VATICAN VÀ VẤN ÐỀ TÀI LIỆU

Trong bài “Gia Tô Bí Lục Tân Thời”, chúng tôi đã nhắc tới John Cornwell và tác phẩm “Giáo Hoàng Của Hitler”, trong đó ông lớn tiếng chỉ trích sự im lặng của Đức Piô XII trước cảnh Đức Quốc Xã tiêu diệt dân Do Thái.

Dường như Cornwell tin rằng với phát súng điếc tai của mình, Vatican sẽ làm hơn nữa để mở tất cả các hồ sơ hiện có liên quan đến triều đại đức Piô XII. Như trên kia đã nhắc, ông cho rằng Hocchuth có công vì nhờ Vị Ðại Diện, Vatican đã phải cho công bố bộ 11 tập hồ sơ ADSS (1) về thời Thế Chiến II là thời trùng với phần đầu triều đại Đức Piô XII.

Thực ra, không hẳn như thế. Theo linh mục Blet, người sống sót duy nhất trong số bốn sử gia Dòng Tên có nhiệm vụ san định bộ tài liệu trên, lý do của việc công bố này xuất phát từ một hậu cảnh bao quát hơn nhiều. Linh mục Blet viết: “Sự quan tâm đặc biệt đối với các biến cố của Thế Chiến II và ý muốn viết lịch sử về nó dựa trên tài liệu, chứ không phải chỉ dựa trên những trình thuật hoặc chứng từ ít nhiều có tính gián tiếp, đã thuyết phục được các Nhà Nước có liên hệ đến cuộc tranh chấp bằng lòng cho công bố các tài liệu mà công chúng cho đến nay chưa được phép đọc”. Nghĩa là không phải do sức ép của Vị Ðại Diện, mà là do nhu cầu chung được mọi quốc gia liên hệ đáp ứng.

Một công trình khó khăn

Việc công bố các tài liệu thời chiến của Vatican được trao cho ba linh mục dòng tên: Angelo Martini, chủ bút tờ La Civilta Cattolica, Burkhart Schneider và Pierre Blet, cả ba lúc ấy đang phụ trách môn Giáo Sử tại Ðại Học Gregoriana. Công việc bắt đầu tháng Giêng năm 1965, tại một văn phòng gần văn khố của Bộ Giáo Vụ Ðặc Biệt và Phân Bộ Thứ Nhất thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, là nơi lưu giữ các hồ sơ thời chiến. Nhiệm vụ san định này không đơn giản như người ta nghĩ. Bởi văn khố vốn không được mở cho công chúng, nên không có bản liệt kê theo hệ thống. Các tài liệu vốn lại không được xếp loại theo thứ tự thời gian cũng như khu vực địa dư. Các tài liệu chính trị, và do đó liên quan tới chiến tranh, đôi khi lại được xếp chung với các tài liệu có tính chất tôn giáo, giáo luật hoặc ngay cả cá nhân nữa, và được đựng trong các hộp tuy dễ xử lý nhưng đôi khi lại bao gồm quá nhiều các nội dung khác nhau. Tin tức về Anh có thể tìm thấy trong các tập hồ sơ về Pháp, nếu tin tức đó được gửi qua Sứ Thần tại Pháp. Cũng vậy, việc can thiệp cho các con tin Bỉ lại thấy trong các hộp thuộc Sứ Thần tại Berlin. Bởi thế cần phải xem sét từng hộp và căn cứ vào nội dung mà lựa ra các tài liệu thuộc chiến tranh.

Tuy nhiên công việc tìm tòi của ba linh mục đã được đơn giản hóa phần nào nhờ một qui luật của Phủ Quốc Vụ Khanh có từ đời đức Urbanô thứ 8 định rằng trong một bức thư, các sứ thần chỉ xử lý một vấn đề duy nhất mà thôi. Mặt khác, nhờ làm việc ngay tại văn phòng của Phủ Quốc Vụ Khanh và có ủy nhiệm đàng hoàng, nên ba linh mục không bị những hạn chế của các học giả công chúng bình thường. Các ngài được tự ý lấy các hộp khỏi giá đựng ở phòng lưu giữ. Một điểm thuận lợi nữa là các tài liệu phần lớn đều là những bản rời, được đánh máy đàng hoàng. Nhờ thế, ngay khi nhận dạng chúng nói về chiến tranh, thì chỉ cần lấy chúng ra, cho chụp bản sao và gửi bản sao đến nhà in với các ghi chú cần thiết.

