3. Thế gian

Thánh Gioan sử dụng ý niệm thế gian (kosmos) khá nhiều. Trong tổng số 185 lần từ ngữ này xuất hiện trong Tân Ước, người ta thấy nó 78 lần trong Tin Mừng Gioan, 24 lần trong các thư của ngài và 3 lần trong Khải Huyền…

Thường thường chữ này chỉ việc trang trí, trang sức. Ta thấy nghĩa này trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô (3:3): Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; từ chữ này ta có chữ cosmetic. Thế giới hay vũ trụ với những tương quan nhịp nhàng của nó, quả là một sự trang trí vượt bực, và vì thế từ ngữ này được sử dụng để chỉ vũ trụ nói chung. Có lẽ Thánh Gioan đã sử dụng ý nghĩa này khi ngài viết trong Ga 1:10: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có”. Khi Chúa Giêsu được mô tả là “ánh sáng thế gian” (8:12; 9:5) và đến hay được sai đến “thế gian” (3:17; 11:27), thì tuy chữ này thường được hiểu là vũ trụ nói chung, nhưng ta cũng không thể loại bỏ việc nó có thể ám chỉ thế giới này, thế giới của ta nói riêng. Vì đối với con người, trái đất này quả là phần có ý nghĩa nhất của vũ trụ, nên không ngạc nhiên gì khi từ ngữ này được dùng để chỉ thế giới ta đang sống. Ta thấy ý nghĩa này trong các câu như 16:33: Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó.

Từ nghĩa trên, ta dễ nhận ra một chuyển ý với thế gian theo nghĩa đa số con người, như khi những người Biệt Phái thất vọng phát biểu: “Kìa thiên hạ theo ông ấy hết rồi!" (12:19). Nhưng phần lớn con người không say mê phục vụ Thiên Chúa. Với nghĩa này, Chúa Giêsu bảo: thế gian nói chung chống đối Người, rẫy bỏ Người, và cuối cùng đóng đinh Người. Từ đó, ta không nên lấy làm lạ khi “thế gian” được sử dụng để chỉ một nhân loại chống lại Chúa Kitô. Chính vì thế có tác giả đã nói tới thế gian như là “tổng số tạo vật của Thiên Chúa bị sự sa ngã làm cho tan tác và hiện đang đứng trước sự phán xét của Người nhưng được Chúa Kitô xuất hiện cứu chuộc”. Thế gian, vì thế, “theo một nghĩa nào đó, quả là hiện thân cho kẻ chống đối vĩ đại đối với Đấng Cứu Chuộc trong lịch sử cứu rỗi” (Theological Dictionary of the New Testament, Grand Rapids, 1964-1969, tr. 893, 894)

Cái nghĩa thế gian như thù nghịch với Chúa Kitô và tất cả những gì Người giảng dạy này là nghĩa mới mẻ được dùng trong Tân Ước. Trong văn chương Hy Lạp nói chung, không hề có nghĩa này. Trong văn chương này, nó chỉ một điều gì hấp dẫn, tức thứ tự và vẻ đẹp của vũ trụ. Nhưng đối với Thánh Gioan và Thánh Phaolô, điều đáng buồn là con người sống trong cái vũ trụ tươi đẹp và có trật tự này đã hành động một cách xấu xa và vô lý khi giáp mặt với Chúa Kitô. Và thế là thế gian ghét bỏ những kẻ bước theo chân Người. Người nói với họ: “các con biết rằng thế gian ghét Thầy trước khi nó ghét các con” (15:18). Trước đó, Người nói với họ: “Thế gian không thể ghét các con, nhưng Thầy thì nó ghét” (7:7).

Cũng theo nghĩa trên ta thấy có những câu nói tới ma quỉ như là “thủ lãnh thế gian” hay tương tự (12:31; 14:30;16:11). Thế gian vui mừng trong khi môn đệ khóc lóc (16:20). Thế gian đui mù. Khi Ngôi Lời đến thế gian, “thế gian không nhận biết Người” (1:10). Thế gian cũng không nhận biết Chúa Cha (17:25), cũng như không tiếp nhận Chúa Thánh Thần (14:17).

