"Hãy sám hối" (Mt 4,17)

Minh họa

- Hình : Mille images 133 C

- Câu Thánh Kinh : "Hãy sám hối" (Mt 4,17)

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc 1 (Ge 2,12-18) Ngôn sứ Gio-en kêu gọi dân do thái sám hối.

- Đáp ca (Tv 50) : bày tỏ tâm tình của người tội lỗi sám hối.

- Tin Mừng (Mt 6,1-18) ; Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ về mối nguy của thói hình thức ngay khi họ thực hành những việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và bố thí

- Bài đọc II : (2 Cr 5,20-6,2) : sám hối là "làm hòa lại với Thiên Chúa"

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Với ngày Lễ Tro hôm nay, Giáo Hội bắt đầu Mùa Chay. Có lẽ hai tiếng "Mùa Chay" làm chúng ta sợ hãi vì nó khiến ta nghĩ đến một thời gian khắc khổ, buồn rầu. Đành rằng Mùa Chay là thời gian ăn năn sám hối, hy sinh hãm mình. Nhưng tất cả những việc đó đều cần thiết để có được niềm vui tái sinh với Chúa trong Lễ Phục sinh. Cũng như người nông dân phải cực nhọc gieo vãi cấy cày thì mới có được mùa thu hoạch dồi dào.

Vì vậy ngay từ đầu mùa Chay này, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội, Mẹ nhân lành của chúng ta, mà bước vào thời gian này với tất cả tâm hồn quảng đại và chân thành.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Thân xác chúng ta chỉ là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro, thế mà chúng ta lại quá chìu chuộng nó đến nỗi nhiều lần phạm tội hại đến linh hồn mình.

- Biết bao lần chúng ta giả điếc làm ngơ trước những tiếng cảnh cáo của lương tâm, để buông mình theo tội lỗi.

- Ngay cả những khi làm các việc đạo đức, chúng ta cũng làm theo hình thức bề ngoài chứ không vì lòng mến Chúa yêu người thực sự.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1 : Ge 2,12-18

Nhân dịp nạn châu chấu hoành hành gây nên nạn thất mùa đói khát (Ge 2,3-9), ngôn sứ Gio-en lên tiếng kêu gọi dân do thái sám hối :

- Sám hối là quay trở về với Chúa.

- Sám hối phải xuất phát tự cõi lòng chân thực chứ không phải chỉ có những việc làm bề ngoài ("Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng)

- Vì Thiên Chúa là Đấng rất từ bị, chắc chắn Ngài sẽ tha thứ cho kẻ thực lòng sám hối.

2. Đáp ca : Tv 50

Tv này bày tỏ tâm tình của người tội lỗi sám hối :

- Một mặt, tội nhân ý thức rõ về những tội lỗi của mình.

- Mặt khác, tội nhân cũng quyết tâm trở về với Chúa.

- Và tội nhân tin chắc mình sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

3. Tin Mừng : Mt 6,1-18

Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ về mối nguy của thói hình thức ngay khi họ thực hành những việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và bố thí :

- Những việc đạo đức ấy vừa tốt vừa cần thiết.

- Nhưng điều quan trọng nhất là tâm tình khi làm những việc đó : chỉ nên làm vì lòng mến Chúa yêu người.

- Nếu chỉ làm vì mong được tiếng khen của người đời thì tất cả sẽ trở nên vô ích.

4. Thánh Thư : 2 Cr 5,20-6,2

Thánh Phaolô hiểu sám hối là "làm hòa lại với Thiên Chúa" : tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hòa giữa con người với Thiên Chúa. Sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối chính là "thời Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ".

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Sám hối là quay về

Các bài đọc hôm nay đều quy vào một chủ đề là quay về. Mỗi bài đọc triển khai một phương diện của sự quay về :

- Bài đọc 1 : từ bề ngoài quay về bề trong : "Hãy xé lòng chứ đừng xé áo".

- Bài đọc 2 : quay về với Thiên Chúa : "Hãy làm hòa với Thiên Chúa"

- Bài Tin Mừng : từ cách làm những việc đạo đức cốt cho người ta thấy quay về với cách làm chỉ cốt cho Thiên Chúa thấy.

* 2. Cầu nguyện, ăn chay, bố thí

Tại sao trong bài Tin Mừng mở đầu Mùa Chay, Đức Giêsu nói về cầu nguyện, ăn chay và bố thí ? Thưa vì 3 việc này, nếu được làm một cách đạo đức thật sự - nghĩa là làm không phải để được tiếng khen của người đời mà làm vì lòng mến Chúa yêu người chân thành - sẽ giúp chúng ta quay về chứ không còn lạc lối nữa (nghĩa chính xác của "sám hối" chính là "quay về").

