Toàn cảnh tôn giáo tại Hoa kỳ

Washington – Một cuộc nghiên cứu cho biết những phỏng định mới nhất và chi tiết nhất về kích thước và đặc tính dân số của các nhóm tôn giáo tại Hoa kỳ, cho thấy rằng số người theo tôn giáo rất đa dạng và cực kỳ chuyển động.

Diễn đàn Pew về Đời sống Công cộng và Tôn giáo (Pew Forum on Religion & Public Life) hôm 25 tháng 2 vừa qua đã công bố phúc trình đầu tiên về cuộc Thăm dò Khung cảnh Tôn giáo tại Hoa kỳ.

Bản Nghiên cứu dài 148 trang của nhóm Pew được coi là tấm ảnh chụp nhanh toàn diện nhất về các tín đồ tại Mỹ. Nghiên cứu dựa trên cuộc phỏng vấn bằng Anh ngữ và tiếng Spanish với mẫu đại diện của hơn 35 ngàn người lớn ở Hoa kỳ. Những cuộc phỏng vấn, gồm 40 câu hỏi, được thực hiện từ ngày 8 tháng 5 đến 1 tháng 8 năm 2007, cho biết ước lượng về các nhóm tôn giáo lớn nhỏ, và cũng còn mô tả những thay đổi trong việc theo đạo, phân tích sự liên hệ giữa việc theo đạo với nhiều yếu tố khác nhau về dân số, như: tuổi tác, sắc tộc, sinh quán, trình độ học vấn và mức lợi tức, phái tính, thành phần gia đình và nơi cư trú.

Ông Luis Lugo, giám đốc của Diễn Ðàn Pew, đưa ra nhận xét rằng người Mỹ “không chỉ thay đổi việc làm, thay đổi nơi sinh sống, và thay đổi người phối ngẫu, họ cũng thay đổi tôn giáo. Chúng tôi biết chuyện này có xảy ra, thế nhưng nghiên cứu cho chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất.”

Ông cho biết thêm: “Người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy số lượng người Hoa kỳ chuyển từ nhóm tôn giáo này sang nhóm khác – hoặc bỏ không theo đạo nào hết. Cũng sẽ ngạc nhiên về mức độ hình thành khung cảnh tôn giáo tại Mỹ do lớp người di dân gây ra.”

“Chúng tôi hy vọng rằng Bản Thăm Dò sẽ góp phần vào việc hiểu biết rõ rệt hơn về tầm quan trọng của tôn giáo đang ảnh hưởng lên cuộc sống cá nhân và công cộng của hầu hết người Mỹ.”

Sau đây là một số dữ kiện bản thăm dò tìm thấy:

1- Tổng quát: 78.4% người Mỹ theo Thiên Chúa giáo, chừng 5% thuộc các tôn giáo khác và 16.1% không theo đạo nào. Tôn giáo kế tiếp có nhiều tín đồ nhất là Do thái (1.7%). Các tôn giáo khác: Phật (0.7%), Hồi giáo (0.6%), Ấn giáo (0.4%), Đời Mới (New Age: 0.4%).

2- Chuyển đạo: Hơn ¼ người Mỹ đã bỏ đạo mình theo từ nhỏ để theo một đạo khác, hoặc để không theo đạo nào cả. Nếu kể cả số người Tin Lành chuyển từ hệ phái này sang hệ phái khác, thì gần như 44% người lớn tại Hoa kỳ đã chuyển đạo, theo đạo hoặc bỏ đạo.

Số người lớn bây giờ nói họ không theo đạo nào cả (16.1%) gần như gấp đôi con số họ nói mình không theo đạo nào hồi còn nhỏ. Trong số người không theo đạo, đàn ông nhiều hơn đàn bà. Trong số người Mỹ lớp tuổi 18-29, cứ 4 người thì có 1 nói họ không theo đạo nào. Trong lúc đó, đa số người lúc còn nhỏ không theo đạo nay nói họ đang theo một tôn giáo.

