Một Giám Mục Bất Khuất Trước Bạo Lực
(Phần 2 và hết)

+ TGM Oscar Romero Gởi Nhiều Sứ Điệp Đến Các Nhà Cầm Quyền
ĐTGM Romero bị bắn lúc đang dâng lễ
ĐTGM Romero vị thánh của người cô thế nghèo khổ
ĐTGM Romero vị thánh của người cô thế nghèo khổ
ĐTGM Romero người mục tử nhân hậu của đoàn chiên

TGM Oscar Romero dùng Đài Phát Thanh Công Giáo để chuyển tải các bài giảng của mình đến Chính Quyền cũng như đến người dân El Salvador (YSAX Radio). Các chương trình phát thanh của Ngài vạch trần ra những cuộc đàn áp của giới thống trị, với những cuộc khủng bố, tra tấn giết người, và rất nhiều người bị bắt đi biệt tích. Tất cả những hành động dã man này đang diễn ra ngay trên quê hương và xảy ra cho các đồng bào thân yêu của Ngài. Dân chúng El Salvador theo dõi thường xuyên các bài giảng của Ngài trên làn sóng Radio với con số đông dảo hơn rất nhiều so với các thính giả của các đài chính phủ. Một cuộc khảo sát cho biết có đến 76% người miền quê, và 37% người thành thị thường xuyên theo dõi tin tức và các bài giảng của Ngài trên các làn sóng Radio. Nếu vì lý do nào đó không thể đi dâng lễ, họ sẽ không quên mở Radio nghe các bài giảng của Ngài. Nhờ vậy mà họ hiểu ra được đời sống của mình đang bị chèn ép ra sao, cũng như nhân quyền của mình bị tước đoạt như thế nào.

Ông Carlos Dada, Chủ nhiệm tờ báo El Faro, là tờ tin tức trên trang mạng đặt trụ sở tại Thủ Đô San Salvador viết về TGM Oscar Romero như sau: “Từ hồi tôi còn nhỏ, vào những năm cuối thập kỷ 70, TGM Oscar Romero đã trở thành gương mặt quen thuộc ỏ rất nhiều nơi: Ngài xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo, trên truyền hình và nhất là trên các làn sóng Radio, và ngay cả trong các câu truyện người dân nói với nhau hàng ngày. Mỗi ngày Chủ Nhật, những người dân Salvador nào không đến dự lễ tại Nhà Thờ Chính Toà được, thì họ sẽ mở ngay Radio để nghe những bài giảng phát sóng đi toàn quốc. Từ bục giảng, TGM Oscar Romero giảng giải cho các nhà chính trị, các binh lính, các tổ chức dân sư và các du kích quân, vân vân. Ngài thúc bách họ hãy từ bỏ bạo lực. Ngài yêu cầu cần phải xây dựng công bằng xã hội. Ngài nhắc cho nhóm ưu tú người Salvador hãy nhớ rằng hoà bình không có thể đạt được trong một xã hội bất công. Ngài lên tiếng công kích về việc họ cứ bám víu lấy một đặc quyền “đáng sỉ nhục” qua đường lối đàn áp người khác. Ngài thường liệt kê ra những báo cáo chi tiết về những người bị giết hay bị bắt đem đi biệt tích....”

Song song với các chương trình trên làn sóng Radio, Ngài còn sử dụng tờ báo Orientacion nhằm liệt kê cụ thể những trường hợp tra tấn, bách hại và mất tích là những hành động đi ngược với nhân phẩm của con người. Cơ quan truyền thông của Ngài là nguồn tin tức loan báo chính xác và đầy đủ về những cuộc đàn áp, bắt cóc rồi bị mang đi biệt tích, bị tù đày ra sao. Ngài vạch trần ra hết và yêu cầu những người mệnh danh là lãnh đạo đất nước phải ngưng ngay việc áp bức người dân, phải tôn trọng nhân quyền của người dân, bảo vệ an ninh an toàn cho người dân, sáng tạo các phương thức phát triển đất nước, cũng như thăng tiến nếp sống của người dân.

