Cái nhìn đầu tiên về Giáo hội ngày nay

Cam kết giáo dục của Giáo hội

15. Không hiếm các khu vực trong đó người trẻ coi Giáo hội như một sự hiện diện sống động và quyến rũ, cũng có ý nghĩa cả đối với những người trẻ ở cùng độ tuổi của họ nhưng không phải là tín hữu hoặc thuộc các tôn giáo khác. Các định chế giáo dục của Giáo hội tìm cách chào đón mọi người trẻ, bất kể các lựa chọn tôn giáo, nguồn gốc văn hóa và tình huống bản thân, gia đình hoặc xã hội của họ. Bằng cách này, Giáo hội cống hiến sự đóng góp cơ bản cho nền giáo dục toàn diện của người trẻ ở những nơi đa dạng nhất trên thế giới. Điều này diễn ra qua việc giáo dục trong các trường ở mọi trình độ và thể loại, các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp, các cao đẳng và đại học, nhưng cũng qua các trung tâm thanh thiếu niên và bảo trợ; nỗ lực này cũng được hiện thực hóa qua sự tiếp đón người tị nạn và qua việc cam kết đa dạng trong lĩnh vực xã hội. Ở mọi nơi này, Giáo hội kết hợp công việc giáo dục và phát huy con người với việc làm chứng và công bố Tin Mừng. Khi tự thúc đẩy mình đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo, hoạt động giáo dục của Giáo hội cũng được những người ngoài Kitô giáo đánh giá cao như một hình thức phát huy con người đích thực.

Các hoạt động của mục vụ tuổi trẻ

16. Hành trình Thượng hội đồng đã làm tái xuất hiện sự cần thiết phải dành cho mục vụ tuổi trẻ một chiều kích ơn gọi, bằng cách coi mọi người trẻ như những người tiếp nhận mục vụ ơn gọi. Đồng thời, nó nhấn mạnh sự cấp thiết phải khai triển các diễn trình mục vụ hoàn chỉnh dẫn từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, bằng cách lồng mọi người vào cộng đồng Kitô hữu. Người ta đã nhận thấy nhiều nhóm giáo xứ, phong trào và hiệp hội thanh niên khác nhau đang thực hiện một diễn trình hữu hiệu trong việc đồng hành và đào tạo người trẻ trong đời sống đức tin của họ.

Ngày Giới trẻ Thế giới - được phát sinh từ một trực giác đầy tính tiên tri của Thánh Gioan Phaolô II, người vẫn còn là điểm tham chiếu cho người trẻ của thiên niên kỷ thứ ba - và các cuộc gặp gỡ quốc gia và giáo phận đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của nhiều người trẻ vì chúng cung cấp một kinh nghiệm sống động về đức tin và sự hiệp thông, giúp họ đương đầu với các thách thức lớn lao của cuộc sống và đảm nhận một cách có trách nhiệm vị trí của họ trong xã hội và trong cộng đồng giáo hội. Những cuộc triệu tập này cũng có thể nhắc đến việc đồng hành mục vụ thông thường của nhiều cộng đồng khác nhau, nơi việc tiếp nhận Tin Mừng cần được đào sâu và diễn dịch thành sự lựa chọn cuộc sống.

Sức nặng của việc quản trị hành chánh

17. Nhiều Nghị Phụ khiến người ta nhận định rằng sức nặng do các nhiệm vụ hành chánh tạo ra đã hút mất quá nhiều khí lực và đôi khi gây nên cảnh bóp ngẹt cả thiện chí và các năng lực của nhiều mục tử; đây là một trong những lý do gây khó khăn cho việc gặp gỡ người trẻ và sự hỗ trợ họ. Để làm hiển hiện hơn tính ưu tiên trong các cam kết mục vụ và thiêng liêng, các Nghị phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải suy nghĩ lại các phương thức cụ thể của việc thực thi thừa tác vụ.

Tình hình các giáo xứ

18. Mặc dù vẫn là hình thức hàng đầu và chính yếu của Giáo hội trong một lãnh thổ nhất định, nhiều tiếng nói đã được cất lên để chỉ ra rằng giáo xứ hầu như không phải là điểm quy chiếu cho người trẻ và cần phải suy nghĩ lại xiết bao về ơn gọi truyền giáo. Sự kiện giáo xứ đã trở nên không đáng kể trong các không gian đô thị, tính năng động yếu kém trong các đề xuất của nó, cộng thêm các thay đổi không thời gian trong lối sống, đòi hỏi phải có sự canh tân thực sự. Bất kể nhiều nỗ lực đổi mới khác nhau, nhưng dòng đời của người trẻ thường suôi chảy bên lề cộng đồng, không hề gặp gỡ nó.

Khai tâm vào đời sống Kitô giáo

19. Nhiều vị nêu ý kiến cho rằng diễn trình khai tâm Kitô giáo không phải lúc nào cũng đạt tới chỗ dẫn dắt trẻ em, thiếu niên và người trẻ tới với vẻ đẹp của kinh nghiệm đức tin. Khi cộng đồng được cấu thành như một nơi hiệp thông và như một gia đình thực sự của con cái Thiên Chúa, nó sẽ nói lên một sức mạnh phát sinh và thông truyền đức tin; trái lại, khi nó nhượng bộ thứ luận lý học ủy quyền (délégation) và khi tổ chức quan liêu chiếm ưu thế, thì việc khai tâm Kitô giáo sẽ bị lầm tưởng như một khóa giảng về tôn giáo, một khóa giảng thường kết thúc khi người trẻ nhận lãnh bí tích Thêm Sức. Do đó, cần phải rất cấp bách suy nghĩ lại một cách sâu sắc tình hình dạy giáo lý và mối liên kết giữa việc thông truyền đức tin của gia đình và của cộng đồng, bằng cách dùng đến các diễn trình đồng hành có tính bản vị.

Việc đào tạo các chủng sinh và những người thánh hiến

20. Các chủng viện và nhà đào tạo là những nơi có tầm quan trọng lớn, nơi người trẻ tuổi được kêu gọi vào chức linh mục và đời sống thánh hiến thâm hậu hóa sự lựa chọn ơn gọi của họ và trưởng thành trong cách họ theo chân Chúa Kitô (sequela Christi). Đôi khi các môi trường sống này không lưu ý đủ đến các kinh nghiệm trước đây của các ứng viên, đánh giá thấp tầm quan trọng của họ. Điều này ngăn chặn sự phát triển của con người và có nguy cơ dẫn đến chỗ chấp nhận các tác phong hình thức, thay vì thúc đẩy sự phát triển các ơn phúc của Thiên Chúa và sự hoán cải tâm hồn cách sâu sắc.

Kỳ sau: Chương hai: Ba Khía Cạnh Quan Yếu