Ngày 09-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:57 09/03/2020

17. Phương châm của Thiên Chúa vẫn là lấy nhiều báo ít, Thiên Chúa của chúng ta tuyệt đối không so đo chúng ta dâng cho Ngài bao nhiêu, mà chỉ nhìn tâm hồn của chúng ta có khảng khái hay không, vì nguyên nhân ấy mà Ngài đem cái rất ít làm cho rất nhiều.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:09 09/03/2020
64. BẮT ĐẦU VIẾT LẠI TRÊN MẶT

Lúc Trần Đông làm quan ở Tô Châu, thì đã ra lệnh cho thuộc hạ tiến hành xử “mặc hình” (1) cho một tên tội phạm sung quân đi lính, thích lên mặt ba chữ “đặc thích phối”.

Các quan chức văn võ trong mạc phủ nhìn thấy thì nói:

- “Nếu phạm nhân mà thích chữ “đặc” thì tội hình sẽ là một loại xa lắc xa lơ với phạm nhân này, nếu sử dụng “chữ đặc” thì quyền là ở nơi triều đình, phủ Tô Châu của chúng ta nhỏ tí xíu không thể dùng nó được !”

Trần Đông lập tức sửa chữa lại, ra lệnh cho thuộc hạ đổi chữ “chuẩn điều” (2) thay cho chữ “đặc thích” và bắt đầu khắc lại. Về sau, lúc có người ở triều đình đề cử Trần Đông là người tài cán, có vị quan nọ ở triều đình hỏi:

- “Có phải Trần Đông là người đã bắt đầu viết lại bản thảo trên mặt người không?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 64:

Làm quan mà không suy xét kỷ trước khi ra lệnh thì hậu quả khó lường được, không những hại người mà còn mất uy tín của mình.

Có một vài linh mục cứ tưởng mình là ông vua nên ăn nói ngang tàng không nể nang một ai, làm cho giáo dân không nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su nơi các ngài; có một vài quý vị trong ban hành giáo làm việc bên cạnh cha sở nên cứ tưởng mình là cha sở, thế là ăn nói kẻ cả với giáo dân như cha sở làm cho giáo dân không muốn đến cộng tác với cha sở...

Không ai có uy tín cho bằng linh mục bởi vì các ngài là những người đại diện Đấng giảng dạy có quyền uy, không ai được đưa lên cao như các linh mục bởi vì các ngài được chọn khi còn là những tội nhân ngập mình trong đống bùn nhơ tội lỗi, và không ai bị án nặng nề như các linh mục nếu các ngài không ý thức và sống đúng với những gì mà mình đã lãnh nhận cách nhưng không từ nơi Thiên Chúa, bởi vì càng cao danh vọng thì càng nhiều gian nan...

Người đời thường nhớ hoài những khuyết điểm và những chuyện không tốt của người khác, nhưng lại rất hay quên những ưu điểm và chuyện tốt lành của tha nhân.

Trái lại, linh mục thì thường nhớ đến những ưu điểm và những việc tốt của người khác, và quên rất nhanh những khuyết điểm của họ để học hỏi và cộng tác, như thế thì các ngài sẽ mắc rất ít sai lầm khi làm công tác truyền giáo trong thời đại nay.

(1) Là hình phạt lấy dao khắc trên má rồi lại bôi mực lên.

(2) Căn cứ theo điều khoản của pháp luật.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo đô Rôma phải đình chỉ tất cả các Thánh lễ cho công chúng đến tận Chúa Nhật Lễ Lá
Đặng Tự Do
01:26 09/03/2020
Trong một diễn biến thật đau lòng, giáo phận Rôma đã hủy bỏ tất cả các Thánh lễ có công chúng tham dự cho đến ngày 3 tháng Tư, tức là cho đến tận Chúa Nhật Lễ Lá, để đối phó với sự bùng phát của coronavirus. Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã cho biết như trên trong một thông báo được công bố vào tối Chúa Nhật 8 tháng Ba, theo sau một sắc lệnh của chính phủ Ý đình chỉ tất cả các nghi lễ tôn giáo công cộng.

Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma giải thích rằng: “Giáo hội tại Rôma chọn một thái độ có trách nhiệm hoàn toàn đối với cộng đồng với nhận thức rằng việc bảo vệ khỏi sự lây nhiễm đòi hỏi các biện pháp quyết liệt, đặc biệt là trong việc tiếp xúc giữa các cá nhân với nhau. Do đó, cho đến hết ngày 3 tháng Tư, các nghi thức phụng vụ cộng đồng bị đình chỉ”.

Ngài nói thêm: “Mùa Chay giúp chúng ta sống cơn thử thách lớn lao này một cách truyền giáo. Tôi chúc lành cho anh chị em bằng cách giao phó tất cả anh chị em cho Đức Mẹ của Tình yêu Thiên Chúa.”

Các linh mục sống ở Rôma và Thành Vatican có thể tiếp tục dâng các thánh lễ riêng. Các giáo xứ ở Rôma sẽ vẫn mở cho anh chị em giáo dân đến cầu nguyện trước nhà tạm.

Thông báo của giáo phận Rôma cũng phản ánh quyết định chung trên toàn quốc được Hội Đồng Giám Mục Ý thông qua.

Trong ngày Chúa Nhật 8 tháng Ba, Hội Đồng Giám Mục Ý cũng đưa ra một tuyên bố giải thích rằng sắc lệnh của chính phủ Ý “đình chỉ các nghi thức dân sự và tôn giáo, bao gồm cả các tang lễ, trong cả nước cho đến thứ Sáu, 3 tháng Tư.”

“Giải thích đưa ra bởi chính quyền bao gồm một cách dứt khoát trong cụm từ ‘nghi lễ tôn giáo’ cả các Thánh Lễ và các nghi thức an táng. Đây là một diễn trình thật cam go, được tiếp nhận với đau khổ và khó khăn giữa các mục tử, các linh mục và tín hữu,” các giám mục nói.

Các Giám Mục nhấn mạnh rằng “Giáo Hội chấp nhận sắc lệnh này sau khi đã suy tư về tình hình và mong muốn góp phần của mình trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Video về các Thánh lễ hàng ngày do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại nhà nguyện Santa Marta sẽ được phát trực tiếp bởi Vatican News trên YouTube bắt đầu từ ngày 9 tháng 3.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói hôm Chúa Nhật rằng:

“Việc phát sóng các videos này sẽ cho phép những người muốn theo dõi các thánh lễ hiệp thông trong lời cầu nguyện với Giám mục Rôma.”

84 trường hợp nhiễm coronavirus đã được ghi nhận ở Lazio, là khu vực bao quanh Rôma.

