David McAdam Eccles, P.C., K.C.V.O., đệ nhất tử tước, sinh năm 1904, theo học tại Winchester và New College, Oxford. Ông có một sự nghiệp sáng chói và lâu dài trong sinh hoạt công, từng phục vụ tại Bộ Kinh Tế Chiến Tranh đầu Thế Chiến Hai, sau đó làm Cố Vấn Kinh Tế cho các toà đại sứ tại Madrid và Lisbon, rồi phục vụ tại Bộ Sản Xuất. Từ 1943 tới 1962, ông là Dân Biểu Bảo Thủ của đơn vị Chippendale thuộc vùng Wiltshire và trong giai đoạn này từng là bộ trưởng Công Chánh từ 1951 tới 1954, bộ trưởng Giáo Dục lần đầu từ 1954 tới 1957 và lần sau từ 1959 tới 1962; và từ 1957 tới 1959 là Chủ Tịch Hội Đồng Thương Mại. Ông cũng là giám đốc của Courtauld, cơ quan Quản Trị Bảo Tàng Viện Anh và là Chủ Tịch của Hiệp Hội Sách Quốc Gia. Ấy thế nhưng khi đặt bút viết sách, Eccles lại không viết về chính trị, mà là viết về tôn giáo, trong đó có cuốn ông khiêm nhường đặt tựa là Nửa Đường Tới Đức Tin (Half-way to Faith). Ông không phải là một tân tòng theo Kitô giáo. Gia đình ông vốn là một gia đình sản xuất rất nhiều giáo sĩ nổi danh cho Giáo Hội Anh Giáo và đức tin của ông là một đức tin bén rễ rất sâu từ thuở thiếu thời. Tuy thế, chính ông cho hay: “Từ cái thuở thơ ngây ấy cho đến nay…cuộc tìm kiếm đức tin của tôi vẫn chưa thành công; nó vẫn là một thất bại, một thất bại theo nghĩa mình chưa vượt hơn được một ly khỏi nửa đường vươn tới đức tin.” (Sách đã dẫn, tr.7). Có điều ông không nản, và cho hay: “Cuộc mạo hiểm vẫn tiếp diễn, và đó mới là trọng điểm. Vì với tôi, xem ra thân phận sống thường trực đâu đó giữa hoài nghi và đức tin là thân phận rất thông thường trong thời đại khoa học của chúng ta”. Trong tác phẩm này, ông muốn trình bầy những dò dẫm đức tin của ông để trao đổi, thảo luận với những ai cùng chí hướng, mong sao cho cuộc tìm kiếm đưa mình lại gần hơn cùng đích. Bài dưới đây cho ta thấy một trong những dò dẫm của ông nói về việc ông đọc bốn Tin Mừng như những tác phẩm nghệ thuật.

Từ một cuộc đi nghỉ

Tháng Tám năm 1933, tôi mang bộ Tân Ước do nhà Nonesuch xuất bản đi nghỉ hè, đọc hết một lượt, rồi đọc lại các sách Tin Mừng một lần nữa, vừa đọc vừa ghi chép. Đầu đuôi câu chuyện nó như thế này: vợ chồng tôi có thói quen đọc hết cuốn này lần lượt đến cuốn khác của cùng một tác giả. Chúng tôi hy vọng rằng nhờ ngốn ngấu số lượng lớn công trình của mỗi tác giả như thế mình sẽ hiểu rõ hơn phần đóng góp của họ đối với cuộc đời và văn chương. Do đó, trước khi lên đường đi nghỉ hè mấy tháng, chúng tôi đã có cái thích thú làm cuộc chọn lựa của chúng tôi. Tôi quyết định mùa hè này sẽ đương đầu với việc coi Tân Ước như một bộ công trình nghệ thuật. Nếu tôi dùng cách tiếp cận mỹ thuật, là phương thức vốn mang lại nhiều kết quả ở hướng khác, biết đâu mớ kiến thức thuộc loại này chẳng thẩm thấu vào cái đầu óc đa nghi của mình. Bộ Thánh Kinh của nhà Nonesuch, vốn được in từng chương liên tục không có các câu đoạn phân rẽ, quả rất thích hợp cho công việc này.

