Chuyện Phiếm Đạo Đời: Lời Ngài đọc trong lễ Mình Máu Chúa năm C 02.6.2013



“Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện,”

Trong lòng và đang tắm máu sông ta!”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Lc 9: 11-17

Hiển hiện ở trong lòng, lại cứ níu kéo hồn ai cả một đời. Hiển hiện ở Mình Thánh, vẫn là tình Chúa được thánh Luca diễn tả ở trình thuật, hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Luca mô tả lễ hội mừng kính Mình Máu Chúa, để mọi người suy tư việc Chúa hiển hiện nơi Thánh Thể. Thật ra, lễ Mình Máu Chúa được cử hành là để nhắc nhở con dân trong Đạo hãy nhìn vào sự việc xảy ra trong quá khứ ngõ hầu còn cảm kích, biết ơn.

Biết ơn, không là hành-xử đơn thuần chỉ nói mỗi lời “cảm ơn”, rồi quên sót. Biết ơn, là biết bỏ giờ ra mà cảm kích những gì mình nhận được là ân huệ Chúa ban. Biết ơn, là cảm nghiệm đầy uy lực đối với mỗi người và mọi người. Cảm nghiệm, đối nghịch với những bất ưng trường kỳ mà nhiều người gặp phải ở đâu đó. Biết ơn, là biết rõ tâm tình mình cảm kích vẫn khác với cách-thế ta biểu lộ, vào mọi ngày. Biểu lộ, vào tiệc thánh cuối năm phụng vụ qua đó Chúa sống lại là vì ta và cho ta nên hãy cảm, biết ơn

Cảm kích biết ơn mầu nhiệm Chúa chết đi và sống lại vì con người, việc này không chỉ mỗi ta là biết làm và cần làm. Chính Chúa cũng làm thế với Cha Ngài, vào mọi lúc. Như Kinh sách có nói:“Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ.” (Mt 26: 27), “Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông và tất cả đều uống chén này.” (Mc 14: 23) Xem như thế, Chúa vẫn cảm kích/biết ơn Cha vì Cha kêu mời Ngài hy sinh mạng sống làm của ăn/thức uống, cho muôn người. Tóm lại, Chúa cảm kích/biết ơn Cha Ngài trong mọi việc, là vì ta.

Cảm kích/biết ơn, là động thái mà người Do thái phải hoàn tất trong mọi việc. Thánh vịnh 107 diễn tả những người trở về từ nơi lưu đày cũng hát vang câu: “Allêluia, họ cảm tạ Yavê, vì Người tốt lành, vì Người miên man vạn đại.”(Tv 107: 1) Cả ngôn sứ Giêrêmia cũng đã nói: “Hãy cảm tạ Giavê các cơ binh vì Người tốt lành, vì ơn Người miên man vạn đại” (Gr 33: 11)

Đọc kỹ bài thương khó về nỗi thống khổ của Chúa, ta hiểu được toàn bộ nỗi nhục hình và cái chết của Chúa là động thái cảm tạ Cha là Đấng làm nên mọi sự được tốt đẹp. Và, việc Chúa trỗi dậy từ cõi chết, cũng là tiếp tục động thái cảm kích/biết ơn Cha đã tỏ bày thánh ý Ngài, qua sống lại. Thế nên, mừng Lễ Mình Máu Chúa, là để ta hoà nhập với Chúa trong cảm kích/biết ơn Cha mà Ngài từng thực hiện suốt một đời. Tiếp như thế, khiến ta trở thành con người đổi mới, rất khác hẳn. Mọi việc trong đời, ta nhờ đó mà cảm kích Chúa đã biến đổi bánh và rượu thành Mình Máu Ngài, ở Tiệc Thánh. Nên, Lễ Mình Máu Chúa là lễ hội đặc trưng, độc đáo để ta có cơ hội mà cảm kích, biết ơn hoài.

Cảm kích/biết ơn cách đặc trưng/đặc thù ở Tiệc Thánh, ta cùng trở thành Thân Mình Chúa, hệt như ta đang thủ vai trò chủ yếu trong vở kịch những 4 màn:

Màn 1, lúc khởi đầu, khi Thần Khí Chúa là là trên mặt nước và thoạt đó có tiếng nói của Giavê Thiên Chúa vẫn cứ bảo: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất". (STK 1: 11) Thần Khí luôn phong phú, hiệu nghiệm là hành động phối hợp giữa Lời và Thần Khí làm nên sự sống ở khắp nơi. Và đó là Lời theo cung cách vũ trụ dâng lời cảm tạ Tạo Hoá.