Giáo phận Rôma đã kêu gọi tất cả người Công Giáo ở Rôma giữ chay và cầu nguyện cho các nạn nhân dịch bệnh coronavirus vào ngày 11 tháng Ba, và mời mọi người theo dõi Thánh lễ đặc biệt được truyền hình trực tiếp trên các đài truyền hình và trên Internet.

“Tôi nghe thấy tiếng khóc của thành phố chúng ta, của Ý và của toàn thế giới, tại thời điểm đặc biệt này mà chúng ta đang trải qua. Đó là một tình huống mà chúng ta chưa từng biết đến, điều đó làm chúng ta lo lắng, nhưng trên hết chúng ta được kêu gọi sống với sức mạnh của đức tin, sự xác tín trong niềm hy vọng, và niềm vui của đức ái,” Đức Hồng Y Donatis viết trong một lá thư công bố hôm 6 tháng Ba.

Ngài nói thêm: “Ngoài việc giữ chay, chúng ta muốn gần gũi, qua một dấu chỉ cụ thể của việc thi ân bố thí bằng cách quyên góp để hỗ trợ các nhân viên y tế đang xả thân một cách quảng đại và đầy hy sinh trong việc chăm sóc người bệnh”.

Thánh lễ hàng ngày đã bị hủy bỏ vào đầu tuần này tại Milan, Venice, Bologna và các khu vực phía bắc Ý khác, nơi phần lớn các trường hợp Covid-19 đã xảy ra.

Chính phủ Ý đã áp dụng kiểm dịch nghiêm ngặt vào ngày 8 tháng Ba đối với các khu vực miền bắc và miền trung của Ý, bao gồm Milan và Venice.

Thủ tướng Giuseppe Conte cũng tuyên bố đóng cửa các viện bảo tàng, rạp chiếu phim, buổi hòa nhạc, phòng tập thể dục, và các địa điểm khảo cổ trong cả nước. Tất cả các trường học và đại học cũng bị đóng cửa.

Hôm Chúa Nhật, 8 tháng Ba, Tòa Thánh đã xác nhận rằng chỉ có một trường hợp được chẩn đoán dương tính với Covid-19 trong Thành Vatican cho đến nay. Người đã thử nghiệm dương tính vào ngày 5 tháng Ba không phải là một cư dân hay viên chức trong Thành Vatican. Người ấy là một người ở bên ngoài đang trong tiến trình xin vào làm việc tại Vatican. Trong một cuộc kiểm tra y tế trước khi được tuyển dụng chính thức, phòng khám của Vatican đã phát hiện ra người ấy nhiễm coronavirus.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết thêm: “Năm người đã tiếp xúc gần gũi với người này đang được cách ly phòng ngừa”. Bảo tàng Vatican đóng cửa cho đến ngày 3 tháng 4.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 8 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã có một diễn từ ngắn hướng đến các bệnh nhân bị nhiễm coronavirus, và các nhân viên y tế đang xả thân chăm sóc cho họ.

Ngài nói:

Tôi gần gũi trong lời cầu nguyện với những người nhiễm coronavirus hiện nay và tất cả những người chăm sóc các bệnh nhân. Tôi hiệp cùng với các Giám mục anh em của tôi khuyến khích các tín hữu sống khoảnh khắc khó khăn này với sức mạnh của đức tin, với xác tín hy vọng và lòng nhiệt thành trong đức ái. Mùa Chay giúp tất cả chúng ta một cảm thức truyền giáo trong khoảnh khắc thử thách và đau đớn này.

Hôm 22 tháng Hai, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại miền Bologna, chính phủ Ý đã cách ly 50,000 người. Những vùng bị cách ly cứ ngày càng mở rộng dần. Đến nay, tại Ý, khoảng 16 triệu người ở vùng Bologna và các khu vực khác ở phía bắc hiện đang bị cách ly cưỡng bức.


Source:Catholic News Agency

 
Giám Mục Pháp: Dịch sợ hãi, dịch đóng cửa nhà thờ, dịch đình chỉ thánh lễ nguy hơn dịch coronavirus
Đặng Tự Do
16:31 09/03/2020
Ngay trong các thời kỳ dịch tả, và dịch hạch trầm trọng tàn phá các nước Âu Châu, các thánh lễ đã không bị đình chỉ. Chính vì thế, có nên đình chỉ các thánh lễ trong tình trạng bùng phát coronavirus hiện nay hay không là một vấn đề gây tranh cãi. \7

Nhiều giáo dân, linh mục và cả các Giám Mục cho biết các vị thất vọng về động thái này; và chỉ ra rằng việc đình chỉ các thánh lễ có thể gây thêm sự sợ hãi, làm trầm trọng thêm tình trạng hoảng loạn giữa các tín hữu.

Đức Cha Pascal Roland, Giám Mục giáo phận Belley-Ars cho rằng mọi người nên quan tâm đến “dịch sợ hãi”, “dịch đình chỉ thánh lễ”, “dịch đóng cửa nhà thờ”, hơn là dịch coronavirus.

“Chúng ta nên quan tâm đến cái dịch sợ hãi đang lan tràn trong xã hội, hơn là dịch coronavirus! Về phần mình, tôi từ chối nhượng bộ trước sự hoảng loạn tập thể, mặc dù tôi tuân theo các nguyên tắc phòng ngừa dường như đang chi phối các tổ chức dân sự,” Đức Cha Roland viết trong một cột tại trang web của giáo phận của mình.

“Vì thế, tôi không có ý định đưa ra bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào cho giáo phận của mình. Lẽ nào lại có chuyện các Kitô hữu phải ngừng tụ tập lại để cầu nguyện với nhau? Lẽ nào họ sợ đến mức bỏ rơi không dám đi thăm hỏi và giúp đỡ đồng bào của mình? Ngoài các biện pháp thận trọng cơ bản mà mọi người đều áp dụng một cách tự nhiên để không làm lây nhiễm người khác khi mắc bệnh, thì ta không nên thêm vào bất cứ điều gì nữa,” ngài nói.

Nhiều Giáo Hội địa phương trên thế giới đã ban hành các hướng dẫn phòng ngừa trong các Thánh lễ, hoặc hủy bỏ hoàn toàn các Thánh lễ công cộng, vì sự bùng phát của coronavirus bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Chủng mới của coronavirus gây ra bệnh đường hô hấp, thường được gọi là COVID-19, có tỷ lệ tử vong khoảng 3%. Đã có hơn 106,211 trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus tại 103 quốc gia và hơn 3,600 trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp tử vong và lây nhiễm đã diễn ra ở Trung Quốc.

Cho đến sáng Chúa Nhật 8 tháng Ba, Pháp đã có 949 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh, và 16 trường hợp tử vong.

