Căn tính Kitô giáo và việc nhập cư Hồi Giáo có liên quan không? Cuộc tranh luận rộng lớn hơn ở châu Âu

Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew về Tây Âu được tiến hành vào mùa xuân và mùa hè năm 2017, sau hai năm cao nhất các đơn xin tạm trú được ghi nhận. Một số học giả và nhà bình luận đã khẳng định rằng làn sóng người tị nạn, bao gồm nhiều người từ các quốc gia đa số theo Hồi giáo, đang thúc đẩy một sự hồi sinh của căn tính Kitô giáo. Rogers Brubaker, một giáo sư xã hội học ở UCLA (Đại Học California ở Los Angeles), gọi đây là một Kitô giáo phản ứng (reactive), trong đó người châu Âu có tinh thần thế tục cao đang nhìn vào những người mới nhập cư mà nói đại khái rằng: “Nếu 'họ' là người Hồi giáo, thì theo một nghĩa nào đó 'chúng ta' phải là người Kitô giáo.”

Cuộc thăm dò - một loại hình ảnh chụp nhanh đúng lúc - không thể chứng minh rằng căn tính Kitô giáo hiện đang lớn lên ở Tây Âu sau nhiều thập niên bị thế tục hóa. Cũng không thể chứng minh (hoặc bác bỏ) lời quả quyết rằng nếu căn tính Kitô giáo đang lớn lên, thì lý do chính là việc nhập cư của những người không phải Kitô hữu.

Nhưng cuộc thăm dò có thể giúp trả lời câu hỏi: đâu là bản chất của căn tính Kitô giáo ở Tây Âu ngày nay, nhất là ở nơi phần lớn dân số tự nhận mình là Kitô hữu nhưng không thường xuyên đi nhà thờ? Như đã được giải thích chi tiết hơn suốt trong tường trình này, các phát hiện gợi ý điều này: câu trả lời một phần là vấn đề niềm tin tôn giáo, một phần là thái độ đối với vai trò của tôn giáo trong xã hội và một phần là quan điểm về căn tính quốc gia, người nhập cư và các nhóm tôn giáo thiểu số.

Sự hội tụ của các nhân tố này có thể không gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát gần gũi với nền chính trị châu Âu. Olivier Roy, một nhà khoa học chính trị người Pháp nghiên cứu cả Hồi giáo lẫn vấn đề thế tục hóa, viết rằng, “Nếu căn tính Kitô giáo của châu Âu đã trở thành một vấn đề, thì chính vì Kitô giáo như một đức tin và các thực hành đã phai nhạt dần nhường chỗ một dấu mốc văn hóa càng ngày càng trở thành dấu mốc tân sắc tộc (châu Âu ‘đích thực’ chọi lại 'di dân')”.

Một số nhà bình luận đã bày tỏ nhiều nghi ngại mạnh mẽ đối với việc quảng bá căn tính "văn hóa" Kitô giáo ở châu Âu, coi nó phần lớn bị lèo lái bởi sợ hãi và hiểu lầm. Trong “bối cảnh hiện tại của mức độ sợ hãi và thù địch cao đối với người Hồi giáo”, Tariq Modood, giáo sư xã hội học, chính trị và chính sách công tại Đại học Bristol ở Anh, cho biết các nỗ lực phát triển Kitô giáo văn hóa như một “ý thức hệ chống Hồi giáo” vừa là một thách thức đối với tính đa nguyên và bình đẳng, vừa là "một nguy cơ đối với nền dân chủ".

Những người khác coi tiềm năng hồi sinh của Kitô giáo ở Tây Âu như một thành lũy chống chủ nghĩa cực đoan. Trong khi tự gọi mình là "một người vô thần hết thuốc chữa", nhà sử học người Anh Niall Ferguson nói, trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, rằng "Kitô giáo có tổ chức, cả về phương diện tuân giữ lẫn về phương diện đức tin, đã xuống dốc thê thảm ở châu Âu vào các thập niên 1970, 1980," để lại các xã hội châu Âu không có "đề kháng tôn giáo" đối với các ý tưởng cực đoan. Ferguson nói rằng "Trong một xã hội thế tục, nơi không ai tin vào bất cứ điều gì nhiều lắm ngoại trừ việc mua sắm tiếp theo, quả thực khá dễ tuyển được người cho các chủ trương cực đoan, độc thần".

Nhưng không phải ai cũng đồng ý về tác động của di dân. Tác giả và giảng viên người Anh Ronan McCrea cho rằng di dân Hồi giáo đang làm cho châu Âu trở nên thế tục hơn, chứ không kém. Ông viết "Trước đây, nhiều người tuy không đặc biệt tôn giáo đã bằng lòng tự mô tả mình là Kitô hữu trên các cơ sở văn hóa. Nhưng khi tôn giáo và căn tính quốc gia bắt đầu dần dần tách biệt nhau, thì căn tính tôn giáo trở thành một vấn đề về ý thức hệ và niềm tin hơn là về thành viên của một cộng đồng quốc gia. Điều này đã khuyến khích những người không phải là tín hữu thực sự ra khỏi căn tính Kitô giáo chiểu danh (nominal) để bước sang một căn tính rõ ràng phi tôn giáo hơn”.