Trong tháng Tám ấy, chúng tôi thuê căn nhà tên là Meadow Cottage, ở Harlyn Bay, thuộc vùng Bắc Cornwall. Căn nhà và mảnh vườn nhỏ rất hợp với sở nguyện vợ chồng tôi, với một hàng cây ở phía sau, một cánh đồng ở phía trước và xa hơn là biển cả. Tôi vốn đã có chút kiến thức về bản văn và hậu cảnh của Tân Ước trước khi đọc nó. Ở trường, chúng tôi từng đã phải “vật lộn” ít nhiều với một số sách trong bộ này, và nhờ thế một số các chú giải vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Chúng tôi từng được dẫn nhập một số vấn đề thuộc văn bản do các thủ bản Hy Lạp nêu ra và đã có dịp thảo luận những khác biệt giữa các bản tường thuật trong bốn sách Tin Mừng. Tuy nhiên, kể từ ngày tôi rời Oxford năm 1926, tôi chưa đọc được gì về Thánh Kinh, và không đem được bản chú giải nào tới Cornwall. Tôi biết rõ rằng các Tin Mừng đã được những người tin rằng Chúa Kitô chính là Con Thiên Chúa viết ra, và viết cho các độc giả có cùng một niềm tin như thế, và vì tôi là một người hoài nghi, nên khó mà có cùng một tần số như họ.

Tới các Sách Tin Mừng

Những chỗ gạch dưới và những ghi chú vội vàng vào ngay bản văn của nhà Nonesuch giúp tôi giữ lại được những ấn tượng xẩy ra lúc đó. Đặc biệt các ghi chú được liệt kê dưới đây cho thấy thành quả đầu tiên của phương thức tiếp cận mỹ thuật này:

1. Các sách này được xếp ngang hàng những kiệt tác vĩ đại nhất của văn chương hay hội họa. Ta phải chờ mong chúng cũng hành xử cùng một phương cách như bất cứ kiệt tác nghệ thuật nào khác.

2. Lý do kỹ thuật tại sao chúng vẫn duy trì được vị thế của mình là đã hy sinh các chi tiết một cách sáng chói và không thương tiếc, một hy sinh mà các tác giả đã chấp nhận để trình bày cho ta chân dung một đấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa.

3. Máccô khởi đầu và kết thúc giống như một cuộc chạy đua để đoạt được công trình hoàn tất. Tin Mừng của ngài là một phác thảo trong đó lòng trung thành với người mẫu lớn hơn so với các Tin Mừng kia.

4. Mátthêu đọc lên như một công trình do một ủy ban đặt viết với chỉ thị phải giảm thiểu phẩm chất nghệ thuật. Tôi thích công trình này và tin tưởng nó ít nhất trong số bốn Tin Mừng.

5. Luca là tay lão luyện trong việc vẽ nên những bức tranh duyên dáng. Một nghệ sĩ lõi đời với các khách hàng giầu có.

6. Thiên tài nghệ thuật của Gioan gần như hoàn hảo. Có thể ngài không cần học hỏi bất cứ ai. Rất ít nét trên khung vải là không có tính cá thể độc đáo mà thôi. Họa thiết (design) của ngài có vòng cung với Chúa Phục Sinh ở giữa, trong khi hoạ thiết của Máccô theo đường thẳng với Thánh Giá ở cuối đường.

7. Gioan Tẩy Giả là một vấn nạn nghệ thuật. Ông là cây quá cao ở tiền diện. Các Tin Mừng đã thành công ít nhiều trong việc ngắt ông thấp xuống.

8. Mátthêu = El Greco, một bức tranh nghi lễ giống như Cuộc An Táng Bá Tước de Orgaz. Những đoạn tranh đẹp, nhưng hoạ thiết không tự nhiên (laboured) và ngài đã làm hỏng hiệu quả tổng quát qua việc cho vào quá nhiều trích dẫn Cựu Ước.

9. Máccô = Rubens, phác thảo dầu đầy chuyển động mạnh và mầu sắc phong phú, Tin Mừng gia duy nhất thích dùng mầu đen. Một phần khung tranh được để trống nhưng thể tài cốt yếu đã được nói hết.

10. Luca = Giovanni Bellini. Tôi nhất định mua bức tranh này vì cái hậu cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn của nó, khiến tôi luyến mộ ngay nhân vật chính của tranh.

11. Gioan = Titian lúc về già. Tầm nhìn đã được tinh khiết hóa đến độ tinh ròng lạ lùng và các mầu sắc trong sáng ấy cứ nhập lẫn vào nhau quấn qúyt khiến cho nhiều nét vẽ xem ra như trùng lắp.

Lần đọc đầu tại Cornwall cho thấy bốn bức tranh về Chúa Giêsu khác nhau nhiều hơn là tôi tưởng, và sở dĩ như thế phần lớn là vì nỗi khó khăn về nghệ thuật trong đó các Tin Mừng gia phải vật lộn để tìm cách dung hợp được cả nhân tính lẫn thần tính của Người trong duy nhất chỉ một bức tranh.