Dù công việc tiến triển khả quan, mùa Ðông năm ấy, ba linh mục cũng đã yêu cầu sự trợ giúp của Cha Robert Leiber, đang hưu trí tại Học Viện Ðức sau khi làm thư ký riêng cho Đức Piô XII hơn 30 năm. Cha Leiber theo dõi sát nút các vụ việc liên quan đến Ðức và chính ngài phát giác sự hiện diện của bộ thư giữa đức Piô XII và các giám mục Ðức. Các thư này là nội dung của tập thứ hai trong bộ tài liệu, chúng là những tài liệu nói lên suy tư rõ nhất của Đức Piô XII.

Các tập trong bộ tài liệu

Tập thứ nhất nói về 17 tháng đầu tiên trong triều đại đức Piô XII (tháng 3 năm 1939 đến tháng 7 năm 1940), phần lớn đề cập đến các cố gắng tránh cho chiến tranh khỏi xẩy ra, đã được xuất bản tháng 12 năm 1965 và được mọi người chào đón. Năm 1966, giữa lúc đang cần một học giả rành tiếng Anh vì càng ngày ba linh mục càng khám phá ra nhiều tài liệu bằng tiếng Anh nói về các liên hệ giữa đức Piô XII và Roosevelt, thì cha Robert A. Graham, một cha Dòng Tên người Mỹ lúc ấy đang phụ trách tờ America, và là tác giả cuốn Vatican Diplomacy (Nền Ngoại Giao Vatican), đến tìm tài liệu về đúng thời kỳ ba linh mục đang nghiên cứu, nên ngài được mời tham gia nhóm. Và ngài bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho tập thứ ba đề cập tới Ba-Lan, dựa theo mô thức của tập hai. Sau ba tập ấy, các linh mục quyết định chia các tài liệu còn lại thành hai phần riêng biệt. Phần đầu nối tiếp tập thứ nhất bàn về các vấn đề ngoại giao mang tiêu đề chung là Le Saint-Siège et la guerre en Europe, Le Saint-Siège et la guerre mondiale (Tòa Thánh và Chiến Tranh tại Âu Châu, Tòa Thánh và Thế Chiến) gồm các tập IV, V, VII và XI. Phần thứ hai gồm các tài liệu xếp theo thứ tự thời gian nói về các cố gắng của Tòa Thánh trong việc giúp đỡ các nạn nhân thể xác cũng như tinh thần của chiến tranh mang tựa đề chung là Le Saint-Siège et les victimes de la guerre (Tòa Thánh và Các Nạn Nhân Chiến Tranh), gồm các tập VI, VIII, IX và X. Công việc san định ấy kéo dài 15 năm. Trong khoảng thời gian ấy, các vị thay phiên nhau về chầu Chúa. Cha Leiber qua đời ngày 18 tháng 2 năm 1967. Cha Schneider, trong khi tiếp tục dạy môn sử hiện đại tại Ðại Học Gregoriana, sau khi xuất bản tập các thư gửi các giám mục Ðức, đã dành thì giờ cho phần nói về các nạn nhân chiến tranh và với sự trợ giúp của Cha Graham, đã chuẩn bị các tập VI, VIII và IX và đã hoàn tất chúng vào Lễ Giáng Sinh 1975; nhưng sau đó ngã bệnh và qua đời vào tháng 5 năm sau. Cha Martini, người làm việc toàn thời gian cho dự án này và hầu như tham dự vào tất cả các tập, đã không được diễm phúc thấy công trình hoàn tất. Ngài chỉ được thấy bản in nháp tập cuối cùng vào đầu mùa hè năm 1981 và sau đó cũng đã ra đi vĩnh viễn. Tập XI (tập cuối cùng của bộ tài liệu) được xuất bản cuối năm 1981 do cha Graham và cha Blet san định. Mặc dù lớn tuổi nhất trong số các vị chuyên viên, Cha Graham đã có thể làm việc cho đến khi bộ tài liệu hoàn tất và trong thời gian 15 năm này, còn đảm nhiệm nhiều cuộc nghiên cứu và xuất bản bổ túc phần lớn được công bố trên La Civilta Cattolica, cung cấp cho các sử gia nghiên cứu về Thế Chiến II nhiều nguồn tài liệu quí giá. Ngài rời Rome ngày 24 tháng 7 năm 1996 để trở về California và qua đời tại đó ngày 11 tháng 2 năm 1997.