3- Tin Lành: Tại Hoa kỳ trước đây người theo Tin Lành luôn luôn có tỷ lệ cao nhất (vào giữa thập niên 1980 các cuộc thăm dò dân số cho biết có 2/3 theo đạo Tin Lành), nay thì chỉ còn 51% (mọi hệ phái), và số người trong lớp tuổi 18-29 chỉ còn 43% xác nhận mình theo Tin Lành.

Tin Lành có sự phân hóa nội bộ nhất, có hàng trăm hệ phái khác nhau, qui tụ lỏng lẻo chung quanh ba truyền thống: Tin Lành Evangelical (26.3%), Tin Lành Chính Thống (18.1%) và Tin Lành Da Đen (6.9%).

Hầu hết những mất mát trong Tin Lành là ở nơi các giáo hội chính thống (Episcopal, United Methodist, American Baptist và Presbyterian). Bản thăm dò ghi nhận sự mất mát này là do tỉ lệ sinh sản, do không có khả năng giữ được lớp người mới sinh sau này ở lại trong giáo hội, và như vậy vấn đề là ở phạm vi gia đình: có con và giáo dục con cái.

4- Công giáo: Số người Công giáo giữ mức ổn định trong những thập niên vừa qua. Tuy nhiên sự ổn định này rõ ràng mất dần đi, vì có một số lớn rời bỏ giáo hội. Trong cuộc thăm dò, có gần 1/3 số người được hỏi cho biết họ không còn là người Công giáo nữa mặc dầu thuở nhỏ được nuôi dưỡng thành người Công giáo. Điều này có nghĩa là gần 10% dân Mỹ trước đây là người Công giáo. Tuy nhiên sự mất mát này được bù lại, một phần vì một số tân tòng, nhưng phần lớn là do những người di dân đến Mỹ (gần ½ số di dân là người Công giáo, hầu hết đến từ các nước thuộc châu Mỹ Latinh). Kết quả là tỷ lệ người nhận mình là Công giáo trong dân số (1/4) vẫn khá ổn định.

Người Latino hiện nay chiếm gần 1/3 số người lớn theo đạo Công giáo ở Hoa kỳ và tỉ lệ này sẽ cao hơn trong tương lai. Trong số người lớn tuổi (70 trở lên) cứ 8 người Công giáo thì có 1 người Latino (12%), nhưng trong lớp thanh niên (18 đến 29 tuổi), cứ 2 người Công giáo thì có gần 1 người Latino (45%).

5- Phật giáo: Trái với đạo Hồi và Ấn giáo, đạo Phật ở Hoa kỳ tạo thành phần lớn do người bản xứ (người da trắng và người cải đạo). Chỉ có 1/3 Phật tử là người Á châu. ¾ số Phật tử là người cải đạo.

6- Địa lý: Vùng Trung Tây, miền Nam, là chỗ tập trung nhiều nhất của các giáo hội Tin Lành Evangelical. Miền Đông Bắc tập trung nhiều người Công giáo nhất. Miền Tây có tỉ lệ cao nhất người không theo tôn giáo nào, gồm tỉ lệ cao người vô thần và bất khả tri (agnostics).

7- Gia đình: Trong số người đã kết hôn, cứ gần 10 người thì có 4 (tức 37%) kết hôn với người phối ngẫu theo tôn giáo khác. Con số này gồm cả các tín đồ Tin Lành kết hôn với một người Tin Lành thuộc hệ phái khác, chẳng hạn một người Baptist lấy một người Methodist.

Số người theo Ấn giáo và đạo Mormons kết hôn rất cao (Ấn giáo: 78%, Mormons: 71%) và thường kết hôn với người cùng tôn giáo (Ấn giáo: 90%, Mormons: 83%). Người Mormons và Hồi giáo là những nhóm có số con đông nhất: 20% người Mormons và 15 % người Hồi giáo có 3 con hoặc nhiều hơn.