Các Tin Mừng đọc lần sau

Khi đọc lần thứ hai, các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc giải quyết nỗi khó khăn trên lại càng gia tăng ý nghĩa. Tôi nghĩ nếu các soạn giả là người Hy Lạp, rất có thể họ biết cách miêu tả một Thiên Chúa hạ mình bước vào trần gian. Họ chỉ cần tới một ngôi đền hay tìm đọc các thi sĩ Nhã Điển là học được cách đó. Độc giả của họ cũng đã sẵn có cả rồi. Nếu, ngược lại, họ là người La Mã, chắc họ biết cách miêu tả một hoàng đế được chào đón và thờ phụng như Thiên Chúa ra sao. Nhưng họ lại là người Do Thái và trong truyền thống Do Thái, họ chả làm gì để tìm ra được những khuôn mẫu về một Thiên Chúa lại có tí dáng giấp gì giống con người. Điều ấy tạo nên một vấn đề nghệ thuật thật kinh khủng. Các Tin Mừng gia và vòng bè bạn của họ, nhờ các nhân chứng đầu tay, rất biết rằng đức Giêsu, khi còn trên dương thế, là một con người. Nhiều ngàn người Do Thái khác cũng biết thế, vì họ đã được thấy hay nghe nói về Người và vẫn nghĩ Người là một vị thầy nào khác. Bởi thế, không khó khăn gì khi vẽ chân dung đáng tin về Chúa Giêsu trong tư cách một con người. Nhưng các Tin Mừng gia cũng tin rằng Người là Con Thiên Chúa và là đấng Messia từng được hứa ban. Thần tính của Người là một vấn đề lớn hơn nhân tính của Người nhiều. Họ phải xử lý nó ra sao? Như những nhà nghệ sĩ, họ thấy chỉ có một cách: không thương tiếc hy sinh các chi tiết về đời sống Người trong tư cách là người, giảm thiểu hóa nhân tính Người vốn dĩ là một kiến thức quá thông thường, để có thể nhấn mạnh đến thần tính của Người, điều mới thực sự mới lạ trong các Tin Mừng. Ta không biết trước mặt các Tin Mừng gia có bao nhiêu sự kiện về đời tư, về con người và các thói quen, các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, nhưng ta có thể vững tâm đoán chắc rằng các tư liệu “thô” của các ngài vượt quá xa điều họ có thể sử dụng được, căn cứ theo vấn nạn nghệ thuật họ có nhiệm vụ phải giải quyết. Thiếu chất liệu không buộc các ngài phải bỏ cố gắng vẽ nên những bức tranh đầy đủ về Chúa Giêsu. Những đòi hỏi cố hữu của nghệ thuật buộc mỗi một soạn giả phải xoay trở nguồn tài liệu trên và sắp xếp chúng theo một thứ tự ông cảm thấy có thể tạo nên bức chân dung đáng tin cậy nhất về Chúa Giêsu Kitô.

Vừa đánh động con tim vừa đánh động trí khôn con người

Phương pháp của các Tin Mừng gia không có chi khiến ta phải ngạc nhiên. Nghệ thuật không phải là sinh hoạt duy nhất trong đó ý nghĩa luôn đạt được nhờ bỏ đi một vài điều gì đó. Nhà khoa học nguyên tử nổi danh, ông J. Robert Oppenheimer, đã đề cập tới điều đó trong lãnh vực nghiên cứu của ông như sau: Trong mỗi cuộc thăm dò và mở rộng kiến thức, ta đều can dự vào một hành động; trong mỗi hành động, ta đều can dự vào một lựa chọn; và trong mỗi lựa chọn, ta đều can dự vào một mất mát, cái mất mát của điều ta không làm… ý nghĩa, cái năng lực nói về sự vật có nghĩa là ta phải bỏ đi khá nhiều điều.