Màn 2, lúc thần sứ Chúa đến Truyền Tin cho Đức Maria, lại cũng là Thần Khí khi trước khoả lấp mặt nước đã đưa Mẹ đi vào khung trời thụ thai nẩy nở và Lời đã nhập thể làm người. Nơi cung lòng Mẹ, Thần Khí làm cho đất trời nổi lên một sự kiện, là: nhân loại là của Đức Giêsu Kitô. Bằng cách này, Đức Giêsu lại đã dâng lời cảm tạ Cha là Đấng làm nên tất cả, hết mọi sự.

Màn 3, là lễ hội hôm nay có động thái cảm kích/biết ơn cứ mãi tiếp tục. Vị chủ tế đặt tay lên bánh và rượu, tức thì dấu-hiệu Thần Khí bay là là trên trần thế và cả trên Mẹ để rồi tặng ban sự sống cho Chúa. Và khi ấy, vị chủ tế lập lại lời Chúa nói, khi trước: “Này Mình Ta, này Máu Ta!” Cùng lúc ấy, sự sống của Chúa đã trổi vụt lên phía trước; và bằng vào hình thức bánh/rượu, Đức Chúa Phục Sinh đã ở với con dân Ngài. Ngài ở giữa họ, như một hiện diện đích thực chứ không theo cung cách tượng trưng.

Chúa hiện diện nơi Bánh Thánh và Rượu Thánh, không là sự hiện-diện của ký ức ở trong đầu ai đó, mà là hiện diện đích thực của Chúa nơi Tiệc Thánh, dù ta có nghĩ hay không về Ngài. Ngài không hiện hiện chỉ bằng vào hành động như điện thư do ai đó gửi cho chính mình; mà là một hiện diện thực tế có toàn-bộ thực thể Ngài. Lúc chủ tế đọc lời truyền phép biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa, ngay khi ấy đã có đổi thay. Thánh Tôma gọi sự đổi thay này, là phép là tuyệt-kỹ Chúa từng làm. Kinh nghiệm về đổi thay nơi ta, không có gì tương đương với thực thể là thế hết. Nhờ uy lực của Thần Khí và hiệu năng của Lời, thực thể bánh/rượu đã biến thành thực thể sâu thẳm là Đức Kitô. Nếu ai đó lại cứ hỏi: “Làm sao ra được thế?” thì câu trả lời rút từ câu của thần sứ nói với Đức Mẹ: “Với Chúa, không có gì Ngài là không thể!”

Thế nên, Lời Chúa là Lời sáng tạo, hiệu nghiệm. Lời Ngài mang tính-chất sản-sinh. Sinh sản mọi sự. Sản sinh ra Chúa là Đức Kitô. Lời Ngài, là Lời đỡ nâng/vực dậy khiến Ngài trỗi dậy từ cõi chết. Lời Ngài, đã khiến cho điều Ngài nói ra trở thành thực tại rất thật, ngay bây giờ. Bởi thế nên, khi Chúa-là-Lời-mặc-lấy-xác-phàm từng tuyên bố: “Này là Mình Ta” thì đó là lúc Ngài đích thực hiện diện nơi Thánh Thể, vào Tiệc Thánh.

Màn 4, là lúc hiệp thông/rước Chúa sau truyền phép. Khi chủ tế cầu Chúa sai ban Thần khí Ngài đến ngự giữa chúng ta là người tham dự Tiệc Thánh, chính đó là lúc hoa trái thánh thiêng nơi Ngài ở lại mãi, nơi ta. Thần Khí Chúa biến đổi bánh/rượu thành Thân Mình Đức Kitô đã đổi thay tâm can chai đá của ta thành con tim đích thực rất xác thịt. Và khi ấy, ta san sẻ cũng một bánh thánh để nên một trong yêu thương. Vâng. Chính lúc ta nhận lãnh Mình Chúa ở Tiệc Thánh, là lúc động thái hỗn hợp giữa Lời và Thần Khí biến đổi con người của ta thành Thân Mình Chúa. Có như thế, ta mới trở thành trời mới, đất mới, là Mình Chúa.