Cuốn yếu lược của bộ tài liệu

Ðầu năm 1982, còn lại một mình, và sau khi thấy ít người, kể cả các sử gia, biết đến bộ tài liệu trên, cha Blet xúc tiến việc biên soạn một cuốn yếu lược gồm những tài liệu và kết luận chủ yếu lấy từ bộ tài liệu trên. Ngài tin rằng nếu sử dụng khách quan bộ tài liệu này, người ta sẽ biết thực tại cụ thể về thái độ và cách hành xử của đức Piô XII trong Thế Chiến II và do đó những lời tố cáo chống ngài quả là vô căn cứ. Vì các tài liệu ấy cho ta thấy các cố gắng ngoại giao của ngài nhằm tránh cho chiến tranh khỏi xẩy ra. Sự kiện ngài thuyết phục Ðức đừng tấn công Ba-Lan và nước Ý của Mussolini đừng liên kết với Hitler là những việc làm có chứng cớ. Không có vết tích gì chứng tỏ điều được người ta gọi là thiên vị Ðức mà người ta cáo buộc là ngài đã phạm phải trong thời gian làm sứ thần tại nước đó. Các cố gắng của ngài phối hợp với Roosevelt giữ cho Ý khỏi tham dự vào cuộc tranh chấp, các điện tín ngày 10 tháng 5 năm 1940 tỏ bày tình liên đới với các nhà cai trị Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg sau cuộc xâm lăng của quân Ðức, và lời khuyến cáo can đảm của ngài để Mussolini và Vua Victor Emmanuel III ký kết hoà ước riêng chắc chắn đi ngược hẳn lại những cáo buộc trên. Quả là nực cười khi nghĩ rằng với cái đội vệ binh Thụy Sĩ trang bị khiên giáo (halberds) và vạ tuyệt thông, ngài lại có thể ngăn chặn được đoàn quân Wehrmatch.

Ủy Ban Sử Học Công Giáo và Do Thái

Năm 1999, Toà Thánh, sau khi công bố tài liệu We Remember nhận lỗi về phần con cái mình trong biến cố Diệt Chủng, đã chứng tỏ một thiện chí vượt bực muốn làm sáng tỏ sự thật liên quan đến vai trò của đức Piô XII nói riêng và của Giáo Hội Công Giáo nói chung trong biến cố đau thương ấy, đã thiết lập ra Ủy Ban Sử Học Công Giáo Do Thái Quốc Tế (The International Catholic-Jewish Historical Commission), để duyệt xét bộ tài liệu ADSS. Ðây là một nhóm bao gồm ba học giả Do-Thái (Michael Marrus, Bernard Suchecky và Robert Wistrich) và ba học giả Công Giáo (Eva Fleischner, Gerald Fogarty và John Morley) được Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do-Thái của Toà Thánh cử nhiệm. Ủy Ban họp phiên đầu tại New York, tháng 12 năm 1999, rồi tại London tháng 5 năm 2000, tại Baltimore tháng 7 năm 2000 và tại New York tháng 9 cùng năm. Ðến tháng 10 năm 2000, nhóm đệ trình lên Đức Hồng Y Chủ Tịch, Edward I Cassidy, phúc trình sơ khởi tựa là The Vatican and the Holocaust (Vatican và Nạn Diệt Chủng). Cốt chính của phúc trình “bao gồm một tuyển lựa những câu hỏi phát sinh từ việc nghiên cứu của chúng tôi về các tài liệu, sau khi vắn tắt tóm lược các hoàn cảnh đưa đến việc thành lập ra Ủy Ban này”.

