Ngày 12-09-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vì Sao Phải Quảng Đại Tha Thứ?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:13 12/09/2020
Vì Sao Phải Quảng Đại Tha Thứ?

Chúa Nhật XXIV TN A

Tha thứ là một chủ đề không có gì mới lạ. Đã là con người thì phải biết tha thứ. Đây là một trong những đức luân lý nhân bản. Và tôn giáo nào cũng dạy con người sống phải biết đại lượng, khoan dung, tha thứ cho người lỗi phạm đến mình. Sự oán ghét, hận thù thỉnh thoảng có mặc chiếc áo của sự công bình làm con người thấy hả hê khi kẻ có tội phải bị đền nợ. Thế nhưng điều ấy chẳng thể thực sự “có hậu” vì “lấy oán trả oán thì oán oán chồng chất”. Vấn đề đặt ra là vì sao chúng ta phải quảng đại tha thứ cho nhau và cần phải tha thứ liên lĩ như Chúa Giêsu khẳng định với Phêrô là đến bảy mươi lần bảy?

Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XXIV TN A, đặc biệt bài trích Sách Huấn ca và bài trích Tin Mừng Thánh Matthêu đã nêu rõ nguyên nhân khiến chúng ta phải tha thứ cho nhau cách quảng đại và liên lĩ đó là vì chúng ta cũng là kẻ có tội và đã được Thiên Chúa tha thứ cách liên lĩ và quảng đại. Đồng thời việc tha thứ cho nhau còn là điều kiện như tất yếu để nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Chúng ta đều là kẻ có tội. Đã là người ít có ai dám to gan khẳng định mình vẹn sạch, không vương bẩn tội nhơ. Cha ông chúng ta cảm nghiệm rằng: Đa thọ đa nhục, đa phú đa ưu. Cũng như càng giàu có thì càng thêm nhiều mối lo thì càng thêm tuổi thì tội lỗi càng chất chồng. Mọi thứ tội mà chúng ta phạm đến Thiên Chúa đều to lớn và nặng nề như món nợ không bao giờ có thể trả được. Mười ngàn nén vàng mà anh đầy tớ mắc nợ nhà vua theo câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể là một minh họa. Mức độ nặng nhẹ của tội mà chúng ta phạm không nguyên chỉ căn cứ vào loại tội gì mà còn căn cứ vào người mà chúng ta xúc phạm. Mọi tội lỗi của chúng ta đều xúc phạm đến chính Thiên Chúa, vì chúng ta đã cố tình đi ngược với đường lối Người chỉ dạy, làm trái với giới răn Người ban truyền. Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành đã dựng nên muôn vật muôn loài và dựng nên chúng ta từ hư vô. Người còn là Người cha chí ái đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban chính Con Một cho chúng ta. Chính vì thế bất cứ thứ loại tội nào dù lớn hay bé, dù mặt này hay khía cạnh kia, khi đã xúc phạm đến Đấng Toàn Năng và Toàn Thiện thì đều đáng chịu “tru di cửu tộc”.

Thế mà Thiên Chúa lại tỏ bày tình yêu, lòng khoan dung nhân hậu với chúng ta không bút nào tả xiết. Người đã yêu thương nhân loại chúng ta đến nỗi trao ban chính Người Con Một để chúng ta được thứ tha, được hòa giải với Người và dĩ nhiên là để cho chúng ta được hưởng gia tài là hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh Gioan Tông đồ quả quyết chính Thiên Chúa đã đi bước trước trong việc yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại cũng đã khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Anh đầy tớ mắc món nợ kếch xù trong câu chuyện dụ ngôn, không xin tha mà chỉ xin cho khất nợ một kỳ hạn, thì đức vua lại chạnh lòng thương cho anh về và xí xóa luôn cả món nợ kếch xù ấy. Lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa là thế đó. Đức Bênêđictô XVI trong Thông Điệp đầu triều đại Giáo hoàng của Ngài, Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” đã nhận định: Tình yêu của Thiên Chúa như chống lại sự công minh của Người (số 10).

Một định luật tất yếu: Nước trên nguồn tuôn đổ dạt dào thì nó cần phải được chảy xuôi về hạ lưu. Đã đón nhận tình yêu tha thứ cách dồi dào và nhưng không, thì chúng ta phải biết yêu thương tha thứ cho nhau cách quảng đại và liên lĩ. Tuy nhiên một thực tế dường như không thể chối, đó là dòng suối ân tình tha thứ đã từng bị chặn đứng bởi tấm lòng hẹp hòi, nhỏ nhen của chúng ta trước lầm lỗi của tha nhân. Cần xác định rằng mọi lỗi lầm mà tha nhân phạm đến chúng ta đều chỉ là món nợ lẻ, không đáng kể. Chúng ta cũng chỉ là thọ tạo như tha nhân không hơn không kém. Chúng ta đồng thời cũng là những tội nhân đầy hạn chế và bất toàn và hơn nữa cái tình mà chúng ta dành cho tha nhân lại có giới hạn, chính vì thế những lỗi lầm mà tha nhân xúc phạm đến chúng dù ở mức nào đi nữa thì chẳng đáng là bao. Thế mà như người đầy tớ vừa được tha một món nợ kếch xù trong chuyện dụ ngôn, chúng ta nhiều khi lại ghim gút lỗi lầm của tha nhân đến độ có hành vi nhẫn tâm và tàn ác dường như không thể tưởng.

Một định luật tất yếu thứ hai: Khi dòng chảy bị chặn thì nguồn nước sẽ trào lênh láng ra ngoài. Dù Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ nhưng chúng ta sẽ không nhận được hồng ân ấy, nếu chúng ta khép lòng từ tâm của mình trước tha nhân. Xin cùng nhau ngẫm nghĩ Lời Chúa trong Sách Huấn ca: “Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28,3-5). Chúa Giêsu kết thúc câu chuyện dụ ngôn bằng những lời sau: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế (tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông), nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Trước đó, khi dạy các môn đệ cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều tương tự: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 14-15).

Là Kitô hữu Công Giáo, chúng ta đã từng nhiều lần đến tòa cáo giải. Căn cứ vào lời khẳng định của Chúa Giêsu thì vẫn có đó nhiều người dù đã xưng thú tội lỗi, đã nhận được lời xá giải: “Cha tha tội cho con…”, nhưng tội họ vẫn còn đó, nghĩa là chưa nhận được hồng ân tha thứ của Thiên Chúa, tất thảy chỉ vì họ chưa thực lòng tha thứ cho tha nhân, những người đã lỗi phạm đến họ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Thì Ra, Chúa Mạnh Nhất Chính Là Đây…
LM. Trương Đình Hiền.
08:22 12/09/2020
Thì Ra, Chúa Mạnh Nhất Chính Là Đây…

Chúa nhật 24 TN (A 2020)

Khi nhắc đến “thảm kịch ngày 5.3.1902 với cô bé Maria Goretti” (1890-1902), cô bé mới 12 tuổi đã thà nhận đủ 14 nhát dao của một chàng thanh niên hiếu sắc, Alessandro, thay vì bị khuất phục để mất đức khiết trinh, ai cũng cho đó là một hành vi can đảm anh hùng. Tuy nhiên, chính thái độ tiếp sau đó của cô bé mới là “anh hùng thật sự”: tha thứ cho kẻ đã sát hại mình.

Vâng, Thánh nữ thiếu nhi Maria Goretti, vị tử đạo vì đức trinh khiết khi mới là một thiếu nhi, chính là vị thánh anh hùng của lòng khoan dung tha thứ, vị Thánh “tử đạo vì tình yêu”.

Khẳng định như thế liệu có khiên cưỡng lắm không? Chắc chắn là không; vì chính Hội Thánh đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả…” (Lời Nguyện Nhập lễ CN 26 TN).

Và đó chính là nội dung sứ điệp Lời Chúa mà Chúa Nhật 24 Thường niên muốn chuyển tải.

Thật vậy, qua các trích đoạn Kinh Thánh vừa được công bố, chúng ta có thể đọc ra một chiều kích giáo lý độc đáo của Lời Chúa muốn chúng ta sống và thực hành: Lòng khoan dung tha thứ.

Trước hết, ngay từ thuở xa xăm trong thời Cựu Ước cách đây mấy ngàn năm, cái thuở mà con người và xã hội gần như “thuận theo một nền luân lý” mang tính “ăn miếng trả miếng”, “bánh sắt trao đi, bánh chì trao lại”, việc “trả thù” được xem như một “quy luật hiển nhiên”, có khi là một “nhân đức anh hùng”…, thì Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan lại dạy rằng: “Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha…” (Bđ 1).

Chúa đã dạy như thế bởi vì tác giả Thánh Vịnh 102 đã định nghĩa rằng: “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân” (Đáp ca).

Lòng bao dung tha thứ, “chậm bất bình và rất mực khoan nhân” của Thiên Chúa còn được tái diễn hoài hoài không phải chỉ ở giữa lòng lịch sử của dân Ít-ra-en, không phải chỉ trong một thời gian nhất định…mà cho muôn thế hệ loài người ở khắp muôn nơi và mọi miền thế giới. Và đó phải chăng là một trong những lý do để Thiên Chúa “ban tặng Người Con Một” (Ga 3,16) và cũng là tiêu đích để Người Con đó “cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14) và nhắc lại cho con người luôn nhớ rằng: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. (TM).

Thật vậy, chính câu chuyện về cuộc chất vấn “phải tha thứ mấy lần” của Phêrô và câu trả lời “phải tha thứ bảy mươi lần bảy” của Chúa Giêsu trong trích đoạn Tin Mừng Matthêô hôm nay (Mt 18,21-35) đã cho chúng ta nhận ra “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” về sự mạc khải “khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa” từ Cựu ước tới Đức Kitô: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân.

Vâng, Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa “không nỡ lòng nhìn thằng vào đôi mắt thẹn thùng, hổ thẹn, mặc cảm của người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” để rồi ân cần chia sẻ một tín thư hy vọng, yêu thương thay vì lời tuyên án: “Phần tôi, tôi cũng không kết án chị đâu…” (Ga 7,1-11); Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa sẵn sàng để cho người “đàn bà tội lỗi” nhỏ những giọt nước mắt hối cải ăn năn trên chân mình mà làm lại cuộc đời…(Lc 7,46-38); Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa vẫn đưa mắt nhân từ “nhìn lại” để mở đường cho tông đồ Phêrô biết sám hối ăn năn sau những lần bội phản chối từ….(Lc 22,61-62), cho người thu thuế Gia-Kê hân hoan làm lại cuộc đời trong khó nghèo, sẻ chia và công chính…! (Lc 19,1-10)…

Quả thật, với Đức Giês-Kitô, con người từ đây có thể “chạm tới” được một Thiên Chúa là Đấng khoan dung tha thứ; có thể cảm nhận được một Thượng Đế gần gũi biết “cảm thương” và “giàu lòng lân tuất”; có thể tiếp cận, ngỏ lời, van xin một “Ông Trời”, một Thượng Đế, một Đấng Tối Cao luôn biết lắng nghe và quan tâm đến từng hơi thở và nhịp đập của trái tim con người. Một Thiên Chúa không bao giờ “biết mệt mỏi để tha thứ” như cách diễn tả và xác quyết của ĐGH Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.”

Nhưng, như câu chuyện (đã nói khi mở đầu) về vị thánh trẻ Maria Goretti, tha thứ còn là “chuyện giữa chúng ta với nhau”. Bởi vì, như Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 hôm nay nhắc nhở: “không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.”; và dĩ nhiên, không ai là người Kitô hữu lại không nhận ra Chúa đang ở đâu trong thế giới nầy, trong nhân loại nầy; mà nếu có “lỡ quên”, thì hãy nhớ lại lời dạy quan trọng của Chúa Giêsu trong “Dụ ngôn về Ngày phán xét”: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các người đã không làm cho chính ta vậy” (Mt 25,45).

Trong một xã hội mà sự “bất khoan dung”, vô cảm, hận thù… đang có mặt khắp nơi: từ trong gia đình ra đường phố, từ vợ chồng, bà con cật ruột, đến bạn bè hàng xóm láng giềng, từ lứa tuổi học sinh nơi học đường đến các bậc lão thành đồng chí, cán bộ…, đâu đâu người ta cũng thực hành một thứ quy luật rừng rú “mắt đền mắt, răng đền răng”…., thì người Kitô hữu phải là những kẻ “lội ngược dòng”: “Hãy yêu thương kẻ thù”, “hãy tha thứ không phải bảy lần mà là bay mươi lần bảy”, “bị tát má phải hãy đưa cả má trái”…

Quả thật, chỉ với con đường “mới mẻ của Tin Mừng” nầy, chỉ với một “quy luật luân lý trên nền tảng của Đấng “Rất mực khoan dung”, của Người sẵn sàng nói lời sau hết khi bị kẻ thù đóng đinh trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng…!”… mới mong đẩy lùi nền “văn hoá oán thù”, nền “văn mình sự chết”, như cách cảm nhận của nhà tu đức Michel Quoist: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”.

Đúng vậy, vì Chúa “mạnh nhất” là khi Chúa thương xót thứ tha. Amen.

LM. Trương Đình Hiền.
 
Tha Thứ: Khó, Nhưng Rất Cần!
Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
08:23 12/09/2020
Tha Thứ: Khó, Nhưng Rất Cần!

Mt 18, 21-35

Tôi muốn bắt đầu bài viết bằng một câu chuyện rất có ý nghĩa, rằng có một vị giáo sư dạy tâm lý rất nổi tiếng, ông lại rất có tài giảng thuyết nên được nhiều trường đại học mời giảng dạy. Một hôm, vị giáo sư giảng về chủ đề: “Tập Biết Tha Thứ Để Sống Hòa Hợp Với Anh Em”. Buổi giảng giảng hôm đó có hàng trăm sinh viên đến dự, ai nấy đều tán thưởng phong cách và nội dung giảng dạy của giáo sư. Vừa xong buổi giảng thuyết buổi sáng, giáo sư lại phải vội vã đến thuyết trình tại một trường đại học khác. Khi giáo sư vừa ra khỏi cổng trường, thì gặp một chiếc taxi từ xa phóng tới. May thay giáo sư thắng xe kịp thời, không thì đã xảy ra tai nạn khó lường.

Rõ ràng tài xế taxi có lỗi, anh đã không cẩn thận, đột ngột phóng vào xe của giáo sư, hơn nữa giữa đường còn có đông người qua lại. Nhưng thay vì nhận lỗi, anh tài xế này lại lớn tiếng quát mắng vị giáo sư: “Này, ông bị đui hay sao mà lái xe bất cẩn như thế?” Nghe lời láo xược thốt ra từ miệng anh tài xế, vị giáo sư kia hết sức tức giận. Ông mở cửa sổ xe, quát lớn tiếng hơn: “Chính anh mới là kẻ đui khi lái xe bạt mạng như vậy trên đường đông người”. Tài xế taxi lập tức xuống xe, thách thức: “Ông có ngon thì ra đây nói chuyện với tôi!” Vị giáo sư kia cũng không vừa, còn muốn đổ thêm dầu vào lửa: “Ra thì ra chứ ta sợ gì anh”.

Nhưng khi vừa ra khỏi xe, giáo sư chợt nhìn thấy một nhóm sinh viên đang từ sân trường bước ra, họ muốn tiến lại gần hiện trường xem chuyện gì đang xẩy ra. Vị giáo sư nhìn thấy sinh viên của mình lập tức nghĩ tới đề tài mình vừa mới thuyết trình “tập biết tha thứ để sống hòa hợp với anh em” xong, nên thay vì tiếp tục tranh cãi hơn thua với gã tài xế kia, ông lấy hết can đảm, tiến đến gần bắt tay anh ta và nhẹ nhàng nói: “Đúng là tôi có lỗi. Anh cho tôi xin lỗi nhé”.

Anh tài xế rất kinh ngạc với thái độ hết sức hài hòa của vị giáo sư, nên thay vì đang trong tư thế sẵn sàng đối phó với “đối thủ”, anh cũng lập tức hạ giọng, sẵn sàng đưa tay ra, nắm lấy tay vị giáo sư và nói: “Thật sự, cháu cũng có lỗi trong tình huống này. Cháu đã bất cẩn khi lái xe quá nhanh, xuýt gây tai nạn cho bác. Cho cháu xin lỗi nhé”. Sau cái bắt tay xin lỗi làm hòa, cả hai lại vui vẻ lên xe, tiếp tục hoàn thành công việc của mình ngày hôm đó.

Câu chuyện này giúp ta rút ra được nhiều bài học bổ ích, thứ nhất, đã là con người ai cũng có thể mắc lỗi, nên chúng ta cần sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho người khác, để họ cũng bỏ qua những lỗi phạm của chúng ta. Thứ hai, tha lỗi cho người khác là một việc làm rất có lợi ích cho đôi bên, giúp chúng ta sống hòa hợp với anh chị em mình hơn. Và, tha thứ là một việc làm rất khó, nhưng nếu chúng ta sẵn sàng thì sẽ làm được, hay nếu chúng ta dựa vào ơn Chúa, chúng ta sẽ thực hiện được cách dễ dàng hơn. Vì Thiên Chúa là mẫu gương cao quý về sự tha thứ, Ngài là Cha giàu lòng nhân ái, luôn thứ tha mọi lỗi lầm mà con người chúng ta thường vấp phạm. Ngài cũng mời gọi chúng ta “ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha” (Hc 28, 2).

Là Con Người Ai Cũng Có Lỗi

Câu chuyện của vị giáo sư và anh tài xế không chỉ giúp chúng ta hiểu được đã là con người thì ai cũng có nhiều sai sót, hay tức giận và dễ nổi cơn thịnh nộ, thậm chí chúng ta còn thấy được những thiếu sót và giận dữ đó có lúc khiến cho chúng ta đi đến những hành động hết sức sai lầm và nguy hiểm. Quả thật, trong tương quan với tha nhân và với Chúa, chúng ta có rất nhiều thiếu sót và dễ giận hờn, nhưng sách Huấn ca nhắc nhở rằng “thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội thì mắc cả hai” (Hc 27, 33). Vì vậy, trong những cơn thịnh nộ, giận dự, thiếu sót và lỗi lầm đó, chúng ta cần học thứ tha hơn là ghen ghét và hận thù. Hơn nữa, ta cần biết sống khiêm tốn và tập nói lời “xin lỗi” mỗi lúc ta làm phiền lòng anh chị em mình.

