Ngày 16 tháng 10, các nhóm thảo luận theo ngôn ngữ của Thượng Hội Đồng đã công bố bản phúc trình của họ về phần hai của Tài Liệu Làm Việc, chủ biên tập san Letters from the Synod phỏng vấn một số học giả và nhân viên mục vụ về các phúc trình này. Sau đây là nội dung các câu trả lời:



Một nhà thần học Hoa Kỳ:
Một số yêu cầu nhất quán đáng chú ý trong các nhóm nhỏ:

Thứ nhất, sự cần thiết phải có một cách tiếp cận thần học đúng đắn và sâu sắc có thể vượt quá “cách tiếp cận qui nhân chủng học” (Nhóm nói tiếng Pháp C).

Mặc dù nhóm A nói tiếng Tây Ban Nha chỉ trích Tài Liệu Làm Việc vì “yếu và rất giáo điều”, các nhóm khác kêu gọi phải có một cách tiếp cận qui Kitô và thậm chí qui Tam Vị một cách minh nhiên hơn (đặc biệt là nhóm D nói tiếng Anh, nhưng cả ba nhóm nói tiếng Pháp và nhóm B nói tiếng Ý). Nhóm D nói tiếng Anh phát biểu một cách đẹp đẽ và gắn bó, “Chúa Giêsu này, Ngôi Lời thành xác phàm này, là khuôn mẫu qua đó người trẻ ngày nay phải hiểu các cuộc đấu tranh, niềm vui và khát vọng của họ. Khi họ nhìn toàn bộ cuộc sống dưới ánh sáng Chúa Kitô, họ sẽ đánh giá cao sự kiện này: họ được mời gọi yêu thương và nên thánh trước hết”.

Thứ hai, nhiều nhóm cũng kêu gọi phải nhấn mạnh nhiều hơn tới cộng đồng, Giáo hội và các bí tích, tương phản với những nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân. Trong khi nhóm B nói tiếng Anh, với Hồng Y Cupich làm chủ tịch, chỉ đề cập đến Giáo Hội trong hai câu cuối cùng của phúc trình, các nhóm khác minh nhiên hơn về các chiều kích giáo hội và bí tích của đời sống Kitô hữu. Nhóm A nói tiếng Pháp, chẳng hạn, chỉ trích Tài Liệu Làm Việc tập chú quá hẹp hòi vào chiều kích bản thân của việc đồng hành, đến coi nhẹ vai trò của các gia đình và các nhóm tuổi trẻ trong việc giúp cho đức tin phát triển. Nhóm A nói tiếng Pháp cũng lưu ý tầm quan trọng trong việc đồng hành biết nhấn mạnh đến cộng đồng hơn là “phương pháp” hay kỹ thuật. Đức tin phát triển trong đời sống cộng đồng, trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong đời sống bí tích (đặc biệt là Thánh Thể và Hòa Giải). Nhóm kết luận: “Đồng hành chỉ là một yếu tố của hành trình đức tin, một hành trình không thể thực hiện nếu không thực hành bí tích và không thuộc về một cộng đồng giáo hội”.

Thứ ba, nhu cầu bức thiết phải có việc đào tạo nhiều hơn không những cho người trẻ và và người trưởng thành trẻ, mà còn cho cả những người lớn hướng dẫn họ và dìu dắt họ nữa. Nhóm B nói tiếng Tây Ban Nha làm nổi bật tầm quan trọng của im lặng trong việc biện phân ơn gọi. Nhóm B nói tiếng Pháp cũng lưu ý một cách hữu ích rằng hồng phúc linh hướng và biện phân không chỉ được ban cho các giáo sĩ mà còn cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống; chẳng hạn, hãy nghĩ tới vai trò có tính quyết định mà người giáo dân và thợ may độc thân người Ba Lan, Jan Tyranowski, đã đóng trong việc đào tạo thiêng liêng và biện phân ơn gọi của Karol Wojtyła lúc còn trẻ tuổi.

Các điểm đặc thù đáng lưu ý: Nhóm B nói tiếng Ý đưa ra những điểm đáng quan tâm về nền nhân thần học trong Tài Liệu Làm Việc. Một cách rất hữu ích - và hầu như độc đáo – nhóm cảnh cáo chống lại quan điểm “lạc quan quá mức” của Tài Liệu Làm Việc về tuổi trẻ (và nhân loại nói chung). Nhóm nhắc nhở chúng ta rằng, sau Cơn Sa Ngã, bản chất con người bị thương tổn, việc “tự lấy mình làm đủ” là điều không thể có, ta cần đến ơn thánh. Một cách cảm động và thực tiễn, nhóm quả quyết rằng mọi tín hữu – người trẻ cũng như người đồng hành lớn tuổi của họ đều là “những người tội lỗi được tha thứ” và “tự do đích thực luôn là một 'tự do' được ban cho, nối kết với sự giúp đỡ của ơn thánh Chúa”. Cuối cùng, nhóm này còn nói, một cách tuy vắn tắt nhưng mạnh mẽ, rằng Thượng Hội Đồng phải nói về Đấng Kitô bị đóng đinh và lời kêu gọi theo chân Chúa Kitô trên đường Thập Giá của Người; một nhắc nhở như vậy là một điều "cần thiết".