Còn về chính các tài liệu, Phúc Trình này cho hay: Các cuốn trong bộ ADSS cho thấy tính phức tạp và đa dạng trong các hoạt động do Toà Thánh theo đuổi nhân danh các nạn nhân chiến tranh. Một trong những đóng góp giá trị của chúng là minh hoạ các ưu tiên của Vatican trong thời tranh chấp này. Lúc đó, Tòa Thánh lưu tâm hàng đầu đến mục vụ bí tích của mình, đến các quyền lợi định chế và cả đến sự sống còn của chính Giáo Hội Công Giáo nữa, như đã được minh hoạ, tỷ dụ, qua chính sách ngoại giao dựa vào các tông hiệp (concordat).

Sự đa dạng của các tài liệu, và vấn đề luân lý phát sinh từ một số các tài liệu ấy đã nói lên các cố gắng nghiêm chỉnh của các nhà biên tập, và việc đưa vào tuyển tập các tài liệu mà lúc ấy cũng như sau này từng gây ra các vấn nạn liên quan đến vai trò của Toà Thánh cho thấy các cố gắng của họ nhằm khách quan tính.

Tuy nhiên, phúc trình cho hay tiếp, việc tìm hiểu cặn kẽ các cuốn tài liệu này của Vatican đã không giải quyết dứt điểm các vấn nạn quan trọng về vai trò của Vatican trong thời Diệt Chủng. Không một sử gia nghiêm chỉnh nào có thể chấp nhận rằng những cuốn tài liệu được công bố và biên tập này đã có thể đưa chúng ta đến hồi kết cuộc của câu truyện. Ðiều này không hẳn vì tính phức tạp cũng như khó khăn của chính các vấn nạn, cũng không phải do giá trị biên tập của các cuốn tài liệu. Ðúng hơn, nó phản ảnh sự kiện này là nhiều tài liệu có thể có nhiều cách giải thích khác nhau. Giải thích là điều không thể tránh được trong công trình của các sử gia; nó đặc biệt thích đáng (relevant) và nhậy cảm trong trường hợp này bởi vì Ủy Ban Sử Học đang xử lý với điều chính các nhà biên tập nhìn nhận chỉ là một phần trong các chứng từ hiện có. Một trong các mục tiêu của Ủy Ban là tìm hiểu các hành động của Đức Piô XII và Vatican trong Thế Chiến II, họ đã quyết định như thế nào trong các chính sách theo đuổi, và tại sao. Nhưng khả năng làm việc đó đã bị giới hạn bởi sự kiện này là Ủy Ban, và các học giả nói chung, chỉ được sử dụng một tuyển lựa các tài liệu của Vatican. Một trong các hậu quả tất yếu của việc hạn chế này là một số bình luận gia phải dựa vào những suy diễn, số khác dựa vào những chuyện giật gân.

Theo phúc trình này, các tài liệu công bố thường nêu lên những câu hỏi quan trọng mà không cung cấp câu trả lời. Nguyên sự hiện diện của một tài liệu mà thôi không cho thấy điều gì về việc nó đã được tiếp nhận ra sao, đã chú tâm theo dõi ra sao về việc tiếp nhận nó, hoặc nó đã được coi hoặc xử lý như thế nào trong các giới khác nhau của nền ngọai giao Vatican. Hơn nữa, các nhà biên tập bộ ADSS, cũng như mọi học giả khác, đều đã thai nghén dự án của mình dưới một ánh sáng nào đó, và như thế Ủy Ban không những phải đối diện với trách vụ phân tích nội dung các cuốn sách, mà còn phải khảo sát mục tiêu và đích nhắm của các nhà biên tập.