Thiếu sót thì muôn vàn và lỗi lầm thì ngày nào chúng ta cũng đều mắc phạm. Vì thế, ngoài vấn đề ý thức sự yếu đuối của mình, ta cũng cần mong anh chị em ta tha thứ và bỏ qua cho. Hơn nữa, tha thứ ở đây không phải chỉ tha một lần, hai lần, ba lần hay bảy lần như suy nghĩ của thánh Phêrô, mà chúng ta cần được tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22) như mong muốn của Chúa Giêsu. Nghĩa là chúng ta cần được tha mãi, cũng như cần tha thứ cho anh em mình không bao giờ có giới hạn.

Ích Lợi Của Việc Tha Thứ

Trở lại với câu chuyện ban đầu, lời nhận lỗi đã có khả năng giải quyết mâu thuẫn và phân tranh giữa vị giáo sư và anh chàng tài xế. Chỉ cần một lời xin lỗi chân thành mà thôi mà họ đã biến họa thành phúc, biến đấm đá thành một cái bắt tay thật chặt. Thế thì tại sao ta lại không sẵn sàng nhận lỗi để mọi mâu thuẩn được giải quyết êm thỏa, tránh phiền hà, tốn sức khỏe và tốn thời gian để tranh cãi hoặc tốn tiền cho việc thuê luật sư theo đuổi những vụ kiện tụng trong tòa án?

Có vẻ như ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một môi trường đầy “ô nhiễm”, sặc mùi hận thù và ghen ghét. Thế giới không ngày nào hết chiến tranh, quốc gia và dân tộc không bao giờ hết những căng thẳng hận thù. Khu phố, làng xã, xóm giềng và ngay cả trong gia đình không bao giờ ngớt cãi vã và đánh đập lẫn nhau. Con trai con gái bất đồng với cha mẹ, mẹ chồng với nàng dâu, ngay cả anh chị em ruột thịt trong gia đình cũng chẳng bao giờ hết lời cãi cọ, thậm chí từ mặt nhau. Nhưng là Ki-tô hữu, làm sao chúng ta có thể sống với nhau mà không biết tha thứ cho nhau được? Sách Huấn ca còn đặt câu hỏi cho chúng ta “người này tích lòng giận giữ người kia, mà dám cầu xin Thiên Chúa được sao” (Hc 28, 2)?

Quả thực, điều khó khăn khiến ta không dám nhận mình sai và không muốn nói ra lời xin lỗi, đó là sự tự ái, đó là sự ích kỷ, hoặc do tính kiêu căng và tự mãn của mình. Nhưng khi ta can đảm nhận lỗi, là lúc ta vượt thắng được “cái tôi” cá nhân rồi. Làm sao để xin lỗi ư? Chúng ta có thể dùng nhiều phương cách, hoặc là nói trực tiếp với người anh em, hoặc là dùng cách viết thư, nhắn tin, hay nhờ một ai đó truyền đạt lời xin lỗi và tha thứ của mình. Chỉ cần chúng ta sẵn sàng và chân thành nói lời xin lỗi, chúng ta sẽ làm được. Khi nói ra được lời xin lỗi, khi ta sẵn sàng tha thứ cho ai, tâm hồn ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn, hơn nữa chúng ta sẽ thiết lập lại mối tương quan mật thiết với chính anh em mình.

Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước.

Cho dù cuộc đời của chúng ta có gặp bao nhiêu bất hòa với anh em, hay chúng ta chứng kiến bao nhiêu hận thù giữa người này với người kia, nhưng chúng ta luôn nhớ mình được Chúa mời gọi sống yêu thương và tha thứ cho nhau. Vì yêu thương nhau là dấu chỉ mà người khác sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa (xem Ga 13, 35). Dẫu biết rằng để thực hiện được lời Chúa mời gọi thì rất khó, nhưng chúng ta đã có Chúa là mẫu gương luôn khoan dung và tha thứ thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được. Dụ ngôn trong Tin Mừng ngày hôm nay đã giới thiệu về hình ảnh một Thiên Chúa luôn hết mực tha thứ và yêu thương chúng ta.

Thánh Mathêu kể lại: “Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao” (Mt 18, 23-27).

Người đời thì cứ phải “mắt đền mắt, răng đền răng” hay phải “ăn miếng trả miếng” mới thỏa lòng hả dạ, còn Thiên Chúa, Người là Cha nhân từ, luôn tỏ lòng xót thương và sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho ta, muốn chúng ta luôn biết tha thứ lỗi lầm cho nhau. Tha thứ là điều cần thiết và có thể thực hiện được khi ta biết cầu xin Chúa giúp. Quả thực, sự xúc phạm của người khác chẳng đáng là bao so với tội lỗi ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến anh em. Xin cho mọi người chúng ta biết ý thức lời dạy của Chúa, rằng “oán hờn và giận dữ cả hai đều là ghê tởm, điều quan trọng nhất, đặc biệt, hãy chấm dứt hận thù, và hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua lầm lỗi của kẻ khác” (Hc 28, 9).

Linh mục Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:21 12/09/2020

18. Phàm việc gì đến từ Thiên Chúa, hoặc những thống khổ mà Thiên Chúa cho phép đến từ con người, nếu chúng ta chấp nhận chúng nó, thì tất cả giá trị công đức đều vượt qua tất cả những chọn lựa từ sự quyết chí của bản thân chúng ta.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:26 12/09/2020
24. SỨC MẠNH NUÔI CON

Có một thư sinh con cháu đầy nhà, mà trong những người bà con bằng vai vế còn có vài người khổ tâm vì không có con cái. Ông ta liền kiêu ngạo khoa trương nói:

- “Anh đấy à, không có sức mạnh, con cái một đứa cũng không nuôi nổi, coi tôi đây nè, có rất nhiều con cái.”

Người bà con ấy nói:

- “Con cái đương nhiên là sức mạnh của anh, nhưng không phải là sức lực của anh !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 24:

Con cháu đầy nhà là hồng phúc Thiên Chúa ban cho, đó là niềm vui của Áp-ra-ham, là niềm kiêu hãnh của Gia-cóp, nhưng trong thời đại ngày nay, sinh nhiều con cái thì bị coi là bị...chúc dữ.

Con cái là hồng ân của Thiên Chúa ban cho để nhân loại trên mặt đất này có tiếng cười vui hồn nhiên, để cha mẹ biết mỉm cười sau một ngày lao động mệt nhọc, để gia đình trở thành nơi bắt đầu của hạnh phúc trong trần gian này; con cái nhiều là ân sủng Thiên Chúa ban cho, nhưng chỉ biết sinh con mà không biết giáo dục chúng nên người thì là một đại họa cho xã hội; chỉ biết sinh con mà không biết nuôi dưỡng và bảo vệ con cái là một nhục nhã buồn phiền cho con cái sau này, bởi vì con cái không thể trở nên một con người tốt nếu không được sự quan tâm của cha mẹ và gia đình.

Con cái là sức mạnh của cha mẹ, nhưng nếu cha mẹ không trở thành sức mạnh cho con cái thì gia đình sẽ mất đi ý nghĩa căn bản của nó: cái nôi của tình yêu và hạnh phúc.

Thời nay có nhiều trẻ sơ sinh bị cha mẹ vứt bên vệ đường, thời nay có rất nhiều trẻ sơ sinh bị giết chết do chính tay của cha mẹ mình khi còn trong bụng mẹ, đó chính là một nỗi đau đớn của nhân loại vì tội ác này lớn lao hơn bất cứ tội ác nào, và chắc chắn Thiên Chúa sẽ nghe đến những lời kêu gào xin trừng phạt thế gian của những trẻ sơ sinh bị sát hại ngay trong bụng mẹ này.

Phá thai là do sự ích kỷ của cha mẹ, đó là hậu quả của lối sống hưởng thụ và là sản phẫm của văn hóa sự chết.

Người Ki-tô hữu không thể nhân danh văn hóa sự chết để giết hại con mình trong bào thai, bởi vì Thiên Chúa đã ban quyền được sống cho tất cả mọi người, dù người đó là một thai nhi mới một ngày tuổi trong bụng mẹ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
CN 24A : Tha Thứ : Tại sao ? và Thế nào ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
18:43 12/09/2020
CN 24A : Tha Thứ : Tại sao? và Thế nào?

Nếu lịch sử của một dân tộc, cho dù là lâu đời hay non trẻ, đều có thể tóm tắt trong một vài ba chữ – như dân tộc VN, lịch sử lâu dài là một cuộc trường kỳ lập nước và giữ nước, tức là luôn phải đấu tranh để chống ngoại xâm,- thì lịch sử của Dân thánh với thời gian cũng gần tương tự gồm Dân thánh cũ: Israel Cựu ước 2000 năm – và Dân thánh mới : Hội thánh 20 thế kỷ, cộng chung là 4000 năm, cũng có thể tóm tắt bằng hai chữ : tha thứ.

Tha thứ nằm nhan nhản trong suốt chiều dày lịch sử Dân thánh: Dân phản bội, rồi ăn năn, Chúa tha thứ; Dân lại bội phản, rồi sám hối, Chúa lại thứ tha; rồi Dân lại sa đọa, ăn năn, Chúa lại tha thứ. Tha thứ thứ tha nằm dẫy đầy trong lịch sử Dân Thánh. Mà cũng vì vậy giảng về sự tha thứ rất dễ. Làm thì khó, nhưng nói, giảng về sự tha thứ thì dễ lắm.

Hôm nay bài Tin Mừng gợi ý cho chúng ta về sự tha thứ – 7 lần đủ chưa như Phêrô hỏi Chúa Giêsu. Và Ngài đã trả lời bằng dụ ngôn : một bề tôi nợ vua 10.000 nén vàng được tha nhưng lại đi bóp cổ kẻ nợ hắn 100 đồng xèng.

Dựa vào dụ ngôn của Chúa, hôm nay chỉ muốn trả lời 2 câu hỏi về sự tha thứ : câu Tại sao và câu Thế nào?

1- Tại sao phải thứ tha?

Bài Tin Mừng với dụ ngôn 10.000 nén vàng và 100 đồng bạc đã được Chúa Giêsu trả lời giúp ta.

a)Tại sao phải thứ tha – vì chính ta là kẻ có nợ cũng phải được tha và đã được tha.

Dụ ngôn Chúa Giêsu còn nói chúng ta nợ gấp bội, không phải 100 lần, một ngàn lần, mười ngàn lần mà là 600 ngàn lần người khác nợ ta. Vậy sao ta được tha nhiều như vậy mà lại không tha cho kẻ khác chỉ nợ ta có cỏn con vài trăm bạc. Nếu ta có nợ máu với ai, ta được tha. Tại sao ta lại không tha cho kẻ chỉ có nợ với ta đúng một giọt mồ hôi mặn. Lời kinh Lạy Cha đòi hỏi chúng ta một điều kiện để được thứ tha là phải biết tha thứ. Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Vậy tại sao phải thứ tha – thưa vì chính ta cũng cần được tha thứ.

b) Và hỏi tại sao phải thứ tha, ta còn có thể trả lời thêm: vì oán thù chẳng lợi ích gì mà thường khi lại gây thiệt hại. Tha thứ sẽ làm cho ta thảnh thơi. Còn nuôi oán thù ghim căm hận sẽ làm cho tâm hồn ta nặng chĩu.

Có một người ăn mày đến xin cơm nơi cửa một nhà phú hộ. Ông phú hộ chẳng những không cho người ăn mày tí gì mà lại sẵn tay đang cầm viên đá liền ném vào mặt anh ta. Người ăn mày một tay bịt vết thương, một tay lượm viên đá vừa ném đó, cất vào bị. Anh ta nghĩ : Ta sẽ dùng chính viên đá này ném vào mặt nhà ngươi khi ngươi bị sa cơ thất thế. Quả vậy ít lâu sau, người ta khám phá ra người phú hộ này giàu có vì gian lận, nên bị xử ném đá. Người ăn mày nghe tin cầm viên đá xưa đến để sẽ ném vào mặt nhà phú hộ. Khi đến nơi thấy mặt nhà phú hộ đã ra tiều tuỵ, người ăn mày vất hòn đá xuống đất, không ném vào mặt người phú hộ đó nữa. Anh ta nghĩ : bấy lâu ta cất giữ viên đá này như nuôi một mối thù mà đến giờ cũng không trả được, vì viên đá này có là gì so viên đống đá mà người ta sắp ném. Còn riêng ta, vì do cứ giữ kỹ viên đá trong bị, mà ta chẳng ngóc đầu lên được. Nó chẳng có lợi lộc gì mà lại trì kéo ta không cho ta nghĩ ra con đường kiếm sống.

Thù oán, không tha thứ chẳng lợi ích gì mà thường khi lại gây thiệt hại. Trong y khoa, người ta thường nói kẻ nuôi thù oán hay đau bao tử, bị sạn thận, sạn gan. Không biết trúng không. Thường là trúng. Nhưng ngược lại thì không nên, tức là đừng cứ thấy ai đau bao tử, sạn gan sạn thận, ta vội kết luận ngay, đúng người này đang ghim oán hận

2. Tha thứ thế nào?

a) Tha thứ là bỏ qua.

Chính bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một giải đáp : tha thứ vô số lần và thứ tha vô số lượng. Dân gian mình có câu : quá tam ba bận. Các Rabbi Do thái cũng nói 3 lần trong một ngày là tối đa. Phê-rô muốn vượt quá gấp đôi điều luật bảo để hỏi Chúa mỗi ngày tha 7 lần thì đủ chưa. Tưởng là Thầy Giêsu sẽ khen mình, ai ngờ Chúa Giêsu còn dạy cho bài tính nhân 70 lần 7, tức là vô số lần. May mà thời đó chưa có toán lũy thừa, chứ nếu không, 70 lũy thừa 7 (8.235.430.000.000) hay 7 lũy thừa 70, thì con số lần phải là vô tận. Tha thứ vô số lần. Và tha thứ phải là vô số lượng nữa.

Dụ ngôn cho ta thấy, ta được tha 10.000 nén vàng, so với người khác nợ ta 100 đồng xèng, thì qua dụ ngôn đó Chúa còn có ý bảo ta nếu ta muốn “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha” – chúng ta muốn có một tương đương nào đó thì ta hãy tha thứ không những vô số lần mà vô số lượng nữa, tức là bao nhiêu cũng tha, nợ gì (mồ hôi, máu…) cũng bãi, oán gì cũng giải..

b) Tha thứ là biến chế.

Tha thứ không những loại bỏ, bỏ qua, tha thứ phải đi đến chỗ biến chế. Chế oán thành ân, biến thù thành bạn.

Trong một túp lều tranh lụp xụp tại một xóm nghèo bên Ấn Độ, một người đàn bà phải sống những ngày hẩm hiu với đàn con thơ dại. Chồng bà là một người thô bạo cộc cằn lại hay ăn chơi nhậu nhẹt. Ông vắng nhà suốt ngày và chỉ trở về trong men rượu vào buổi tối để đánh đập vợ con, những lúc như vậy bà chỉ biết đem giấu con cái để bảo toàn tính mạng cho lũ trẻ.

Một hôm, người chồng trở về cũng vào buổi tối sớm hơn thường lệ, ít say hơn nên tỉnh táo hơn. Từ xa xa ông đã nghe được tiếng thì thầm rầm rì từ trong túp lều. Nghi ngờ xâm chiếm, máu ghen dâng lên. Ông tự nhủ vô phúc cho thằng nào rơi vào tay ta. Rồi ông đến sát cửa ghé mắt nhìn vào trong lều. Ông thấy các con nhỏ đang ngồi quanh vợ ông và ông nghe rõ tiếng vợ ông nói : Các con hãy đọc thêm một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho người cha tốt lành của các con”. Thì ra họ đang thầm thì rầm rì đọc kinh.

Trước khung cảnh đầm ấm tình mẫu tử đó, lửa hung ác trong trái tim ông bị tắt ngụm, tâm hồn cứng cỏi trở nên mềm như sáp trước hơi nóng. Mắt ông bừng sáng sau một cơn mê ngủ dài. Ông đã nhận ra lòng tốt, quảng đại của vợ ông, chẳng những tha thứ mà còn biến hình ảnh xấu về ông trong đầu mấy đứa con thành hình ảnh người cha tốt lành.

Gandhi, nhà lãnh tụ của Ấn độ, người có công đuổi người Anh khỏi đất nước Ấn Độ của mình đã nói: Người Anh sẽ ra đi như những người bạn.

Thật ra chính tha thứ tự nó có sức biến đổi. Biến thù thành bạn, chế oán thành ân.

Chúng ta hãy tha thứ để người mà chúng ta tha thứ sẽ biến đổi và chính chúng ta cũng biến đổi – biến đổi theo chiều hướng xứng đáng trở nên người con cái của người Cha nhân từ toàn năng mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính đây.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tôn vinh Thánh giá
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
23:37 12/09/2020

TÔN VINH THÁNH GIÁ
Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Hàng năm vào ngày 14 tháng 9, Giáo Hội mừng lễ Suy tôn Thánh giá. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Phụng vụ tưởng niệm cuộc Khổ nạn của Chúa và xin được dự phần vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Còn hôm nay, Phụng vụ tập trung suy niệm về việc tôn vinh chính Thánh Giá.

Cây Thánh giá trên nóc tháp chuông, trên bàn thờ, người ta có thể phá đổ, hạ xuống. Chỉ có một nơi dựng Thánh giá mà không ai có thể phá đổ hay triệt hạ được. Đó là trong lòng trí và cuộc đời con người. Mỗi người đều được ghi dấu Thánh giá trên trán và trong lòng khi chịu Phép Rửa.

Các bài đọc Thánh kinh ngày lễ hôm nay quy hướng về việc tôn vinh Thánh Giá.

Bài đọc 1 sách Dân Số kể chuyện, dân Do thái đi trong sa mạc, họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng : “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? …”. Vì thế, Thiên Chúa đã cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Sau đó dân hối lỗi chạy đến với Môsê và ông đã cầu khẩn cùng Chúa. Thiên Chúa thương xót, đã truyền cho Môsê đúc một con rắn đồng treo lên giữa sa mạc, và bất cứ ai, hễ bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được chữa lành.

Bài Tin Mừng, trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu khẳng định : “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, sẽ đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21,6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Kitô (Ga 3,14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12,7-10).

Dịp hành hương Thánh Địa, chúng tôi có lên núi Nebo bên đất nước Jordanie. Chiêm ngắm tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn, biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê dựng nên, nhìn về Thánh địa và dâng lễ tại nhà nguyện trên núi.

1. Núi Nebo

Núi Nebo là một dãy núi ở Vương quốc Jordanie, cao khoảng 817m. Cựu ước đã đề cập đến nơi này. Trên núi Nebo, Thiên Chúa đã cho Môsê nhìn về Đất Hứa. Từ đỉnh núi nhìn bao quát bức tranh toàn cảnh về Thánh Địa và thành phố bờ Tây sông Giođan là Giêricô, thậm chí vào một ngày rất đẹp trời người ta có thể nhìn thấy cổ thành Giêrusalem.