Nhưng Thánh Gioan không để chúng ta ở lại với hình ảnh thù nghịch khôn nguôi giữa Thiên Chúa và thế gian. Đã đành thế gian không lưu tâm gì tới sự việc của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa có bao giờ có thái độ như thế đối với thế gian? Ngược lại, Người vẫn yêu thế gian (3:16). Chúa Kitô cho thế gian hay những điều Người đã được nghe từ Thiên Chúa (8:26). Trọn bộ công trình cứu rỗi mà Thiên Chúa thực hiện nơi Chúa Kitô là nhằm cho thế gian. Chính vì thế, Chúa Kitô đã xóa bỏ tội thế gian (1:29). Người là “Đấng cứu độ thế gian” (4:42). Người hiến mạng sống cho thế gian (6:36). Người ban thịt mình cho “thế gian được sống” (6:51). Chúa Kitô đến để cứu thế gian chứ không phán xét nó (3:17; 12:47). Thành công của Người được mô tả như là việc lật nhào Xatan, thủ lãnh thế gian (12:31; 14:30). Chiến thắng này vĩnh viễn là của Chúa Kitô (16:33) nhưng chiến thắng này vẫn không thay đổi sự kiện: thế gian, trong căn bản, vẫn tiếp tục chống đối Chúa Kitô.

Nói tóm lại, theo Leon Morris, hạn từ thế gian mang theo mình khá nhiều ý nghĩa khác nhau mà người đọc cần lưu ý khi học hỏi Tin Mừng Gioan, vì các biên giới giữa các ý nghĩa này rất linh động. Thánh Gioan di chuyển tự do từ ý nghĩa này qua ý nghĩa nọ, có khi còn một lúc dùng nó với nhiều ý nghĩa khác nhau nữa.

4. Sự thật

Trong văn chương Hy Lạp, ý niệm căn bản về sự thật cũng tương tự như ý niệm của chúng ta. Nó chỉ sự thật ngược với sự giả, chỉ thực chất ngược với vẻ bề ngoài. Nhưng trong Tân Ước, việc sử dụng hạn từ này trở nên phức tạp vì nó du nhập nhiều nét từ Cựu Ước. Những nét này mang thêm ý nghĩa trung thành, đáng trông cậy, đáng tin tưởng, chắc chắn… Nhất là khi những hạn từ này được sử dụng để nói về Thiên Chúa. Có thể không ngoa khi quả quyết rằng phần lớn ý nghĩa của các hạn từ này được rút ra từ ý niệm Thiên Chúa. Thực vậy, Người thường được gọi là “Thiên Chúa sự thật” (Tv 31:6 [1]; Is 65:16 [2]). Như thế, sự thật là đặc tính của Thiên Chúa và chỉ nhờ biết Thiên Chúa ta mới biết sự thật. Nhưng con người cũng có thể biết sự thật vì chính Thiên Chúa đã mạc khải nó cho họ. Chính vì vậy, Giacóp đã có thể nói rằng: “con bé nhỏ, đâu xứng với tất cả mọi ân huệ và tất cả sự thật [3] mà Ngài đã tỏ cho tôi tớ Ngài đây” (St 32:10). Những lời cầu nguyện như câu “trong sự thật [4] của Ngài, xin tiêu diệt chúng” (Tv 54:7) làm chúng ta ngỡ ngàng cho đến khi chịu nhớ ra rằng sự thật bao hàm tính đáng tin cậy và tính chính trực hoàn toàn của Thiên Chúa. Người chắc chắn luôn hành động phù hợp với nền luân lý cao cả nhất.

