SAIGON -- Tối ngày thứ bảy trong tuần bát nhật Phục Sinh, 22/4/2006, khá đông giáo dân từ nhiều nơi đã đến tham dự buổi hoà nhạc “Tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô” do giáo xứ Đa Minh-Ba Chuông và hợp xướng dàn nhạc Suối Việt tổ chức với sự tài trợ của Công ty Hoàng Quân. Có khá đông linh mục, tu sĩ và quý khách được mời dự đã ngồi kín các dãy ghế gần cung thánh, nơi cũng là mặt bằng để trình diễn buổi hoà nhạc hôm nay.

Trước khi buổi hoà nhạc được diễn ra, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn đã làm phép và thánh hoá chuông. Giáo xứ Đa Minh từ lâu có tên gọi là “nhà thờ Ba Chuông”, chắc chắn vì trước đây cái tháp chuông của nhà thờ có ba cái chuông, tuy không lớn lắm nhưng cũng tạo nên được một biệt danh dễ mến, dễ nhớ trong trí nhớ của nhiều người. Khi nhà thờ được xây lại thì việc có ba quả chuông lớn phù hợp với cảnh quan mới cũng là điều hợp lý.

Trước sự chứng kiến của nhiều người, nghi thức làm phép chuông được diễn ra tuy đơn giản nhưng không kém phần long trọng. Sau đó là tiếng chuông vang lên một hồi dài rồi ngân xa cho đến lúc dứt hẳn; nhưng có lẽ tiếng chuông còn ngân vang trong lòng nhiều người theo cung điệu trầm bổng khác nhau nơi những người giáo dân thường đến nơi này tham gia việc phụng vụ.

Được biết thêm, ba quả chuông đồng này được đúc ở hãng Bolée tại Pháp, một hãng đúc chuông nổi tiếng từng đúc chuông cho nhà thờ Chánh Toà Sài Gòn. Ba quả chuông là ba cung của ba nốt nhạc Sol La Si. Bên hông của ba chuông có khắc tên nhà thờ, ngày tháng đúc và tên những người dâng cúng; tổng trị giá là 31.000 Eurô.

Chương trình được chia làm hai phần rõ rệt. Ở phần I, bằng ngôn ngữ âm nhạc pop, rock ban tổ chức giới thiệu đến quí khán giả, một cách nhìn của con người hiện đại về cuộc vượt qua của Đức Kitôđể được Chúa Cha ban tặng “một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”. Theo ngôn ngữ thời đại, có người gọi Ngài là một “siêu sao”để thể hiện sức thu hút của Đức Kitô không phải khi còn sống trên thế gian mà cả khi đã về trời, cho đến hôm nay và mai sau.

Nhưng phần II của chương trình, với chủ đề GIÊSU KITÔ PHỤC SINH lại bao gồm những tác phẩm tôn giáo của các tác giả thuộc thời kỳ Baroque (J.S.Bach, G.F.Haendel), thời kỳ cổ điển ( J.Haydn, L.V Beethoven) thời kỳ lãng mạn (C.Franck)

Mở đầu phần một, cha chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh giới thiệu như một lời giải thích rằng để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc, chủ đề đêm hoà nhạc “Giêsu Kitô Siêu Sao” được đổi thành chủ đề TƯỞNG NIỆM MẦU NHIỆM VƯỢT QUA CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ. Trong lần ra mắt đầu tiên, vở nhạc kịch rock này không sao chép nguyên bản Jesus Christ Superstar (JCS) mà được cải biên cho phù hợp với điều kiện chuyên môn và văn hóa Việt Nam; chủ yếu trình bày phần âm nhạc của nguyên tác nên diễn xuất, vũ đạo cũng như trang trí sân khấu chỉ mang tính cách tượng trưng…”

Sau đó diễn viên trong vai các nhân vật được giới thiệu. Và từng phần của chương trình được đi qua. Với cách diễn mang tính điện ảnh, hành trình thương khó của Chúa Giêsu thật thu hút, đẹp, sinh động. Mỗi bài mang một “cái hồn” khác nhau.

