“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2: 10-11)

Anh chị em thân mến,

Cầu mong bình an của Chúa chúng ta ở cùng anh chị em!

Tôi chắc chắn rằng chúng ta đều muốn mừng lễ Giáng sinh này theo một cách rất khác với cách này. Chúng ta muốn rằng Bethlehem có thể vang dội sứ điệp Giáng Sinh, và không khí nó luôn có vào thời điểm này trong năm được đặc trưng bởi niềm vui và những cử mừng trên các đường phố của thành phố này, đặc biệt là các cử hành dành cho các trẻ em của chúng ta.

Nhưng năm nay, mọi thứ đều không được như thế. Mọi thứ đều bị giản lược đến mức chỉ còn là những điều tối cần thiết, và không có không khí lễ hội thường đặc trưng cho thời kỳ này: không còn những người hành hương, những người đã mang niềm vui của họ đến Bethlehem từ khắp nơi trên thế giới vì sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi, và mang lại nụ cười cho nhiều gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ việc trong vài tháng qua; chúng ta không thể gặp nhau với số lượng lớn trong cộng đồng để cử hành phụng vụ; chúng ta đã không thể gặp gỡ với các nhóm khác nhau để tổ chức các bữa tiệc và các cuộc họp trong giai đoạn này. Nói tóm lại, chúng ta có một lễ Giáng Sinh quá đơn sơ đến mức có lẽ không ai muốn nhớ rằng đã từng có một lễ Giáng Sinh như thế trong đời.

Đại dịch và nỗi sợ hãi do nó gây ra đã trực tiếp hoặc gián tiếp đặt một dấu ấn lớn trong đời sống dân sự và tôn giáo của chúng ta, và dường như đã làm tê liệt chúng ta. Năm 2020 sắp trôi qua này, đã được đặc trưng bởi những nỗi sợ hãi: sức khỏe, kinh tế và thậm chí cả chính trị. Mọi thứ dường như đã bị đảo lộn bởi loại virus nhỏ nhưng mạnh mẽ này, nó đã nhanh chóng xóa sổ các dự án của chúng ta trong một thời gian kỷ lục, và khiến chúng ta mất phương hướng.

Vâng, thật là một thách thức lớn để sống mà không sợ hãi trong thế giới của chúng ta, một thế giới với sự năng động của nó không bao giờ ngừng nuôi dưỡng rất nhiều lo lắng. Đôi mắt của cơ thể nhìn thấy tất cả các lý do để sợ hãi.

Tuy nhiên, con mắt của Thần Khí nhìn thấy những dấu chỉ mà Thiên Chúa gởi đến cho con người: những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài, sức mạnh tiềm ẩn của Ngài, vương quốc của Ngài, phát sinh trong chúng ta khi chúng ta dành chỗ cho Ngài. Và đâu là những dấu chỉ khiến chúng ta yên tâm rằng Chúa sắp bắt đầu Vương quốc của Ngài? Chúng ta không có những bằng chứng to lớn và đánh động. Chúng ta không có những dấu chỉ tuyệt vời. Sẽ không có gì làm đảo lộn thế giới để chứng minh cho sự kiện này. Vương quốc của Chúa Kitô không liên quan gì đến quyền lực của Caesar Augustus, cũng chẳng có liên hệ gì với những biểu hiện quyền lực hữu hình. Đó không phải là cách Nước Trời đến. Một hài nhi nằm trong máng cỏ là dấu chỉ sự khởi đầu của Vương quốc mới.

Nhưng đó là một dấu chỉ mà chúng ta dễ dàng bị tuột mất; chúng ta có thể đi ngang qua mà không hề nhận ra bởi vì chúng ta bị bao bọc bởi những lo lắng và sợ hãi. Chúng ta đóng chặt tâm trí của mình trong quan điểm trần tục đến nỗi chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa; chúng ta không dành chỗ cho niềm tin vào Ngài: “không có phòng trong nhà trọ” (Lc 2: 7). Sự sợ hãi ngăn cản chúng ta cởi mở với Chúa, và do đó chúng ta trở nên vô sinh thay vì đáp lại lời kêu gọi trở thành người mang Chúa đến cho anh chị em mình.

Những người chăn chiên trong Phúc Âm đã đón nhận lời mời gọi của thiên sứ và lên đường để nhìn và nhận ra Chúa Kitô là Chúa trong dấu chỉ đó, nơi hài nhi được đặt trong máng cỏ.

Chúa Giêsu đến để lật ngược suy nghĩ của chúng ta, để làm ngạc nhiên sự mong đợi của chúng ta, để lay chuyển hiện sinh của chúng ta, đánh thức chúng ta khỏi ảo tưởng rằng mọi thứ chúng ta đều biết, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta; và cứu chúng ta ra khỏi suy nghĩ cho rằng sự chán nản là câu trả lời hợp lý duy nhất cho thực tế đáng buồn của thế giới chúng ta.

Hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta nhận ra một lần nữa dấu chỉ sự hiện diện của Ngài trong thực tại của chúng ta, khi đối mặt với nghịch cảnh. Chúng ta phải quyết định xem có nên giới hạn bản thân mình bằng một tầm nhìn hạn hẹp vào hiện sinh của chúng ta trong thế giới ngày nay, với logic của quyền lực và sự sợ hãi; hay có thể mở rộng viễn kiến của mình bằng con mắt của Thần Khí để nhận ra sự hiện diện của Nước Trời ở giữa chúng ta. Chúng ta phải quyết định xem nên nhường chỗ cho sự thất vọng và khó khăn của thế giới hay làm cho bản thân có khả năng yêu thương và vui mừng, bất chấp mọi thứ. Ngày hôm nay mắt chúng ta nhìn thấy những gì? thấy sự hiện diện nào? Chúng ta có giống như những người chăn cừu có khả năng vượt ra ngoài vẻ bề ngoài và nhận ra công việc của Thiên Chúa trên thế giới này không?

Ơn gọi của chúng ta là trở thành một dấu chỉ. Những gì mắt chúng ta nhìn thấy là những gì cuộc sống của chúng ta loan báo một cách cụ thể. Nếu chúng ta nhìn bằng con mắt của Thần Khí, chúng ta cũng sẽ có một đời sống phong phú trong Thánh Linh, và do đó có thể sinh hoa kết quả.

Chúng ta quyết định tổ chức lễ Giáng sinh năm nay, bằng mọi giá, đó là vì chúng ta tin rằng Chúa Kitô đã được sinh ra và đang hiện diện. Giờ đây, chúng ta trở thành dấu chỉ của niềm vui lớn, niềm vui Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta - và trở thành nhân chứng của niềm vui này “tại Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa, xứ Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1: 8 ).


Source:Latin Patriarchate Of Jerusalem