Trong Tân Ước, sự thật cũng được liên kết với Thiên Chúa (Rm 3:7; 15:8 [5]). Trong một câu đáng lưu ý, Thánh Phaolô nói tới việc thờ ngẫu thần như là việc đổi chác sự thật của Chúa lấy sự dối trá (Rm 1:25), điều này làm cho sự thật rất gần gũi với bản tính cốt lõi của Thiên Chúa. Sự thật cũng được liên kết với Chúa Kitô (2Cor 11:10), nhất là trong kiểu nói “vì sự thật ở nơi Chúa Giêsu” mà người ta thường dịch là “đúng như sự thật ở nơi Chúa Giêsu” [6] (Eph 4:21). Thực ra ở đây, Thánh Phaolô không có ý nói tới một khía cạnh sự thật nào đó mà ngài tìm thấy nơi Chúa Giêsu; nhưng ngài muốn nói rằng sự thật của Thiên Chúa, nghĩa là chính sự thật, cư ngụ trong Chúa Giêsu. Đó chỉ là một bước ngắn dẫn tới chính điều Chúa Giêsu thực hiện và do đó, ta nghe nói tới “sự thật của tin mừng” (Gl 2:5), trong khi “lời sự thật” có thể giải thích là “tin mừng cứu độ anh em” (Eph 1:13). Còn nhiều câu tương tự như thế. Điều này ảnh hưởng đến tác phong người tín hữu. Họ thắt lưng bằng đai sự thật (Eph 6:14), giữ ngày lễ “với bánh không men của lòng thành tín và sự thật” (1Cor 5:8). Tóm lại, sự thật phải là đặc tính của người được cứu độ cũng như nó vốn là đặc tính của Đấng Cứu Độ.

Việc khai triển trên đạt tới đỉnh cao trong Tin Mừng thứ bốn. Đối với Thánh Gioan, sự thật là một quan niệm rất quan trọng. Ngài sử dụng nó tới 25 lần trong Tin Mừng và 20 lần trong các thư, trong khi Tin Mừng Mátthêu chỉ sử dụng 1 lần, hai Tin Mừng Máccô và Luca, mỗi Tin Mừng sử dụng 3 lần, các thư Thánh Phaolô sử dụng tới 47 lần.

Bultmann cho rằng nơi Thánh Gioan, ý nghĩa căn bản của sự thật là thực tại Thiên Chúa (xem Theological Dictionary of the New Testament, I, tr.238). Vì Người là Đấng Tạo Dựng, nên Người là thực tại chân thực duy nhất. Điều đặc biệt quan trọng là sự kiện này: ta có thể liên kết sự thật với Chúa Giêsu. Người “đầy ơn phúc và sự thật” (1:14), và là nguồn ơn phúc và sự thật cho con người (1:17). Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ làm chứng cho sự thật (5:33) và vì ngài tự nhận mình là chứng nhân của Chúa Giêsu (xem 1:7), nên điều này càng liên kết sự thật chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu. Chính Người từng phán rằng: “Thầy là… sự thật” (14:6). Bultmann cũng cho rằng sự thật như thế không phải là giáo huấn về Thiên Chúa do Chúa Giêsu truyền dạy mà là chính thực tại của Thiên Chúa đang tự mạc khải, đang đến!, trong Chúa Giêsu. Hiểu như thế, sự thật có một mối liên kết rất đặc biệt với thánh giá. Lúc gần kết thúc Tin Mừng, Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Sự thật là cái gì?” (18:38). Không một câu đáp bằng lời nào đã được đưa ra, nhưng trình thuật Khổ Nạn chính là câu trả lời bằng việc làm vậy. Như A. Corell từng viết: “Trong Tin Mừng thứ bốn, chỉ có thể có một ý nghĩa cho sự thật: đó là sự thật về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu… Điều này phù hợp với trọn bộ nền thần học của Tin Mừng thứ bốn, mà trọng điểm là việc Chúa Giêsu “được cất lên” (Consummatum Est, London 1958, tr.161). Sự thật, trong cái hiểu của Chúa Giêsu, rất đắt giá.

Tất cả những điều trên đem đến nhiều hậu quả cho con người. “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông" (8:31-32). Biết sự thật không phải là bước vào tự do tri thức, nhưng là bước vào kinh nghiệm giải thoát được làm môn đệ Chúa Kitô, với tất cả ý nghĩa của việc được giải thoát khỏi tội lỗi và tội lụy, và tình hiệp thông cũng như nhận biết Thiên Chúa. Chúa Giêsu không mô tả sự thật như một nhân đức luân lý hay một quan niệm triết học. Ý tưởng này rất gần với ý tưởng tại 17:3 là câu mô tả sự sống đời đời theo hướng nhận biết Thiên Chúa “chân thật” và Chúa Giêsu Kitô. Ở đây, có lẽ ta cũng nên xét tới sự kiện này là “mọi ơn phúc và sự thật đều nhờ Chúa Giêsu Kitô mà có” (1:17), vì điều này nói lên một liên kết gần gũi giữa sự thật và tin mừng ơn phúc của Thiên Chúa. Trọn bộ thừa tác vụ của Chúa Giêsu đã được thực hiện để Người có thể làm chứng cho sự thật (18:37; xem thêm 8:40, 45, 46; 16:7). Ngược lại, tên xấu xa không đứng về phía sự thật, và quả thực, trong hắn, không hề có sự thật (8:44).