Phúc trình cũng nhận định rằng nhiều câu hỏi có thể được trả lời bằng cách đọc những dẫn nhập dài kèm theo mỗi cuốn tài liệu, mà linh mục Blet đã cung cấp bản tóm lược, nhưng các câu hỏi khác vẫn còn đó. Trong các dẫn nhập, các nhà biên tập trích dẫn rất nhiều tài liệu, một số được công bố trong bộ tài liệu, số khác không được công bố. Thí dụ trong cuốn I, các nhà biên tập nhắc đến các lá thư do “các tâm hồn lo lắng”, mà tên tuổi không được nêu ra, gửi cho Ðức Giáo Hoàng xin ngài hành động cho hòa bình, đôi khi còn đề nghị cả phương án hành động nữa. Ấy thế nhưng chúng đã không được in trong chính phần thân tài liệu. Cũng vậy, trong phần dẫn nhập cuốn II, các nhà biên tập minh thị trích dẫn ở phần phụ chú (footnotes) một số các thư từ hàng giáo phẩm Ðức gửi cho Đức Giáo Hoàng. Nhưng trong chính bản văn tài liệu, lại chỉ đăng những thư của Ðức Piô XII gửi cho các giám mục Ðức mà thôi.

Phúc trình thêm rằng chính các nhà biên tập nhìn nhận rằng họ sử dụng một số tiêu chuẩn trong việc tuyển lựa các tài liệu cho công bố. Trong Lời Nói Ðầu cuốn I, họ giải thích rằng Phủ Quốc Vụ Khanh tiếp nhận các phúc trình và gửi các chỉ thị có liên quan tới sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội Công Giáo lẫn đời sống tôn giáo của các tín hữu, và những phúc trình và chỉ thị ấy không liên quan gì đến các liên hệ quốc tế. Ðây là lý do tại sao cuốn sách hiện tại chỉ giới hạn vào việc công bố những tài liệu dùng để giải thích sự can dự của Tòa Thánh vào các vấn đề liên quan đến cuộc chiến 1939-1945. Các nhà biên tập cũng đưa ra nhận định tương tự trong cuốn II, khi họ ghi chú rằng ‘Ðức Giáo Hoàng xử lý với rất nhiều vấn đề hoàn toàn thuộc nội bộ giáo hội và liên quan đến sinh hoạt tôn giáo’. Nhưng Ủy Ban nghĩ rằng một thế hệ sau, các sử gia có thể nhận ra là có liên quan đến việc nghiên cứu của họ, tất các vấn đề trước đây xem ra như hoàn toàn thuộc nội bộ giáo hội hay có tính tôn giáo thuần túy. Và Ủy Ban đặt câu hỏi: “Như thế chúng tôi có thể đem lại được gì cho cuộc tranh luận mà những người khác không có? Chúng tôi không tự cho mình là chuyên gia về mọi chủ đề trong các cuốn tài liệu đã được công bố, dù tất cả chúng tôi đều là thành phần của một nghiên cứu và đối thoại liên tục chung quanh chủ đề Giáo Hội và Nạn Diệt Chủng. Mỗi người trong chúng tôi đến với Ủy Ban với những cái nhìn rõ rệt dựa trên các công trình trước đây của mình. Chúng tôi hy vọng cung cấp được một chiều kích đa dạng cho một phúc trình có thể phản ánh sự dị biệt và các ý kiến bác học ẩn tàng trong bất cứ cuộc nghiên cứu nào. Sự hợp tác của chúng tôi và việc duyệt xét chung các tài liệu công bố không những làm phong phú hỗ tương mà còn tạo ra một diễn đàn để tra cứu và đối thoại”.