Khi hiểu được chế độ quân phiệt Sakvador đang được tài trợ bởi Hoa Kỳ, TGM Oscar Romero đích thân viết thơ yêu cầu Tỏng Thống Jimmy Carter phải ngưng việc viện trợ vũ khí và tiền bạc cho chính phủ quân phiệt El Savador. Ngài lý luận rằng các vũ khí viện trợ chỉ đem lại tổn thường cho dân chúng El Sakvador, bởi vì quyền lực chính trị thì nằm trong tay “quân đội thiếu trách nhiệm, chỉ biết tìm cách tàn sát dân chúng vô tội, nhằm phục vụ lợi ích của Nhóm Đầu Xỏ Chính Trị tại đất nước El Salvador mà thôi.” Ngài còn nói tiếp: “Quả thật là bất chính một khi thế lực ngoại bang chỉ đưa đẩy nhân dân El Salvador đến chỗ tuyệt vọng, mang đến những cuộc tàn sát, nhất là tước đoạt khỏi dân tộc này quyền tự quyết”. Tổng Thống Hoa Kỳ Jimmy Carter không hề phúc đáp. Trái lại người ta chỉ thấy một ngày sau khi TGM Oscar Romero bị ám sát, Quốc Hội Mỹ đã biểu quyết chấp thuận viện trợ thêm cho chính quyền quân phiệt El Salvador. Thế là nội chiến trên đất nước này kéo dài dòng dã thêm 12 năm kế tiếp với tài trợ của đế quốc Hoa Kỳ, gây bao nhiêu cảnh tàn khốc cho một dân tộc khốn khổ.

+ Những Khó Khăn Nội Bộ Cản Trở Sinh Hoạt TGM Oscar Romero

Trong cuộc hành trình bênh vực người nghèo khó, TGM Oscar Romero cũng gặp phải không ít chống đối và cản trở bởi chính những nhân vật trong Giáo Hội, khiến cho vai trò mục tử của Ngài càng trở nên cam go trắc trở.

Trước hết phải nói đến Vị Sứ Thân Toà Thánh Vatican tại El Salvador là Đức GM Emmanuele Gerada người Ý, là nhân vật lúc đầu cố gắng vận động bổ nhịệm Giám Mục Oscar Romero trở thành vị TGM thứ tư của Thủ Đô San Salvador. Rồi sau đó, cũng chính Vị Sứ Thần này tỏ ta bất mãn và báo cáo về Vatican rằng TGM Oscar Romero tạo nên trở ngại cho quan hệ giữa Giáo Hội và Chính Quyền địa phương. Nửa số Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục El Salvador cũng lên tiếng tố cáo TGM Oscar Romero về tội danh phản bội, và quyết tâm loại trừ Ngài, trong số đó có cả Tổng Tuyên Uý Quân Đội.

Có nhiều linh mục và một số Giám Mục chưa thấm nhuần tinh thần Vatican II, cũng như chưa muốn hưởng ứng chủ đề Hội Nghị Giám Mục Mỹ Châu La Tinh họp tại Medellin đã nêu ra. Các vị này vẫn theo truyền thống, một truyền thống trải qua nhiều thế kỷ, để rồi tiếp tục giảng dậy cho cộng đoàn dân Chúa biết rằng những nỗi niềm thống khổ nơi cõi đời này đều do Thánh Ý Chúa quan phòng, nên hãy cứ an vui với số phận, không nên than thân trách phận gì cả. Một số GM Salvador đã từng làm phép những chiếc Xe Tăng để quân đội chống lại Giáo Hội, đồng thởi có nhiều báo cáo về Roma kèm theo những ngộ nhận tiêu cực đối với TGM Oscar Romero

Cái thánh giá nặng nề nhất mà TGM Oscar Romero phải vác trên vai đó là việc đối phó với nhóm người trong biệt đội ám sát giết người không gớm tay, với nhóm quân phiệt máu lạnh. Riêng nhóm địa chủ giầu có thì luôn chống lưng và tài trợ cho hai nhóm kia trong việc tàn sát và giết hại dân nghèo vô tội. Tất cả các nhóm người này đều tuyên xưng mình là những người Kitô Hữu. Họ chẳng khi nào bỏ lễ Chủ Nhật. Họ cho con cái mình theo học các trường Công Giáo. Họ thường tự hào là mình hàng ngày vẫn cám ơn Thiên Chúa về các của cải họ đang có (Cho dù của cải là do hối lộ, do đàn áp và bóc lột sức lao động của người nghèo, do việc nắm giữ các chức vụ quan trọng như những người thừa tự của quốc gia. Có điều là họ lạm dụng thế nào đi nữa họ luôn vẫn vô can và an toàn tính mạng). Chính những người mang danh nghĩa Kitô Hữu này đã không phản đối việc giết chết hàng ngàn người muốn vùng lên thách thức quan điểm sống của mình. Một điều đáng lưu ý nữa là họ có “những đòn bẩy” bên Roma dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II, và Đức Giáo Hoàng Bênnêđictô XVI.