8- Giáo dục và lợi tức: ½ số người theo Ấn giáo, 1/3 số người theo Do thái giáo, ¼ số Phật tử có bằng cao học (trong cả nước chỉ có 1/10 số người lớn có bằng cao học). Người theo Ấn giáo và Do thái giáo là những nhóm có lợi tức cao hơn những nhóm khác.

Kèm theo bản báo cáo là các biểu đồ ghi rõ các dữ kiện về phân phối địa lý, sắc tộc, phái tính, giáo dục, lợi tức.

Nhận định của một số nhân vật về kết quả cuộc thăm dò:

1. Luis E. Lugo, giám đốc Diễn đàn Pew: “Không ai thắng ai thua cả. Đó là một thị trường rất ganh đua và nếu anh ngủ quên trên chiến thắng, anh sẽ chỉ còn tên trong lịch sử.”

2. Greg Smith, một trong các nghiên cứu gia của Pew, giải thích: “Không có nhóm tôn giáo nào thắng hay thua trong vấn đề đổi đạo. Nhóm nào cũng vừa thắng và vừa thua trong cùng một lần.”

Thành phần được xem là “thắng lớn” lại không là một tôn giáo, mà là những người không thuộc một đạo nào tại nước Mỹ.

3. Green (thành viên diễn đàn Pew): "Hầu hết chuyện mất mát của Công giáo được bắt nguồn từ những thế hệ người di dân trước, đã đồng hóa vào văn hóa Mỹ, ít trung thành với căn tính và tôn giáo sắc tộc của mình".

4. Mary Gautier, phụ tá nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Hoạt động Tông đồ, trường đại học Georgetown: “Thứ đồng hoá đó là tiêu biểu cho mọi sắc tộc, và nó ảnh hưởng lên mọi tôn giáo, không chỉ riêng Công giáo mà thôi.”

Giáo hội Công giáo đã có thời gian giữ vị trí năng động và thiết yếu. Nhưng đã có những thách đố trong việc duy trì số tín hữu. Kết hôn với người khác tôn giáo, số linh mục ít đi, và thiếu các phương tiện, các cơ sở hoạt động trong giáo hội, là những lý do khiến cho người ta bỏ đi theo đạo khác.

5. Lm Guillermo Garcia, chánh xứ St. Gertrude's Catholic Church tại Bell Gardens và là giáo sư về thần học tại Mount St. Mary's College nói rằng "số lớn người di dân Công giáo làm quân bình thành viên của giáo hội, nhưng “ngay dù họ tới đó, cũng có chiều hướng sẽ mất họ khi sang đến thế hệ thứ hai hoặc thứ ba.”

“Giáo hội Công giáo cần tìm ra nhiều phương cách sáng tạo hơn nữa để vươn tới các cộng đồng. Chúng ta quá là một cộng đoàn chuyên lo phụng vụ. Chúng ta có một số cơ cấu cổ xưa. Chúng ta không dùng các nguồn tài nguyên truyền hình, truyền thanh và Internet cũng như các phương tiện khác.”

6. Linh mục Allan Figueroa Deck, dòng Tên, giám đốc điều hành về tính đa dạng văn hóa cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, không ngạc nhiên về kết quả cuộc thăm dò:

Giáo hội đang bị bỏ lại phía sau. Chúng ta thiếu chiến sĩ.” Giáo huấn của giáo hội theo với thời gian vẫn còn có chỗ đứng, nhưng thiếu các linh mục, thừa tác viên giáo dân để loan truyền Tin Mừng và nối kết có hiệu quả giáo dân với Tin Mừng.”

“Sứ vụ của chúng ta là truyền bá Tin Mừng và chúng ta thiếu sót”.

Ngài giải thích rằng từ “evangelize (rao truyền Tin Mừng) bao gồm cả nghĩa “chuyển đổi trái tim con người và triển dương công lý xã hội.”