Xem thế thì, hiệp thông rước Chúa cứ nối dài, là sự việc cho thấy cuộc sống của Đức Chúa Phục Sinh đã tặng ban cho ta và cắm rễ sâu trong tâm can của ta. Sự việc này cứ thế tiếp diễn cho đến ngày Chúa ở trong ta, với ta và mọi người. Bằng động thái ban tặng ân huệ rất thanh thoát, tức sự việc ‘cảm kích, biết ơn”, biến thành Mình Thánh Chúa, mọi người mới có thể chúc tụng vinh danh Cha, rất cả sáng. Khi ấy, Mình Máu Chúa đã thật sự trở nên vĩnh cửu, suốt mọi thời.

Khi cử hành Tiệc Thánh, là ta thực hiện động thái cảm kích/biết ơn ở Nước Trời. Tiệc Thánh ta cử hành là động thái, là lời khởi đầu cho mọi động tác biến đổi thành Thân Mình Chúa. Và, phụng vụ ta cử hành là động thái ta nếm trước Thánh Thể. Và khi ta cử hành Tiệc Thánh như thế, là ta san sẻ sự hiệp thông rất thánh. Là, sờ chạm vào quà tặng yêu thương. Là, làm hết mình để cảm kích/biết ơn như thế mãi đến muôn đời.

Xem như thế, thì Tiệc Thánh không là sự việc của lý trí, rất thông minh. Bởi, với những người chỉ biết đến thông minh trí tuệ, thì đó là chuyện viển vông, vô nghĩa. Tiệc Thánh ta cử hành cũng không là chuyện thơ văn, nghệ thuật. Bởi, người làm nghệ thuật thường có giây phút thấy mình bối rối, khó chịu. Thế nên, nghệ nhân ai cũng chỉ mỗi thế, không mang đủ tính chất rất đẹp của chân-thiện-mỹ, dù là mỹ thuật hay mỹ-nghệ, cũng đều thế.

Tiệc Thánh không hẳn chỉ là chuyện đạo. Với người đạo hạnh, chỉ làm có mỗi thế cũng chưa đủ gọi là đạo hạnh, sốt mến. Vì thế nên, điều đó cho thấy: nếu chỉ trở thành người tu trì như thế thôi cũng chưa hẳn là tu trì, đạo đức. Tiệc Thánh không là ý niệm sáng rõ hoặc lối thờ-cúng ta ấp ủ. Việc này vẫn hơn cả chuyện thờ kính cũng rất nhiều, bởi đó chính là Tình yêu được ban phát, rất ở đây. Bây giờ.

Tình yêu ta nhận lãnh, sẻ san và sống thực, chính là lòng cảm kích, rất biết ơn. Phải chăng đó là hành-xử đầy xa hoa, đắt giá? Có thể là như thế. Bởi lẽ, sống tu đức có thể là hành-xử đầy tính xa xỉ phẩm, nhưng đó là quà tặng Chúa ban cho ta theo cách cũng rộng lượng, đầy xa xỉ. Tuy là thế, quà tặng Ngài phú ban, không một ai thu lại được. Và ta đã quen thế rồi, nên vẫn có quyền được như thế. Và ta không thể sống mà lại không được nhận quà tặng ấy, kể cũng lạ.

Trong cảm nghiệm về những hành-xử đầy cảm kích/biết ơn, ta lại sẽ ngâm nga lời thơ hay rằng:



“Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện,

Trong lòng và đang tắm máu sông ta.”

(Hàn Mặc Tử - Biển Hồn Ta)



“Tắm máu sông ta”, là lối nói của nhà thơ vẫn đắm mình trong Mình Máu Chúa, rất yêu dấu. Và, khi đã tắm bằng ân huệ Mình Máu Thánh rồi, ta cũng cảm kích/biết ơn Đấng tặng ban cho ta Thần Mình Ngài, rất như thế.



Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch
Chuyện Phiếm đọc sau Lễ Mình Máu Chúa Năm C 23-6-2013



“Buồn ơi! Thế nhân là thế,”.

“Sao người yêu vẫn cứ say mê?

Buồn ơi! yêu đương là thế,

Sao tình ta mãi mãi đam mê.”
(Nguyễn Ánh 9 – Buồn Ơi Chào Mi!)



