Paris (Zenit) – Các đan viện vừa bảo tồn những kho tàng của nền văn hóa cổ kính vừa nuôi dưỡng một nền văn hoá mới được hình thành từ nền văn hóa xưa cũ. Đó là phát biểu của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong bài diễn từ đọc trước giới văn hóa cũng như các đại biểu của UNESCO và Liên Hiệp châu Âu.

Trong phần nhập đề của bài diễn từ, Đức giáo hoàng nói rằng ngài muốn nói về “nguồn gốc của thần học tây phương và căn cội của văn hóa châu Âu.” Ngài gợi ý cho biết rằng Học viện Bernadines mới được trùng tu -- địa điểm của cuộc họp hội hôm nay -- là một biểu tượng. Học viện này, trước cuộc cách mạng Pháp, đã là chỗ cư trú của các đan sĩ trẻ. Từ đó, học viện đã trải qua bao nhiêu hình thức sử dụng khác nhau, nhưng cố hồng y Jean-Marie Lustiger, cựu tổng giám mục Paris, đã cho trùng tu lại và dùng làm nơi gặp gỡ của những cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa. Cuộc viếng thăm của Đức thánh cha là buổi chính thức khai trương trung tâm này.

Do đó, ngài đề cập đến vai trò của các đan viện trong nền văn hoá Tây phuơng. Ngài nói: “Từ nhãn quan ảnh hưởng lịch sử của lối sống đan viện, chúng ta có thể nói rằng, giữa những biến cố lớn lao về văn hóa tạo ra do hành động di dân và sự nổi lên của các thể chế chính trị mới, đan viện là nơi những kho tàng quý giá của nền văn hóa cổ kính được lưu giữ, và đồng thời cũng là nơi một nền văn hóa mới chậm rãi thành hình bắt nguồn từ nền văn hóa xưa.”

Tiếp theo, Đức giáo hoàng giải thích cách thức các đan sĩ đã dấn thân vào “nền văn hóa ngôn từ”, bởi vì chính do ngôn từ trong Kinh thánh mà Thiên Chúa đến với con người và con người đến với Thiên Chúa. Ngài giải thích: “Bởi đó, chính qua sự tìm kiếm Thiên Chúa mà các khoa học thế tục đạt được tầm quan trọng của mình, những khoa học này trình bầy cho ta con đường đi đến ngôn từ. Bởi vì sự kiếm tìm Thiên Chúa cần đến nền văn hóa ngôn từ, do đó điều thích hợp là đan viện phải có một thư viện, nơi chỉ ra những con đường đi tới ngôn từ. Cũng thích hợp là phải có một trường học, nơi mở ra những con đường này.[…]

“Đan viện phục vụ “eruditio” (kiến thức), đào tạo và giáo dục con người – một sự đào tạo mà mục tiêu tối hậu là để cho con người học hỏi cách phụng sự Thiên Chúa. Nhưng nó cũng bao gồm cả sự đào tạo về lý trí – tức là giáo dục – qua đó con người học hỏi để nhận thức được, giữa những từ những lời, chính Đấng Ngôi Lời nữa.

Vẻ hùng vĩ

ĐGH Bênêđictô XVI tiếp tục đưa ra lời giải thích sâu xa hơn về nền văn hóa ngôn từ, gồm cả căn tính của nền văn hóa này là một “ngôn từ được chia sẻ.” Ngài nói: “Ngôn từ không dẫn đến một con đường hoàn toàn cá biệt làm chìm ngập trong huyền hoặc, nhưng dẫn tới cuộc đồng hành tìm kiếm đức tin. Ngài suy luận cách thức ngôn từ trong Kinh thánh, đặc biệt nơi các Thánh vịnh, là những ngôn từ Thiên Chúa đã cho con người dùng để đàm đạo với Người. Trong bối cảnh này, ngài đề cập đến vai trò quan trọng của âm nhạc trong kinh nguyện.

Sau đó, nhìn vào tính cách đặc biệt của Kinh thánh, như những cuốn sách trong đó các đan sĩ gặp gỡ ngôn từ, ngài cho biết rằng “Kinh thánh cần đến những lời chú giải, cần đến bối cảnh của cộng đồng từ đó Kinh thánh phát sinh và trong đó Kinh thánh tồn tại. Nói cách khác, có những chiều kích về ý nghĩa trong ngôn từ và nơi những ngôn từ, chỉ được xuất hiện trong phạm vi cộng đồng sống động của ngôn từ phát sinh từ lịch sử này. Qua sự hiểu biết càng ngày càng nhiều về các tầng các lớp khác nhau của ý nghĩa, ngôn từ không mất đi giá trị, nhưng trong thực tế hiện ra với tính cách hùng vĩ và chân giá trị hoàn toàn.”

Nền văn hóa lao động



Sau cùng, Đức giáo hoàng mở rộng suy tư bằng cách nhìn vào “yếu tố thứ hai của lối sống đan viện là “labora” (lao động). Trong thế giới Hy lạp, lao động chân tay được coi như dành cho người nô lệ. Chỉ có người minh triết, con người hoàn toàn tự do, mới hiến thân phục vụ cho những sự việc thuộc về tâm linh […]. Truyền thống Do thái lại khác hẳn: Các vị giáo trưởng lớn cũng đã làm thêm những việc thủ công […]. Đời sống đan viện đã đi theo truyền thống đó; lao động chân tay là yếu tố xây dựng trong lối sống đan viện Kitô giáo […].

“Do đó, những người Kitô hữu tiếp tục truyền thống Do thái giáo lập ra trước đây, chắc hẳn đã cảm thấy được thuyết phục hơn nữa bởi lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Gioan khi Người bênh vực sự làm việc trong ngày Sabbath: “Cha Ta đang làm việc và Ta cũng đang làm việc”. Trong thế giới Hy-La không có một Thiên Chúa đấng tạo thành vũ trụ; dưới con mắt họ, vị thần linh cao cả nhất không thể làm lấm bẩn đôi tay trong việc tạo dựng các vật thể. Việc “tạo ra” thế giới là công việc dành cho một vị thần minh thấp hơn, đó là Demiurge.

Thiên Chúa của người Kitô giáo thì lại khác. Người là Thiên Chúa thực và duy nhất, và cũng là Đấng Sáng tạo vũ trụ. Thiên Chúa đang làm việc và vẫn tiếp tục làm việc trong và trên lịch sử nhân loại […]. Do đó sự lao động của con người nay được coi như một hình thức đặc biệt làm cho con người có hình ảnh giống Thiên Chúa, như một cách thức làm cho con người có thể và được phép chia sẻ vào công việc của Thiên Chúa khi Người sáng tạo thế giới.” Đức giáo hoàng khẳng định: “Do đó, cuộc sống đan viện không chỉ liên quan đến nền văn hóa ngôn từ mà còn đến văn hóa lao động, nếu không có nó, sự trổi vượt của châu Âu, bản chất và ảnh hưởng của châu lục này trên thế giới, là những điều không thể hiểu được.”

Ngài cảnh giác: “Dĩ nhiên, bản chất đó phải bao gồm cả ý niệm rằng lao công của con người và sự hình thành lịch sử phải được hiểu là sự chia sẻ vào công việc của Đấng Sáng tạo, và phải được định giá theo những tiêu chuẩn đó. Nơi nào thiếu sự đánh giá như thế, nơi nào con người vu vơ tự nhận cho mình cái địa vị làm người sáng tạo giống như Thiên Chúa, thì việc hình thành thế giới của con người mau chóng trở thành sự phá hủy thế giới.”