- Chúng ta thường quá chìu theo ý mình, đến nỗi không biết đến ý Chúa. Cầu nguyện chân thành sẽ giúp chúng ta khám phá và làm theo ý Chúa.

- Chúng ta thường quá lo cho những nhu cầu vật chất, đến nỗi không để ý đến những nhu cầu tinh thần. Ăn chay sẽ giải thoát chúng ta khỏi quá bận tâm đến các nhu cầu vật chất, tự nhiên và sẽ thoả mãn những nhu cầu tinh thần, siêu nhiên.

- Chúng ta thường quá quan tâm đến bản thân mình đến nỗi quên để ý tới người khác. Bố thí là một cách giúp ta hy sinh bản hân để biết chia sẻ với người khác.

* 3. Hãy làm hòa lại với Thiên Chúa

Mọi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sự đổ vỡ, bất hòa… Hai người bạn trở thành lạnh nhạt, hai người tình trở thành xa lạ, hai vợ chồng trở thành người dưng…

Đổ vỡ và bất hòa sinh ra đau khổ, tiếc nuối cho các đương sự, và còn ảnh hưởng tới một số người khác như con cái, anh em, bạn bè…

Thánh Kinh đã không ngại dùng hình ảnh loài người để mô tả Thiên Chúa : Thiên Chúa là một người tình, một người chồng hết mực yêu thương loài người. Nhưng mối tình này mang tính đơn phương nhiều hơn là song phương, và đã bao lần đổ vỡ.

Khi đổ vỡ, phía nào yêu tha thiết hơn sẽ tích cực tìm cách làm hòa hơn. Thiên Chúa chính là phía này. Ngài đã làm rất nhiều cách. Và cách cuối cùng vượt quá sức tưởng tượng của loài người : Ngài đã cho Con Một thân yêu của Ngài hạ mình đến với loài người, ngõ lời yêu thương với loài người, sống chung với loài người, tha thứ hết mọi tội lỗi của loài người và chết thay cho loài người.

Thiên Chúa đã đi bước trước và Ngài đã làm tất cả những gì có thể làm. Chỉ còn chờ chúng ta. Chúng ta sẽ làm gì để làm hòa lại với Ngài ?

* 4. Thế nào là hoán cải

Có hai anh em ruột kia rất thương nhau, thông cảm nhau, và cùng có một mơ ước cao đẹp là sẽ sống một cuộc đời hết sức thánh thiện.

Lớn lên, người anh cưới vợ, sinh con, chăm chỉ làm ăn và cũng không quên những bổn phận đạo đức hằng ngày. Còn người em thì đi tu, thành một thầy dòng ngày ngày đi khắp nơi giảng đạo và giúp đỡ những người nghèo.

Rồi một ngày kia người em làm thầy dòng trở về quê thăm lại anh mình. Hai anh em nói chuyện với nhau thật nhiều về cuộc sống và tâm tư của mình. Người anh khám phá ra rằng ngày xưa hai anh em tâm đầu ý hiệp như thế, mà sao bây giờ lại khác nhau quá xa : người em thì vẫn thích thánh thiện như xưa và còn thánh thiện hơn xưa nữa, còn mình thì sao quá tầm thường không còn chút mơ ước nào về lý tưởng thánh thiện ngày xưa nữa.

Người anh tìm đến một vị ẩn sĩ để hỏi cho biết nguyên do sự khác biệt ấy. Vị ẩn sĩ không trả lời thẳng mà dùng những hình ảnh thiên nhiên để giải thích cho anh :

. Trước tiên là đám mây trên trời : thường thường bầu trời ngày nào cũng có những đám mây, nhưng không có đám mây ngày nào giống đám mây ngày trước. Cũng là mây, nhưng mây ngày nay khác mây ngày hôm qua.

. Kế đến là một cái cây xanh : nó vẫn luôn luôn là cây thông xanh rì, nhưng năm trước nó nhỏ hơn, năm nay nó đã lớn hơn và cao hơn một tí, năm sau nó sẽ lớn và cao hơn tí nữa. Có nhiều cái lá của năm trước mà năm nay không còn, và có nhiều chiếc lá của năm nay sẽ rụng vào năm tới để thay bằng những chiếc lá khác.