Đức Cha Roland đã chỉ ra rằng đối diện những tai họa lớn trong quá khứ, các Kitô hữu đã cùng nhau cầu nguyện chung, dâng lễ cầu nguyện cho những người bệnh, tham dự các thánh lễ an táng và chôn cất người chết. Họ không quay lưng lại với Chúa hay với người hàng xóm.

Ngài nhận xét rằng: “Sự hoảng loạn tập thể mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay cho chúng ta thấy mối quan hệ bị bóp méo của chúng ta với thực tại của cái chết. Nó biểu lộ những tác động gây ra lo lắng chính vì Chúa không còn là chủ tể của đời ta.”

Đức Cha Roland nhấn mạnh rằng “chúng ta muốn che giấu chính bản thân mình sự kiện là chúng ta chỉ là những phàm nhân, chúng ta đã khép lại chiều kích tâm linh của cuộc sống, chúng ta đang thua. Chúng ta ngày càng có nhiều kỹ thuật tinh vi và hiệu quả hơn nên chúng ta tưởng mình có thể làm chủ mọi thứ và chúng ta che dấu sự thật rằng chúng ta không phải là chủ tể của cuộc sống mình!”

Coronavirus là dịp để “nhắc nhở chính bản thân chúng ta về sự mong manh của con người,” Đức Giám Mục Pháp lưu ý. Ngài nói thêm rằng “cuộc khủng hoảng toàn cầu này dù sao cũng có cái lợi là nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta sống trong một ngôi nhà chung và chúng ta đều dễ bị tổn thương và phụ thuộc lẫn nhau và rằng sự hợp tác với nhau cấp bách hơn là đóng cửa biên giới!”

Đức Cha Roland quan sát thấy rằng “dường như tất cả chúng ta đã mất trí! Chúng ta đang sống trong một bầu khí dối trá, không thật. Tại sao đột nhiên coronavirus lại có thể thu hút tất cả sự tập trung chú ý của chúng ta?”

Ngài chỉ ra rằng ở Pháp, bệnh cúm theo mùa thường làm 2 đến 6 triệu người nhiễm bệnh và gây ra khoảng 8,000 ca tử vong.

Vị Giám Mục Pháp nói rằng ngài không có ý định ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, hay đình chỉ các thánh lễ, cũng chẳng loại bỏ cử chỉ trao bình an trong các thánh lễ, hoặc áp đặt cách thức rước lễ mà nhiều người cho rằng hợp vệ sinh hơn. Nói cách khác, mọi người đều có thể rước lễ trên tay hay trên lưỡi như ý họ muốn! Nhà thờ không phải là nơi có nguy cơ, mà là nơi chăm sóc sức khỏe. Đó là nơi chúng ta chào đón Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Sự sống, và qua Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta cùng nhau học cách trở thành những con cái sống động của Chúa. Nhà thờ phải giữ nguyên ý nghĩa của nó: đó là một nơi hy vọng!

Đức Giám Mục giáo phận Belley-Ars hỏi “Anh chị em có nên chôn chân ở nhà không? Anh chị em có nên nhào đến siêu thị khu phố để dự trữ các thứ chuẩn bị cho một cuộc bao vây không? Không! Đừng làm như thế. Bởi vì một tín hữu Kitô là một người không sợ chết. Anh chị em biết rằng mình là người phàm, nhưng anh chị em biết mình đã đặt niềm tin vào Đấng nào.”

Kitô hữu không thuộc về chính mình, cuộc sống của người ấy được Chúa ban cho, người ấy không sợ chết vì người ấy theo Chúa Kitô, Đấng đã dạy rằng ‘Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy’” (Mt 16:25)

Đức Cha Roland kết luận rằng:

“Vì vậy, chúng ta đừng nhượng bộ trước nỗi sợ hãi! Chúng ta đừng là xác chết biết đi! Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thuờng nói: đừng để họ đánh cắp hy vọng của anh chị em!”


Source:Catholic News Agency
 
Tù nhân nổi loạn tại Italia sau khi gần một phần tư dân số bị cách ly
Đặng Tự Do
18:10 09/03/2020
Thủ tướng Italia, ông Giuseppe Conte, đã ra lệnh cách ly khu vực phía bắc của đất nước bao gồm miền Lombardy và 14 tỉnh lân cận trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Động thái này, được công bố vào ngày Chúa Nhật 8 tháng Ba, đã đặt khoảng 16 triệu người trong tình trạng bị cách ly cho đến ngày 3 Tháng Tư. Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 22 tháng Hai, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại miền Lombardy, chính phủ Ý chỉ cách ly 50,000 người.

“Chúng tôi hiểu rằng những biện pháp này sẽ đòi hỏi sự hy sinh, nhưng đây là thái độ có trách nhiệm của mỗi cá nhân,” ông Conte nói trong một cuộc họp báo vào hôm Chúa Nhật.

Đến nay trong khi người ta chưa biết cuối cùng lệnh cách ly kinh hoàng này có mang lại hiệu quả nào hay không, thì thật sự nó đã tạo ra một sự hoảng loạn rất lớn tại Italia.

Ở Italia hầu như cái gì cũng có thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Ngay cả các tài liệu trên bàn làm việc của Đức Giáo Hoàng, cũng bị rò rỉ.

Lần này cũng như thế, dự thảo lệnh cách ly khu vực phía bắc của đất nước đã bị rò rỉ ra cho báo chí và được lưu hành rộng rãi vào tối thứ Bảy, khiến cho hàng chục ngàn người vội vã rời khỏi các khu vực bị cách ly bằng mọi phương tiện.

Tờ La Repubblica đưa tin, tại Milan, khoảng 500 người đã lao nhanh ra nhà ga trung ương ở Milan, cố gắng đáp ngay những chuyến tàu cuối cùng để thoát ra khỏi vùng bị cách ly.

Ngay vào sáng Chúa Nhật, nhiều người vẫn lang thang ở phi trường Milan hoang vắng cố gắng tìm kiếm trong tuyệt vọng một con đường thoát thân.

Roberto Burioni, một nhà dịch tễ học nói:

“Thật điên rồ. Một sắc lệnh nghiêm trọng như thế lại bị rò rỉ, mọi người hoảng loạn và cố gắng thoát khỏi vùng được giả định sắp bị cách ly, mang theo sự lây nhiễm với họ. Cuối cùng, tác dụng duy nhất của cái lệnh cách ly này là giúp cho sự lây lan của virus nhanh hơn và rộng khắp đất nước.”

Ông Conte đã lên tiếng chỉ trích sự rò rỉ của bản dự thảo chưa được ký, và nói rằng sự rò rỉ này tạo ra “những ngờ vực và hoang mang”. Tuy nhiên, ông vẫn bảo lưu quyết định phong tỏa các khu vực này.