Trong một lá thơ mục TGM Oscar Romero nêu rõ tội ác của nhóm thiểu số và đầu xỏ chính trị như sau: “Một thứ bạo hành đã được cơ cấu làm thành yếu tố cần thiết ngay trong hệ thống kinh tế và chính trị đến mức độ giới thống trị lầm tưởng rằng phát triển chỉ có thể thành công qua việc nhóm thiệu số biết sử dụng đa số dân chúng làm công cụ sản xuất cho quyền lợi của mình.” Thế nên, Ngài cảnh báo rằng các thứ bạo động sẽ chẳng bao giờ chấm dứt nếu những sai lầm có cấu trúc này vẫn chưa được điều chỉnh.

TGM Oscar Romero Chịu Tử Đạo Ngay Nơi Bàn Thánh

Trước những lập trường bênh vực giới công nông nghèo khổ, TGM Oscar Romero đã từng bị chính quyền đe doạ đến tính mạng nhiều lần. Chính Biệt Đội Sát Nhân gởi cho Ngài những lời cảnh cáo rằng chính Ngài là người “đang đứng đầu sổ các tu sỹ rồi đây sẽ nhận được ba chục viên đạn bắn thẳng vào mặt và vào ngực bất cứ lúc nào.” Như thế, TGM Oscar Romero biết mình sẽ có thể bị giết bất cứ giờ phút nào như bao nhiêu linh mục khác đã tùng bị giết trước đây. Tuy nhiên Ngài không hề nản lòng hay chịu lùi bước.

Trước ngày chết mấy hôm, chính Ngài nói với một phóng viên nhà báo rằng: “Bạn cứ việc nói cho mọi người biết rằng nếu như họ giết được tôi, thì tôi sằn sàng tha thứ và chúc lành cho những người giết hại tôi. Tôi hy vọng họ sẽ nhận ra rằng điều họ làm chỉ là tốn công sức mà thôi. MỘT GIÁM MỤC SẼ CHẾT, THẾ NHƯNG GIÁO HỘI CỦA CHÚA, TỰC LÀ DÂN CHÚNG SẼ CHẲNG BAO GIỜ DIỆT VONG.”

Thế rồi ngày Định Mệnh của ngài đã đến. Hôm ấy chính là chiều tối ngày 24 tháng 3 năm 1980, chiếc xe hơi màu đỏ dừng lại trên đường phố trước cửa nguyện đường Bệnh Viện Divina Providentia. Tay súng bắn thuê bước ra khỏi xe hăm hở chĩa súng hãm thanh bắn xả vào TGM Oscar Romero đang cử hành thánh lễ. Lúc ấy chính là lúc Ngài mới kết thúc bài giảng và vừa trở lại bàn thờ để tiếp tục Thánh Lễ. Giây phút Ngài bước tới giữa bàn thờ, thì cũng chính là nơi và là lúc Ngài chịu chết cho đàn chiên của mình..