Tôi từng thấy người ta bảo rằng Thánh Phaolô và ở một mức độ nào đó, cả các Tin Mừng gia nữa, rất ít lưu ý tới các chi tiết cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu vì với các ngài, thần học về mối tương quan của Người với Thiên Chúa có nghĩa với các ngài hơn thế nhiều. Giải thích này không thoả đáng. Thần học có thể phát biểu bằng một loạt mệnh đề, giống như định nghĩa tại công đồng Chalcedon, nhưng thay vì làm thế, các Tin Mừng gia đã chọn viết một ký ức về một đời người với một hậu cảnh lịch sử rõ rệt. Đó là một hình thức nghệ thuật, và một khi đã lựa chọn như thế, thì dù sở thích thần học của họ có lớn lao bao nhiêu đi chăng nữa, họ cũng phải lựa lọc các chất liệu của mình dựa trên cả cơ sở nghệ thuật lẫn thần học. Mặt khác, họa thiết và các nét vẽ (brush-work) mà mỗi tác giả áp dụng vào thể tài của mình, cái văn phong trong đó ông ta muốn truyền đạt cái chân lý bên trong của tác phẩm, đã trở thành một phần trong câu truyện ông đang kể lại. Điều ấy xẩy ra cho bất cứ bức tranh vĩ đại nào; văn phong và hoạ thiết biến đổi chủ đề mà bức banh muốn nói lên, thêm cái chiều kích mầu nhiệm cho thiên nhiên, như tôi đã trình bầy đâu đó ở chương trước. Nghệ thuật của các Tin Mừng gia không phải chỉ là đầy tớ cho thần học; thực vậy, qua việc chọn lựa viết ký ức về cuộc đời Chúa Giêsu, họ đã làm cho thần học khó nắm bắt hơn nhiều. Tôi dám chắc họ cố ý làm như thế và xét cho ngay họ đã thắng vẻ vang xiết bao! Vì bằng cách nào khác họ có thể tạo ra những công trình vừa đánh động con tim vừa đánh động trí khôn con người suốt 19 thế kỷ qua? Giả thiết câu truyện Đóng Đinh được một viên thanh tra cảnh sát và một bác sĩ ghi lại từng giây từng phút, không bỏ sót bất cứ diễn biến nào và không nhấn mạnh bất cứ biến cố nào trong tương quan với một ai khác, thử hỏi bản tường trình ấy đánh động trí tưởng tượng của nhân loại được bao lâu và bao xa?

Tôi xem sét vấn đề nghệ thuật của các Tin Mừng gia theo sau việc họ bị buộc chỉ thuật lại rất ít chi tiết về Chúa Giêsu trong tư cách một con người. Nhưng rồi họ có khả năng giới hạn được bản phác họa của họ trong những điều giữ lại và thành công trong việc chuyên chở ý nghĩa bên trong của nó tới độc giả hay không? Và câu trả lời hiển nhiên là không. Nguy tai có thể quá lớn – vì các kẻ đồng thời với họ khó mà tin có ai vừa là người vừa là Thiên Chúa. Bởi thế, họ phải tìm ra một điều gì đó phụ trội; một mẫu vẽ để làm đầy những khoảng bỏ trống mà họ đã bỏ đi trong bức tranh miêu tả Chúa Giêsu. Cái mẫu này, nếu muốn chuyên chở được sứ điệp, thì cần phải quen thuộc, quen thuộc với nghệ sĩ và quen thuộc cả với công chúng nữa. Họ đã làm chỉ một lựa chọn duy nhất có thể chọn và tôi không tài nào làm sáng được vấn đề này và giải pháp đưa ra tốt hơn là trích lời của Francoise Gilot và Carlton Lake trong tác phẩm Đời Tôi Với Picasso:

“ (Picasso nói) Bạn tiến hành ra sao việc giảng dạy một điều mới lạ? Bằng cách pha trộn điều họ biết với điều họ không biết. Rồi khi họ đã mờ mờ nhận ra một điều gì đó trong mây mù, một điều gì đó họ nhận ra, họ sẽ nghĩ “a, tôi biết điều ấy”. Và lúc đó, chỉ còn một bước nữa thôi ta sẽ thấy họ “a, tôi biết toàn bộ rồi”. Và tâm trí họ nhào vào cõi vô minh”.

Đấy là lời Picasso nói, nhưng cũng có thể là lời của Mátthêu, của Máccô, của Luca hay của Gioan, vì nghệ thuật vĩ đại chỉ có một ngôn ngữ. Các Tin Mừng gia sử dụng các trích đoạn và ẩn dụ từ Cựu Ước, một mẫu thước quen thuộc, làm chiếc xe chuyên chở những tin mừng của Tin Mừng. Đó là điều hiển nhiên đối với tôi ở Cornwall, và tôi tự hỏi, giống như nhiều hiền nhân trước tôi từng tự hỏi, thực ra Chúa Giêsu đã đi bao xa trong việc trích dẫn Cựu Ước và cả Giáo Hội sơ khai nữa, Giáo hội ấy, và do đó các Tin Mừng gia, đã đi bao xa trong việc đặt các trích dẫn kia vào miệng Chúa Giêsu để “pha trộn điều họ biết với điều họ không biết”. Lúc ấy, vấn nạn này ít gây chú tâm khi so sánh với chân lý của thể tài cốt chính; điều tôi quan tâm chỉ là liệu các trích dẫn Cựu Ước kia có soi sáng hay ngược lại làm tối thêm thần tính của Chúa Kitô. Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở một chương sau. Kết luận về cơ sở nghệ thuật là như thế này: liệu các Tin Mừng gia có trung thành với truyền thống sớm nhất hay là họ thêu dệt cái truyền thống ấy bằng các ẩn dụ của Cựu Ước không phải là vấn nạn của chọn lựa: như những nghệ sĩ, họ phải phác thảo dựa trên cái mẫu thước quen thuộc kia nếu các Tin Mừng của họ muốn có cơ may nắm được chú ý nơi các độc giả Do Thái.