Động thái phong tỏa quyết liệt của chính phủ được đưa ra sau khi các xét nghiệm cho thấy có sự gia tăng lớn về số lượng nhiễm trùng coronavirus. Trong bản cập nhật hàng ngày, cơ quan bảo vệ dân sự của Ý hôm thứ Bảy cho biết số người nhiễm bệnh đã tăng thêm 1,247 người, nâng tổng số lên tới 5,883.

Trong số những người bị nhiễm có cả người đứng đầu Đảng Dân chủ, Nicola Zingaretti.

Dân chúng đã phản đối mạnh quyết định cách ly này của chính phủ Ý. Tờ Corriere della Sera cho biết tại nhà tù San Vittore ở Milan, các tù nhân đã nổi loạn và hôm thứ Hai 9 tháng Ba. 20 tù nhân được nhìn thấy lang thang trên các mái nhà với các biểu ngữ phản đối.

Hàng chục vụ nổi loạn của các tù nhân được ghi nhận tại Foggia, Naples và Fronsione. Riêng tại Modena, 6 tù nhân đã chết. Cảnh sát giải thích là vì họ cướp một bệnh xá trong nhà tù và sau đó chết vì dùng quá liều chất methadone cướp được trong bệnh xá này.


Source:Fox 35
 
Báo động Coronavirus ở Úc nhảy vọt lên 100 trường hợp
Thanh Quảng sdb
19:00 09/03/2020
Báo động Coronavirus ở Úc nhảy vọt lên 100 trường hợp

Các trường hợp nhiễm Coronavirus ở Úc tiếp tục gia tăng từ 91 trường hợp lên 100 trường hợp vào sáng nay, sau khi có những ca mới được chẩn đoán tại hai tiểu bang NSW và Victoria.

Các trường hợp bị nhiễm coronavirus vẫn tiếp tục lan rộng trên cả nước.

Một số trường học buộc phải đóng cửa và hàng ngàn người đang tự cô lập.

Có 47 trường hợp bị nhiễm tại NSW, và đã có hai người đã chết. Các nhà chức trách đang điều tra 476 trường hợp và gần 8000 người được xét nghiệm và kết quả là không bị lây nhiễm tại tiểu bang NSW.

Tại tiểu bang Victoria đã có 15 trường hợp bị nhiễm và Tây Úc (WA) có sáu trường hợp bị nhiễm.

Một Trường tư thục nổi tiếng tại tiểu bang Victoria phải đóng cửa, đó là Trường Trung học Carey Baptist ở phía đông thành phố đã phải đóng cửa hôm nay (10/3/20), sau khi một giáo viên có triệu chứng mắc vi khuẩn Covid-19! được biết giáo sư này đã đáp chuyến bay từ Mỹ về Melbourne trong đó có bác sĩ Chris Higgins, người cũng bị nhiễm virus này ở Toorak.

Đây là trường hợp lây truyền virus từ người sang người đầu tiên ở Victoria. Trường Carey Grammar là trường thứ tư phải đóng cửa vì coronavirus ngày càng lan rộng; sau ba trường ở tiểu bang NSW phải đóng cửa…

Coronavirus còn khủng hoảng lớn hơn khủng khoảng tài chánh toàn cầu (GFC)

Thủ tướng nước Úc, ông Scott Morrison phát biểu rằng tác động của Coronavirus có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Covid-19 là một mối đe dọa cho sức khỏe toàn cầu, và nó cũng làm ảnh hưởng tới kinh tế một cách khốc liệt, có khả năng đưa tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt đối với nước Úc.

Sự bùng nổ Covid-19 từ Trung Quốc đã lây lan, phát tán đi khắp nơi làm cho dân chúng xa tránh đi mua sắm, nhiều công nhân không dám tới xưởng làm và các công sở v.v…

Hiện có 100 trường hợp nhiễm Coronavirus tại Úc.

Con số người bị nhiễm từ 91 đã tăng lên 100 vào sáng nay (10/3/20) sau khi NSW xác nhận có tám trường hợp mới và 1 ở Victoria.

Chính phủ Úc đang cân nhắc xem sẽ phản ứng ra sao đối với con virus quái ác này sau khi nước Ý tuyên bố đình chỉ hầu hết các lễ hội và các trường sở trên toàn quốc.

Một số người bị nhiễm tiêu biểu tại Úc như:

• Một phụ nữ ở tuổi 20, bị nhiễm từ một trường hợp bệnh tại Bệnh viện Ryde NSW.

• Một phụ nữ ở độ tuổi 40 về từ Hàn Quốc

• Một người đàn ông ở độ tuổi 20, một cư dân Victoria vừa trở về từ Hồng Kông

• Một phụ nữ ở độ tuổi 80 đã chuyển từ Cơ sở Chăm sóc Người cao tuổi Dorothy Henderson đến Bệnh viện Ryde

• Một phụ nữ ở độ tuổi 40 có liên quan đến một người đã chết từ Cơ sở Chăm sóc Người cao tuổi Dorothy Henderson Lodge

Bộ Y tế NSW cũng đang theo dõi ba trường hợp khác; một phụ nữ ở độ tuổi 30, một nam ở độ tuổi 70 và một phụ nữ ở độ tuổi 40 để xác định nguồn gốc bị nhiễm trùng từ đâu và theo dõi các liên hệ của họ.

Bộ trưởng Giáo dục Liên bang, ông Dan Tehan cho hay "Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe tham khảo ý kiến của bộ y tế hàng ngày để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ cho sự an sinh trong cộng đồng".

Một trường tư ở Perth cũng đang cảnh báo về coronavirus, đó là trường Tranby College. Trường đã thông báo đền các học sinh và phụ huynh rằng một người bố của một học sinh có tiếp xúc với một đồng nghiệp bị nhiễm Covid-19. "Ông ấy và một trong những đứa con của ông ấy đang có các triệu chứng cúm. Cả gia đình hiện đang tự cô lập chờ kết quả của các cuộc xét nghiệm vào đầu tuần tới", Ông Hiệu trưởng Clayton Massey thông báo như trên trong một lá thư gửi đến phụ huynh học sinh mới đây.

Tiến sĩ Hull cảnh báo dân Úc nên có những chuẩn bị, vì ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm nên: "Để bảo vệ tất cả mọi người, đặc biệt là người già, dễ bị tổn thương, chúng ta nên cách ly người bệnh ở nhà trong hai tuần, để ngăn chặn sự lây lan”.

"Hai tuần nay sẽ thật là khó khăn và tốn kém, nhưng mang lại kết quả tốt cho mọi người; nếu không, các giải pháp khác còn khó khăn hơn nhiều!” như: "Chúng ta phải đóng cửa trường học, các đại học và nhiều doanh nghiệp để giảm bớt các trường hợp lây lan… Phải chuẩn bị, tăng cường sắp xếp các thiết bị bảo vệ và hỗ trợ, tăng phòng ốc trong bệnh viện v.v..."

Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison cũng cho hay chính phủ đã dự chi hàng chục tỷ đô, hầu ngăn chặn và hỗ trợ các xí nghiệp…

Bộ trưởng tài chánh Liên bang, ông Stephen Walters cho hay việc suy thoái kinh tế nước Úc là điều không thể tránh được! Ông cho biết ngành du lịch và giáo dục là hai lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất...

Tại Tây Úc có 2 người bị nhiễm Coronavirus, đây là trường hợp lây lan từ người sang người đầu tiên của tiểu bang: một bà ở độ tuổi 60 bị lây nhiễm virut từ người chồng, khi ông trở về từ Iran.

Một người đàn ông khác ở độ tuổi 40 cũng được biết là bị lây nhiễm từ người mẹ khi bà về từ Jakarta.

Cơ quan y tế đang theo dõi sáu trường hợp bị lây nhiễm trong tiểu bang.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ cầu cho những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus
Đặng Tự Do
19:19 09/03/2020
Sáng thứ Hai 9 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại Casa Santa Marta để cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus.

Một ngày trước đó, hôm Chúa Nhật, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định dâng Thánh Lễ hàng ngày vào lúc 7giờ sáng sau khi Hội Đồng Giám Mục Ý đi đến quyết định đình chỉ các thánh lễ cho đến tận Chúa Nhật Lễ Lá.

Sáng thứ Hai mùng 9 tháng Ba, khi bắt đầu cử hành thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Trong những ngày này, tôi sẽ dâng thánh lễ cho những người bị nhiễm coronavirus, cho các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên đang giúp đỡ họ, cho gia đình họ, cho người già trong các viện dưỡng lão, và cho các tù nhân.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã yêu cầu tất cả mọi người cùng nhau cầu nguyện trong tuần này, theo ý chỉ của bài ca nhập lễ ngày thứ Hai trong tuần thứ Hai Mùa Chay.

“Lạy Chúa, xin cứu chuộc và thương xót tôi. Chân tôi đứng vững trên đường ngay thẳng, tôi sẽ chúc tụng Chúa trong các cộng đoàn.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài đọc Thứ Nhất trong ngày, trích từ Sách Tiên tri Daniel (9: 4-10).

Toàn văn bài đọc Thứ Nhất như sau:

“Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác”.

Bài Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Ðấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha đã mô tả bản văn này như một “lời thú nhận tội lỗi” đáng cho chúng ta bắt chước.

Mọi người nhận ra rằng họ đã phạm tội. ‘Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con’. Đây là một lời thú nhận tội lỗi, một sự thừa nhận rằng chúng ta đã phạm tội.

Đức Thánh Cha mô tả tiếp rằng, khi chúng ta chuẩn bị đón nhận Bí tích Hòa giải, chúng ta phải làm một việc gọi là ‘tự vấn lương tâm’. Đức Thánh Cha phân biệt giữa một danh sách các tội lỗi được thực hiện trên bình diện trí tuệ, và sự thừa nhận chân thành tội lỗi chúng ta. “Liệt kê các tội lỗi thôi thì không đủ,” Đức Thánh Cha nói.

Quan sát việc chuẩn bị đón nhận Bí tích Hòa giải của nhiều người, Đức Thánh Cha nói:

Tôi sẽ lập một danh sách những tội lỗi trong tâm trí, rồi nói ‘Tôi đã phạm tội”, rồi thưa cùng linh mục và sau đó linh mục tha thứ cho tôi. Điều đó giống như lập ra một danh sách những việc cần làm hoặc những thứ tôi cần phải có hoặc những gì tôi đã làm sai. Điều này chỉ lảng vảng trong tâm trí chúng ta. Một lời thú nhận tội lỗi thực sự phải ở lại trong con tim chúng ta.

Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta tiến lên một bước để “nhìn nhận sự khốn khổ của chúng ta, nhưng từ thẳm sâu trái tim mình”. Đây là những gì Tiên tri Daniel đã làm: “Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội Chúa.”

Khi tôi nhận ra rằng tôi đã phạm tội, rằng tôi đã không cầu nguyện tốt, và tôi cảm thấy điều này trong lòng, một cảm giác xấu hổ đến với tôi. Cảm thức xấu hổ về tội lỗi của mình là một ân sủng mà chúng tôi cần phải kêu cầu.

Một người đã mất cảm thức xấu hổ thì đã mất đi ý thức phân định luân lý, đã mất sự tôn trọng đối với người khác, và mất cả lòng kính sợ Chúa. Trái lại, nếu chúng ta có cảm thức nhục nhã về tội lỗi của mình, thì chúng ta phải nói được như Tiên tri Daniel: ‘Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con.’ Đức Thánh Cha nhận xét rằng: đầu tiên vị Tiên tri đề cập đến công lý, sau đó, ngài nói đến lòng từ bi Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích thêm rằng khi một cảm thức xấu hổ vì đã phạm tội được thêm vào ký ức chúng ta, thì “điều này khiến Thiên Chúa mủi lòng”. Cảm thức xấu hổ khiến chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa. Khi đó, những lời thú tội của chúng ta sẽ không chỉ giới hạn trong việc đọc một danh sách các tội lỗi, nhưng bao gồm cả việc nhận ra những gì chúng tôi đã làm với một Thiên Chúa tốt lành, từ bi, rất công chính.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Hôm nay, chúng ta hãy xin ân sủng biết xấu hổ, biết cảm thấy nhục nhã vì tội lỗi của chúng ta. Xin Chúa ban ân sủng này cho tất cả chúng ta.


Source:Vatican News
 
Phải gửi người đàn bà Công Giáo loại sứ điệp nào
Vũ Văn An
21:35 09/03/2020
Mấy năm gần đây, người ta hay nói về vai trò của người đàn bà trong Giáo Hội theo chiều hướng quyền hành, nhưng Carries Gress (xem https://www.ncregister.com/blog/cgress/have-we-been-doing-catholic-womens-messaging-wrong) cho rằng điều ấy hình như chẳng ăn nhằm gì tới nền văn hóa nữ giới Công Giáo và do đó không nói lên được chút nào căn tính của họ và cũng không kéo họ ra khỏi nền văn hóa chết chóc đang ngự trị trong thời đại ta.