Nhóm B nói tiếng Tây Ban Nha nhấn mạnh bản chất “thế tục” hay “thế gian” đúng nghĩa của ơn gọi giáo dân. Nhóm lưu ý rằng các thừa tác vụ giáo dân có chỗ đứng thích đáng của chúng, nhưng đại đa số hàng ngũ giáo dân được kêu gọi sống đời sống Kitô hữu của họ và truyền giảng Tin Mừng “ở giữa thế gian và xã hội.” “Thế tục” không phải là một giải an ủi cho những người không được gọi bước vào các thừa tác vụ "giáo hội".

Nhóm C nói tiếng Anh trình bày một “kim tự tháp ơn gọi” mới lạ và có giá trị, tức là việc di chuyển từ nhận thức mình được yêu thương vì tính dễ bị tổn thương của mình qua việc được “kêu gọi nên thánh”, qua “các ơn gọi hiện hữu” [như đời sống thánh hiến, hôn nhân, thừa tác vụ thụ phong, sống một mình], qua “các ơn gọi hành động"[việc làm, đời sống chuyên nghiệp]. Cách tiếp cận này có thể giúp chống lại các khuynh hướng đặc biệt có tính Tây phương là duy hành động (activism) và hạ giá tính tiếp nhận (receptivity) và chiêm niệm, khi nhóm nhắc chúng ta nhớ bản sắc căn bản của chúng ta là các tạo vật yêu quý của Thiên Chúa.

Nhóm B nói tiếng Pháp nêu bật sự kiện Tài Liệu Làm Việc đề cập đến việc Thiên Chúa nhận chúng ta làm con cái, và yêu cầu tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng dành một đề xuất cho việc này. Tư cách làm con trai con gái Thiên Chúa như vậy trong Chúa Con chính là “mục tiêu chính” của đời sống và ơn gọi của Kitô hữu. Một cách nghịch lý, phần lớn chúng ta là người lớn mới thực sự là con trai con gái của Chúa Cha.

Cuối cùng, Nhóm D nói tiếng Anh đưa ra tuyên bố rất sâu sắc rằng “nhiệm vụ lớn nhất” của những người dìu dắt tâm linh ngày nay là “khuấy động lòng khao khát thánh thiện đó đối với Thiên Chúa, làm cho người trẻ bất ổn [uncomfortable] nhiều hơn chứ không ít hơn”. Thượng Hội Đồng phải thực sự vinh danh cả người trẻ lẫn người trưởng thành trẻ bằng cách khẳng định phẩm giá Thiên Chúa ban cho họ và bằng cách từ chối không chiều theo thị hiếu của họ. Một sự từ chối như vậy thậm chí có cái lợi là làm cho chính các nghị phụ Thượng Hội Đồng trở nên “bất ổn hơn” khi theo ơn gọi của mình.

Một linh mục mới thụ phong:

Trong số các nhóm nói tiếng Anh, Nhóm D một lần nữa là nhóm đáng lưu ý, sâu sắc và quan trọng nhất.

Một vài nhận xét: Có vẻ như các vị tham gia nhóm muốn thúc giục việc sử dụng Sách Thánh một cách mạnh mẽ hơn trong tài liệu cuối cùng, đó là một điều tốt (câu truyện Emmaus, Người Thanh NIên Giầu Có, Gioan 1, Samuel / Eli, vv). “Đồng hành” và lương tâm xem ra là các vấn đề được mọi người nói về nhưng không biết phải làm gì với nó. Vì những thất thường tồn tại liên quan đến lương tâm, nên tài liệu cuối cùng nên tránh nói quá nhiều đến nó. Điều này có thể trở thành cửa sổ mơ hồ qua đó tất cả các loại đề xuất kỳ lạ được xác nhận.

Nhóm cho rằng đã có một sự thiếu đánh giá đáng tiếc về tình bạn, trong khi tình bạn là điều rất quan hệ cho cả người trẻ nói chung lẫn để trả lời những lời chỉ trích giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề tính dục. "Các quy tắc" của Kitô giáo về việc phát biểu tính dục thực sự là các khẳng định về giá trị của tình bạn, một sự kiện hoàn toàn bị đánh mất trong nền văn hóa siêu tính dục của phương Tây. Cuối cùng, miễn là Thượng Hội Đồng tránh được các lầm lỡ chính trong cái hiểu của mình về nhân học, tài liệu cuối cùng nên được chấp nhận.