Theo chương 34 của sách Đệ Nhị Luật, Môsê đã đi lên núi Nebo từ đồng bằng Môáp đến đỉnh Pisgah đối diện với Giêricô để nhìn về Đất Hứa.Giavê phán với Môsê: Đó là đất Ta đã thề với Abraham, Isaac và Giacop rằng: Ta sẽ ban nó cho dòng giống ngươi! Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không qua đó!. Và Môsê đã chết trong xứ Môab. Người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-pơor, nhưng không biết được mộ ông cho đến ngày nay.(Đnl 34,4-6).

Theo truyền thống Kitô giáo, Môsê đã được chôn cất trên núi này, tuy nhiên người ta vẫn không xác định được nơi chôn cất ông. Một vài truyền thống Hồi giáo cũng khẳng định điều tương tự, nhưng ngôi mộ của Môsê thì họ cho là ở Maqam El- Nabi Musa nằm về phía nam cách Giêricô 11 km và về phía đông cách Giêrusalem khoảng 20km trong hoang địa Giuđêa. Các học giả tiếp tục tranh luận xem ngọn núi hiện nay được gọi là là Nebo có phải là ngọn núi ngày xưa được đề cập trong bộ Ngũ kinh của Cựu ước không.

Theo sách Maccabê (2 Mcb, 2,4-7): Tiên tri Giêrêmia đã giấu Nhà tạm và Hòm Bia Giao Ước trong một cái hang trên núi Môsê đã lên và được chiêm ngắm cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Ngày 20/03/2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến núi Nebo trong cuộc hành hương Thánh địa. Ngài đã trồng một cây ô liu bên cạnh nhà thờ theo phong cách Byzantine như là một biểu tượng cho hòa bình.
Ngày 9/5/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến thăm địa danh này, đọc bài diễn văn ở đây và ngài nhìn về thành Giêrusalem từ đỉnh núi Nebo.

Nghệ sĩ người Ý, Giovanni Fantoni đã thực hiện tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn. Đây là biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê làm theo lệnh của Chúa để cứu sống người bị rắn cắn (Ds 21,4-9) và là thánh giá trên đó Chúa Giêsu bị đóng đinh (Ga 3,14).

Trên đỉnh cao nhất của ngọn núi mang tên Syagha, người ta khám phá ra di tích ngôi nhà thờ và một tu viện vào năm 1933. Ngôi Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào nửa bán thế kỷ thứ IV để kỷ niệm nơi Môsê qua đời. Thiết kế nhà thờ theo phong cách một Vương cung Thánh đường. Nó được mở rộng vào cuối bán thế kỷ thứ V và được xây dựng lại năm 597. Ngôi Nhà thờ đầu tiên được nhắc đến trong bản báo cáo về một cuộc hành hương của một người phụ nữ tên Aetheria vào năm 394. Người ta đã tìm thấy 6 ngôi mộ trống rỗng từ những phiến đá tự nhiên nằm dưới sàn khảm đá của nhà thờ.

Trong ngôi nhà nguyện hiện đại được xây dựng để bảo địa danh này và cung cấp nơi thờ phượng, người ta có thể nhìn thấy thấy những di tích của những sàn nhà khảm đá từ nhiều thời kỳ khác nhau. Một trong những bức tranh khảm đá lâu đời nhất là một tấm ghép với những hình chữ thập có viền hiện nay được đặt ở phía đầu Đông của bức tường phía Nam.

2. Tại sao lại treo con rắn?

Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3,1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho Evà và Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: chẳng chết chóc gì đâu! Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước: Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chết (St 2,17).

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến, chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người.

3. Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?

Trong Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô ở Milan, có 2 cột đá thật ấn tượng và giàu ý nghĩa; "cột rắn": một con rắn bằng đồng thời Byzantine vào thế kỷ thứ X được đặt trên đỉnh một cột ngắn, đối diện bên kia có “cột thập giá”.

Bài đọc 1 là “lời tiên báo” của sách Dân Số, một lời tiên báo rất huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế, về mầu nhiệm Thâp giá, nơi Đức Kitô là Con Người được “giương cao”. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh, tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời (x. Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người chúng ta, trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu “chết để cho chúng ta được sống”.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu, ngay từ những lời nói đầu tiên đã đặt mầu nhiệm Thập Giá trong tương quan trực tiếp với hình ảnh con rắn biểu tượng của Tội và Sự Dữ : Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Một bên là con rắn bị giương cao. Một bên là Đức Kitô được giương cao trên cây thập giá.Trong Cuộc Thương Khó, Đức Kitô sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn.Theo Thánh Phaolô: Đức Giêsu tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21; Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7,13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Giêsu dạy, (chứ không phải báo trước) cho các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (Mc 8, 31).

Chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh giá để nhìn thấy:

- Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.
- Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị; chân tay của Người bị đinh nhọn đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính; và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt. Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

4. Tại sao “nhìn lên” có khả năng chữa lành?

Theo lời của Đức Chúa, Môsê đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên thì được chữa lành. Hình phạt bị rắn độc cắn là rất nặng nề, còn ơn chữa lành thật nhẹ nhàng: nhìn lên thì được sống.

Nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37) với lòng tin chúng ta đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Thánh giá Đức Kitô chịu đóng đinh được các giáo phụ gọi là Cây Sự Sống, vì đã mang đến cho nhân loại Sự Sống của Thiên Chúa.

Thánh Giá mang lại cho nhân loại Ơn Tha Thứ của Thiên Chúa. Sự bất tuân của Adam đã mang đến án phạt và sự chết cho toàn thể nhân loại. Thì giờ đây, sự vâng phục của Chúa Giêsu mang lại Ơn Tha Tội của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại (bài đọc 2). Vì tình yêu vâng phục của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá, Chúa Cha đã tha hết mọi tội lỗi cho nhân loại. Ơn tha thứ đã được ban một cách tràn đầy và cho mọi người, không trừ một ai. Ơn Tha Thứ ấy phát xuất từ Tình Yêu của Thiên Chúa Cha. Tình Yêu lớn hơn tội lỗi. Tình Yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi. Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá biểu lộ Gương Mặt đích thực của Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Thánh Giá mạc khải Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại chúng ta. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha đến nỗi sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa Cha, dâng hiến sự sống mình lên cho Chúa Cha. Thánh Giá cũng biểu lộ Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì những người mình yêu”.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Tôn vinh Thánh Giá là để chúng ta yêu mến và tôn thờ Chúa Cứu Thế.Thánh Gioan Maria Vianney đã nói: "Thánh giá là quyển sách cao siêu nhất... Chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm quyển sách này, những người đó mới thật sự là người thông thái". Thánh giá Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất, bởi vì, đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu. Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất của con người đã có thể nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình Yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu dâng hiến cho nhân loại...

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.
 
Chỉều sâu và chiều rộng vô hạn của lòng thương xót
Lm. Minh Anh
23:44 12/09/2020

CHIỀU SÂU VÀ CHIỀU RỘNG VÔ HẠN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận, lại giàu tình thương”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, thoạt tiên, có một cái gì đó gây sốc; một điều gì đó xem ra khá bất công khi Thiên Chúa không ngại đứng hẳn về phía người có lỗi; xem ra Người bênh vực tội nhân khá trộ tràng và nhất là, dường như, ai không biết xót thương như Người, thì Người coi họ là thù nghịch. Thế nhưng, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu và Chúa Cha, Đấng mà Ngài ví như ông chủ trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta có câu trả lời như một chân lý ngàn đời, chân lý đó được Thánh Vịnh đáp ca khẳng định, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận, lại giàu tình thương”.

Vậy thì điều gì đã gây sốc? Bài đọc thứ nhất gây sốc, sách Huấn Ca viết, “Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm”; “Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù và nghiêm trị tội lỗi nó”. Ơ hay, như thế thì người bị anh em mình xúc phạm, người mà trước đó được coi là vô tội lại trở thành có tội, nên thù nghịch với Thiên Chúa nếu họ giận dữ và thịnh nộ với anh em mình; bấy giờ họ có kêu cầu, Thiên Chúa cũng làm ngơ; có van vái, Người cũng để ngoài tai, vì “Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”; “Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?”.

Bài Tin Mừng cũng gây sốc, Phêrô háo hức đến hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?”. Với chúng ta, một lần cũng đã đáng mơ ước; Phêrô tha đến bảy lần là một điều gì đó quả tuyệt vời. Vậy mà với Chúa Giêsu thì không, với Ngài, chừng đó chưa là gì cả, còn quá ít; Ngài nói, “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Tội nghiệp Phêrô! Ông tưởng, được ngần ấy là đã rất hào hiệp và quảng đại; ai dè, với Chúa Giêsu, chừng đó không ăn thua; không phải 7 lần nhưng phải gần cả 500 lần. Thật là sốc! Ngài đòi Phêrô tha theo cấp số nhân, cấp số mũ, cấp luỹ thừa và vô cùng; Ngài đòi ông tha theo cấp của trời, cấp của Thiên Chúa, cấp vô hạn. Khi nói điều đó, Chúa Giêsu nhắm đến chiều sâu và chiều rộng vô hạn của lòng thương xót cùng sự tha thứ nơi Thiên Chúa; Ngài nói đến cấp vô hạn của sức nặng thập giá như là món nợ của nhân loại mà Ngài phải gánh chịu. Ngài muốn chúng ta dành cho anh chị em mình cái vô hạn như Thiên Chúa đã dành cho nhân loại khi tha thứ và thương xót nó. Con số bảy nói lên rằng, phải tha hết, tha mãi; đặt lên bàn cân, bảy mươi lần bảy có trọng lượng ngang với thập giá, biểu tượng của lòng thương xót và thứ tha nơi Thiên Chúa, “Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận, lại giàu tình thương”.

Với nhiều người trong chúng ta, lời khuyên của Chúa Giêsu nghe có vẻ tốt lành về mặt lý thuyết; điều Ngài nói thật đầy cảm hứng và khích lệ khi chúng ta suy gẫm về chiều sâu, chiều rộng của việc tha thứ mà chúng ta được mời gọi để trao tặng anh chị em mình. Thế nhưng, trong thực tế, khi đối diện với vấn đề, điều này quả không dễ chút nào; nếu không nói là không thể khi phải tha vô hạn.

Vậy mà đòi hỏi tha thứ vô hạn của Chúa Giêsu, một đòi hỏi thiêng liêng vốn không phải là một lý thuyết hay một lý tưởng để chúng ta cố gắng đeo đuổi mỗi ngày; nhưng trái lại, nó phải trở thành một thực tế thiết thực mà chúng ta phải ôm lấy hết sức mình với sức mạnh của Chúa. Mỗi ngày, chúng ta phải tìm loại bỏ khỏi bản thân bất cứ một khuynh hướng nào, dù nhỏ đến đâu, là ôm hận và giữ trong lòng sự tức giận. Chúng ta phải tìm cách giải thoát mình khỏi mọi hình thức cay đắng và để cho lòng thương xót của Chúa chữa lành mọi tổn thương bằng thập giá của Con Một Người.

Hãy nhìn ngắm lòng thương xót của Người đối với chúng ta, hãy nhìn ngắm thập giá, trên đó, Con Thiên Chúa hấp hối. Từ khi chúng ta lãnh phép Rửa tội, Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi một món nợ không trả nổi, đó là tội nguyên tổ. Nhưng đó là chỉ là lần đầu; sau đó, với lòng thương xót vô bờ, Thiên Chúa tiếp tục tha cho chúng ta vạn lần, tha mỗi ngày, tha mọi lỗi lầm mỗi khi chúng ta xúc phạm đến Người, ngay cả khi chúng ta chỉ thể hiện một chút ăn năn dù là nhỏ nhất. Thiên Chúa là thế đó, “Đấng từ bi nhân hậu; Người chậm giận, lại giàu tình thương”.

Mỗi khi chúng ta bị cám dỗ khép lòng lại trước những anh chị em xúc phạm mình, dù họ có mở lời xin lỗi hay không, chúng ta hãy nhớ lại lời Thánh Phaolô trong thư Rôma hôm nay, “Không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình”; ích kỷ, không mở lòng để tha thứ, là sống cho mình; cũng như không ai chết cho mình, vì Chúa Kitô đã chết cho họ. Và nhất là chúng ta nhớ lại lời ông chủ nói với tên đầy tớ không biết tha thứ cho người anh em, “Tên đầy tớ độc ác kia, Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?”.

Ellen Johnson Sirleaf, nữ tổng thống Liberia, nghĩ rằng, đã đến lúc bà trả thù. Tuy nhiên, một trải nghiệm đã khiến bà thay đổi. Ngày nọ, khi đang ở gần một ngôi làng, đột nhiên bà nghe tiếng súng nổ; Weser, vệ sĩ của bà đã lập tức đẩy bà xuống đất. Dù bà được cứu, nhưng viên đạn đã cướp mạng cận vệ Weser. Sau đó, bà phát hiện kẻ bóp cò chính là hàng xóm của Weser, Asa, người đã được thuê để ám sát bà. Mười ba năm sau, nữ tổng thống Sirleaf một lần nữa đến thăm ngôi làng ấy và bắt gặp mẹ của Weser đang đem đồ ăn cho mẹ của Asa. Bà hỏi tại sao, mẹ Weser trả lời, “Sau sự việc 13 năm trước, Asa bỏ trốn và vẫn bặt vô âm tín. Mẹ của cậu ta bị bệnh, lại nghèo khổ, không còn gì để ăn”. Sirleaf không nhịn được, “Nhưng bọn họ là kẻ thù! Con trai bà ấy đã giết Weser!”. Câu trả lời của người mẹ khiến bà tổng thống kinh ngạc, “Tất cả đã qua rồi. Lấy oán báo oán, chỉ tăng thêm oán thù nhiều hơn”. Những lời của bà mẹ đã để lại cho Sirleaf một bài học sâu sắc, Liberia bị chiến tranh tàn phá cần sự tha thứ hơn là lòng thù hận! Kể từ đó, Sirleaf đã tha thứ cho những cựu thù chính trị của mình và nhận được sự cảm thông, ủng hộ từ những người Liberia. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của châu Phi, bà đã tạo một tương lai bằng tha thứ và đối xử tốt với những kẻ thù; bà được giải Nobel Hoà Bình năm 2011. Đúng như Jonathan Lockwood Huie, mệnh danh ‘Triết gia của hạnh phúc’, từng nói, “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà bởi vì bạn xứng đáng được thanh thản”.

Anh Chị em,

Ai đã trải nghiệm một niềm vui, bình an và tự do nội tâm đến từ việc được Thiên Chúa thứ tha, người ấy sẽ có khả năng mở lòng mình ra để, đến lượt họ, tha thứ cho anh chị em mình. Thập giá của Đức Giêsu Kitô là bằng chứng Thiên Chúa tha thứ cho mỗi người, đó cũng là chìa khoá mở cửa thiên đàng. Vì thế, mở miệng kêu xin tha thứ là mới lần bước đến ngưỡng thiên đàng, tha thứ cho người khác thực sự, mới là chìa khoá mở cửa thiên đàng khi mỗi người lấy thập giá của Chúa Giêsu làm tiêu chuẩn và khuôn mẫu cho thập giá đời mình. Tha thứ là đôi cánh thiên thần giúp họ bay lên tới Chúa vậy.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương; xin cho con một trái tim nhân ái như Chúa, để con tha thứ cho anh chị em con mà không cần dè giữ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chiêm ngưỡng và lòng thương xót không thể thiếu cho hệ sinh thái toàn diện – Bài chia sẻ của ĐTC…
Thanh Quảng sdb
06:32 12/09/2020
Chiêm ngưỡng và lòng thương xót không thể thiếu cho hệ sinh thái toàn diện – Bài chia sẻ của ĐTC…

Thứ Bảy 12/9/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến những phái đoàn mang tên là “Cộng đoàn Laudato Si”, những cộng đoàn hoạt động thiết thực để truyền bá các giá trị của Tông huấn “Laudato Si”. ĐTC cho hay sự chiêm ngưỡng và lòng thương xót giúp vun góp cho hệ sinh thái được thăng tiến toàn diện.

(Tin vatican - Robin Gomes)

Sự chiêm ngưỡng và lòng trắc ẩn là những thành phần không thể thiếu cho hệ sinh thái toàn vẹn như đã được Tông huấn “Laudato Si” đề cập tới hầu mang lại sự quân bình cho thế giới và con người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày quan điểm này trước khoảng 250 đại diện của các “Cộng đoàn Laudato Si”, theo tinh thần Tông huấn được phát hành từ năm 2015.

Sinh thái thích hợp

Đức Thánh Cha nói với các công đoàn này rằng cần phải có một hệ sinh thái toàn diện “bởi vì tất cả chúng ta đều là những thụ tạo và các sinh vật được tạo dựng đều có liên hệ với nhau”. “Ngay cả đại dịch cũng chứng minh điều này: sức khỏe của con người không thể tách rời khỏi môi trường mà chúng ta đang sống”.

ĐTC giải thích, biến đổi khí hậu không chỉ làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên mà còn gây ra nghèo đói, ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương và đôi khi buộc họ phải rời bỏ quê cha đất tổ mà ra đi... Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Việc bỏ bê tạo vật và những bất công xã hội có ảnh hưởng hỗ tương với nhau,” ĐTC nói tiếp “không có hệ sinh thái nào mà không cần có sự quân bình và không có sự quân bình nào mà không có liên đới tới hệ sinh thái”.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha đề nghị các “Cộng đồng Laudato Si” hãy để ý tới hai yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái toàn diện: chiêm ngưỡng và lòng thương xót.

Chiêm ngưỡng

Nói về sự chiêm ngưỡng, ĐTC than rằng chúng ta không còn chiêm ngưỡng thiên nhiên xung quanh nữa mà đay nghiến nó, vì chúng ta tham lam và ham muốn lợi nhuận mà chỉ nhìn muốn những kết quả trước mắt bằng mọi giá. Chỉ tập trung và lo phát triển chủ nghĩa tiêu dùng, chúng ta lo cho có cái điện thoại mới nhất, trong khi rừng đang bị cháy, những người hàng xóm và cây cối chết mặc bay…

Đức Thánh Cha nói: chúng ta cần dừng lại, đừng vô cảm nhưng hãy im lặng mà chiêm ngắm. Ví dụ, chúng ta cần tạm xa chiếc điện thoại di động một chút để nhìn vào mắt những người bên cạnh và các tạo vật…

ĐGH giải thích, chiêm ngưỡng đòi hỏi sự thinh lặng và cầu nguyện để đạt được sự hài hòa nơi con người của mình giữa xác và hồn… ĐTC nói, những ai chiêm ngưỡng sẽ khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa và mỗi người đều quan trọng đối với Thiên Chúa, mỗi người có thể biến đổi cái thế giới nhỏ bé của mình nên tốt đẹp như Đấng Tạo Hóa mong muốn. Một người đang chiêm ngưỡng, Đức Thánh Cha nói, “sẽ không đứng yên, nhưng tự thúc đẩy mình vào các chương trình hành động cụ thể.