Theo tác giả này, một trong những cách vươn tới người phụ nữ là xem xem họ dành nhiều thời gian xem và đọc ở đâu. Phần lớn phụ nữ khi nói tới truyền hình, không lưu ý tới các đài hay chương trình tin tức cho bằng các hệ thống như HGTV (chỉnh trang và buôn bán nhà cửa) hay Food Network (ăn uống). Tác giả khám phá ra sự kiện này nhân những ngày nằm bệnh viện sinh đứa con thứ năm. Các y tá tại bệnh viện xác nhận: mọi phụ nữ ở đây đều chỉ coi một trong hai đài đó.

Một định mức khác là các tạp chí. Dù không sinh lời như trước đây, các tạp chí vẫn được in ấn trong khi gần như mọi hình thức truyền thông khác đều đã lên trực tuyến cả. Phụ nữ, kể cả phụ nữ Công Giáo, vẫn tiếp tục thích lần giở các trang tạp chí bất chấp các nội dung và quảng cáo thường không mấy làm họ hài lòng.

Nói về nội dung, tác giả cho rằng một trong các ý kiến trổi vượt mà tác giả nhận được khi muốn thông tri cho các phụ nữ là chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng đánh bại được điều tác giả gọi là mẫu quyền [matriarchy] bằng chính các ngôn từ của họ. Đây là nhóm các phụ nữ ưu tuyển chuyên thông tri cho việc gửi các sứ điệp phò phá thai, phò cách mạng tình dục núp đàng sau chính trị, kỹ nghệ thời trang, Hollywood, xuất bản sách, học thuật và các tạp chí. Với hàng tỷ bạc mặc tình chi tiêu, nhóm mẫu quyền này phần lớn kiểm soát được cách phần lớn phụ nữ, kể cả phụ nữ Công Giáo, suy nghĩ.

Đó là lý do tại sao, mặc dù chúng ta hết sức cố gắng, các con gái của chúng ta vẫn thường từ bỏ đức tin khi bước vào đại học. Ảnh hưởng của nhóm mẫu quyền đơn thuần có tính mạnh mẽ trong khi ảnh hưởng của Giáo Hội thì quá yếu ớt. Thành thử, tác giả được người ta cho hay chúng ta không thể cạnh tranh với tiền bạc và ảnh hưởng của họ được.

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là nhiều người Công Giáo vẫn không sợ trong việc cố gắng giao tiếp với chủ nghĩa duy nữ triệt để ngay trong chính các điều kiện của nó bằng cách cố tái sáng chế một thứ duy nữ có thể làm hài lòng cả những người duy nữ thế tục kiên trì nhất. Trong khi đưa ra nhiều đóng góp đối với yếu tính của phụ nữ tính, các cố gắng này đã đưa tới hậu quả phân duy nữ thành nhiều trường phái đếm không xuể.

Tác giả cho rằng dù đã cẩn thận không muốn dấn bước theo nền văn hóa thế tục, nhưng chúng ta lại không e ngại ủng hộ và tái định nghĩa ý thức hệ duy nữ. Thay vì tiến bước bên trong truyền thống trí thức của riêng mình, chúng ta lại o bế ngôn từ, ý niệm và tiền đề của họ, để mong cạnh tranh với họ. Chúng ta tiếp nhận ý thức hệ của họ để mong biến cải nó, nhưng hậu quả thuần lại là biến chúng ta thành một thứ đàn ông đàn bà lúng túng, hoàn toàn mơ hồ không biết phụ nữ là ai.

Hậu quả ấy thấy rõ, theo tác giả, ở chỗ “chúng ta không có các nhà chuyên môn về lối sống Công Giáo nổi tiếng, chúng ta không có cả một tạp chí phụ nữ Công Giáo nổi tiếng”.

Giải thích hiện tượng trên, có người cho một là vì không có đủ các người Công Giáo tài trợ cho các dự án ấy hai là vì người Công Giáo không chịu chi tiền cho các món chuyên biệt được giới thiệu với họ. Nhưng theo tác giả, có đến gần 35 triệu phụ nữ Công Giáo tại Hoa Kỳ, chiếm tới 20-25 phần trăm dân số cả nước. Trong khi dân số LGBT chỉ chiếm khoảng 3 phần trăm, nhưng họ gần như có mặt khắp nơi trong nền văn hóa Hoa Kỳ. Sự vô hình của người Công Giáo Hoa Kỳ không hẳn chỉ vì nhóm mẫu quyền không ưa họ, mà còn vì “chúng ta chưa nhìn ra giá trị của việc nối vòng tay lớn với nền văn hóa rộng lớn hơn kia bằng việc chuyển sứ điệp của chúng ta một cách hiểu biết và thuyết phục”.

Tác giả nói rằng chúng ta ủng hộ nhiều vẻ đẹp trong các chân lý ngàn xưa của đức tin, nhưng xem ra chùn bước trước ý nghĩ trình bầy các ý niệm của chúng ta “vừa như cũ nhưng lại vừa như rất mới”. Nghịch lý thay, Giáo Hội, định chế vốn hết lòng hỗ trợ nghệ thuật trong lịch sử thế giới nhưng lại có những giới chạy quanh nó bằng việc phát sứ điệp và các phương tiện truyền thông của thế giới thế tục.

Theo tác giả, hiện chúng ta có rất nhiều sách vở, viện, và mạng tin tức nhắm vào đàn ông, thay vì phục vụ các quan tâm của phụ nữ Công Giáo. Một số người nhận xét rất đúng rằng nội dung Công Giáo phần lớn “do đàn ông nói với đàn ông về đàn bà” thay vì được thúc đẩy bởi những điều thực sự có thể lôi cuốn phụ nữ như các vấn đề thực tiễn (nhà cửa, nấu nướng, thực phẩm, thời trang, du lịch, thẩm mỹ và liên hệ).

Dĩ nhiên, phụ nữ không chỉ quan tâm đến những chuyện trên, nhưng đó là những chuyện nẩy sinh óc sáng tạo, và lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sức mạnh của các ý niệm ấy khi nhìn vào lý do tại sao ta đã đánh mất nền văn hóa: không phải vì phụ nữ đọc Karl Marx và Margaret Sanger, mà vì họ đọc Cosmo, xem Oprah, nghe Madonna và Beyoncé. Đó là những loại gửi sứ điệp đã bão hòa nền văn hóa của chúng ta bằng các dối trá mà hầu hết chúng ta đã tiến tới chỗ tin rằng con cái là một trở ngại cho hạnh phúc của chúng ta và tự do đích thực nằm ở chỗ có một nghề nghiệp.

