Chương III: Một đà truyền giáo mới

Một số thách thức cấp bách

144. Tính đồng nghị (synodalité) là phương pháp nhờ đó Giáo hội có thể đối đầu với các thách thức cũ và mới, bằng cách tập hợp và đem vào đối thoại các ơn phúc của mọi thành viên của mình, bắt đầu từ giới trẻ. Nhờ công việc của Thượng hội đồng, trong phần thứ nhất của Tài liệu này, chúng ta đã chỉ ra một số môi trường, trong đó cấp thiết phải phát động hoặc canh tân đà hành động của Giáo hội để hoàn thành sứ mệnh mà Chúa Kitô đã giao phó, và ở đây, chúng ta tìm cách đương đầu một cách cụ thể hơn.

Sứ mệnh trong môi trường kỹ thuật số

145. Môi trường kỹ thuật số đặt ra một thách thức đối với Giáo hội trên các bình diện khác nhau; do đó, điều cần thiết là đào sâu sự hiểu biết các năng động tính của nó và tầm quan trọng của nó theo quan điểm nhân học và đạo đức học. Nó đòi hỏi không những sống trong đó và phát huy các tiềm năng truyền thông của nó nhằm việc công bố Kitô Giáo, mà còn đem sắc thái Tin Mừng vào các nền văn hóa và động lực của nó. Nhiều thí nghiệm theo hướng này đang được tiến hành và cần được khuyến khích, đào sâu và chia sẻ. Ưu tiên mà nhiều người gán cho hình ảnh như một phương tiện truyền thông sẽ không thể không tra vấn các phương thức thông truyền đức tin dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa và đọc Thánh Kinh. Như các người trẻ ở độ tuổi của họ, các Kitô hữu trẻ, những người được sinh ra trong môi trường kỹ thuật số, tìm thấy ở đây một sứ mệnh đích thực, trong đó một số người đã dấn thân. Vả lại, chính những người trẻ tuổi cũng yêu cầu được đồng hành trong việc biện phân các khuôn mẫu sống trưởng thành, trong một môi trường kỹ số hóa cao hiện nay, giúp họ nắm bắt cơ hội trong khi xa tránh được các rủi ro.

146. Thượng hội đồng hy vọng rằng trong Giáo hội, nên thiết lập, ở các bình diện thích đáng, các văn phòng và cơ cấu dành cho văn hóa và truyền giảng Tin Mừng bằng kỹ thuật số, với sự đóng góp không thể thiếu của người trẻ, khuyến khích các hành động và suy tư giáo hội trong môi trường này. Trong số các chức năng của chúng, ngoài việc tạo điều kiện cho việc trao đổi và phổ biến các thực hành tốt ở bình diện cá nhân và cộng đồng, và phát triển các phương tiện thỏa đáng về giáo dục kỹ thuật số và truyền giảng Tin Mừng, chúng cũng có thể quản lý các hệ thống chứng nhận các trang mạng Công Giáo, để ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả mạo liên quan đến Giáo hội, hoặc tìm các cách để thuyết phục các cơ quan công quyền phát huy các chính sách và phương tiện luôn khắt khe hơn để bảo vệ trẻ vị thành niên trên Internet.