Lòng Thương xót

ĐTC Phanxicô nói, hoa trái của việc chiêm ngưỡng là lòng Thươn xót. Chúng ta trở nên nhân ái hơn khi chúng ta nhìn với ánh nhìn của Thiên Chúa và coi người khác như anh chị em sống chung dưới một mái nhà. “Lòng trắc ẩn của Thiên Chúa,” Đức Thánh Cha nói, “đối lập với sự thờ ơ của chúng ta”.

“Lòng trắc ẩn của chúng ta,” ĐTC tiếp tục, “là liều thuốc tốt nhất chống lại tinh thần của đại dịch là thờ ơ.” Những người có lòng trắc ẩn đi từ ý niệm "Tôi không quan tâm đến bạn" đến "bạn là người quan trọng đối với tôi". ĐTC nói, lòng trắc ẩn tạo ra một mối liên kết mới với tha nhân, giống như Người Samaritanô nhân hậu, người đã động lòng trắc ẩn để chăm sóc cho người bất hạnh mà anh chưa hề quen biết.

Hành động bỉ ổi

Đức Thánh Cha nói: Thế giới cần sự từ thiện sáng tạo và tích cực từ những người không cần được người ta biết đến qua báo chí và phương tiện truyền thông! nhưng muốn hạ mình xuống, để khôi phục lại phẩm giá của tha nhân”. Có lòng trắc ẩn là “chọn tất cả mọi người không phân biệt kẻ thù” mà chỉ “nhìn thấy từng người là láng giềng của ta”.

Phế thải

Đức Thánh Cha giải thích những ai có lòng trắc ẩn, thì tranh đấu chống lại việc loại bỏ con người và không lãng phí mọi thứ… Họ đau xót khi thấy người già cả yếu đau, trẻ thơ và những người tật nguyền bị đào thải "vứt bỏ không thương tiếc!

Trích dẫn tài liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Đức Thánh Cha cho biết hàng năm có hơn một tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ ở các nước công nghiệp. Do đó, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả hãy chống lại sự lãng phí này và yêu cầu những nỗ lực liên minh chính trị kết hợp giữa tiến bộ và công bằng, phát triển và bền vững cho tất cả mọi người, hầu không một ai bị tước đoạt đất sống, có không khí trong lành để thở, có nước sạch để uống và thực phẩm để ăn.
 
Tổng thống Trump đưa nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc vào danh sách đen
Đặng Tự Do
16:51 12/09/2020


Mỹ có thể đang siết chặt thị trường tại Hoa Kỳ đối với nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết hôm thứ Sáu, chính quyền Trump đang xem xét liệu có nên đưa Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn, gọi tắt là SMIC, vào danh sách đen hay không. Việc thêm SMIC vào danh sách đen hiện bao gồm hơn 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc sẽ buộc các nhà cung cấp Mỹ phải tìm kiếm giấy phép đặc biệt, là điều ngày càng khó có thể xin được.

Danh sách đen đó bao gồm các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE. Chính quyền Trump thường sử dụng danh sách đó để đánh vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc. SMIC đã phải đối mặt với những hạn chế mới từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Những quy định này bắt buộc những công ty nào cung cấp chip cho Huawei và các nhà sản xuất khác phải xin giấy phép của Mỹ trước khi sản xuất chip cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này nếu họ dựa vào công nghệ sản xuất chip của Mỹ.

Các nguồn tin trong ngành cho biết việc đưa SMIC vào danh sách có thể ảnh hưởng đến các công ty Mỹ. Trong số đó, các nhà cung cấp thiết bị chip như Lam Research, KLA, và Applied Materials. SMIC và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Nhiều công ty làm ăn với Trung Quốc tỏ ra bực mình với Tổng thống Trump vì thái độ chống Trung Quốc quyết liệt của ông. Chính vì thế, Tổng thống Trump phải cân nhắc sự chống đối này khi cuộc bầu cử đang đến gần.


Source:Reuters

 
Nhóm Công Giáo ủng hộ Biden xúc phạm Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
16:51 12/09/2020


Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết nhiều người Công Giáo bất mãn trước đườg lối tuyên truyền sống sượng của nhóm “Catholic for Biden”, tức là nhóm những người Công Giáo ủng hộ Biden.

Tiếp cận các cử tri Công Giáo trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Joe Biden, nhóm này nói với những người Công Giáo rằng các ưu tiên của Biden phù hợp với các ưu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, bất chấp một sự thật rõ ràng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nghiêm khắc lên án hành vi phá thai, trong khi Biden theo đuổi một lập trường phò phá thai cực đoan, thậm chí ủng hộ phá thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ, ngay cả khi thai nhi đã chào đời, và ủng hộ việc dùng tiền thuế dân để tài trợ cho việc phá thai.

Vào tối thứ Năm, nhóm “Người Công Giáo ủng hộ Biden” đã tổ chức buổi ra mắt trực tuyến chính thức. Các diễn giả tại sự kiện này bao gồm Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, Sơ Simone Campbell, và cựu khoa trưởng khoa chính trị tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, là Tiến sĩ Stephen Schneck.

Durbin, một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ từ năm 1997, đã bị cấm rước lễ vào năm 2004 tại Giáo phận Springfield quê nhà ở Illinois. Vào năm 2018, Đức Cha Thomas Paprocki, Giám mục Springfield cảnh giác người Công Giáo rằng lệnh cấm này vẫn có hiệu lực.

Ba diễn giả tự xưng mình là người Công Giáo này khuyên các cử tri Công Giáo không nên là những cử tri chỉ săm soi vào vấn đề về phá thai mà quên đi các vấn đề khác.

Biden đã cam kết hỗ trợ phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân, tài trợ và hệ thống hóa việc phá thai hợp pháp trong hiến pháp.

Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Biden thề sẽ hủy bỏ tu chính án này và cái gọi là “kế hoạch chăm sóc sức khỏe theo ý kiến công chúng” của ông ta sẽ bao gồm việc tài trợ cho mọi ca phá thai trong mọi trường hợp. Liên Đoàn Hành Động Vì Quyền Phá Thai Quốc Gia đã tán thành việc ứng cử của ông ta, và Quỹ hành động của Planned Parenthood cho biết họ “xúc động” trước việc ông ta chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm bạn tranh cử với mình.

Trong cuộc nói chuyện trực tuyến này, các diễn giả đã đưa ra câu tuyên truyền này “Bạn có phải là Cử tri ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô không? Nếu có hãy ủng hộ Biden.” Ba tên bịp bợm này cho rằng “Donald Trump bác bỏ phần lớn Giáo huấn Xã hội Công Giáo,” trong khi cả quyết rằng Biden chia sẻ “các ưu tiên Công Giáo” của “Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Trong tông huấn “Gaudete et exsultate”, nghĩa là “Mừng rỡ Hân Hoan” được công bố năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng tất cả cuộc sống con người, được sinh ra và chưa được sinh ra, đều thiêng liêng.

Đức Thánh Cha nói rằng “việc bảo vệ những đứa trẻ vô tội” phải “rõ ràng, vững chắc và đầy nhiệt huyết,” nói thêm rằng “cũng thiêng liêng như thế, là cuộc sống của những người nghèo, những người đã được sinh ra, những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi và kém may mắn, người già yếu và dễ bị tổn thương trước các hình thức giết hại được che đậy dưới hình thức trợ tử, những nạn nhân của nạn buôn người, các hình thức nô lệ mới và mọi hình thức từ chối.”

Trích dẫn các từ “cũng thiêng liêng như thế” trong tông huấn của Đức Thánh Cha, ba tên diễn giả bịp bợm này nói rằng “các ưu tiên thiêng liêng là ngang nhau” nhằm đánh đồng việc phá thai với một số vấn đề khác có tầm quan trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời tố cáo mạnh mẽ hành vi phá thai. Ngài đã ví hành động này như “việc thuê một sát thủ” và lên án việc phá thai có chọn lọc, tức là giết chết các thai nhi có dị tật, “giống như Đức Quốc xã thanh lọc chủng tộc, nhưng với đôi găng tay trắng.”

Trong tông huấn Evangelii Gaudium nghĩa là Niềm Vui Phúc Âm công bố năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng “việc bảo vệ sự sống chưa sinh này được liên kết chặt chẽ với việc bảo vệ quyền của mỗi người và mọi quyền khác”.


Source:Catholic News Agency
 
Hai giám mục Canada bác bỏ những lời tiên tri của linh mục Michel Rodrigue
Thanh Quảng sdb
23:06 12/09/2020
Hai giám mục Canada bác bỏ những lời tiên tri của linh mục Michel Rodrigue



(UCA News - Francois Gloutnay)

Hai giáo phận Canada đã bác bỏ các thông điệp và lời tiên tri của linh mục Michel Rodrigue tiên báo về sự diệt vong của thế giới.

Đức Giám Mục Gilles Lemay, Giáo phận Amos của Tiểu bang Quebec, đã bác bỏ các thông điệp và lời tiên đoán của Cha Michel Rodrigue vào ngày 3 tháng 9. Và sáu ngày sau đó, Đức Giám Mục Robert Bourgon, giáo phận Hearst-Moosonee, thuôc tiểu bang Ontario nơi Cha Rodrigue được thụ phong, cũng bác bỏ các lời tiên báo về các viễn tượng này.

Đức Cha LeMay cho hay: Cha Rodrigue là một linh mục rất tích cực trong giáo phận, nhưng ngài đã mãn nhiệm kỳ mục vụ đối với ba giáo xứ mà tôi đã giao phó cho ngài".

Đức Giám Mục Bourgon cũng cho hay cha Rodrigue không phải là "một linh mục trừ quỷ chính thức của Giáo phận."

Cha Rodrigue thành lập Huynh đoàn Tông đồ của Thánh Benoit Joseph Labre, một hiệp hội qui tụ các linh mục và giáo dân, có trụ sở tại Saint-Dominique-du-Rosaire, Quebec. Những lời tiên tri của ngài được đăng tải trên một trang web ở Hoa kỳ. Cha Rodrigue cũng tổ chức một số cuộc hội thảo tại Hoa Kỳ, nơi ngài quảng bá các ý tưởng của ngài.

Hướng dẫn mới giải thích về sứ vụ trừ tà là công việc thánh thiện, không kinh dị:

Qua các cuộc hội thảo về lãnh vực này, Cha Rodrigue khẳng định, thế giới đang bị kiểm soát bởi một thế lực bí mật được thành lập bởi những kẻ “sang giầu” tôn thờ Satan. Ngài nói tới một cuộc chiến hạt nhân sắp tới sẽ tàn phá hành tinh và ngài nói tới một "nơi ẩn náu", dành cho các tín hữu sẽ được hướng dẫn bởi những ánh lửa nhỏ do các thiên thần hộ thủ hướng dẫn. Ngài cũng cho rằng Satan sẽ sử dụng thuốc vắc-xin để làm cho mọi người bị bệnh.

Cha ấy nói: "Ma quỷ sẽ sử dụng iPhone, iPad, máy tính của bạn để lừa đảo các bạn... Nên chúng ta phải xa lánh những thứ này đi để bảo vệ chính mình. Bạn sẽ không cần những thứ này nữa. Hãy dẹp bỏ chúng đi. Đừng lo lắng về giao tế nữa"!

Đức Giám Mục Lemay phát hiện ra một trang web bắt đầu từ tháng 3 năm 2020, trong khi chúng ta tạm ngưng vì cơn dịch Covid-19", thì trang mạng lại xuất hiện thường xuyên những "điều mặc khải" mà Thiên Chúa truyền cho những thị nhân ở các quốc gia khác nhau, đưa lên mạng tám cuộc hội thảo do cha Rodrigue tổ chức vài tháng nay.

Trang web trình bày các ý tưởng của Cha Rodrigue, nói về ngài là "một nhà trừ quỷ chính thức của Giáo phận", là người "nhận được sự hỗ trợ của các giám mục bản quyền" và cho biết tất cả các viễn cảm và viễn tượng của ngài đều được đệ trình lên các thẩm quyền địa phương để phê duyệt.

Đức Giám Mục Lemay cho hay ngài rất đỗi ngạc nhiên khi đọc được những lời ngài tuyên bố và nhìn nhận "những lời tiên tri" của cha Rodrigue. Đức cha đã yêu cầu đục bỏ các tuyên bố đó đi khỏi trang web.

Đức Giám Mục cũng cho hay ngài đã nhận được rất nhiều điện thoại và thư từ bày tỏ nỗi bất đồng trước "những thông điệp và lời tiên tri" của Cha Rodrigue.

Trước đây, Cha Raymond Martel, tổng đại diện của Giáo phận Amos cho hay: "chúng tôi nhận được những thư từ của một số người thắc mắc về các hoạt động của Cha Rodrigue tại Hoa Kỳ,". "Nhưng chúng tôi không để ý tới những bức thư này cho lắm, vì lúc đó chúng tôi chưa được biết cha Rodrigue đang giảng giải gì. Những gì chúng tôi được biết là ngài đang giảng tĩnh tâm ở đó. Đó là những gì ngài cho chúng tôi hay.

Nhưng khi các video đại hội được tung lên mạng, thì toàn giáo phận tràn ngập email và điện thoại mà Cha Martel đã phải trả lời bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Tây Ban Nha. Trong năm tháng qua, "hàng tuần, chúng tôi đã nhận được nhiều email từ khắp nơi trên thế giới."

"Các cuộc điện thoại cũng vậy. Nhiều cuộc gọi từ Hoa Kỳ, cũng như từ Ireland, Mexico." Cha Tổng đại diện cho biết một phụ nữ từ Pháp đã gọi điện đến văn phòng của ngài với một "tâm trạng hoảng loạn".

Đa số mọi người "muốn biết quan điểm của Đức Giám Mục về những gì Cha Rodrigue đang công bố," cha tổng đại diện nói.

Trong nhiều trường hợp, người ta "dè dặt về những lời tiên tri của mình! Nhưng nơi cha Rodrigue thì khác! Ngài muốn chúng tôi hoàn toàn đồng ý với những gì ngài đã nói. Đức cha khuyên hãy nên thận trọng”.

Đức cha Bourgon kể lại từ năm 1989 đến năm 1996, Cha Rodrigue đã làm việc tại các giáo xứ của giáo phận Ontario. Sau đó, ngài rời giáo phận và về Montreal với các cha Xuân Bích của ngài (Sulpicia).

Đức cha Bourgon cho hay sau đó "Chúng tôi không có tin tức gì về cha ấy". Đức cha xác quyết: Cha Rodrigue không nắm giữ công việc hay chức vụ mục vụ nào trong cả hai giáo phận ở Canada cả.

Đầu mùa hè năm nay, trang mạng “Countdown to the Kingdom” đã viết: "Xin lưu ý rằng, mặc dù hiện tại chúng tôi biết rằng Giám mục Lemay 'không ủng hộ' các thông điệp của Cha Rodrigue, nhưng các thông điệp này không bị lên án. Chưa có một cuộc điều tra chính thức nào về cha đó và các thị kiến hay viễn ảnh của ngài... Vì vậy, tại thời điểm này, chúng tôi vẫn lưu trữ chúng ở trên trang mạng “Countdown to The Kingdom” (với sự cho phép rõ ràng của Cha Rodrigue) vì quan điểm của chúng tôi đối với chúng vẫn không thay đổi; chúng tôi thấy chúng quan trọng cần được lưu trữ... "

Huynh đoàn Tông đồ Thánh Benoit Joseph Labre không có phản ứng gì với các ý kiến của các giám mục.

"Cha Michel Rodrigue hiện đang đi tĩnh tâm", một phát ngôn viên cho hay, và nói thêm bất kỳ một yêu cầu cung cấp thông tin về cha Robrigue, nên được gửi đến ngài bằng đường bưu điện.

Cha Martel cũng cho hay: “Giáo phận cũng chỉ có thể liên lạc với cha ấy bằng bưu điện.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Học sinh Gx. Tụy Hiền Tgp. Hà Nội bước vào năm học mới 2020 – 2021
Gx. Tụy Hiền
08:40 12/09/2020
Nếu như sáng 5/9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021. Thì chiều Chúa Nhật ngày 6/9/2020. 635 em học sinh giáo xứ Tụy Hiền đã qui tụ về giáo xứ để cùng dâng Thánh lễ xin Chúa chúc lành, thánh hóa cho Năm Học Mới.

Xem Hình

Trước lễ Cha An-tôn cùng toàn thể cộng đoàn đứng lên để xin ơn thánh hóa cho buổi lễ khai giảng hôm nay. Mọi người đứng hát Kinh Chúa Thánh Thần, liền sau đó, cám em huynh trưởng, Thiếu Nhi Thánh Thể, đặt tay lên ngực và hát bài: Thiếu nhi Việt Nam đứng lên trong giai đoạn mới...

Thành tích năm học vừa qua thật đáng khích lệ, toàn giáo xứ có tổng số các em được thành tích tốt là 172 em, trong đó 142 em đạt học sinh tiên tiến, xuất sắc, 19 em đạt học sinh giỏi, và có 11 em đạt học sinh giỏi xuất sắc, toàn diện.

Bước vào Năm Học Mới, Cha xứ đã lấy cuốn vở, cây bút làm phần quà trao cho tất cả các em. Em nào học sinh giỏi sẽ có thêm bộ sách giáo khoa, sách tiếng anh cao cấp. Em nào học sinh giỏi toàn diện sẽ nhận được nhận thêm bộ “Ngữ Pháp Cơ Bản Tiếng Anh” nâng cao trị giáo 400.000 đồng cùng với 1 cuốn sách Tin Mừng và một phong bì mua giấy bút.

Song song với buổi lễ khai giảng Năm Học Văn Hóa là khai giảng Năm Học Đức Tin. Cha cũng tuyên bố chương trình học giáo lý viên, giáo lý hôn nhân dự tòng, giáo lý Thêm Sức và Xưng tội rước lễ lần đầu bắt đầu. Cha cũng trao giáo trình cho các lớp.

Hồi trống vang lên báo hiệu năm học mới bắt đầu. Thánh lễ tạ ơn xin Chúa chúc lành cho tất cả các em, thầy cô, phụ huynh được hồn an xác mạnh để các em trở nên những trò giỏi con ngoan.