Cha Deck đã từ lâu hoạt động mục vụ cho người Hispanic. Ngài nói tiếp: Giáo hội Công giáo cũng đấu tranh để đặc biệt vươn tới các nhu cầu của những cộng đồng thiểu số, như người da màu, người gốc Á và Hispanics. Việc đồng hoá của người di dân vào giáo hội và vào nền văn hóa Hoa kỳ là một sự cân bằng đầy phức tạp. Chúng ta phải rất mực cẩn trọng. Vai trò của chúng ta là triển dương Tin Mừng, chứ không phải một nền văn hoá đặc thù nào, ngay cả nền văn hoá Mỹ nữa.”

7. Linh mục Thomas F. Dailey, O.S.F.S., Giám đốc Trung tâm Salêdiêng về Đức tin và Văn hóa, trường đại học DeSales: Một trong những cảnh báo của bản thăm dò là việc “người không theo tôn giáo nào đa số ở trong lớp tương đối trẻ so với các truyền thống tôn giáo khác.”

Điều này không gây ra ngạc nhiên xét theo các biên giới tương đối thoáng xốp đang bao quanh cuộc sống của người trẻ. Khi mà cuộc sống được thay đổi liên tục – khi cha mẹ thay đổi, khi chỗ cư trú di sang bang khác, khi bỏ công việc để nhận việc tốt hơn, khi các phụ tùng kỹ thuật được thay thế bằng con chip mới – thì sự lựa chọn tôn giáo để theo, hoặc chọn để không theo tôn giáo nào, trở thành một trong những lựa chọn đổi thay trong thị trường cuộc sống.

Người ta có thể lùng sục khung cảnh để nhận thức rõ sức đẩy đàng sau cuộc di tản tâm linh này. Các thay đổi trong phạm vi xã hội học nơi cuộc sống gia đình, sự xung đột về học thuật giữa khoa học và tôn giáo, ý thức toàn cầu về sự đa dạng của tôn giáo, hoặc căn bệnh theo chủ nghĩa tương đối với bất cứ suy nghĩ nào về “chân lý” trong thời đại mới – những điều đó và nhiều thủ phạm khác nữa có thể đưa ra để buộc tội. Nhưng sự thực vẫn tồn tại là người trẻ luôn luôn là những người đi tìm kiếm. Được đem vào lữ hành là cuộc sống, họ tìm tòi, họ hỏi han, họ thắc mắc, họ tìm kiếm điều gì làm cho tương lai mở rộng của họ được ổn định. Sự khác biệt về giới trẻ ngày nay (những người dưới 30, chiếm 1/3 tổng số những người tự nhận là vô thần hay bất khả tri hay không theo tôn giáo nào) là dường như họ đã không tìm được chỗ thả neo thuyền cuộc sống trong một tôn giáo.

Vấn đề, theo tôi ước đoán, nằm ở “tin mừng” mà tôn giáo truyền rao cho thế giới. Sinh viên đại học có khuynh hướng định nghĩa điều này bằng thông điệp tôn giáo nào đưa lại hiệu quả hoặc kết quả tốt; nói cách khác, viễn ảnh của họ cho rằng kinh nghiệm về giáo hội phải là dễ chịu, chắc chắn, vui thỏa hoặc kích thích. Người hướng dẫn về tôn giáo của họ chỉ ra một vị thần linh nào làm cho họ cảm thấy thoải mái. Những nhà giảng thuyết nào làm họ vui thích, âm nhạc làm họ hát theo, chỗ ngồi theo hình vòng cung, cơ sở thì tiện nghi – những điều đó và những điều tinh tế tương tự vội vã làm thành mồi câu để lôi kéo thế hệ trẻ tích cực gia nhập một giáo hội hơn.

Sự lôi kéo như thế nay không còn kết quả nữa (theo như thăm dò của Pew); ngay cả khi dường như có kết quả, cũng không lâu bền. “Tin mừng”, chủ yếu không phải là cảm nghiệm tích cực do tôn giáo đưa lại. Mà có nghĩa là các tin tức về điều làm ta mừng, điều gì là thực và chung cuộc có lợi ích cho con người. Đó là sự hiểu biết có nguyên tắc cách làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Đó là câu giải đáp cho những vấn nạn mọi người đặt ra.