Di dân: hạ các bức tường và bắc các cây cầu

147. Nhiều di dân là những người trẻ tuổi. Sự hiện diện lan tỏa khắp nơi của Giáo hội mang lại cơ hội tuyệt vời để Giáo Hội bắc cầu đối thoại giữa các cộng đồng nơi họ đi và những nơi họ đến, giúp vượt qua nỗi sợ hãi và sự ngờ vực và củng cố các dây nối kết mà di dân có thể mất đi. "Chào đón, bảo vệ, cổ vũ và tích nhập", bốn động từ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tóm tắt trong các đường hướng hành động có lợi cho di dân là các động từ có tính đồng nghị. Đưa chúng ra thực hành đòi phải có hành động của Giáo hội, ở mọi bình diện, và liên quan đến mọi thành viên của các cộng đồng Kitô giáo. Về phần mình, các di dân, được đồng hành kịp thời, sẽ có thể cung ứng nhiều tài nguyên tinh thần, mục vụ và truyền giáo cho các cộng đồng đón tiếp họ. Cam kết văn hóa và chính trị là điều đặc biệt quan trọng; cần phải điều hướng việc này bằng cách áp dụng mềm dẻo các cơ cấu thích ứng để chống lại việc phổ biến tinh thần bài ngoại, phân biệt chủng tộc và khước từ di dân. Các tài nguyên của Giáo Hội Công Giáo là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống nạn buôn người, như đã được nhấn mạnh qua sự cam kết và hành động rõ ràng của nhiều nữ tu. Vai trò của Nhóm Santa Marta, nhằm liên kết các tu sĩ có trách nhiệm và các lực lượng giữ trật tự, là điều chủ yếu và nói lên một thực hành tốt đẹp mà ta có thể lấy cảm hứng. Cũng không nên làm ngơ các nỗ lực để bảo đảm quyền hữu hiệu được ở lại đất nước của mình đối với những người không muốn di cư nhưng bị buộc phải làm như vậy cả việc hỗ trợ các cộng đồng Kitô giáo mà việc di cư đe dọa sẽ làm mất dân cư.

Phụ nữ trong Giáo hội đồng nghị

148. Một Giáo hội tìm cách sống phong cách đồng nghị sẽ không thể không suy tư về thân phận và vai trò của phụ nữ giữa lòng mình và do đó, cả trong xã hội nữa. Các phụ nữ trẻ và nam thanh niên đang đòi hỏi điều này một cách mạnh mẽ. Các suy tư đã được khai triển đòi phải được đem ra thi hành bởi một công trình hoán cải văn hóa can đảm và thay đổi trong thực hành mục vụ hàng ngày. Một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt trong vấn đề này là lãnh vực hiện diện của phụ nữ trong các cơ quan giáo hội ở mọi bình diện, nhất là trong các chức năng có trách nhiệm, và sự tham gia của phụ nữ vào diễn trình ra quyết định của giáo hội, trong việc tôn trọng vai trò của thừa tác vụ thụ phong. Đây là một nghĩa vụ của công lý, lấy cảm hứng cả từ cách Chúa Giêsu giao tiếp với những người đàn ông và đàn bà thời ấy, lẫn tầm quan trọng trong vai trò của một số nhân vật nữ trong Thánh Kinh. trong lịch sử cứu độ và trong đời sống của Giáo hội.

Tính dục: một từ ngữ rõ ràng, phóng khoáng, chân chính

149. Trong bối cảnh văn hóa hiện nay, Giáo hội đang khổ công truyền tải vẻ đẹp của viễn kiến Kitô giáo về tính thể xác và tính dục, như được phản ánh trong Thánh kinh, Thánh truyền và Huấn quyền của các Giáo hoàng mới đây. Do đó, việc tìm kiếm các phương tiện thích ứng hơn tỏ ra khẩn thiết, bằng cách tự diễn dịch cụ thể qua việc khai triển chi tiết các nẻo đường huấn luyện mới mẻ. Cũng cần phải cung cấp cho người trẻ một nhân học về cảm giới và tính dục có khả năng mang lại giá trị đích thực cho đức trong sạch, bằng cách chứng tỏ một cách hợp khôn ngoan sư phạm ý nghĩa chân thực nhất của nó đối với sự phát triển của con người trong tất cả các bậc sống của họ. Nghĩa là đánh cuộc trên việc lắng nghe đầy thấu cảm(empathique), đồng hành và biện phân, trong đường hướng mà Huấn quyền gần đây đã xác định. Muốn được thế, cần phải cẩn thận lưu ý tới việc đào tạo các tác nhân mục vụ sao cho họ đáng tin cậy, bắt đầu từ sự trưởng thành trong các chiều kích cảm giới và tính dục của họ.