Tác giả nhận định rằng phụ nữ Công Giáo có một sứ điệp đáng lưu ý để chia sẻ, một sứ điệp cần phải vượt quá các bức tường học thuật và bước vào chính dòng truyền thông phổ quát hơn. Các nghiên cứu tiếp tục chứng minh rằng họ là những người đàn bà hạnh phúc nhất trên hành tinh. Họ có điều phần lớn các phụ nữ đều khát mong đó là cuộc sống có ý nghĩa, có gia đình, có những người chồng trung tín, có một đức tin sâu sắc giúp chúng ta vượt qua các thăng trầm của đời người. Đó là các sứ điệp mà các phụ nữ thế tục và Công Giáo cần được nghe, thế nhưng về phương diện văn hóa rất ít chỗ họ tìm thấy chúng.

Chúng ta đang tranh đấu chống nền văn hóa chết chóc, một nền văn hóa thường mô tả chúng ta như những tấm lau chân đặt ở cửa ra vào. Không có gì có thể dẹp bỏ bức tranh biếm họa này bằng nền văn hóa sinh động hóa trình bầy joie de vie (niềm vui sống) vốn là của chúng ta. Thay vì luôn luôn chơi trò phòng thủ chống các mệnh lệnh của nhóm mẫu quyền, chúng ta có thể tiến qua thế tấn công bằng cách cho mọi người thấy sự phong phú của đức tin ta và sự bình an cùng niềm vui phát xuất từ một cuộc sống gắn bó với đức tin này.

Tác giả cho rằng cho tới khi người Công Giáo bắt đầu thực sự bắt tay vào việc nối vòng tay lớn với phụ nữ một cách vừa thuyết phục vừa dễ cập nhật đối với họ, nền văn hóa vẫn y nguyên như hiện nay. Tỷ lệ phá thai vẫn chóng mặt. Tình trạng không thoải mái với phái tính (gender dysphoria) vẫn tiếp diễn. Chúng ta có thể tiếp tục cố gắng tăng cường phòng thủ thị thành ta bằng thành lũy, pháo đài, và đủ loại phòng thủ, nhưng cho tới khi ta có thể ngăn ngừa các thối rữa và tật bệnh đi vào bằng cửa sau giống như các đại dịch ngày xưa, nền văn hóa chết chóc vẫn tiếp tục thống trị.

Cho đến khi ta có thể tìm được các cách thức mới để với tới người phụ nữ và giúp họ nhìn ra ý thức hệ chết chóc đang rao bán cho họ hàng ngày như sự thật và ánh sáng, sự mơ hồ lẫn lộn về Giáo Hội, giáo huấn của Giáo Hội và sức mạnh Giáo Hội vốn có để biến đổi đời sống mọi người đàn bà, sẽ vẫn còn đó.
 
Đừng hoảng sợ vì cơn dịch Covid-19
Thanh Quảng sdb
22:25 09/03/2020
Đừng hoảng sợ vì cơn dịch Covid-19

Tin từ Abu Dhabi do Thông tấn xã Fides cho hay: Đức giám quản Paul Hinder OFM Cap, Giám mục Tông tòa của Vương quốc Nam Ả Rập, trong Lá thư Mục vụ gửi cho toàn thể tín hữu trong Giáo phận viết:

"Tình hình hiện tại là thời gian để chúng ta, những người Công Giáo phó thác vào niềm tin, hy vọng và bày tỏ tình tương tương ái với nhau, đặc biệt trong Mùa Chay này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc chặn đứng cơn dịch Coronavirus và cho tất cả những ai bị cơn bệnh này hoành hành!"

Đức Giám quản nhắc nhớ chúng ta trong thánh lễ sau lúc đọc kinh Lạy Cha, linh mục cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an.

Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, Chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con””.

Đức Cha Hinder nhắc nhở các tín hữu rằng "các cơ quan chính quyền của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để làm giảm thiểu các nguy cơ lây lan... Do đó, chúng ta không cần phải lo lắng quá mức hoặc hoảng sợ thái quá". Ngài kêu gọi các tín hữu hãy thực hành các biện pháp phòng ngừa, để hạn chế rủi ro, Đức cha nói: "điều này thật tối cần thiết vì tình trạng của chúng ta là một Giáo hội, một xã hội không ngừng vận chuyển nên việc du hành ra nước ngoài nên hạn chế, nếu cần đi thì phải đi vì lý do nghề nghiệp mà thôi…"

Đức cha Giám quản cũng ban hành các chỉ dẫn áp dụng cho các nhà thờ, có hiệu lực từ ngày 6 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2020: ”Các tín hữu nào bị cảm lạnh hoặc mắc các bệnh khác nhau nên nghỉ ở nhà; Việc rước lễ sẽ được rước bằng tay; các người cho rước lễ, nên rửa tay bằng chất khử trùng để làm sạch tay trước khi phân phát Thánh thể trong tất cả các nhà thờ; các cuộc hội họp sẽ bị đình chỉ và trong Thánh lễ, người ta không bắt tay hay ôm hôn khi chúc bình an. Hủy bỏ tất cả các cuộc họp nhóm và các lễ hội cũng như tổ chức các cuộc hành hương trong và ngoài nước. (AG-PA) (Agenzia Fides, 9/3/2020)
 
Văn Hóa
60 Năm Tông Hiến Venerabilium Nostrorum
Lê Đình Thông
08:49 09/03/2020
Năm 59 (1): trăm năm Lộ Đức
300 năm vừa lúc sang trang
Từ nay Hội thánh mở mang
Và Hàng Giáo phẩm Việt Nam trị vì.

Vị Đặc sứ Hồng Y (2) tuyên đọc
Tông Hiến ban phước lộc ơn Trời
Lập Hàng Giáo phẩm rạng ngời
Gồm ba giáo tỉnh, ba nơi một nhà.

Hàng Giáo phẩm gồm ba giáo tỉnh
Từ Hà thành quyền bính từ đây
Saigon và Huế hăng say
Tông tòa tên cũ, từ nay chính tòa.

Ở miền Bắc bông hoa mười cánh:
Chia ra mười Giáo phận, đến Vinh
Miền Trung có bốn thành hình
Saigon gồm sáu quang vinh dẫn đầu.

Sang tháng chạp năm sau (3) phong chức
Từ nay thêm Giám mục quê nhà :
Đức Cha : Điền, Ngữ chói lòa
Hai Đức Cha Thiện (4) chính tòa bổ sung.

Ba Giáo tỉnh có ba tân chức:
Đức Cha Khuê và Đức Cha Bình
Họ Ngô vững chãi niềm tin
Từ Nam Trung Bắc kính tin một thời.

Lúc thành lập : hai mươi giáo phận
60 năm phấn chấn thêm tòa
Ngày nay 27 chính tòa
40 giám mục chính tòa, trống ngôi.

Hàng giáo phẩm sáng ngời thiên triệu
Số giáo dân 7 triệu gấp đôi
Lòng thành kính tiến Ba Ngôi
Te Deum lạy tạ Chúa Trời khấn ban.