Và tin tức đó, sự hiểu biết đó, câu giải đáp đó thường là một nhu cầu. Nó có chủ định thách đố vì nó là lời kêu gọi chuyển đổi – thay đổi cách suy tư (siêu nhiên hơn là thế tục), thay đổi cách tin tưởng (vào một Đấng Khác hơn là chính tôi), thay đổi cách hành động (làm điều gì tốt theo khách quan và không chỉ điều gì ta ước muốn theo chủ quan). Nếu “tin mừng” này không được gỡ bỏ lớp vải che ra cho các thế hệ tín hữu tương lai thấy, theo đường hướng chú trọng tới khát vọng của họ mà không thoả mãn các ưu tiên của họ, sẽ chẳng còn bao nhiêu điều để kêu gọi cá nhân nào theo đạo.

8. Phó tế Keith Fournier (hãng thông tấn Catholic Online): Kết quả cuộc thăm dò xác nhận tầm quan trọng thiết yếu của điều mà vị Tôi tớ Chúa đã quá vãng là Đức thánh cha Gioan Phaolô II gọi là nỗ lực mới “Truyền bá Tin Mừng”.

Nỗ lực không ngừng truyền rao Tin Mừng và giảng dạy giáo lý này nhằm trước hết giúp các tín hữu Công giáo hiểu và sống đức tin – và sau đó có thể chia sẻ đức tin đó với người khác – đã trở thành một trong những cam kết chính yếu của nhiều giáo phận Công giáo ở Hoa kỳ ngày nay.

9. Richard J. Mouw, giám đốc Chủng Viện Thần học Fuller ở Pasadena: “Dùng khung cảnh Tin Lành làm giả định để tìm hiểu đặc tính của người Mỹ, nay chỉ còn là sự việc trong quá khứ. Chúng ta càng ngày càng là một xã hội đa diện, và người Tin Lành chúng ta phải nghĩ nhiều về cách thức chúng ta góp phần vào ích lợi chung, chỉ như một giọng hát trong ban hợp xướng Mỹ quốc.”

Tuy có sự suy giảm số người tin theo tôn giáo, ông nói tiếp: “Chúng ta đừng vội vàng nhảy tới kết luận rằng chủ nghĩa thế tục đã thắng thế. Nơi những người không theo tôn giáo vẫn còn có rất nhiều sự kiện tâm linh. Tôi thấy đó là một điều thách đố hào hứng.”

“Chẳng hạn nhiều bậc cha mẹ có thể thoả mãn với “lối theo đạo truyền thống”, nhưng cũng biết rõ họ làm cho con cái chán ngấy. Vì thế họ đi tìm một chỗ mà cả gia đình có thể hướng tới. Làm thế có phải là coi tôn giáo chỉ như là một “loại hàng hóa”? Khó mà như vậy được. Đó là một cuộc tranh đấu để tìm ra phương sách giúp ta giải quyết một số trong những vấn đề rất sâu xa và thân thiết trong cuộc sống chúng ta.”

Các biểu đồ kèm theo phúc trình cuộc Thăm Dò Pew

Phân bố theo địa lý

Tôn giáo Đông bắc Trung tây Miền Nam Miền Tây Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 19% 23% 36% 22% 35556
Tin Lành Evangelical 10% 23% 50% 17% 9472
Tin Lành Chính thống 19% 29% 34% 18% 7470
Tin Lành Da Đen 13% 19% 60% 8% 1995
Công giáo 29% 24% 24% 23% 8054
Mormons 4% 7% 12% 76% 581
Chính thống giáo 33% 19% 24% 25% 363
Nhân chứng Jehova 16% 19% 36% 29% 215
Kitôgiáo khác 14% 23% 22% 41% 129
Do thái giáo 41% 12% 26% 21% 682
Hồi giáo 29% 22% 32% 18% 1050
Phật giáo 17% 15% 23% 45% 411
Ấn giáo 29% 13% 32% 26% 257
Tôn giáo khác 23% 20% 26% 31% 449
Không tôn giáo 19% 23% 29% 29% 5048