Ở Tây Âu, tôn giáo được liên kết chặt chẽ với tình cảm duy quốc gia

Trình độ duy quốc gia nói chung thay đổi rất nhiều tại Tây Âu (3). Thí dụ, có những khối đa số ở một số nước (như Ý và Bồ Đào Nha) và ít hơn một nửa ở các nước khác (như Thụy Điển và Đan Mạch) nói rằng điều quan trọng là phải có các tổ tiên phát xuất từ đất nước họ mới thực sự chia sẻ được căn tính quốc gia (ví dụ, phải có tổ tiên người Đan Mạch mới thực sự là người Đan Mạch).

Bên trong các quốc gia, các Kitô hữu không thực hành đạo ít có xác suất hơn các Kitô hữu đi nhà thờ trong việc nói rằng tổ tiên là chìa khóa đối với căn tính quốc gia. Và những người không thống thuộc tôn giáo thì ít có xác suất bằng các Kitô hữu cả thực hành lẫn không thực hành đạo trong việc nói điều này.

Thí dụ, ở Pháp, gần ba phần tư số Kitô hữu đi nhà thờ (72%) nói rằng điều quan trọng là phải có tổ tiên người Pháp mới “thực sự là người Pháp”. Trong số các Kitô hữu không thực hành đạo, 52% có chủ trương này, nhưng vẫn còn cao hơn 43% người Pháp trưởng thành không thống thuộc tôn giáo vốn nói rằng có bối cảnh gia đình Pháp là điều quan trọng để thực sự là người Pháp.



Cả các Kitô hữu không thực hành lẫn thực hành đạo đều có xác suất hơn người “nones” trong việc đồng ý với lời tuyên bố: “Nhân dân của chúng tôi không hoàn hảo, nhưng văn hóa của chúng tôi vượt trội hơn những nền văn hóa khác.” Và cuộc phân tích thống kê bổ sung cho thấy điều này đúng cả sau khi đã kiểm soát tuổi tác, giới tính, giáo dục, tư tưởng chính trị và các yếu tố khác.



Nói cách khác, các Kitô hữu nói chung ở Tây Âu có khuynh hướng thể hiện mức độ cao hơn về tình cảm quốc gia. Khuôn mẫu tổng thể này không bị thúc đẩy bởi các cảm quan duy quốc gia nơi các Kitô hữu có lòng đạo cao mà thôi hay nơi các Kitô hữu không thực hành đạo mà thôi. Đúng hơn, ở tất cả các cấp độ tuân giữ tôn giáo, những quan điểm này phổ biến hơn là nơi các Kitô hữu không thống thuộc tôn giáo ở châu Âu.

Nói chung, cuộc thăm dò đã hỏi hơn 20 câu hỏi về các yếu tố có thể có của chủ nghĩa duy quốc gia, các cảm quan tự tôn về văn hóa, các thái độ đối với người Do Thái giáo và người Hồi giáo, các quan điểm về người nhập cư từ các vùng khác nhau trên thế giới và mức độ nhập cư tổng thể. Nhiều quan điểm trong số này có tương quan cao với nhau. (Thí dụ, những người bày tỏ các thái độ tiêu cực đối với người Hồi giáo và người Do thái giáo cũng có nhiều xác suất thể hiện thái độ tiêu cực đối với người nhập cư, và ngược lại). Kết quả là, các nhà nghiên cứu có thể kết hợp 22 câu hỏi riêng lẻ thành một thước đo đo sự thịnh hành của tình cảm chống nhập cư và chống thiểu số ở mỗi quốc gia và tiến hành cuộc phân tích thống kê bổ sung các nhân tố liên quan đến các tình cảm này ở Tây Âu ngày nay. Để biết các chi tiết của cuộc phân tích này, xin xem Chương 1.

Hôn nhân đồng tính, phá thai được các Kitô hữu không thực hành đạo chấp nhận rộng rãi

Đại đa số các Kitô hữu không thực hành đạo và những người lớn không thống thuộc tôn giáo khắp Tây Âu ủng hộ việc phá thai hợp pháp và hôn nhân đồng tính. Ở một số nước, không có nhiều khác biệt về những vấn đề này giữa thái độ của các Kitô hữu hiếm khi đi nhà thờ và những người lớn không thống thuộc bất cứ tôn giáo nào.

Mặt khác, ở mọi nước được thăm dò, các Kitô hữu đi nhà thờ bảo thủ cách đáng kể hơn cả các Kitô hữu không thực hành đạo và những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo về các vấn đề phá thai và hôn nhân đồng tính.