. Và sau cùng chính là thân xác con người : các tế bào trong thân xác con người luôn luôn thay đổi : có cái chết đi và có cái sinh ra thêm. Khoa học tính rằng cứ sau 7 năm thì thân xác ta hoàn toàn đổi mới không còn một tế bào nào của 7 năm trước đây nữa : sợi tóc, móng tay, làn da của ta năm nay hoàn toàn không chứa một tế bào nào của sợi tóc, móng tay và làn da của 7 năm trước.

Và tới lúc đó vị ẩn sĩ mới kết luận : tâm hồn con người cũng thế : muốn lớn lên, muốn tươi trẻ mãi, muốn hăng say sinh động thì mỗi ngày cũng phải bỏ những yếu tố xấu và đồng thời thu vào những yếu tố tốt. Không đào thải đi và không thu nhận vào thì nó sẽ chết khô như một thân cây chết cứng chứ không còn là một thân cây sống động vươn lên nữa. Cái diễn trình đào thải và tiếp nhận ấy chính là cuộc hoán cải, cần phải hoán cải liên tục. Sở dĩ người anh trở nên tầm thường, khô cằn vì anh ta bấy lâu nay đã tự mãn với những cái mình đang có, không muốn bỏ đi cái nào và cũng không mong thu thêm cái nào nữa.

Câu chuyện tới đây kể ra cũng đủ kết thúc. Nhưng người anh còn muốn tìm hiểu rõ ràng hơn nên hỏi tiếp :

. Làm thế nào để loại bỏ những cái xấu trong tôi ? Nó nhiều quá và nó đã bám quá chặt vào con người tôi ? Vị ẩn sĩ trả lời : quan hệ nhất là đức tin và tư tưởng : tuy đời mình có nhiều tội lỗi, nhưng ta đừng quá chú ý tới nó,, đừng để mình bị nó ám ảnh, đừng nghĩ nhiều tới nó. Nếu lỡ phạm tội hãy sám hối, tin tưởng vào sự tha thứ của Chúa, rồi bỏ quên nó đi, phải coi thường nó. Đầu óc mình sẽ được thanh thản khỏi những điều xấu.

. Còn làm thế nào để thu nhận những điều tốt, người anh hỏi tiếp ? Vị ẩn sĩ cũng trả lời : cũng quan trọng ở đức tin và tư tưởng : Phải quý chuộng những điều tốt, phải luôn nghĩ tới nó, phải để cho nó ám ánh tâm trí mình và phải mơ ước thực hiện cho kỳ được những điều tốt, và tin rằng Thiên Chúa sẽ giúp mình thực hiện được.

Người anh trong câu chuyện trên phản ảnh tâm trạng của chúng ta :

. Cuộc sống của chúng ta có thể nói là cứ mãi ở thế bình bình : chúng ta không đến nỗi xấu lắm mà cũng không được tốt lắm. Cái thế lình bình đó khiến chúng ta giống như một thân cây bị chai : không chết khô mà cũng không có sức sống vươn lên.

. Tại vì mỗi ngày chúng ta không biết cố gắng loại bớt khỏi ta những gì là xấu, là khuyết điểm, là tội lỗi và đồng thời cũng không cố gắng đón nhận những gì là tốt, là cao, là lý tưởng hơn. Nghĩa là vì chúng ta không chú ý thực hiện sự hoán cải hằng ngày cho nên hết ngày này sang ngày khác cuộc đời của chúng ta vẫn cứ chai lì, tầm thường, vô vị.

. Muốn cho cuộc sống có đà vươn lên thì phải thực hiện sự hoán cải ấy :

Mỗi ngày loại dần những cái xấu bằng cách đừng nghĩ tới nó, đừng tiếp xúc với nó, đừng mơ tưởng tới nó.

Mỗi ngày đón nhận thêm những điều tốt bằng cách đi tìm nó, chú trọng tới nó, mơ ước nó và cố gắng chiếm đoạt nó.

Bấy nhiêu thôi xét ra cũng đủ là một chương trình dài hạn cho chúng ta chẳng những trong mùa chay này mà còn trong suốt cả cuộc đời chúng ta.

* 5. "Thấy"

Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều chữ "thấy" : Đức Giêsu bàn về những việc đạo đức. Ngài nói tới hai cách làm những việc đạo đức ấy : một là làm cho người ta thấy, hai là làm mà chỉ cần Chúa thấy.

Làm việc đạo đức là làm cho Chúa, cho nên đương nhiên là chỉ cần Chúa thấy. Một nguyên tắc rất đơn giản và hợp lý.