Một nhà thần học người Mỹ khác:

Khó khăn chính đối với các suy nghĩ của Nhóm nói tiếng Đức là họ quá qui nhân (anthopocentric).

Trong đoạn 1 [phúc trình của họ], các nghị phụ nói tiếng Đức viết: “Chúng tôi củng cố chữ ‘có’ nền tảng của chúng tôi đối với thế giới hiện tại (vorfindlichen) và là một thế giới ngày càng có tính thế tục - và mọi điều được thế giới này sẵn sàng cung cấp cho chúng ta, cả điều tốt lẫn điều thách thức”. Xét vì nhiều khó khăn được Tài Liệu Làm Việc liệt kê về các khía cạnh tiêu cực của cuộc sống trên thế giới đối với giới trẻ ngày nay, nên không cần phải tấn công quan điểm của họ. Hơn nữa, về phương diện thần học, quan điểm này có vấn đề: Kitô hữu vốn không có định hướng cơ bản hướng về thế giới (và đặc biệt là về thế giới thế tục), nhưng hướng về Thiên Chúa.

Trong đoạn 3, các ngài viết: “Chúng tôi trước nhất là những người nghe chứ không phải là những người đã biết.” Ai là “chúng tôi”? “Chúng tôi” phải chăng là huấn quyền của Giáo Hội? Nếu vậy, những người nghe trước nhất cũng là những người có trách nhiệm rao giảng (xem Dt 10:14).

“Chúng tôi cũng muốn xác định rằng mọi ý thức về ơn gọi và đồng hành đều liên quan đến các mong muốn, kế hoạch, hy vọng và niềm đam mê của giới trẻ, mà còn cả sự lo lắng, sợ hãi và không chắc chắn của họ nữa. Là những người cao tuổi, chúng ta muốn chống lại cơn cám dỗ cho rằng chúng ta biết mọi điều về việc cuộc sống của người trẻ nên diễn biến ra ra sao và một cuộc sống thành công phải nên như thế nào. Chúng ta, thậm chí, còn muốn trở thành những người thấy mới (neu Wahrnehmende) và những người nghe mới (neu Hinschauende) cùng với họ hơn nữa”. Đoạn này, cùng với đoạn tiếp theo, dường như đi xa hơn việc chiều theo thị hiếu của người trẻ; nó gần như có tính ký sinh trong nỗ lực trải nghiệm cuộc sống thay cho người trẻ. Hãy xem đoạn 4: “Chúng tôi muốn biết nhịp tim của họ và thông qua đó trở thành người đồng lắng nghe sự thúc đẩy yên tĩnh của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. . . ”. Đoạn văn này rất đáng lo ngại. Dù việc đồng hành với người khác trong việc biện phân chắc chắn có công phúc, nhưng cách mô tả này xem ra vi phạm quyền tự do của người biện phân theo cách mãn nhãn (voyeuristic).

Nhóm nói tiếng Đức, ít nhất đánh giá theo phúc trình này, xem ra cũng đã thay thế sự hiểu biết lâu đời của Giáo Hội về ơn gọi bằng sự nhấn mạnh đến cá nhân tính: “Chúng ta muốn tăng độ nhạy cảm giải thích của chúng ta một lần nữa với họ và cũng học hỏi từ họ, bởi vì mỗi người là một cá nhân không thể thay thế được Thiên Chúa kêu gọi một cách độc đáo. Chúng ta muốn đồng hành với họ và cung ứng từ chính kinh nghiệm già dặn hơn của chúng ta về cuộc sống".

Hệ luận ở đây là: Mỗi con người đều độc đáo đến mức ta không thể dạy được họ, thay vào đó, “chân lí” của họ phải được cảm nghiệm. Tương tự như thế, ta không thể dạy được các người lớn tuổi; họ chỉ có thể chia sẻ “trải nghiệm” của họ với những người trẻ hơn. Tiếng nói của Thiên Chúa dường như được cân bằng với chính mình: “Bằng cách lắng nghe thần trí của Thiên Chúa ngỏ cùng người trẻ và lắng nghe nhịp tim của chính chúng ta…” Vai trò của Giáo Hội chủ yếu là hỏi để gợi ý (maieutic): “chúng ta muốn là những người phiên dịch và nữ hộ sinh sự sống của Thiên Chúa cho họ và với họ”. Xem ra người trẻ đã sở hữu tất cả những gì họ cần có trong họ và Giáo Hội chỉ cần rút những điều này ra. Cuối cùng, không nơi nào các nghị phụ nói tiếng Đức chịu thảo luận về những gì Thiên Chúa muốn nơi Giáo Hội hoặc nơi người trẻ.

