quyền tự chủ đó được đảm bảo trong 50 năm sau khi chấm dứt sự cai trị của Anh và bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997.

Lam, người được Bắc Kinh hậu thuẫn, đã viện dẫn quyền lực trong thời kỳ khẩn cấp để hoãn các cuộc bầu cử, dự kiến vào ngày 6 tháng 9 năm nay, sang tháng 9 năm sau 2021.

“Đó là quyết định rát khó khăn, ” Lam nói với các phóng viên hôm thứ Sáu, mặc dù biết rõ sẽ không có mấy người tin vào luận điểm của bà ta.

Bà Lam nói thêm: “Nhưng tôi phải xem xét sự an toàn công cộng và tình trạng sức khỏe của tất cả cư dân Hương Cảng, ” và lưu ý rằng số ca nhiễm coronavirus được xác nhận ở Hương Cảng đã tăng gấp đôi trong sáu tuần qua.

Từ ngày 13 tháng 6 đến ngày 5 tháng 7, không có trường hợp lây truyền tại địa phương ở Hương Cảng. Các trường học bắt đầu mở cửa trở lại vào cuối tháng 5 nhưng đã đóng cửa vào giữa tháng 7, vì số trường hợp bắt đầu tăng lên. Chính quyền Hương Cảng gọi đó là làn sóng nhiễm trùng thứ ba. Tính đến tối thứ Sáu, đã có 3, 273 trường hợp nhiễm coronavirus ở Hương Cảng.

3. Các tội oán ghét chống Kitô hữu tại Ấn Ðộ tăng hơn 40% trong thời kỳ đại dịch.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay tại Ấn Ðộ, các tội ác oán ghét chống các tín hữu Kitô tại nước này gia tăng hơn 40%, theo phúc trình thường niên của tổ chức “Persecution Relief”, Cứu trợ Bách hại, công bố hôm 28 tháng 7 năm 2020. Tổng số các vụ xảy ra từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 2020 là 293 vụ.

Ðây là một tổ chức đại kết, từ nhiều năm nay vẫn theo dõi và tố giác những hành vi bạo lực chống các Kitô hữu tại Ấn Ðộ. Các nhà nghiên cứu và soạn các phúc trình này cho biết, những vụ được ghi nhận có bằng chứng chỉ là một phần nhỏ so với thực trạng bạo hành chống các tín hữu Kitô tại Ấn. Ông Shibu Thomas, sáng lập viên tổ chức Cứu trợ Bách hại nói rằng: “Sự tàn ác của những tội phạm đó cho thấy não trạng sa đọa và thái độ cực đoan cuồng tín trong thời đại ngày nay.”

Ấn Ðộ hiện nay đang do đảng Ấn giáo BJP cầm quyền, trong đó có phe cực đoan, vốn chủ trương đạt tới một quốc gia Ấn giáo, nơi mà các tôn giáo khác không được quyền có chỗ đứng.

Phúc trình khẳng định những điều đã được các tổ chức nhân quyền khác tố giác về sự chèn ép tôn giáo thiểu số tại Ấn Ðộ. Trong bảy năm qua, Ấn Ðộ được liệt vào danh sách của tổ chức Open Doors, Những cánh cửa mở, về các nước cần bị canh chừng, theo đó Ấn Ðộ từ vị trí 31 nhảy lên vị trí thứ 10 trong danh sách các nước bách hại tín hữu Kitô.

Ba bang bị coi là nguy hiểm nhất đối với các tín hữu Kitô tại Ấn Ðộ, là Jharkhand ở miền đông bắc, Odisha và Chhattisgard, là những nơi có sáu Kitô hữu bị giết trong sáu tháng đầu năm 2020. Trong số các nạn nhân, có hai phụ nữ Kitô bị hãm hiếp và bị giết vì đức tin. Ba người khác, gồm hai nữ tín hữu và một bé gái 10 tuổi bị hiếp vì từ chối không bỏ đạo Kitô họ mới theo.

Phúc trình năm 2020 của Ủy ban thuộc Bộ ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế, đã xếp Ấn Ðộ cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn vào số những nước cần được chú ý đặc biệt về vấn đề hạn chế tự do tôn giáo.