Họa thiết của Tin Mừng Máccô

Mỗi Tin Mừng gia có giai điệu (melody) riêng và khi ở Meadow Cottage, tôi đặc biệt lưu tâm tới họa thiết của Tin Mừng Máccô. Nó đập thẳng vào đôi mắt cho tôi thấy đây là một công trình cố ý không phải là một bức tranh hoàn tất. Đây rõ ràng chỉ là những dấu chỉ cho một phác họa cố ý, vốn là cố gắng đầu hết của nhà nghệ sĩ muốn đi đôi với chủ thể của mình, muốn thẩm nhập chủ thể ấy vào chính mình để rồi chỉ ghi nhận cái yếu tính không hơn không kém của điều ông muốn nói mà không thèm quan tâm đến việc làm cho các mẩu của phác thảo ấy cuốn hút vào nhau cách duyên dáng. Và dĩ nhiên cái phác thảo kia kết cục lại là một công trình nghệ thuật cao cả hơn một bức tranh hoàn tất. Như Beaudelaire có lần nhận xét:

“Bức vẽ là cuộc chiến đấu giữa thiên nhiên và nhà nghệ sĩ, trong đó nhà nghệ sĩ càng chiến thắng dễ dàng bao nhiêu khi ông càng hiểu rõ hơn ý định của thiên nhiên” (Le dessin est une lutte entre la nature et l’artist, où l’artist triomphe d’autant plus facilement qu’il comprend mieux les intentions de la nature).

Và bức phác thảo của Thánh Máccô là gì nếu không phải chỉ là một cuộc vật lộn để nói lên ý định của Chúa Giêsu muốn quật ngã quyền lực của sự dữ và giữ cho bí mật việc Người chính là Đấng Messiah cho tới khi các môn đệ của Người có khả năng hiểu được ý nghĩa của tước hiệu ấy? Chẳng quan hệ bao nhiêu nếu việc vẽ thử bức tranh này bắt đầu và chấm dứt có gọn ghẽ hay không. Thánh Máccô ít quan tâm đến việc ấy. Sau khi thoáng qua Thánh Gioan Tẩy Giả, ngài đi thẳng vào họa thiết của mình tức là mang câu truyện của ngài tới Thánh Giá. Ngài có nhắc đến tên Mẹ Chúa Giêsu là Maria và chính Chúa là một người thợ mộc. Còn tất cả các chi tiết khác về cuộc đời niên thiếu của Chúa Giêsu được coi như không ăn uống gì với ý định của phác thảo. Phác thảo này gồm một số thể tài không trùng lắp (overlaid) lên nhau, nhưng tiếp diễn trên một đường thẳng, và với mỗi thể tài, ngài sử dụng một văn phong khác biệt. Ngài bắt đầu bằng một ngôn ngữ rất “kinh tế” cho thấy Chúa Giêsu đang tranh đấu chống lại các quyền lực sự xấu và ngài chia thể tài thành hai; cuộc chiến đấu chống lại các thần xấu biểu tượng qua bệnh tật và cuộc chiến đấu chống thứ tư duy sa đoạ của Biệt Phái và Kinh Sư. Công thức được lặp đi lặp lại qua đó Chúa Giêsu đương đầu với sự xấu, đầu tiên trong thân xác rồi sau đó trong tâm trí, đánh động cảm thức ta mà ta vẫn không thực sự biết điều gì đang xẩy ra, y hệt cách mầu nhiệm mà Velasquez dùng để thu hút mắt ta khi ông nhắc đi nhắc lại các hình thể tròn trong bức Las Hilanderas, bức tranh mà tôi yêu thích nhất của ông. Giữa chương 8, sau khi quở trách thánh Phêrô tại Caesarea Philippi, thánh Máccô thay đổi thể tài, làm tối đi bảng mầu (palette) và nới lỏng họa thiết của mình. Cho đến điểm này của câu truyện, Chúa Giêsu đang cố gắng hồi tâm số cử tọa đông đảo bao nhiêu có thể, thì bỗng nhiên Người thấy mình không thành công, nên đã quay vào ngỏ lời với các môn đệ là những người vẫn trung thành với Người. Thánh Máccô sau đó đã không thương tiếc chứng tỏ rằng Người cũng chẳng thành công với họ nhiều hơn gì với đám đông ngoài đường phố kia. Sự cô độc của Người càng gia tăng đến tận lúc Người làm cuộc hành trình sau cùng lên Giêrusalem theo một nhịp độ khiến các môn đệ đần độn phải hụt hơi khiếp đảm mà theo.