Gx. Tụy Hiền
 
12/09 : Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh Tại Giáo Xứ VN Paris
Lê Đình Thông
18:47 12/09/2020
Vì Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh thuộc Hội Linh mục Xuân Bích nên lễ an táng đã được cử hành ngày 10/09, sau đó là nghi thức tiễn đưa linh cữu cố Đức Ông đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Montparnasse (Paris).

Sáng 12/09, cộng đoàn Giáo xứ Paris đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho cố Đức Ông. Nguyện đường được mở rộng sang cả hội trường cho số người dự lễ đông đảo, mặc dù các biện pháp hạn chế về y tế.

Trước giờ cử hành Thánh lễ, hai màn ảnh lớn hai bên cung thánh trình chiếu nhiều hình ảnh trong quá trình tu đức của Đức Ông, từ lúc còn là chủng sinh ở chủng viện Xuân Bích (Vĩnh Long), đến ngày chịu chức linh mục, tiếp theo là thời gian Đức Ông giảng dạy tại chủng viện Kim Long (Huế), sau cùng là Giáo xứ Paris.

Đúng 11 giờ, cha Giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang và các cha đồng tế tiến vào nguyện đường, trong lúc ca đoàn Giáo xứ do anh Nguyễn Đức Huy điều khiển hát ca nhập lễ hùng tráng ‘‘Hãy Chỗi Dậy’’ của cha Kim Long : ‘‘Hãy chỗi dậy hỡi ai ngủ mê. Hãy chỗi dậy từ cõi chết. Chúa sẽ chiếu ngời ánh vinh quang trên đầu ngươi.’’

Trên cung thánh có bảy linh mục đồng tế, không kể các cha sinh viên và các thầy phó tế ngồi hàng ghề đầu cánh trái. Con số 7 cũng là con số Đức Ông cùng 6 vị linh mục khác đã tham gia ban Giám đốc Giáo xứ trong thập niên 60. Trong số 7 linh mục, ngày nay chỉ còn lại cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, dòng Thánh thể.

Trong phần phụng vụ lời Chúa, chị Nguyễn Thị Hồng đọc thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi Timôtê (1Tm 4,1-8) : ‘‘…Tôi đã tham gia trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chì còn đợi vòng hoa dành cho người công chính.’’

Sau đáp ca, thầy phó tế Cao Trọng Nghĩa đã tuyên đọc Tin Mừng Tám mối Phúc thật (Mt 5,1-12) : các định từ : ‘‘nghèo khó’’, ‘‘hiền lành’’, ‘‘sầu khổ’’, ‘‘khát khao nên người công chính’’, ‘‘xót thương người’’, ‘‘tâm hồn trong sạch’’, ‘‘xây dựng hòa bình’’ đều đã diễn tả trung thực cuộc sống của Đức Ông Giuse.

Trong bài giảng, cha Giám đốc Nguyễn Kim Sang nhắc lại ý nguyện lúc sinh thời của Đức Ông là được Chúa ban ơn sinh thì ‘‘nhanh và nhẹ’’. Chập tối ngày 04/09, ngài bị đột quỵ, bất tỉnh; đến gần 2 giờ sáng 05/09 thì trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Saint-Joseph cũng là tên thánh bổn mạng của ngài, rất nhanh và rất nhẹ. Cha Giám đốc cho biết ngài chọn Tin Mừng ‘‘Hiến chương Nước Trời’’ vì nhận thấy vị tiền nhiệm luôn chọn Phúc âm Bát phúc cho các tang lễ cử hành tại Giáo xứ. Ngài tuyên dương công đức của cố Đức Ông luôn sống theo Tám mối Phúc thật, và cộng đoàn Giáo xứ cùng cầu nguyện để ‘‘phần thường dành cho cố Đức Ông ở trên trời thật lớn lao.’’ Hướng về cộng đoàn, ngài đã mời gọi mỗi người sống theo gương lành của Đức Ông, có lòng xót thương người, cùng nhau xây dựng hòa bình trên bình diện cá nhân, và củng cố tinh thần hiệp nhất trong các sinh hoạt cộng đoàn.

Sau khi cộng đoàn cùng tuyên xưng đức tin, bốn thành viên trong cộng đoàn đã đọc lời nguyện giáo dân :
- Bà Lê Thị Ngọc Hằng trong nhóm Nhà bếp
- Bà Huỳnh Bá Thu Cúc trong Legio
- Ông Vũ Văn Tập trong phong trào Liên đới Nghề nghiệp
- Ông Nguyễn Anh Hải, cộng đoàn Marne-la-Vallée
Đức Ông Giuse đã có công thành lập các sinh hoạt mục vụ đa dạng, thể hiện qua bốn vị đọc lời nguyện. Ngài còn có công gợi ý và đề bạt các phó tế vĩnh viễn lên giáo phận, từ thế hệ tiền phong gồm có thầy Nguyễn Văn Thạch (đã qua đời), thầy Phạm Bá Nha luôn sát cánh với Đức Ông trong mục vụ văn hóa, đến thầy Tạ Đình Chung, tiếp nối có các thầy Cao Trong Nghĩa, Nguyễn Sơn, Giang Minh Đức, và sắp tới là thầy Nguyễn Anh Hải (trong số bốn vị đọc lời nguyện giáo dân). Thầy Hải sẽ được truyền chức phó tế vào ngày 03/09, cũng tại Thánh đường Saint-Sulpice, nơi vừa cử hành lễ an táng Đức Ông Giuse. Các thầy tham gia ban giám đốc, đảm nhận nhiều mục vụ khác nhau, khiến cho các sinh hoạt của Giáo xứ càng thêm phong phú.

Lời nguyện giáo dân do cha Nguyễn Minh Sinh biên soạn. Sau đây là các trích đoạn :
- Xin vì lòng thương xót Chúa, sớm đón nhận người đầy tớ trung thành, vào hưởng niềm vui vĩnh cửu với Chúa trên trời.
- Xin cho hình ảnh Đức Ông được in sâu trong tâm trí chúng con trong đời sống đạo và cuộc sống hàng ngày.
- Các cộng đoàn, hội đoàn, ban, nhóm và phong trào luôn được Đức Ông khuyến khích, phát triển trong tinh thần liên đới. Xin cho chúng con luôn biết tận tụy hy sinh, biết quảng đại cho đi và sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội trong cộng đoàn.
- Xin cho chúng con là con cháu, là anh em bạn hữu và là những người con trong đức tin, khi thương nhớ Đức Ông Giuse, được an ủi trong đức tin và phấn khởi hy vọng vào sự sống đời đời cùng với Đức Kitô Phục sinh.

Thánh lễ được kết thúc với bài thánh ca quen thuộc ‘‘Giờ đây con đến phó thác’’ của Minh Đạo. Cộng đoàn cùng hướng về Đức Mẹ, nguyện xin con thuyền đưa Đức Ông về đến bến muôn đời : ‘‘Thuyền con nơi thế lênh đênh. Được Mẹ đưa hướng và đỡ nâng. Lướt sóng gió cuốn căng buồm. Bình an tới bến muôn đời.’’

Lê Đình Thông
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Múa có phải là một phần của phụng vụ không? Nếu có thì múa khi nào là thích hợp trong phụng vụ? — M.K., Ndola, Zambia
Lê Hải Nam
21:03 12/09/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

TRẢ LỜI: Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự vào năm 2004 dưới tiêu đề “Múa Phụng Vụ, Theo Một Điều Khoản Then Chốt Năm 1975.” Đã có rất ít sự can thiệp chính thức gần đây vào chủ đề này và chằng có gì thay đổi cái tinh thần chung của câu trả lời ban đầu.

Phản ứng mới nhất từ Tòa Thánh về “múa phụng vụ” là một câu trả lời riêng tư nhưng chính thức từ Thánh Bộ Phụng Tự, ghi ngày 10-9-2012 (Prot. n. 544/12/L) và được thứ trưởng thánh bộ này ấn ký. Bức thư này được công bố trên mạng trong Bản Tin Adoremus:

“Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích viết để trả lời thư của bạn ngày 25-6 về các buổi trình diễn “mục vụ kịch nghệ và múa phụng vụ” tại giáo xứ của bạn.

Luật phụng vụ của Nghi Lễ Rô-ma không dự kiến việc sử dụng múa hay kịch nghệ trong Phụng Vụ Thánh, trừ khi có những quy luật đặc thù đã được Hội Đồng Giám Mục ban hành và được Tòa Thánh xác nhận. Bất cứ thực hành nào khác phải được xem là một lạm dụng.

Tuy nhiên những hoạt động này có thể hữu ích bện ngoài Phụng Vụ Thánh, trong việc dạy giáo lý và rao giảng tin mừng nếu được vị giám mục và hàng giáo sĩ của ngài chỉ dẫn thích hợp.

Chúng tôi khuyến khích bạn đem vấn đề này ra để những người có trách nhiệm trong giáo xứ của bạn chú ý. Nếu có tồn tại những thực hành bất hợp pháp nào thì vụ việc phải trình lên vị giám mục giáo phận …”

Trong bài viết năm 2004 của chúng tôi, chúng tôi nhắc đến văn bản gần gũi nhất, là lời bình luận chính thức về chủ đề này từ một luận văn được cơ quan chính thức của Thánh Bộ Bí Tích và Phụng Tự khi ấy xuất bản, Tờ Novitiaa, số 11 (1975) 202-205.

Bài viết này có tiêu đề là một “phác thào chất lượng và thầm quyền.” Thánh bộ xem nó là “một quan điểm có thẩm quyền cho mọi thảo luận về vấn đề này.” Do đó nó được các ủy ban phụng vụ và văn phòng phụng tự khuyên nên nghiên cứu. (Bản dịch tiếng Anh dưới đây xuất hiện lần đầu tiên trong Tạp chí giáo luật Digest, quyển 7, các trang 78-82.)

Bài viết ấy sau này được cho phép tái xuất bản trên tờ Thông Tin tháng 4-5, 1982 của Ủy ban Giám Mục về Phụng Tự của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Quốc Gia, sau đó đã đưa ra chỉ thị rằng “mọi hình thức múa (múa ba-lê, cử điệu của trẻ em giống như múa, phụng vụ diển hề) đều bị cấm “đưa vào các nghi thức phụng vụ dưới mọi hình thức.”

Mặc dù không được nhắc đến cụ thể trong huấn thị “Redemptionis Sacramentum,” múa có thể được bao gồm trong lệnh cấm tồng quát việc đưa vào các yếu tố không được dự liệu trong các sách phụng vụ.

Trong vài dịp mới đây, một hình thức múa nào đó đã được đưa vào trong bối cảnh phụng vụ của giáo hoàng nhân dịp các thượng hội đồng khu vực hay nghi lễ phong thánh. Nhưng các dịp này thường có liên quan đến những yếu tố văn hóa châu Phi và châu Á và được xem là các ngoại lệ đặc biệt vì sứ mệnh phổ quát của giáo hoàng.

Hồng Y Francis Arinze, Bộ trưởng Thánh bộ Phụng Tự và Bí Tích, vào năm 2004, đã công khai chỉ trích một số hình thức đưa múa vào phụng vụ phương tây, đặc biệt là những hình thức biến nghi lễ thánh thành một cảnh tượng ngoạn mục. Thánh bộ đã lập lại các chỉ trích này cách riêng tư cho các giám mục của nhiều quốc gia trong các cuộc viếng thăm Ad Limina năm năm một ần của họ đến Rô-ma.

Bài viết năm 1975 từ tờ Digest giáo luật là như sau:

“Múa Tôn Giáo, một Biểu Lộ Niềm Vui Thiêng Liêng

Múa có thể là một nghệ thuật: một tổng hợp các nghệ thuật nhịp nhàng (âm nhạc và thơ ca) và các nghệ thuật không gian (kiến trúc, điêu khắc, hội họa).

Như là một nghệ thuật, vốn dùng cơ thể để diễn tả cảm xúc con người, múa đặc biệt thích hợp để nói lên niềm vui.

Do đó nơi các nhà thần bí, chúng thấy có những khoảnh khắc múa như để biểu lộ sự tròn đầy của tình yêu Thiên Chúa của họ. Hãy nhớ đến trường hợp thánh Tê-rê-xa Avila, thánh Philip Neri, thánh Gerald Majella.

Khi vị Tiến Sĩ Thiên Thần (thánh Tô-ma A-qui-nô) muốn biểu thị thiên đàng, ngài biểu thị nó như một vũ khúc do các thiên thần và các thánh thực hiện.

“Múa có thể biến thành cầu nguyện, diễn tả chính nó bằng một chuyển động thu hút toàn bộ con người, linh hồn và thể xác. Nói chung khi tinh thần nâng chính mình lên đến Thiên Chúa khi cầu nguyện, nó cũng liên quan đến thân xác.

Chúng ta có thể nói đến lời cầu nguyện của thân xác. Thân xác này có thể biểu lộ lời ca ngợi, thình nguyện bằng chuyển động, như khi người ta nói đến các vì sao tiến hóa để ca ngợi Đấng Sáng Tạo (Ba-rúc 3:34).”

“Nhiều ví dụ thuộc thể loại cầu nguyện này có trong Cựu Ước.

Điều này là đúng, đặc biệt với các dân tộc sơ khai. Họ biểu lộ tâm tình tôn giáo bằng các chuyển động nhịp điệu.

Nơi họ, khi có vấn để thờ phượng, thì lời nói trở thành khúc hát, và cử chỉ đi đứng về phía thần thánh biến thành một bước nhảy múa.”

“Trong số các Giáo Phụ và các tác giả viết về giáo hội và trong các văn bản công đồng, có nhắc đến múa, một đánh giá về nó, một bình luận về văn bản kinh thánh mà trong đó có ám chỉ đến múa; thường xuyên hơn là có một kết án các điệu múa thế tục và những rối loạn mà các điệu vũ ấy khơi dậy.

Trong các văn bản phụng vụ, đôi khi có ám chỉ đến điệu múa của các thiên thần và của những người được chọn trên thiên đàng (xem ‘Trong số những hoa huệ Ngài nuôi dưỡng, được các nhóm trinh nữ nhảy múa vây quanh’) để diễn tả ‘niềm vui và “nỗi hân hoan’ sẽ là đặc điểm của vĩnh cửu.”

“Múa và việc thờ phượng

Múa chưa bao giờ được xem là một phần tích hợp của việc thờ phượng chính thức trong Giáo Hội La-tinh. Nếu các giáo hội địa phương đã chấp nhận múa, đôi khi thậm chí ngay cả trong nhà thờ, thì đó là dịp các lễ lớn để biểu lộ những tâm tình vui sướng và sùng kính. Nhưng việc đó luôn diễn ra bên ngoài các nghi lễ phụng vụ.

Các quyết định của công đồng thường lên án múa tôn giáo bởi vì nó ít đưa đến sự thờ phượng và bởi vì nó có thể thoái hóa thành mất trật tự.

Thực ra, một lập luận ủng hộ múa trong phụng vụ có thể được rút ra từ bản văn Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh, ‘Sacrosanctum Concilium,’ trong đó có đưa ra những quy chuẩn cho việc thích nghi phụng vụ với tính cách và truyền thống của các dân tộc khác nhau:”

“Trong những vấn đề không ảnh hưởng đến đức tin và sự lành mạnh của toàn thể cộng đoàn, Giáo hội không muốn áp đặt, ngay cả trong phụng vụ, một sự đồng nhất cứng nhắc; trài lại Giáo hội tôn trọng và nuôi dưỡng những thiên tài và tài năng của các chủng tộc và dân tộc khác nhau. Bất cứ điều gì trong lối sống của họ mà không nhất thiết gắn liền với dị đoan và sai lầm, thì Giáo hội nhìn chúng với lòng nhân từ và nếu có thể được thì giữ nó nguyên trạng, và đôi khi thậm chí còn tiếp nhận nó vào trong Phụng Vụ, miễn là nó phù hợp với tinh thần phụng vụ đích thực và chân thực.” [1]

“Theo lý thuyết, có thể suy diễn từ đoạn văn đó rằng những hình thức múa nào đó và những khuôn mẫu múa nào đó có thể được đưa vào việc thờ phượng Công Giáo.

Nhưng có hai điều kiện không thể không xét đến:

Điều kiện thứ nhất: theo mức độ thân xác là phản ảnh của linh hồn, việc nhảy múa. Với mọi biểu hiện của nó, phải diễn tả những tâm tình đức tin và tôn thờ mới trở thành một lời cầu nguyện.

Điều kiện thứ hai: cũng như mọi cử chỉ và chuyển động được tìm thấy trong phụng vụ đều được thẩm quyền giáo hội quy định, thì múa như một cử điệu cũng sẽ phải nằm trong kỷ cương.”

“Cụ thể là: có các nền văn hóa mà trong đó điều này có có thể nếu như múa vẫn còn phản ảnh các giá trị tôn giáo và trở thành một biểu hiện rõ ràng của những giá trị tôn giáo ấy. Đó là trường hợp của người Ethiopian. Trong văn hóa của họ, thậm chí là ngày nay, có việc múa tôn giáo được nghi thức hóa, rõ ràng khác với múa võ thuật và khác với múa yêu đương. Múa nghi lễ được các tư tế và Lê-vi thực hiện trước khi bắt đầu một nghi lễ và ở không gian trống phía trước nhà thờ. Nhảy múa đi kèm việc hát các thánh vịnh trong đám rước. Khi đám rước đi vào nhà thờ thì việc hát thánh vịnh được thực hiện kèm theo các chuyển động của cơ thể.”

“Điều y như thế được tìm thấy trong phụng vụ Sy-ri qua việc hát thánh vịnh.

Trong phụng vụ Byzantine, có một điệu múa cực kỳ đơn giản vào dịp đám cưới khi đôi tân hôn đội vương miện đi xung quanh cây đền lồng cùng với vị chủ tế.

Đó cũng là trường hợp của người Do Thái: trong hội đường, kinh cầu nguyện của họ đi kèm một chuyển động liên tục để gợi nhớ lời giáo huấn của truyền thống: “Khi ngươi cầu nguyện, hãy làm như thế bằng tất cả trái tim và bằng mọi khúc xương của ngươi.” Và đối với các dân tộc sơ khai, có thể quan sát thấy y như vậy.”

“Tuy nhiên tiêu chí và phán đoán y như vậy không thể áp dụng trong văn hóa phương tây.

Ở đây múa gắn liền với tình yêu, với giải trí, với sự thế tục, với sự buông thả giác quan: kiểu múa như thế nói chung là không thuần khiết.