Sự thật cũng có liên hệ tới Chúa Thánh Thần, là Đấng tiếp nối công trình của Chúa Kitô. Thực vậy, điều này tạo thành một nét đặc thù trong giáo huấn của Tin Mừng thứ bốn. Chúa Thánh Thần là “Thánh Thần sự thật” (14:17; 15:26; 16:13). Thánh Gioan còn quả quyết: “Thánh Thần là sự thật” (1Ga 5:6). Một phần trong việc làm của Chúa Thánh Thần là dẫn con người “tới sự thật” (16:13).

Đối với Kitô hữu, sự thật quan yếu đến nỗi họ có thể coi mình “đứng về phía sự thật” (18:37). Chỉ những ai “đứng về phía sự thật” mới nghe được tiếng nói của Chúa Kitô (18:37). Họ được thánh hóa “trong sự thật” (17:17). Thực vậy, việc Chúa Kitô tự thánh hóa mình (phần lớn các học giả cho rằng điều này ám chỉ Người được chọn riêng ra cho cái chết hiến tế) chính là “để chúng cũng được thánh hóa trong sự thật” (17:19). Để cả họ nữa cũng “sống” sự thật (3:21; xem điều ngược lại tại 1Ga 1:6). Sự thật là một đặc điểm của hành động, chứ không phải chỉ là một ý niệm trừu tượng. Tín hữu thờ phượng “trong tinh thần và trong sự thật” (4:23f). Điều này quan trọng đến nỗi Chúa Cha chỉ tìm những người thờ phượng như thế mà thôi (4:23). Thờ phượng phải phù hợp với thực tại Thiên Chúa như đã được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô.

Nói tóm lại, mối liên kết với Chúa Giêsu là điều thuộc yếu tính đối với ý niệm sự thật như đã được trình bày trong sách Tin Mừng này. Sự thật bắt đầu với bản tính chủ yếu của Thiên Chúa, nó tìm được cách phát biểu trong Tin Mừng Thiên Chúa cứu độ con người và nó phát sinh ra những cuộc đời đặt căn bản trên sự thật và sẵn sàng biểu dương sự thật.

5. Tin

Một trong các điều lạ về Tin Mừng thứ bốn là trong khi động từ pisteuo (tin) được dùng trong đó tới 98 lần, thì danh từ pistis (niềm tin, đức tin) lại hoàn toàn vắng bóng. Không ai hiểu rõ nguyên do. Người ta phần lớn cho rằng có thể đối với hệ thống tiền ngộ đạo thời ấy, dùng dạng danh từ có thể khiến người ta nghi ngờ Tin Mừng này chăng. Điều này dám đúng lắm, nhưng dù có thế đi chăng nữa, thì người ta vẫn lấy làm lạ tại sao Tin Mừng này lại sử dụng động từ pisteuo nhiều đến thế, trong khi Tin Mừng Mátthêu chỉ sử dụng có 11 lần, Tin Mừng Máccô 10 lần (thêm 4 lần nữa trong phần cuối chương 16 mà có người cho là không phải của Thánh Máccô), và Tin Mừng Luca 9 lần.

Xét chung, Thánh Gioan sử dụng động từ này 4 cách. Sử dụng để chỉ sự việc tin 12 lần, người tin 19 lần, tin “vào” Chúa Kitô 36 lần, và 30 lần sử dụng nó một cách tuyệt đối. Không có gì bất thường khi tin rằng việc này việc nọ đã xẩy ra hay tin vào người tin. Điều đáng lưu ý là việc dùng động từ này với giới từ “vào” (eis = into). Dù việc sử dụng giới từ này phần lớn là để nhấn mạnh nghĩa chiểu tự nhưng rõ ràng cách nhấn mạnh của Thánh Gioan rất giống với cách của Thánh Phaolô khi vị thánh này nói đến việc chúng ta cư ngụ “trong” Chúa Kitô (en Christou). Đối với Thánh Gioan, tin là một hoạt động đưa con người ra khỏi chính họ để kết hợp làm một với Chúa Kitô.