Trong hai phần đầu của trình thuật, việc thánh Máccô nhắc đến sự không hiểu và cái đần độn của các môn đệ làm cao thêm mối căng thẳng đến độ tôi phải quay qua các Tin Mừng khác để xem các soạn giả này xử lý ra sao thứ chất liệu không mấy tốt đẹp này. Tôi thấy có những khác biệt khá lớn. Nếu chỉ xem sét các bản văn cho đến lúc Đóng Đinh, chứ không đi xa hơn vì thánh Máccô có đi xa hơn một chút, ta sẽ thấy rằng mặc dù Tin Mừng Máccô có ngắn hơn các Tin Mừng kia, nhưng con số những lần có những nhận xét không hay về các môn đệ là 12 trong Máccô, 7 trong Mátthêu và Gioan, và chỉ có 4 trong Luca.

Những châm chích của thánh Máccô nhắm vào các môn đệ đã được hoạch định một cách hết sức trung thực không tìm thấy nơi hai Tin Mừng Mátthêu và Luca. Việc đối xử như thế với các vị thành lập nên Giáo Hội hẳn đã làm cho tác phẩm của ngài ít được người ta ưa chuộng. Bất kể người ta nhúng tay vào việc gì và hãnh diện về việc ấy, ai cũng muốn được người khác kính nể, đàng này thánh Máccô lại làm người đương thời phải gãi đầu gãi tai do sự kiện các môn đệ toàn là hạng người đần độn luôn làm Chúa thất vọng đi thất vọng lại. Đối với tôi, xem ra chính thánh Phêrô đã cung cấp cho ngài cái trình thuật không mấy thích thú về điều thực sự xẩy ra, vì Thánh Phêrô là loại người coi việc kể cho thánh Máccô nghe các môn đệ đã ngu đần ra sao trước khi mắt họ được mở ra là một vinh dự lớn. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được các môn đệ khác và bằng hữu cũng như những người ái mộ họ lại có thể hài lòng về việc vạch trần không chút nể nang các thiếu sót của họ. Họ đã được tha thứ, họ đã tiếp nhận Chúa Thánh Thần, vậy tại sao lại không quên đi các thất bại trong quá khứ của họ?

Điều ấy rất có thể là manh mối giúp ta hiểu Tin Mừng Thánh Máccô mãi mãi ở dưới dạng phác thảo, với một kết thúc chẳng mấy hài lòng. Gợi ý trong Câu 28 Chương 14: ‘Tuy nhiên, sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi Galilê trước chúng con’ cho thấy cần có một trình thuật về cuộc gặp mặt với Chúa Phục Sinh tại Galilê (xem thêm Câu 7, Chương 16: ‘hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô rằng Người sẽ ở Galilê trước các ông’). Một nhà văn từng tỏ ra mình là một nghệ sĩ thành đạt trong lối dàn dựng thể tài thứ nhất đáng lẽ ra đã không kết thúc công trình của mình bằng những lời sau: ‘vì họ sợ’ (Câu 8, Chương 16). Những lời đó càng không thích đáng hơn nữa trong nguyên bản Hy Lạp. Phải chăng soạn giả qua đời trước khi ngài đủ giờ biến phác thảo thành một bức tranh hoàn tất? Ta không biết được. Một giải thích có thể có là các nhà lãnh đạo Giáo Hội không thích phác thảo của ngài đến độ phải ủy nhiệm cho hai Thánh Mátthêu và Luca sử dụng công trình của ngài làm căn bản để vẽ ra các bức tranh hoàn hảo và dễ chấp nhận hơn. Trong những năm gần đây, nhờ R.H. Lightfoot và một số học giả khác, tôi được biết rằng các trước tác Kitô giáo buổi sơ khai ít khi tham chiếu Tin Mừng Máccô cho bằng các Tin Mừng kia. Trước thế kỷ thứ năm, người ta ít trích dẫn và ít bình luận Tin Mừng này. Việc lãng quên có nghiên cứu này càng củng cố cho việc phỏng đoán rằng phác thảo này tiếp tục là phác thảo vì nó được tiếp nhận một cách lạnh nhạt ngay khi mới xuất hiện. Nhưng quả là diệu kỳ làm sao khi những người rất có thể có cớ bản thân để chống đối trình thuật đầy phê phán khắt khe chưa hoàn tất của thánh Máccô đã qua đời và bị quên lãng hết, mà Giáo Hội vẫn không loại bỏ cuốn Tin Mừng đầu hết này ra khỏi quy điển của mình!

