SAIGÒN -- Chiều ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thờ, còn được gọi là lễ Nến, khá đông trẻ em được bố mẹ dẫn đến nhà thờ Đa Minh Ba Chuông để tham dự thánh lễ. Hôm nay, trong thánh lễ đồng tế có nghi thức làm phép nến và nghi thức chúc lành cho trẻ em và các bà mẹ.

Mở đầu là lời chào mừng của cha chánh xứ Giuse Đào Trung Hiệu OP gởi đến cha mẹ và các em bé với tràng vỗ tay hân hoan của cộng đoàn. Tiếp theo là lời cầu nguyện trang trọng trong nghi thức làm phép nến có rẩy nước thánh, làm cho người dự hiểu rằng tuy những cây nến màu trắng có nơ hồng, nơ xanh xếp đầy trên chiếc bàn kia xem ra chỉ là một sản phẩm bình thường, nhưng giờ đây chúng trở nên thánh thiêng khi được làm công cụ chứa đựng ánh sáng – một biểu tượng sứ mệnh của hài nhi Giêsu, vì Ngài là “Ánh sáng soi đường cho dân ngoại và là vinh quang của Israel dân Ngài (Lc 2,22-40).

Và giáo dân còn có thói quen mang nến đã làm phép về nhà để thắp lên khi đọc kinh gia đình, khấn nguyện lúc có người ốm đau, đi xa hoặc trong những dịp cưới hỏi hay tang chế.

Trong lòng nhà thờ bầu khí như tươi vui hơn vì có nhiều trẻ em, cháu thì được cha bế, cháu được mẹ ẵm, những cháu khác nhỉnh hơn thì được cùng đứng cùng ngồi với cha mẹ trong thánh lễ. Còn ngoài sân nhà thờ, nhiều cháu tung tăng, vô tư chạy đi chạy lại trong bộ quần áo đẹp…tất cả như nói lên niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa trong chặng đường dài nuôi dạy con cái mà người làm cha mẹ chẳng biết những gì sẽ xảy ra.

Bài giảng sâu sắc của linh mục chủ tế còn xoáy nhẹ vào lòng những người làm cha mẹ mà trong đời thường niềm tin song song với chuyện cơm áo gạo tiền. Cha nhấn mạnh bốn điểm:

- Ca ngợi sự sống của Thiên Chúa: câu chuyện trong Cựu Ước khi có một tai ương là tất cả những trẻ nam con của dân Ai Cập đều bị giết, còn con trẻ của dân Do Thái được tha khi bôi máu lên cửa….nhắc nhở cho mọi người rằng sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa, con người lớn lên trong sự bảo bọc của Thiên Chúa và con đường sống của chúng ta chỉ có giá trị khi đi theo giáo huấn của Người.

- Ý nghĩa về gia đình, tuổi thơ và vai trò làm cha mẹ: Khi cử hành bí tích hôn phối, những người lập gia đình được nghe câu hỏi này: “Anh chị có đón nhận con cái Thiên Chúa ban và giáo dục chúng theo sự hướng dẫn của Giáo Hội không?” Cha dẫn chứng rằng, hiện nay, Việt Nam là một trong ba quốc gia đứng đầu thế giới trong việc phá thai, nghĩa là trên đất nước này có nhiều nghĩa trang thai nhi. Đó là điều đau lòng vì sự sống Thiên Chúa trao ban là một món quà quí giá, chúng ta được hợp tác với Thiên Chúa mà sáng tạo ra một con người biết suy nghĩ, biết yêu thương và hành động.

- Lưỡi đòng và bảy sự thương khó của Đức Mẹ: Khởi nguồn từ một thế giới từ chối ánh sáng nên gặp phải nhiều khốn khổ chuân chuyên; Đức Maria đã làm tròn vai trò làm mẹ của mình. Được báo trước nỗi đau, Đức Maria can đảm đón nhận người con rướm máu trên thánh giá, trong khi các bà mẹ không thể biết được những gì sẽ xảy ra với con mình; thế nên Đức Mẹ cảm thông với tất cả những bà mẹ.

- Cha thổ lộ cảm xúc riêng của mình khi xem tài liệu nói về những công cụ khoa học giết chết thai nhi; và thật mỉa mai khi trong tài liệu có câu nói của thai nhi: “Mẹ ơi, con chưa nhìn thấy mặt mẹ, nhưng cho con được gọi mẹ là mẹ vì con vật nó còn có mẹ….con đi trước, mẹ sẽ đi sau, chúng ta sẽ gặp lại nhau, vì ngoài phần xác, con người còn có phần anh linh, mà người Công Giáo gọi là linh hồn, mà linh hồn là thứ làm cho chúng ta vinh dự được nói chuyện với Thiên Chúa.

Linh mục kết thúc bài giảng bằng lời cầu mong mọi người cùng chung tay xây dựng một thế giới có nền văn minh của tình thương. Bốn ý tưởng trên làm mọi người như lặng đi trong khi các con trẻ vẫn ngây ngô và ấm áp trong vòng tay mẹ cha.

Sau đó, thật xúc động khi nhiều người xếp hàng, bế con lên trước cung thánh để các linh mục đồng tế chúc lành. Có nhiều người Công giáo, đứng trước khó khăn về cuộc sống, đã nhút nhát chỉ sinh một đứa con, trong khi những người Cộng sản còn “cho phép” sinh hai con. Nhiều quốc gia đang già đi và phải khốn khổ khi tha thiết kêu gọi phụ nữ sinh ra những công dân. Và nếu quan tâm, suy nghĩ một chút thì (khi chỉ sinh một con) thật tội nghiệp cho đứa bé chỉ có một mình trong căn nhà của cha mẹ và còn nhiều chuyện khác nữa.

Thánh lễ kết thúc, nhiều người lên nhận nến rồi ra về, nhưng chắc chắn bài giảng hôm nay của cha chủ tế lắng đọng ít nhiều trong lòng những người làm cha mẹ với nhiều lo toan khó nhọc vẫn hy vọng tín thác về những đứa con của mình vào một Thiên Chúa yêu thương.