Trong đoạn 7, Nhóm nói tiếng Đức nhấn mạnh rằng ơn gọi không phải là “biến cố xẩy ra một lần rồi đóng lại”. Và ơn gọi đó không phải là “một kế hoạch cố định đặc biệt của Thiên Chúa, mà như một con đường hướng tới một tự do và cống hiến lớn hơn. . . Cảm thức về lời kêu gọi này sẽ lớn dần và sâu sắc thêm nhờ việc cụ thể tự để mình đón nhận thực tại”. Các ngài không xác định tự do này hướng tới điều gì, hoặc sự cống hiến này hệ ở việc gì. Hơn nữa, mặc dù có nhắc đến việc phải phụng sự Chúa Giêsu Kitô ngoài môi ngoài mép, như một cách có thể lớn lên trong tự do nhiều hơn, nhìn chung, ơn gọi xem ra chỉ là một hành trình tự khám phá ra mình kiểu của triết gia Heidegger hơn là lời kêu gọi của Thiên Chúa Quan Phòng.

Điều thiếu hẳn là cái hiểu căn bản về ơn gọi, coi nó, từ nền tảng, là chuyện về tình yêu - tức là, làm thế nào chúng ta có thể yêu mến Chúa cách tốt nhất? Giáo Hội đã luôn luôn chủ trương rằng ơn gọi của một con người là con đường mà Đấng Thiên Chúa yêu thương đã sắp xếp cho chúng ta từ cõi đời đời như là cách tốt nhất để yêu Người, yêu người khác, và đạt tới cùng đích siêu nhiên của chúng ta. Nếu ơn gọi, theo truyền thống, được hiểu chủ yếu theo các lời khuyên của Tin Mừng, thì là vì những lời khuyên này là phương tiện đạt được sự hoàn thiện trong tình yêu. Hôn nhân Kitô giáo, vốn được đặt cơ sở trên tinh thần các lời khuyên này, mặc dù không theo nghĩa đen, cũng là một phương tiện đạt cùng sự hoàn thiện theo Tin Mừng này. Nhóm nói tiếng Đức dường như muốn đưa ra một mô tả về ơn gọi, đặt cơ sở chủ yếu trong mong muốn cá nhân. Nếu vậy, đây không phải là cái hiểu của Giáo Hội về ơn gọi; nó là cái hiểu của thế gian.

Cuối cùng, một tu sĩ trẻ:

Tôi tin chính Pascal, khi viết cho các tu sĩ Dòng Tên, đã nói tới điều bây giờ thường được coi là, "Đáng lý ra tôi phải viết một lá thư ngắn hơn, nhưng tôi không có thì giờ". Lối văn xuôi nhồi nhét (giống lối văn của Tài Liệu Làm Việc) trong khung cảnh Giáo Hội, sau đó được các nhóm nhỏ thảo luận, một cách đặc trưng sẽ báo hiệu một trong hai điều: làm cho bối rối (obfuscation) hoặc chỉ là chuyện tầm phào (banality). Nếu các phúc trình từ các nhóm nhỏ là một dấu chỉ nào đó, thì Thượng Hội Đồng (hoặc ít nhất một ít phần của nó) bị ảnh hưởng bởi cả hai. Làm cho bối rối, theo nghĩa không ai thực sự biết tài liệu làm việc muốn nói gì; và chuyện tầm phào, theo nghĩa: bất cứ bản văn muốn nói gì, nó cũng nói điều đó một cách không có gì đặc biệt và không gợi được bất cứ hứng thú nào đến độ trở thành vô dụng.

Nếu có được một tuyên bố ngắn gọn hơn, súc tích hơn, do đó rõ ràng hơn, để hướng dẫn việc làm của Thượng Hội Đồng, thì các nhóm nhỏ rất có thể đã thực tiễn hơn và hướng tới một công bố với sự táo bạo của Tin Mừng nhiều hơn. Đấy chính là hiệu quả gây bối rối của Tài Liệu Làm Việc, và do đó việc làm của Thượng Hội Đồng rất thường kết cục ở chỗ đọc đi đọc lại một cách buồn nản lời phát biểu vô vị về ơn gọi, biện phân, đồng hành, giới trẻ, v.v. Các nhóm nhỏ dường như đang soạn thảo một tài liệu cuối cùng nhưng nói rất ít, và khi nói ít như thế, có nguy cơ để các nhà soạn thảo các tông huấn sau này hoặc các tuyên bố chính thức tương tự muốn nói gì thì nói. Điều đó nên khiến mọi người dừng lại để suy nghĩ cẩn thận hơn.

Viết theo Xavier Rynne II, Letters from the Synod no. 12, 18 Oct 2018