Phần thứ ba trong phác thảo của Thánh Máccô là trình thuật phiên xử và việc Đóng Đinh Chúa Giêsu. Tính theo khoảng thời gian các biến cố này xẩy ra, ta thấy chúng đã được dành cho một vị thế khá lớn trong cả phác thảo và chứng cớ chứng tỏ khả năng nghệ thuật của Thánh Máccô là khi tiến tới chỗ sôi động nhất, văn phong của ngài bỗng giảm hẳn giọng điệu. Giống như một bậc thầy vĩ đại, ngài để cho các diễn biến tác động trên cảm xúc người đọc. Theo tôi, dồn cả chương 13 vào một bức chân dung hòa điệu duy nhất quả là một liều lĩnh lớn. Tại Meadow Cottage, ý nghĩ ấy dường như không biến đi. So sánh với những gì có trước và đến sau, chương này hơi dài và chồng chất khá nhiều những đoạn văn tối nghĩa. Sau chiến tranh, tôi mới hay các học giả nghĩ rằng một số câu đã được những người sau này thêm vào và khi tôi xem lại những câu được các học giả coi là nguyên gốc của Thánh Máccô, tôi nhẹ cả người vì thấy những câu ấy quả làm người ta hài lòng hơn nhiều về tính nghệ thuật của chúng.

Tin Mừng Gioan

Các ghi chú khác thực hiện ở Meadow Cottage nhắc tôi nhớ lại nhiều ấn tượng tôi có được về Tin Mừng Thánh Gioan. Lúc ấy, tôi không đọc được gì về vấn đề tác giả cũng như niên biểu của sách. Tôi hy vọng chính Thánh Gioan đã viết ra nó, và tôi cảm thấy đó là công trình của một người vốn là một nhà nghệ sĩ tài hoa và một người có cá tính hơn các tác giả nhất lãm. Vẻ sáng chói trong thiên tài của ngài mang lại cho tôi niềm tin tưởng vào chân lý của điều ngài nói. Đây là một ghi chú để làm sáng điều ấy:

Thánh Gioan đã biết đặt việc Thanh Tẩy Đền Thờ ở một chỗ sớm hơn các Tin Mừng gia khác. Ngài không cần đến lý lẽ của một cảnh sát viên cho việc bắt giam Chúa Giêsu.