150. Có những câu hỏi liên quan đến cơ thể, cảm giới và tính dục cần một khai triển nhân học sâu sắc hơn, trên bình diện thần học, mục vụ, một khai triển phải được thực hiện theo phương thức thỏa đáng và ở các bình diện thích đáng nhất (từ địa phương đến hoàn vũ). Trong số này, có phương thức khác biệt và hài hòa giữa bản sắc nam tính và nữ tính và phương thức các xu hướng tính dục. Về phương diện này, Thượng hội đồng tái khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương mỗi người và Giáo hội cũng như vậy, bằng cách đổi mới cam kết của mình chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực liên quan đến xu hướng tính dục. Giáo hội cũng tái khẳng định tầm quan trọng nhân học xác định ra sự khác biệt và hỗ tương giữa người đàn ông và người đàn bà, và coi là giản lược việc xác định căn tính người ta chỉ dựa vào "xu hướng tính dục" của họ (Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về việc chăm sóc mục vụ đối với các người đồng tính, ngày 1 tháng 10 năm 1986, số 16).

Trong nhiều cộng đồng Kitô giáo, đã có những nẻo đường đồng hành trong đức tin của những người đồng tính: Thượng hội đồng khuyến cáo việc khuyến khích những nẻo đường này. Trên những nẻo đường này, người ta được giúp đỡ để đọc lại lịch sử của họ, trung thành một cách tự do và có trách nhiệm với ơn gọi rửa tội của họ, nhìn nhận ước nguyện thuộc về và đóng góp vào cuộc sống của cộng đồng, biện phân các hình thức tốt hơn để thể hiện ước nguyện này. Theo cách này, cần phải cho phép mỗi người trẻ, không trừ ai, luôn tích hợp nhiều hơn chiều kích tính dục vào nhân cách họ, bằng cách lớn mạnh hơn trong phẩm chất các mối tương quan hệ và hướng tới việc hiến mình.

Kinh tế, chính trị, việc làm, ngôi nhà chung

151. Giáo hội dấn thân vào việc cổ vũ đời sống xã hội, kinh tế và chính trị dưới hiệu lệnh công lý, liên đới và hòa bình, như người trẻ đã yêu cầu một cách mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi sự can đảm để trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói bên cạnh các nhà lãnh đạo thế giới, bằng cách tố cáo tham nhũng, chiến tranh, buôn bán vũ khí, buôn bán ma túy và bóc lột các tài nguyên thiên nhiên, và mời những người chịu trách nhiệm đối với nó hoán cải. Trong viễn tượng toàn bộ, điều đó không thể tách rời khỏi cam kết ủng hộ việc hoà nhập những người dễ bị tổn thương nhất, nhờ các diễn trình cho phép họ, không những tìm được giải đáp cho các nhu cầu của họ, mà còn góp phần của họ vào việc xây dựng xã hội.

152. Ý thức rằng "việc làm tạo ra chiều kích căn bản của sự tồn tại của con người trên trái đất" (Thánh Gioan Phaolô II, Laborem exercens, Số 4) và thiếu việc làm là điều nhục nhã đối với nhiều người trẻ, Thượng hội đồng khuyến cáo các Giáo hội địa phương tạo điều kiện và đồng hành việc hội nhập người trẻ vào thế giới này, nhất là bằng cách hỗ trợ các sáng kiến chuyên nghiệp dành cho người trẻ. Các kinh nghiệm trong đường hướng này phần lớn đã hiện diện trong nhiều giáo hội địa phương và cần được nâng đỡ và củng cố.

153. Việc cổ vũ công lý cũng liên quan đến việc quản lý tài sản của Giáo hội. Người trẻ cảm thấy như ở nhà trong một Giáo hội, trong đó, kinh tế và tài chính được điều hành trong sự minh bạch và nhất quán. Các lựa chọn can đảm trong viễn ảnh phát triển bền vững, như đã được thông điệp Laudato si ' chỉ ra, là những điều cần thiết, bao lâu việc thiếu tôn trọng môi trường phát sinh ra nhiều cảnh nghèo đói mới, mà người trẻ vốn là các nạn nhân đầu tiên. Các hệ thống cũng có thể được thay đổi bằng cách chỉ rõ việc có thể sống chiều kích kinh tế và tài chính một cách khác. Giới trẻ đang thúc đẩy Giáo hội trở thành tiên tri trong lĩnh vực này, bằng lời nói, nhưng trên hết bằng các lựa chọn có thể cho thấy điều này: một nền kinh tế thân thiện với con người và môi trường là điều có thể. Với họ, chúng ta có thể làm điều đó.