Sau khi nêu ra 27 câu hỏi liên quan đến từng văn kiện riêng rẽ, 14 câu hỏi liên quan đến một hay hai cuốn tài liệu, và 6 câu hỏi tổng quát, Phúc Trình kết luận như sau: “Cuộc điều tra sơ khởi của chúng tôi về 11 cuốn tài liệu đã đưa lại nhiều câu hỏi có ý nghĩa. Những câu hỏi liệt kê trong tài liệu này chỉ là một tuyển lựa các câu hỏi có thể hỏi. Nêu những câu hỏi này lên không nhằm mục đích làm giảm giá trị công trình mấy thập niên đã qua của những người biên tập bộ tài liệu này. Không bộ tài liệu biên tập nào có thể giải quyết dứt điểm một vấn đề lịch sử quan trọng đến như thế. Cũng như mọi sử gia khi làm việc đều chọn nhấn mạnh sự kiện này chứ không sự kiện khác, giới thiệu nhân vật này chứ không nhân vật khác, kể ra biến cố này chứ không biến cố khác, công trình của các nhà biên tập (bộ tài liệu này) cũng đã dựa trên các lựa chọn của họ, hoặc trên căn bản cá nhân hoặc trên căn bản thành viên của cả nhóm…

“Trong việc lượng giá tính đầy đủ của 11 cuốn tài liệu để hiểu vai trò của Vatican trong thời Diệt Chủng, ta cần nên nhớ rằng không sách lịch sử nào về vai trò của bất cứ chính phủ nào trong một vấn đề quá rộng như Nạn Diệt Chủng lại có thể được thực hiện cách hiệu quả chỉ trên căn bản các trao đổi ngoại giao mà thôi, ngay cả khi có những phần phụ thêm, như bộ ADSS thỉnh thoảng có làm. Hơn nữa, các sử gia cần biết tài liệu nào không có trong bộ tài liệu này. Dù các Văn Khố của Toà Thánh không có bản danh mục (inventory), nhưng qua bộ ADSS, người ta thấy rõ ràng có những tài liệu quan trọng có tính lịch sử đã không có trong đó. Một số trong các tài liệu này ghi chép công việc quản trị ngày qua ngày của Giáo Hội và Tòa Thánh. Ðàng khác, có rất nhiều những công văn nội bộ mà nền hành chánh nào cũng để lại hậu thế - nhật ký, thông báo (memoranda), sổ đề cử, biên bản, dự thảo văn kiện, vân vân, là những thứ cho thấy chi tiết diễn trình đạt tới các quyết định của Vatican.

“Nhân nói đến sự hữu ích của việc có được những tài liệu bên ngoài các văn khố chính thức, tưởng thật là hữu dụng nếu được đọc các giấy tờ của những người nổi danh như Luigi Maglione, Amleto và Gaitano Cicognani, Giovanni Montini, Domenico Tardini, Alfredo Ottaviani, Valerio Valeri, Giuseppe Burzio, Angelo Rota, Eugene Tisserant, Filippo Bernardini và các viên chức Vatican khác sống thời bấy giờ. Cũng thế, thật là hữu dụng nếu đọc được các văn khố khác nhau của Dòng Tên, đặc biệt là các giấy tờ của Vlodimir Ledochowski, Robert Leiber, Pietro Tacchi-Venturi, Gustav Gundlach, và Robert Graham.

“Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ lúc xuất hiện những cuốn đầu trong bộ tài liệu thời chiến của Vatican. Kể từ lúc đó, nhiều nếu không nói là tất cả các cá nhân sống lúc đó được nhắc đến trong các tài liệu này đã qua đời, nhờ thế đã loại bỏ một số hạn chế trong việc công bố vốn có thể có trong lúc các tài liệu này được tiết lộ lần đầu. Những hạn chế lúc đó chính đáng, nay không còn áp dụng nữa.

“Chúng tôi nhận rằng dù được phép đọc hết các văn khố vẫn không nhất thiết giải quyết dứt điểm các câu hỏi vây quanh vai trò của Tòa Thánh và nạn Diệt Chủng. Dù thế, chúng tôi tin rằng đó sẽ là một bước tiến rất có ý nghĩa để phát huy việc hiểu biết thời kỳ này và gia tăng các liên hệ giữa hai cộng đồng Do-Thái và Công Giáo”.

(còn tiếp)

(1) Viết tắt của Actes et Documents du Saint Siège Relatifs à la Seconde Guerre Mondiale (Các Văn Kiện và Tài Liệu của Tòa Thánh Liên Quan Tới Thế Chiến Hai).