Vì lý do đó, không thể đưa nó vào bất kỳ loại cử hành phụng vụ nào: việc đó sẽ tiêm vào phụng vụ một trong những yếu tố thế tục và thế tục hóa nhất, và do đó nó sẽ tương đương với việc tạo ra một bầu khí trần tục sẽ dễ dàng làm cho người hiện diện và người tham dự buổi cử hành ấy nhớ đến nhưng nơi chốn và tình huống thế tục.”

“Không thể chấp nhận cái đề nghị đưa vào phụng vụ cái gọi là mua ba-lê nghệ thuật [2] bởi vì sẽ có việc trình bày ở đây một cảnh tượng vui mắt mà người ta chiêm ngưỡng, trong khi trong phụng vụ thì một trong các chuẩn mực mà chúng ta không thể không xét đến là chuẩn mực của sự tham gia.

Do đó có sự khác biệt lớn giữa các nền văn hóa: Cái dễ dàng tiếp nhận trong một nền văn hóa lại không thể được một nền văn hóa khác chấp nhận.

Không bao giờ được phép lãng quên sự bảo toàn truyền thống tính nghiêm túc của việc thờ phượng tôn giáo, đặc biệt là việc thờ phượng của văn hóa La-tinh.”

“Nếu đề nghị múa tôn giáo ở phương Tây thực sự được đón nhận, thì sẽ phải cẩn thận sao cho có một nơi chốn bên ngoài phụng vụ, trong các khu vực hội họp không mang tính phụng vụ nghiêm túc. Hơn nữa các linh mục phải luôn bị loại trừ khỏi điệu múa.

— — —

GHI CHÚ

[1] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh, số 37; C.L.D., 6, p. 44.

[2] Để thuận lợi cho việc đưa múa nghệ thuật vào phụng vụ, cũng có thể tham chiếu bản văn của ‘Gaudium at Spes,’ các số 53, 57, 58. Tuy nhiên các đoạn văn trích dẫn này nói về biểu hiện của văn hóa nói chung, và của thứ nghệ thuật nâng cao tâm hồn với chân lý và vẻ đẹp. Chúng không nói về múa theo một nghĩa cụ thể. Múa cũng có thể là một nghệ thuật. Tuy nhiên không thể nói rằng các Giáo phụ Công đồng cũng nhắm đến thực tại múa khi các ngài nói về nghệ thuật trong Công Đồng.

Số 62 của Hiến Chế ‘Gaudium et Spes’ nói trên chắc chắn không thể được nại đến trong trường hợp này. Khi số 62 nói về các hình thức nghệ thuật và tầm quan trọng của chúng trong đời sống của Giáo hội, nó có ý tham chiếu đến các hình thức nghệ thuật theo cách tương đối với các vật dụng thánh. Bằng chứng phản bác nằm ở các văn bản được trích dẫn ở ghi chú cuối trang: điều 123 của Hiến Chế về Phụng Vụ và diễn từ của giáo hoàng Phao-lô VI với các nghệ sĩ tại Rô-ma năm 1964 (C.L.D., 6, các trang. 64 và 735 tương ứng).”

Có nhiều điều về bài báo năm 1975

Tòa Thánh cũng nói vắn tắt về việc múa trong huấn thị 1994 về “hội nhập văn hóa” đích thực của phụng vụ Rô-ma, “Varietates legitimae.” Có một tham chiếu đến cử chỉ vũ đạo trong những nền văn hóa nào đó:

Số 42. Nơi một số các dân tộc, ca hát tự nhiên sẽ đi kèm việc vỗ tay, đong đưa theo nhịp, và chuyển động vũ đạo nơi người tham dự. Những hình thức như thế của biểu hiện bên ngoài có thể có chỗ đứng trong hành động phụng vụ của các dân tộc này với điều kiện chúng luôn luôn là bày tỏ lời cầu nguyện cộng đoàn đích thực của tôn thờ, ca tụng, hiên dâng và khẩn cầu, và không phải chỉ là một màn trình diễn.

Do đó Tòa Thánh đã trả lời nhất quán cho những câu hỏi này. Một mặt Tòa Thánh cho phép các truyền thống văn hóa bản địa mà trong đó các chuyển động vũ điệu trong đám rước là phong tục và như thế có thể cấu thành một hình thức “hội nhập văn hóa” hợp pháp của phụng vụ trong các khu vực đó. Mặt khác Tòa Thánh đã mạnh mẽ chống lại việc đưa những cải cách như thế vào việc cứ hành phụng vụ trong văn hóa phương Tây, nơi mà múa không có chiều kích tôn giáo này.

Tuy nhiên việc dùng múa cho các mục đích giáo lý hay giáo huấn khác là mở rộng và trong một số diễn đạt lòng đạo đức bình dân nơi mà việc này đã là một phong tục rồi.

https://zenit.org/2020/09/08/liturgical-dance-still-frowned-on
 
Thông Báo
Thiên Cung Thánh Triệu: Nhớ về cha cố Phêro Nguyễn trọng Qúi
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
18:41 12/09/2020
Thiên Cung Thánh Triệu: Nhớ về cha cố Phêro Nguyễn trọng Qúi

Vào giữa mùa đại dịch Corona đang hoành hành trên toàn thế giới, ngày 11.09.2020, Cha cố Phero Nguyễn trọng Qúi đã được Thiên Chúa gọi trở về với Ngài sau quãng đường hành trình 91 năm trên trần gian với những vai trò phục vụ ở các nơi chốn khác nhau trong hơn 62 năm đời linh mục là người thợ trong vườn nho của Giáo Chúa trên trần gian: Giám đốc giáo sư thần học Đại chủng viện Thánh Toma Long Xuyên, Đại chủng viện Vĩnh Long, mục vụ xứ đạo bên Pháp, mục vụ xứ đạo Thánh Bonifatius thuộc Tổng giáo phận Paderborn bên nước Đức, mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam thuộc hai giáo phận Essen-Paderborn bên nước Đức.

Nhớ về ngài, người thầy dậy đáng kính với lòng ngưỡng mộ biết ơn, nhất là tính tình đơn sơ chân thành đạo đức cùng lòng bác ái quảng đại của ngài để lại dấu ấn kỷ niệm sâu đậm tình người nơi lớp người trẻ chúng tôi ngày xưa thuở những năm 1972-1975 ở Giáo phận Long Xuyên bên Việt Nam..

Trong những năm tháng cuối đời từ khi đi nghỉ hưu 20 năm nay, tuổi gìa sức yếu bệnh tật, có lẽ cha cố Phero đã có nhiều lần như nghe thấy tiếng nói thầm thĩ trong tâm hồn: „Con hãy nắm lấy tay Ta. Ta là Đấng sinh thành ra con, đã nuôi sống đời con, đã kêu gọi con trở thành linh mục cho Ta. Ta sẽ dẫn đưa con đến bờ bến bình an vĩnh cửu…“

Và có lẽ trong tâm hồn Cha cố Phero đã nghe tiếng Thiên Chúa nói với mình điều gì đó. Và ngài hằng cầu khấn kêu xin Thiên Chúa tình yêu nhờ lời bầu cử của Thánh Tông đồ Phero, bổn mạng của mình, xin ơn trợ giúp cho chính mình, cho những học trò của ngài khi xưa, cho gia đình Giáo Phận Bắc Ninh và Long Xuyên.

Trước ngưỡng cửa sự sống vĩnh cửu bên Thiên Chúa, Cha cố Phero trong tâm tưởng lòng tin muốn nói: „Lạy Chúa, con xin cám ơn Chúa đã kêu gọi con trở thành linh mục cho Chúa ở trần gian. Con xin phó dâng những người thân yêu trong gia đình con, trong các nơi con được phục vụ là linh mục trong bàn tay chan chứa tình yêu thương của Chúa, những người đã làm ơn cho con trong đời sống, cho Giáo phận Bắc Ninh, cho giáo phận Long Xuyên và cho Tổng giáo phận Paderborn, cho chị Theresia Phước, người từ 30 năm nay hằng quan tâm chăm sóc việc ăn uống thuốc men, sức khoẻ vệ sinh cho con nhất là từ mấy năm nay khi con đau yếu sức khoẻ yếu kém rất nhiều về cả thể xác lẫn tinh thần.

Đến đây con không còn có thể tiếp tục được nữa. Xin Chúa hoàn tất những gì Chúa đã khởi sự ngày con lãnh nhận làn nước Bí Tích rửa tội đức tin vào Chúa, ngày con được nhận chức thánh Linh mục năm xưa cách đây hơn 62 năm.

Lạy Thiên Chúa tình yêu, con xin trao gửi đời con trong đôi bàn tay nhân lành của Chúa, cùng tất cả những gì con đã lãnh nhận, những gì con có. Ngày xưa từ cung lòng mẹ con đi vào đời sống trên trần gian với hai bàn tay không. Bây giờ nghe tiếng Chúa kêu gọi, con trở về bên Chúa cũng với hai bàn tay không. Xin Chúa tha thứ những lỗi lầm khiếm khuyết tội lỗi con đã vấp phạm, và xin đón nhận con. Con là con của Chúa. Con là người đầy tớ vô dụng.“

Và trong thâm tâm vào những năm tháng tuổi đời xế chiều khi đi nghỉ hưu cha cố Phero cũng đã có suy niệm tâm tình muốn nói cùng người thân gia đình, cùng giáo dân Việt Nam thuộc Cộng đồng Essen Paderborn, cùng các học trò của mình:

Xin cám ơn sự nâng đỡ cùng tấm lòng yêu thương qúi mến mọi người dành cho tôi trong suốt dọc đời sống của tôi trên trần gian:

Tôi vui mừng hạnh phúc được phục vụ cùng sống đức tin với anh chị em giáo dân Việt Nam ở cộng đồng Paderborn-Essen, được có cơ hội là thầy giáo giúp các học trò ở đại chủng viện Vĩnh Long và Long Xuyên khi xưa về trí thức và tu đức.

Tôi xin mọi người tha thứ cho tôi, vì những lỗi lầm khiếm khuyết mà tôi đã vấp phạm gây ra làm phiền lòng mọi người.

Sau quãng thời gian dài trên trần gian, Thiên Chúa gọi tôi trở về với Ngài. Tôi sẵn sàng xin vâng nghe tiếng Chúa gọi, và „Xin đừng giữ tôi lại. Thiên Chúa đã cho chuyến đi của tôi thành công, xin cho tôi đi, để tôi trở về với chủ của tôi.“ ( St 24, 56).

Từ hơn 20 năm nay đi nghỉ hưu, tôi hằng tâm niệm về ngày ra đi từ giã khỏi đời sống trần gian:

„- Khi ra đi thân xác còn lại của tôi sẽ được thiêu thành tro bụi, như Thiên Chúa đã tạo thành tôi từ bụi đất. Nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng sinh thành ra tôi.

- Trở thành tro bụi. Nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ linh hồn tôi, Ngài sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt, như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

- Thân xác tôi được thiêu đốt thành tro bụi. Nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi. Vì ngài là Cha đời tôi, Ngài hằng yêu mến tôi.

Và tôi tin tưởng tâm niệm rằng:

- Những gì ngày xưa tôi xây dựng, học hành nghiên cứu xây dựng làm ra, lúc ra đi đến trước tòa Chúa tôi phải bỏ lại tất cả.

- Những gì ngày xưa theo bản tính con người thu góp tích lũy để dành, tôi không mang đi được.

- Nhưng chỉ những gì ngày xưa tôi đã cho đi, lúc đó tôi được nhận lãnh trở lại.

Xin cám ơn và chào vĩnh biệt mọi người ở lại trên trần gian. Xin cầu nguyện cho tôi. Và hẹn ngày chúng ta được cùng xum họp trên nước Chúa tình yêu nguồn sự sống và tình yêu thương.“

Vâng chúng con xin cám ơn Cha cố. Cùng xin cúi đầu trong dòng nước mắt nghẹn ngào dâng lời kinh vực sâu nhớ về Cha cố thân yêu.

Bên ngai Thiên Chúa xin Cha cố là trạng sư cho chúng con, những người học trò cũ của cha cố khi xưa.

Xin thành kính phân ưu cùng thân nhân gia đình Cha cố Phero bên Việt Nam, cùng chị Theresia Phước.

„Nhục thể ly trần lưu cát bụi

Hồn thiêng thoát tục nhập thiên cung."

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

Cậu học trò cũ năm xưa.
 
VietCatholic TV
Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về tình trạng của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:17 12/09/2020

Chiều thứ Sáu 11 tháng 9, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã loan báo một tin không may là Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đã có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi xét nghiệm bằng tăm bông.

Ông Matteo Bruni nói: “Đức Hồng Y Tagle đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 khi được xét nghiệm bằng tăm bông vào ngày hôm qua khi ngài đến Manila.”

Như thế, vị Hồng Y người Phi Luật Tân là vị tổng trưởng đầu tiên của giáo triều Rôma bị nhiễm thứ virus quái ác này. Đức Hồng Y Tagle vừa là Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, vừa là Chủ tịch Caritas Internationalis, liên đoàn các tổ chức bác ái Công Giáo trên toàn thế giới. Ngài cũng được xem là ứng viên sáng giá nhất cho chức vụ Giáo Hoàng trong mật nghị bầu Giáo Hoàng trong tương lai.

Trả lời các nhà báo, ông Bruni cho biết vị Hồng Y người Phi Luật Tân “không có bất kỳ triệu chứng nào và sẽ phải ở trong tình trạng tự cách ly bắt buộc ở Phi Luật Tân.”

Tin tức mới này gây lo ngại sâu xa tại giáo triều Rôma vì có thể còn nhiều vị nữa đã nhiễm coronavirus.

“Trong thời gian chờ đợi,” Bruni nói thêm, “những kiểm tra cần thiết đang được thực hiện đối với những người đã tiếp xúc với ngài trong những ngày gần đây.”

Ông Bruni cho biết Đức Hồng Y Tagle đã trải qua một cuộc kiểm tra tăm bông ở Rôma vào ngày 7 tháng 9, kết quả là âm tính.

Hôm thứ Tư 10 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện tại buổi triều yết chung và lần đầu tiên người ta thấy ngài đeo khẩu trang y tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong thông báo cực kỳ hiếm có vào một ngày Chúa Nhật - và trong một ngày lễ lớn – vào trưa ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, 62 tuổi, cho đến nay là người đứng đầu giáo phận lớn nhất Á châu tại Manila, trong chức vụ người đứng đầu Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, là thực thể hoạt động trong 400 năm qua để giám sát các công việc truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu.

Động thái, diễn ra chỉ vài ngày trước khi Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ thường niên với các nhà lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh nhân dịp lễ Giáng Sinh, đã đặt Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle vào một vị trí quan yếu Giáo Hoàng có thể thúc đẩy cơ hội cho vị Hồng Y Á châu một ngày nào đó trở thành giáo hoàng.

Việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc làm nổi bật sự chú ý mà Đức Phanxicô dành cho Giáo hội ở các nước đang phát triển.

Các nhà quan sát về Vatican từ lâu đã thấy Đức Hồng Y Tagle có phẩm chất của một “papabile”, tức là một giáo sĩ được coi là có nhiều khả năng được bầu làm giáo hoàng một ngày nào đó bởi các vị Hồng Y khác.

Đức Hồng Y Tagle đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nâng lên hàng Hồng Y vào năm 2012. Phi Luật Tân là quốc gia có nhiều người Công Giáo nhất ở Á châu.

Việc hy sinh Đức Hồng Y Fernando Filoni, năm nay mới 73 tuổi, được đánh giá rộng rãi là vị tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc xuất sắc nhất trong vài chục năm trở lại đây, cho thấy rõ ý của Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đưa Đức Hồng Y Tagle vào tiêu điểm các chú ý trong các hoạt động của Tòa Thánh, và như thế, khả năng ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng được nhân lên gấp bội.


Source:Vatican News
 
Sách hay và cần kíp: Bí Mật Của Những Linh Hồn Trong Luyện Tội
Giáo Hội Năm Châu
05:23 12/09/2020

Ngày nay, trong các lớp giáo lý, ít khi người ta còn được dạy kỹ về Luyện Tội, về những đau khổ mà các linh hồn trong ấy phải chịu đựng để hoàn tất cuộc thanh tẩy, trước khi bước vào Nước Trời. Nhưng Luyện Tội vẫn hiện hữu, và sự đau khổ mà các linh hồn đang phải trải qua vẫn là sự thật muôn phần.

Kể từ năm 1940, khi chỉ mới 25 tuổi, một tín hữu được đặc ân, tên là Maria Simma, ở Áo Quốc (Austria) đã thường nhận sự thăm viếng của các linh hồn từ Luyện Tội. Họ giải thích về những đau khổ mà họ đang gánh chịu và xin lời cầu nguyện cũng như Thánh Lễ Misa cho họ, để họ sớm được về Thiên Đàng. Đức Giám Mục giáo phận và cha xứ của bà Simma đã bảo bà kể rõ những kinh nghiệm đó ra nếu không có gì trái ngược với thần học Công Giáo.

Năm 1997, nữ tu người Pháp, Emmanuel Maillard, được biết đến qua các việc tông đồ về hiện tượng hiện ra của Đức Mẹ ở Medjugorje, đã có cuộc phỏng vấn với bà Simma, ở nhà của bà thuộc thành phố Sonntag, Áo Quốc. Sau đây là những đoạn trích ra từ cuộc phỏng vẫn đó trong cuốn sách nhỏ có tựa đề là: “Bí mật đáng kinh ngạc của các linh hồn trong Luyện Tội”, NXB Queenship, Goleta, CA, USA. (Ghi chú: Bà Simma đã qua đời vào ngày 16 tháng 3 năm 2004, thọ 89 tuổi).

****

1.Maria, xin cho chúng tôi biết về lần đầu tiên một linh hồn từ Luyện Tội đã đến thăm bà?

Vâng, đó là vào năm 1940. Một đêm kia, khoảng 3 hay 4 giờ sáng, tôi nghe thấy tiếng động như có người trong phòng ngủ của tôi… (mở mắt ra) tôi đã thấy một người đàn ông hoàn toàn xa lạ, đang chậm rãi đi lại trong phòng. Tôi nghiêm nghị hỏi: “Làm thế nào ông đã vào được đây? Cút ngay!” Nhưng ông ta cứ tiếp tục đi chung quanh phòng ngủ, như không nghe thấy gì. Tôi lại hỏi ông ta: “Ông đang làm cái gì vậy?” Ông ta vẫn không trả lời, tôi nhảy ra khỏi giường và cố nắm lấy ông ta, nhưng tay rôi chỉ vung vào khoảng không. Chẳng có gì ở đó. Nên tôi trở lại giường, nhưng ông ấy vẫn tiếp tục đi lại.