Mấy viên đạn xuyên thấu suốt vào tim, khiến Ngài đã trút hơi thở cuối cùng chỉ mấy phút sau khi bị bắn. Giới nông dân và công nhân vô cùng thương tiếc một người Cha Chung đã hy sinh mạng sống mình bảo vệ quyền làm người của con người. Nhóm sát nhân còn tỏ ra hung hăng tàn bạo hơn trong chính tang lễ TGM Oscar Romero cử hành vào ngày 30 tháng 3 năm 1980. Đúng như vậy, phải nói là ngày đẫm máu của đất nước El Salvador. Có khoảng 250,000 người dân El Salvador và nhiều người trên thế giới tụ tập để tiễn biệt TGM Oscar Romero. Họ muốn tiễn biệt một hiện thân của Tiếng Nói thay cho những người không tiếng nói. Trong khi lễ an táng đang cử hành tại Nhà Thờ Chính Toà San Salvalor, thì giới quân nhân lại ra tay tàn sát người dân lành. Lần này cũng do Thiếu Tá Roberto D'Aubuisson, trưởng Biệt Đội Ám Sát, đứng ra trực tiếp chỉ huy. Họ cho nổ bom khói ngay bên ngoài Nhà Thờ Chính Toà nhằm tạo nên cảnh tượng hỗn loạn. Đồng thời các tay súng từ các cao ốc chung quanh nã súng xối xả xuống đám đông đang chạy nhốn nháo tán loạn trong khói mù. Kết quả hôm đó có tới 40 người thiệt mạng, và khoảng 200 người bị thương. Số người chết hay bị thương phần vì do súng bắn, phần vì do giẵm đạp lên nhau trong lúc hàng ngàn người vô trật tự hoảng sợ điên dảo chạy tìm lối thoát thân. Thật là cảnh thương tâm do nhóm người vô lương tâm chủ động.

Kẻ sát nhân trong hai sự kiện dẫm máu này cũng như bao tội phạm khủng bố tàn ác trên đất nước El Salvador thời đó tất cả đều không bị mang ra xử án. Trái lại sau khi TGM Oscar Romero bị ám sát, thì chính đêm hôm đó tại vùng nhà giầu ở thủ đô San Salvador, người ta mở hội ăn mừng với màn đốt pháo bông nhộn nhịp và vang lừng tiếng súng hả hê. Những người nắm cán cân công lý của đất nước này nghĩ thế nào mà làm ngơ trước bao nhiêu tội phạm xẩy đến cho dân tộc như vậy.

TGM Oscar Romero là Thánh Tử Đạo của Thế Kỷ XX

Cuộc đời Đức TGM Oscar Romero, người El Salvador, đã từng sống vì đàn chiên và cũng đã chết vì đàn chiên của mình, và chết ngay tại bàn thờ. Sau khi Ngài từ trần đất nước của Ngài vẫn còn phân rẽ giữa Cánh Tả Cấp Tiến và Cánh Hữu Bảo Thủ để rồi từ đó nẩy sinh cuộc nội chiến kéo dải trong suốt thập niên 80. TGM Oscar Romero là người đồng hoá với giới nghèo khổ, nên Ngài là Nhân Vât có tầm ảnh hưởng lớn rộng. Ngài nhân danh người nghèo để tuyên chiến với sự bất công, tuyên chiến với cả một chế độ quân phiệt tàn ác. Tiến trình phong thánh TGM Oscar Romero đã từng bị gián đoạn.

Lý do gián đoạn vì đã có những nhân tố ảnh hưởng đến Thánh Bộ Đặc Trách Hồ Sơ Phong Thánh. Đức Cha Vincenzo Paglia, Giam Mục giáo phận Terni bên Ý, và cũng là thành viên trong Thánh Bộ Phong Thánh cho biết rằng có ba vị Đại Sứ nước Salvador tại Vatican ra sức vận động chống lại việc phong thánh cho TGM Oscar Romero, với lý loận rằng TGM Oscar Romero chỉ là khuôn mặt chính trị gây chia rẽ cho đất nước, nên việc đưa Ngài lên bàn thờ để tôn kính có thể do Cánh Tả cấp tiến ra tay cổ suý. Trong khi đó, Cánh Hữu thì lập luận Ngài có những lập trường chính trị “nổi bật” trong cuộc nội chiến và chẳng khác gì một giai thoại lịch sử mà thôi. Vì vậy, hồ sơ phong thánh cho Ngài đã được xếp lại với sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II, và Đức Giáo Hoàng Bênnêđictô XVI.

Sau khi ĐHY Mario José Bergoglio đắc cử Giáo Hoàng lấy biệt hiệu là Phanxicô, hồ sơ phong thánh TGM Oscar Romero được mở ra lại. Chính ĐGH Phanxicô đã giải toả các bế tắc, và cho xúc tiến quy trình phong thánh từng bị gián đoạn trong hai triều đại Giáo Hoàng tiền nhiệm. Thế là sau ngày bị ám sát ba mươi lăm năm,, TGM Oscar Romero được phong thánh vào ngày 23 tháng 5 năm 2015. Lễ phong thánh cử hành ngay tại Thủ Đô San Salvador Nước Cộng Hoà El Salvador, là nơi Ngài đã từng sống, từng phục vụ dân tộc và con chiên của mình.

