Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hôm 16 tháng Tư ở Thổ Nhĩ Kỳ hầu như không đáng ngạc nhiên, ngoại trừ điều này: Mặc dù, tổng thống Erdoğan đã đóng cửa hầu hết các phương tiện truyền thông đối lập, ông ta chỉ thắng lớn ở các vùng nông thôn và các khu vực đậm nét Hồi Giáo của Thổ Nhĩ Kỳ, và đã thất bại ở tất cả các thành phố lớn và ở khu vực người Kurd.

Ông Erdoğan đã thực hiện một cuộc vận động rất mạnh trong số những người theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi tại Thổ Nhĩ Kỳ, là một lực lượng luôn luôn rất mạnh tại nước này; nhưng chiến thắng 51.4%, là một sự thất vọng đối với Erdoğan. Cay cú, Erdoğan, loan báo quyết tâm lập lại án tử hình, và nhiều người trong số những ai đã dám bỏ phiếu chống có lẽ sẽ có một tương lai đầy bất trắc.

Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã chuyển Thổ Nhĩ Kỳ từ một nước cộng hòa nghị viện sang một chế độ tổng thống chế. Điều này có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn như Italia nữa, với một hệ thống quyền lực được phân tán trong các cơ quan hiến định khác nhau (thường dẫn tới các chính phủ rất yếu) nhưng sẽ giống như Hoa Kỳ hoặc Pháp. Nhưng không thực sự như thế. Hiến pháp Hoa Kỳ nổi tiếng về việc “kiểm tra và cân bằng”, trong khi cách làm mới của Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ cho thấy quyền lực tập trung ở mức độ đáng chú ý trong tay của một người, là ông Erdoğan.

Rất nhiều nhà bình luận coi đây là cái chết của chế độ dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ chỉ đúng có một nửa thôi. Thổ Nhĩ Kỳ làm gì có chế độ dân chủ để mà chết. Cho đến năm 1950, Thổ Nhĩ Kỳ được điều hành đầu tiên bởi Kemal Ataturk, người sáng lập nước cộng hòa, và sau đó bởi Ismet Inonu, người kế nhiệm ông. Họ đều là những nhà độc tài cách này cách khác. Inonu rời nhiệm sở sau khi thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1950, và Celal Bayar lên thay. Năm 1960, quân đội tiến hành đảo chính, Bayar đã bị bắt cùng với Thủ tướng Adnan Menderes, và sau đó bị kết án tử hình và bị treo cổ. Những thứ lịch sử như thế không thể coi là lịch sử của một nền dân chủ đáng tự hào.

Nhận định cho rằng ông Erdoğan đang giết chết nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ phải được nhìn nhận dưới ánh sáng của thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ thực sự là một chính thể dân chủ thực sự. Vì thế, nó thật đáng ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ có hơn một nửa số cử tri đã lựa chọn chính phủ độc tài. Ở các nước độc tài như Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc.. con số này ít ra phải là 95%.

Với kết quả 51.4%, ta phải vinh danh những người dám bỏ phiếu KHÔNG. Họ dũng cảm bỏ phiếu Không, và họ sẽ phải đau khổ vì điều này trong tương lai.

Người ta có thể mong đợi điều gì nơi chế độ độc tài mới ở Thổ Nhĩ Kỳ? Trong những năm qua nhiều nhà báo đã bị bỏ tù vì đã viết những điều bị nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho là “sai trái”, và một số đã bị giết vì dám nghĩ “những điều sai trái”. Hiện tại có ít nhất 81 nhà báo đang bị tù ở Thổ Nhĩ Kỳ, với nhiều cáo buộc chống nhà nước, khiến Thổ Nhĩ Kỳ là nước dẫn đầu thế giới về việc bắt giam các nhà báo. Và chúng ta đừng quên Hrant Dink, bị sát hại chỉ vì dám dũng cảm đề cập đến vụ diệt chủng người Armenia năm 1915.

Một lần nữa, chúng ta không thể hy vọng có những cải thiện trong thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thiểu số Kitô giáo. Sự hỗ trợ của ông Erdoğan xuất phát chủ yếu từ khu trung tâm Hồi Giáo Anatolia, và đây là một khu vực bài Kitô giáo mạnh nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nơi thỉnh thoảng lại bùng phát các hoạt động chống lại các Kitô hữu, và đáng lo ngại hơn, những hoạt động này thường được sự hỗ trợ bí mật từ chính quyền.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây các quan ngại của thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc theo đó các bồi bút cho chính quyền Erdoğan đã đi quá xa khi vu cáo Giáo Hội Công Giáo với những vai trò đầy huyền thoại trong cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7, 2016. Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính giả do chính Erdoğan dàn dựng để có cớ thu tóm quyền hành.

Sau cuộc đảo chánh hụt này, các phương tiện truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ thi nhau bày tỏ lòng trung thành với tổng thống Erdoğan và đưa ra nhiều cáo buộc chống lại giáo sĩ Hồi Giáo Fethullah Gulen, kể cả các cáo buộc hoang tưởng nhất.

Tờ Cumhuriyet, trong số ra ngày 7 tháng 8, 2016 đã nhắc đến cuộc gặp gỡ vào tháng Hai năm 1998 giữa Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Imam Fethullah Gulen. Bất chấp thực tế Fethullah Gulen là một giáo sĩ cao cấp của Hồi Giáo, ký giả Mine Kirikkanat của tờ này nói rằng ông Fethullah Gulen là một “gián điệp” của Giáo Hội Công Giáo đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore” (không nêu danh tính) và được cài vào Thổ Nhĩ Kỳ trong âm mưu “Kitô Giáo hóa” nước này.

Ông Erdoğan có kỷ lục về việc hăm dọa những người ngoại quốc sống trên đất Thổ, và Kitô hữu thường được đồng hóa với người ngoại quốc trong tâm thức của nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ. Các Kitô hữu ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những người cải đạo, đang ở trong một thời kỳ rất khó khăn với chế độ độc tài mới của Thổ Nhĩ Kỳ.