Phân bố theo tuổi tác

Tôn giáo 18-29 30-49 50-64 65+ Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 20% 39% 25% 16% 34695
Tin Lành Evangelical 17% 39% 26% 19% 9281
Tin Lành Chính thống 14% 36% 28% 23% 7271
Tin Lành Da Đen 24% 36% 24% 15% 1942
Công giáo 18% 41% 24% 16% 7856
Mormons 24% 42% 19% 15% 565
Chính thống giáo 18% 38% 27% 17% 358
Nhân chứng Jehova 21% 39% 25% 14% 207
Kitôgiáo khác 16% 35% 27% 22% 127
Do thái giáo 20% 29% 29% 22% 664
Hồi giáo 29% 48% 18% 5% 1027
Phật giáo 23% 40% 30% 7% 410
Ấn giáo 18% 58% 19% 5% 250
Tôn giáo khác 26% 37% 27% 10% 437
Không tôn giáo 31% 40% 20% 8% 4947

Phân bố theo giới tính

Tôn giáo Nam Nữ Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 48% 52% 35556
Tin Lành Evangelical 47% 53% 9472
Tin Lành Chính thống 46% 54% 7470
Tin Lành Da Đen 40% 60% 1995
Công giáo 46% 54% 8054
Mormons 44% 56% 581
Chính thống giáo 46% 54% 363
Nhân chứng Jehova 40% 60% 215
Kitôgiáo khác 46% 54% 129
Do thái giáo 52% 48% 682
Hồi giáo 54% 46% 1050
Phật giáo 53% 47% 411
Ấn giáo 61% 39% 257
Tôn giáo khác 54% 46% 449
Không tôn giáo 59% 41% 5048

Phân bố theo chủng tộc

Tôn giáo DaTrắng (non-Hispanic) Da Đen (non-Hispanic) Á châu (non-Hispanic) Khác/Pha trộn (non-Hispanic) Hispanic Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 71% 11% 3% 3% 12% 35101
Tin Lành Evangelical 81% 6% 2% 4% 7% 9380
Tin Lành Chính thống 91% 2% 1% 3% 3% 7383
Tin Lành Da Đen 2% 92% 0% 1% 4% 1990
Công giáo 65% 2% 2% 2% 29% 7987
Mormons 86% 3% 1% 3% 7% 571
Chính thống giáo 87% 6% 2% 3% 1% 358
Nhân chứng Jehova 48% 22% 0% 5% 24% 212
Kitôgiáo khác 77% 11% 0% 8% 4% 126
Do thái giáo 95% 1% 0% 2% 3% 671
Hồi giáo 37% 24% 20% 15% 4% 1030
Phật giáo 53% 4% 32% 5% 6% 405
Ấn giáo 5% 1% 88% 4% 2% 255
Tôn giáo khác 80% 2% 1% 13% 5% 436
Không tôn giáo 73% 8% 4% 4% 11% 4955

Phân bố theo lợi tức

Tôn giáo Dưới $30,000 $30,000-$49,999 $50,000-$74,999 $75,000-$99,999 $100,000+ Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 31% 22% 17% 13% 18% 29435
Tin Lành Evangelical 34% 24% 18% 11% 13% 7943
Tin Lành Chính thống 25% 21% 18% 15% 21% 6142
Tin Lành Da Đen 47% 26% 12% 7% 8% 1656
Công giáo 31% 20% 16% 14% 19% 6565
Mormons 26% 21% 22% 16% 16% 512
Chính thống giáo 20% 24% 16% 13% 28% 290
Nhân chứng Jehova 42% 23% 17% 9% 9% 178
Kitôgiáo khác 29% 21% 13% 13% 23% 111
Do thái giáo 14% 11% 17% 12% 46% 520
Hồi giáo 35% 24% 15% 10% 16% 868
Phật giáo 25% 19% 17% 17% 22% 357
Ấn giáo 9% 10% 15% 22% 43% 220
Tôn giáo khác 28% 25% 16% 13% 18% 378
Không tôn giáo 29% 23% 16% 13% 19% 427