Sau khi TGM Oscar Romero từ trần, nhiều nhân vật thế giới tỏ lòng ngưỡng mộ Ngài. Trong số đó người ta được biết Tổng Thống Hoa Kỳ Barrack Obama đã đến kính viếng mộ Ngài. Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II tuyên dương Ngài là “Tôi Tớ của Thiên Chúa.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng mệnh danh Ngài là “Đấng Tử Đạo” vì những nỗ lực hoạt động của Ngài trong vai trò Giám Mục khi còn sống nơi dương thế.

Thay Lời Kết Luận

TGM Oscar Romero chết đi nhưng gương sống mục tử của ngài vẫn còn đó. Nhiều người ghi khắc sâu vào tâm hồn mình những giá trị tinh thần của Ngài, một tinh thần thấm nhuần đức tin Kitô Giáo đã được Ngài đem vào nếp sống hàng ngày. Đó chính là Lòng yêu mến Giáo Hội Roma; Tìm thấy Thiên Chúa hiện diện nơi tha nhân; Hiến mình trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

TGM Oscar Romero tân tâm tận lực phục vụ người nghèo vì Ngài xác tín rằng Chúa Kitô hịện dịện thực sự nơi người nghèo. Người ta cũng nhận thấy Ngài càng có nhiều và nhận nhiều thì Ngài càng cho đi nhiều. Cái mà Ngài nhận và có để cho đi chính là khả năng phục phụ người nghèo. Khả năng này mỗi ngày mỗi đạt tới mức độ rộng lớn hơn mỗi khi Ngài được nâng lên chức vụ cao hơn. Chính TGM Oscar Romero nghiệm ra rằng mình nhận và có thế lực hơn qua vai trò làm TGM, nên Ngài đã sử dụng chính thế lực mình có nhiều thêm để cho đi nhiều hơn. Ngài sử dựng thế lực mình có để tạo ảnh hưởng lên diễn tiến chính trị của đất nước El Salvador với chủ đích bảo vệ các nạn nhân, và nhất là chống lại nhóm đầu xỏ chính trị luôn sử dụng lực lượng quân phiệt áp đặt lên dân chúng. Cái mà Ngài có nhiều nhất và cũng giá trị lớn lao nhất là chính sự sống của Ngài, và Ngài cũng đã cho đi cả mạng sống của Ngài. Chúa Giêsu giảng dạo ba năm và kết thúc bằng việc tử hình trên thập giá. Theo gương Chúa Giêsu, Thánh Oscar Romero, trong ba năm làm TGM, đã hiến trọn đời mình để phục vụ người nghèo và phục vụ cho đến chết, và chết ngay dưới chân bàn thờ.

Nếp sống mục vụ của Ngài đã biến thành ngọn đuốc sáng ngời chiếu soi vào mọi lương tâm các kitô hữu, các nam nữ tu sỹ, và đặc biệt nhất là các Nhà Lãnh Đạo Tinh Thần cũng như Dân Sự trên thế giới. Dù trong vai trò lãnh đạo thần quyền hay thế quyền, các Vị này được trao phó trong tay khả năng phục vụ hơn những người khác, nên cần phải dấn thân phục vụ nhiều hơn, bởi vì họ có nhiều, nên cũng phải cho đi nhiều. Các vị này tuyệt đối không nên lạm dụng để rồi biến quyền hành và thế lực mình có trở thành dụng cụ áp bức, giết hại dân lành, nhằm thoả mãn một cá nhân hay phe nhóm nào đó. Người có quyền phục vụ cũng không nên bắt chườc người đầy tớ trong Tin Mừng được ông chủ trao cho môt nén bạc rồi thay vì mang đi sinh lời, lại đem chôn giãu. Nhất nữa họ càng không nên sống như người vô cảm, để rồi không lên tiếng, không nghe biết và không nhìn đến đàn chiên của mình đang kêu gào thảm thiết.

Thảo Nguyên