(Ga 20: 19-22)

Chữ nghĩa người đời, làm sao diễn tả được hơn thế, về chuyện buồn? Văn thơ ở đời, đâu nào chuyển tải nổi tâm trạng của bạn hiền mình buồn tình, những hát thêm:



“Buồn ơi! Ta xin chào mi.

Khi người yêu, đã bỏ ta đi.

Buồn ơi! Ta xin chào mi.

Khi tình yêu, chắp cánh bay đi.”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)



Vâng. Thế đó, là tâm tình được người nghệ sĩ trẻ mang tên là Bằng Kiều, diễn tả ý/lời của ai đó, trong buổi nhạc hội mang chủ đề: tiếng hát Bằng Kiều ở Revesby, Sydney tối hôm 10/5/2013.

Nghe Bằng Kiều hát bài “Buồn ơi, chào mi”, bần đạo đây chẳng thấy gì buồn tiếc nỗi niềm của “tình yêu đã chắp cánh bay đi”, nhưng chỉ thấy nghệ sĩ rất không buồn mà chỉ gào thét, mấy câu:



“Người yêu… cho ta niềm đau,

Buồn hỡi!...cho ta quên mau.

Buồn ơi! Hãy đến với ta.

Để quên, chuyện tình xót xa.”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)



Thấy người nghệ sĩ cứ luôn ới gọi: “Buồn ơi! hãy đến với ta, để quên chuyện tình xót xa”, bần đạo cũng chẳng thấy gì buồn bằng nghe “Ông” cháu nội nứt mắt mới chỉ 5 tuổi đầu đã biết lân la gạn hỏi đôi câu tiếng Anh rất ý nghĩa, như sau:



“-Nội à!

-Gì thế cháu?

-Mẹ cháu bảo: Nội buồn bà cố vừa mới chết, đúng không nội?

-Đúng. Già rồi thì phải chết. Nhưng chết là về với Chúa/với Phật, đó cháu à!

-Thế, nội già chưa? Nội cũng sắp chết rồi phải không?

-Đúng đấy! Nội nay cũng già nhưng chưa được chết đâu, cháu ạ.”



Thế đó, thực tế của cuộc đời. Đời người và đời mình, vẫn có những chuyện buồn rất khá sợ. Sợ buồn. Sợ chết. Sợ mất hết niềm vui sống ở đời, rất con người.

Thế nhưng, về tình buồn, mỗi người cảm nghiệm một cách. Có cách nhậm lẹ khi bị người tình hay người đời bỏ bê, ê chề, giống nghệ sĩ. Có trường hợp, con nguời mình lâu nay chìm đắm trong nỗi buồn mất mẹ, mất người thân, lại bị bồi thêm bằng những thông tin cũng khá buồn ở đâu đó, vãn cứ bảo:



“Tuần vừa qua, có tin chị Brenda Heist ở Mỹ từng biến mất, sau khi đưa con đến trường rồi thả xuống trước cổng trường tiểu học ở Pensylvania. Từ đó đến nay, sau 11 năm trời, mới xuất hiện. Mọi người đều tưởng chị bị bắt cóc làm con tin hay sao đó, như kỳ thật chị đã tự ý bỏ trốn biệt, sau khi bị cơ quan an sinh từ chối tài trợ tình trạng của người mẹ đơn chiếc.



Theo lời chị kể với ngành cảnh sát, thì: liền sau đó, buồn quá, chị mới ra công viên/bìa rừng ngồi khóc cho đỡ buồn, bất chợt gặp nhóm người leo núi rủ chị gia nhập cùng leo núi cho bớt buồn. Và trong một thoáng rất nhanh, chị đã theo họ, cố để bớt căng thẳng thần kinh, vì nhiều thứ xảy đến quá nhanh, cũng rất khó.” (x.Tamara Rajakariar, Brenda Heist case reveals increase in mothers who leave their children, MercatorNet 11/5/2013)



Buồn là thế. Nhưng, người người sống ở đời đều có thể giống như ai đó, vẫn cứ bảo: “Buồn ơi! Chào mi.” Bởi, dù buồn đến thế nào đi nữa, thì người buồn cũng đâu nào muốn chào hỏi bất cứ ai. Ngược lại, chỉ thấy cộng thêm vào với nỗi buồn chồng chất khi nhận tiếp một tin tức:



“Dù thấy buồn, và có hơi sững sờ khi nghe tin đó, nhưng tôi định bụng sẽ bỏ qua một bên những tin tức đại loại như thế, và cứ coi đó chỉ là chuyện hãn hữu ít khi thấy. Thế nhưng, đọc bài viết của Peggy Drexler là Phó Giáo sư Tâm lý thuộc đại học Cornell, Hoa Kỳ đồng thời là tác giả của loạt bài mang tên “Our Fathers, Ourselves: Daughters, Fathers and the changing American Family, tạm dịch là “Người Cha của ta, và ta nữa, những người con gái và người Cha và Gia đình ở Mỹ đang đổi thay”, thì đây lại là khuynh hướng rất đáng báo động. Phó Giáo sư này, từng công nhận rằng: con số các bà mẹ đơn chiếc bỏ rơi con cái để đi hoang như thế, trước đây, cũng không nhiều. Nhưng, nay thì con số các bà mẹ như thế lại đã thoát ly gia đình đầy ràng buộc, và con số này đang gia tăng ở mức đáng kể. Nội ở Hoa Kỳ mà thôi, con số những người cha đơn côi lại đã tăng lên gấp ba lần kể từ năm 1982 cho đến 2011. Dù muốn dù không, nay cũng thấy nhiều nhóm hội/đoàn thể đã hỗ trợ các bà mẹ chọn bỏ rơi gia đình lại, bất kể con của mình còn nhỏ tuổi không thể sống không có mẹ.” (Xem Tamara Rajakariar, bđd)



Nếu bảo rằng: khi buồn bực, người nào cũng có thể và rất dễ làm bất cứ sự gì dù không thiết thực hoặc không phải phép. Trái lại, có nhiều vị tuy không buồn là mấy, nhưng vẫn có thể mang nặng trong đầu những suy tư buồn chán đến độ cứ ngâm nga những lời ca vô nghĩa hoặc thiếu thực tế, như:



Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình

Thì trên con đường đời ta có mi,

Buồn ơi!”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)



Buồn là gì, mà sao anh/sao chị cứ ới gọi mãi lại còn ủ rũ người ra như thế? Buồn tình hay buồn đời, buồn chán người đời đâu có là thực thể hay thực tế cuộc đời đâu mà nhiều vị lại cứ tìm đến nói rồi níu và kéo! Níu và kéo, đến độ đôi khi còn dài dòng tâm sự như lời kể lể của một vị khác cũng từng nói:



“Trong mấy ngày qua, các tin tức giật gân về chuyện 3 nữ phụ nọ bị bắt cóc biệt tích đến mươi năm vào những năm 202, hay 2004 gì đó, ở Cleveland bang Ohio Hoa Kỳ, đã khiến một số người vội mừng vì đã kịp thời phát kẻ chủ mưu. Riêng tôi, tôi không thấy có gì để mừng về chuyện phát hiện kẻ chủ mưu đúng lúc đúng thời, mà chỉ thấy buồn và lo cho gia đình của nạn nhân phải sống thế nào khi vỡ chuyện.



Sở dĩ tôi buồn và lo, là vì: khi mất đi một lúc những 3 người thân thuộc, hẳn người trong gia đình, dù vững tâm đến mấy cũng không khỏi buồn rầu rồi tưởng tượng: làm sao chuyện ấy lại xảy đến với gia đình mình? Cảnh khó tưởng tượng hơn, khi cứ nghĩ về thân phận của người mất tích, chẳng biết bây giờ sống chết ra sao. Và từ đó, sẽ có cảm giác khá lạ kỳ khi cứ phải tiếp tục sống và sinh hoạt với bạn bè/người thân xa hoặc gần cả vào lúc sự việc vừa xảy đến.



Tôi càng không thể tưởng tượng nổi sự việc lại có thể buồn đến chết được khi thấy gia đình của nạn nhân vụ bắt cóc và cưỡng hiếp kể ở trên cứ phải tiếp tục sống trong chuỗi ngày dài những thê thảm. Trường hợp mẹ ruột của cô bé tên Berry đã phải chết ít năm sau đó vì truỵ tim mạch. Còn người cha của bé em tên là De Jesus lại đã phải cho rọi hình của con gái mình thật lớn để cứ chiều chiều nhìn vào đó mà gọi tên con, mau trở về. Cũng là chuyện buồn thế kỷ khi cuộc sống cứ thế tiếp diễn cách nhạt nhẽo bất kể ai đó có buồn bực hoặc chóng quên đi đến kết cục bằng việc phải trả một giá khá đắt.” (Xem Tamara Rajakariar, Cleveland Abduction Victims’ Lives Changed Forever, MercatorNet 08/5/2013)



Bàn về chuyện buồn, mỗi người bàn mỗi cách, mỗi kiểu. Có kiểu và cách của người nghệ sĩ vẫn cứ hét và cứ gào mãi những câu như:



“Buồn ơi! Thế nhân là thế…

Sao người yêu, vẫn mãi say mê?