  • _ HỌ SÙNG TÍN ( Heaven on their minds) với Eban Tú vai Giuda.
  • _ MỌI VIỆC SẼ ỔN THÔI (Everything’s alright) có Triệu Yên vai Mađalena và Công Lâm vai Chúa Giêsu.
  • _ HOSANNA có Caipha, Chúa Giêsu và dân chúng.
  • _ LÀM SAO ĐỂ TÔI YÊU NGÀI ( I đon’t know how to love him) có Khánh Trang vai Maria Mađalena.
  • _CON CHỈ MUỐN NÓI ( I only want to say) với cảnh Chúa Giêsu trong vườn Gietsimani
  • _ GIẤC MƠ CỦA PHILATÔ (Pilate’s dream) có Chí Liêm vai Philatô.
  • _ BÀI CA CỦA VUA HÊRÔĐÊ (King Herod’song) với Trần Ngọc
  • _ SIÊU SAO ( Superstar).
Sau ít phút giải lao là phần hai của chương trình. Khán giả được thưởng thức những bài ca nổi tiếng qua phần trình bày điêu luyện của các ca viên Suối Việt như Reo Mừng Chúa Thống Trị, Hallelluah, Giêsu Niềm Vui Của Con Người, Chúa Hằng Thương Ta, Panis Angelicus, Vinh Quang Chúa trên Muôn Loài và Các Tầng Trời Thuật Lại.

Có hơn một nửa số bài được diễn tả bằng tiếng Anh vì việc chuyển thể nhạc roch cần có thời gian, không thể chuyển nhanh được.

Nếu hiểu được lời bài hát, làm sao không xúc động với tâm tình của Mađalena: “Tôi không biết yêu Ngài thế nào? Không biết phải làm gì? Mấy ngày qua, khi nhìn lại chính mình, tôi đã thay đổi, vâng, thực sự biến đổi! Dường như tôi trở thành một con người khác. Tôi nên hiểu sự kiện này thế nào? Tôi không hiểu tại sao Ngài lại cảm hoá tôi? Ngài là một con người, chỉ là một người đàn ông. Còn tôi thì dù sao trước đó đã có nhiều đàn ông. Ngài chỉ là một người nữa mà thôi!”

Còn Philatô thì nói: “Tôi đã mơ thấy mình gặp một người đàn ông Galilê lạ lùng nhất. Ông ta có ánh nhìn mà bạn rất hiếm khi thấy được, mang vẻ ám ảnh và xuyên sâu bạn…Sau đó, tôi nhìn thấy hàng triệu người khóc cho người đàn ông này. Rồi tôi nghe họ nhắc đến tên tôi. Họ liếc nhìn tôi trách móc.”

Hay chân tướng ngạo mạn của một Hêrôđê: “Vậy nếu ông là Thiên Chúa, là Giêsu Kitô vĩ đại, hãy chứng minh cho ta thấy ông siêu phàm. Hãy làm nước lã trong chén ta biến thành rượu. Đó là tất cả những gì ông làm để ta biết rõ sự thật. Làm đi nào, vua dân Do Thái!”

Nhạc kịch không diễn tả một Giêsu máu me đầy mình, bị đánh thảm khốc nhưng người xem vẫn cảm nhận được một Giêsu với cái chết được chọn vì tình yêu và cho tình yêu.

Ca đoàn Suối Việt với sự chỉ huy dàn nhạc của nhạc trưởng Nguyễn Bách đã thể hiện phần trình bày rất hay.

Gần cuối chương trình, Đức Hồng Y đã lên phát biểu. Ngài cảm ơn những người đã đến tham dự với sự hưởng ứng nhiệt tình. Ngài cảm ơn một trăm hai mươi diễn viên, nhất là những diễn viên không Công giáo đã đồng cảm, cảm nhận và thể hiện cái đẹp của nghệ thuật trong tôn giáo. Đức Hồng Y còn nói lên một số những suy nghĩ rất riêng về âm thanh, về cách diễn đạt tâm lý nhân vật…để bày tỏ những ý kiến xâydựng của Ngài.

Sau cùng, cha chánh xứ đã nói lời cảm ơn để kết thúc. Ca đoàn Suối Việt và các nghệ sĩ chụp hình lưu niệm với Đức Hồng Y.

Một đêm hòa nhạc thật ý nghĩa, có thể đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, thâm sâu.; vì mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô có là một “tác động kép” : TỬ NẠN – PHỤC SINH; TỰ HUỶ - VINH QUANG; CHẾT- SỐNG LẠI; ĐAU THƯƠNG – CHIẾN THẮNG và cái thết của Đức Kitô trong chương trình kỳ diệu của Chúa Cha lại trở thành dấu hiệu, phương thế, cơ hội để Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu rỗi.

Và, qua những tác phẩm tôn giáo, sự giao lưu âm nhạc giữa cũ và mới, giữa hiện tại và quá khứ vẫn luôn được trình bày quanh một trục thống nhất, để dưới gầm trời này KHÔNG CÓ DANH XƯNG NÀO ĐEM LẠI ƠN CỨU ĐỘ NGOÀI DANH GIÊSU.