Việc ấy không cần giải thích. Thay vì Thanh Tẩy Đền Thờ (xua đuổi bọn con buôn), Thánh Gioan đã dùng việc Phục Sinh Lagiarô như một biến cố dẫn đến việc bắt giam. Nhưng tại sao ba Tin Mừng gia kia lại hoàn toàn bỏ qua truyện Lagiarô? Việc ông từ cõi chết sống lại quả là chứng cớ rành rành cho thấy quyền lực của Chúa Giêsu. Bỏ qua truyện đó là một trong những sự kiện vụng về nhất đối với ai muốn tin vào sự đáng tin cậy (reliability) của các sách Tin Mừng. Có thể nào các Thánh Mátthêu, Máccô và Luca chưa bao giờ nghe nói đến Lagiarô hay các ngài cho rằng truyện ông chết và sống lại chỉ là truyện bịa đặt? Tôi đi đến kết luận bó buộc này là: các Tin Mừng gia khác có mục đích khi bỏ qua phép lạ này. Tại sao? Hai lý do hiển nhiên: Thứ nhất, việc Thanh Tẩy Đền Thờ là một loại khiêu khích dẫn đến việc bắt giam điều mà các độc giả của các Tin Mừng kia hiểu dễ dàng hơn; và thứ hai, các soạn giả nhất lãm cảm thấy không có khả năng ghi lại, trong tư cách nghệ sĩ, việc sống lại của một con người bình thường mà không làm độc giả sao lãng sự vinh quang của biến cố Phục Sinh. Vấn đề này xem ra khá hiển nhiên. Khi tôi thử ước lượng hiệu quả đối với ba Tin Mừng kia khi ghép việc phục sinh Lagiarô vào như là biến cố quan trọng sau cùng trước việc bắt giam, tôi lập tức có thiện cảm ngay với soạn giả đã quyết định bỏ việc ấy ra ngoài. Thánh Gioan thì khác, ngài đã được trang bị tốt hơn để xử lý với nỗi khó khăn trên. Ngài là một nghệ sĩ tài hoa hơn, một bậc thầy nắm vững thể tài của mình một cách không ai khác có thể nắm được. Ngài biết câu truyện Lagiarô hoàn toàn đúng và ngài có các chương 12 tới 17 nằm giữa phép lạ và việc bắt giam. Nhờ thế, ngài giữ được ngày giờ đúng cho việc Thanh Tẩy Đền Thờ, và không sợ phải tường thuật việc phục sinh Lagiarô vào chính lúc phép lạ ấy xẩy ra, vì chắc chắn đã tin rằng bất cứ ai từng đọc các bài giảng ở các chương 12 tới 17 không thể nào lại không so sánh được giữa một con người bình thường như Lagiarô và chính Chúa Giêsu. Ở đây, tôi thấy một điển hình tuyệt hảo về việc nghệ thuật đã tạo hình dáng cho các Tin Mừng ra sao, và thiên tài của Thánh Gioan đã vượt xa các các Tin Mừng khác như thế nào. Nhưng trong khi Thánh Gioan không thấy khó khăn gì, như các soạn giả nhất lãm đã thấy, trong việc tổng hợp hai bản tính của Chúa Kitô trong một bức tranh, thì ngài lại thấy khó có thể tìm được thế cân bằng giữa hai lối tư duy Do Thái và Hy Lạp. Mối căng thẳng ấy hết sức nặng nề giữa hai ý niệm ‘Ơn Cứu Rỗi từ người Do Thái mà có’ và ‘Sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa’. Tôi tự hỏi: ‘Ngài đang nói điều gì, tổ tiên một con người hay sức mạnh tư duy và cảm nhận riêng của anh ta, đặt anh ta vào con đường lên trời?’ Do tính khí và dưỡng dục, tôi đồng ý với phương thức Hy Lạp là phương thức tỏ ra cao hơn phương thức Do Thái, và, dù Thánh Gioan không thể quên mình là người Do Thái, tôi hy vọng ngài nghiêng về phía tư duy và triết lý Hy Lạp hơn.

Cảm tưởng chung xuyên suốt từng chương Tin Mừng thứ tư là tác giả của nó hẳn nhiên phải là một ông lão, một người đã đạt tới cái điểm quân bằng tế vi và tế nhị giữa các ý tưởng trừu tượng và cụ thể sau khi đã giữ chúng rất lâu trong trí tưởng tượng của mình, lên khuôn các tư duy của mình một cách nhẹ nhàng và chậm rãi cho tới khi sinh chúng ra dưới dạng một Tin Mừng. Họa thiết và văn phong của Thánh Gioan tiến bộ hơn các Tin Mừng kia đến độ các người đương thời với ngài phải ngạc nhiên, có lẽ còn ngỡ ngàng nữa là đàng khác. Nếu họ tiếp nhận hình thức nghệ thuật mới này một cách thù nghịch, như phản ứng đối với các bức tranh đầu tiên của phái Ấn Tượng Pháp, thì tôi vẫn nghĩ Thánh Gioan chả lo ngại chi, bởi công trình của ngài đọc lên nghe như công trình của một người đang trò truyện với chính bản thân mình. Những nét hiện thực rải rác khắp khung vải nổi bật lên với vẻ sáng láng của ký ức tuổi già, như những lời bậc thầy vĩ đại mãi sau này sẽ phổ nhạc lên. Những biến cố sống động và các tên địa danh ấy giúp tâm trí tôi đứng vững và thúc đẩy tôi tin vào tính chân thật lịch sử của tác phẩm như một toàn bộ. Ba mươi năm trước đây, ba Tin Mừng đầu có mùi rượu nho được pha chế từ những bình có nguyên gốc khác nhau, trong khi Tin Mừng Thánh Gioan chỉ là một thứ rượu nho đơn nhất, từ một vườn nho, do một nhà nghệ sĩ cao cả duy nhất chế tạo và chăm sóc.

Chuyển ngữ từ Half-Way To Faith, của David Eccles, do nhà Fontana Books xuất bản, năm 1968