154. Liên quan đến các câu hỏi sinh thái, điều quan trọng là cung ứng các đường hướng hướng dẫn việc đưa thông điệp Laudato si’ vào ứng dụng thực tế trong các thực tại giáo hội. Một số lớn các góp ý đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung ứng cho người trẻ một nền đào tạo về tham gia chính trị xã hội và về học thuyết xã hội của Giáo hội, vốn là một tài nguyên tuyệt vời về phương diện này. Những người trẻ tham gia chính trị phải được hỗ trợ và khuyến khích làm việc cho một sự thay đổi thực sự các cơ cấu xã hội bất công.
Trong các bối cảnh liên văn hóa và liên tôn giáo.

155. Đa nguyên văn hóa và tôn giáo là một thực tại đang phát triển trong đời sống xã hội của những người trẻ tuổi. Các Kitô hữu trẻ cung ứng một chứng từ đẹp đẽ cho Tin Mừng, khi họ sống đức tin của họ một cách có thể thay đổi cuộc sống và hành động hàng ngày của họ. Họ được kêu gọi mở lòng mình ra cho những người trẻ tuổi của các truyền thống tôn giáo và tâm linh khác, và duy trì với họ những mối liên hệ chân chính nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và hàn gắn các thiên kiến và định kiến. Do đó, họ là những người tiên phong của một hình thức đối thoại liên tôn và liên văn hóa mới, giúp giải phóng các xã hội của chúng ta khỏi chính sách loại trừ, chủ nghĩa quá khích, chủ nghĩa cực đoan, cũng như việc thao túng tôn giáo cho các mục đích phe phái hoặc dân túy. Là các chứng tá của Tin Mừng, những người trẻ này, cùng với các người đồng tuổi, trở thành những người tự tay tạo ra một loại công dân biết hòa nhập sự đa dạng và một thứ dấn thân tôn giáo có trách nhiệm về phương diện xã hội và biết cổ vũ các mối liên hệ xã hội và hòa bình.

Gần đây, chính theo đề nghị của người trẻ, các sáng kiến đã được phát động nhằm cung ứng cơ hội để cảm nghiệm sự chung sống giữa những người thuộc các tôn giáo và văn hóa khác nhau, để mọi người, trong bầu không khí thân hữu và việc tôn trọng các tín ngưỡng liên hệ, nên trở thành các tác nhân của một dấn thân chung và được chia sẻ trong xã hội.

Giới trẻ vì đối thoại đại kết

156. Liên quan đến con đường hòa giải giữa mọi Kitô hữu, Thượng hội đồng rất biết ơn đối với lòng ước muốn của nhiều người trẻ trong việc làm phát triển sự hợp nhất giữa các cộng đồng Kitô giáo bị chia rẽ. Bằng cách dấn thân vào đường hướng này, người trẻ rất thường đào sâu nguồn gốc đức tin của họ và trải nghiệm một sự cởi mở thực sự đối với những gì người khác có thể hiến tặng. Họ hiểu rằng Chúa Kitô vốn đã kết hợp chúng ta, mặc dù vẫn còn một số khác biệt. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định nhân dịp viếng thăm Thượng phụ Bartholomew năm 2014, chính những người trẻ "ngày nay đang yêu cầu chúng ta thực hiện các bước tiến để hiệp thông trọn vẹn. Và điều này không phải vì họ bỏ qua tầm quan trọng của những khác biệt vẫn còn phân rẽ chúng ta, nhưng vì họ biết cách nhìn xa hơn, họ có thể thu thập những điều thiết yếu vốn đã kết hợp chúng ta "(Đức Phanxicô, Lên tiếng nhân dịp Phụng vụ thánh, Nhà thờ Thượng phụ Thánh George, Istanbul, ngày 30 tháng 11 năm 2014).

Kỳ sau: Chương IV: Đào tạo toàn diện