Lê Đình Thông


Venerabilium Nostrorum : Chư huynh Đáng kính
(1) Ngày 18/12/1960, trước Nhà thờ Đức Bà Saigon
(2) ĐHY Grégoire Agagianian (1895-1971) còn khánh
Thánh tượng Nữ vương Hòa Bình trước nhà thờ.
(3) Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện (Vĩnh Long)
và Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện (Mỹ Tho).




 
VietCatholic TV
Cùng với Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới. Hoảng loạn diễn ta tại Ý
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:13 09/03/2020


Tính đến sáng thứ Ba mùng 10 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng vọt lên đến 4,206 người, và số người nhiễm bệnh lên đến 114,416 người.

Hoa Lục dẫn đầu con số thương vong với 3,136 người chết, và 80,754 trường hợp nhiễm bệnh. Kế đến là tại Ý với 463 người chết, và 9,172 trường hợp nhiễm bệnh. Tiếp theo là Iran với 237 người chết, và 7,161 trường hợp nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó còn có các tình huống hỗn loạn khác. Tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, cho biết tại nhà tù San Vittore ở Milan, bên Ý, các tù nhân đã nổi loạn vào hôm thứ Hai 9 tháng Ba. 20 tù nhân được nhìn thấy lang thang trên các mái nhà với các biểu ngữ phản đối. Hàng chục vụ nổi loạn của các tù nhân được ghi nhận tại Foggia, Naples và Fronsione. Riêng tại Modena, 6 tù nhân đã chết. Cảnh sát giải thích là vì họ cướp một bệnh xá trong nhà tù và sau đó chết vì dùng quá liều chất methadone cướp được trong bệnh xá này.

Tại Iran, Bộ Tư Pháp nước này nói hôm thứ Hai rằng dịch bệnh đã bùng phát trong các nhà tù cho nên chính phủ quyết định phóng thích khoảng 70,000 tù nhân, để họ khỏi phải chết trong tù vì coronavirus. Sáu ngày trước đó, 54,000 tù nhân đã được phóng thích trong đó có một nhà truyền giáo người Anh vừa bị kết án 5 năm tù vài tháng trước đây.

Sáng thứ Hai 9 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại Casa Santa Marta để cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi coronavirus.

Một ngày trước đó, hôm Chúa Nhật, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định dâng Thánh Lễ hàng ngày vào lúc 7giờ sáng sau khi Hội Đồng Giám Mục Ý đi đến quyết định đình chỉ các thánh lễ cho đến tận Chúa Nhật Lễ Lá.

Sáng thứ Hai mùng 9 tháng Ba, khi bắt đầu cử hành thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Trong những ngày này, tôi sẽ dâng thánh lễ cho những người bị nhiễm coronavirus, cho các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên đang giúp đỡ họ, cho gia đình họ, cho người già trong các viện dưỡng lão, và cho các tù nhân.”

Sau đó, Đức Thánh Cha đã yêu cầu tất cả mọi người cùng nhau cầu nguyện trong tuần này, theo ý chỉ của bài ca nhập lễ ngày thứ Hai trong tuần thứ Hai Mùa Chay.

“Lạy Chúa, xin cứu chuộc và thương xót tôi. Chân tôi đứng vững trên đường ngay thẳng, tôi sẽ chúc tụng Chúa trong các cộng đoàn.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài đọc Thứ Nhất trong ngày, trích từ Sách Tiên tri Daniel (9: 4-10).

Toàn văn bài đọc Thứ Nhất như sau:

“Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác”.

Bài Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Ðấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con. Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha đã mô tả bản văn này như một “lời thú nhận tội lỗi” đáng cho chúng ta bắt chước.

Mọi người nhận ra rằng họ đã phạm tội. ‘Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con’. Đây là một lời thú nhận tội lỗi, một sự thừa nhận rằng chúng ta đã phạm tội.

Đức Thánh Cha mô tả tiếp rằng, khi chúng ta chuẩn bị đón nhận Bí tích Hòa giải, chúng ta phải làm một việc gọi là ‘tự vấn lương tâm’. Đức Thánh Cha phân biệt giữa một danh sách các tội lỗi được thực hiện trên bình diện trí tuệ, và sự thừa nhận chân thành tội lỗi chúng ta. “Liệt kê các tội lỗi thôi thì không đủ,” Đức Thánh Cha nói.

Quan sát việc chuẩn bị đón nhận Bí tích Hòa giải của nhiều người, Đức Thánh Cha nói:

Tôi sẽ lập một danh sách những tội lỗi trong tâm trí, rồi nói ‘Tôi đã phạm tội”, rồi thưa cùng linh mục và sau đó linh mục tha thứ cho tôi. Điều đó giống như lập ra một danh sách những việc cần làm hoặc những thứ tôi cần phải có hoặc những gì tôi đã làm sai. Điều này chỉ lảng vảng trong tâm trí chúng ta. Một lời thú nhận tội lỗi thực sự phải ở lại trong con tim chúng ta.

Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta tiến lên một bước để “nhìn nhận sự khốn khổ của chúng ta, nhưng từ thẳm sâu trái tim mình”. Đây là những gì Tiên tri Daniel đã làm: “Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội Chúa.”

Khi tôi nhận ra rằng tôi đã phạm tội, rằng tôi đã không cầu nguyện tốt, và tôi cảm thấy điều này trong lòng, một cảm giác xấu hổ đến với tôi. Cảm thức xấu hổ về tội lỗi của mình là một ân sủng mà chúng tôi cần phải kêu cầu.

Một người đã mất cảm thức xấu hổ thì đã mất đi ý thức phân định luân lý, đã mất sự tôn trọng đối với người khác, và mất cả lòng kính sợ Chúa. Trái lại, nếu chúng ta có cảm thức nhục nhã về tội lỗi của mình, thì chúng ta phải nói được như Tiên tri Daniel: ‘Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con.’ Đức Thánh Cha nhận xét rằng: đầu tiên vị Tiên tri đề cập đến công lý, sau đó, ngài nói đến lòng từ bi Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích thêm rằng khi một cảm thức xấu hổ vì đã phạm tội được thêm vào ký ức chúng ta, thì “điều này khiến Thiên Chúa mủi lòng”. Cảm thức xấu hổ khiến chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa. Khi đó, những lời thú tội của chúng ta sẽ không chỉ giới hạn trong việc đọc một danh sách các tội lỗi, nhưng bao gồm cả việc nhận ra những gì chúng tôi đã làm với một Thiên Chúa tốt lành, từ bi, rất công chính.

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Hôm nay, chúng ta hãy xin ân sủng biết xấu hổ, biết cảm thấy nhục nhã vì tội lỗi của chúng ta. Xin Chúa ban ân sủng này cho tất cả chúng ta.


Source:Vatican News