Tuy nhiên, chúng ta lại không làm theo nguyên tắc đơn giản và hợp lý đó :

- Khi ta dự lễ hay đọc kinh cầu nguyện chung với người khác, ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cái nhìn của người khác : Tôi phải đứng trang nghiêm, không được nhìn bên này ngó bên kia, không được ngủ gục, không nên nói chuyện, vì người ta mà thấy tôi như thế thì người ta sẽ đánh giá ra sao ? Tôi không được vắng mặt trong những buổi đó, vì nếu người ta không thấy tôi dự thì sẽ ra sao ?

- Có khi ngược lại, ta làm vì thấy người ta làm nên cũng phải làm theo. Ai nấy đều làm mà mình không làm thì coi không được !

- Vì mãi lo "thấy" người khác và để ý xem người khác "thấy" mình ra sao nên ta không "thấy" Chúa và cũng không để ý xem Chúa "thấy" ta thế nào.

6. Chuyện minh họa

Một chàng thanh niên đến xin một Rabbi cho mình làm đệ tử để sau này cũng trở thành một Rabbi như ông. Vị Rabbi không nói gì, ông đến đứng trước cửa sổ nhìn ra ngoài.

Chàng thanh niên sốt ruột trình bày : Thưa Thầy, con luôn mặc một chiếc áo trắng tinh không hề có một vết bẩn ; con chỉ uống nước lã chứ không hề uống rượu ; con làm rất nhiều việc hãm mình, chẳng hạn con ở trần khi trời lạnh, con chêm thêm vài cây đinh trong gót giày của con, con lấy roi da quất lên lưng để đền tội.

Đang lúc ấy, bên ngoài cửa sổ, một chú bé chăn ngựa dẫn một con ngựa trắng đến uống nước trong một cái máng, uống xong, con ngựa nằm lăn xuống tuyết, bốn chân đưa lên trời theo thói quen của loài ngựa.

Vĩ Rabbi mới gọi chàng thanh niên đến chỉ cho xem cảnh tượng ấy, rồi nói :

- Con hãy xem, con vật này cũng toàn màu trắng, cũng chỉ uống nước lã, cũng bị đóng móng dưới chân, cũng mình trần không mặc áo, và cũng thường bị người ta lấy roi quất vào lưng. Nó có khác gì với con đâu !

Ý của vị Rabbi là : ăn chay hãm mình không hệ tại những việc mình làm, mà hệ tại tâm tình và ý hướng của mình.

Chính vì thế, ngôn sứ Gioen đã dạy : "Hãy xé lòng chứ đừng xé áo".

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Với tâm tình sám hối chân thành, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây :

1. Hội Thánh là một người mẹ hiền không bao giờ ghét bỏ những đứa con tội lỗi lầm lạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những hoạt động mục vụ của các mục tử trong Mùa Chay này / dẫn đưa được nhiều con chiên lạc về đoàn chiên của Chúa.

2. Thế giới ngày này đang đầy dẫy bạo lực, chiến tranh, vô luân, tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo các nước / biết đề ra những biện pháp hữu hiệu / để giảm bớt những sự xấu trong xã hội.

3. Chúng ta đặc biệt hiệp lời cầu xin / cho những người nguội lạnh bỏ mùa phục sinh / những cặp vợ chồng rối rắm / những kẻ trụy lạc bê tha / biết ăn năn tội lỗi / và quay về với tình thương của Chúa.

4. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / một mặt canh tân đời sống / mặt khác nhiệt tình làm việc tông đồ / để hoán cải những anh chị em nguội lạnh trong xứ đạo.

CT : Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được tha thứ và được sống. Tất cả chúng con đều là những người tội lỗi. Chúng con thành tâm sám hối muốn quay về với Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và giúp chúng con sống sốt sắng trong Mùa Chay thánh này. Chúng con cầu xin nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện không phải để cho người ta thấy, mà chỉ để Thiên Chúa là Cha chúng ta thấy. Vậy chúng ta hãy hướng trọn tâm hồn lên Ngài và dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha sau đây.

- Trước lúc Rước Lễ : "Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn vô tội, nhưng sẵn sàng hiến thân chịu chết để xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời…

VII. GIẢI TÁN

Mùa Chay đã bắt đầu. Anh chị em hãy bắt đầu quay về : quay về với lương tâm trong lòng mình, quay về với tình nghĩa anh chị em và quay về với Thiên Chúa là Cha nhân lành của chúng ta.