Buồn ơi! Yêu đương là thế…

Sao tình ta, cứ mãi đam mê?”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)



“Thế nhân là thế”, tức như thể: “Vẫn mãi say mê”. Say mê đây, không hẳn chỉ mỗi chuyện “cứ mãi đam mê”, mà còn như người nghệ sĩ lại cứ hát thêm:



“Người yêu! Cho ta niềm đau…

Buồn hỡi! cho ta quên đau…

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)



Bàn chuyện “buồn thế kỷ”, người sống ở đời lại có ý nghĩ rất khác biệt. Khác ở chỗ, theo nhà Phật thì “Tứ Diệu Đế” (Sinh, Lão, Bệnh, Tử) vẫn là thứ nhân sinh cũng khá buồn. Muốn thoát khỏi vòng nhân sinh “buồn” này, chỉ có cách là ta đi vào chốn “sắc sắc không không” rất diệt dục, và coi nhẹ cuộc sống như tơ hồng, rồi sẽ thấy. Thấy, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, tợ mây khói.

Thế còn người nhà Đạo mình thì sao?

Nhà Đạo mình, bàn chuyện vui nhiều hơn buồn. Bởi thế mới Kinh có Sách gọi là Tin Vui An Bình hoặc Tin (rất) Mừng. Vui là vui khi “có hai người, ý phục trắng ngời đã đứng bên họ, và nói:



“Các ông, người Galilê,

tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời?

Đức Giêsu đây,

Đấng vừa siêu thăng xa cách các ông,

Ngài sẽ đến cùng một thể như các ông thấy

Ngài đi về Trời.”

(Cv 1: 11-12)



Và, đấng bậc hiền từ còn nói rõ hơn khi ghi chép lời của Thầy mình:



“Thầy để lại bình an cho anh em,

Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.

Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.

Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28

Anh em đã nghe Thầy bảo:

"Thầy ra đi và đến cùng anh em".

Nếu anh em yêu mến Thầy,

thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha,

bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29

Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra,

để khi xảy ra, anh em tin.”

(Ga 14: 27-29)



Thật ra thì, có buồn hay không buồn do có nhiều thứ vẫn đến với ta, vẫn là đời người. Đời người còn rất nhiều thứ để ta sống vui, chứ không buồn. Buồn sao được, khi bậc thánh hiền ở Tin Mừng, vẫn cứ nhắc nhở mọi người sống trong đời “hãy quẳng gánh lo (buồn) đi” mà vui sống, dù cuộc đời mình có đi vào ngay giữa đường hầm, đầy tăm tối.

Hãy cứ vui, bởi lẽ Chúa đã đến và Ngài đang ở gần cận những người khổ đau, sầu buồn, lẻ loi một mình. Chúa đến, như Ngài đã hứa, có Thần Khí Đấng Ủi An Chữa Lành hết mọi sự. Sự thật thì, Chúa đã đến không chỉ có mỗi ngày Hiện Xuống rất “Ngũ Tuần”, nhưng còn là mỗi ngày và mọi ngày. Ngày Chúa đến, Ngài vẫn muốn mỗi người và mọi người hãy tự mình vận dụng mọi khả năng từ trí tuệ đến quan năng xác thể cùng quyết tâm thực hiện mọi điều tốt đẹp khả dĩ chữa lành mọi trục trặc ngoài ý muốn.

Chúa Hiện Đến, bằng cách này hay cách khác, là để thêm ân huệ, quà tặng mà ta vẫn muốn và vẫn xin. Rất nhiều lúc, con người như ta chẳng cần xin xỏ hoặc cầu khấn, nhưng Ngài vẫn biết rõ nguyện ước của mỗi người và mọi người nên Ngài mới sai Thần Khí hiện đến vào và từ lễ Ngũ Tuần để con dân Ngài nhớ mà thực hiện những điều Ngài căn dặn. Có như thế, người người mới mong quẳng gánh lo buồn rười rượi, rất khó bỏ.