Có nhà chú giải cho rằng Thánh Gioan sử dụng động từ pisteuo với giới từ eis này theo nghĩa Hípri để chỉ lòng tin đơn sơ, tín thác bản thân (xem C.H. Dodd, The Interpretation of the Fourth Gospel, Cambridge 1953). Đây là yếu tố nổi bật trong niềm tin vào Chúa Kitô của các Kitô hữu thuở ban đầu. Cái yếu tố luân lý của lòng tín thác bản thân này rất quan trọng để hiểu được Kitô Giáo buổi sơ khai.

Không hẳn là một tình cờ khi Tin Mừng này, song song với việc nói nhiều về việc tin, cũng đã nói nhiều về việc “ở lại” trong Thiên Chúa và Chúa Kitô. Dù tin và ở lại không có liên hệ với nhau trong nhiều câu nói, ngoại trừ câu 12:46, nhưng rõ ràng chúng chỉ về cùng một sự việc. Thực thế, người ta có thể cho rằng việc ở lại trong Chúa Kitô, từng được nhấn mạnh ở các câu mở đầu chương 15, thực tế đồng nghĩa với tin, và đó là lý do tại sao động từ tin không được dùng trong các câu này.

Quan niệm tin “vào” Chúa Kitô này quan trọng đến nỗi có thể dùng động từ này một cách tuyệt đối, không cần túc từ. Trong Tin Mừng này, khi nói đến tin, không cần phải nói tới tin ai. Tin và Chúa Kitô hoà lẫn vào nhau đến độ đã nói về thực tại này là hàm nghĩa nói tới thực tại kia. Ta thấy rõ điều này trong câu đàm thoại của Chúa Giêsu với người mù từ lúc mới sinh “Anh có tin vào Con Thiên Chúa không?” Anh ta hỏi lại: “Nhưng thưa Thầy, Đấng ấy là ai để tôi tin vào Người?”. Tuy nhiên, khi được trả lời, anh ta không nói “Tôi tin vào Đấng ấy” mà chỉ nói “Tôi tin”. Một lần nữa, ta cũng thấy thực sự không có khác biệt chi giữa việc tin các sự kiện về Chúa Kitô và tin “rằng anh em có thể tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin như thế anh em có sự sống nhân danh Người” (20:31). Cũng thế, niềm tín thác đơn sơ vào Chúa Cha là điều có liên hệ tới hồng phúc sự sống đời đời (5:24).

Tóm lại, ý niệm căn bản của tin là làm tín hữu ra khỏi con người mình để kết hợp nên một với Chúa Kitô. Thực sự tin Chúa Cha hay thực sự tin các sự kiện về Chúa Kitô đều hàm chứa trong điều trên. Dù sử dụng cách nào, từ ngữ này cũng nhấn mạnh tới niềm tín thác bản thân vào Thiên Chúa.

Theo Leon Morris, The Gospel According to John, 1979,
__________________________________________________________________________________________________________

[1] Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “Thiên Chúa thủy chung”; CGKPV dịch là “Chúa Trời thành tín”. Bible de Jerusalem dịch là “God of truth”.

[2] Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “Thiên Chúa danh hiệu Amen” với lời chú thích: tiếng “Amen” nghĩa là thật. CGKPV dịch là “Thiên Chúa chân thật”. Bible de Jerusalem: God of truth.

[3] CGKPV dịch là “lòng thành kính”

[4] CGKPV dịch là: “vì Ngài thành tín, xin tiêu diệt chúng”.

[5] CGKPV: “lòng trung thành của Thiên Chúa”

[6] CGKPV, còn Cha NT Thuấn thì dịch là: “quả như (Đức Kitô ấy) là sự thật (đã tỏ bày ra) nơi Đức Yêsu”.