Giáo dục gây ảnh hưởng mạnh trên các thái độ đối với cả hai vấn đề: Những người trả lời có giáo dục đại học thường có xác suất cao hơn những người ít học vấn hơn trong việc ủng hộ phá thai hợp pháp và hôn nhân đồng tính. Nói chung, phụ nữ có nhiều xác suất hơn nam giới trong việc ủng hộ hôn nhân đồng tính hợp pháp, nhưng thái độ của họ phần lớn tương tự về việc phá thai.



Tóm lại: Các Kitô hữu không thực hành đạo giống những người ‘nones’ về những vấn đề gì? Và ho tương tự các Kitô hữu đi nhà thờ về các biện pháp nào?

Trong khi các quan điểm tôn giáo, chính trị và văn hóa của các Kitô hữu không thực hành ở Tây Âu thường khác biệt với những quan điểm của các Kitô hữu đi nhà thờ và những người không thống thuộc tôn giáo (“nones”), về một số vấn đề, các Kitô hữu không thực hành đạo giống các Kitô hữu đi nhà thờ, nhưng trong một số vấn đề khác, họ phần lớn đứng chung hàng với những người "nones".

Các niềm tin và thái độ tôn giáo đối với các định chế tôn giáo là hai lĩnh vực tương đồng rộng rãi giữa các Kitô hữu không thực hành và các Kitô hữu thực hành đạo. Hầu hết các Kitô hữu không thực hành đạo nói rằng họ tin vào Thiên Chúa hoặc một quyền năng cao hơn, và nhiều người nghĩ rằng các giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác đóng góp tích cực cho xã hội. Trong những khía cạnh này, quan điểm của họ tương tự như quan điểm của các Kitô hữu đi nhà thờ.

Mặt khác, phá thai, hôn nhân đồng tính và vai trò của tôn giáo trong chính phủ là ba lĩnh vực mà thái độ của các Kitô hữu không thực hành khá giống với những người không thống thuộc tôn giáo (“nones”). Nhiều nhóm rõ ràng đa số trong cả các Kitô hữu không thực hành lẫn những người “nones” nói; họ nghĩ rằng phá thai nên được hợp pháp trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp và những người đồng tính nam và đồng tính nữ nên được phép kết hôn hợp pháp. Ngoài ra, hầu hết các Kitô hữu không thực hành, cùng với đại đa số người “nones", nói tôn giáo nên đứng ngoài các chính sách của chính phủ.

Khi được hỏi liệu điều quan trọng có phải là được sinh ra ở đất nước của họ, hoặc có bối cảnh gia đình ở đó, để thực sự chia sẻ căn tính quốc gia (như, phải có tổ tiên Tây Ban Nha, mới thực sự là người Tây Ban Nha), các Kitô hữu không thực hành thường ở đâu đó giữa những người không thống thuộc tôn giáo và các Kitô hữu đi nhà thờ, những người có khuynh hướng liên kết nơi sinh và tổ tiên với căn tính quốc gia.

Nhiều người trong cả ba nhóm bác bỏ những câu phát biểu tiêu cực về người nhập cư và các nhóm thiểu số tôn giáo. Nhưng các Kitô hữu không thực hành và các Kitô hữu đi nhà thờ, nói chung, thường có nhiều xác suất hơn những người “nones” trong việc ủng hộ mức nhập cư thấp hơn, phát biểu các quan điểm tiêu cực đối với người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi hậu Sahara, và đồng ý với những phát biểu tiêu cực về người Hồi giáo và Người Do Thái giáo như, "Trong lòng họ, người Hồi giáo muốn áp đặt luật tôn giáo của họ lên mọi người khác" hoặc "người Do thái giáo luôn theo đuổi lợi ích riêng của họ chứ không phải lợi ích của đất nước họ sống." (Muốn có sự phân tích sâu hơn về những vấn đề này, xin xem Chương 1.)

Nhìn chung, cuộc thăm dò cho thấy một liên kết mạnh mẽ giữa căn tính Kitô giáo và các thái độ duy quốc gia (nationalist), cũng như các quan điểm về các nhóm thiểu số tôn giáo và vấn đề nhập cư, và một liên kết yếu hơn giữa cam kết tôn giáo và các quan điểm này. Phát hiện này có giá trị bất kể cam kết tôn giáo nơi các Kitô hữu được đo lường bằng việc tham dự vào nhà thờ mà thôi hay sử dụng một thang điểm (scale) biết kết hợp việc tham dự này với ba yếu tố khác: niềm tin vào Thiên Chúa, việc năng cầu nguyện và sự quan trọng của tôn giáo trong đời sống một người (đọc Chương 3 để xem cuộc phân tích chi tiết về thang đo cam kết tôn giáo.)

Kỳ sau: Việc giữ đạo và các thái độ đối với các nhóm thiểu số nơi người Công Giáo và Thệ Phản ở Tây Âu