Và Chúa đến, để chữa lành mọi sầu buồn của con người như quà tặng “nhưng-không”. Quà tặng ấy là thời gian. Là, sự quên lãng, hoặc cả đến nỗi niềm hưng-phấn sống với những sự rất mới mẻ. Quà tặng Chúa gửi đến, như thể ân huệ chợt đến với những người có nhu cầu cần giải quyết, hệt như truyện kể để minh-hoạ ở bên dưới:



“Truyện rằng:

Một cụ già đầu râu tóc bạc, đi không còn vững, nhưng tinh thần vui tươi, vui vẻ chấp nhận cuộc sống với những thiếu thốn tiền bạc và rắc rối trong gia đình. Người ta hỏi cụ:

- Làm sao cụ có thể an vui như thế?

- Thưa, tôi suy nghĩ và nhìn đời bằng ba cái nhìn.

- Như thế nghĩa là gì?

- Thưa, tôi nhìn lên, nhìn xuống và nhìn ngang.

- Xin cụ giải nghĩa thêm.

- Vâng, trước hết, tôi nhìn lên trời và nhớ rằng công việc chính yếu của tôi là đạt tới Nước Trời. Trên đó cha tôi...đang chờ tôi. Tôi luôn sống thuận theo Ý Trời, Ý Cha tôi.



Rồi tôi nhìn xuống đất, nghĩ rằng tôi sẽ nằm trong đó sau khi chết, một chỗ thật bé nhỏ. Thánh vịnh nói: "3 tấc đất mới thật là nhà"



Sau cùng, tôi nhìn ngang, nhìn đến biết bao nhiêu người đàn ông, đàn bà, trẻ em bên cạnh tôi, trên khắp trái đất này có khi còn nghèo hơn tôi, cực khổ hơn tôi, bị oan ức hơn tôi, thiệt thòi hơn tôi: có người bị cùi, có người bị điên, có người bị bệnh Aids...Tôi còn hơn nhiều người. Tạ ơn Chúa và Mẹ Maria, tôi còn sống đây, chưa phải vào Hỏa ngục.



Ba cái nhìn đó làm tôi sống hạnh phúc, vì tôi biết có Chúa yêu tôi, tôi không than vãn trách móc kêu ca ...như hồi tôi chưa vào đạo Chúa....



"Mọi sự đời này sẽ qua đi, nhưng ai thi hành Ý Chúa sẽ tồn tại muôn đời”



Nói cho cùng, thì hỡi bạn và tôi, ta hãy nhớ cho rằng: dù ta có nhân-cách-hoá “nỗi buồn” cách mấy đi nữa, thì buồn vẫn hoàn buồn. Vẫn chẳng là nhân sinh hay nhân vị để ta cứ ới gọi hay bái chào, rồi kêu gào nhiều trách móc. Chi bằng, ta hãy cùng người nghệ sĩ khác, hát về cuộc đời người bằng những lời khá vui, sau đây:



“Ðừng lau nước mắt,

đừng che tiếng khóc.

Dù nghe đắng cay trong lòng.

Buồn ta cứ khóc,

cần chi phải giấu.

Đời đau có ai thương mình.

Đời tuy nhớp nhúa.

Vẫn gượng cười nhìn ganh đua.

Và chẳng trách hay chê cười.”

(Lê Hựu Hà – Cuộc Đời)



Hát thế rồi, hỡi bạn và hỡi tôi, ta dù có buồn cũng hãy tìm về Lời Chúa để được ủi an, như sau:



“Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy,

thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.

Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa,

bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13

Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin,

thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14

Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

(Ga 14: 12-14)



Vậy thì, chỉ còn một điều rất đáng xin, là: Xin Chúa cho tôi và cho bạn, sẽ mãi mãi tin lời Thầy, tự khắc sẽ hết buồn. Bởi lẽ, Lời Ngài là Tin Vui An Bình, rất ủi an.



Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn mang theo trong người

một quyết tâm tựa hồ thế, mỗi khi buồn.

Nhất thứ là khi cụ bà nhạc mẫu vừa qui tiên,

tròn trăm tuổi.