Trong phiên khoáng đại thứ hai diễn ra vào lúc 5h chiều ngày thứ Hai 6 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục với sự hiện diện của Đức Thánh Cha và 180 nghị phụ đã bàn về chủ đề: “Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình” và “Việc hiểu biết và đón nhận Kinh Thánh và các văn kiện của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình”.

Mở đầu mọi người đã nghe chứng từ của ông bà Ron và Mavis Pirola người Úc, dự thính viên tại Thượng HĐGM này. Ông bà là đồng giám đốc Hội đồng Công Giáo Australia về hôn nhân và gia đình. Họ kể lại kinh nghiệm trong gia đình về việc sống căng thẳng giữa một bên là khẳng định chân lý, và bên kia là sự cảm thông và từ bi. Cụ thể là người con trai của Ông bà Pirola là một người đồng tính luyến ái. Một hôm, người con ấy nói là muốn đưa người bạn trai của anh ta về nhà. Ông bà là người hoàn toàn tin tưởng và chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội, nhưng phải làm sao trước yêu cầu của người con? Ông bà bị giằng co giữa một bên là tôn trọng và chấp nhận chân lý và giáo huấn của Hội Thánh, và bên kia là từ bi yêu thương người con. Ông bà biết rằng các cháu muốn ông bà đón nhận đứa con và bạn trai của anh ta trong gia đình. Vì thế ông bà đã “chấp nhận” thỉnh cầu của người con vì “đó là con chúng tôi!”.

Theo ông bà Ron và Mavis Pirola, điều này có thể là “kiểu mẫu loan báo Tin Mừng cho các giáo xứ khi gặp những hoàn cảnh tương tự”.

Cách đặt vấn đề và cách giải quyết của ông bà Ron và Mavis Pirola đã gây ra xao xuyến và bất mãn cho nhiều người Công Giáo tại Hoa Kỳ, nhất là khi ông bà tự đề cao cách thức giải quyết ấy như “một kiểu mẫu loan báo Tin Mừng”. Do đó, chương trình truyền hình LifeSite News đã có một buổi phỏng vấn với Đức Hồng Y Raymond Burke, nguyên chánh tòa Ân Giải Tối Cao.

Đức Hồng Y Burke đã đồng ý rằng các bậc cha mẹ nên cố gắng hết sức để thể hiện tình yêu của họ đối với người con trai đồng tính của họ. Tuy nhiên, ngài lập luận chống lại việc chấp nhận thỉnh cầu của người con trai muốn gia đình đón nhận người bạn trai của anh ta. Đức Hồng Y giải thích:

“Nếu những mối quan hệ đồng tính luyến ái là những mối quan hệ rối loạn về bản chất, mà thực sự chúng là như vậy - thì việc chào đón một thành viên gia đình cùng với một người khác đang trong quan hệ rối loạn ấy trong một cuộc gặp gỡ gia đình có ý nghĩa gì với con cháu chúng ta?”

Đức Hồng Y nói rằng cha mẹ trong trường hợp này có thể gây ngộ nhận cho con cháu của họ, và gây hại cho họ "bởi thái độ dường như tán đồng một hành vi phạm tội nghiêm trọng của một thành viên trong gia đình."