Tôi tự hỏi, tại sao tôi đã nhìn thấy ông này mà không nắm ông ta lại được. Tội lại đứng dậy để năm lấy ông ta và bắt ông ấy ngừng việc đi lại; một lần nữa tôi đã vung tay vào khoảng không. Bối rối quá, tôi lại về giường và ông ta biến mất, tôi đã không ngủ được nữa. Sau thánh lễ sáng, tôi đã đến gặp cha thiêng liêng, cha Alfons Matt, và trình ngài mọi sự. Ngài bảo tôi, nếu việc này xảy ra lần nữa thì đừng hỏi “Ông là ai?” nhưng là: “Ông muốn ở tôi điều gì?”

Đêm hôm sau, ông ta lại đến. Tôi hỏi: “Ông muốn điều gì ở tôi?” Ông ta đáp: “Xin cho tôi ba thánh lễ, thì tôi sẽ được phóng thích.” Tôi đã hiểu đây là một linh hồn trong Luyện Tội. Cha thiêng liêng của tôi cũng đồng ý như vậy, ngài còn khuyên tôi đừng bao giờ từ chối lời thỉnh cầu của các linh hồn, nhưng hãy rộng rãi thực hiện những điều họ xin.

2. Rồi sau đó, các cuộc thăm viếng có tiếp tục không?

Có, trong nhiều năm đầu, chỉ có 3 hay 4 lần, thường là vào tháng 11. Sau đó thì thường xuyên hơn.

3. Các linh hồn xin bà điều gì?

Hầu hết là xin lễ cho họ và là những lễ có giáo dân tham dự. Họ cũng xin lần chuỗi và viếng chặng đàng thánh giá cho họ nữa.

4. Các linh hồn trong Luyện Tội, dù là đang trong đau khổ, họ có lộ vẻ vui mừng và hi vọng không?

Có, chẳng có linh hồn nào muốn từ Luyện Tội trở lại thế gian. Họ có sự hiểu biết vô tận, hơn sự hiểu biết của chúng ta nhiều lắm. Họ không muốn trở lại với cuộc sống đen tối ở trần gian.

Ở đây, chúng ta thấy sự khác biệt giữa những đau khổ ở trần gian. Trong Luyện Tội, tuy việc đau khổ của các linh hồn rất khủng khiếp, vẫn có sự chắc chắn về việc sống với Chúa đời đời. Một sự chắc chắn không thể lay chuyển. Niềm vui vượt quá sự đau khổ. Chẳng có gì trên thế gian có thể làm cho họ muốn trở lại cuộc sống ở gian trần, nơi chẳng có gì chắc chắn.

5. Xin bà cho chúng tôi biết, có phải chính Chúa đưa các linh hồn vào Luyện Tội, hay các linh hồn tự quyết định để vào đấy?

Chính các linh hồn tự nguyện đi vào Luyện Tội, để được thanh tẩy trước khi hưởng phúc Thiên Đàng.

6. Trong giờ lâm tử, người ta có nhìn thấy Chúa cách hiển hiện không? Hay chỉ lờ mờ?

Một cách lờ mờ nhưng đều giống nhau, trong độ sáng đó, đủ để gây niềm khao khát lớn lao.

7. Vai trò của Đức Mẹ với các linh hồn trong Luyện Tội là gì?

Đức Mẹ thường đến để an ủi các linh hồn và bảo rằng họ đã làm nhiều điều tốt đẹp. Mẹ khuyến khích họ.

8. Có những ngày đặc biệt nào để Đức Mẹ đưa họ ra khỏi Luyện Tội không?

Nhiều nhất là vào các ngày: Lễ Giáng Sinh, lễ Các Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Đức Mẹ Lên Trời, và lễ Chúa Thăng Thiên.

9. Tại sao con người phải vào Luyện Tội? Những tội gì đã khiến họ phải vào đó?

Tội chống lại đức bác ái, chống lại tình yêu tha nhân, cứng lòng, thù địch, vu khống, bỉ ổi. Tất cả những tội này.

Những tội khác, nghịch với đức ái là việc chúng ta từ chối những người mà chúng ta không thích, từ chối làm hòa, từ chối tha thứ, và tất cả những mối oán hận chúng ta giữ trong lòng.

10. Ai là những người có cơ hội lớn nhất lên thẳng Thiên Đàng?

Là những người có lòng hảo tâm với mọi người khác. Tình yêu bao trùm rất nhiều tội lỗi.

11. Đâu là những phương tiện mà chúng ta có thể có trên thế gian để tránh Luyện Tội và vào thẳng Thiên Đàng?

Chúng ta phải làm rất nhiều cho các linh hồn trong Luyện Tội, vì họ sẽ giúp lại chúng ta. Chúng ta phải thật khiêm nhường. Đây là võ khí tối thượng để chống lại ma quỉ, chống lại Kẻ Dữ. Sự khiêm nhường đuổi sự dữ đi nơi khác.

12. Điều gì là những phương tiện hữu hiệu nhất để sớm giải thoát các linh hồn trong Luyện Tội?

Phương tiện hữu hiệu nhất là Thánh Lễ Misa.

13. Tại sao phải là Thánh Lễ?

Bởi vì đó là Chúa Kitô dâng chính mình Ngài, vì Ngài yêu thương chúng ta. Đó là sự hiến dâng của chính Ngài lên Đức Chúa Cha, sự hiến dâng cao đẹp nhất. Linh Mục là vị đại diện của Chúa Kitô, nhưng chính Ngài tự dâng hiến chính mình và hi sinh chính mình cho chúng ta. Hiệu quả của Thánh Lễ cho kẻ chết còn to lớn hơn cho những người đã kết hợp với giá trị vĩ đại của Thánh Lễ trong cuộc đời của họ. Nếu họ tham dự Thánh Lễ và hết lòng cầu nguyện, nếu họ dự Thánh Lễ hằng ngày, theo thời gian cho phép, họ được hưởng ơn ích khôn lường từ những Thánh Lễ có ý chỉ cho họ. Người ta thu hoạch những gì đã được gieo xuống.

Một linh hồn trong Luyện Tội nhìn thấy rõ ràng trong ngày an táng của họ, nếu chúng ta cầu nguyện cho họ, hay nếu chúng ta chỉ đơn giản đến cho có thôi. Các linh hồn nói rằng nước mắt chẳng đem lại cho họ ơn ích gì, nhưng chỉ có cầu nguyện! Họ hay than phiền rằng người ta đi đưa đám mà không hề có một lời cầu xin Chúa cho họ, trong khi than khóc um xùm, thật vô ích!

Còn có một phương tiện nữa, rất mạnh, để giúp các linh hồn, đó là: Chấp nhận và phó dâng những đau khổ ở trần gian, các việc đền tội như ăn chay, từ bỏ v.v…, và dĩ nhiên là cả những đau khổ không tình nguyện như bệnh hoạn, thương tiếc người thân đã qua đời.

14. Bà đã nhiều lần được kêu mời chịu đau khổ để các linh hồn được sớm ra khỏi Luyện Tội, bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm đó không?

Lần đầu tiên, một linh hồn xin tôi chịu đau khổ thay cho cô ấy chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, rồi sau đó tôi lại có thể tiếp tục làm việc. Tôi tự nghĩ: “Nếu chỉ xong sau 3 tiếng đồng hồ thì tôi làm được.” Trong 3 tiếng đó, tôi đã có cảm tưởng như nó kéo dài thành 3 ngày vậy. Đau đớn tột cùng! Nhưng cuối cùng, tôi nhìn đồng hồ thì quả nhiên, mới có 3 giờ đồng hồ. Linh hồn ấy bảo tôi rằng, nhờ có tôi chịu đau khổ giúp, với tình thương, mà cô ấy được giảm 20 năm trong Luyện Tội.

15. Vâng, nhưng tại sao bà chỉ chịu đau khổ có 3 tiếng mà giúp được linh hồn ấy giảm đi 20 năm trong Luyện Tội? Những đau khổ của bà có giá trị đến thế sao?

Bởi vì sự đau khổ trên thế gian có giá trị khác biệt. Trên trần thế, khi chúng ta chịu đau khổ, chúng ta có thể thăng tiến trong tình yêu, đáng hưởng thêm công trạng, mà trong Luyện Tội không có. Trong ấy, sự đau khổ chỉ làm thanh tẩy tội lỗi. Trên trần, chúng ta có tất cả những ơn sủng. Chúng ta có tự do chọn lựa.

Những điều này thật khích lệ vì chúng làm tăng thêm ý nghĩa cho những đau khổ. Những đau khổ được hiến tặng, dù là tình nguyện hay không, ngay cả những hi sinh nhỏ nhất mà chúng ta có thể làm, chịu khổ hay bệnh hoạn, than khóc, những thất vọng… nếu chúng ta sống những điều đó với sự nhẫn nại, nếu chúng ta chào đón chúng với lòng khiêm nhường, thì những đau khổ này sẽ có sức mạnh không tưởng để cứu giúp các linh hồn.

Điều tốt đẹp nhất, bà Simma nói, là kết hợp những đau khổ của chúng ta với đau khổ của Chúa Giêsu, đặt chúng trong tay Đức Mẹ. Mẹ là người biết rõ nhất việc phải dùng chúng như thế nào. Những công lênh này, dĩ nhiên, Đức Mẹ sẽ hoàn lại cho chúng ta trong giờ lâm tử. Những đau khổ được cống hiến này sẽ trở thành những kho báu quí giá nhất cho đời sau. Chúng ta phải nhắc nhở nhau điều này và khuyến khích nhau khi chịu đau khổ.

Cần nhớ rằng, các linh hồn trong Luyện Tội không thể làm gì cho chính họ, họ hoàn toàn bất lực. Nếu người sống không cầu nguyện cho họ, họ sẽ hoàn toàn bị bỏ rơi. Vì vậy, thật là quan trọng để nhận biết sức mạnh vô song mà mỗi người trong chúng ta đang có trong tay để cứu giúp các linh hồn.

Chúng ta không đắn đo khi giúp một đứa trẻ ngã từ cành cây xuống, trước mặt mình, và bị gãy xương. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ làm tất cả để giúp cháu bé. Nên, cùng một cách đó, chúng ta nên tận tình chăm sóc các linh hồn đang trông mong sự giúp đỡ của chúng ta để được thoát cơn đau khổ. Và đó có thể là cách tốt nhất để thực thi đức ái.

16. Tại sao các linh hồn không còn công lênh nào nữa trong Luyện Tội? Trong khi người còn sống thì vẫn có?

Bởi vì, tại giây phút cuối cùng, thời gian lập công lênh chấm dứt. Vì một khi chúng ta còn sống chúng ta có thể sửa đổi những điều xấu do chính mình làm. Các linh hồn trong Luyện Tội ghen tị với chúng ta về cơ hội này. Ngay cả các thiên thần cũng ghen tị với chúng ta nữa, vì chúng ta có cơ hội để thăng tiến một khi chúng ta còn sống trên thế gian. Nhưng, đáng buồn thay, sự đau khổ thường làm chúng ta trở nên nổi loạn, và chúng ta thật khó khăn chấp nhận và chịu đựng nó.

17. Tại sao lại phải sống đau khổ mới sinh hoa trái?

Những đau khổ là bằng chứng to lớn nhất của tình yêu của Thiên Chúa, và nếu chúng ta dâng hiến đúng đắn, sẽ đưa được nhiều linh hồn về với Chúa.

18. Nhưng làm sao chúng ta chấp nhận đau khổ như một món quà thay vì một hình phạt, một sự trừng phạt?

Chúng ta phải dâng mọi sự cho Đức Mẹ. Mẹ là người biết rõ nhất ai cần những ơn ích mà chúng ta dâng để được cứu rỗi.

Chúng ta không nên luôn luôn coi những sự đau khổ như một hình phạt. Chúng có thể được đón nhận như sự chuộc tội, không chỉ cho chúng ta mà, trên hết, cho ngươi khác nữa. Đức Kitô vô tội nhưng Ngài đã chịu đau khổ để đền bù tội lỗi của chúng ta. Chỉ khi đã vào Thiên Đàng chúng ta mới hiểu hết những gì chúng ta đã đạt được qua việc nhẫn nại chịu đau khổ, kết hợp với sự thương khó của Chúa Kitô.

19. Các linh hồn trong Luyện Tội có nổi loạn khi phải chịu đau khổ không?

Không, họ muốn tự thanh tẩy, họ hiểu điều cần thiết này.

20. Việc ăn năn tội đóng vai trò gì trong giờ lâm tử?

Việc ăn năn rất quan trọng. Tội lỗi được tha trong mọi trường hợp nhưng HẬU QUẢ CỦA TỘI VẪN CÒN. Nếu ai muốn hoàn toàn được đại xá trong giờ lâm tử, là lên thẳng Thiên Đàng, linh hồn đó phải hoàn toàn không còn vướng mắc điều gì.

21. Trong phút lâm chung, linh hồn, dù đã sống trong tội lỗi, có đủ thời gian để trở về với Chúa không? Trong khoảng cuối của sự hấp hối và chết thật?

Có, có! Chúa cho mỗi người nhiều phút để ăn năn tội và quyết định: Tôi chấp nhận hay không chấp nhận thuộc về Chúa. Rồi chúng ta được thấy cả cuốn phim về cuộc đời của mình.

Tôi đã biết một người dù có tin vào lời dạy của giáo hội nhưng không tin vào cuộc sống đời đời. Một ngay kia, ông ta ngã bệnh nặng rồi đi vào hôn mê. Ông ta thấy mình trong một căn phòng với tấm bảng, trên ấy viết tất cả những hành động của ông ấy, tốt cũng như xấu. Rồi tấm bảng biến đi, cả các vách tường nữa, cảnh bên ngoài tươi đẹp tuyệt vời. Khi tỉnh lại, ông ấy đã quyết định thay đổi đời mình.

22. Ma quỉ có được quyền tấn công chúng ta trong giây phút lâm tử không?

Có, nhưng con người cũng được ban ơn để chống trả cơn cám dỗ, đẩy nó đi. Vì vậy, nếu con người không muốn liên hệ với ma quỉ điều gì, hắn sẽ không làm gì được chúng ta.

23. Bà có lời khuyên nào cho người muốn nên thánh ở thế trần này không?

Phải rất khiêm nhường. Nhất định chúng ta không chỉ nghĩ đến mình. Sự kiêu ngạo là cái bẫy lớn nhất của ma quỉ.

24. Người ta có thể xin Chúa cho làm cuộc thanh tẩy (của Luyện Tội) ngay khi còn sống không? Để sau khi qua đời không phải làm nữa?

Có, Tôi biết một vị linh mục và một phụ nữ, cả hai đều bị bệnh lao phổi và phải nằm viện. Phụ nữ kia nói với vị LM: “Chúng ta hãy xin Chúa cho chịu đựng đau khổ bây giờ, nhiều như cần có, để được về thẳng Thiên Đàng.” Vị Lm trả lời rằng, ngài không dám xin Chúa điều này. Gần đó, có một nữ tu nghe được câu chuyện của hai người. Thế rồi, thiếu phụ qua đời trước, rồi đến vị LM. Ít lâu sau, vị LM hiện ra với vị nữ tu và nói rằng: “Giá tôi đã có đức tin mạnh mẽ như thiếu phụ kia, tôi cũng đã có thể được vào thẳng Thiên Đàng.”

25. Trong Luyện Tội có những mức độ khác nhau phải không?

Đúng vậy, có sự khác biệt lớn lao về mức độ đau khổ luân lý. Mỗi linh hồn có sự đau khổ dành riêng cho mình. Có nhiều mức độ.

26. Sự đau khổ trong Luyện Tội thì đớn đau hơn cả sự đau khổ nhất trên trần gian phải không?

Đúng, nhưng trong cách biểu tượng. Đau đớn nhiều hơn trong linh hồn.

27. Bà biết không, nhiều người ngày nay tin vào việc luân hồi (sống nhiều kiếp). Các linh hồn có nói chuyện với bà về điều này không?

Các linh hồn bảo rằng Chúa chỉ cho mỗi người một cuộc sống mà thôi.

28. Nhưng vài người sẽ nói rằng một cuộc sống thì không đủ để biết Chúa, và không đủ giờ để ăn năn trở lại, điều này không công bằng. Bà trả lời họ thế nào?

Mọi người đều có niềm tin bên trong (lương tâm), ngay cả việc họ không thực hành, họ vẫn ngầm (implicitly) nhận ra Chúa. Không ai thực sự không tin (vì mỗi linh hồn đều có một lương tâm để nhận biết sự lành sự dữ, lương tâm ấy do Chúa ban, một kiến thức nội tâm). Có thể họ không tin, ở những mức độ nhẹ, nhưng họ vẫn biết phân định việc lành, việc dữ. Với mức độ lương tâm này, mỗi linh hồn đều có thể trở nên chân phúc.

29. Điều gì sẽ xảy ra đối với những người tự tử? Có khi nào bà được những người này thăm viếng không?

Cho đến bây giờ (1997) tôi chưa gặp trường hợp tự tử nào mà phải mất đi (phải vào Hỏa Ngục) - điều này không có nghĩa là điều đó không bao giờ xảy ra - nhưng thường thường, các linh hồn nói với tôi là những kẻ phạm lỗi nhất lại là những người xung quanh họ, khi những kẻ đó cẩu thả hay loan truyền sự vu khống.

Những linh hồn hỗi lỗi vì đã tự tử. Thường thì việc tự tử xảy ra là do tâm bệnh. Họ hỗi lỗi vì hành động của họ, bởi vì, khi họ nhìn sự vật dưới sự soi sáng của Chúa, ngay tức khắc họ hiểu tất cả những ân sủng dành riêng cho phần đời còn lại của họ, nếu không tự tử, có khi nhiều tháng hay nhiều năm, và họ cũng nhìn thấy tất cả những linh hồn đáng ra họ có thể giúp đỡ bằng cách phó dâng phần đời còn lại của họ cho Chúa. Cuối cùng, điều làm họ đau đớn nhất là nhìn thấy những sự tốt đẹp họ đã có thể làm nhưng đã không làm, bởi vì họ đã cắt ngắn cuộc sống của mình. Nhưng khi nguyên nhân là do tâm bệnh, Chúa cũng thông cảm.

30. Có linh mục trong Luyện Tội không?

Có, nhiều lắm, vì đã không khuyến khích việc tôn thờ Thánh Thể, nên, một cách tổng quát, đức tin đã bị ảnh hưởng. Họ thường vào Luyện Tội vì lơ là trong việc cầu nguyện, khiến đức tin của họ bị giảm đi. Nhưng cũng có rất nhiều LM đã vào thẳng Thiên Đàng.