Phân bố theo học vấn

Tôn giáo Dưới Trung học Tốt nghiệp Trung học Ít năm Đại học Tốt nghiệp Đại học Hậu Đại học Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 14% 36% 23% 16% 11% 35298
Tin Lành Evangelical 16% 40% 24% 13% 7% 9411
Tin Lành Chính thống 9% 34% 24% 20% 14% 7429
Tin Lành Da Đen 19% 40% 25% 11% 5% 1985
Công giáo 17% 36% 21% 16% 10% 7990
Mormons 9% 30% 32% 18% 10% 578
Chính thống giáo 6% 26% 22% 28% 18% 362
Nhân chứng Jehova 19% 51% 22% 6% 3% 211
Kitôgiáo khác 12% 22% 27% 20% 20% 129
Do thái giáo 3% 19% 19% 24% 35% 676
Hồi giáo 21% 32% 23% 14% 10% 1031
Phật giáo 3% 23% 26% 22% 26% 408
Ấn giáo 4% 12% 10% 26% 48% 253
Tôn giáo khác 7% 25% 28% 18% 21% 448
Không tôn giáo 13% 34% 24% 16% 13% 5009

Phân bố theo gia cảnh

Tôn giáo Kết hôn Ở với phối ngẫu Ly dị/Ly thân Góa Chưa cưới bao giờ Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 54% 6% 12% 8% 19% 35308
Tin Lành Evangelical 59% 5% 13% 9% 14% 9419
Tin Lành Chính thống 57% 5% 12% 11% 15% 7421
Tin Lành Da Đen 33% 6% 16% 11% 34% 1982
Công giáo 58% 7% 10% 8% 17% 8013
Mormons 71% 3% 9% 5% 12% 576
Chính thống giáo 58% 3% 9% 7% 22% 360
Nhân chứng Jehova 53% 1% 14% 11% 20% 213
Kitôgiáo khác 49% 10% 19% 6% 15% 129
Do thái giáo 57% 6% 9% 8% 19% 676
Hồi giáo 60% N/A 9% 3% 28% 1029
Phật giáo 45% 8% 12% 4% 31% 410
Ấn giáo 79% 0% 5% 2% 14% 256
Tôn giáo khác 44% 9% 15% 5% 26% 447
Không tôn giáo 46% 10% 12% 4% 28% 5005

Phân bố theo số con

Tôn giáo Không con Một con Hai con Ba con Bốn hoặc nhiều hơn Số Mẫu
Tổng số Toàn quốc: 65% 13% 13% 6% 3% 35431
Tin Lành Evangelical 65% 13% 13% 6% 3% 9443
Tin Lành Chính thống 70% 12% 12% 5% 1% 7451
Tin Lành Da Đen 64% 15% 11% 6% 4% 1989
Công giáo 61% 13% 15% 7% 4% 8029
Mormons 51% 14% 14% 12% 9% 577
Chính thống giáo 70% 9% 14% 5% 1% 360
Nhân chứng Jehova 63% 16% 11% 6% 4% 215
Kitôgiáo khác 72% 12% 8% 4% 4% 129
Do thái giáo 72% 9% 11% 4% 4% 681
Hồi giáo 53% 13% 19% 9% 6% 116
Phật giáo 70% 16% 11% 3% 1% 411
Ấn giáo 52% 21% 24% 2% 1% 256
Tôn giáo khác 69% 15% 12% 3% 1% 449
Không tôn giáo 67% 13% 13% 5% 2% 5031


Phụng Nghi (tổng hợp)