31. Vậy, bà muốn nói gì với một linh mục thực sự muốn sống theo thánh ý của Chúa?

Tôi muốn khuyên ngài cầu nguyện nhiều với Chúa Thánh Thần, và lần chuỗi hàng ngày.

32. Có khi nào bà được các linh hồn đã sống biến thái thăm viếng không? Thí dụ như trong lãnh vực tính dục?

Có, họ không bị hư mất (vì còn đức tin) nhưng họ phải đau khổ nhiều để được thanh tẩy.

33. Những thái độ tâm linh nào có thể làm mất linh hồn của chúng ta mãi mãi, là vào Hỏa Ngục?

Đó là khi linh hồn không muốn đến với Chúa, khi họ thực sự nói: “Tôi không muốn.”

34. Chúa Giêsu đã nói thật khó cho kẻ giàu vào nước Thiên Đàng. Bà có thấy trường hợp nào không?

Có, Nhưng nếu họ làm việc tốt lành, việc bác ái, yêu thương, họ vẫn được vào Thiên Đàng, như những người nghèo vậy.

35. Bà nghĩ thế nào về những người làm việc ma thuật (spiritism)? Như kêu gọi các linh hồn, cầu cơ v.v…?

Không tốt đâu. Nó luôn luôn là điều xấu. Chính ma quỉ làm cho cái cơ di chuyển.

36. Có điều gì khác biệt, giữa việc tiếp xúc với các linh hồn đã qua đời của bà, và việc thực hành ma thuật?

Chúng tôi không kêu gọi các linh hồn - Tôi không mời họ đến. Trong việc ma thuật, người ta gọi họ đến.

Những người thực hành ma thuật nghĩ rằng họ điều khiển được các linh hồn từ cõi chết. Thực tế, nếu có sự hồi đáp nào thì đó luôn luôn là Satan và bè lũ của hắn, không có ngoại trừ. Những người thực hành ma thuật đang làm điều vô cùng nguy hiểm cho chính họ và những người đến với họ để xin lời khuyên. Bọn Satan toàn là giả dối. Điều này bị cấm, tuyệt đối cấm không được gọi các linh hồn. Đối với tôi, đã chẳng khi nào tôi đã làm điều này, đang làm đều này, và sẽ chẳng bao giờ làm điều này. Khi có linh hồn hiện ra với tôi, thì đó là vì chính Chúa đã cho phép điều ấy xảy ra.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (chuyển ngữ)

(Bài này đã được đăng trong tập san “Michael”, ấn bản tháng 1 & 2, năm 2004)
 
Nhóm Công Giáo ủng hộ Biden xúc phạm ĐGH, gây lầm lạc về lập trường chống phá thai của Giáo Hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:49 12/09/2020


1. Tổng thống Trump đưa nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc vào danh sách đen

Mỹ có thể đang siết chặt thị trường tại Hoa Kỳ đối với nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết hôm thứ Sáu, chính quyền Trump đang xem xét liệu có nên đưa Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn, gọi tắt là SMIC, vào danh sách đen hay không. Việc thêm SMIC vào danh sách đen hiện bao gồm hơn 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc sẽ buộc các nhà cung cấp Mỹ phải tìm kiếm giấy phép đặc biệt, là điều ngày càng khó có thể xin được.

Danh sách đen đó bao gồm các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE. Chính quyền Trump thường sử dụng danh sách đó để đánh vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc. SMIC đã phải đối mặt với những hạn chế mới từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Những quy định này bắt buộc những công ty nào cung cấp chip cho Huawei và các nhà sản xuất khác phải xin giấy phép của Mỹ trước khi sản xuất chip cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này nếu họ dựa vào công nghệ sản xuất chip của Mỹ.

Các nguồn tin trong ngành cho biết việc đưa SMIC vào danh sách có thể ảnh hưởng đến các công ty Mỹ. Trong số đó, các nhà cung cấp thiết bị chip như Lam Research, KLA, và Applied Materials. SMIC và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Nhiều công ty làm ăn với Trung Quốc tỏ ra bực mình với Tổng thống Trump vì thái độ chống Trung Quốc quyết liệt của ông. Chính vì thế, Tổng thống Trump phải cân nhắc sự chống đối này khi cuộc bầu cử đang đến gần.


Source:Reuters

2. Nhóm Công Giáo ủng hộ Biden xúc phạm Đức Giáo Hoàng

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết nhiều người Công Giáo bất mãn trước đườg lối tuyên truyền sống sượng của nhóm “Catholic for Biden”, tức là nhóm những người Công Giáo ủng hộ Biden.

Tiếp cận các cử tri Công Giáo trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Joe Biden, nhóm này nói với những người Công Giáo rằng các ưu tiên của Biden phù hợp với các ưu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, bất chấp một sự thật rõ ràng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nghiêm khắc lên án hành vi phá thai, trong khi Biden theo đuổi một lập trường phò phá thai cực đoan, thậm chí ủng hộ phá thai ở mọi giai đoạn của thai kỳ, ngay cả khi thai nhi đã chào đời, và ủng hộ việc dùng tiền thuế dân để tài trợ cho việc phá thai.

Vào tối thứ Năm, nhóm “Người Công Giáo ủng hộ Biden” đã tổ chức buổi ra mắt trực tuyến chính thức. Các diễn giả tại sự kiện này bao gồm Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, Sơ Simone Campbell, và cựu khoa trưởng khoa chính trị tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, là Tiến sĩ Stephen Schneck.

Durbin, một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ từ năm 1997, đã bị cấm rước lễ vào năm 2004 tại Giáo phận Springfield quê nhà ở Illinois. Vào năm 2018, Đức Cha Thomas Paprocki, Giám mục Springfield cảnh giác người Công Giáo rằng lệnh cấm này vẫn có hiệu lực.

Ba diễn giả tự xưng mình là người Công Giáo này khuyên các cử tri Công Giáo không nên là những cử tri chỉ săm soi vào vấn đề về phá thai mà quên đi các vấn đề khác.

Biden đã cam kết hỗ trợ phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân, tài trợ và hệ thống hóa việc phá thai hợp pháp trong hiến pháp.

Tu chính án Hyde là một đạo luật cấm việc sử dụng quỹ liên bang để chi trả cho việc phá thai ngoại trừ để cứu mạng sống của người phụ nữ, hoặc nếu cái thai phát sinh do loạn luân hoặc cưỡng hiếp. Biden thề sẽ hủy bỏ tu chính án này và cái gọi là “kế hoạch chăm sóc sức khỏe theo ý kiến công chúng” của ông ta sẽ bao gồm việc tài trợ cho mọi ca phá thai trong mọi trường hợp. Liên Đoàn Hành Động Vì Quyền Phá Thai Quốc Gia đã tán thành việc ứng cử của ông ta, và Quỹ hành động của Planned Parenthood cho biết họ “xúc động” trước việc ông ta chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm bạn tranh cử với mình.

Trong cuộc nói chuyện trực tuyến này, các diễn giả đã đưa ra câu tuyên truyền này “Bạn có phải là Cử tri ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô không? Nếu có hãy ủng hộ Biden.” Ba tên bịp bợm này cho rằng “Donald Trump bác bỏ phần lớn Giáo huấn Xã hội Công Giáo,” trong khi cả quyết rằng Biden chia sẻ “các ưu tiên Công Giáo” của “Đức Thánh Cha Phanxicô.”

Trong tông huấn “Gaudete et exsultate”, nghĩa là “Mừng rỡ Hân Hoan” được công bố năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng tất cả cuộc sống con người, được sinh ra và chưa được sinh ra, đều thiêng liêng.

Đức Thánh Cha nói rằng “việc bảo vệ những đứa trẻ vô tội” phải “rõ ràng, vững chắc và đầy nhiệt huyết,” nói thêm rằng “cũng thiêng liêng như thế, là cuộc sống của những người nghèo, những người đã được sinh ra, những người nghèo khổ, những người bị bỏ rơi và kém may mắn, người già yếu và dễ bị tổn thương trước các hình thức giết hại được che đậy dưới hình thức trợ tử, những nạn nhân của nạn buôn người, các hình thức nô lệ mới và mọi hình thức từ chối.”

Trích dẫn các từ “cũng thiêng liêng như thế” trong tông huấn của Đức Thánh Cha, ba tên diễn giả bịp bợm này nói rằng “các ưu tiên thiêng liêng là ngang nhau” nhằm đánh đồng việc phá thai với một số vấn đề khác có tầm quan trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời tố cáo mạnh mẽ hành vi phá thai. Ngài đã ví hành động này như “việc thuê một sát thủ” và lên án việc phá thai có chọn lọc, tức là giết chết các thai nhi có dị tật, “giống như Đức Quốc xã thanh lọc chủng tộc, nhưng với đôi găng tay trắng.”

Trong tông huấn Evangelii Gaudium nghĩa là Niềm Vui Phúc Âm công bố năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng “việc bảo vệ sự sống chưa sinh này được liên kết chặt chẽ với việc bảo vệ quyền của mỗi người và mọi quyền khác”.


Source:Catholic News Agency

3. Cha Bernardo nhận định thoả thuận Vatican-Bắc Kinh đã mang lại thành quả quá ít ỏi

Khi Vatican chuẩn bị gia hạn thỏa thuận lịch sử với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục vào cuối tháng này, một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo về các vấn đề Trung Quốc đã lập luận rằng mặc dù mong muốn đối thoại là điều dễ hiểu, nhưng hai năm sau thỏa thuận này, thành quả thu được là quá ít ỏi.

“Tôi hiểu sự tích cực, sự cám dỗ để có mối quan hệ này với Trung Quốc, nhưng tôi phải nói rằng có rất ít kết quả,” Cha Bernardo Cervellera nói, và bày tỏ hy vọng rằng “Vatican, khi gia hạn thỏa thuận này, thay vì vẫn tiếp tục chiều chuộng nhiều hơn các yêu cầu của Trung Quốc, cần phải đặt nhiều yêu cầu hơn tương xứng với các yêu cầu của họ”.

Cha Bernardo là giám đốc Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại và từng là một linh mục hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc.

Ngài đã phát biểu trong một cuộc thảo luận trực tuyến ngày 4 tháng 9 do Viện Acton, một tổ chức Công Giáo đấu tranh cho tự do tôn giáo, tổ chức, đã đưa ra đánh giá của ngài về tình trạng của lục địa Á Châu trong bối cảnh đại dịch coronavirus và luật an ninh quốc gia mới ở Hương Cảng.

Nói về thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục mà Vatican đã thực hiện với Trung Quốc vào năm 2018, và sẽ được gia hạn trong tháng này, Cha Bernardo lưu ý rằng nhiều quan chức Vatican đã ca ngợi thỏa thuận này là một điều gì đó vừa tích cực vừa có hiệu quả, trong khi “Trung Quốc đã không bao giờ nói bất cứ điều gì.”

Ngài đề cập đến một bài báo được đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó trích dẫn các quan chức Vatican ca ngợi thỏa thuận, nhưng không hề đề cập đến ý kiến từ các thành viên của bọn cầm quyền Trung Quốc.

Ngài nhận định rằng việc Trung Quốc giữ im lặng về thỏa thuận này để lại cho ngài ấn tượng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể coi hiệp định này là một điều gì đó có chút tích cực nào đó, nhưng theo quan điểm của họ, “những rủi ro ngày càng tăng đến mức họ phải yêu cầu Vatican đáp ứng mọi thứ.”

Ngài nhấn mạnh rằng, mọi thứ, theo nghĩa này, có nghĩa là “Vatican phải cho phép mọi thứ mà Trung Quốc làm, và chắc chắn phải làm gián đoạn quan hệ với Đài Loan.”

“Đây chắc chắn là động cơ cơ bản khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc rất quan tâm đến mối quan hệ với Vatican. Bởi vì như thế, họ có thể lấy đi của Đài Loan đại sứ quán duy nhất mà nước này có thể có ở Âu châu”

Hiện nay Đài Loan có quan hệ ngoại giao với chỉ 15 quốc gia, và Tòa thánh là mối quan hệ ngoại giao duy nhất của họ ở Âu châu.

Cha Bernardo thừa nhận rằng ngài hiểu lý do tại sao việc theo đuổi đối thoại với Trung Quốc lại hấp dẫn đối với nhièu người, vì kể từ khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền Đảng Cộng sản vào năm 1949, cánh cửa đã đóng chặt, bất chấp mọi nỗ lực từ các vị giáo hoàng trước đó, bao gồm cả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ XVI.

“Trung Quốc không bao giờ muốn có một mối quan hệ; họ luôn đóng cửa. Họ không bao giờ muốn đối thoại. Giờ đây, Vatican đã có chủ đề đối thoại rất mỏng này, tôi hiểu rằng họ muốn giữ nó,” Cha Bernardo nói, nhưng nói thêm rằng theo quan điểm của ngài, cho đến nay sau khi thỏa thuận được ký kết đã hai năm, có rất ít thành quả.

Ngài nói: “Bản thân thỏa thuận này là nhằm bổ nhiệm các giám mục mới, nhưng từ khi đạt được thỏa thuận cho đến nay, không một giám mục mới nào được bổ nhiệm”. Cha Bernardo lưu ý rằng hai giám mục đã được bổ nhiệm và ba vị khác đã được Bắc Kinh công nhận trong hai năm qua, đều đã được lựa chọn nhiều năm trước khi thỏa thuận được ký năm 2018.

“Vì vậy, ta không thể nói rằng nhờ có thỏa thuận mà tất cả những điều này đã xảy ra.”

Trong thực tế, cả ba vị vừa được Bắc Kinh công nhận là các vị đã chấp nhận gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Nhiều người không ngại gọi các ngài là các “hồi chánh viên”. Và cùng với hành động hồi chánh này 3 giáo phận thầm lặng bị xóa sổ.

Cha Bernardo cũng đưa ra đánh giá của mình về lục địa Á Châu trong mối tương quan với đại dịch coronavirus, nhấn mạnh ba yếu tố mà ngài nói là nổi bật trong vài năm qua, một số yếu tố đó đã được làm rõ hơn trong bối cảnh coronavirus và các cuộc biểu tình ở Hương Cảng.

Các nền kinh tế của Á Châu, bao gồm Trung Quốc, đã quỵ ngã “trên đầu gối” bởi coronavirus, nhưng các nhà lãnh đạo trong khu vực, theo nhận xét của Cha Bernardo, đang ngày càng “kiêu ngạo”. Cha Bernardo giải thích thêm rằng, điều này có nghĩa là “họ không còn cố gắng muốn duy trì hình ảnh của một người cởi mở”.

Ngài nói: “Tất cả họ đều đang biến đổi thành những nhà độc tài muốn tồn tại trong nhiều thập kỷ.” Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan và Miến Điện là nạn nhân của xu hướng mới này, là điều mà theo Cha Bernardo thường dẫn đến việc “bóp nghẹt nhân quyền một cách thẳng thừng” đặc biệt đối với những người thiểu số, là những người mà số phận của họ không gây ra chút chú ý đáng kể nào đối với cộng đồng toàn cầu.

Cùng với điều này là sự bồn chồn ngày càng tăng trong giới trẻ, những người muốn “tìm kiếm ý nghĩa nào đó cho cuộc sống và công việc của họ. Trong khi phần lớn nền văn hóa Á Châu theo truyền thống tập trung vào cộng đồng, những người trẻ tuổi trên lục địa này ngày càng chú trọng đến ý nghĩa của một tình huống nhất định đối với cá nhân họ.”

“Đây là một điều gì đó rất mới, đây là một điều gì đó đang tạo ra sự xáo trộn ở nhiều nơi ở Á Châu”, Cha Bernardo nói và nhận định rằng đây là điều đã xảy ra đặc biệt ở Hương Cảng, nơi các cuộc biểu tình quy mô lớn hầu hết do giới trẻ đảm trách, một số trong những người biểu tình chỉ mới 13 hoặc 14 tuổi.

Kể từ tháng 6 năm ngoái, Hương Cảng đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình lớn, đầu tiên là phản đối một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, mặc dù dự luật đó cuối cùng đã được rút lại, và giờ đây là một biện pháp an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh soạn thảo nhằm ngăn chặn những gì họ gọi là “chủ nghĩa khủng bố”, “mưu toan lật đổ”, “và sự can thiệp nước ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Hương Cảng”.

“Vấn đề của những người trẻ ở Hương Cảng, là họ mạo hiểm tất cả những điều này để phản đối Trung Quốc, chống lại nhà cầm quyền, và họ có nguy cơ không tìm được việc làm. Họ có nguy cơ không được đi học phổ thông hay vào đại học, bởi vì Trung Quốc đang thực hiện những luật lệ của chúng rất rất nghiêm ngặt. Vì vậy, những người trẻ tuổi này thực sự đang mạo hiểm mọi thứ, nhưng để làm gì? Thưa: Vì sự tự do của họ.”

Đây là những người trẻ tuổi “muốn vượt qua chủ nghĩa cực đoan, và các ý thức hệ”. Cha Bernardo nói thêm rằng ở Trung Quốc “không ai tin vào chủ nghĩa cộng sản. Không một ai. Nhiều người đặt mình dưới gốc cây Cộng sản, không phải vì tin tưởng nhưng chỉ vì lợi ích từ xã hội”.

“Ở Trung Quốc, bạn luôn có tội và phải chứng minh mình vô tội. Không phải là bạn vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, mà là ngược lại. Mọi thứ đều phục vụ cho đảng.”

Cha Bernardo cũng chỉ ra sự phát triển nhanh chóng của Giáo Hội Công Giáo trên lục địa Á Châu, và lưu ý rằng trong khi Á Châu chỉ chứa hơn một nửa dân số toàn cầu, với khoảng 3 tới 4 tỷ người, thì có khoảng 120 đến 130 triệu người Công Giáo. Đó là một con số đầy “ấn tượng” trong bối cảnh các Kitô hữu chỉ là một thiểu số thường xuyên bị bách hại.

“Ít nhất 60 phần trăm các nước Á Châu có vấn đề với tự do tôn giáo. Dù thế, Giáo hội bị đàn áp và bị giới hạn về tự do tôn giáo này, vẫn đang gia tăng 5% mỗi năm,” trong khi tại Âu châu, số lượng tín hữu Kitô phần lớn chỉ giữ nguyên được nhờ vào dòng Kitô hữu di cư.

Số trẻ sơ sinh con cái của các tín hữu Kitô di cư sang Âu Châu đang cân bằng số người chết, nhưng Cha Bernardo lưu ý rằng so với các khu vực khác trên thế giới như Á Châu và Phi Châu, thì ở Âu Châu “có rất ít động lực cho việc truyền giáo.”


Source:Crux